Thứ Năm, 10 tháng 11, 2011

NHẬT KÝ ĐƯA TANG CHA CỦA NGÔ THÌ NHẬM

Đám tang Vua Khải Định. Ảnh: Tư liệu

 NHẬT KÝ ĐƯA TANG CHA VỀ QUÊ CỦA NGÔ THÌ NHẬM

Lâm Giang

       Ngô Thì Nhậm sinh ngày 11 tháng 9 năm Bính Ngọ (1746) tại làng Tả Thanh Oai, tục gọi là làng Tó, trấn Sơn Nam (nay là huyện Thanh Trì, Hà Nội), thuở nhỏ tên là Phó, sau đổi Nhậm, tự Hi Doãn, hiệu Đạt Hiên. Ông đỗ tiến sĩ năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775), làm quan tới Đốc đồng Kinh Bắc. Năm 1788, Ngô Thì Nhậm ra với nhà Tây Sơn và được Nguyễn Huệ trọng dụng với chức Thị lang bộ Công, tước Tình Phái hầu, sau thăng Thượng thư bộ Binh. Ông mất ngày 15 tháng 2 năm Quý Hợi (9-3-1803).

       Ngô Thì Nhậm để lại khá nhiều sáng tác, phần lớn được tập hợp trong tùng thư Ngô gia văn phái.

       Bài Nhật ký đưa tang cha về quê (Nguyên văn: Hồi táng trục nhật cáo văn) do Ngô Thì Nhậm viết được đặt giữa tập Hào mân ai lục. Hào mân ai lục là tập sách Ngô Thì Nhậm viết vào khoảng năm 1780 đến 1800. Hào mân ai lục, tên tập sách do soạn giả tùng thư Ngô gia văn phái đặt, gồm những bài cáo văn, tế văn, câu đối... do Ngô Thì Nhậm soạn, chủ yếu vào sau khi người cha Ngô Thì Sĩ qua đời.

       Cáo văn, tế văn, là những lời than, thổ lộ nỗi lòng thương nhớ khôn nguôi và cũng là những tâm sự, kể lể nguồn cơn sau khi cha qua đời của Ngô Thì Nhậm. Cáo văn, tế văn được ghi lại từng ngày, như là ghi nhật ký, kể từ việc dẫn quan tài cha từ Lạng Sơn về quê, đến việc ma chay, tế lễ, đến đoạn tang là 3 năm. Cáo văn, tế văn, là những bài văn ngắn, viết theo thể biền ngẫu và văn xuôi. Ngoài cáo văn, tế văn, Hào mân ai lục còn tập hợp những câu đối do Ngô Thì Nhậm đề ở các danh lam thắng cảnh như đình chùa, đền đài, nhà thờ họ, và cả ở điện tế vua Lê Hiển Tông và ở Phủ chúa...

       Hào mân ai lục còn chép một số bài văn viếng người thân, như mẹ vợ, mẹ kế, cô dì... và khép lại tập văn bằng bài Hành trạng kể về công danh sự nghiệp của người cha của mình.

       Tóm lại, Hào mân ai lục, một tập văn có nội dung khá phong phú, phản ánh nỗi lòng đau đáu thương nhớ người cha và những người thân đã qua đời của Ngô Thì Nhậm, đồng thời còn cho biết khá rõ về đời tư của Ngô Thì Sĩ, cũng như gia cảnh cha con Ngô Thì Sĩ và Ngô Thì Nhậm cuối Lê trung hưng. Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu một số đoạn trong bài Nhật ký đưa tang cha về quê.

       “Ngày Quý Mão tháng trước, ở kinh đô nghe tin báo tang, con lập tức dâng khải báo việc đau buồn đó, được Thánh chúa nghĩ tới lòng trung thành của cha, cho con tới bản trấn đón tang, đặc biệt ban cho 100 quan tiền. Lại truyền cho quan quân ở các cơ Mại vũ, Tín sai, Hậu dực, Trung uy, Tiền hùng ở xứ Kinh Bắc cùng tới tận [Đoàn] Thành để hộ tang, lại ban thêm 20 tên lính theo con đi hộ vệ. Lũ con từ ngày Giáp Thìn tháng trước, vượt qua sông Nhĩ Hà tới trấn Kinh Bắc chỉnh đốn hành lý. Ngày Đinh Tý tháng này, qua sông Nguyệt Đức, vượt đường tiến nhanh về phía [Đoàn] Thành. Đêm đó trọ ở Xương Giang, đêm Đinh Mùi trọ ở Cần Dịch, đêm Mậu Thân trọ ở ải Chi Lăng. Sang ngày Kỷ Dậu qua cửa Quỷ Môn, vượt hai ngọn núi trọ ở đất Giang Hán, hôm ấy tới doanh Lộc Mã. Bọn con may nhờ sự che chở, đều được vô sự. Ôm quan tài than khóc, không được trông thấy mặt cha. Than ôi!”

       Sau khi chuẩn bị xong xuôi, ngày Đinh Tị, tháng mười năm Canh Tý (1780), bắt đầu đưa quan tài về quê. Mỗi ngày đều dừng lại nghỉ và làm lễ cúng cơm, Ngô Thì Nhậm viết bài văn khấn kể lể mọi việc xảy ra trên đường đi, hoặc kể lại kỷ niệm xưa của người cha, hoặc những lời than của ông...

Như:

       Từ Đoàn Thành tới đây đã năm ngày đường, (xuất phát từ ngày Đinh Tị, tới nay là Tân Dậu), đá núi gồ ghề, suối khe lầy lội, lũ con không thể tự mình ôm khóc quan tài, lẽo đẽo dọc đường, mắt nhìn mà những buồn rầu, nay có ông chú chạy tang, chỉ cùng nhìn nhau than khóc mà thôi. Khi cha còn sống, rất thương con và em, con em lúc này, không sao được nhìn thấy mặt lần nữa. Tụ họp chia lìa, sao mà nhanh đến thế. Buổi sớm xuất phát từ Mai Tiêu, đến Quang Lang, đường đi hơi bằng phẳng rộng rãi, xin linh cữu cha đi đứng như thường.

       Than ôi thương thay!

       (Ngày Tân Dậu tháng 10 năm Canh Tý).

       ...

       Tháng 10 năm Mậu Tuất, cha từ đất Bắc tới xứ Lạng, con đây bái tiễn tới núi Tam Tằng, cha cầm tay con bảo rằng: “Ta sắp có việc ở An Bác, còn sẽ được gặp con, chớ nên sớm hôm quyến luyến”. Cuối cùng thì không được như thế. Tháng 10 năm nay, cha từ Lạng Sơn về Kinh Bắc, con đây cùng với em Chí khóc đón ở núi Lộc Mã, lặn lội khe núi, ôm quan tài về cho đến mãi địa phận xứ Bắc. Kể từ năm Tuất đến năm Hợi và Tý, trong vòng 30 năm, cha con hẹn gặp nhau mà không sao được.

       Em Chí đi du học ở trong kinh, cha không cho đến thăm hỏi. Còn con đây có thể tới thăm hỏi được, thì cha lại cũng hẹn ngày tới. Từ con đường Tuyên Quang trở về, tiện đường tới mỏ Tống Tinh, lần này cha mong là một. Đã về Kinh tới xứ Bắc, nhân công cán riêng qua miền thượng du ở Bảo Mã, lần này cha lại được tin mà mong là hai. Năm tháng lần lữa, chỉ vì cái duyên cớ lương lậu mà không được gặp mặt. Chốn Kinh Bắc đó là cái nơi bất hiếu của con vậy! Nay vào tới nơi thì cha không còn nữa. Lời dặn dò con năm xưa của cha ở núi Tam Tầng, lại là lời vĩnh biệt của cha. Chao ôi! Đau đớn thay!

       Con đây chỉ dùng sách vở chữ nghĩa để làm quạt nồng ấp lạnh, không được hầu hạ hàng ngày lúc khoẻ mạnh, mà chỉ còn biết than khóc nỗi biệt ly. Lòng cha thật nhân từ, con thì thật bạc ác. Sinh con như thế, thì sinh làm gì? Nhà tranh bày lễ mọn, canh rau nước lã làm đồ cúng tế. Than ôi! Hồn thiêng mong chứng giám cho. Đau đớn thay!

       (Lễ cúng cơm buổi sớm ngày Nhâm Tuất tháng 10 năm Canh Tý)

       ...

       Nay đã qua khỏi vùng rừng núi, tới chỗ đồng bằng, nơi này gọi là đồn Cần Dịch. Thường ngày cha lên làm quan, thường đóng quân nơi này. Xin tạm dừng lại giữa đồn, để kính bày lễ mọn, và khấn cả ngày giỗ tiên tổ.

       Cúi mong linh hồn, xét tới lòng thành. Thương thay!

       (Ngày Ất Sửu tháng 10 năm Canh Tý)

       ...

       Tháng 12 mùa đông năm Đinh Dậu, cha và con cùng đi nhậm chức một ngày. Vừa mới lên đường, cha đã dừng xe lại đây, con đi sau, vì phải vào bái yết cung miếu Yên Thường, nhân trọ lại đó. Cha ở lại dọc đường mới một đêm ba lần sai sứ hỏi tin, lại chia một nửa lính để hộ vệ. Sớm ngày con tới nơi, cha cho ăn cơm, rồi cùng lên đường. Cha có một bài thơ Quan trấn thủ tiễn chân quan Đốc đồng.

       Khi tới Thị Cầu, đáp đò ngang qua sông Nguyệt Đức, lại soạn một bài thơ Quan Đốc đồng tiễn chân quan Trấn thủ. Lòng cha yêu con biết nhường nào!

       Bốn năm lại đây, con vì bận việc làm Đốc đồng nên không được phụng dưỡng cha, bèn lấy lần tiễn đưa trước làm bước ly biệt thứ nhất! Lần tiễn đưa sau làm bước ly biệt thứ hai! Lại tháng 10 năm Mậu Tuất bái tiễn ở núi Tam Tằng làm bước vĩnh biệt thứ ba!

       Nay đứa con côi khóc cha, mất hẳn ba lần tiễn, mà được một buổi khóc, đó là chỗ khiến con đau lòng đứt ruột, nên cùng với nước sông Tiêu Tương, cây ở Bát Lăng muôn năm không bao giờ hết.

       Tới giữa đường mà bày lễ khiển điện (cúng cơm), không lấy gì làm nghi thức, mâm cỗ cúng chỉ có lá bầu, thịt thỏ, gọi là tỏ chút tình tới chốn cao minh mà thôi! Thương thay!

       (Ngày Canh Ngọ tháng 10 năm Canh Tý)

       ....

       Cha trông về kinh thành đã ba năm rồi, lặn lội nghìn trùng, nay đã tới bờ bắc sông Nhĩ Hà. Trông cảnh Trường An ở phía tây, xe như nước, ngựa như rồng, những tiếng ngọc đeo sang sảng quanh toà Tử Vi. Làm tiết độ bảy châu quận, nhưng không sao được về chầu Thiên tử, liền phải cờ quạt về quê, là thơ có dấu ngọc tỉ đưa tới gọi mà không sao kịp. Các quan công khanh đón nhìn sắp tới, cờ quạt xa xa, xuôi gió về phía nam. Than ôi trời xanh thực nỡ lòng nào!

       Khi bệnh tình hấp hối, cha viết thư để lại cho con rằng: “Nếu được về kinh giáp mặt Chúa thượng trình bày, trăm mối sẽ đều được cởi bỏ”, cuối cùng không được như nguyện. Mong rằng hồn thiêng của cha ở trên trời, luôn luyến cửa khuyết, thì nay và xưa cũng không khác gì. Lúc cha còn sống, con chưa thể xin với triều đình, để cha sớm về triều cận, bèn khiến cho ước mong của Tấn công phải mang xuống chín suối, đó lại là cái tội của con, cùng với dòng nước sông này chảy mãi không bao giờ cùng! Nay căng màn ở bến sông, rót chén nước suối kia, khóc than cùng trời, mong được soi tới, đau đớn thay!

       (Ngày Tân Mùi tháng 10 năm Canh Tý)

       ....

       Một số đoạn nhật ký trích dịch trên đây thấy rõ tâm tư tình cảm của Ngô Thì Nhậm đối với người cha thân yêu của mình, đồng thời cũng thấy được nỗi vất vả của việc đưa tang từ nơi ngàn dặm về quê.

       Nhật ký ghi trên dọc đường đi từ Đoàn Thành đến bờ nam sông Nhĩ Hà là 16 ngày: Từ ngày Đinh Tị đến ngày Nhâm Thân, tháng 10 năm Canh Tý, trong đó 3 ngày: Canh Thân, Đinh Mão, Kỷ Tị không thấy ghi.

       Trong những ngày đưa tang, một việc hết sức đau lòng xảy ra mà trong nhật ký không ghi, vì đây là nhật ký của bài văn khấn cúng cơm. Việc này được ghi trong tập Kim mã hành dư, ở bài văn tế bà thứ mẫu họ Hoàng. Bà tên hiệu Tuệ Trang, vợ thứ tư của Ngô Thì Sĩ, sinh được một trai thì không nuôi được, một gái thì còn nhỏ. Ngô Thì Sĩ đột ngột qua đời, bà quá đau lòng mà lâm bệnh nặng, thuốc thang chạy chữa thế nào cũng không khỏi. Bà một mực đòi đi theo ông. Ngày đưa tang đã định, bà không đi theo được, đành ở lại. Nhưng di hài Ngô Thì Sĩ ra khỏi Đoàn Thành được hai ngày thì bà cũng qua đời. Ngô Thì Nhậm phải quay lại lo tang ma cho kế mẫu. Mua ba mẫu ruộng gửi giỗ, hẹn ba năm sau sẽ đưa hài cốt về quê, vì lúc này không thể đưa cả hai di hài cùng về được.

 

Thông báo Hán Nôm học 2002, tr.154-160
*Tác giả đã quá cố Lâm Giang, tên thật là Nguyễn Văn Bến, cán bộ Viện Hán Nôm.
 

5 nhận xét :

  1. Cảm ơn NXD và tác giả Lâm Giang về những tư liệu quí này ,giúp hậu thế hiểu biết thêm về danh nhân NGô Thì Nhậm của đất nước và Làng Tó quê tôi !

    Trả lờiXóa
  2. Ts. Diện nên đăng bài nói về cuộc đua buồn cười bầu cho vịnh Hạ Long rất sâu sắc này: http://www.unescovietnam.vn/vnf/index.php?option=com_content&view=article&id=262:cuc-bu-chn-cac-k-quan-tg-mt-san-chi-trng-vng-&catid=44:tin-tc-s-kin&Itemid=162--

    Trả lờiXóa
  3. Ngô Thì Nhậm (Ngô Thời Nhiệm) (1746-1803) là một người con chí hiếu và là một anh hùng dân tộc.
    Nguyễn Huệ khi gặp Ngô Thì Nhậm đã nói rằng :” Thực là trời để dành ông cho ta vậy”.
    Ông là nhà chiến lược quân sự đại tài đồng thời là nhà ngoại giao sắc xảo.Ông đã giúp vua Quang Trung hoạch định chính sách ngoại giao ở một thời kỳ gay cấn trong lịch sử sau khi đánh dẹp quân tướng nhà Thanh ra khỏi bờ cõi Việt Nam.Năm 1790 ông giữ chức Binh Bộ Thượng thư (Bộ Trưởng Quốc phòng).
    Sử gia Trần Trọng Kim (1883-1953) trong Việt Nam Sử Lược (trang 268,NXB TP Hồ Chí Minh tái bản năm 2000) viết rằng:
    Vua Quang Trung điểm duyệt quân sĩ, truyền dụ nhủ bảo mọi người phải cố gắng đánh giặc giúp nước.Đoạn rồi kéo quân ra Bắc,đến ngày 20 tháng chạp thì đến núi Tam Điệp.Bọn Ngô Văn Sở, Ngô Thì Nhiệm đều ra tạ tội, kể chuyện quân Tàu thế mạnh, sợ đánh không nổi, cho nên phải lui về giữ chỗ hiểm yếu.
    Vua Quang Trung cười mà nói rằng:” Chúng nó sang phen này là mua cái chết đó thôi. Ta ra chuyến này thân coi việc quân đánh giữ, đã định mẹo rồi, đuổi quân Tàu về chẳng qua mười ngày là xong việc. Nhưng chỉ nghĩ chúng là nước lớn gấp mười nước ta, sau khi chúng thua một trận rồi, tất chúng lấy làm xấu hổ, lại mưu báo thù, như thế thì đánh nhau mãi không thôi, dân ta hại nhiều, ta sao nỡ thế. Vậy đánh xong trận này, ta phải nhờ Thì Nhiệm dùng lời nói khéo để đình chỉ việc chiến tranh. Đợi mươi năm nữa, nước ta được sức phú cường rồi, thì ta không cần phải sợ chúng nữa” (hết trích).
    Ở trang 136 (Việt Nam Sử Lược,tác giả Trần Trọng Kim,cùng nhà xuất bản) viết:
    Xếp đặt mọi việc xong rồi, đem quân về Nam, lưu Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân ở lại tổng thống các việc quân quốc; còn những việc từ lệnh giao thiệp với nước Tàu thì ủy thác cho Ngô Thì Nhiệm và Phan Huy ích cho được tự tiện mà khu xử, hễ không có việc quan hệ thì bất tất phải đi tâu báo mà làm gì . (hết trích)

    Trả lờiXóa
  4. Ngô Thì Nhậm đối với Quang Trung Nguyễn Huệ cũng giống như Nguyễn Trãi đối với Lê Lợi vậy !

    Trả lờiXóa
  5. "Ông là nhà chiến lược quân sự đại tài đồng thời là nhà ngoại giao sắc xảo."

    Xin lỗi vì đã viết sai chính tả:SẮC SẢO, không phải là "sắc xảo"

    Trả lờiXóa