Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

GS HÀ MINH ĐỨC SẮP ẴM CÚ ĐÚP GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH?

GS. Hà Minh Đức sắp được hai giải thưởng Hồ Chí Minh về một công trình không phải khoa học, cũng không phải văn học

Trần Mạnh Hảo

Trong danh sách các tác giả được giải thưởng văn học Hồ Chí Minh năm 2011 (HCM), do http://lethieunhon.com đưa, thấy giới thiệu về GS. Hà Minh Đức như sau: “Cụm tác phẩm thơ văn báo chí Hà Minh Đức, cụm tác phẩm văn hóa nghệ thuật”. Như vậy, G.S. Hà Minh Đức sẽ được giải thưởng văn học Hồ Chí Minh toàn bộ tác phẩm của mình.

Nếu thơ của GS. Hà Minh Đức được giải thưởng văn học HCM thì đấy là một cách tốt nhất để hạ bệ các nhà thơ từng được giải này như: Tố Hữu, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính…Vả, nếu thơ của GS. Hà Minh Đức được giải văn học HCM, chắc chắn sẽ tạo tiền đề cho thơ của các ông Hồng Vinh, Trần Gia Thái giật giải văn học HCM đợt sau (vì thơ hai ông Vinh và Thái đều đã được ông Hữu Thỉnh bốc thơm). 

Trong bài viết này, chúng tôi xin phê bình cuốn giáo trình của GS. Hà Minh Đức: “Một nền văn hóa văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc với nhiều loại hình phong phú” để chứng minh nó không phải là tác phẩm văn học, cũng không phải là tác phẩm mang tính khoa học, sao lại được hai giải thưởng văn học HCM, khoa học công nghệ HCM ?

Trước khi vào bài viết, xin quý bạn đọc tham khảo tin GS. Hà Minh Đức sẽ được hai giải thưởng HCM trong năm 2011 này: giải văn học và giải khoa học công nghệ cho cùng một công trình (cùng những cuốn sách). Đây là thông tin của báo Văn hóa online:

Về thông tin: “Một tác giả được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh ở cả hai lĩnh vực VHNT và KHCN” (17/10/2011) 

VH- Sau khi Báo Văn Hoá số 2063 ra ngày 7.10.2011 đăng tin: “Một tác giả được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh ở cả hai lĩnh vực VHNT và KHCN”, nhiều bạn đọc đã gọi điện về toà soạn đề nghị cho biết rõ hơn về trường hợp của GS Hà Minh Đức như tin đã đưa. 

Đa số các câu hỏi xoay quanh vấn đề: “Cùng một tác giả có 3 công trình trùng nhau trong đề cử giải thưởng ở 2 lĩnh vực khác nhau như vậy có đúng với quy định hay không?...”. 

Để có cơ sở trả lời bạn đọc, phóng viên Văn Hoá đã liên lạc với đại diện Bộ KHCN - cơ quan thường trực của Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ năm 2010. Trả lời về vấn đề này, ngày 15.10.2011, đại diện Vụ Khoa học Xã hội và Tự nhiên- Bộ KHCN cho biết đã báo cáo về trường hợp của GS Hà Minh Đức lên Chủ tịch Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ năm 2010 là TS Nguyễn Quân- Bộ trưởng Bộ KHCN.
.
Ảnh - Những công trình của GS Hà Minh Đức được đề cử ở cả hai lĩnh vực 

Vị đại diện này cho biết, sau khi đối chiếu, so sánh danh mục các công trình được đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh ở 2 lĩnh vực công bố công khai theo quy định, đúng là có một số công trình của GS Hà Minh Đức được đề cử ở cả 2 lĩnh vực (đó là các công trình Sự nghiệp văn thơ Hồ Chí Minh; Báo chí Hồ Chí Minh, chuyên luận và tuyển chọn; Một nền văn hóa, văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc với nhiều loại hình nghệ thuật phong phú-P.V). 

Dự kiến, tuần này Hội đồng sẽ có cuộc họp xem xét về trường hợp này- vị đại diện này cho biết. 

P.V 
Cùng những cuốn sách (công trình), sao tác giả Hà Minh Đức lại xin xét giải thưởng ở hai nơi, ở hai hội đồng: khoa học công nghệ và văn học để xin được giải thưởng HCM ?

Một tác phẩm mang tính khoa học công nghệ, hầu như không phải là tác phẩm văn học và ngược lại. Trừ những công trình, những cuốn sách có tính cắm mốc về giáo khoa văn học, về lý luận và phê bình văn học không chỉ thuần mang tính phổ biến kiến thức mà còn hấp dẫn với tính thẩm mỹ cao, đưa ra những phát hiện mới mẻ mang tính sáng tạo mới, khái quát cao có thể vừa là khoa học vừa là văn học. Những cuốn sách như vậy ở nước ta hơi bị hiếm, trừ một số công trình của GS. Dương Quảng Hàm, Hoài Thanh, Nguyễn Hiến Lê…

Xin quý bạn đọc cùng chúng tôi khảo sát cuốn giáo trình “Một nền văn hóa văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc với nhiều loại hình nghệ thuật phong phú” (NXB Khoa học xã hội -2005)
Tiêu đề cuốn sách này của GS. Hà Minh Đức là một mệnh đề của nghị quyết, được lặp đi lặp lại trong các nghị quyết của đảng cộng sản Việt Nam: “Xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”:

“16. NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ NĂM BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG (KHÓA VIII) VỀ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN NỀN VĂN HOÁ VIỆT NAM TIÊN TIẾN, ĐẬM ĐÀ BẢN SẮC DÂN TỘC - Số 03/NQ-TW ngày 16/7/1998” 

Cuốn sách 277 trang, gồm năm chương và một số bài báo lẻ của GS. Hà Minh Đức này nhằm triển khai tinh thần nghị quyết đảng trong văn hóa văn nghệ, chứng minh cho nghị quyết đảng về văn hóa là hết sức đúng đắn và sáng suốt vô cùng. Hầu như trong toàn bộ cuốn sách, GS. Hà Minh Đức chưa có một sự sáng tạo cá nhân, phát hiện những yếu tố mới mang tầm khái quát mới về văn hóa văn nghệ, mà toàn lặp lại những ý có sẵn trong nghị quyết, hoặc nhắc lại ý kiến những tác giả khác. Lối hành văn là lối viết giáo trình, khô khan, buồn tẻ, thậm chí nhạt nhẽo, viết ra cốt chỉ nhằm minh họa nghị quyết; ví dụ:

“Điều quan trọng nhất đối với một nền văn hóa là hai yếu tố TIÊN TIẾN và ĐẬM DÀ BẢN SẮC DÂN TỘC (chữ in hoa là chữ của nghị quyết đảng-TMH nhấn mạnh).Tiên tiến nói lên trình độ cập nhật, tiêu biểu, định hướng đúng đắn về tương lai, chất lượng hoàn thiện và cao đẹp của một nền văn hóa, cái thế chiếm lĩnh, vươn tới của văn hóa. Đậm đà bản sắc dân tộc nói lên đặc điểm bản chất của một nền văn hóa dân tộc, cái tương đồng và khác biệt đối với một nền văn hóa khác, tinh hoa và sự quy tụ của văn hóa dân tộc, sự tồn tại bền vững những giá trị riêng, không thể pha trộn, hòa lẫn với các cộng đồng khác. Nền văn hóa Việt Nam được xem là nền văn hóa có bản sắc. Ở một tiểu vùng mà văn hóa của một vài nước lớn dễ chi phối, o ép ảnh hưởng, và có xu thế đồng hóa bộc lộ rõ các quan hệ giao lưu ở các thời kỳ lịch sử, nhưng văn hóa Việt Nam vẫn tồn tại bền vững và có bản sắc”…(trang 11)…” Từ sau cách mạng tháng tám, khi nhân dân đã có ý thức sâu sắc về quyền làm chủ vận mệnh của mình và từng năm tháng thoát dần khỏi cảnh đói nghèo, thì cái tâm , cái thiện, cái mỹ ngày càng nảy nở trong cuộc sống. Người tốt việc tốt trở thành quen thuộc, phổ biến. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhạy cảm và sớm chỉ ra hướng động viên và giáo dục mọi người bằng những tấm gương người tốt việc tốt là có cơ sở xã hội và có căn cứ thuyết phục về đạo lý” (trang 63)….” Đường lối văn nghệ của đảng đã chỉ rõ phương hướng khai thác và tiếp nhận di sản văn hóa văn nghệ. Từ sau cách mạng, chúng ta bước đầu luận bàn vấn đề này. Hòa bình lập lại, những hình thái khai thác , phục hồi, cải biên vốn cổ được tiến hành với tinh thần nghiêm túc, khoa học. Tuy nhiên, nhiều vấn đề vẫn đang còn ở phía trước. Khôi phục truyền thống, nhưng khôi phục xong rồi sẽ phát triển chúng theo hướng nào, phát huy những giá trị truyền thống với thời hiện đại như thế nào ? Không tránh khỏi nhiều giá trị văn hóa truyền thống như bị đóng băng không phát huy được vào việc nâng cao nhận thức và cảm hóa người đọc hôm nay” (trang 215)… 
(hết trích)

Có thể nói, lối hành văn trong cuốn sách này của GS. Hà Minh Đức là lối hành văn báo chí, văn nghị quyết…không phải lối viết mỹ cảm đầy chất văn của một nhà lý luận phê bình văn học đúng nghĩa.

Nếu “công trình” “Một nền văn hóa văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc với nhiều loại hình nghệ thuật phong phú” mà được giải HCM về văn học, thì tất cả các nghị quyết đảng đều xứng đáng nhận giải văn học HCM.

Chúng ta thử tìm coi, nếu cuốn sách này của GS.Hà Minh Đức được giải HCM về khoa học công nghệ, liệu có xứng đáng không ?

Xét về khía cạnh khoa học nghĩa là ta cần xem xét những kết luận của tác giả có đúng không, có logic không?
Ở trang 17 và 18, tác giả viết: “Trên thế giới có những dân tộc hình thành từ nhiều ngàn năm lịch sử như Hi Lạp, La Mã, Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam. Có dân tộc lịch sử chỉ mới hình thành vài trăm năm như Mỹ, Canada”.

Kiến thức sơ đẳng của GS. Hà Minh Đức ở chỗ này không ổn, khi GS. cho dân tộc Mỹ và Canada mới có lịch sử vài trăm năm nay. Nước Mỹ lập quốc vào ngày 4-7-1776 và nước Canada tuy lập quốc vào ngày 01-7-1867 nhưng người châu Âu: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Ý…đã di dân từ châu Âu qua châu Mỹ từ đầu thế kỷ thứ 17. Như vậy là văn hóa châu Âu đã theo những người dân châu Âu đổ bộ qua lục địa mới này tới ngót 400 năm. Nói “lịch sử dân tộc Mỹ, Canada mới có 200 năm” là sai; vì rằng hai nước này là hai nước di dân, đa sắc tộc, lịch sử, văn hóa của họ phải tính từ thời Hi Lạp, La Mã mới đúng.

Trang 30, sách của GS. Hà Minh Đức nêu ra một mệnh đề theo chúng tôi là rất thiếu tính khoa học, khi ông viết: “Văn hóa phải có ích, phục vụ cho đất nước, cho nhân dân. Văn hóa văn nghệ không thể ở ngoài chính trị” 

Chính những quan niệm ấu trĩ này đã phần nào làm hỏng nền văn hóa văn nghệ Việt Nam đương đại.

Về những quan niệm Mao-ít sai lầm: “Chính trị là thống soái”…”“Súng đẻ ra chính quyền”, “mâu thuẫn luận”, “Trí thức không bằng cục phân”…“Văn nghệ phục vụ chính trị” của Mao Trạch Đông thời “văn nghệ Diên An” đã từng du nhập vào nước ta sau chiến dịch biên giới thu đông 1949-1950 … đã dần dần làm tha hóa nền văn hóa văn nghệ nước nhà.

Trước hết, theo quan điểm Mác-xít, quan niệm “văn nghệ phục vụ chính trị” của Mao Trạch Đông là một quan điểm phản động. Theo triết học Mác, văn hóa, văn nghệ, triết học, sử học, chính trị, khoa học, tôn giáo, đạo đức… đều là những hình thái ý thức xã hội, cùng nằm trên một mặt bằng có tên là thượng tầng kiến trúc. Những hình thái ý thức xã hội trên tuy có tương tác, tương hỗ với nhau, nhưng không phủ nhận nhau, không nuốt chửng hay bắt cóc nhau làm nô lệ. Bản thân văn học đã là một hình thái ý thức xã hội độc lập, sao lại bắt nó làm tôi đòi cho một hình thái ý thức xã hội khác là chính trị ?

Việc một số nhà cầm quyền bắt cóc hình thái ý thức xã hội có tên văn học nghệ thuật về làm tôi tớ cho nền chính trị chuyên chế của mình là một hành vi phản phản Mác-xít.

Cuốn sách này của GS. Hà Minh Đức in năm 2005, sau nền văn nghệ được ông tổng bí thứ Nguyễn Văn Linh cởi trói (1986) mười chín năm, mà sao giáo sư vẫn giữ quan niệm phi khoa học xưa cũ ? Thiết tưởng, chỉ cần quan điểm này làm tư tưởng chi phối cuốn sách của GS. Hà Minh Đức, thì việc người ta sắp trao cho giáo sư giải thưởng HCM về khoa học công nghệ sẽ càng chứng tỏ sự phản tác dụng của giải thưởng này.

Chính ra nên trao giải thưởng khoa học công nghệ Mao Trạch Đông cho GS. Hà Minh Đức vì giáo sư đã có công tôn vinh những luận điểm rất phản Mác-xít của Mao là khẩu hiệu trong Mao tuyển: “Chính trị là thống soái”…Văn nghệ phục vụ chính trị”. Ngay cả ở Trung Quốc lục địa, người ta đã dùng thực tế bác bỏ các tư tưởng Mao như vừa nêu trên. Chỉ còn mình GS. Hà Minh Đức và một vài vị khác “bảo hoàng hơn vua” ở Việt Nam, ở Bắc Triều Tiên là vẫn còn tôn sùng tư tưởng Mao Trạch Đông mà thôi.

Khi GS.Hà Minh Đức viết: “Văn hóa văn nghệ không thể ở ngoài chính trị”… là một mệnh đề phi khoa học, sao lại được trao giải thưởng HCM về khoa học công nghệ. Chúng tôi xin chứng minh.

Văn hóa là toàn bộ giá trị vật chất và tinh thần của con người sáng tạo ra trong hành trình lịch sử. Chính trị hóa toàn bộ sản phẩm vật chất và tinh thần của nhân loại, của dân tộc là một sự phỉ báng văn hóa. Nếu chính trị thò bàn tay cơ hội vào tôn giáo ngay từ thời khai sinh ra mỗi tôn giáo, thì nó đã đưa vua La Mã lên thờ chứ không phải thờ một người thợ mộc nghèo khổ, ít học đòi giải phóng nô lệ bằng tình thương là Chúa Jesus như bây giờ ; thì nó đã đưa vua Ấn Độ lên thờ, chứ không phải đưa một người hành khất đi tìm chân lý là Đức Phật lên thờ như hôm nay; thì nó đã đưa vua nước Sở lên thờ chứ không phải đưa Lão tử cưỡi trâu ngao du thiên hạ lên thờ như Đạo giáo… bên Trung Hoa…

Nếu triết học bị chính trị hóa từ thời cổ đại thì nhân loại không còn triết học nữa. 
Nếu nhân loại bị chính trị hóa đạo đức từ thời cổ đại thì không còn đạo đức nữa. 
Nếu sử học bị chính trị hóa thì không còn lịch sử nữa. 
Nếu tôn giáo bị chính trị hóa thì không còn tôn giáo nữa. 
Nếu các tập tục, thuần phong mỹ tục của dân tộc bị chính trị hóa thì không còn tập tục, không còn thuần phong mỹ tục nữa. 
Nếu nền giáo dục bị chính trị hóa thì không còn giáo dục nữa. 
Nếu pháp luật (hiến pháp) bị chính trị hóa thì không còn pháp luật (hiến pháp) nữa. 
Nếu tòa án bị chính trị hóa thì không còn tòa án nữa. 
Nếu nền báo chí bị chính trị hóa thì không còn nền báo chí chân chính nữa. 
Nếu luật sư bị chính trị hóa thì không còn luật sư nữa. 
Nếu đêm tân hôn bị chính trị hóa thì không còn đêm tân hôn nữa. 
Nếu đám ma bị chính trị hóa thì không còn đám ma nữa. 
Nếu đám giỗ bị chính trị hóa thì không còn đám giỗ nữa. 
Nếu thi ca bị chính trị hóa thì không còn thi ca nữa. 
Nếu đám cưới bị chính trị hóa thì không còn đám cưới nữa. 
Nếu tình yêu bị chính trị hóa thì không còn tình yêu nữa. 
Nếu một tâm hồn bị chính trị hóa thì không còn tâm hồn nữa. 
Nếu hành vi chăn gối bị chính trị hóa thì không còn chuyện chăn gối nữa…
Nói tóm lại, theo mỹ học Mác-xít, nếu CÁI ĐẸP bị chính trị hóa thì đó là CÁI ĐẸP VONG THÂN, tức không còn CÁI ĐẸP nữa.

Điều quan trọng nhất cho nước ta hiện nay là: 
NẾU CHÍNH TRỊ HÓA KINH TẾ THÌ KHÔNG CÒN KINH TẾ NỮA…

Thưa GS. Hà Minh Đức, chính nền kinh tế bị chính trị hóa toàn phần thời bao cấp đã đưa nước ta, dân tộc ta vào thời kỳ sắp chết đói. Từ năm 1986, đảng cộng sản Việt Nam phần nào cởi trói cho kinh tế, xóa bỏ dần khái niệm chính trị hóa kinh tế để cho nhân dân tự do làm kinh tế theo mô hình kinh tế thị trường (kinh tế tư nhân, kinh tế tư bản) nên dân ta mới thoát chết đói mà có tí cơm ăn, tí áo mặc, tí ô tôi đi, tí du lịch nước ngoài, tí cao ốc, tí ngân hàng, tí chứng khoán… đó thưa giáo sư…

Công cuộc giải phóng con người của chúng ta hôm nay chính là công cuộc giải phóng các giá trị tinh thần & vật chất thoát ra khỏi dây lòi tói chính trị mà học thuyết Mao-ít đã trói buộc bao năm. 

Khái niệm “Văn hóa… không thể ở ngoài chính trị” của giáo sư quả là đang chống lại con người đó thưa giáo sư. Chúng tôi chỉ xin dẫn ra một thí dụ: sinh hoạt đi tắm, đi toilet của con người vốn là một hành vi văn hóa. Thế thì thưa GS. Hà Minh Đức, xin giáo sư thử giải thích dùm thế nào là kiểu đi tắm, đi toilet chính trị và kiểu đi tắm, đi toilet phi chính trị ạ ?

Chao ôi, viết đến đây, chúng tôi mới nhớ đến và thương cho nhà thơ Tế Hanh thời Nhân văn giai phẩm; ông chỉ nói rằng thưa các đồng chí kính mến, theo Tế Hanh tôi thì cái bông hoa đẹp kia, ánh trăng rằm đẹp kia nằm ngoài chính trị ạ; rằng ai ngắm hoa, ngắm trăng cũng thấy thoải mái và nhẹ cả mình vì được cái đẹp làm sảng khoái ạ. Lập tức nhà thơ Tế Hanh bị đấu tố trong chi bộ toàn những trí thức lớn, nhà văn lớn như Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Công Hoan, Chế Lan Viên, Xuân Diệu… Đấu tố rằng, đồng chí Tế Hanh phát ngôn như vậy mà phi chính trị, phi giai cấp. Chỉ có bọn nhà giàu, bọn tư sản địa chủ bóc lột, bọn rửng mỡ như đám giòi bọ nhân văn giai phẩm kiểu Phan Khôi, Trần Dần, Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Thụy An, Phùng Quán, Sĩ Ngọc, Trần Duy… mới thấy hoa kia đẹp, trăng kia đẹp. Còn bần cố nông, còn giai cấp vô sản đang đói khổ thì căm thù hoa, căm thù ánh trăng vì nó không thể ăn cho đỡ đói được. Các đồng chí phải lên án bọn duy mỹ, bọn Nhân tính chung chung (tính người chung chung)… đều là bọn phản động…

Việc tuyệt đối hóa tính hữu ích của văn hóa văn nghệ như giáo sư đã viết: Văn hóa phải có ích…” là một nhận định chưa thể tất, nếu như giáo sư nghiên cứ kỹ mỹ học và mỹ học Mác-xít. Nói chung, trong phạm trù CÁI ĐẸP, thường hàm chứa cái có ích. Nhưng thái độ thực dụng quá mức trước cái đẹp là một thái độ làm tổn thương chính CÁI ĐẸP BẤT VỤ LỢI. Con người không phải khi nào thưởng thức cái đẹp cũng chỉ nhăm nhăm tìm cái có lợi. Người ta đọc một cuốn sách văn học không nhằm tìm một chân lý, tìm một nhận thức mới hay để được dạy bảo, được giáo dục mà cốt để giải trí. Một lối sống vu lợi, vị lợi là một lối sống khó tìm ra CÁI ĐẸP trong đời. 

Trang 70, sách của GS. Hà Minh Đức có đoạn viết: “Cái đẹp cũng phù hợp với lợi ích của dân tộc, lợi ích của cộng đồng và những người thân thuộc. Cái đẹp thoát ly, viển vông, mang tính chất nghệ thuật vị nghệ thuật cũng là xa lạ với tâm lý thưởng thức quen thuộc”

Thưa GS. Hà Minh Đức, khái niệm “nghệ thuật vị nghệ thuật” và khái niệm “nghệ thuật vị nhân sinh” là những khái niệm phi khoa học, xa lạ với mỹ học Mác-xít. Văn học nghệ thuật vốn là một hình thái ý thức xã hội do con người sáng tạo ra để phục vụ chính nó; nên nghệ thuật từ trong bản chất chẳng vị nghệ thuật, cũng chẳng vị nhân sinh. Việc dùng những nội hàm ảo tạo ra những khái niệm không có thật “nghệ thuật vị nghệ thuật”, “nghệ thuật vị nhân sinh” chính là phương cách hữu hiệu nhất đuổi nghệ thuật ra khỏi hiện tồn con người vậy. 

Trang 94, sách của GS. Hà Minh Đức, có đoạn viết: “Những tác giả văn xuôi tiêu biểu như Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi vẫn tỏ ra sung sức, dồi dào bút lực khi trở về với mảng đề tài trước cách mạng tháng tám. Với cách suy nghĩ và nhận thức mới về cuộc sống của một thời kỳ lịch sử đã qua nhiều tiểu thuyết với kích cỡ lớn đã được xây dựng. Nguyên Hồng với bộ Cửa Biển, Nguyễn Đình Thi với Vỡ Bờ, Tô Hoài với Mười Năm đã đóng góp vào sự phát triển của tiểu thuyết những giá trị mới” 

Phải nghiêm túc mà nói với nhau rằng, ba cuốn sách của ba tác giả Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài được GS. Hà Minh Đức ca ngợi trên đều là những cuốn sách minh họa chính trị thô thiển, thiếu hẳn tính hấp dẫn tức tính nghệ thuật. Những sáng tác của ba nhà văn lớn kể trên ra đời trước và sau năm sáu mươi thế kỷ trước, tức sau vụ “đánh” nhân văn giai phẩm. Quan niệm văn nghệ chính thống lúc đó được ông Hà Huy Giáp, Hà Xuân Trường, Hồng Chương, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức… cổ xúy là quan niệm nền văn học ta phải tuyệt đối mang tính đảng, tính giai cấp, tính nhân dân nên VĂN NGHỆ TA PHẢI TUYỆT ĐỐI KHÔNG CÓ TÍNH BI KỊCH. 

Khi xóa sổ bi kịch, xóa sổ nỗi buồn niềm đau, những quan niệm văn nghệ tả khuynh, ấu trĩ thời đó đã giết chết chính văn học nghệ thuật. Cho nên, khi những tác phẩm có nội dung bi kịch tí ti, có tố chất văn học hồi đầu những năm sáu mươi như “Sắp cưới” của Vũ Bão, “Vào Đời” của Hà Minh Tuân, “Mùa hoa dẻ” của Văn Linh, “Cái gốc” của Nguyễn Thành Long, “Mái nhà ấm” & “Con nhện vàng” của Châu Diên, “Trăng Sáng” & “Đôi Bạn” của Nguyễn Ngọc Tấn (Nguyễn Thi)… bị phê bình là tàn dư của nhân văn giai phẩm, bị tịch thu không cho phát hành… chính là cách để goodbye văn học đi chơi chỗ khác. 

Việc GS. Hà Minh Đức đến thế kỷ 21 rồi mà vẫn còn giữ nguyên xi quan niệm “văn nghệ phi bi kịch Mao-ít Hà Huy Giáp” để ca ngợi những cuốn sách thiếu tính nghệ thuật trên là một quan niệm vừa phi khoa học vừa phi văn học vậy. 

Nói tóm lại, cuốn sách “Một nền văn hóa văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc với nhiều loại hình nghệ thuật phong phú” của GS. Hà Minh Đức là một tác phẩm vừa thiếu tính khoa học vừa thiếu tính văn học. Trao giải thưởng văn học HCM, giải thường khoa học công nghệ HCM cho cuốn sách này thì giải thưởng danh giá kia sẽ không còn mang tính chính danh nữa.,.
Sài Gòn ngày 20-10-2011 
Trần Manh Hảo 

*Bài viết do Nhà thơ Trần Mạnh Hảo gửi trực tiếp cho NXD-Blog. Xin cảm ơn tác giả!
**Ảnh minh họa: D.L.B.


33 nhận xét :

  1. Bài viết rất hay,xin cám ơn tác giả.

    Trả lờiXóa
  2. Hà Minh Đức muốn tự biến mình thành trò hề ư? Ông không biết mình là ai sao?

    Trả lờiXóa
  3. Lại một Xcandan Văn học sắp nổ ra

    Trả lờiXóa
  4. Bài viết tuyệt vời hay về một "công trình tuyệt - vời - dở" sắp được tôn vinh lên đỉnh cao danh vọng hão, với số tiền thưởng 400.000.000 đ ( mỗi giải HCM thủ tướng đã ký duyệt là 200.000.000 VND). Sao lại lấy tiền mồ hôi nước mắt của dân để thưởng cho cái dở nhất, cái phản khoa học nhất, tội dân ta quá trời ơi ! Cám ơn tác giả và bác Diện đã công bố một quả bom dư luận làm kinh hãi người Việt Nam

    Trả lờiXóa
  5. KÍNH thưa bác TMH xem qua bài viết cũa bác thật là hay cãm ơn bác nhiều qua đây nhờ bác hỏi ngài HÀ MINH DỨC có thấy giáo dục nó xuống thế nào rồi

    Trả lờiXóa
  6. Nếu... Nếu...Không được thế!
    Cảm ơn Nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã ra tay, cho dù ở phút thứ 89!
    Xin mạn phép thêm mấy cái đuôi "Nếu...bị chính trị hóa.." theo sau bác, bác Hảo nhé!
    Nếu con người bị chính trị hóa thì không còn là con người nữa.(nghe đâu Gaddafi vừa bị chết hôm qua, hehe)
    Nếu văn học bị chính trị hóa thì không còn là văn học nữa( nên cuốn "Một nền văn hóa văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc với nhiều loại hình phong phú" mới giống kiểu nghị quyết, hôhô).
    Nếu Giải thưởng Văn học Hồ Chí Minh và Giải thưởng khoa học công nghệ Hồ Chí Minh bị chính trị hóa thì không còn Giải Thưởng Hồ Chí Minh nữa(nếu trao hai giải này cho cùng một công trình không phải là văn học, cũng không phải khoa học của GS.Hà Minh Đức, huhu).
    Nếu..Nếu..và Nếu Nhà thơ Trần Mạnh Hảo bị chính trị hóa thì không còn là (Nhà thơ) Trần Mạnh Hảo nữa(lấy đâu ra những bài viết như thế này nữa, hihi).
    Giải Thưởng Hồ Chí Minh là Giải thưởng Nhà Nước không thể trao tùy tiện được. Kính mong các nhà thơ, Nhà văn, Nhà nghiên cứu, Nhà phê bình... sớm vào cuộc mặc dù đã rất muộn.
    Dân mất lòng tin trong nhiều lĩnh vực rồi! Đừng để mất thêm... nữa!
    (Muathuhanoi)

    Trả lờiXóa
  7. Hồi còn sống ở VN, nói thiệt là có thời gian rất dài tôi chẳng thiết quan tâm gì đến sinh hoạt văn chương, thi ca trong nước. Các giài thưởng này nọ của Hội Nhà Văn thì tôi lại càng thờ ơ, ngán đến chẳng buồn nghe. Tuy nhiên, hễ bài báo nào ký tên Trần Mạnh Hảo thì tôi lại tò mò đọc.

    Những bài đầu tiên của bác Hảo mà tôi đọc được, tính ra chắc đã phải mười hay mười lăm năm trước. Tôi ngạc nhiên trước cây bút rất nhiệt tình đóng vai trò phản biện trong lãnh vực văn thơ, là ông. Đã có lúc tôi có cảm nghĩ rằng ông là một người cứ mãi miệt mài làm cái chuyện vô vọng, một người cứ mãi ráng sức hô vang trong sa mạc, một người cứ cố xây dựng, cố sửa đổi những điều đã thành nếp chai lì chẳng còn có thể sửa chữa hay xây dựng gì được nữa.

    Giờ tôi đã biết là tôi sai. Bác Trần Mạnh Hảo đúng. Đã sống trong cộng đồng là phải hết sức có trách nhiệm. Cộng đồng cần những người "lắm chuyện" và ưa "săm soi" như bác, thì mới tiến được! Cám ơn nhiệt tình không mệt mỏi của bác!

    Trả lờiXóa
  8. Thưa chư vị,

    Cách đây vài năm, khi Giáo sư Hà Minh Đức, Viện trưởng Viện Văn học (nay đã nghỉ hưu) được đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh, tôi đã có Thư gửi Hội đồng xét duyệt Quốc gia, đề Nghị không trao cho Công trình của Ông. Khi ấy, Hội đồng đã gửi thư hồi âm và cảm ơn tôi. Kết quả là năm đó không trao giải cho GS Hà Minh Đức.

    Nay, người ta lại nhăm nhe trao 2 giải thưởng HỒ CHÍ MINH cho Ông Hà Minh Đức, cũng vẫn các Công trình mà tôi đã phàn đối.

    Xin hoan nghênh tác giả Trần Mạnh Hảo đã có cú sút ở phút 89 này. Hy vọng rằng Hội đồng giải thưởng HỒ CHÍ MINH sẽ thể hiện trách nhiệm và trí tuệ cẩu mình để ra quyết định sáng suốt, cứu vãn cho danh giá một giải thưởng cao Quý mang tên vị lãnh tụ của dân tộc.


    NXD

    Trả lờiXóa
  9. Người Đà nẵnglúc 07:40 21 tháng 10, 2011

    Chính trị hoá giải thưởng thì giải thưởng sẽ không còn giải thưởng nữa, bác Diện nhỉ?
    Rồi đến lúc lại phải quay lưng với cái vớ vẩn đấy thôi mà.

    Trả lờiXóa
  10. Vấn đề ở đây là con người ông Hà Minh đức háo danh - Và tổ chức có thẩm quyền lại lấy tiền của Dân để làm giải thưởng cho người háo danh ấy. Chung qui lại chết anh dân đen thôi. Vì vậy phải kêu gào để người ta phải biết xấu hổ để chùn lai. Hoan hô bác Trần Mạnh Hảo.

    Trả lờiXóa
  11. Cám ơn bài viết của TMH. Các tác phẩm văn học nghệ thuật hay sống mãi, vượt qua không gian, thời gian, không phụ thuộc vào chế độ chính trị. Đấy truyện Kiều qua mấy chế độ rồi vẫn sống, các làn điệu dân ca qua bao thời đại vẫn sống. Cái kiểu tranh luận một thời :"Nghệ thật vị nghệ thuật, nghệ thuật vị nhân sinh" nay thấy thật ấu trĩ.

    Trả lờiXóa
  12. cảm ơn TMH đã có 1 bài viết hay.
    @TS Diện: anh nên lập riêng 1 cái giải văn chương của riêng mình, hoặc cổ súy cho giải Trần Nhương. Thời đại ngày này, giải thưởng và cách trao giải hình như cũng theo quy luật cung - cầu của thị trường. vấn đề là nếu sản phẩm (giải thưởng) của anh ngày một giảm chất lượng thì anh càng mất giá trên thị trường vậy thôi.
    Theo quan điểm của nhà toán học Grigory Perelman thì giải Field hay giải Clay ... đều chẳng có chút giá trị nào cả. Mấy ông bà nào từng đoạt giải HCM trước đây, nếu giờ cảm thấy mình bị mất giá vì phải đứng chung với anh Tèo anh Tý nào đó, thì có thể làm đơn đề nghị trả lại giải đã được phong, thế thôi. Trân trọng!

    Trả lờiXóa
  13. Cách đây máy năm họ đã không trao giải thưởng cho công trình này (sau khi thẩm tra ) bây giờ họ lại mang ra trao tận cú đúp cũng vẫn công trình ấy bởi vì tiền thưởng cao quá 400 triệu anh được tôi cũng có phần và cái nguy hại hơn là tên vị lãnh tụ cha già dân tộc đã bị họ làm cho méo mó . Phải nhờ bên tổng cục 2 điều tra giám khảo hội đồng xem họ thâm lắm đấy

    Trả lờiXóa
  14. Em không rành nên chỉ là hóng hớt thôi, nhưng trong khoa học nói chung (xã hội/nghệ thuật/kỹ thuật) mà có những công trình phản khoa học có động cơ-mục đích chính trị để làm tiền, thăng quan tiến chức thì sớm chết yểu đi vào dĩ vãng thôi.

    Thà cứ trao huân/huy chương, bằng khen vì có thành tích cống hiến cho nghành, cho đơn vị thì đi một nhẽ khác.

    Dù sao cũng ủng hộ anh Diện trong vụ này. Vì tin tưởng bác là người có TRÌNH để lên tiếng, phản biện những vụ liên quan đến mảng văn hóa/nghệ thuật...

    Trả lờiXóa
  15. Người HN nói: Nhat như văn H.M Đức

    Trả lờiXóa
  16. Cám ơn TMH đã chỉ ra cho chúng ta hiểu thêm về kết cục đang đi tới của giải thưởng HCM. Khi chuẩn bị tặng GTHCM cho GS.Hà Minh Đức là dọn đường cho những "học giả, nhà thơ" kiểu như Trần Gia Thái, Hồng Minh, Nguyễn Sỹ Đại, trần Huyền Nhung...Hay chăng văn học nghệ thuật cũng cần đổi mới!
    Theo tôi, nếu như NN muốn đãi ngộ công lao của GS HMĐ thì cấp thêm đất, nhà cho ông ấy. Hai trăm triệu là tài sản rất lớn đối với rất nhiều người VN mình bây giờ, nhưng nó sẽ làm suy giảm, xấu đi GTHCM. Muốn hay không, đây là GT của Nhà nước VN.
    Đừng như để đãi ngộ cán bộ trước khi về hưu, lại cho đi làm đại sứ VN ở nước ngoài như lâu nay. Bởi phần lớn đại sứ được Nhà nước VN cử đi làm việc ở NN tuổi đời đều ngấp nghé "lục tuần". Thử hỏi xem bàn dân nước Việt, sức "cống hiến" của các cụ sẽ làm lợi gì cho Đất nước khi đã oải lắm rồi. Hay đưa cán bộ trẻ có năng lưc, hợp thời đại ra NN lại sợ họ như trâu đực xổng chuồng...

    Trả lờiXóa
  17. Hãy để các văn nghệ sĩ và các nhà khoa học xã hội nhân văn lên tiếng. Tôi không thuộc cả 2 đối tượng đó nhưng tôi có biết sơ qua thì Ông Hà Minh Đức cũng chỉ là thuộc loại ca mãi lời chim chóc nên được lòng kẻ ngồi xét duyệt, ông cũng đã và đang ngồi nhiều ghế trên đầu thiên hạ...Từ trước tới nay, những nhân tài đất Việt thật sự có cống hiến cho đất nước , được nhân dân ghi ơn như TRần Đại Nghĩa....nào đã có ai được nhận đồng thời 2 giải thưởng Hồ Chí MInh. Ông GS Đức mà tự huyễn hoặc mình ( hoặc là dù có đạt đủ tiêu chuẩn theo lý thuyết VN qui định. Nếu Steve Jobs có đăng ký thì cũng không đủ tiêu chuẩn ở Vn đâu ?) nhận cả mớ giải thưởng cũng là tự sỉ nhục mình mà thôi. 4 trăm triệu to thật đấy nhưng tiếng để đời...Kệ xác ông ấy bà con à...

    Trả lờiXóa
  18. Không hiểu giải thưởng này to như thế nào mà cứ ầm ĩ lên thế, thực ra có ai biế Hàn Minh Đức là ai?

    Trả lờiXóa
  19. Hy vọng ô Hà Minh Đức viết bài phản biện lại ô Trần Mạnh Hảo thì đừng có đem Đảng và Chính quyền vào bài để hù dọa ô TMH nghe..
    Đợi bài phản công từ ô HMD!!

    Trả lờiXóa
  20. Hà Minh Đức đâu có đóng góp được gì cho nền học thuật Việt Nam! Đó là con vẹt như bao con vẹt khác mà thôi!

    Trả lờiXóa
  21. Đời người sợ nhất là nhàm chán, một giải thưởng cao quí mà được trao cho những người, tác giả không đáng được trao sẽ làm giảm giá trị của giải thưởng đi đến chỗ tầm thường,và lúc bấy giờ ai trao và trao cho ai mà chẳng được vì người ta chẳng quan tâm đến nó làm gì. Hãy làm như Nhạc sĩ Phạm Tuyên, mặc dù không được trao nhưng mọi người đền KÍNH TRỌNG.

    Trả lờiXóa
  22. Cám ơn bác Trần Mạnh Hảo và TS. Nguyện Xuân Diện đã cho tôi đọc một bài viết rất hay,rất đúng. Nước ta bây giờ chỉ có mình bác Hảo là nhà phê bình văn học đúng nghĩa.Những công trình dỏm thế này của ông Hà Minh Đức mà được giải HCM thì giải này cũng chẳng ai coi ra gì. Chỉ làm phí tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân. 400.000.000 đ này nếu ông HM Đ nhận được từ giải thưởng khác gì tiền tham nhũng.

    Trả lờiXóa
  23. Hỡi GS Hà Minh Đức vĩ đại, hãy cho Trần Mạnh Hảo biết thế nào là một GS sắp nhận một lúc hai GT cấp NN Việt Nam - GTHCM. GS là thầy của thầy, hãy cho những ai không có học vị nếm mùi uyên bác. Em chờ đọc bài của GS. Còn như GS không lên tiếng thì hóa ra TMH đúng cả thế sao? như thế em cũng vạ lây, vì lâu nay em vẫn ủng hộ GS.

    Trả lờiXóa
  24. Tôi là HMD thì không thèm viết bài phản bác mần chi. Ngậm miệng lấy tiền chia cho ban Chấm giải là xong.

    Trả lờiXóa
  25. Xin đề nghị TS Nguyễn Xuân Diện đăng lại toàn bộ bức thư của Hội đồng xét duyệt gửi cho TS trước đây về việc không trao giải thưởng...để mọi người cùng thưởng thức.

    Trả lờiXóa
  26. Bài viết thật sắc bén, lý luận chặt chẽ, dẫn chứng đích đáng. Cám ơn ông Trần Mạnh Hảo, chúng ta chờ đợi phản hồi xem sao.

    Trả lờiXóa
  27. Nếu là kẻ sỹ thực sự mà được xét giải kiểu này thì họ đã xấu hổ chạy lên cầu Chương Dương ôm đầu nhảy xuống sông Hồng mà tự vẫn, dù là giả vờ, để đỡ thấy nhục với thiên hạ. Nhưng đáng thương thay, những kẻ chuyên nâng bi thơ thẩn của mấy vị độc tài thì xem ra, cái số của hắn còn dài lắm.

    Trả lờiXóa
  28. KHÔNG THỂ NÀO NÓI KHÁC VỀ NHÀ THƠ TRẦN MẠNH HẢO KHI ĐỌC BÀI NÀY CỦA ÔNG: RẰNG ĐÂY LÀ MỘT CON NGƯỜI RẤT THÔNG THÁI ,CÓ ĐÔI MẮT ĐỨNG TRÊN TẦM CAO CỦA ĐẤT NƯỚC.

    Trả lờiXóa
  29. Tôi đã được học cả Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ ở trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN. Chỉ có thể nói một câu: đó là những bài giảng tệ hại không thể tưởng tượng được! Còn nhớ GS. HMĐ được ưu tiên dạy tại văn phòng khoa vì có điều hòa. Tôi thấy rất tiếc cho thời gian dành để nghe những bài giảng nhàm chán và vô bổ đó!

    Trả lờiXóa
  30. Theo thông tin của trang blogs Phạm Viết Đào, thì GS. Hà Minh Đức lần trước đã dùng những công trình này để ăn giải thưởng văn học nhà nước, giải thưởng khoa học công nghệ nhà nước, ăn giải cú đúp một lần rồi.
    Nay ông Hà Minh Đức lại dùng những công trình không phải văn học, không phải khoa học này để xin cú đúp to hơn là hai giải thưởng HCM.
    Như vậy là phạm quy, vì quy định bộ văn hóa rằng công trình nào đã được giải thưởng nhà nước thì không được mang ra xét giải thưởng HCM năm nay.
    Ông GS. Hà Minh Đức ơi, sao ông tham ăn thế? Ông đánh đổi một món hàng dỏm để lấy bốn trăm triệu đồng tiền giải thưởng HCM là tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân mà không biết xấu hổ à...?GS. mà thế này thì đúng là giáo dục nước nhà đến thời mạt vận

    Trả lờiXóa
  31. Tôi xin phép đăng lại bài viết này trên blog:
    http://giangnamlangtu.wordpress.com
    TS có thể duyệt lại.


    Phùng Hoài Ngọc

    Trả lờiXóa
  32. Du học sinh Nhật bảnlúc 22:56 24 tháng 10, 2011

    Lại thầy Đức. Cách đây 20 năm (khoảng năm 1990), tôi đi học văn để ôn thi vào đại học. Lớp tôi do thầy Hà Minh Đức dạy. Tự dưng bữa đó thầy bỏ không đến dạy, mặc dù chúng tôi vẫn đến lớp ngồi chờ thầy. Liên tục 3 buổi như vậy, không 1 lời báo trước. Bà chủ nhà nơi mở lớp học nói liên lạc với thầy không được, các em cứ chịu khó chờ. Đến buổi thứ tư thì thầy tới dạy. Cả lớp lo lắng hỏi lý do thầy nghỉ, chỉ sợ thầy bệnh, thì thầy tỉnh bơ nói là "bà chủ nhà trả thầy ít quá, nên thầy nghỉ dạy vài bữa...". Chuyện tiền nong giữa người lớn, chúng tôi không hiểu được, nhưng từ hôm đó, hình ảnh thầy Đức xấu hẳn đi trong tôi. Qua tháng sau, lớp chúng tôi đổi sang thầy khác...

    Trả lờiXóa
  33. Kính gửi ông TMH,
    Nếu không có ông, tình hình khoa học xã hội của xứ An Nam mình sẽ tù đọng như thế nào.
    Cám ơn ông, rất nhiều lần.
    một nhà giáo 30 năm trên bục giảng

    Trả lờiXóa