Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

KHÔNG CÓ SÓNG TRONG ĐÊM NHẠC "SÓNG VỌNG BIỂN ĐÔNG"

20 Biểu tình viên đến xem chương trình, chụp ảnh cùng ông Dương Trung Quốc. Ảnh: N.A.T

Đêm nhạc "Sóng vọng Biển Đông"

Nguyễn Hồng Kiên 

 

“Tiếu lâm vỉa hè Hà Nội” có câu: “Dân ta phải biết sử ta- Cái gì không biết thì tra Gúc-gồ".

 

Là dân học/ làm nghề Sử, nhà cháu cười … như mếu. 

 

Lướt mạng thấy tin um ùm về vụ nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thành lập, Hội  Sử học được thưởng Huân chương Lao động hạng  Nhất  (Nhà cháu chả thấy SƯỚNG, sau Nỗi đau từ hàng ngàn điểm 0 môn sử) và chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Sóng vọng biển Đông” sẽ diễn ra vào tối 22/10/2011 tới tại Nhà hát Lớn Hà Nội

 

Nếu gõ cụm từ “Sóng vọng biển Đông” hỏi ‘bác Gúc’ thì sau 0,07 giây sẽ được 2.970.000 kết quả.

 

Trước hết, nhà cháu xin chọn đăng 05 tin đáng chú ý:

 

1- Tin: Chương trình nghệ thuật “Sóng vọng biển Đôngđăng lúc 10g25 ngày 13/10/2011 trên báo điện tử ĐCSVN (lấy lại tin từ ngày 11/10 của VOV.vn) :

Nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Hội khoa học lịch sử Việt Nam, một Chương trình nghệ thuật “Sóng vọng biển Đông” và công bố Quỹ phát triển sử học Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày 22/10 tới, tại Hà Nội.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Sóng vọng biển Đông” hướng tới chủ đề xây dựng Tổ quốc và bảo vệ biển đảo khơi dậy niềm tự hào, ý thức trách nhiệm của người Việt với lịch sử dân tộc.

Đây là một cuộc đối thoại của thế hệ hôm nay cùng nhìn lại truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Dịp này, Hội khoa học lịch sử cũng sẽ công bố Quỹ phát triển sử học Việt Nam.

Nhà Sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết: Nguồn quỹ này nhằm để hỗ trợ tài chính cho các công trình sử học xuất sắc, cũng như việc tổ chức các sự kiện liên quan đến lịch sử văn hóa.

Ông Dương Trung Quốc nói: “Chương trình nghệ thuật này nhắc nhở chúng ta giá trị vốn có của dân tộc chúng ta. Một quốc gia có hơn 3.200 km biên giới đường biển, chúng ta chịu biết bao sóng gió, không những của thiên nhiên mà kể cả nguy cơ xâm lăng từ biển vào. Bằng ngôn ngữ âm nhạc, nghệ thuật trình diễn, chúng tôi muốn đưa vào chương trình này sự đánh thức, những bài hát nói về sự giàu đẹp của quê hương chúng ta, và truyền thống của ông cha chúng ta trong việc bảo vệ chủ quyền của đất nước”./.

2- Tin Sóng vọng biển Đôngcủa PV Dương Cầm, đăng trong mục GIẢI TRÍ của Báo điện tử An Ninh Thủ Đô : 

Thứ tư 12/10/2011 23:21

ANTĐ – Dàn nghệ sĩ tên tuổi đại diện cho nhiều thế hệ giọng ca vàng trong làng nhạc Việt sẽ cùng nhau góp mặt trong đêm nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Sóng vọng biển Đông” diễn ra vào tối 22-10 tới tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

 Chương trình do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức kỷ niệm 45 năm ngày thành lập, đồng thời đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và công bố quyết định thành lập Quỹ phát triển sử học Việt Nam. Dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của nhạc sĩ Lê Minh Sơn, chương trình được dàn dựng thành 4 phần gồm: Xây dựng đất nước và bảo vệ biển đảo; Vọng phu; Câu chuyện của người mẹ; Một ngày bình thường. Nhạc sĩ Lê Minh Sơn tiết lộ sẽ mang đến cho người xem những cảm xúc hùng tráng và hào sảng về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Bên cạnh màn trình diễn của nhiều nghệ sĩ như: NSND Quang Thọ, Anh Thơ, Trọng Tấn, Đăng Dương, Tân Nhàn, Khánh Linh… vị nhạc sĩ tài hoa sẽ trình diễn tác phẩm chủ đề “Sóng vọng biển Đông” ở phần cuối chương trình. Trước đó, chiều cùng ngày tại sảnh Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ khai mạc cuộc triển lãm ảnh về biển đảo Việt Nam.


3- Báo Thể thao&Văn hóa có hẳn một bài dài: Chấn hưng môn sử, hướng tới biển Đông 

Thứ Tư, 12/10/2011 10:33


(TT&VH) – Ngày 11/10 tại Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (KHLS VN) đã tổ chức họp báo công bố Quỹ Hỗ trợ Phát triển Sử học Việt Nam (HTPTSH VN) và thông báo về chương trình nghệ thuật đặc biệt Sóng vọng biển Đông sẽ diễn ra vào ngày 22/10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.


Quỹ HTPTSH VN là Quỹ quốc gia đầu tiên của Hội KHLS VN và chương trình Sóng vọng biển Đông là sự kiện mở đầu cho hoạt động thường niên của Quỹ nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền sử học nước nhà.


Không có chuyện ba quỹ dẫm chân lên nhau


Tính cho đến thời điểm này, Quỹ HTPTSH VN là quỹ thứ 3 sử dụng nguồn lãi tín dụng để khuyến khích, đào tạo nhân tài sử học cho đất nước. Hai quỹ được nhiều người biết đến trước đó là Quỹ giải thưởng sử học Trần Văn Giàu và Quỹ giải thưởng sử học Phạm Thận Duật… Sự ra đời của các quỹ này có vai trò rất quan trọng trong việc nghiên cứu và phổ biến sử học, nhất là sau khi có những báo động về “thảm họa môn Sử” trong mùa tuyền sinh ĐH, CĐ vừa qua…


Tuy nhiên, ngay trong buổi họp báo công bố quỹ, nhiều người cho rằng, cả ba quỹ này rất có thể sẽ “dẫm chân nhau”.


GS – Viện sĩ Phan Huy Lê (giữa) cho rằng:
“Cần đẩy mạnh nghiên cứu toàn diện về biển Đông…”


GS – Viện sĩ Phan Huy Lê giải thích: Quỹ giải thưởng sử học Trần Văn Giàu là dành cho hai lĩnh vực Lịch sử và Lịch sử tư tưởng liên quan đến miền đất Nam bộ, cực Nam Trung bộ (tỉnh Bình Thuận) và TP.HCM.


Quỹ Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật xét các công trình đăng ký tranh giải đều là những luận án tiến sĩ sử học (của người Việt hoặc người nước ngoài).


Còn Quỹ HTPTSH VN, nhằm mục đích đào tạo nhân tài sử học cho đất nước và thúc đẩy sự phát triển của nền sử học Việt Nam. Ngoài ra, Quỹ HTPTSH VN còn dự định sẽ tổ chức thường niên Diễn đàn sử học Việt Nam cùng các sự kiện văn hóa, lịch sử, nhằm thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân đến các vấn đề nóng bỏng của xã hội liên quan đến lịch sử. Như vậy, có thể nói, Quỹ HTPTSH VN không những không “dẫm lên chân” hai Quỹ giải thưởng sử học Trần Văn Giàu và Phạm Thận Duật mà “biên độ hoạt động” của quỹ còn mở rộng hơn rất nhiều.


Cần đẩy mạnh nghiên cứu toàn diện về biển Đông


Trong buổi họp báo công bố Quỹ Hỗ trợ Phát triển Sử học Việt Nam, Hội KHLSVN cũng đã giới thiệu chương trình nghệ thuật Sóng vọng biển Đông (Tổng đạo diễn: Nhà sử học Dương Trung Quốc, Chỉ đạo nghệ thuật: Nhạc sĩ Lê Minh Sơn). Mặc dù, chương trình này chỉ là sự kiện mở đầu cho các hoạt động thường niên mà Hội đã đề ra nhưng lại là một trong rất nhiều cách truyền bá lịch sử đến người dân, là cuộc đối thoại giữa những con người thời bình ở nhiều lứa tuổi khác nhau khi cùng nhìn lại một giai đoạn hào hùng về biển và lịch sử dân tộc.


GS – Viện sĩ Phan Huy Lê sau buổi họp báo đã chia sẻ với TT&VH: “Gần đây, dư luận rất quan tâm đến tình hình biển Đông, trong đó có chủ quyền về Trường Sa và Hoàng Sa. Giới sử học chúng tôi cũng đã có loạt bài nghiên cứu về vấn đề này trên tạp chí Xưa và Nay của Hội. Tuy nhiên, theo tôi việc này cần phải đẩy mạnh hơn nữa. Bởi muốn quảng bá tốt thì phải tổ chức nghiên cứu tốt. Đã đến lúc công việc nghiên cứu về biển Đông nói chung và chủ quyền đối với Trường Sa, Hoàng Sa nói riêng, cần phải được tổ chức trên cơ sở liên kết chặt chẽ hơn nữa, tập hợp đầy đủ hơn nữa các chuyên gia ở trong nước và đặc biệt là các chuyên gia ở nước ngoài. Tôi biết họ rất yêu đất nước VN, có những công trình nghiên cứu sâu sắc và có những điều kiện để thu thập tài liệu thuận lợi hơn chúng ta…”.


Hiện nay về lịch sử biển Đông, theo như GS Phan Huy Lê cho biết, trong giới sử học hiện có hai công trình nghiên cứu: của TS Nguyễn Nhã ở TP.HCM và của Khoa Sử của Trường ĐHKHXHNV (ĐH QG HN) do GS Nguyễn Quang Ngọc chủ biên. Hai công trình này sẽ được xuất bản trong thời gian tới nhằm quảng bá những công trình nghiên cứu tương đối đầy đủ ở trong nước về biển Đông. Cùng với những công trình nghiên cứu khoa học như vậy, theo GS Lê thì chúng ta cần phải có những hình thức phổ cập hơn nữa để quảng bá kiến thức lịch sử dân tộc nói chung, lịch sử biển Đông nói riêng liên quan đến chủ quyền lãnh thổ trong nhân dân.


“Theo tôi, cần phải gắn Trường Sa, Hoàng Sa vào biển Đông nói chung. Ở đây nó có hai mặt liên quan mật thiết với nhau. Đó là bảo vệ độc lập về chủ quyền trên biển Đông và đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, vì biển đóng một vai trò cực lớn đối với sự phát triển của đất nước. Cho nên, nói về nghiên cứu biển Đông, chúng ta không chỉ nghiên cứu về chủ quyền đối với Trường Sa và Hoàng Sa mà phải nghiên cứu toàn diện về biển Đông trên cơ sở phải tổ chức nghiên cứu liên ngành, để nghiên cứu một cách có hiệu quả hơn nữa. Và phải thường xuyên cập nhật vì sự nghiên cứu càng ngày sẽ càng thay đổi, nếu nhận thức chỉ dừng lại ngày hôm nay đến một lúc nào đó nó sẽ trở nên lỗi thời!”


Huy Thông

(PV Huy Thông có biên tập lại không mà đọc câu của GS Phan Huy Lê nghe giông giống về “mẫu câu” của TBT ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng: Nói biển Đông không phải chỉ là biển Đông. Nói biển Đông không phải chỉ quan hệ ta với Trung Quốc. Nói biển Đông không phải toàn bộ vấn đề biển Đông, nó chỉ có một cái chỗ quần đảo Hoàng Sa với lại quần đảo Trường Sa và cái  ranh giới thềm lục địa theo công ước luật Biển quốc tế, thì có tranh chấp nhau, nhưng mà đâu chỉ có 2 nước, rất nhiều nước …“)

4- Mục Văn hóa giải trí của báo Pháp Luật TPHCM Online có tin 122 chữ: Sóng vọng biển Đông:

(PL)- Ngày 22-10, chương trình nghệ thuật Sóng vọng biển Đông với bốn màn:

Xây dựng đất nước và bảo vệ biển, đảo; Vọng phu; Câu chuyện của người mẹ; Một ngày bình thường do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội. Sóng vọng biển Đông được xem như những tiếng vọng đa âm xen lẫn thực tại, quá khứ; đất liền, biển khơi; nụ cười, nước mắt; máu thời chiến, mồ hôi thời bình…

Chương trình do nhạc sĩ Lê Minh Sơn chỉ đạo nghệ thuật với sự tham gia của các ca sĩ Quang Thọ, Trọng Tấn, Đăng Dương, Khánh Linh, Tân Nhàn, Anh Thơ…

V.THỊNH

5- VietNamNet có nội dung rất chi tiết, nhưng lại giật 1 cái tai-tồ rất nét – “Sóng vọng Biển Đông” với nhiều giọng ca nổi tiếng, 

Cập nhật 13/10/2011 06:31:00 AM (GMT+7)

- Với sự tham gia biểu diễn của các ca sĩ Quang Thọ, Trọng Tấn, Đăng Dương, Khánh Linh, Tân Nhàn, Anh Thơ… chương trình nghệ thuật “Sóng vọng Biển Đông” sẽ là cuộc đối thoại đặc biệt giữa những thế hệ.

Quy tụ những giọng ca nhạc đỏ hàng đầu Việt Nam, chương trình sẽ diễn ra vào tối ngày 22/10 tại Nhà hát lớn Hà Nội. Trong đêm nhạc, những ca khúc nổi tiếng về như Vượt trùng dương (Hoàng Văn Tý),Tình ca (Phạm Duy) sẽ được biểu diễn bên cạnh những tác phẩm mới nhất của các nhạc sĩ như Sóng Vọng Biển Đông (Lê Minh Sơn), Gió lộng bốn phương (Trần Mạnh Hùng)…

Ca sĩ Đăng Dương

Với câu chuyện xuyên suốt là hình ảnh người con của một liệt sỹ đã hi sinh khi bảo vệ đảo Gạc – ma, những bài hát sẽ lần lượt được cất lên như những ánh đèn hải đăng dẫn đường cho người con tìm đến với hình bóng cha mình. Trong suốt chặng đường khán giả sẽ được chứng kiến những cuộc đối thoại giữa những người lính, giữa biển khơi và đất liền, giữa hòa bình và cuộc chiến, với những sự phi thường của hiện tại chỉ là những điều bình thường trong quá khứ…

Nằm trong dịp kỉ niểm 45 năm thành lập Hội khoa học Lịch Sử Việt Nam, lần đầu tiên một chương trình âm nhạc nghệ thuật được tổ chức và đạo diễn bởi những người am hiểu về lịch sử. Tổng đạo diễn chương trình là nhà sử học Dương Trung Quốc bên cạnh nhạc sĩ Lê Minh Sơn với vai trò chỉ đạo nghệ thuật.


Nhạc sĩ Lê Minh Sơn – Ảnh: Nguyễn Hoàng

Với những người có tâm huyết với lịch sử, đặc biệt là tình yêu với Biển đảo, đây sẽ là cách hoàn toàn mới để thay đổi cách nhìn nhận của thế hệ trẻ trong việc tiếp cận với Lịch sử Việt Nam. Qua đó cũng để gián tiếp làm vững chắc thêm trong vấn để khẳng định lịch sử biển đảo và đất liền của Tổ Quốc.

Thái Thanh

(BONUS: Link Sóng-vọng-biển-Đông — Vietnam+ (VietnamPlus) lại dẫn đến 1 loạt bài với bài đầu tiên là Hội Khoa học Lịch sử nhận Huân chương Lao động (22/10/2011 | 22:10:00) có độc câu kết có liên quan: “Tại buổi lễ, các nghệ sỹ, nhạc công thuộc các đoàn nghệ thuật Trung ương và Hà Nội đã biểu diễn chương trình nghệ thuật chào mừng “Sóng vọng Biển Đông” với nhiều tiết mục đặc sắc./. " 

 

Tối qua, nhà cháu hý hởn đi coi

 

XIN CHÉP LẠI ĐÂY TRUNG THỰC NHỮNG GÌ ĐÃ THẤY: 

 

1- Đầu chương trình, bác Dương “Tàu” mời tất cả đứng dậy làm lễ chào cờ và yêu cầu mọi người CÙNG HÁT QUỐC CA. Chỗ nhà cháu trên tít tận tầng 3, anh chị em hát to nhất Nhà hát luôn. Thề ! Tan cuộc, anh chị em ngồi tầng Một bảo thế. Nhà cháu giờ vưỡn còn bị khan tiếng.

 

2- Quan khách:

 

Đến Nhà hát Lớn, thấy rất nhiều công an. Hỏi ra mới biết là Chủ tịch nước Nguyễn Tấn Sang sẽ tới dự. Đang phởn phơ tán chuyện với một đồng nghiệp khảo cổ học bỗng có một chú đến hỏi “xem nhờ cái giấy mời”. (Đau là nhà cháu chả được Hội Sử cho giấy mời mà là bạn bè ngành khác cho).

Không có máy, nhà cháu mượn của Lê Dũng chụp 03 pô:

.

 Bên trái sân khấu

 Bên phải sân khấu

 Tầng Một

Tạm bỏ qua các tầng Hai và Ba, cụ thể quan khách 5 hàng đầu tầng Một như sau:

 

- THẲNG GIỮA SÂN KHẤU: 

 

Hàng ghế đầu tiên sát sân khấu có 8 vị ngồi (tính từ trái sang phải là: GS-TS khảo cổ Lưu Trần Tiêu – Bí thư Thành ủy  ĐCSVN TP. Hà Nội Phạm  Quang Nghị – Nguyên Phó Thủ tướng  Nguyễn Khánh – Nguyên TBT ĐCSVN Lê Khả Phiêu – Chủ tịch nước Trương Tấn Sang -  Chủ tịch Hội Sử học GS Phan Huy Lê – Phó Thủ tướng  Nguyễn Thiện  Nhân và một ông nhà cháu không biết.

 

Mải xem, lúc 20g26, tức là thời điểm kết thúc phần Lễ (ấy là là nói thế, đúng không chả biết?), đến bài hát thứ hai, khi ca sỹ Đăng Dương hát bài Bạch  Đằng giang, nhà cháu không nhìn thấy ông Phạm  Quang Nghị nữa. Sau, bác Dương “Tàu” bảo ông ấy báo bận từ trước, phải về sớm.

 

Các  VIP còn lại ngồi xem/nghe đến hết.

 

Hàng ghế thứ hai, trống 01/09 chỗ. Hàng thứ ba, trống 05/10 chỗ. Hàng thứ tư, trống 04/11 chỗ. Hàng thứ năm, trống 05/12 chỗ.

 

BÊN TRÁI SÂN KHẤU:

 

Hàng ghế đầu tiên, trống 01/06 chỗ. Hàng ghế thứ hai, trống 02/06 chỗ. Hàng thứ ba, trống 03/06 chỗ. Hàng thứ tư, trống 01/06 chỗ. Hàng thứ năm, trống 03/06 chỗ.

 

BÊN PHẢI SÂN KHẤU: 

 

Hàng ghế đầu tiên, trống 04/06 chỗ.  Hàng ghế thứ hai , trống nguyên 06 chỗ. Hàng thứ ba, trống 03/06 chỗ (có 1 cháu bé dưới 10 tuổi). Hàng thứ tư, trống 02/05 chỗ. Hàng thứ năm, trống 02/05 chỗ.


 

3- Theo nhà cháu biết, chương trình này không bán vé vào xem mà TINH giấy mời đã được gửi hết (thậm chí có ghi tên cụ thể)

 

4- Chương trình ca nhạc gồm TẤT CẢ 15 bài:

- Tình ca (Phạm  Duy): “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi. Mẹ hiền ru những câu xa vời. À à ơi! Tiếng ru muôn đời. Tiếng nước tôi!

- Bạch  Đằng  giang (Lưu Hữu Phước): “Đây Bạch Đằng Giang sông hùng dũng. Của nòi giống Tiên Rồng Giống Lạc Hồng, giống anh hùng, Nam Bắc Trung….

- Vượt trùng dương (Nguyễn Văn Tý): “Dù gian khó hát câu trường kỳ. Đời tranh đấu hát câu trường kỳ. Đây con thuyền vượt muôn trùng dương

- Biển hát chiều nay (Hồng  Đăng):”Có gì sáng nay mà sóng xôn xao?…”

- Xa khơi (Nguyễn Tài Tuệ): “Nhớ thương cách rời ơi biển chiều nay …”

- Tình ca (Hoàng  Việt): “Khi hát lên tiếng ca gởi về người yêu quê ta. Ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba …

- Tình ta biển bạc đồng xanh (Hoàng  Sông Hương): “Thuyền anh ra khơi khi chân mây ửng hồng.
Thuyền anh ra khơi đâu có ngại chi sóng gió ơ hò…”

- Đừng vì (VÍ) em là biển (Trần Thanh Tùng-Minh Thiện): “Đừng ví em là biển.Nước mặn chát chân trời. Giữa mênh mông vẫn khát. Không uống được anh ơi…

- Thuyền và biển (Phan Huỳnh Điểu-Xuân Quỳnh): “Nếu phải cách xa em. Anh chỉ còn bão tố …”

- Con thuyền xa bến (Lưu Bách Thụ) “Khóc cho người đi. Không còn ngày về...”

- Mẹ yêu con (Nguyễn Văn Tý):”A á ru hời ơ hời ru. Mẹ thương con có hay chăng …”

- Người mẹ của tôi (Xuân Hồng) “Nước mắt Mẹ không còn. Để khóc những đứa con…”

- Lướt sóng ra khơi (Thái Dương): “Đoàn ta ra khơi tiếng máy reo vang tràn ngập tình đất nước quê hương. Nhìn bầu trời xanh tươi, tay súng ta không rời…”

- Hò biển (Nguyễn Cường): “Mênh mông ơ triều lên ớ hò. Bên này biển bạc, bên kia ơ than vàng…”

- Ca ngợi Tổ quốc (Hồ  Bắc) “Kìa dải Trường Sơn uốn mình quanh ven bờ biển xanh. Tiếng sóng ngoài khơi dồn xa xa những thuyền xuôi dòng.…”

5- Nhạc sỹ Lê Minh Sơn có lên sân khấu đứng đệm ghi-ta cho nữ ca sỹ hát bài thứ 12 “Mẹ Việt nam ơi, Mẹ Việt Nam ơi! Sương khói tan rồi còn lại Mẹ thôi…“. Nhưng không có trình diễn nhạc phẩm mới có tên “Sóng Vọng Biển Đông ” như nhiều báo đã giới thiệu.

.

Không lẽ KHÓC cho Hội Sử học ế khách?
Không lẽ KHÓC vì chương trình chẳng VỌNG tý sóng nào?
Không lẽ KHÓC vì sự THỜ Ơ - VÔ CẢM đồng thời cũng là sự NHẠY CẢM của vấn đề?
Thôi thì nhà cháu ghi lại trung thực để những Ai KHÔNG BỊ/ĐƯỢC DỰ đêm nhạc ấy cùng biết.

FIN./. 

*Bài viết do TS Sử học Nguyễn Hồng Kiên (Gốc Sậy) gửi trực tiếp cho NXD-Blog. 

Xin chân thành cảm ơn tác giả!

Xem thêm: Sóng vọng biển Đông, Hoàng Sa mất tích

* 

Bùi Thị Minh Hằng và Phương Bích trong những bộ cánh sang trọng đến xem chương trình:

 

 

24 nhận xét :

  1. Vậy mà em cứ tưởng sẽ đông lắm. Hix... ước gì chương trình được tổ chức ở Vườn hoa Lý Thái Tổ.

    Trả lờiXóa
  2. Thật có đi xem mới chia sẻ hết những cảm xúc gay gắt của anh Nguyễn Hữu Vinh hay nhỏ nhẹ của anh Nguyễn Hồng Kiên. Giá kg được mời thì lại hạnh phúc hơn!

    Trả lờiXóa
  3. Chẳng hiểu sao các biểu tình viên đi còn ít hay là số lượng vé mời hạn chế ?

    Chứ nếu không sẽ là điểm nhấn của một số đại diện trong hàng trăm con người đi biểu tình trong mùa hè 2011.

    Sau này, đài báo nào, cơ quan công quyền nào viết/nói lung tung cũng cứng họng.

    Trả lờiXóa
  4. Má ơi, anh Kiên ơi.Phiền anh Kiên gặp GS Chu Hảo hỏi xem có nên xuất bản các tác phẩm mà GS Phan Huy Lê nhắc ở trên không? Đầu tháng 11 tôi sẽ gặp các anh Diện, Kiên ở HN để trao đổi thêm.

    Trả lờiXóa
  5. Mình thì ngáp sái quai hàm. Mà sao chả thấy anh nào ra hỏi giấy mời của miềng nhỉ?

    Trả lờiXóa
  6. Không biết tại sao cái bác Đinh Thế Huynh không đến tham dự nhỉ, lạ...rất lạ, bác ấy cầm trịch mảng tuyên truyền mà xem thường hội lịch sử vậy sao? Hay là bác ý không được mời? Hội trường trống vắng đã phản ảnh đúng chuyện "hàng ngàn thí sinh bị điểm 0 môn sử", quá đúng không còn đỗ lổi cho ai được nửa...và cải và cải cách, cải cách đến thế hệ thứ bao nhiêu nửa đây?

    Trả lờiXóa
  7. Hoan ho Bich Hang,Phuong Bich dep qua.

    Trả lờiXóa
  8. Rõ ràng biển Đông êm ả như cái ao làng ta nên mớivắng lặng như thế này. Nhà bác Diện và các bác biểu tình yêu nước đã chưa nắm vững được tình hình nên đã lo lắng đến mất ăn mất ngủ, mất hơn chục chủ nhật bày tỏ nỗi lòng. Mừng cho các bác và anh em sau đận xem tận mắt "sóng vọng biền Đông" lặng như tờ thế này. Từ rày sau khi cầy cuốc kiếm sống, cần thọ thực cho thong thả rồi cứ thả hồn lên blog làm thơ ca ngợi cuộc sống tươi đẹp hay làm các việc riêng tư... Xong, nhằm giường êm,kê cao gối chìm vào giấc ngu, ngu như đứa trẻ thơ bú no, rời tí...

    Trả lờiXóa
  9. ý tưởng mit tinh hoan nghênh quan hệ Việt Ấn trước cửa Đ S Q Ấn Độ rất hay. Nội dung khẩu hiệu không cần nhắc gì đến Trung Quốc cả. Hy vọng sớm có cuộc mit tinh như vậy

    Trả lờiXóa
  10. nếu đúng như bác kiên chụp thì buồn thật....

    Trả lờiXóa
  11. Bên trong không thấy "sóng", bên ngoài nhìn thấy "sóng" lăn tăn. Thế là vui rồi, cứ từ từ.

    Trả lờiXóa
  12. Nhung buoi bieu dien nay lai khong thay bong dang cua doan vien Thanh Nien! Chac la duoc "chi thi" o tren roi, khong tham gia vao cac hoat dong co hai tu "Bien Dong"!

    Trả lờiXóa
  13. mit tinh hoan nghênh quan hệ Việt Ấn trước cửa Đ S Q Ấn Độ rất haylúc 04:43 25 tháng 10, 2011

    Ấn Độ dính vào, Trung Quốc lo
    .........
    Nhiều công ty dầu khí quốc tế của Mỹ, Anh, Hòa Lan, trước đây đã lập tức rút lui khỏi vùng biển Việt Nam khi bị Bắc Kinh đe dọa. Các Công ty Chevron và BP đều có những vụ hợp tác làm ăn lớn ở bên Tàu cho nên sợ mất con cá sộp bèn bỏ Việt Nam ngay; thái độ này khiến mấy anh ở Bắc Kinh tưởng dọa ai cũng được. Bây giờ, Chính phủ Ấn Độ dứt khoát không chịu thua, tuyên bố việc cộng tác tìm và khai thác dầu ngoài khơi Việt Nam là một quyền được luật lệ quốc tế bảo vệ. Đụng với ONGC Videsh, Trung Quốc mới thấy không phải ai cũng sợ.

    http://boxitvn.blogspot.com/2011/10/o-dinh-vao-trung-quoc-lo.html

    Trả lờiXóa
  14. TQ càng hung hăng, Hoa Kỳ-VN-Ấn Độ càng gắn bólúc 04:52 25 tháng 10, 2011

    Bài “Trục Ấn Độ-VN” của GS Harsh V. Pant chuyên về quốc phòng, thuộc đại học King’s College ở Luân Đôn mở đầu rằng New Đề Li xem Hà Nội có thể đối trọng với Bắc Kinh cũng như Bắc Kinh xem Islamabad đối trọng với New Đề Li.

    GS Harsh Pant nhắc lại thời điểm Ấn Độ hình thành chính sách “Hướng Đông” hồi đầu năm 1991 để khai thác sự tăng trưởng kinh tế của Đông Á, nhưng sự trỗi dậy của TQ khiến mối quan hệ Việt Nam-Ấn Độ hướng tới tầm mức chiến lược mạnh mẽ - nếu không muốn nói là khẩn cấp.

    http://boxitvn.blogspot.com/2011/10/tq-cang-hung-hang-hoa-ky-vn-o-cang-gan.html

    Theo GS Harsh Pant thì mối quan tâm kiên định của New Đề Li đối với VN là trong lãnh vực quốc phòng, và Ấn muốn xây dựng mối quan hệ với những nước như VN để có thể đối trọng với TQ. Với ý định đó, Ấn Độ đang giúp Hà Nội tăng cường khả năng hải và không quân.

    Trả lờiXóa
  15. Bác Diện ơi,Bác nghiên cứu Hán Nôm chắc Bác biết dân ta có phong tục Thờ Vọng chứ.Hiện nay Đất nước ta đang thờ Vọng Hoàng Sa đấy.Có Chủ tịch Huyện,có văn phòng Huyện ở Đà nẵng,chắc có cả bát huơng nữa để hương khói tưởng nhớ tới địa danh Hoàng Sa của cha ông đặt cho từ mấy trăm năm trước đã mất về tay ông anh Vàng của mấy nhà lãnh đạo

    Trả lờiXóa
  16. Một loạt chữ "biển" trong các bài hát trên không phải nói về biển đảo (càng không phải nói về Biển Đông), mà để nói về TÌNH YÊU trong cách ẩn dụ, thế mà họ cũng lợi dụng, coi như nói về biển.

    Trong các bài hát của chương trình "Sóng vọng biển Đông", không thiếu chữ "biển", nhưng chữ "Đông" thì có lẽ không có. Chữ "Hoàng Sa", "Trường Sa", nhất là "Hoàng Sa" thì lại càng không. Ấy là những tiếng húy. Người làm chương trình đã canh nhắc rất kĩ. BÁc NTT tiên đoán rồi đây những chữ làm ta liên tưởng đén HS,TS cũng sẽ bị kiêng. CÓ lẽ đúng. Vì theo logic AQ, những tiếng "húy" bắt đầu kiêng từ chữ "sẹo" (mặt y có sẹo), rồi đến những tiếng gần âm với "sẹo", rồi đến tiếng "sáng", tiếng "rạng" cũng kiêng, rồi đến tiếng "đèn", tiếng "đuốc" cũng kiêng tuốt... Tôi nghĩ đến các từ các chữ HS, TS để chỉ hai qđ của ta, người ta cũng sẽ tránh dùng "cát vàng" (trong "cát vàng, cát trắng"), Trường Sơn (dễ liên tưởng "từ Trường Sơn đến Trường Sa)...

    Trả lờiXóa
  17. Sóng vọng biển Đông? Đi lễ chùa, nếu người đông quá không chen chân vào được thì ta đành phải đứng ngoài đường bái vọng, lễ vọng vào. Để tế sống chồng là Thi Sách (đang bị giặc bắt), không làm sao được Trưng Trắc phải lập ban thờ cho chồng để thờ vọng. Sóng không ra được biển nữa nên mới đành phải lẩn quẩn ở một khúc sông nào đó rồi "vọng biển" như đá "vọng phu" như vợ ngóng chồng. Thế nên mới gọi là "Sóng vọng biển Đông" chăng? Buồn quá sóng ơi là sóng!

    Trả lờiXóa
  18. Khi nào có Mít tinh ủng hộ quan hệ Việt-Ấn vậy các bác, sao ko thấy thông tin gì???

    Trả lờiXóa
  19. Wi-ki-lich của bác Diện đâu rồi,sốt ruột quá... /

    Trả lờiXóa
  20. Bác Dương "Tàu" dám chụp ảnh với những người "phản động" ngay trước mũi công an, chỉ thế thôi, mọi cái kém trong chương trình mà bác là tổng đạo diễn, tôi bỏ qua tất. Hoan hô bác Dương Tàu, à quên, bác Dương Trung Quốc. Tên Trung Quốc, nhưng người Việt nam.

    Trả lờiXóa
  21. Thật tiếc trong chương trình không có bài NƠI ĐẢO XA.
    Tương lai bài hát này chắc sẽ bị cấm hát vì nó có nhắc đến HS-TS.
    Thật buồn tẻ.

    Trả lờiXóa
  22. Bùi thị minh Hằnglúc 12:46 25 tháng 10, 2011

    HS-TS là hải đảo "xa xôi" nên không xuất hiện bên trong chương trình được
    Dù sao thì bác Dương Trung Quốc cũng đứng cùng HS- TS trước cửa nhà hát lớn
    Hy vọng chỉ như thế chúng ta vẫn "tin" rằng HS-TS là của VN mãi mãi ..

    Trả lờiXóa
  23. Iu nhất Bích Hằng, Phương Bích mặc dù 2 em không còn trẻ và cũng không phải hoa hậu
    Gái nước Nam ta xứng danh con cháu tiên rồng cả về hình thức và nội dung

    Trả lờiXóa
  24. Chị Phương Bích và chị Minh Hằng trông thật sang trọng và nhẹ nhõm, ông bà ta xưa có câu:"Nhân hiền tại mạo".Quả đúng không sai.

    Trả lờiXóa