Thứ Ba, 13 tháng 12, 2011

NGÀY VINH QUY, TIẾN SĨ 322 BỊ CHOÁNG VÀ SỐC

Tiến sĩ 322 bị sốc ngày trở về

 
VNN - Những người đi học tiến sĩ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước (gọi tắt là tiến sĩ 322) khi trở về đã choáng váng với mức lương cũng như cơ chế làm việc ở trường đại học. Nhiều người đã chuyển ra công ty nước ngoài làm việc, mở công ty riêng, hoặc ở lại nước ngoài mà không có ai truy cứu trách nhiệm.

TIN LIÊN QUAN
Du học sinh Việt Nam tại Pháp.
Xong tiến sĩ, lương vẫn thế! 

Nguyễn Hùng, một giảng viên trường ĐH có lịch sử hơn 50 tuổi đời ở Hà Nội cho biết, sau khi làm xong tiến sĩ theo Đề án 322 ở trường ĐH Paris 6 ở Pháp về, anh có cảm giác "khủng hoảng".

Đang từ cuộc sống đầy đủ (học bổng cộng với tiền hỗ trợ từ phòng Lab bên ĐH Paris 6), lúc về nước anh nhận mức lương 2,5 triệu/tháng trong 6 tháng đầu do chưa tham gia nhiều hoạt động khác của khoa. Hiện giờ, mức lương của anh là 3,6 triệu đồng/tháng, không thay đổi so với trước lúc đi học.

Thật may, anh mới được duyệt đề tài nghiên cứu khoa học bằng ngân sách nhà nước do trường tạo điều kiện, đó là lý do anh không có ý định bỏ trường ra đi như nhiều bạn bè mình.

Trong số 5 người bạn cùng đi học tiến sĩ theo Đề án 322 cùng anh, có 3 người đã bỏ môi trường đại học vì không chịu đựng được khoản thu nhập ít ỏi cũng như môi trường làm việc.

Một tiến sĩ Toán bật mí: Sở dĩ nhiều tiến sĩ 322 trở về, vẫn bám trụ ở trường đại học vì họ có cơ hội đi làm thêm, đó là dạy cho các chương trình liên kết quốc tế hay trường quốc tế với mức thù lao từ 400 ngàn đến 600 ngàn/giờ.

Mức thu nhập ngoài của họ có thể lên đến 10 triệu đồng/tháng, cộng với tiền lương ở trường, tiền hướng dẫn luận văn...thì cuộc sống cũng khá ổn. Đồng thời, khoa hay trường ĐH vẫn tạo điều kiện cho họ tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học. 

Thất vọng vì môi trường làm việc 

Tiến sĩ H., đi học bằng học bổng tiến sĩ 322 ngành hoá thực phẩm từ một cơ quan nhà nước, nhưng khi trở về thì cơ quan này giải thể nên được tự do chọn nơi làm việc. Với tâm trạng háo hức, chị quyết định chọn một trường đại học có tiếng ở Hà Nội để mong muốn được cống hiến. Thế nhưng, H. đã thất vọng với cơ chế làm việc và quyết định phải ra đi, làm việc cho một công ty nước ngoài.

Tiến sĩ H. chia sẻ: "Lý do ra đi không hẳn vì mức thu nhập. Tại trường ĐH, mức lương hàng tháng cộng với tiền dạy vượt giờ, tiền hướng dẫn sinh viên, tôi cũng được khoảng 10 triệu đồng/tháng. Đó là một mức thu nhập tốt so với mặt bằng các trường hiện nay. Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng, nếu tôi ở trường như thế này mà không được nghiên cứu, tôi sẽ trở thành "thợ dạy" theo đúng nghĩa. Vì cuộc sống như thế là không hạnh phúc, tôi đã nghỉ dạy."

Chị tâm sự, mặc dù rất muốn đưa ra nhiều cái mới, có ích cho sinh viên nhưng không được chấp nhận. Chẳng hạn muốn cải tiến thư viện cho sinh viên để có nhiều sách tham khảo từ nước ngoài về, hoặc tổ chức cho sinh viên đi thực tế thì bị can ngăn: tự nhiên nghĩ thêm việc để làm gì cho mệt.

Với đề tài nghiên cứu khoa học thì đòi hỏi phải có bài báo đăng ở nước ngoài, trong khi phòng thí nghiệm không chuẩn quốc tế, thù lao cho các thành viên tham gia đề tài quá ít, chẳng hạn như chủ nhiệm đề tài được nhận khoảng 100 ngàn/tháng.

Từ bỏ trường ĐH vì quá thất vọng, tiến sĩ H. cho biết, hoàn toàn không phải vì mức lương, mà môi trường làm việc là cái quan trọng nhất khiến chị ra đi. Hiện nay, làm việc cho công ty nước ngoài, chị học được rất nhiều cái mới, tất cả những sáng kiến được tôn trọng và cổ vũ, mức lương rất tốt nhưng không giàu như nhiều người nghĩ vì phải trừ thuế thu nhập từ 20-30%. 

Tiến sĩ 322 bỏ trường đại học, có lãng phí tiền của dân? 

Hiện tượng nhiều người tốt nghiệp tiến sĩ theo Đề án 322 về nước và không làm cho công ty nhà nước theo như đã cam kết là có thật. Cho tới thời điểm hiện tại, Bộ GD-ĐT vẫn chưa thống kê được con số này.

Ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục đào tạo với nước ngoài cho biết: Từ năm 2000 đến hết 2010, Đề án 322 (sử dụng ngân sách Nhà nước) đã gửi được 4.590 người đi học, trong đó có 2.268 tiến sĩ. Đến nay đã có 3.017 người đã về nước, trong đó có 1.074 tiến sĩ.

Những nhân vật trong bài viết này cho biết, có một số tiến sĩ đi học bằng đề án 322 đã không trở về, hoặc có về thì không làm việc cho trường đại học hay cơ quan Nhà nước như cam kết lúc ban đầu mà không bị bồi thường tiền, vì điều này phụ thuộc vào lãnh đạo của cơ quan cử họ đi học. Nếu thân thiết với lãnh đạo, họ "ỉm" đi là coi như xong.

Trong khi đó, trong thông báo về tuyển sinh sau đại học bằng ngân sách Nhà nước của Bộ GD-ĐT đã nêu rõ: Người trúng tuyển phải cam kết hoàn thành chương trình đào tạo và trở về phục vụ tại các cơ quan cử đi học như đã cam kết, nếu không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc không trở về nước phục vụ sẽ phải bồi hoàn toàn bộ chi phí đào tạo theo đúng quy định của Nhà nước.

Bộ GD-ĐT là nơi ký quyết định cuối cùng cho phép đi học, nhưng việc quản lý tiến sĩ 322 lúc trở về lại do cơ sở cử đi thực hiện, vì thế đã tạo ra kẽ hở lớn về quản lý các tiến sĩ "trở về". Lẽ ra, Bộ phải là nơi đứng ra "xử phạt" nếu tiến sĩ nào không thực hiện đúng cam kết của mình.

Một vị hiệu trưởng bức xúc: Chúng tôi có một tiến sĩ 322 trở về nhưng không đóng góp được gì cho trường, vẫn có hợp đồng dài hạn với trường nhưng cả năm chỉ dạy rất ít, còn lại là làm cho công ty riêng ở bên ngoài. Nhiều người đi học nước ngoài bằng viện trợ ODA cũng vậy, cứ có tấm bằng là chạy khỏi trường đại học, trong khi đó, tiền viện trợ cũng là tiền của dân chứ.

Trên diễn đàn Vietphd.org, một tiến sĩ 322 tốt nghiệp đã tâm sự và muốn nhận lời khuyên của mọi người: "Em vừa hoàn tất chương trình học tiến sĩ theo học bổng 322 và vừa về nước, em nhận được một lời mời rất tốt từ một công ty nước ngoài nhưng dự án thực hiện là cho Việt Nam.

Tuy nhiên, em vẫn bị ràng buộc bởi cam kết với 322. Nếu quay trở lại nơi cũ thì em chắc rằng vài năm sau em sẽ trở thành một người than thân trách phận và bất mãn. Em nên làm gì đây ạ, nói về lý một cách đơn thuần thì đã đi theo 322 thì phải trở về nơi cũ, nhưng nếu thoát ly làm việc cho công ty mới thì có lẽ em sẽ giúp được nơi cũ nhiều hơn rất nhiều sau 5-7 năm nữa".

Theo tiến s Nguyễn Hùng, chính vì có một độ vênh rất lớn giữa đề án cử đi học với việc sử dụng tiến sĩ sau khi trở về đã tạo ra mâu thuẫn trên. Chúng ta có một chính sách tốt là đào tạo tiến sĩ cho các cơ quan nhà nước, các trường đại học nhưng khi họ trở về đã không sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực ấy.

Phải chăng, Bộ GD-ĐT cần tổng kết để xem hiệu quả của đề án đào tạo tiến sĩ bằng ngân sách Nhà nước có lợi cho cái chung nhiều hơn, hay mục đích chỉ để tạo ra những tiến sĩ. Nếu chúng ta không có một cơ chế tốt để sử dụng hiệu quả những tiến sĩ trở về thì họ sẽ tìm cách ra đi, như vậy có lãng phí tiền của dân? 

Tú Uyên 
(tên một số nhân vật đã được thay đổi)
Nguồn: VietNamnet

Nguyễn Xuân Diện: Các em bị choáng và sốc là đúng rồi. Những người sau khi giành được học vị Tiến sĩ hay học hàm Phó giáo sư, cũng không vì thế mà được tăng lương. Lương cứ 3 năm được tăng một lần, không cần phấn đấu, không cần cạnh tranh, chỉ cần không bị kỷ luật. 

24 nhận xét :

  1. OOI, chuyenj thuong ngay o Huyen anh Dien ah. Em day, cung 322 ve, gio xin tam biet Nha nuoc ra lam ngoai nhung van dung chuyen mon da duoc dao tao. Tum lai, van cong hien cho Dat nuoc nhu thuong. Theo e, khong phan biet nhu zay !!! co gi sai dau.

    Trả lờiXóa
  2. Lương TS chỉ có 3.6 Triệu/tháng ? tôi đây 8.7 triệu/ tháng còn thấy nghèo, tháng nào hết tiền tháng ấy ! Không hiểu nổi lương TS lại thấp vậy ! Nhà nước không thay đổi, vẫn để như bài báo phản ánh thì TS sẽ bỏ các Cơ quan Công, mà ra Tư bằng hết thì thôi !

    Trả lờiXóa
  3. Với cơ chế cứng nhắc,đồng sàng, đồng lứa như hiện nay,tôi nghĩ không những chỉ có các Tiến sĩ, mà kể cả các em sinh viên giỏi của các trường đại học cũng vậy.Các địa phương thì cứ kêu gọi các em đem chất xám về xây dựng quê hương,nhưng không có cơ chế,chính sách ưu đãi gì,lương cũng chỉ là 2,34 nhân với 830 như vậy được khoảng gần 2 triệu, vậy thì chủ yếu sống bằng không khí thì lấy sức đâu mà cống hiến.Do vậy các em giỏi thường là chạy ra làm công ty ngoài,hoặc trụ lại làm cho các công ty nước ngoài ,các em giỏi ở các trường đại học danh tiếng thường ít quay về địa phương làm việc hoặc vào các cơ quan nhà nước lương ba cọc ba đồng.Nếu nhà nước không có chính sách riêng để thu hút nhân tài,thì dù rằng họ có làm việc cho cơ quan nhà nước thì tâm và trí họ cũng không dồn hết vào đấy,vì họ còn phải lo cuộc sống,lo cơm, áo, gạo, tiền để nuôi vợ con họ trong thời buổi đắt đỏ này.

    Trả lờiXóa
  4. Ma cung dung thoi, duoc di hoc do tien cua dan, hoc ve thi phai lam duoc cai gi do tra lai cho dan chu. Cu doi hoi "ngoi mat an bat vang" hay sao. Nhung nguoi di hoc cung dieu la con ong chau cha ca. Mot nguoi dan den thi lam gi duoc dung toi khoan tien tai tro nay chu, cha ai lam duoc gi vi dan ca, chi vi quyen loi ca nhan.

    Trả lờiXóa
  5. Mách nước thêm các bạn rằng,mình dù tự mày mò tìm học bổng nước ngoài, được mấy anh tư bản đỏ tài trợ từ A-Z, mình chấp nhận tạm ngưng nhận lương của trường,nhưng ói ăm thay họ bắt vợ mình phải ki một đống cam kết bồi thường sợ mình ở lại. Ấu trĩ ghê!

    Trả lờiXóa
  6. Cái dũng cảm của người lãnh đạo là có dám sử dụng một người có trình độ và được đào tạo bài bản hơn mình không ???

    Lượng muốn biến thành chất thì cũng phải cần điều kiện, môi trường...chứ chẳng thể đương nhiên.

    TH

    Trả lờiXóa
  7. Tôi từng là giảng viên đại học, tốt nghiệp TS đã 2 năm rồi nhưng không về cơ quan cũ vì nhiều lí do:
    1. Nếu về nơi cũ tôi sẽ không được làm công việc mình thích mà phải theo cơ chế quản lý cứng nhắc.
    2. Mức lương 1 ngày của tôi hiện tại cao gấp đôi so với mức lương 1 tháng ở trường ĐH. Tính ra chỉ cần đi làm 1 ngày bên này là nghỉ chơi 2 tháng ở VN được. Sự cám dỗ của tiền lương và so sánh điều kiện làm việc khiến tôi quyết định không về trường ĐH. Nếu ai đó ở địa vị của tôi mà QĐ về trường thì chắc phải điên ở cấp độ nặng lắm. Hoặc nếu không thì anh/chị đó cũng là con ông cháu cha có đường thăng tiến rõ ràng.
    3. Những công việc tôi làm đang cống hiến nhiều hơn cho Việt Nam trong lĩnh chuyên môn của tôi. Nếu về trường ĐH, chắc chắn tôi không có cơ hội cống hiến cho đất nước như thế này.
    Như vậy, cần thay chế độ đãi ngộ, cách sử dụng nguồn nhân lực thì những người đi du học mới có cửa để về

    Trả lờiXóa
  8. Nước Mỹ có nhiều người tài vì nước này từ lâu có chính sách "thu gom" người tài trên cơ sở đãi ngộ hậu hĩnh. Ngay Đức gần đây cũng đã phải có chính sách đãi ngộ để "chiêu hiền, tuyển sỹ" như các chính sách nhập cư cởi mở đối với các chuyên gia. Việt Nam muốn thu hút người tài chắc cũng không có con đường thứ 3 chờ họ (chất xám) tự về (chảy về) mà phải có biện pháp phù hợp. Riêng ai đi học, đào tại bằng tiền nhà nước thì nếu công bằng nhà nước cũng có cách lấy lại trên các cơ sở một hợp đồng "thông minh" mang tính ràng buộc. Tuy vậy "tiên trách kỷ, hậu trách nhân" - nhà nước cũng cần xem lại vì sao người ta không làm đúng vị trí nữa!
    MT

    Trả lờiXóa
  9. Toi lam cho mot doanh nghiep tu nhan von nuoc ngoai hon 10 nam, thoi diem nay nhan luong 1000 usd, tru thue thu nhap con duoc linh ve 19 trieu. Mac du gia dinh chi co 2 con nhung van thang nao het thang ay, khong bo ra duoc de ma cho mua nha. Vay cac em TS ma luong 3,6 trieu ti song bang gi ? co xe may hay thue nha khong ? co lay vo lay chong khong ?
    Theo toi cac ban hay ra ngoai, lam cho doanh nghiep tu nhan hoac nuoc ngoai, neu cac ban gioi thuc su thi thu nhap se chac chan cao hon nha nuoc nhieu lan, quan trong nhat la cac ban khong bi cuon vao vong xoay cua tieu cuc, tham nhung, thoi nat.

    Trả lờiXóa
  10. The moi la VN , chang giong noi nao tren the gioi nay !

    Trả lờiXóa
  11. Theo tôi, muốn một người làm việc hiệu quả nhất thì phải để người ấy tự do chọn lựa công việc và môi trường làm việc. Buộc người đi du học cam kết sẽ trở về làm việc đúng nơi đã gời mình đi là một điều vô lý. Các cơ quan, đơn vị, đại học, địa phương... cần thoàt ra khỏi lối nghĩ cục bộ đó để nhìn ra ích chung toàn xã hội, trong đó bao gồm cả lợi ích của chính mình.

    Tiền tài trợ chẳng phải của riêng ai, đó là tiền thuế của dân. Cho nên các tân tiến sĩ cũng chẳng phải mang ơn hay mắc nợ riêng ai ngoài ƠN DÂN và NỢ NƯỚC.

    Nhân dân có thể thu hồi lại tiền tài trợ đó bằng cách đóng thuế nhập của các tiến sĩ sau khi họ thành tài, dù họ làm việc ở bất cứ đâu. Ngoài ra, chúng ta có thể thiết kế một hình thưc "cho vay dài hạn-trả nợ dần" cách nào đó để tạo điều kiện cho bất cứ ai cũng có thể đi học cao hơn nếu có khả năng và có chí. Tiền đầu tư của dân nhờ thế chẳng mất đi đâu cả mà trái lại, nếu được quay vòng tốt và nhanh, còn sinh lợi lớn lao vì "đẻ" ra thêm các tiến sĩ cho nước nhà.

    Về phía các cơ quan, đơn vị thuộc Nhà nước: thiết nghĩ phải biết "vận hành theo cơ chế thị trường", phải biết "cạnh tranh" với các công ty tư nhân... thì mới giành được người tài về làm việc cho mình.

    Tôi thấy bên Mỹ người ta đã làm như vậy và nhờ thế nước họ tiến rất nhanh.

    Trả lờiXóa
  12. Tớ quen nhiều bạn theo chương trình 322 đang học ở Mỹ và thấy những vấn đề sau:

    - Hầu hết các chương trình tiến sĩ ở Mỹ đều không thu tiền học phí và trả sinh hoạt phí cho nghiên cứu sinh. Vậy tại sao các bạn 322 vẫn cần tiền nhà nước và luôn kêu thiếu tiền? Chỉ có 2 khả năng: hoặc các bạn vào những trường quá kém, hoặc các bạn cứ bình thản nhận tiền của cả 2 bên.

    - Tớ nghĩ cả 2 khả năng đều đúng. Tớ biết một số bạn vào được trường tử tế như University of Connecticut, John Hopkins, Purdue. Những bạn này chắc chắn là được tiền của trường nhưng vẫn vòi thêm tiền của nhân dân, mất gì của mấy bạn đâu. Rất nhiều bạn vào mấy trường lởm khởm như St' John University ở New York. Trường không cần các bạn biết tiếng anh, không cân điểm TOEFL hay GRE gì hết. Trường này có hàng chục bạn 322 theo học.

    - Một tình trạng đáng lên án nữa là các bạn 322 ở Mỹ đều không muốn quay về Việt Nam. Chỉ khi nào hết cửa ở lại Mỹ thì các bạn mới chịu về. Tình trạng này đặc biệt phổ biến mấy năm trước khi quy định về visa của BGD và đại sứ quán Mỹ chưa chặt chẽ. Trong 33 trường hợp chốn lại, mình biết một số bạn. Có thể kể đến như Đỗ Mạnh Cường, admin của diễn đàn 322 và học tiến sĩ ở University of Connecticut, Nguyễn Hoài Nam và một nhóm nữa, học công nghệ thông tin ở John Hopkins. Mấy người này học xong rồi là trợ lý nghiên cứu quèn ở trường để lấy giấy tờ chốn ở lại. Một vài bạn không tìm được việc nên lấy Việt Kiều để ở lại rồi đi lam lằng nhằng tớ cũng biết.

    Mọi người tưởng tượng xem mỗi tiến sĩ học 5 năm, mỗi năm $20,000 tiền học + $12,000 tiền sinh hoạt. Nếu những đồng tiền bị phung phí vào chương trình 322 được dùng để giúp người nghèo hay trẻ em cơ nhỡ, bệnh tật thì tốt biết bao. Thực sự tớ thấy mấy người chốn ở lại không hơn gì mấy kẻ lửa đảo

    Trả lờiXóa
  13. biet sao day, chang le bay gio lai tim duong ra nuoc ngoai lam viec

    Trả lờiXóa
  14. Minh hoc MBA o Singapore bang tien cua dan xong ve nuoc ho xep cho cai chan truong phong cong nghe thong tin, quan ly may cai may tinh cu rich va mot trang web dong bang quanh nam.Hic. Khong ra di moi la

    Trả lờiXóa
  15. Nhà nước cho đi học lấy bằng tiến sĩ là để có kiwns thức về nuớc làm nghiêng cứu - cho cái "cần câu" thôi!.
    Còn về nước lao vào dạy giỗ, làm thêm mà đòi tiền cho nhiều à!?

    Trả lờiXóa
  16. Hoàng Quang: Ẩn danh 21.40 viết còn sai chính tả mà đòi dạy đời kẻ khác. Bạn nêu đích danh người ta như vậy là xúc phạm đời tư và nhân phẩm người khác. Anh Diện không nên để nguyên tên họ tránh đây là diễn đàn đấu tố SV322. Nếu Ngô Bảo Châu (không phải SV322) học xong ở Pháp và về nước thì có giải Field hay không. Tôi không nghĩ chưa về nước liền là sai, là lừa đảo. Phải như TQ, họ không ép SV về sau khi học xong mà khuyến khích về và nếu có ở lại, 5 năm, 10 năm thì nguồn lực khoa học đó vẫn hướng về Tổ quốc. Khi đó, họ có cả tiền và lực (kiến thức) thì sẽ làm giàu cho đất nước hơn. Nếu ai có xem bài phát biểu của Hồ Cẩm Đào khi thăm Mỹ và nói chuyện với SV TQ, ông ấy còn khuyến khích ở lại để tăng cường sức mạnh khoa học, 10 năm sau về vẫn tốt.
    Đầu tư cho giáo dục cũng giống như cung cấp cho SV cần câu để họ tự câu cá và làm giàu cho đất nước. Chỉ có điều sản phẩm họ làm ra hiện nay chưa định giá được. Hàng ngàn sinh viên du học tiến sỹ, mỗi năm sản sinh ra ít nhất vài trăm bài báo mang tên người Việt Nam trên tạp chí thế giới là tài sản vô giá.

    Nếu họ ở lại 5 năm, 10 năm thì được làm cộng tác nghiên cứu với các trường ĐH sẽ tạo ra những NB Châu. Với 1% ở lại thì đó là hạt giống chứ không phải là điều đáng trách.

    Trả lờiXóa
  17. Luu hoc sinh tai CH Phaplúc 11:14 14 tháng 12, 2011

    Tôi cũng đang là lưu học sinh của 322, trong quá trình học, sinh viên bên này hỏi một câu "học xong có được tăng lương không"? Tôi trả lời "không"! Họ hỏi lại "vậy học để làm gì"? Tôi trả lời, để có thêm kiến thức và có thể làm việc tốt hơn. Họ cười và không tin được mức lương mà tôi nói.Tôi công tác trong ngành giáo dục được gần 10 năm và mức lương khoảng gần 3 triệu/tháng (hệ số 3,3 ngạch nghiên cứu viên). Tôi băn khoăn trước khi chuẩn bị về nước rằng,đi học bằng tiền của nhà nước thì có trách nhiệm làm việc tại cơ quan đã cử đi, nhưng mặt khác, làm thế nào để sống và yên tâm theo nghề được!!!. Không ai muốn phải "chân ngoài dài hơn chân trong". Nhưng cơ chế hiện nay tại các cơ quan nghiên cứu, không ít hoạt động là theo nhóm, êkip với nhau, người đúng chuyên môn chưa chắc được tham gia nếu không cùng êkip đó. Vậy nên, có người buộc phải tìm thêm công việc bên ngoài để đảm bảo cuộc sống.
    Một vài tâm tư chia sẻ cùng quí vị, và những ai đang đi học bằng ngân sách của Nhà nước.

    Trả lờiXóa
  18. Hoàng Quang: Chuyện du học sinh (DHS) 322 về nước nhưng không được tạo điều kiện làm việc phù hợp và chuyện lương bổng là vấn đề nhức nhối và nhiêu khê. Tôi có biết một người DHS 322 học MSc tại Úc sau đó dành HB quốc tế học TS tại ĐH Cornell, Mỹ. Học một mạch xong TS và hào hứng về nước để phục vụ. Sau hơn hai năm, anh ta ê chề và phải quay lại Mỹ. Chuyện thế này, kể ra cho các bạn rõ: Ban đầu anh về, với kiến thức thu thập được tại Úc và Mỹ cùng với 4 bài xuất bản trên tạp chí uy tín, anh xây dựng một đề cương nghiên cứu quản lý đất trồng bằng GPS. Anh đã lôi kéo được các giáo sư tại hai trường ĐH bên Mỹ tham gia. Tất nhiên, họ sẽ tài trợ kinh phí nghiên cứu bằng đô la Mỹ. Sau khi đề cương được các GS Mỹ chấp thuận, anh gửi đơn xin chính quyền và lãnh đạo. Lãnh đạo thì nghe thích nhưng chính quyền nghe dùng GPS lại phán một câu xanh rờn rằng thôi đừng rước mấy ông gián điệp đó vào. Thất vọng não nề khi phải viết thư hoãn dự án với các GS người Mỹ mà anh đã dày công xây dựng đề cương cũng như thuyết phục GS tài trợ cho nghiên cứu. Việc đó qua đi, để lại cho anh sự hụt hẫng nhưng anh không nản. Anh quay qua xây dựng đề cương quản lý đất đồi Tây Bắc để xin ngân sách nhà nước. Đề cương làm ra nhưng chờ hoài không ai duyệt. Với kiến thức đó, anh ta dùng nó thuyết phục người nước ngoài họ chịu chi tiền làm nhưng khi xin ngân sách, các sếp nhà mình không tin điều đó có lợi và "ngâm tôm". Trưởng phòng thì thấy anh không tìm được đề tài nên cho ngồi chơi xơi nước. Làm cho anh nản, và để xem chú mày đi nước ngoài về có làm hơn anh là TS trong nước không nhé. Ăn lương cơ bản thì chỉ đủ cà phê và xăng xe. Vợ anh nhăn nhó suốt ngày, TS Mỹ gì mà không đem về cho vợ được đồng lương. Có thể theo tôi đoán, anh TS ngoại không biết cách chạy dự án (đoán vậy). Và đúng như vậy, sau hơn hai năm, anh chán đến tận óc và anh lại xin đi học postdoc (sau TS). Anh nói đùa, chỉ có đi học thôi.

    Trường hợp của tôi, sau khi TN ThS về, sếp cho tôi chui vào phòng Hành chính, suốt ngày đọc công văn và trả lời công văn và nghe điện thoại cho dù phòng nghiên cứu thiếu người cầm trịch. Khi nghe tôi kể chuyện tôi phải làm bên phòng hành chính, thầy tôi nói ông sẽ viết thư cho sếp tôi, để tôi làm nghiên cứu. Nhưng sếp tôi vẫn không thay đổi. Chán, lại PHẢI xin đi học tiếp. Chỉ có đi học mới được nghiên cứu. Nhưng quả thực, già rồi (tôi bằng tuổi anh Diện) nói học là mệt lắm rồi nhưng nói thiệt, học cực còn hơn ngồi làm những công việc vừa không phải chuyên môn, vừa tẻ nhạt của phòng Hành chính.

    Trước đây, lúc học ThS ai nói ở lại tôi cương quyết từ chối và chỉ trích người có ý ở lại nhưng bây giờ, bản thân tôi không nói không muốn về nhưng ở đâu có điều kiện nghiên cứu thì cứ tạm thời làm ở đó nếu mình đủ tài để xin vào. Nếu làm được tại các cơ sở nghiên cứu của nước ngoài thì chúng ta tìm cách gắn kết các nghiên cứu đó với cơ quan của mình để vừa có kinh phí cho anh em trong cơ quan, vừa đưa kết quả nghiên cứu của ta lên tạp chí quốc tế và vừa tạo nguồn thu cho ngân sách. Thậm chí, Tôi thấy các GS bên này rất thích đưa các nghiên cứu của trường về với các đơn vị nghiên cứu của ta ở VN thông qua các NCS. Tuy nhiên, bản thân tôi có chút lo lắng khi đồng ý đưa nghiên cứu của luận án NCS của mình về VN vì cán bộ nghiên cứu của ta hay nặng chuyện tiền bạc mà ít chú trọng kết quả, trong khi mình không thể về thường xuyên và sợ bể đề tài. Đó là cách hay nhất sinh lợi đôi bên cho DHS và nhà nước. Đừng vì 1% ở lại (mà tôi nghĩ đó là hạt giống để sản sinh ra những NB Châu) mà làm ảnh hưởng đến chương trình đào tạo nhân lực đã vận hành suôn sẻ hơn 10 năm nay.

    Trả lờiXóa
  19. Ôi, nhiều cái nản lắm. Em cũng đang làm TS đây. Năm nay em có tin mừng, lương của em được tăng lên 1 chút 200.000/tháng. Nên với 40% lương thì vợ ở nhà vẫn có chút đỉnh mua sữa cho con ăn

    Trả lờiXóa
  20. http://vnexpress.net/gl/ban-doc-viet/2011/12/dung-lam-chet-nhung-hat-giong-tai-nang/

    Trả lờiXóa
  21. Toi cung la cuu DHS va hoc xong duoc moi lai lam giang vien Dai hoc o mot truong lon. Moi nam toi thuong giup do tim hoc bong va gioi thieu sinh vien sang hoc, dong thoi keo cac dong nghiep nuoc ngoai ve lam hoi thao, de tai nghien cuu o Vienam. Rat may la lanh dao o co quan Vietnam cua toi la nguoi tung hoc Master va Phd o nuoc tien tien o nuoc ngoai nen tam nhin rat xa. Tham chi, co lan toi thu dat van de la toi xin quay ve, lanh dao noi chua nen ve bay gio, va giai thich la neu toi o lai con giup do co quan nhieu hon toi o nha.

    Trả lờiXóa
  22. Ở Việt nam có hai Chính quyền phải nuôi bằng tiền thuế của dân. Một chính quyền bên UBND, một bên Đảng từ địa phương lên Trung ương tương đương như bên Chính quyền. Trên thế giới thì tiền thuế của dân chỉ nuôi một chính quyền thôi.
    Vậy thì tiền thuế của dân bị tiêu nhanh gấp đôi, lương của công chức phải thấp đi.

    Trả lờiXóa
  23. "Mọi người tưởng tượng xem mỗi tiến sĩ học 5 năm, mỗi năm $20,000 tiền học + $12,000 tiền sinh hoạt. Nếu những đồng tiền bị phung phí vào chương trình 322 được dùng để giúp người nghèo hay trẻ em cơ nhỡ, bệnh tật thì tốt biết bao. Thực sự tớ thấy mấy người chốn ở lại không hơn gì mấy kẻ lửa đảo "

    Toi thay ban het suc au tri. Nhieu khi ve VN phuc vu khong bang o lai My roi co coi hop giup dau ban a. Hoc xong ban duoc gi? Mot mo kien thuc ly thuyet, kinh nghiem khong, thuc te khong. Cai nguoi ta can la nhung kien thuc thuc te, nhung y tuong moi, cong nghe moi... khong phai mang may thu trong sach vo ve. Nhung nguoi o lai den mot luc nao do ho ve ho mo cong ty dich vu hoac mot thu gi do , ke ca ho o lai My, con tot gap tram lan o lai Viet Nam. Minh co ong ban hoc 322 ve roi cung di nhay cong ty lam nhan vien kinh doanh nhu bao nguoi khac, vay hoc de lam gi? Tha bang dung may nguoi hoc o trong nuoc con hon.
    Anyway, suy nghi cua ban rat au tri, khong hieu ban con o My hay ve roi.
    Qua thuc thuong DHS chon o lai My nhung thu nhin lai moi truong o VN xem: Moi truong lam viec sao, xa hoi the nao, cach con nguoi doi xu voi con nguoi ra sao, thuc an, thuc pham..., bon toi ve lieu co thay doi duoc gi khong hay bi guong may cuon di, bon toi phai thay doi theo hoc bi nghien nat neu muon chong lai?
    Hay hoc theo trung quoc, ke ca nhung nguoi o lai, hai ba chuc nam sau, can mot lan ho giup, cung se tot hon nhieu so voi ve VN ma lam nhu mot nguoi binh thuong khong can di hoc

    Trả lờiXóa
  24. Thêm thông tin từ người được đào tạo: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/dien-dan/53430/tien-si-322--goc-nhin-phap-ly---.html

    Trả lờiXóa