Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

TRẦN MẠNH HẢO: NGUYỄN KHUYẾN "NẰM CHUNG VỚI KHÓI MÂY"

Nguyễn Khuyến "nằm chung với khói mây"
Trần Mạnh Hảo

Sách giáo khoa Văn trung học từng dạy học sinh cả nước: “Mấy chùm trước dậu hoa năm ngoái” – Hoa đã nở từ năm ngoái khô đi và còn lại đến bây giờ. Như thế khác nào bảo nhà thơ ngồi ngắm hoa khô. Không, Nguyễn Khuyến ngồi lẫn giữa trăng suông rượu lạt, lẫn trong hoa tươi, tre trúc, rơm rạ, ao chuôm, lẫn trong ếch nhái, đom đóm cùng thuyền thúng, lá thu rơi để trào lộng chua cay thời thế đảo điên, đoạn rút vào thui thủi, lẳng lặng cô đơn, cô độc, đêm đêm tự mài hồn mình thành máu mực đề thơ mà nhớ nước.

Như thể nước lụt Hà Nam đã hóa giặc Lang Sa cuốn đi tất cả, chỉ mình ông sót lại cùng vài người bạn bơ vơ :" Nước non man mác về đâu tá / Bè bạn lơ thơ sót mấy người / Đời loạn đi về như hạc độc / Tuổi già hình dáng tựa mây côi "(Cảm hứng). Có thể nói, Nguyễn Khuyến là bậc đại nho cuối cùng trăn trở tìm mùa thu ở ẩn, là con hạc thi ca cuối cùng của thời đại phong kiến Việt Nam còn giữ được cốt cách và tinh thần hạc vàng Thôi Hiệu, đã một mình lặng lẽ bay qua thế kỷ thứ XIX buồn đau, u uất, đặng tìm chỗ đậu trong 9 năm đầu của thế kỷ thứ XX, rồi đột ngột bay vào hư vô dịp tết âm lịch đầu năm 1909 khi vừa tròn 74 tuổi hạc. Thân phận "hạc độc" của Nguyễn Khuyến quả là cô đơn đến tột cùng, u uất, lủi thủi tới tận cùng thi tứ.

Vòm trời xưa của hoàng hạc thanh cao, tinh khiết là thế, nay diều quạ đen trời si sô đến cướp mất, nên :"Nước non man mác về đâu tá" và hồn thơ chừng cũng mất nẻo đi về. Con hạc này bị thời đại bỏ rơi, tưởng không còn một chỗ đậu trên chính quê hương mình. "Hạc độc" đành hóa đám "mây côi" mà lơ lửng như chính hồn thơ Nguyễn Khuyến còn lửng lơ bao nỗi niềm khôn khuây trên vòm trời văn học Việt Nam thuở nước nhà bị mất vào tay giặc Tây dương.

Chao ôi, hơn một trăm năm trước, cả đám mây trong mắt thi hào cũng phải mồ côi vòm trời, như nhà nho mồ côi vua, dân mồ côi nước. Tinh thần " hạc độc" với " mây côi" bàng bạc, xuyên suốt thời đại và cuộc đời Nguyễn Khuyến, thành một phần tư tưởng, tình cảm thẩm mỹ của hồn thơ ông.

Những bài thơ tả cảnh quê hương Việt Nam hay nhất, đẹp nhất của ông cũng là cốt tả cái hay, cái đẹp của lẻ loi, cô quạnh, se sẽ đẹp, trong veo và xa vắng đẹp đến vô cùng khuất nẻo bơ vơ :"Tiếng sáo vo ve chiều nước vọng / Chiếc thuyền len lỏi bóng trăng trôi". Hồn thơ Nguyễn Khuyến chính là "Tiếng sáo vo ve" bên trời "nước vọng", là "bóng trăng trôi"dưới dòng lũ vô tình cuộn xiết, hóa chiếc thuyền thơ cô độc len lỏi trên thi đàn Việt Nam thuở cơn lụt lội nhân tình thế thái ngập tràn xứ sở.

Ngay trong hai câu thơ hay đến sững sờ tả cảnh đẹp hun hút, đẹp rờn rợn nổi gai ốc của nước lụt Hà Nam này, Nguyễn Khuyến cũng chỉ cốt mượn nước lụt mà gọi hồn nước về trong từ "nước vọng" để : "Sửa sang việc nước cho yên ổn"... Tâm thức "nước", "nước non", "đất nước"... có thể nói là tâm thức chủ đạo của Nguyễn Khuyến trong cả thơ nôm và thơ chữ Hán; tuy ở đây chúng tôi chỉ mới khảo sát qua thơ nôm của ông mà thôi.

Trong bài thơ "Tự trào", Nguyễn Khuyến nói thẳng ra điều cốt lõi nhất, đau đớn nhất của ông là nỗi nhục, nỗi đau vong quốc, thông qua nghĩa đen của cuộc chơi cờ :"Cờ đương giở cuộc không còn nước".Vì "Không còn nước " nên vua cũng không còn thực nữa, chỉ là vua hề, chỉ là quan phường chèo thôi :" Vua chèo còn chẳng ra gì / Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề "( Lời vợ anh phường chèo).

Một vị túc nho lấy trung quân ái quốc làm đầu, phải tự tìm nhọ nồi, muội đèn, tro trấu mà bôi trát lên mặt vua quan thành trò hề như thế, với Nguyễn Khuyến hẳn là nỗi đau lớn nhất trong đời? Vì "Không còn nước" nên sau hơn 12 năm làm quan tới chức Tổng đốc Sơn Tây, lúc vua Tự Đức mất và vua Hàm Nghi ra chiếu cần vương chống Pháp, nhà thơ mượn cớ mắt lòa cáo quan về ẩn dật cùng cà thâm dưa khú.

Ông buồn lặng hóa "mây côi", hóa "hạc độc", hóa thành " hoa năm ngoái", thành "ngỗng nước nào", thành con cuốc gọi hồn nước năm canh, thậm chí hoá thân vào mẹ Mốc, vào gái góa, vào anh giả mù, giả câm giả điếc, thậm chí giả điên kiểu Sở cuồng, làm thơ đả kích giặc và tay sai, như một cách yêu nước kháng Pháp của riêng mình...

Nguyễn Khuyến đau đớn nhận ra hoa nở ngoài giậu thu cũng không còn là hoa hôm nay của mình nữa, ngỗng kêu trên bầu trời quê hương dĩ nhiên là ngỗng nước mình, chứ sao lại là ngỗng nước nào:" Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái / Một tiếng trên không ngỗng nước nào" ?( Thu vịnh). Khi "Không còn nước" nữa thì con ngỗng kia cũng thành vong quốc, vong thân, thành "ngỗng nước nào"thôi. Phải chăng ngỗng ấy cũng là ngỗng từ năm ngoái, ngỗng của mình xưa mà không dám nhận, mà phải đau đớn than là "ngỗng nước nào"? Rằng người không còn giữ được nước thì bay về làm gì ngỗng ơi?

Nhà thơ tủi hổ với cả ngỗng trên trời và hoa dưới đất, muốn làm con cá lặn khuất dưới ao bèo, ngại cả nỗi cắn câu. Đất đã mất thì trời phỏng còn ư, mùa thu phỏng còn ư?

Hoa ấy, ngỗng ấy cũng là Nguyễn Khuyến; như "mây côi" và "hạc độc" kia còn bị vong thân, vong quốc huống nữa là trời đất, con người! 


 Chúng tôi cho rằng, dù viết về phong cảnh mùa thu nông thôn , dù nới rộng đề tài ra từ bản thân mình đến xã hội, từ chim hoa, xóm mạc đến nước non... hồn thơ Nguyễn Khuyến bao giờ cũng toát lên một tinh thần yêu nước sâu xa, yêu nước trong đau đớn, tủi buồn, yêu một cách trầm lắng mà sôi sục, quặn thắt mà quan hoài, trào lộng mà trữ tình, kín đáo mà động vang, cô đơn mà hòa nhập, lạnh lùng mà bỏng cháy, dữ dội mà dịu êm.

Bút pháp nghệ thuật bậc thầy dùng thuỷ nói hỏa, dùng tĩnh tả động, dùng dương tả âm, dùng vật tả tâm, dùng cảnh ngụ tình và ngược lại của Nguyễn Khuyến đã khiến không ít người khi tiếp cận thi ca ông, mới đụng vỏ ngoài đã tưởng thấu vào gan ruột; ví như cách dạy văn rất phi văn học của nền giáo dục phổ thông và đại họcViệt Nam hôm nay hoàn toàn không hiểu nổi hồn thơ Nguyễn Khuyến . Ví như trường hợp ba bài thơ thu của thi hào là bài "Thu vịnh", "Thu điếu", "Thu ẩm" được coi là dấu hiệu thiên tài của nhà thơ nông thôn đệ nhất Việt Nam mà có người, ngay cả khi viết sách giáo khoa cũng chưa thẩm hết hồn thu Nguyễn Khuyến.

Họ nhìn bằng mắt thường nên ngỡ mặt ao thu bình lặng kia là đáy nước, nên bảo nhà thơ viết về mùa thu với tâm trạng thư thái, an nhàn(!) Rằng nhà thơ uống rượu say nhè như anh Chí Phèo say rượu lè nhè vậy...

Không, Nguyễn Khuyến chỉ hớp một tí rượu trong chén hạt mít lấy hứng, chứ không say lè nhè như ai hiểu. Dưới cảnh thu, ngồi nhấp chút rượu thu, câu cá thu, làm thơ thu, nhà thơ chỉ mượn bề mặt tĩnh lặng ao thu mà tả sự động vang sôi sục, quặn thắt, u uẩn, buồn thương nơi thẳm đáy lòng mình , đặng gọi hồn nước đã mất về thương hồn thu hiển hiện.

 Nói theo kiểu Apollinaire, Nguyễn Khuyến chừng cũng cảm thấy hồn thu đã chết, đã bỏ đi đâu như hoa kia ngỗng nọ, chỉ còn thân xác thu trong veo, cô quạnh, vắng ngắt, bàng bạc như con ve mùa hè nằm chết trong mùa thu sau khi đã hát rỗng cả ruột gan.

Tả lửa song Nguyễn Khuyến vẽ khói, tả nước mà nói thu, tả nỗi thẹn mình, tủi lây sang thu mà phải mượn tới ông Đào Tiềm đời Tấn. Cũng có thể gọi ba bài thơ thu của ông là tiếng chiêu hồn thu, chiêu hồn nước. Ngồi thưởng thu không chút thư nhàn, đau xót quá, cảm thương nước mất mà sao thu vẫn rưng rưng tìm về, nên nhà thơ không đừng lòng được, đành rơm rớm khóc :" Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe"? Đừng đổ oan cho Nguyễn Khuyến "mắt đỏ hoe" vì say rượu. Mùa thu trong ba bài thơ đẹp đến lạnh ngắt, đẹp đến tột cùng cô đơn, u tịch, phải chăng vì mùa thu chưa chiêu được hồn "hoa năm ngoái", chưa gọi được vía " ngỗng nước nào"...?

Cám cảnh thay nỗi " Tựa gối, ôm cần lâu chẳng được" của nhà thơ; như thể ông là tù binh của cần câu, là tù binh của chính hồn mình đang ở đâu đâu trong trời đất mang mang thiên cổ lụy? Nguyễn Khuyến yêu nước lắm, thương nòi lắm, đau đớn nỗi đời quay quắt lắm, đành giấu kín tình yêu nước vào cảnh thu, ao thu, rượu thu như cá giấu dưới ao bèo. Thi thoảng, ta nghe một tiếng "Cá đâu đớp động dưới chân bèo", như nhà thơ ngầm an ủi mình rằng còn cá tức nhiên còn nước...

Vì vậy, Nguyễn Khuyến rút ruột hóa thân vào hồn Thục Đế xưa, thành con cuốc gọi hồn nước nay đến chảy máu cả đêm hè :" Năm canh máu chảy đêm hè vắng / Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ / Có phải tiếc xuân mà đứng gọi / Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ " ( Cuốc kêu cảm hứng ). Thương thay cho "Ngỗng nước nào" vẫn không chịu bay đi, còn kêu xé trời cao trong thảng thốt nỗi niềm dù mùa thu đã chết. Con ngỗng vong thân, gãy cánh, đáp xuống trang thơ mà hóa thành con cuốc Việt Nam chiêu hồn nước tới bây giờ. Bài thơ "Cuốc kêu cảm hứng" thật hay, thật đoạn trường, đọc xong muốn khóc.

Chúng ta thương và kính trọng Nguyễn Khuyến vô cùng. Ông đã nén cả một nhân cánh lớn, một hồn thơ lớn, một tri thức lớn, một nỗi đau lớn vào tiếng cuốc nhớ nước thảm thiết làm chảy máu cả tâm can người đọc hôm nay.Tinh thần hoài cổ, tinh thần "Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ " len lỏi vào mọi tâm sự, mọi vui buồn, thương giận, nhớ nhung của nhà thơ. Ngay cả khi vịnh ông phỗng đá với ngụ ý diễu mình, nhà thơ vẫn xót xa hỏi :" Non nước đầy vơi có biết không ?"Chính vì nỗi "non nước" khôn nguôi này làm ông tủi hổ, làm như lỗi tại mình mà nước mất nhà tan, nên mượn thơ mà cả thẹn :" Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già / Xuân về ngày loạn càng lơ láo ".

Một người tài cao, học rộng, thương xót, nương nhẹ từng cọng cỏ nhành hoa, một nhân cách lớn, khiêm cung tự tại, lại phải đưa mình ra mà diễu, mà tự cười cợt, bông phèng mình thì hẳn là phải đau đớn lắm, khổ tâm lắm :"Mở miệng nói ra gàn bát sách / Mềm môi chén mãi tít cung thang / Nghĩ mình lại gớm cho mình nhỉ " hoặc :" Lúc hứng uống thêm dăm chén rượu / Khi buồn ngâm láo một câu thơ ". Một người thính nhạy như Nguyễn Khuyến từng biết nghe bằng hồn, bằng vía, chán nỗi đời đục mà giữ mình trong, đành ngụ mình, nương mình làm "Anh giả điếc ":" Trong thiên hạ có anh giả điếc / Khéo ngơ ngơ ngác ngác ngỡ là ngây" ...." Sáng một chốc lâu lâu rồi lại điếc".

Phải giả mù, giả câm, giả điếc để sống, mà vẫn sống được trong xã hội nhố nhăng nửa thực dân phong kiến thối nát, đảo điên kia, mới thương cho Nguyễn Khuyến phải ra tuồng trong chính thân phận mình:"Mua vui lắm lúc cười cười gượng / Giả dại nhiều khi nói nói bông". Ngẫm xưa mà ngán cho hôm nay, thiên hạ đang phấn khởi nhập bao nhiêu  vai tuồng, vai hề mua vui cho kẻ quyền quý kiếm chút cơm thừa canh cặn, vẫn không biết liêm sỉ ngượng ngùng, lại cứ dương dương tự đắc với vai hề văn nghệ múa may ?

Mượn sự điên dại của " Mẹ Mốc" tỏ bày tâm sự, Nguyễn Khuyến như tự xé quần áo tinh thần mình để phơi bày "hình hài gấm vóc" ra mà che mắt thế gian, những mong yên ổn :"Tấm hồng nhan đem bôi lấm xóa nhòa / Làm thế để cho qua mắt tục ". Mẹ Mốc ấy là tâm hồn vằng vặc muôn sau của Nguyễn Khuyến, sống trong thế giới của những "Đĩ cầu Nôm", "Tiến sĩ giấy", "Hội Tây"...vẫn không chút bợn nhơ :" Sạch như nước, trắng như ngà, trong như tuyết / Mảnh gương trinh vằng vặc quyết không nhơ "...

Nhà thơ vô cùng căm ghét bọn cướp nước và bán nước. Ông dùng tài thơ trào phúng vừa hóm, sâu, vừa cay độc đến tận cùng mà váy hóa lá cờ tam tài của giặc trong tiếng cười thâm thuý :" Ba vuông phất phới cờ bay dọc / Một bức tung hoành váy xắn ngang". Hóa ra cái váy con đĩ của thời :" Vợ bợm, chồng quan, danh phận đó" đã được kéo lên thành cờ "ba vuông" phất phới, ngang dọc, làm bình phong che mặt tham quan ô lại đục nước béo cò.

Nguyễn Khuyến mang vũ khí trào lộng vạch mặt chúng bằng tiếng cười cay độc :" Có tiền việc ấy mà xong nhỉ / Đời trước làm quan cũng thế a ?" Phải sống trong thời " Đĩ mà có tàn, có tán, có hương án, có bàn độc " làm sao Nguyễn Khuyến không thẹn thùng, tủi hổ, xót xa cả hồn thơ, đành than trời :" Thử xem trời mãi thế này ư ?". Tìm mùa thu ẩn mình không yên ổn, núp vào mình cũng không xong, nhà thơ đôi khi phải trốn vào giấc mơ mà chơi trò đánh bùn sang ao bản thể, mà lẫn lộn bóng mình với bóng người, lấy hư làm thực bằng một câu thơ tuyệt hay, rất hiện đại :" Bóng người ta nghĩ bóng ta / Bóng ta, ta nghĩ hóa ra bóng người"( Bóng đè cô đầu).

Thơ nôm Nguyễn Khuyến hay cả ở thần lẫn ở thái, ở hình lẫn ở thể, ở hồn chữ dân gian, gợi cảm, mới lạ, hiếm thấy ví như :" Quyên đã gọi hè quang quác quác / Gà từng gáy sáng tẻ tè te ...Đôi gót phong trần vẫn khỏe khoe ", " Bán buôn gió chị với trăng dì"...Nguyễn Khuyến quả là thánh chữ khi dùng động từ "thập thò " trong câu thơ thần tình sau :"Một khóm thuỷ tiên dăm bảy cụm / Xanh xanh như sắp thập thò hoa".

 Câu thơ "sắp thập thò hoa" này mang đặc trưng nhất của phong cách Nguyễn Khuyến.

Từ đây, ta có thể thấy thi pháp " thập thò hoa" là thi pháp độc đáo kỳ khu của thơ ông: thập thò giữa tình và cảnh, giữa vật và tâm, âm và điệu, cảm và thức, thập thò giữa thực và hư... kiểu "hoa năm ngoái" và "ngỗng nước nào"... Nguyễn Khuyến mượn cảnh đẹp nông thôn mà yêu nước Việt, một tình yêu buồn thương u uất được thể hiện bằng nghệ thuật trữ tình trào phúng của thơ bậc thầy. Ông chính là ngọn Đọi sơn của thi ca Việt Nam, nơi nhà thơ từng viết: " Chùa xưa ở lẫn cùng cây đá / Sư cụ nằm chung với khói mây".

Không, chính là hồn thơ Nguyễn Khuyến vẫn "nằm chung với khói mây" trên đỉnh trời thi ca dân tộc. Thắp nén hương ngày tết tưởng nhớ lần giỗ thứ hơn trăm của Nguyễn Khuyến, cũng là dịp cho ta đọc lại câu thơ hay nhất của thi hào mà giật mình trước tấm lòng trắc ẩn và tư tưởng sâu sắc của tiền nhân, đã có nhã ý mượn tóc gió mà dối lại cho đời sau câu hỏi nhức nhói khôn cùng của triết học nhân sinh :"Ngọn gió không nhường tóc bạc a ?".

 Vâng, ngọn gió thời gian, ngọn gió của quy luật muôn đời không nhường tóc bạc thời đại Nguyễn Khuyến đã đành; mà kể cả thời đại chúng ta, nó cũng không biết nhường ai cả. Dù là tóc bạc của thi ca, của thiên tài đi chăng nữa gió cũng chẳng nhường đâu; huống gì những nhí nhố thời cuộc đang băm bổ hô hét muôn năm rồi cũng bị cuốn theo chiều gió, sẽ tan biến đi như chưa hề tồn tại .,.

T.M.H
*Bài do nhà thơ Trần Mạnh Hảo gửi trực tiếp cho NXD-Blog. 
Chúng tôi có biên tập bỏ đi vài chữ, mong tác giả lượng thứ. Xin chân thành cảm ơn!

23 nhận xét :

  1. Trần Mạnh Hảo , nhà thơ và thẩm thơ rất đáng nể .

    ti ếc rằng danh sỹ đời nay còn quá hiếm

    Trả lờiXóa
  2. Bác Diện biên tập của bác Hảo coi chừng ăn đòn nhe!

    Trả lờiXóa
  3. Kinh gui nha tho Tran Manh Hao,
    (Xin loi vi khong viet duoc bang tieng Viet co dau)

    Thua Tran thi sy,
    Sy phu Bac Ha thoi nao cung co, cu Tam nguyen Yen Do la mot trong so do.
    Ke it hoc nay cu buon phien vi SGK pho thong viet la "chum tho thu" cua cu Tam nguyen la tho "ta phong canh dong que Bac Bo Viet Nam". Viet nhu vay la xuc pham cu Tam nguyen qua. Chi co hoc tro tre con moi viet van ta canh ma khong ngu tinh. Bac dai nho nhu cu Tam nguyen ma lam mot viec vo tinh nhu vay duoc sao. Moi dong tho cua cu deu dam nuoc mat cua mot nha ai quoc da tu bo danh loi va bat hop tac voi trieu dinh "mai quoc cau vinh".
    O day, chi xin mao muoi thua lai voi Tran thi sy ve "hoa nam ngoai", day la HOA CUC, mot trong Tung-Cuc-Truc-Mai.
    Hoa cuc, moi nam phai moi trong lai thi cay moi cho hoa dep, neu khong thi cay van song va van tro hoa, nhung hoa nho va kem ruc ro.
    Truoc canh nuoc mat nha tan, Cu Tam nguyen khong thiet gi den thu vui tao nha thuong nien, nam nay cu khong trong lai hoa cuc.
    Cay hoa cuc, voi suc song manh liet, van song va tro " mau chum truoc dau". Do la hoa cua cay hoa cuc NAM NGOAI.
    LONG YEU NUOC cung nhu cay HOA CUC, gap thoi thi tuoi tot long lay, khi dieu kien khac nghiet thi van song, du la lay lat, ma van tro hoa, va van la HOA CUC quan tu nhu KE SY BAC HA.

    May loi mao muoi,ke Chan Khong cu sy nay xin kinh can dat len an thu.

    Trả lờiXóa
  4. Bác Trần Mạnh Hảo viết bài bình giảng này cứ như là người trong cuộc vậy!
    Đấy!Tâm hồn người Việt như thế thì giặc thù nào có thể tiêu diệt được?
    Tại sao những người như bác Trần Mạnh Hảo không được soạn chương trình giảng dạy văn học cho các học sinh phổ thông nhỉ? Trong khi chương trình phổ thông là CỐT TỬ,vì ở tuổi đó các em đang nảy nở về mặt tâm hồn.Đang chuẩn bị để trưởng thành về mọi mặt.
    Bao lâu những bài viết này chưa thành bài giảng trong lớp học thì đừng hỏi tại sao giáo dục mãi hoài yếu kém!
    Muốn các em học giỏi, thì việc đầu tiên phải dạy cho các em biết mình là ai!học để làm gì!

    Trả lờiXóa
  5. Đọc bài Nguyễn Khuyến "Nằm Chung Với Khói Mây" càng thêm thương và kính trọng bậc đại nho Nguyễn Khuyến vô cùng!
    Xin trân trọng cảm ơn Nhà thơ Trần Mạnh Hảo.

    HỘI TÂY

    Kìa hội thăng bình tiếng pháo reo
    Bao nhiêu cờ kéo với đèn treo
    Bà quan tênh nghếch xem bõi trải
    Thằng bé lom khom nghé hát chèo.
    Cậy sức cây đu nhiều chị nhún,
    Tham tiền cột mỡ lắm anh leo.
    Khen ai khéo vẽ trò vui thế,
    Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu!

    Nguyễn Khuyến 1835-1990

    (Muathuhanoi)

    Trả lờiXóa
  6. nguyen khuyen 1835 -1909 hai phong ngay 20/11

    Trả lờiXóa
  7. 1/
    Đêm 30 Tết năm nào, sau khi cúng giao thừa xong, cả nhà quây quần bên mâm rượu, thế nào thày tôi cũng đọc câu đối của Nguyễn Khuyến (NK), khiến lũ lau nhau chúng tôi 7,8 tuổi đứa nào cũng thuộc:
    Đêm ba mươi, pháo nổ cái đùng…Ở ờ Tết
    Sáng mồng một, chạm nêu đánh cộc: Ái chà Xuân
    Đến khi lớn lên mới cảm thụ được cái hay, cái độc nhất vô nhị của câu ấy.

    Nói đến NK, trước hết phải nói về những câu đối để đời của Ông mà bất cứ ai yêu văn học nước nhà không thể không nhớ:

    Khi làm hộ nhà thợ nhuộm khóc chồng, Ông viết:
    Thiếp từ thủa lá thắm xe duyên, khi vận tía, lúc cơn đen, điều dại, điều khôn nhờ bố đỏ
    Chàng ở dưới suối vàng nghĩ hộ, vợ má hồng, con răng trắng, tím gan, tím ruột với trời xanh.

    Làm hộ nhà thợ rèn:
    Nhà cửa để lầm than, con thơ dại biết lấy ai rèn cặp
    Cơ đồ đành bỏ bễ, vợ trẻ trung lắm kẻ đe loi

    Mừng đám cưới:
    Giàu có thiếu chi tiền, đi một vài quan không phải phép
    Sang không thì cũng bạc, gửi dăm ba chữ là duyên

    Dương Khuê và NK bỡn nhau khi thấy người đàn bà đi toilet bên đường:
    Dương Lâm hữu ý khuy toàn điến
    Yên Đổ vô tình thức bán luân
    (Dương Lân cố ý dòm thấy hết cả đít/ Yên Đổ vô tình chỉ thấy nửa cái …)

    Mừng người quét chợ làm được nhà mới:
    Nhất cận thị, nhị cận giang, thử địa tích tằng xưng tỵ ốc (*)
    Giầu ở làng, sang ở nước, nhờ trời nay được vển râu tôm
    …………….
    (*) Nhất gần chợ, nhì gần sông, chỗ ấy hội tụ thể nào cũng làm được nhà lớn

    Huy Lê- Thu 2009
    (còn nữa)

    Trả lờiXóa
  8. (Tiếp 1 )
    2/
    Về 3 bài thơ mùa thu

    Thu vịnh: B1
    (Bài thơ vịnh mùa thu)
    Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao
    Cần trúc lơ thơ gió hắt hiu
    Nước biếc trông như làn khói phủ
    Song thưa để lọt bóng trăng vào
    Mấy chùm trước dậu hoa năm ngoái
    Một tiếng trên không ngỗng nước nào
    Nhân hứng cũng vừa toan cầm bút
    Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào

    Thu điếu: B2
    (Câu cá mùa thu)
    Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
    Một chiếc thuyền con bé tẻo teo
    Sóng biếc leo làn hơi giợn tý
    Lá vàng trước gió sẽ bay vèo
    Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
    Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
    Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
    Cá đâu đớp động dưới chân bèo

    Thu ẩm: B3
    (Uống rượu mùa thu)
    Năm gian nhà cỏ thấp le te
    Ngõ tối quanh co đóm lập lòe
    Lưng dậu lửng lơ màu khói nhạt
    Làn ao lóng lánh bóng trăng loe
    Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt
    Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe
    Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy
    Độ dăm ba chén đã say nhè

    -Ba bài trên đều làm theo thể thất ngôn bát cú, các chất liệu có đến 7-80% giống nhau:

    +Trời mây: Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao (B1), Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt (B2), da trời ai nhuộm mà xanh ngắt (B3)
    Và các phụ liệu ẩn của Trời: Bóng trăng /Song thưa để lọt bóng trăng vào- B1, hoặc ngỗng/ Một tiếng trên không ngỗng nước nào- B1

    +về Nước: Nước biếc trông như…B1. Ao thu lạnh…sóng biếc theo làn –B2, hoặc ẩn của nước là Ao trong B2
    Các phụ liệu: Trông như làn khói- B1. theo làn hơi gợn tý- B2. lóng lánh bóng trăng –B3

    +về Nhà, ngõ: Cần trúc lơ thơ-B1. Mấy chùm trước dậu-B1. Năm gian nhà nhỏ- B3, ngõ tối quanh co- B3
    Hoặc ẩn của nhà là Song thưa để lọt..-B1

    +Sương khói gió: như rau húng rau thơm
    Gió hắt hiu- B1. Lửng lơ màu khói nhạt- B3. hay ẩn của khói là …hơi gợn tý- B2. theo gió sẽ bay vèo- B2
    +Về chủ/ khách: …khách văng teo- B2, ông Đào- B1. hoặc ẩn của chủ/ khách: Một chiếc thuyền con, cá đâu đớp động- B2 .Rượu dăm ba chén. Mắt lão không vầy - B3

    Vẫn biết từ các chất liệu chính của mùa thu như nhau, đó là: Trời xanh, nước biếc, gió sẽ, khói nhạt, người buồn mang mác…vì tiết khí bắt đầu lạnh, được trộn với những phụ liệu: đom đóm, bóng trăng loe, rượu dăm ba chén…ở những trình tự tiết tấu , mức độ khác nhau (nhiệt độ của ngày, trưa, chiều, tối) tạo nên những món ăn tinh thần- các bài thơ thu có hương vị, xúc cảm hết sức khác biệt, làm cho người thưởng hết sức thích thú. Đó là kì tài của Đũa Nghệ sỹ.

    Nhưng ở đây muốn nói đến sự liên hệ ba bài thơ NK mà từ trước nay chưa ai đề cập. Ba bài thơ thu này là kiểu Văn học gì ?

    Huy Lê- Thu 2009
    (còn nữa)

    Trả lờiXóa
  9. (tiếp 2)
    3/
    Muốn hiểu được liên hệ 3 bài thơ mùa thu NK xin hãy đọc 4 bài thơ Đường điển hình sau đây:

    Tảo triều đại Minh cung
    Giả Chí

    Ngân chúc triều thiên tử mạch trường
    Cấm Thành xuân sắc hiểu thương thương
    Thiên điều nhược liễu tùy Thanh Tỏa
    Bách chuyển lưu oanh nhiễu Kiến Chương
    Kiếm bội thanh tùy ngọc trì bộ
    Y quan thân nhạ ngự lô hương
    Cộng mộc ân ba trì phượng thượng
    Triêu triêu nhiễm cán thị quân vương

    Dịch:
    Chầu sớm ở cung Đại Minh

    Đuốc bạc chầu vua dặm tía dài
    Màu xuân thành Cấm thắm ban mai
    Liễu Thanh Tỏa rủ tơ mềm mại
    Oanh Kiến Chương kêu giọng bẻ bai
    Bước nhẹ sân rồng khua kiếm bội
    Hương thơm lò ngự ướp cân đai
    Phụng Trì tắm gội ơm mưa móc
    Văn bút hầu luôn cạnh ngọc giai

    Họa Giả Chí Xá Nhân
    Tảo triều đại Minh cung chi tác
    Đỗ Phủ

    Ngũ dạ lậu thanh thôi hiểu tiễn
    Cửu trùng xuân sắc túy tiên đào
    Tinh kì nhật noãn long xà động
    Cung điện phong vi yến tước cao
    Triều bãi hương yên huề mãn tụ
    Thi thành châu ngọc tại huy hào
    Dục tri thế chưởng ty luân mỹ
    Trì thượng ư kim hữu dụng mao

    Dịch
    Họa bài chầu sớm ở cung Đại Minh
    của Xá Nhân Giả Chí

    Tiếng lậu năm canh dồn thẻ sơm
    Vẻ xuân chín bệ thắm hoa đào
    Nắng soi cờ xí rồng bay lượn
    Gió nhẹ cung đền én sẻ cao
    Chầu bãi áo bào hương khói thoảng
    Thơ thành ngọn bút ngóc châu xao
    Cho hay văn nghiệp lưu truyền mãi
    Ao phụng nay còn dấu phụng mao

    Huy Lê- Thu 2009
    (còn nữa)

    Trả lờiXóa
  10. (tiếp 3)


    Họa Giả Chí Xá Nhân
    Tảo triều đại Minh cung chi tác
    Vương Duy

    Giáng trách kê nhân báo hiểu trù
    Thượng y phương tiến thúy vân cừu
    Cửu thiên xướng hạp khai cung điện
    Vạn quốc y quan bái niệm lưu
    Nhật sắc tài lâm tiên chưởng động
    Hương yên dục bạng cổn long phù
    Triều bãi tu tài ngũ sắc chiếu
    Bội thanh qui đáo phụng trì đầu

    Dịch:
    Họa bài chầu sớm ở cung Đại Minh
    của Xá Nhân Giả Chí

    Vừa nghe báo sáng lệnh kê nhân
    Quan thượng y dâng áo thúy vân
    Chín bệ mở toang cung ngọc điện
    Trăm quan mừng lạy đấng anh quân
    Tay tiên đón nắng cao cao vẫy
    Áo ngự xông hương lớp lớp văn
    Tan cuộc triều đình vâng chiếu chỉ
    Phụng Trì trở lại ngọc vang ngân


    Họa Giả Chí Xá Nhân
    Tảo triều đại Minh cung chi tác
    Sầm Tham

    Kê minh tử mạch thự quang hàn
    Oanh chuyển hoàng châu xuân sắc lan
    Kim khuyết hiểu chung khai vạn hộ
    Ngọc giai tiên trượng ủng thiên quan
    Hoa nghinh kiếm bội tinh sơ lạc
    Liễu phất tinh kì lộ vị can
    Độc hữu phượng hoàng trì phượng thượng
    Dương xuân nhất khúc họa giai nan

    Dịch:
    Họa bài chầu sớm ở cung Đại Minh
    của Xá Nhân Giả Chí

    Canh gà dặm tía nắng vừa lan
    Oanh hót thành đô xuân sắp tàn
    Đền ngọc chuông mai rền vạn cửa
    Thềm son cở quạt rợp nghìn quan
    Hoa chào kiếm bội sao vừa lặn
    Liễu phủ tinh kì móc chửa tan
    Ao Phụng hoàng kia còn một khách
    Dương xuân bài họa khó muôn vàn

    (4 bài dịch trên của Lê Nguyễn Lưu)

    Có thể kết luận như sau:
    Bài đầu tiên của Giả Chí là bài Xướng, còn 3 bài sau của Đỗ Phủ, Vuơng Duy và Sẩm Tham là 3 bài Họa.
    Đặc điểm của 3 bài Họa là: trên cơ sở chất liệu 70% của bài xướng mà tác giả nhào nặn, gia giảm các phụ liệu để có 3 móm mới khác hẳn về mùi vị, một điều khác biệt nữa là các bài họa có vần khác hẳn bài xướng. Bài xướng của Giả Chí âm “ương”, Bài hoạ Đỗ Phủ âm: “ao”, bài họa Vương Duy âm” ưu, u’ còn bài Sầm Tham âm “ an”

    Từ những minh họa và kết luận trên có thể đưa ra nhận xét rằng 3 bài thơ mùa thu của NK thực chất là 3 bài thơ tự xướng họa, bởi nó tuân thủ đúng luật lệ mà kiểu Xướng Họa thơ Đường đã có từ trước.

    Kiểu xướng họa này khác thơ xướng họa VN ở chỗ bắt buộc vận nguyên vần. Chẳng hạn các nhà thơ hay họa bài Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan, đều lấy vần “a” của câu đầu Bước xuống Đèo Ngang cảnh xế tà …

    Huy Lê- Thu 2009
    (còn nữa)

    Trả lờiXóa
  11. (tiếp 4)
    4/
    Thử bình Góc không gian của Bài thơ Thu ẩm- NK

    Thu ẩm
    (Uống rượu mùa thu)

    Năm gian nhà cỏ thấp le te
    Ngõ tối quanh co đóm lập lòe
    Lưng dậu lửng lơ màu khói nhạt
    Làn ao lóng lánh bóng trăng loe
    Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt
    Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe
    Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy
    Độ dăm ba chén đã say nhè

    Mùa thu ở đây bắt đầu từ trong nhà, hơi tôi tối: Năm gian nhà cỏ thấp le te. Ngó ra ngoài, mới phát hiện ánh sáng của: đom đóm lập lòe…

    A, ngoài hàng rào, chiều xuống lâu rồi: Lưng dậu lửng lơ màu khói nhạt, nhưng không tắt được ánh sáng không phải bằng ánh nắng mặt trời mà ánh sáng âm của vầng trăng đầu tháng: Làn ao lóng lánh bóng trăng loe

    Thật là đột ngột: Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt ? Trời tối, thi nhân ngồi trong nhà thì làm sao trông thất được trờ xanh ? Bây giờ là mấy giờ ? lẽ ra phải là đêm hoặc gần đêm mới phải chứ ! Bởi bóng trăng mới loe lên ở nơi ao kia mà . Đến ông cũng nghi ngờ vào chính mắt mình, nên phải dụi mắt, dụi đi dụi lại: Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe. Không vậy mà lại là như vậy thật, hay bởi tại ông luôn đau mắt ?!

    Cái chính của Mùa Thu không phải những thức trên, cái chính là Rượu. Không có rượu làm sao cảm nhận được Thu, thứ trong xanh như pha lê, thứ lóng lánh như ngọc huyền, như mây, như khói….Tưởng hay rượu phải uống rất nhiều, nhưng độ dăm ba chén đã say nhà ! Say tít cung mây. Thử hình dung bắt đầu đặt bút viết:
    Năm gian nhà cỏ thấp le te/ rót một chén
    Ngõ tối quanh co đóm lập lòe/ hay quá, rót và tự thưởng chén thứ hai, đến chén thứ 3, thứ 4…thì da trời không cần ai nhuộm cũng vẫn cứ xanh, xanh nghắt ngằn ngặt. Thi nhân đã bngur rồi, ngũ rất ngon tron cơn say thi vị. Cũng chính lúc mở mắt choàng dậy thì trờ ssax sáng …toét: Sáng đến ngạc nhiên, sáng đến không tín:
    Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt
    Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe

    Đó là logic của Rượu. Tất cả tại Rượu. Nếu không có Rượu lấy đâu ra một mùa Thu để uống say, uống hay đến vậy.
    Bài thơ nói Bí mật của Rượu, đến phút chót , cái chữ cuối cùng mới Phọt ra, phảng phất cấu tứ Đường Thi.
    ………………

    Huy Lê- Thu 2009
    (hết)

    Trả lờiXóa
  12. "Nhưng ở đây muốn nói đến sự liên hệ ba bài thơ NK mà từ trước nay chưa ai đề cập. Ba bài thơ thu này là kiểu Văn học gì ?"

    Không phải là nhà thơ, cũng chẳng giảng dạy văn học.Tuy nhiên theo cách hiểu của tôi thì đây là thể loại thơ "tự sự".
    Nếu không đúng, xin bác một lời chỉ giáo

    Trả lờiXóa
  13. "Cái chính của Mùa Thu không phải những thức trên, cái chính là Rượu. Không có rượu làm sao cảm nhận được Thu, thứ trong xanh như pha lê, thứ lóng lánh như ngọc huyền, như mây, như khói….Tưởng hay rượu phải uống rất nhiều, nhưng độ dăm ba chén đã say nhà ! Say tít cung mây. Thử hình dung bắt đầu đặt bút viết:
    Năm gian nhà cỏ thấp le te/ rót một chén
    Ngõ tối quanh co đóm lập lòe/ hay quá, rót và tự thưởng chén thứ hai, đến chén thứ 3, thứ 4…thì da trời không cần ai nhuộm cũng vẫn cứ xanh, xanh nghắt ngằn ngặt. Thi nhân đã bngur rồi, ngũ rất ngon tron cơn say thi vị. Cũng chính lúc mở mắt choàng dậy thì trờ ssax sáng …toét: Sáng đến ngạc nhiên, sáng đến không tín:
    Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt
    Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe

    Đó là logic của Rượu. Tất cả tại Rượu. Nếu không có Rượu lấy đâu ra một mùa Thu để uống say, uống hay đến vậy.
    Bài thơ nói Bí mật của Rượu, đến phút chót , cái chữ cuối cùng mới Phọt ra, phảng phất cấu tứ Đường Thi."


    Cả cái đoạn văn này rất không thuyết phục.
    Bác Trần Mạnh Hảo diễn giải hay hơn và cao hơn! Cụ Nguyễn Khuyến đâu có tầm thường như tác giả Huy Lê-Thu đã nói!

    Trả lờiXóa
  14. Tôi không muốn đọc bài của tác giả Huy Lê-Thu vì quá thấp kém!
    Nếu phải đọc loại văn như thế này,thì tôi đi kiếm tờ báo Tuổi Trẻ Cười mà đọc có lẽ đỡ tức hơn!

    Trả lờiXóa
  15. Bài viết của thày Tr M Hảo đáng để các em HS down load làm tài liệu ôn thi tốt nghiệp PTTH và ĐH...
    Còn bài của H Lê tuy chẳng giống ai, nhưng lại rất uẩn xúc, thú vị nhất là kết luận 3 bài thơ thu Nguyễn Khuyến mà từ trước chẳng ai hiểu là kiểu thơ gì. Cách bình bài Thu ẩm rất khác lạ, lý thú...Đấy phải chăng là giá trị của blog này ?!
    ...........
    Đường Lâm

    Trả lờiXóa
  16. Chẳng biết bác Huy Lê-Thu là ai!Nếu bác này là giáo viên dạy văn cho các em thì đúng là đại họa cho nước non nhà!

    Trả lờiXóa
  17. TS.Xuân Diện ơi!
    Nhờ TS chữa lại dùm năm mất của Nguyễn Khuyến 1909 trong comment của Muathuhanoi (chắc do đánh nhanh nên số nhảy lung tung, giờ bật lên mới biết)
    , xin lỗi cả nhà! (hìhì)
    (Muathuhanoi)

    Trả lờiXóa
  18. Bài"Tự than thở một mình"của Nguyễn Khuyến đến nay ngẫm vẫn thấy nguyên giá trị.
    "Ngẫm chuyện mười năm,lòng tái tê.
    Sự đời thay đổi,nhìn mà ghê.
    Cá ăn thịt cá vì tham lợi.
    Cùng một giống nòi,tre cột tre.
    Cái khổ ngày nay do ai nhỉ?
    Người xưa ở ẩn bỏ về quê.
    Nhắn ai quen biết ngoài đô thị:
    Đời loạn mà sao chửa muốn về?"
    Trong thời cuộc nhiễu nhương,các phong trào đấu tranh yêu nước bị đàn áp,nhiều kẻ cậy thể chèn ép,bóc lột dân lành,Nguyễn Khuyến bất lực vì không thể làm gì để thay đổi được thời cuộc nên ông cáo quan về ở ẩn.

    Trả lờiXóa
  19. Ở Việt Nam, chưa có ai viết về Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Khuyến...hay hơn nhà thơ Trần Mạnh Hảo.Ông vừa uyên bác vừa lãng mạn, vừa là lửa nóng vừa là tuyết ấm. Văn ông quả có ma.Mong TS.Diện cho in nhiều bài viết tuyệt vời của ông TMH để chúng tôi thêm yêu blog này hơn nữa.

    Trả lờiXóa
  20. Văn chương nước nhà có nhiều áng tuyệt đích, nhưng cách bình phẩm đánh giá rất khác nhau, nhiều khi không thỏa đáng. Cái hay của Nguyễn Khuyến mà Huy Lê đã viết một bài khá dài, đề cập một nhận định mà từ trước rất nhiều người hiểu sai hoặc không hiểu thế nào là thơ xướng họa đã cung cấp một thông tin gây tranh cãi.
    Không nên mạt sát hoặc tụng ca một cái gì mà bản thân không tự hiểu thấu đáo giá trị của nó.
    Khổng Tử từng nói:
    Khả dữ ngôn nhi dữ bất chi ngôn, thất nhân, bất khả dữ ngôn nhi dữ chi ngôn, thất ngôn. Quân tử bất thất nhân diệc bất thất ngôn.
    Nghĩa:
    Điều gì cần nói nhưng không nói, mất người; Điều gì không cần nói mà nói, mất lời. Người quân tử không mất người và cũng không mất lời.
    Chẳng lẽ thời nay quá ít người quân tử ?!
    .......
    Hiệt Củ

    Trả lờiXóa
  21. NK-Tam Nguyên, một người 3 lần đỗ đầu, rất hiếm trong các bậc khoa bảng nước nhà, nhưng Ông được người đời nhớ nhiều hơn chính ở tài văn học. Văn học NK không phải thứ phục vụ công nông binh hay CM, ông làm để tự sự nỗi đau cá nhân và quốc nhân, nhưng lại rất hóm.
    Hoàng CK mướn ông dạy chữ cho con, ông viết như nói:
    Quanh năm mổ bụng con lấy chữ
    Đến Tết bổ đầu bố lấy tiền.
    Mừng Cô Tư Hồng, me Tây buôn gạo bắc nam bị lộ, cô sáng kiến phát chấn đồng bào bị lụt Trung kì, được vua ban thưởng cả cô và cụ nhà, NK mừng:
    Một đạo sắc phong hàm cụ lớn
    Trăm năm danh giá của bà...to
    NK vừa giỏi cả Hán vừa giỏi cả Nôm:
    Tứ thời bát tiết canh chung thủy
    Ngạn liễu đôi bồ dục điểm trang
    Dân Hà Nam ai chẳng biết Đọi Sơn, nhưng nói đến Đọi Sơn mà không nói câu đối cực kì độc đáo của ông khi đến thăm chùa, sư móm, tiểu ngọng:
    Phất phất phóng phong phan, pháp phái phi phù phan phụng Phật
    Căn căn canh cổ kệ cao ca kỷ cứu cứu cùng kinh
    Nghĩa:
    Phất phơ cờ phướn bay trước gió, đạo pháp cùng cờ phướn bay để thờ Phật/ Tất cả đọc kinh cổ, đọc to để khảo cứu kinh đến cùng...
    Thực sự ông không có thi pháp gì cả, mà chỉ là Cái Tài thực sự mà thôi, cái Tài ấy không cần mang gió thổi ông lên những tưởng bay cùng ông trong vũ trụ.
    Khi tham gia BGK thi vịnh Kiều, ông bảo:
    Thằng bán tơ kia giở dói ra
    Làm cho bận đến cụ Viên già.
    ....
    Ngọc Trâm

    Trả lờiXóa
  22. Đính chính hộ Ng Trâm một chữ:Lấy= nhét:

    Quanh năm mổ bụng con nhét chữ
    Đến Tết bổ đầu bố lấy tiền.
    .......
    Cẩm Tú

    Trả lờiXóa
  23. Ngỗng nước là con vịt nước, con le le đó ông Hảo ơi. Chim trời bay tự do trên trời,lội tự do dưới nước, không phải loại gia cầm như gà vịt ngỗng ngan do người nước này hay nước nọ nuôi,không là sở hữu của người nước này nước nọ,cũng không thể nói xác định có nguồn gốc ở nước nào. Cho nên ngỗng nước không có quốc tịch chi cả. Chữ nước ở đây là chỉ môi trường nước ngỗng nó thích, như trâu nước, gà nước,rắn nước vậy thôi. Trước dậu còn phất phơ mấy chòm hoa (chưa chắc đã khô) biết chắc là của năm ngoái còn sót lại. Bỗng đâu trên trời có tiếng kêu của mấy chú le le, không biết là có phải mấy chú le le năm ngoái nhớ chốn cũ quay về hay không. Hình ảnh dưới đất và âm thanh trên trời tạo ra một liên kết mạnh về cả không gian lẫn thời gian, đem lại cái man mác truyền đời khiến cho câu thơ còn rung động mãi đến giờ.
    Vậy tại sao Nguyễn Khuyến không viết "Một tiếng trên không le le nào"? Đơn giản là vì như vậy sẽ kém thi vị và phá vỡ luật bằng trắc của thơ Đường. Nhưng đây chỉ là thiển ý của kẻ hậu sinh nhân được đọc bài bình rất hay này sau một buổi trà dư tửu hậu. Nếu thất thố mong tiên sinh lương thứ.

    Trả lờiXóa