Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

TRẦN MẠNH HẢO: SỰ MẶC KHẢI CỦA THI CA

Sự mặc khải của thi ca
Trần Mạnh Hảo

I. Thi ca - giấc mơ về tuổi thơ nhân loại: 

Kinh Thánh không chép được lời của Eva xui Adam ăn trái cấm. Chỉ biết rằng khi đôi môi ma túy của nàng ghé sát vào tai chàng, chợt cơn thèm ăn trái cấm bùng vỡ trong cuống họng chàng, bất chấp lời răn đe chết người của thần linh. Mắt Adam chỉ nhìn thấy trái cấm trong y phục lõa thể của tòa thiên nhiên tuyệt mỹ. Chàng đã hành động chiều theo ý người đẹp, để chia tay sự bất tử, đồng thời nhận lấy tình yêu và cái  chết. Có lẽ, lời thì thầm của Eva khuyên Adam ăn trái cấm hôm đó là bài thơ đẹp nhất  của nhân loại? Vì vậy người đời đã gọi thi ca bằng cái tên diễm lệ: Nàng Thơ.

Thi ca và tình yêu do đó đã được sinh ra đồng thời với niềm xúc cảm tuyệt vời của ngôn từ, thông qua tiếng nói linh thiêng  của Eva, đánh thức trái tim gỗ đá Adam, khiến nó phát lộ đam mê cùng tận. Nếu phẩm hạnh của triết học là hoài nghi, của tôn giáo là đức tin, thì phẩm hạnh của thi ca là rung cảm và mơ mộng. Thi ca và tình yêu đều được phát nguyên từ cội nguồn trái tim con người, thông qua hình tượng và ngôn ngữ. Chừng như sự xuất hiện tiếng nói trong vườn Eden còn quan trọng hơn sự hiện diện của Thượng Đế.

Bởi vì trong buổi bình minh của nhân lọai, tiếng nói cũng được đồng nghĩa với thần linh. Eva và Adam cùng dắt tay nhau, một bàn tay nàng vịn vào tình yêu, một bàn tay chàng vịn vào thi ca, trả lại Thượng Đế sự bất tử để đi về phía mồ hôi, nỗi thống khổ, khoái lạc và cái chết có tên là trần thế. Từ đó, thi ca là giấc mơ của con người luôn luôn khao khát tìm về thời ấu thơ của mình trong vườn địa đàng ký ức. Nơi đó, con người sống chung với thần linh trong gia đình vũ trụ. Nơi đó, như kinh Veda mô tả, con người không thể và không muốn phân biệt mình với một đám mây, con bò hay thần thánh. Tất cả là nhất nguyên đơn sơ mà kỳ lạ, lắng đọng mà riêng rẽ, hài hòa mà phân thân .

Kinh Cựu Ước nói rằng Thượng Đế đã sáng tạo ra con người theo hình ảnh của mình. Điều này phải nói ngược lại mới chính xác. Sự sáng tạo ra khái niệm Thượng Đế là sự sáng tạo vĩ đại nhất của con người để tháo bỏ cái lốt cuối cùng của dã thú, sau khi tiếng nói và tư duy xuất hiện. Chính ý thức đã ném con người vào vũ trụ cô đơn, khiến nó sợ hãi vô cùng trước hư vô và cõi chết.

Để có một cứu cánh, một nơi bấu víu cuối cùng vào thế giới trơn tuột này, con người đã rất thông minh khi sáng tạo ra người bạn vĩ đại toàn năng theo hình ảnh của mình, như cái phao trên biển cả để vượt thoát nỗi cô đơn và cái chết. Người bạn đó, cái phao cứu hộ đó có tên là thần linh. Thiêng liêng hóa hình ảnh của mình là bước tiến nhân bản nhất của khởi nguồn nhân loại. Có thể nói, thần linh đã được sinh ra trong cảm hứng thi ca, trong rung cảm cô đơn tột cùng của con người. Ngay cả khi con người đã thoát khỏi đa thần giáo, Thượng Đế của các tôn giáo hầu như đều là đứa con sinh đôi đồng thời với thi ca .

Apollon, vị thần thi ca uy quyền vào loại bậc nhất trong thần thoại Hi Lạp là hứng khởi của chiến thắng trừ cha mình là thần Zeus. Apollon có mặt trong hầu hết sự sáng tạo nơi đỉnh Olempo, tham dự vào mọi xúc cảm của vũ trụ và con người. Chừng như chính Apollon đã hóa thân vào Homère để sáng tạo ra thiên anh hùng ca Iliade và Odyssée ? Thi ca hay là sự huyền ảo của tuổi thơ nhân loại, một lần nữa, đã được một người trần mắt thịt là Homère đưa trở lại vườn Eden Hi lạp.

Ở đó, nhờ thi ca, thần linh được sống kiếp con người với tất cả bản năng nguyên thủy, với vẻ đẹp của đam mê, khoái lạc và tội lỗi. Có thể ngày nay thần linh đã rời bỏ đỉnh Olempo huyền thoại, nhưng thi ca đã không rời bỏ con người. Thi ca đã hóa thân thành nàng Pelenop,luôn luôn biết cách đợi chờ niềm thi hứng của con người, như đã từng đợi chờ chàng Odyssée trở về từ cuộc lãng du thần thoại. Từ độ con người chia tay với Thượng Đế, đi theo tiếng gọi của tình yêu và nỗi chết trong cuộc trưởng thành thống khổ của nhân loại, nó luôn tìm cách trở lại tuổi thơ của mình, trở lại vườn địa đàng tìm lại trái cấm thuở ban đầu ngon ngọt. Cuộc hành hương mơ mộng ấy có tên là Thi Ca . 

II.Thi ca hay là sự cứu rỗi của cái Đẹp. 

Trong cuốn “Thi Pháp”, Aristote đã gọi khoa học, nghệ thuật, trong đó hàm chứa cả khái niệm nguyên thủy linh hồn và Thượng Đế bằng một cái tên rất khải thị là Thi Ca. Chừng như khái niệm Thi Ca của Aristote có nét gì đó hao hao với khái niệm Đạo của Lão Tử, mặc  dù chữ Đạo của Lão có phần căn nguyên và rốt ráo hơn. Triết học, nói cho cùng đã được giáng sinh trong máng cỏ ấm nồng của niềm hứng khởi thi ca. Vũ trụ được gói trong một chữ Dịch của Khổng Tử hay một chữ Đạo của Lão chỉ có thể đi vào tâm trí con người bằng niềm xao xuyến thi ca. Ngay cả thế giới ý niệm duy tâm của Platon cũng phải thông qua hình ảnh ngôn từ,trong nỗi xúc cảm dù thoáng gợn lăn tăn của thi ca. Có thể mượn lời của Socrate nói về mình để nói về thi ca: “Mẹ tôi đỡ đẻ cho những sản phụ,tôi đỡ đẻ cho những bộ óc .”

Thi ca – bà đỡ kỳ diệu của triết học, đã tìm ra phép cắt rốn cho niềm siêu hình tăm tối, khiến cái tưởng như già cỗi nhất, khô cằn nhất biết cất lên tiếng khóc non tơ chào đời trong ánh sáng của suy tưởng và xúc cảm. Vì vậy, chúng ta dễ giải thích vì sao nền văn minh Trung Hoa được khởi nguồn bằng bộ Kinh Thi vĩ đại. Hầu hết các nền văn minh đều được sinh thành từ nguồn sữa Thi Ca. Văn mimh Hi Lạp bắt đầu từ thần thoại của thần thi ca Apollon và nữ thần Athena, vị thần của văn học và điêu khắc. Văn minh Do Thái khởi phát từ các chương Thi Thiên trong Cựu Ước. Trường ca Veda là nền tảng cho nền văn minh bí ẩn Ấn Độ .

Đức Phật, Chúa Jésus hay tiên tri Mahomet… nói cho cùng đều là những nhà thơ lớn vào bậc nhất nhân loại. Khởi nguồn, thông qua sự mặc khải thi ca, tôn giáo đã tìm đến con người với đôi tay bè bạn, với tiếng nói của tình nhân, với niềm an ủi sẻ chia hơn là niềm cứu rỗi. Tôn giáo mượn con đường thi ca để con người tìm ra đối trọng trước hư vô, đặng hoá giải cái chết, mang đến cho cái chết xiêm y trần gian xúng xính và một bộ mặt đầy thiên giới, do đó cũng đầy nhân tính hơn. Tôn giáo đã dùng thi ca làm đôi cánh để đưa con người bay qua vực thẳm cô đơn, giúp con người có thêm người bạn đồng hành Thượng Đế. Người bạn siêu phàm kia cũng chính là sự hoá thân của con người thông qua xúc cảm thi ca đầy mộng mơ và lãng mạn.

Nếu triết học đi tìm sự khôn ngoan, tôn giáo đi tìm thần linh thì thi ca đi tìm cái Đẹp. Chiến tranh, cuồng tín, dịch bệnh, thiên tai…hàng mấy nghìn năm qua đã đe dọa cái Đẹp của con người bằng sự dung tục hóa, bằng lòng tham và thù hận, nhưng không tước đọat được niềm mộng mơ đầy thi vị của nhân loại.

Bởi vì thi ca chính là hài nhi trong máng cỏ loài người, là sự hồn nhiên nhất của tuổi thơ nhân loại còn sót lại. Nếu đứa trẻ con ấy không còn, thì đôi mắt ngây thơ của loài người cũng biến mất, đồng thời cái Đẹp cũng biến mất. Nếu triết học là sự già giặn, là ông lão của con người thì thi ca càng cần phải giữ lấy tính trẻ con của nhân loại. Người Trung Hoa đã nhìn ra điều đó nên gọi Tạo Hóa là hóa nhi. Vì mãi giữ được sự trẻ con như vậy, nên Tạo Hóa chính là nhà thơ vĩ đại nhất đã sáng tạo ra vũ trụ và con người trong niềm thi hứng vĩnh cửu, rồi truyền cho con  người xúc cảm thi ca khởi nguồn mọi sáng tạo ấy. Chính vì vậy, cái Đẹp đã được thi ca cứu chuộc trên cây thập tự của xúc cảm ngôn từ . 

III. Thi Ca trong đời sống tâm linh người Việt. 

Trong lịch sử thi ca thế giới, hiếm thấy tác phẩm nào đi sâu vào đời sống tâm linh con người như Truyện Kiều của Nguyễn Du đối với dân tộc Việt Nam. Hiện tượng bói Kiều của người bình dân đã chứng tỏ vai trò của thi ca trong đời sống xã hội thật to lớn, mặc dù Truyện Kiều mới xuất hiện trên hai trăm năm nay. Chừng như Thi Ca đã mượn Nguyễn Du để cài vào mỗi câu, mỗi trang Kiều toàn bộ bí ẩn của đời sống với sự mặc khải về một tôn giáo mới-tôn giáo của cái đẹp. Trong hố thẳm tuyệt vọng, thi ca đã để sẵn một bàn tay dìu dắt.

Trong trái cây đau khổ, thi ca là cái nhân cựa quậy một niềm vui rón rén nảy mầm. Bằng hai bàn tay may rủi, con người tìm cách bấu víu vào mỗi câu Kiều như bấu víu vào ánh lửa le lói trong chính tâm hồn mình, đặng nhờ thi ca mách bảo những điều mà thần linh không thể mách bảo. Thi ca tìm đến với con người không phải bằng nỗi sợ hãi thần thánh của tôn giáo mà bằng niềm tri âm tri kỷ rất tình nhân, an ủi mà không thương hại, trìu mến mà không ban phát, say đắm mà không cuồng dại. Cái đẹp nơi Truyện Kiều không chỉ cần được giải mã bằng tiếng kêu thương, bằng niềm khắc khoải, mà còn cần được giải mã bằng đức tin và niềm hi vọng .

Người ta chắp tay để: “Lạy ông Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều…” như là để lạy chính nỗi thống khổ của kiếp người, lạy sự chịu đựng, sự hi sinh, thậm chí yếu đuối thiệt thòi của cái thiện, lạy cái phần bị đày ải nhất của nhân sinh. Ở nơi đó là “thập loại chúng sinh”, cái gốc của cái đẹp nâu sồng mà mimh triết,giản dị mà bền vững. Do vậy, chúng ta hiểu vì sao thi ca có lúc đã biến thành kinh kệ trong đền chùa miếu mạo như trường hợp “văn tế thập loại chúng sinh” của Nguyễn Du và của một số nhà thơ khác.

Trước khi tam giáo được truyền vào Việt Nam,thi ca đã xuất hiện cùng với tuổi bình minh của dân tộc. Nền văn chương truyền miệng với ca dao tục ngữ đã làm nên dấu ấn tâm hồn Việt Nam, tạo nên bản sắc thẩm mỹ của đời sống tinh thần dân tộc. Trong chừng mực nào đó, thi ca với gương mặt ca dao tục ngữ là nơi ký gởi ký ức và kinh nghiệm nhân sinh của cộng đồng, đồng thời thi ca còn đóng vai trò như những câu kinh trong tôn giáo, giúp con người có cơ hội tìm lại hình ảnh mình trong đời sống tâm linh, thông qua nỗi xúc cảm và vẻ đẹp của thế giới trong tư duy , trong ngôn từ. Sự sáng tạo ra thể thơ lục bát trong ca dao phải chăng là sự sáng tạo kỳ vĩ nhất của thi ca dân tộc, là nhịp đưa nôi của tuổi thơ Lạc Việt, là tiếng ầu ơ của của mẹ Âu Cơ, của biển ru bờ.

Nhịp thơ sáu tám dường như cũng đưa đẩy, gập ghềnh, trầm bổng theo vận nước nổi trôi, theo dáng hình tia chớp của một đất nước mà lịch sử luôn giành cho những con đường khúc khuỷu, cam go. Cái hồn nước đã được thi ca gởi gắm trong lục bát ca dao, may mắn thay thế hệ chúng ta vẫn còn giữ được, mặc những hò hét hiện đại chủ nghĩa, mặc những dòng thơ lai căng tây hoá giả cầy. Cái hồn lục bát ca dao mới mẻ mãi mãi kia chính là của ăn đường, là vốn liếng của hành trình thi ca dân tộc. Nó được lời thêm, giàu thêm bởi Nguyễn Du, Nguyễn Bính, Huy Cận…Nó rung động ngay cả niềm tin tôn giáo của dân chúng trong điệu hát chầu văn nơi đình chùa lễ hội, khơi dậy niềm vui sống trong làn điệu chèo, quan họ, ví dặm hoặc hát đúm. Lục bát như sợi dây lạt buộc lời giao duyên, buộc liền anh vào liền chị, buộc bộ tộc Lạc Việt vào mảnh đất hình chữ S này trong niềm đa cảm của nền văn minh lúa nước .

Dân tộc chúng ta đã tiếp nhận Phật giáo, Nho giáo,Đạo giáo thông qua đôi mắt hồn nhiên, mơ mộng, thông qua một tâm hồn thi sĩ. Tôn giáo được truyền vào nước ta không chỉ có niềm tin siêu hình, mà còn cả nét tinh hoa của văn hoá Trung Hoa và Ấn Độ . Phật giáo được kết hợp với triết học đầy thi hứng của Lão Trang truyền qua nước ta sau khi đã được truyền trực tiếp từ Ấn Độ. Từ thiền phái của nhà sư Tây Trúc Ti-ni-đa-lưu-chi đến thiền phái của nhà sư Trung Hoa Vô Ngôn Thông đã tạo ra thiền tông Trúc Lâm Trần Nhân Tông, Tuệ Trung Thượng Sỹ chính là công cuộc Việt hoá thiền tông trong cảm xúc thi ca bí ẩn của đời sống tâm linh dân tộc. Thiền,hay chính là thi ca được cô tịch trong tột cùng im lặng ? Cuộc đi tìm Niết Bàn trong mỗi tâm hồn con người hoá ra lại thông qua niềm hứng khởi thi ca, thông qua xúc cảm về cái đẹp hằng sống trần gian hơn là đi tìm chỗ bấu víu trong hư không thăm thẳm. Hầu hết các nhà sư thời Lý đều là những nhà thơ thiền như Không Lộ thiền sư, Mãn Giác thiền sư…Phật giáo thông qua đôi mắt ngơ ngác huyền ảo Lão Trang tạo tiền đề cho Thiền xuất hiện, được truyền qua Việt Nam trong tinh thần thực tiễn thâm sâu Nho giáo, kết hợp với cái mộc mạc hồn nhiên, dân dã, giản dị và chân thành Giao Châu, tạo ra hàng loạt nhà thơ, những người hướng dẫn tinh thần dân tộc như: Pháp Thuận, Ngô Chân Lưu, Vạn Hạnh, Lý Công Uẩn, Lã Đinh Hương, Lý Phật Mã…Thi ca đã biết cách cư trú nơi chùa chiền miếu mạo không phải trong vai trò tín đồ hay sư sãi, mà là biểu hiện của cái Đẹp, là nét xao xuyến trần gian ngay trong lòng siêu hình hư tưởng .

Thi ca – con đường sương khói dẫn đến đời sống tâm linh con người, là con thuyền chở Đạo, đồng thời cũng biết cách biến mình thành phương tiện tự vệ khi cộng đồng lâm nguy. Huyền thoại về bài thơ “Thần” của Lý Thường Kiệt trên phòng tuyến sông Như Nguyệt đã chứng tỏ vai trò, sức mạnh của thi ca trong cuộc đánh bại quân xâm lược qủa là to lớn. Suốt hành trình lịch sử, khi có giặc, thi ca đã thành vũ khí, thành tiếng kèn xung trận. Khi hòa bình, thi ca tham gia vào đời sống đạo hạnh, gìn giữ thuần phong mỹ tục khi Nguyễn Trãi soạn “Gia huấn ca”, Lê Thánh Tông tức cảnh sinh tình, mượn thi ca mà an dân trị quốc …Thi ca tham gia vào mọi hoạt động của đời sống xã hội, gia đình và cá thể. Cuộc sống dù cực nhọc chừng nào cũng phải giữ lấy chất thơ của nó, như giữ lấy cốt cách mộng mơ dân tộc .

Cũng như bao đất nước khác trên hành tinh, đất nước chúng ta bao giờ cũng vẫn là một đất nước thi sỹ. Thi ca đã xuất hiện đồng thời với tiếng Việt, đã song hành với mọi thăng trầm lịch sử, đã góp phần to lớn trong sự hình thành bản sắc văn hóa và nền tảng tinh thần dân tộc. Nhiều người lo sợ cho sự tồn tại của thi ca trước sự xâm lăng toàn diện của chủ nghĩa thực dụng thời kinh tế thị trường khắc nghiệt này. Không, thi ca vẫn là dòng nước ngầm nuôi dưỡng sự xanh tươi trong đôi mắt hồn nhiên ngơ ngác của dân tộc. Thiếu đôi mắt hồn nhiên kia, thi ca có thể sẽ ra đi cùng với sự ra đi của ngôn ngữ. Nhưng thảm hoạ ấy sẽ không bao giờ xảy ra, khi thi ca mãi mãi giữ lại cho chúng ta cái tuổi thơ huyền nhiệm của dân tộc và nhân loại. Ở đó, trong đời sống tâm linh con người, thi ca bao giờ cũng là niềm mặc khải của Chân Thiện Mỹ, hoài niệm và tiên cảm cho chúng ta về một thế giới mãi mãi tồn tại trong nỗi xúc động ban đầu…

——————————————————————————————————————
Nguồn: Văn học – Phê bình – Tranh luận, NXB Lao Động, Hà Nội, 10/2004

19 nhận xét :

  1. Hay đấy, lời trái tim. Cảm ơn TMH, cảm ơn NXDblog.

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn Anh Diện đã cho đăng một bài có tính học thuật cao như thế này của Anh Hảo. Bài này được viết bởi xúc cảm thẩm mỹ dào dạt, kiến thức lại rất sâu sắc nên đọc rất thấm và rất...khoái!
    Thỉnh thoảng nên có những bài thế này, Anh Diện nhé.
    Chúc Anh khỏe.

    Trả lờiXóa
  3. Kính bác Trần Mạnh Hảo,
    Bác Trần Mạnh Hảo viết bài này thật uyên bác,tư tưởng thật thuần Việt, giọng văn ôn tồn, lời văn bóng bẩy.
    Trong bài viết của bác, tôi gặp rất nhiều câu, rất nhiều ý tưởng, mà tôi nghĩ không có lời văn nào, ý tưởng nào hay hơn thế nữa.
    Là một người đọc bình thường, tôi nghĩ nếu ta xây dựng một chương trình giáo dục theo hướng như thế này,thì đâu sợ vong bản,và, chúng ta có quyền hy vọng một hai thế hệ nữa thôi,người Việt Nam sẽ góp mặt trên văn đàn thế giới.
    Kính.

    Trả lờiXóa
  4. Bài hay nhất từ trước tới giờ của Trần Mạnh Hảo!

    Càng nói thật, văn sĩ nhà ta càng lên tay .

    Trả lờiXóa
  5. Mong bác viết tiếp những bài như này bác Hảo ơi

    Trả lờiXóa
  6. Viết thế mới gọi là Trần Mạnh Hảo. Bên bác Tạo có đưa bài phỏng vấn Thụy Khuê cũng rất hay
    http://nguyentrongtao.org/2011/11/02/ph%E1%BB%8Fng-v%E1%BA%A5n-th%E1%BB%A5y-khue/

    Trả lờiXóa
  7. "Trong lịch sử thi ca thế giới, hiếm thấy tác phẩm nào đi sâu vào đời sống tâm linh con người như Truyện Kiều của Nguyễn Du đối với dân tộc Việt Nam."
    Thưa bác Trần Mạnh Hảo,
    Bác viết câu trên thật là trí tuệ,tôi không muốn dùng chữ "bác học", vì nền văn học Việt Nam nói riêng và nền văn hóa nước nhà nói chung không phân chia giai cấp. Các nhà hiển nho của Việt Nam sau thời gian tham chính, quyền cao chức trọng, trả hết cái nợ tang bồng lại về quê dạy học (khác với tầng lớp quan lại của Tàu).Điều này thấy rất rõ qua tác phẩm Nhà Nho của cố Giáo sư Chu Thiên Hoàng Minh giám.
    Việc bác Trần Mạnh Hảo nhận định về Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du thật mang tầm vóc lớn lao.Các nhà văn đương đại hàng đầu thế giới từ trước đến nay vẫn mãi xoay quanh vấn nạn của con người.
    Kết luận bài viết của bác trần Mạnh Hảo tỏ rõ niềm tin mãnh liệt vào sức sống của dân tộc Việt Nam như thế,tôi cho rằng chỉ có những người yêu quê hương thiết tha mới đủ sức chuyển tải "lời mặc khải" (hay thông điệp)đến những người sống trong thế hệ mình.
    Kính chúc bác trần Mạnh Hảo có sức khỏe để cống hiến cho đời như các nhà "Việt nho" đã từng dầy công dạy dỗ muôn thế hệ sau.

    Trả lờiXóa
  8. Thành thật xin lỗi bác Trần Mạnh Hảo vì lỗi đánh máy chữ "TRẦn" trong "Trần Mạnh Hảo".
    Một lần nữa tôi chân thành xin bác thứ lỗi vì lý do ngoài ý muốn.
    Kính.

    Trả lờiXóa
  9. Các nhà văn hóa và triết gia lớn của nước Đức như Johan Wolfgang von Goethe,Fried Nietzche... đã hết sức kinh ngạc khi tiếp cận nền văn minh lớn của nước Ân Độ.Nhà cầm quyền nước Anh thời bấy giờ đô hộ Ấn Độ nên đã cấm các học giả người Anh tiếp cận và tìm hiểu văn hóa của nước này, vì họ sợ một trào lưu ngược, đó là "sự xâm lăng văn hóa" của Ấn Độ trở về nước Anh mẫu quốc.
    Tổ tiên của chúng ta từ ngàn đời đã vui vẻ đón nhận tinh hoa của nước Ấn Độ huyền bí như ban mai đón ánh mặt trời,như một lối sống.Tổ tiên của chúng ta đã nhanh chóng tiêu hóa được và biến nó thành nền văn minh Việt.
    Ngày nay chúng ta có thể tự tin như cha ông ngày trước để bước ra thế giới.Sự tự tin ấy thể hiện trong lời kết luận của bác Trần Mạnh Hảo khiến chúng tôi cảm thấy vui lây.

    Trả lờiXóa
  10. Quá tuyệt, cảm ơn chú Hảo!

    Trả lờiXóa
  11. Rất tuyệt vời! Xin cảm ơn Nhà thơ Trần Mạnh Hảo!
    "...Suốt hành trình lịch sử, khi có giặc, thi ca đã thành vũ khí, thành tiếng kèn xung trận. Khi hòa bình, thi ca tham gia vào đời sống đạo hạnh, gìn giữ thuần phong mỹ tục khi Nguyễn Trãi soạn “Gia huấn ca”, Lê Thánh Tông tức cảnh sinh tình, mượn thi ca mà an dân trị quốc...
    ...thi ca bao giờ cũng là niềm mặc khải của Chân Thiện Mỹ, hoài niệm và tiên cảm cho chúng ta về một thế giới mãi mãi tồn tại trong nỗi xúc động ban đầu…"
    Bác Hảo nói quá đúng!
    Với em, Thi Ca Vẫn Là Dòng Nước Ngầm Nuôi Dưỡng Sự Xanh Tươi Trong Đôi Mắt Hồn Nhiên Ngơ Ngác đáng yêu của mình!(thật, ai cũng bảo em thế! hihi)
    (Muathuhanoi

    Trả lờiXóa
  12. CẢM ƠN TRẦN MẠNH HẢO.ÔNG TRẦN MẠNH HẢO ĐÃ GÓP PHẦN KHẲNG ĐỊNH "CẦN PHẢI BAN HÀNH LUẬT NHÀ THƠ".VÌ THƠ VĨ ĐẠI NHƯ VẬY,QUAN TRỌNG VÔ CÙNG ,LÀ CỰC KỲ CHẤM ,CHẤM............ THÌ PHẢI CÓ LUẬT NHÀ THƠ.KHI QUỐC HỘI TA BAN HÀNH LUẬT NHÀ THƠ THÌ THẾ GIỚI SẼ TÔN QH TA LÀ CỰC KỲ CHẤM CHẤM............. CẢ THẾ GIỚI SẼ KHÂM PHỤC. SỰ NHÌN XA TRÔNG RỘNG VÀ CỰC KỲ....CỦA QH TA KHÔNG QUỐC GIA VĂN MINH NÀY TRÊN THẾ GIỚI NÀY SÁNH BẰNG!!!!!!!!!!!!

    Trả lờiXóa
  13. "Cái hồn nước đã được thi ca gởi gắm trong lục bát ca dao, may mắn thay thế hệ chúng ta vẫn còn giữ được, mặc những hò hét hiện đại chủ nghĩa, mặc những dòng thơ lai căng tây hoá giả cầy."
    (Trần Mạnh Hảo)
    Ngoài tác phẩm vĩ đại Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du được làm theo thể thơ lục bát,những câu ca dao truyền khẩu đã ghi lại một thưở thanh bình trên một đất nước với những người dân hiền lành, trữ tình và lãng mạn:
    "Hỡi anh đi đường cái quan
    Dừng chân đứng lại em han đôi nhời
    Đi đâu vội mấy anh ơi,
    Kẻo bác mẹ mắng rằng em dỗ dành"
    Lục bát còn được dùng để dạy con có tinh thần hiếu học ngay từ tấm bé hoặc đó có thể là ước mong của các cô gái ở tuổi xuân thì:
    "Chẳng ham ruộng cả ao liền,
    Ham về cái bút, cái nghiên anh đồ"
    Và còn nữa:
    "Lấy chồng cho đáng tấm chồng,
    Bõ công trang điểm má hồng, răng đen"
    Một đất nước trữ tình như thế sao lại gieo neo làm vậy?

    Trả lờiXóa
  14. Bài viết này như một tuyên ngôn thi ca hay nhất Việt Nam.Ngay cả thế giới cũng hiếm có một áng văn trác tuyệt như thế này. Vị nào thử post lên một bài của tác giả ngoại quốc viết về thi ca hay hơn bài này xem ?

    Trả lờiXóa
  15. -"Kinh Cựu Ước nói rằng Thượng Đế đã sáng tạo ra con người theo hình ảnh của mình. Điều này phải nói ngược lại..." TMH.
    Tui khoái đoạn này ! Chuẩn không cần chỉnh.
    -"Do vậy, chúng ta hiểu vì sao thi ca có lúc đã biến thành kinh kệ trong đền chùa miếu mạo như trường hợp “văn tế thập loại chúng sinh” của Nguyễn Du và của một số nhà thơ khác." TMH.
    "Nhà thơ khác" có tính Huỳnh Phú Sổ và Phạm Công Tắc không vậy bác Hảo ?

    Trả lờiXóa
  16. Trong quá khứ, người trí thức Việt nam luôn gắn bó với ruộng đồng,quê hương, xứ sở và khi xao nhãng có thể bị quở trách nhẹ nhàng:
    "Nhất sĩ, nhì nông.
    Hết gạo chạy rông,
    Nhất nông nhì sĩ".

    Trả lờiXóa
  17. Quá hay, viết văn thế này mới gọi là viết. Bài viết nâng trình độ người đọc lên cao. Cám ơn tác giả và TS. Diện.

    Trả lờiXóa
  18. Nền tư tưởng Việt Nam được thể hiện bằng thi ca,không có những bài học khô khan, mà là ca dao, tục ngữ truyền khẩu cho đến các tác phẩm thành văn.Tổ tiên của chúng ta chịu ảnh hưởng từ các nền văn hóa lớn của nhân loại, nhưng các cụ tiếp nhận nó bằng tâm thế hài hòa, đã Việt hóa các luồng tư tưởng ấy một cách tài tình thông qua nghệ thuật thi ca.Gia Huấn Ca của cụ Nguyễn Trãi là một thí dụ điển hình.
    Có thể nói thi ca Việt Nam chính là tâm linh của người Việt vậy.

    Trả lờiXóa
  19. “Cái đẹp nơi Truyện Kiều không chỉ cần được giải mã bằng tiếng kêu thương, bằng niềm khắc khoải, mà còn cần được giải mã bằng đức tin và niềm hi vọng .”
    ( Trần Mạnh Hảo)

    Dưới gầm trời này, trên mặt đất kia, nơi nào có con người sinh sống là nơi đó có văn nhân, thi sĩ.Tạo hóa đã ban cho họ thiên chức gánh lấy cái thân phận của kiếp người.Họ phải lao khổ, suy tư và trằn trọc vì cái bất an, cái tai họa của con người trong cuộc sống.Họ phải đau khổ trước khi vắt kiệt sức mình vì niềm tin yêu vào sự sống, vào con người, con người viết hoa.
    Xin tạm dịch một câu trong diễn văn của văn hào William Faulkner (1897-1962) đã đọc trong ngày ông nhận giải Nobel văn chương tại Stockholm Thụy Điển, tháng 10 năm 1950:
    Tôi tin rằng con người sinh ra không chỉ để chịu đựng đau khổ : con người sẽ chiến thắng đau khổ.Con người bất diệt không phải vì trong muôn loài, con người có tiếng nói truyền từ đời này sang đời khác, mà con người bất diệt bởi vì có một linh hồn, một tâm hồn trắc ẩn, biết hy sinh và chịu đựng.
    ("I believe that man will not merely endure: he will prevail. He is immortal, not because he alone among creatures has an inexhaustible voice, but because he has a soul, a spirit capable of compassion and sacrifice and endurance. ")
    William Faulkner (1897-1962): Nobel Prize Speech
    Stockholm, Sweden
    December 10, 1950

    http://www.rjgeib.com/thoughts/faulkner/faulkner.html

    Trả lờiXóa