Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015

ĐẠO DIỄN TRẦN VĂN THỦY VÀ BỘ PHIM TÀI LIỆU TỪNG BỊ CẤM

Đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy
và bộ phim tài liệu từng bị cấm 

Trần Ngọc Kha 
.

Trong ký ức tôi thời còn là sinh viên, "Hà Nội trong mắt ai" là một bộ phim bị “cấm". Hồi đó một đứa trong chúng tôi có bố công tác trong Bộ Nội vụ (cũ) - Bộ Công an bây giờ. Nhờ nó mà chúng tôi lọt được qua cổng Bộ này, 15 Trần Bình Trọng, xem trọn vẹn bộ phim. Cảm xúc của lũ chúng tôi bấy giờ chuyển từ ngạc nhiên, sửng sốt đến bái phục, ngưỡng mộ. Sao không ngạc nhiên, sửng sốt được khi tự nhiên bỗng dưng xuất hiện một bộ phim một mình một giọng như vậy? Sao không bái phục, ngưỡng mộ khi những người làm phim đã dám nói những điều ngay thẳng, lại hay đến vậy? Và bất chấp lịch biểu học hành, nhiều lần sau đó, cứ có cơ hội là chúng tôi lại đi "xem chui" bộ phim này, không chán. Không chỉ trong giới sinh viên, đi đến đâu, gặp bất kỳ ai người ta cũng xôn xao, bàn tán về bộ phim. Mọi người đều chung một câu hỏi: tại sao nó bị "cấm"?

Thực ra, không có bất kỳ một văn bản nào do ai ký ra lệnh cấm lưu hành bộ phim này. Nhưng dường như chỉ sau một thời gian rất ngắn, chừng vài ba tháng thôi, từ sau khi nó được phát hành thì phải, không một ai dám công khai chiếu hoặc xem tiếp bộ phim. Và, một lẽ thường tình, đạo diễn bộ phim, ông Trần Văn Thủy, lập tức bị hầu hết mọi người, kể cả những đồng nghiệp thân cận nhất cô lập, ghẻ lạnh. Cố nghệ sĩ Phạm Hà có lần đã hỏi thẳng ông: "Ở! Cậu chưa bị bắt à? "...

Chuyện xảy cách đây gần 30 năm, chính xác là đầu năm 1982, khi Trần Văn Thủy còn rất trẻ. Ông Thủy không những đã được “cứu” thoát khỏi tình cảnh này mà còn được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Những người từng “có duyên nợ”, “ân oán” với ông và bộ phim này hồi ấy nay phần nhiều đã đi vào quá vãng. Tuy nhiên, với ông Thủy, dường như mọi việc chưa qua. Có gì như nghèn nghẹn nơi ông khi có dịp nào phải nhắc lại chuyện này với ai. Và có gì như ngài ngại khi ai đó đương chức đương quyền khi buộc phải nhắc đến chuyện này. Ngõ hầu góp phần đặt dấu chấm hết cho câu chuyện, tôi tìm đến ông.

Không khó khăn gì khi muốn tìm số máy điện thoại của ông. Chỉ cần một cú bấm máy gọi số 116, hỏi số điện thoại nhà ông là ra. Nhưng, dễ phải đến lần thứ 5 nhấc máy, tôi vẫn chỉ nhận được một câu trả lời: "Chuyện ấy - (chuyện làm phim này - t/g) đã qua lâu rồi, tôi không muốn ai gợi lại nữa". Bất quá, tôi đành mạnh dạn bấm chuông nhà ông. Rất may hôm nay cái điệp khúc kia của ông không lặp lại. Chỉ sau ít phút làm quen, ông đã hào hứng tiếp tôi một mạch đến quá trưa, không dứt.... “Là chỉ để nói chuyện chơi thôi chứ đừng có đăng báo chí gì đấy!” - ông giao hẹn trước khi nói.

Với phim "Hà Nội trong mắt ai", lúc đầu ông định làm chơi, làm cho nó xong, cho nó tròn bổn phận của một người làm công ăn lương. Bởi vì cả năm 1981 ông không làm được gì. Năm 1980, ông giành được một cái giải khá lớn bằng phim "Phản bội", làm chấn động trong nước và thế giới. Cho nên làm cái gì cũng khó, ông phải chần chừ. Cuối năm ấy bình bầu Lao động tiên tiến, Chiến sĩ thi đua, Đảng viên bốn tốt... ông không có cái gì, nghĩ cũng ngượng. “Mình nghĩ: thôi thì làm cái gì đó cho nó có việc, cuối năm cho nó đỡ phiền” - ông bộc bạch. Thế rồi...

Hồi đó ông được nhận một kịch bản phim "Hà Nội năm cửa ô" viết về Hà Nội du lịch, về phố cũ, phố mới, chùa triền, lăng tẩm, khéo tay hay làm... Soi xét nó lại với thực tế cuộc sống, ông thấy ta mất mát quá nhiều. Vào những năm đầu thập kỷ 80, Hà Nội điêu linh, đói kém, khó khăn lắm, chúng ta đang còn phải ăn bo bo. “Mình thấy cái kịch bản này không thể làm được. Nếu làm bộ phim này lúc ấy thì chỉ có đóng mà thôi, lấy đâu ra quần chùng, áo dài...” - ông kể. Kịch bản phim có nhiều chi tiết liên quan đến sử sách, phải đi kiếm sách đọc, đi điều tra. "Ngôi nhà 80 - 82 phố Hàng Gai, nếu đang đi giữa cái nắng choáng ngợp của phố phường mà ta bước chân vào ngôi nhà cổ này, có những cái gác xép cửa lùa, có tiếng chim gù trên mái ngói thì lòng ta tĩnh lại". Kịch bản viết là thế, nhưng đến đây ông thấy một bên là cửa hiệu thêu, một bên là trụ sở HTX. Ông hỏi chủ nhà: "Cái nhà này đã sửa lại từ bao giờ?"(Vì nó giống như tất cả các nhà cửa, phố xá, cửa hàng cửa hiệu lúc bấy giờ), rồi đọc cho ông ta nghe đoạn kịch bản này. Vị chủ nhà hỏi lại: "Người viết những dòng này bao nhiêu tuổi? ". Ông đáp: "Cỡ bằng tuổi cháu". Vị chủ nhà tiếp: "Thế thì anh ấy chép ở đâu ra ấy chứ. Năm 1945, Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, bọn Tây ở bên kia, bọn tôi ở bên này đã bắn nhau chí chát thì cái nhà nó đã thế này rồi, làm gì có cái cảnh như các anh viết trong đó đâu". Đến ô Quan Chưởng tìm Văn bia của Tổng đốc Hoàng Diệu, đến gặp ông Nguyễn Vinh Phúc, gặp cụ Trần Huy Bá ông mới bừng tỉnh ra một điều: những giá trị tinh thần của dân tộc thì tồn tại vĩnh cửu. “Thế thì thôi, đừng làm làm cái đẹp về mặt cảnh quan khi nó không còn, không có nữa. Hãy tìm đến những cái có thật, đích thật, rất cần cho đời nay - những giá trị tiêu biểu cho cách trị nước yên dân như thế nào” - Đạo diễn Trần Văn Thủy rút ra sau những đắn đo suy tính. Và lúc này, vào cái thời điểm đầu những năm 80 ấy, những điều này cần thiết biết bao! Xót xa với hiện thực của dân chúng thế nào, trọng dụng nhân tài ra làm sao?... Ông đã liệt kê ra giấy như vậy sau tất cả những sự đọc sách, điều tra. Quan niệm của ông là làm phim tài liệu không chỉ đúng và đủ. Đúng và đủ là những chuẩn mực của các công trình nghiên cứu khoa học, của các nghị quyết. Nếu chỉ có vậy, người ta không xem thì cũng... vứt! Muốn cho người xem “tiêu hoá” được thì chúng còn phải hay nữa. Bởi thế cho nên muốn cho bộ phim có tính kịch thì phải sắp xếp lại những tích tuồng hay nhất mà các tiền nhân chúng ta để lại. Và, nhiều chuyện hay đã được ông đưa vào phim. Chuyện Tổng đốc Hoàng Diệu đặt tấm Văn bia ở Ô Quan Chưởng cấm các chức vị quan trường không được sách nhiễu dân lành làm ăn sinh sống ở đây như thế nào, chuyện vua Lê Thánh Tông dựng Đình Quản Văn ra làm sao, chuyện Quang Trung sau khi chiến thắng lẫy lừng trên sông Rạch Gầm đại phá quân Xiêm vào thành Thăng Long thăm vua Lê Cảnh Hưng, ông vua già mất quyền đã lâu rồi thế nào... Phép nước bấy giờ quy định lên Điện không được đem vũ khí. Quang Trung quyên mất điều đó, cứ thế đeo kiếm phăm phăm bước lên Thềm Rồng. Tất cả mọi người xanh mắt sợ, riêng chỉ có một mình Phương Đình Pháp, một viên quan lễ tân của triều đình đứng ra vòng tay trước mặt Quang Trung thưa lại với ông điều này. Quang Trung trừng mắt nhìn thẳng vào mặt Pháp. Pháp vẫn điềm nhiên. Thế rồi thấy phải, Quang Trung bỏ kiếm, bước lên Điện. Câu chuyện chỉ có thế nhưng ông Thủy cũng thấy rằng: trong mắt Quang Trung lúc bấy giờ, quốc gia chỉ có thể trường tồn và hưng thịnh khi kẻ thường dân dám nói với bề trên điều ngay thẳng và người có quyền uy phải biết nghe kẻ dưới mình điều phải trái. Ngày nay, trong Chùa Bộc, Hà Nội, còn lưu giữ được một bức tượng. Trên đầu bức tượng đề chữ Tâm. Tất cả các nhà nghiên cứu đều không biết được bức tượng này thờ ai. Sau này cụ Trần Huy Bá đã phải mất rất nhiều công phu, đặt giấy bản vòng ra đằng sau bức tượng, dùng than chà. Tờ giấy hiện lên: "Bính Ngọ tạo Quang Trung tượng". Tức là, đúng vào năm mà Gia Long chống anh em nhà Tây Sơn một cách kịch liệt, tàn sát, huỷ diệt tất cả những gì của họ thì dân chúng vẫn dựng tượng Quang Trung. "Hà Nội trong mắt ai" ra đời và đã tập hợp những chuyện như thế!..

Ngay từ lần chiếu đầu tiên bộ phim để trình duyệt, theo ông Thủy, Ban giám đốc hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương đã “Thấy nó có gì không ổn". Họ liền mời những người được coi là trọng trách nhất trong lĩnh vực tư tưởng, văn hoá nước ta xem. Xem xong, các vị này đều kết luận ngay rằng phim "Có vấn đề"! Anh em trong cơ quan đến lúc này vẫn chưa người nào, kể cả đồng chí Bí thư đảng uỷ, được xem. Rồi phim được bí mật chiếu cho một số người được coi là "cấp trên" xem. Rốt cuộc, Giám đốc hãng phim Lý Thái Bảo trả lời ông Thủy: bộ phim không được chiếu (!).

Thực ra, theo ông Thủy, đó là do có một số người xem phim xong tự vơ vào, vận vào mình mà cho rằng bộ phim này chống Đảng, dậy Đảng cầm quyền, kêu gọi mọi người “xuống đường” (?!). Chẳng qua là có thể họ "có tật giật mình". Trong đó có một nhà thơ từng có quan hệ rất thân thiện với ông Thủy từ cuối những năm 60, khi ông mang phim từ chiến trường ra, chiếu tại nhà cho hai vợ chồng họ xem. Nội dung phim có một chi tiết mà nhà thơ đã hiểu lầm. ấy là đoạn nói về bà Huyện Thanh Quan xưa ở làng Nghi Tàm (Hà Nội), theo chồng đi làm quan xa tại miền Trung. Rồi một hôm, ông Huyện đi vắng, bà nhận được mớ đơn kiện trong đó có đơn của chị Nguyễn Thị Đào xin cải giá vì chồng đi lính thú (ra biên ải) lâu ngày. Nhớ cảnh Tây Hồ, thương cảm cô Đào, nhà thơ mạnh dạn phê vào đơn: "Phó cho con Nguyễn Thị Đào / Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai...". Đào được đi bước nữa. Nhưng chẳng bao lâu sau, chồng cô trở về phát đơn kiện. Ông Huyện mất chức. Lời bình phim viết: "Thế mới biết cái máu me văn nghệ dính vào việc quan trường gây ra nhiều sự rắc rối là thế!". "Là một nhà thơ lớn - ông Thuỷ nói tiếp - nhưng vị này tự vận mình vào chuyện của bà Huyện Thanh Quan thì buồn cười quá. Bà sống trong một giai đoạn lịch sử hoàn toàn khác. Ông ta có "máu me" văn nghệ nhưng không nhiều, "máu me" quan trường, máu me chính trị của ông mới nhiều chứ! ". Hay đoạn nói về Lê Thánh Tông dựng Đình Quản Văn, trong đặt trống Đăng Văn cho dân chúng đến kêu oan. Phim liên tưởng: giá như thời Lê Mạt cũng có một cái trống như vậy thì tại đây dân chúng sẽ phải đinh tai nhức óc. Đó cũng là nói chuyện xưa, những tích tuồng trị nước yên dân. Nhưng không may cho ông Thủy, có người lại nói chuyện xưa sao nó lại giống hiện thực hồi đó đến thế! Tại sao Nguyễn Siêu lại cho dựng Tháp Bút bên Hồ Gươm? Tại sao Tổng đốc Hoàng Diệu lại cho đặt tấm bia kia ở Ô Quan Chưởng?... Trong 38 năm cầm quyền của Lê Thánh Tông, đất nước thịnh trị. Xây dựng bộ Luật Hồng Đức, thành lập Hội Tao Đàn, viết Đại Việt sử ký toàn thư, dựng Bia Văn miếu - có vị vua nào làm được lắm việc lớn như ông này không? Mà đến khi cái Điện Huy Văn, nơi bà Ngô Thị Ngọc Giao đẻ ra vua Lê Thánh Tông xiêu vẹo, đổ nát, người ta đã dọn nó đi để làm trụ sở UBND phường. (Vào cái thời điểm đó người ta vẫn còn phá hoại đình chùa). Tất cả những điều đó đều chẳng đáng kể ra vào lúc này hay sao?

Ông Thuỷ nhớ lại dạo ấy, có lần, bộ phim đã được chiếu đi chiếu lại tới bốn lượt trong một buổi sáng tại Quân uỷ Trung ương - chuyện lạ chưa từng có. Sau đó, Uỷ ban Khoa học xã hội phải tổ chức cả một cuộc toạ đàm "nghiên cứu" bộ phim, có các đại biểu của Viện Sử học, Viện Triết học, Viện Hán nôm cùng tham gia. Không một ai ở đây có thể tìm ra bất kỳ một sai sót nào của bộ phim, kể cả cái những cái "chốt" của bộ phim - ông Thuỷ tâm sự – như đoạn nói về Lê Lợi. Nguyễn Trãi, người quê làng Nhị Khê nhưng lại sinh thành ở Hà Nội. Tâm huyết suốt đời cho sự tồn vinh của đất nước và với thân phận của những người dân, ông từng đặt bút: "Chăn lạnh vắt vai đêm chẳng ngủ /Suốt đời ôm mãi nỗi lo dân". Từng được ông cùng Trần Nguyên Hãn "nếm mật năm gai" phò suốt 10 năm là thế nhưng khi được lên ngôi, vị vua này nghi kỵ các quan cận thần, đã phế truất cả Nguyễn Trãi, Phạm Văn Xảo và Trần Nguyên Hãn.

Sử còn chép rằng vua Lê từng hỏi Nguyễn Trãi: “Viết quốc nhạc sao cho phải?”. Nguyễn Trãi thưa: “Tâu bệ hạ! Nguyện xin bệ hạ thương yêu nuôi dưỡng lấy dân chúng cho trong xóm ngoài làng không còn tiếng oán hận sầu than. Đừng vì ơn riêng mà thưởng bậy, chớ vì mình giận mà phạt bừa. Đó chính là cái gốc của quốc nhạc vậy!”.

Có nhà nghiên cứu lịch sử của Học viện Chính trị Nguyễn Ái Quốc quê Thanh Hoá phản đối ông Thủy ầm ầm rằng: "Lê Lợi của chúng tôi chưa bao giờ được miêu tả như thế! ". Người ta tranh cãi về những đoạn như thế này rất dữ, rằng phim đã ám chỉ ông này, ám chỉ ông kia bây giờ... Và, bắt đầu từ đấy, không còn ai dám nhắc đến việc tiếp tục cho chiếu bộ phim này nữa...

“Cho đến năm 1985, mình không còn cái gì nữa - ông chua chát kể lại - cả điều kiện làm việc, miếng cơm manh áo, quan hệ bạn bè, tất tật. Vợ mình bảo mình điên. Bạn bè cũng nói mình vậy. Mẹ mình khóc và nói với mình rằng: “Con ơi! Sao cái nghề của con nó khổ thế!”. Nỗi khổ nhất lúc ấy là sự cô đơn. Bạn bè đồng nghiệp lên cơ quan bảy rưỡi, tám giờ có mặt tề tựu đông đủ và rất lo lắng cho mình đã bị bắt hay chưa. Báo Tuổi trẻ phỏng vấn tôi trong những năm mà "Hà Nội trong mắt ai" bị "cấm", ông làm cái gì?”. Tôi đã trả lời với họ rằng: “Trong những năm nhàn tản không có việc làm này, tôi đã đến những nơi mình từng đến quay phim, những nơi mà chúng tôi đã từng đến quay phim để thắp hương và chiêm nghiệm như mộ ông Ngô Thì Nhậm ở làng Tả Thanh Oai, mộ bà Đoàn Thị Điểm, mộ Nguyễn Trãi ở làng Nhị Khê, nơi thờ phụng Lê Thánh Tông ở Điện Huy Văn... Và, tôi thắp hương trên bàn thờ tổ tiên nhà mình. Mỗi lần như thế, tôi thường lẩm nhẩm một câu thành tiếng rằng: Thưa các bậc tiên liệt, con có tội tình gì không, khi con chỉ khắc khoải kể về những sự anh linh của dân tộc này? Nhìn lên bàn thờ tôi thấy những nén hương sau khi cháy cứ cong lên như râu rồng"...Tôi mừng, vì mẹ tôi thường bảo rằng: “Thắp hương trên bàn thờ, sau khi thắp hương mà những nén hương cong lên là linh ứng đấy!”.

Bộ phim không được chiếu! "Tại sao vậy? Xin các anh chỉ bảo cho tôi những chỗ không phải, những chỗ sai để chúng tôi có thể sửa" - bằng một giọng rất mếm mỏng, rất "đàn em", hồi đó ông Thuỷ khẩn khoản. Ban Giám đốc hãng phim kính chuyển nguyện vọng này của ông lên các vị lãnh đạo tư tưởng văn hoá. Họ đồng ý cho sửa chữa bộ phim. Nhưng, khi được hỏi cần phải sửa chỗ nào, một trong số các vị này đã thốt lên: "Đây là một bộ phim sai, sai đến mức không thể sửa được!". Sai đến mức như thế có nghĩa là nó đúng! - ông Thủy nghĩ.

Cùng kíp làm bộ phim này có anh Lưu Hà, con trai ông Lưu Xuân Thư, Phó giám đốc hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương hồi bấy giờ. Hà đang là sinh viên năm cuối của Trường Sân khấu điện ảnh. Đây là bộ phim đầu tay mà anh bấm máy, cũng được coi như là bài thi tốt nghiệp của anh. Ông bèn nghĩ ra một kế “xui” Hà đề nghị nhà trường đứng ra tổ chức chiếu bộ phim này ở Cung Thiếu nhi, để "cho sinh viên báo cáo tốt nghiệp". Danh sách mời có các học giả, các nhà nghiên cứu, các trí thức lớn, các cục, vụ, viện. Trong đó có cả các thầy giáo của nhà trường đến dự. Thời kỳ này, Cung Thiếu nhi là địa điểm chiếu phim sang nhất ở Hà Nội với quy mô hơn 500 chỗ, màn ảnh cực trắng, ánh sáng cực mạnh. Ơn trời! Kế họach này được chấp thuận. Khán giả đến chật cứng các hàng ghế của hội trường 500 chỗ. Họ reo hò, vỗ tay tán thưởng ầm cả rạp. Sau buổi chiếu, Ban giám đốc hãng phim cho gọi ông Thuỷ lên hỏi: "Bây giờ ý Thuỷ thế nào?". Ông đáp: "Thưa các anh! Nếu như tôi viết một cuốn sách, hay vẽ một bức tranh thì việc thưởng, phạt chỉ là của riêng tôi. Nhưng đây là một bộ phim, nó ra đời không chỉ bởi cá nhân tôi mà là do cả tập thể làm phim, là của cả hãng phim. Bởi vậy, xin các anh lưu ý cho một điều rằng: nếu cái phim này nó hay, nó bán được bản quyền, được khen thì là chung của hãng. Nhưng nếu nó dở, nó có tội thì các anh cũng nên công bằng. Nếu định đánh 100 roi thì chỉ nên đánh vào tôi 80 roi, rồi các anh phải bảo cấp trên đánh vào các anh một số roi, đánh vào ông Cục trưởng Cục Điện ảnh một số roi, đánh vào ông Bộ trưởng Bộ Văn hóa một số roi... Chứ tại sao một cái phim hay, bán được bản quyền thì là của Nhà nước, còn cái phim "có vấn đề" thì tất cả 100 roi các anh đều đánh cả vào đít tôi?". Các vị lãnh đạo hãng phim lúc này đều ngơ ngác, thành thật: "Cậu nói phải! Nhưng mà bây giờ sửa thế nào?". Ông Thuỷ nói: "Sửa thế nào, đây là chuyện của các anh. Tôi thì tôi làm như vậy và tôi nghĩ như vậy. Và cho đến giờ phút này các anh hỏi tôi dù là theo trách nhiệm công dân hay trách nhiệm nghệ sĩ thì tôi vẫn tự hào rằng tôi, một công dân, đã làm một bộ phim như vậy. Con người ta khi có tà tâm thì không đàng hoàng được đâu, không lễ phép được đâu và cũng không tự tin được đâu. Cụ Hồ nói là phải biết lắng nghe ý kiến của quần chúng. Quần chúng đây tôi không dám nói đến những người ở ngoài đường. Ít nhất thì các anh phải chiếu cho các anh chị em trong hãng xem, những đồng nghiệp của tôi, để họ góp ý cho tôi hiểu cách làm phim tài liệu như thế nào, hiểu "cái vòng phấn" mà Đảng và Nhà nước đã "vẽ" cho chúng ta được "nhảy múa" trong đó như thế nào? Rồi anh chiếu cho Xưởng Phim truyện, chiếu cho Cục Điện ảnh, chiếu cho Xưởng phim quân đội, chiếu cho các hội văn học nghệ thuật để người ta góp ý cho chúng ta". Ban giám đốc hãng phim nghe thấy phải, và bắt đầu lên danh sách những người được mời xem phim, ở các xưởng phim, các hội văn học nghệ thuật, lên danh sách anh em trong hãng (kể cả anh em trong Nam)... Khi chiếu phim bao giờ cũng có người đứng canh ở cửa, đọc tên cho từng người vào một. Cho đến bây giờ, hẳn tất cả những ai đã từng tham dự vào vụ này đều còn nhớ, tất cả mọi người dù trong hay ngoài hãng phim, kể cả các cụ già như cụ Mai Lộc, cụ Khương Mễ sau khi xem phim xong đều thốt lên: "Sao cái phim như thế này mà lại bị “cấm” kia chứ?". Ai cũng khen hết, kể cả những người từng ghét ông Thuỷ ngày trước. Không một người nào kể cả các vị bên Viện Triết hay Viện Sử, Viện Hán Nôm... có thể tìm ra được bất kỳ một sai sót dù nhỏ nào trong bộ phim. Ông Thuỷ đã được họ "bênh"! Khi thông tin này loang ra, một lệnh bất thành văn được ban ra từ một cấp: không được chiếu bộ phim này dưới bất kỳ hình thức nào nữa (!!!). Tại một hội nghị phát hành phim trung ương có các đại biểu các tỉnh về họp, Cục trưởng Cục Điện ảnh bấy giờ muốn chiếu bộ phim này cho họ xem cũng không được phép. Đó là vào giữa năm 1983 - ông Thuỷ nhớ lại và nghĩ: mọi việc đã kết thúc. Liên tưởng đến một số vụ trước đây như “nhân văn giai phẩm”, “xét lại”... ông bắt đầu hết hy vọng thì...

Một hôm, bỗng nhiên có một cú phôn của ông Nguyễn Việt Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng gọi xuống đề nghị Hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương mang phim “Hà Nội trong mắt ai” lên chiếu cho Văn phòng xem. Dưới hãng phim, ông Bùi Đình Hạc, bấy giờ mới được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc hãng phim (thay cho ông Lý Thái Bảo sang làm Tổng Thư ký Hội Điện ảnh), trả lời: "Alô! không được phép đâu. Lệnh của cấp trên không được chiếu nữa". Ngày 15/10/1983, Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng lại gọi xuống. Một lần nữa Giám đốc hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương Bùi Đình Hạc lại từ chối lời đề nghị này với lý do là phim đang được cắt ra để sửa. Từ đầu dây bên kia, giọng nói đĩnh đạc của ông Dũng vang lên: "Chúng tôi biết rằng bộ phim ấy có thể chiếu được hay không chiếu được. Chúng tôi có chỗ để biết. Nhưng lần cuối cùng tôi báo cho các anh biết đây là chỉ thị của Thủ tướng Phạm Văn Đồng". Ban lãnh đạo hãng phim lại hỏi ông Thuỷ: "Bây giờ ý cậu thế nào?". "Ối giờ ơi! Sao các ông lại hỏi tôi ý đó. Các ông là người có chức có quyền các ông phải hiểu được ông Phạm Văn Đồng là ai chứ! Nếu là ông Đồng mà các ông còn không chiếu cho ông ấy xem thì đất nước này nó còn ra làm sao nữa? Không mang phim lên chiếu cho ông ấy xem là không được đâu". Kết quả ý kiến này của ông Thuỷ đã được họ tiếp thu.

Kế hoạch mang "Hà Nội trong mắt ai" lên chiếu cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng xem đã được Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng ấn định vào lúc 3 giờ chiều ngày 18/10/1983. Ông Thuỷ đề nghị với Giám đốc hãng phim, ông Bùi Đình Hạc cho được đi cùng. Ông Hạc trả lời "Không được đâu! Làm sao mà đi cùng được. Vào đấy qua “cổng đỏ”, người ta điểm danh đấy". "Anh Hạc ơi! Anh cứ cho tôi đi cùng vì tôi muốn nghe bằng chính cái lỗ tai của tôi xem Bác nói gì. Tôi thề với các anh rằng nếu Bác nói điều phải, điều đúng thì mình phải nghe, phải sửa chữa. Còn nếu mình có làm điều gì không phải thì chắc chắn là Bác cũng thương mà chỉ bảo cho mình thôi". Mặc cho ông Thuỷ nói hết lời như vậy, Giám đốc hãng phim vẫn không đồng ý. Không từ bỏ ý nguyện, gần đến giờ hẹn, ông lén ngồi sẵn vào ghế sau chiếc xe con Lada màu trắng của hãng phim đang đậu bên bậc thềm và lẩm bẩm một mình: "Ngày xưa đánh nhau ở chiến trường khu 5, khẩu hiệu của chúng tôi là nắm lấy thắt lưng địch mà đánh. Nay tôi cũng phải nắm lấy thắt lưng anh thôi...". Kể đến đây, ông Thuỷ cười phá lên - nụ cười đầu tiên thoải mái hết cỡ xuất hiện trên gương mặt đã bắt đầu có vài nếp nhăn của ông, trong suốt hơn ba giờ đồng hồ mà tôi được gặp. Nước này, cuối cùng, Giám đốc hãng phim đành cho xe lăn bánh.

Đến Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng ở số 2 Bách Thảo, Hà Nội, không thấy ai ra kiểm tra danh sách mà chỉ có giọng người bảo vệ hỏi vọng từ trong chốt gác: "Xe nào đấy?". "Xe của xưởng phim vào chiếu phim cho Bác Đồng xem đây". Tiếng người bảo vệ lại vọng ra: "Vào đi! ". Thế là lọt. “Đấy, có ai điểm danh, kiểm tra gì đâu” – Ông Trần Văn Thủy bảo với ông Bùi Đình Hạc.

Ông Thuỷ bê 5 hộp phim vào ngồi chờ trong phòng khách. "Bác Đồng đang tiếp Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, ông A -li-ep. Các anh chờ, một lát nữa bác xuống" - có người ra thông báo. Tự dưng Thuỷ bỗng thấy lo lo. Gần 30 phút sau ông Phạm Văn Đồng xuống. Trời tháng 10, chưa lạnh lắm nhưng bác đã phải mặc chiếc áo khoác màu đen bằng dạ. "Trông thấy chúng tôi, tự nhiên mặt ông Đồng đanh lại tỏ ý bực mình lắm”. "Muốn xem một bộ phim mà khó thế à? Nếu mà khó quá thì thôi tôi không cần nữa, tôi không phiền các anh nữa" – Ông Đồng dằn giọng nói như vậy sau khi đã phải chờ đợi giờ phút này chừng nửa tháng rồi, kể từ hôm đầu tiên ông yêu cầu hãng đem phim lên chiếu. Ông cứ chắp tay sau lưng đi đi lại lại trong sân mà không vào phòng chiếu. Linh tính mách bảo Trần Văn Thủy một điều gì, rằng Thủy đang gặp may. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng Nguyễn Việt Dũng đỡ lời cho đoàn làm phim rồi mời Thủ tướng vào. Thủ tướng ngồi xuống một chiếc ghế mây. Đạo diễn Trần Văn Thuỷ đứng vòng tay trước mặt bác nghẹn ngào nói: "Thưa bác! Bác cho phép cháu thay mặt anh em trong đoàn làm phim được bày tỏ lòng biết ơn đến bác. Cháu rất xúc động vì việc nước bận như vậy mà Bác vẫn bớt chút thì giờ... ". Nói đến đây ông Thuỷ nghẹn ngào đến lạc cả giọng đi. "Cháu ngồi xuống đây! Cháu ngồi xuống đây! ". Nghe giọng nói ân cần của Thủ tướng, ông Thuỷ thấy mình được bình tâm trở lại. Bác phải cầm tay kéo Thuỷ ngồi xuống bên phải mình; bên trái bác là Giám đốc hãng Phim Bùi Đình Hạc. Phim bắt đầu chiếu. Sau mỗi một "chốt" phim như đoạn Tô Hiến Thành dùng người như thế nào, đoạn vua Lê Thánh Tông cho dựng đình Quảng Văn trong có đặt trống Đăng Văn để dân chúng đến kêu oan ra sao, rồi đoạn nói về nỗi oan khuất của Nguyễn Trãi v.v..., bác lại nhổm dậy dịch chuyển ghế. Cứ thế, bác lặng lẽ lặng lẽ xem cho đến hết bộ phim.

Phim hết. Đèn trong phòng đã bật sáng. Bác vẫn ngồi, đầu vẫn cúi xuống, tay đặt lên trán, bất động. Tất cả mọi người xem phim đều cùng im lặng. Một lát sau, Bác ngẩng đầu quay sang Đạo diễn Trần Văn Thuỷ, hỏi: "Những ai đã được xem phim này và họ đã nói những gì về nó? ". "Thưa Bác! Bác hỏi cháu thế cháu khó trả lời lắm. Vì nếu cháu trả lời bác thì có thể không khách quan. Có rất nhiều người ủng hộ, tán thành nhưng họ lại không có quyền phán xét gì về bộ phim này. Xin phép Bác để cho anh Bùi Đình Hạc là giám đốc của cháu được trình bày với Bác". Bác quay sang phía ông Hạc. Ông hạc thưa: "Thưa đồng chí! Đây là bộ phim được các đồng chí có trách nhiệm đánh giá là một bộ phim có vấn đề, mượn xưa để nói nay. Đây là bộ phim không cùng Đảng để giải quyết những khó khăn hiện nay mà nuối tiếc những quá khứ phong kiến ngày xưa và gieo rắc vào thực tại quần chúng đảng viên những bi quan, hoài nghi và tiêu cực…". Rất tiếc rằng đến lúc này mà ông Hạc vẫn không hiểu được bác Đồng đang nghĩ gì. Cuối cùng, ông Hạc nói: "Thưa Đồng chí! Những người có trách nhiệm kết luận rằng tác giả bộ phim này chỉ là một nghệ sĩ chứ không phải là một nghệ sĩ cách mạng". Bác hỏi: "Ai nói như vậy? ". Giám đốc hãng phim Bùi Đình Hạc nêu tên ba vị lãnh đạo cấp trên thời đó. Trong khi ông Hạc nói, ông Thuỷ như bị kim châm, cứ nhấp nha nhấp nhổm đứng lên, ngồi xuống, đến mức ông Nguyễn Việt Dũng ngồi bên cạnh phải vít vai mấy lần ông mới im lặng được. Đoạn bác quay sang ông Thuỷ: "Cháu có ý kiến gì nữa không?". Ông Thuỷ đứng lên thưa: "Thưa bác, cháu đã nhường lời cho anh Hạc. Và anh Hạc đã nói những lời cháu không nghĩ như thế. Cháu chỉ muốn thưa với bác rằng: nếu bộ phim này có gì sai lầm thì đó chỉ là do lực bất tòng tâm chứ bụng dạ chúng cháu không nghĩ thế. Thưa bác! Khi chúng cháu đến mộ bà Đoàn Thị Điểm thì thực sự lúc này nó chỉ còn là một đống rác. Và chúng cháu đã phải thuê dọn cái đống rác này đi mất nửa ngày. Rồi xin một chút nước vôi quét lên tấm bia mộ của bà, mượn một số chậu cảnh quanh đó bày đặt quay phim để khỏi mang tội bất hiếu với tiền nhân...". Được ngồi bên Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc này, linh cảm mách bảo với Đạo diễn Trần Văn Thuỷ rằng: trong cơn bão tố cuồng phong mà mình đang đi, ông đã tìm được một cái hang an lành để trú ngụ. Cuối cùng bác nói: "Tôi cũng không nghĩ rằng sự thể nó lại quan trọng đến mức này". Rồi bác phân tích cho mọi người hiểu đoạn nói về Nguyễn Trãi trong phim là có thật trong lịch sử và là nói về thân phận của Nguyễn Trãi chứ không chủ ý nói về Lê Lợi. Từng đoạn, từng đoạn khác như thế của phim cũng được bác phân tích rất cặn kẽ. "Tôi kinh ngạc về trí nhớ tuyệt vời của bác. Bác mới chỉ xem phim có một lần trong khi trăm công nghìn việc đang chờ đợi" - ông Thủy thốt lên với tôi. Rồi bác kết luận: "Ý kiến thứ nhất của tôi là: nếu đã là anh em cùng làm văn nghệ với nhau thì phải biết thương yêu, bảo vệ, bênh vực lẫn nhau. Các anh mà không biết bênh vực cho nhau thì còn ai bênh vực các anh? Ý kiến thứ hai của tôi mong các anh ghi nhận và anh Dũng ghi vào biên bản để gửi sang Văn phòng Ban Bí thư: Tổ chức chiếu công khai bộ phim này cho nhân dân xem, chiếu càng rộng càng tốt, càng nhiều càng tốt! Chiếu ngay lập tức! Nếu sau này phát hiện ra cái gì sai thì chỉnh sửa". Đoạn quay sang ông Thuỷ, bác lại ân cần cầm tay ông: "Bác dặn riêng cháu điều này: cháu phải nhớ, khi nào cần cháu phải gặp bác, tìm mọi cách mà liên lạc với bác. Chỉ có cháu mới chủ động chứ bác không thể chủ động liên lạc với cháu được".

Cũng nên nhớ lại rằng, vào thời gian đó, diễn ra Đại hội Hội Nhà văn. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đến dự và gửi lời chào đến các đại hội các hội văn học nghệ thuật khác (do Bác không có điều kiện đến dự). Nhưng, phải chăng do bức xúc trước cách đối xử của một số người đối với bộ phim này như thế mà sáng sớm ngày 20.10.1983, ngày khai mạc Đại hội Hội Điện ảnh toàn quốc lần thứ II tại Cung Thiếu nhi, tức là chỉ 2 ngày sau khi bác xem phim "Hà Nội trong mắt ai", bác đã bất ngờ đến dự Đại hội này. Ngay từ phút đầu tiên, bác bước lên diễn đàn Đại hội phát biểu với hơn 500 nghệ sĩ điện ảnh toàn quốc. Bài nói chuyện không cần giấy tờ của bác kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ. Bác đã nói rất kỹ, rất mạnh mẽ, rất sâu sắc, về cách thức quản lý, lãnh đạo văn nghệ: "Đừng bắt tất cả các anh em văn nghệ sĩ hiện nay phải chui qua một cái lỗ kim, theo một khuôn mẫu có sẵn!". Đến bây giờ, những ai có dịp được tham dự Đại hội này hẳn đều còn nhớ hình ảnh đầy ấn tượng, lạ lùng của bác khi bác quay người lại, hướng về phía Chủ tịch đoàn Đại hội rồi chắp tay vái lạy họ và nói rằng: "Tôi lạy các anh! Tôi xin các anh! Khi duyệt phim thì cố gắng rộng lượng như tôi". Cả hội trường lập tức vỡ oà bởi những tràng vỗ tay dài không ngớt. Ai nấy đều hiểu Bác đang nói về điều gì. Với Trần Văn Thuỷ, hôm ấy là một ngày hạnh phúc đến tột độ. Không giấu nổi xúc động, ông bật khóc. "Một phần thưởng tâm linh, vô cùng cao quý hơn bất kỳ phần thưởng nào khác trong đời đã đến với tôi" - ông nói với tôi, nước mắt giàn giụa.

Từ đó, bộ phim bắt đầu được công chiếu rộng khắp trong tất cả các cơ quan, các câu lạc bộ, các hội đoàn... cho các tầng lớp nhân dân xem. Hàng tuần liền, Rạp Tháng Tám và nhiều rạp khác ở Hà Nội tổ chức chiếu phim này ba ca trong một ngày thì trong cả ba ca chiếu, khán giả đã phải xếp hàng dài chen chân mới mua được vé. Nếu ở Việt Nam có ghi-net thì phải xếp bộ phim này vào hạng phim tài liệu "ăn khách nhất" từ trước đến nay. Đây là một hiện tượng khác thường vì cho đến lúc bấy giờ, phim tài liệu nước ta mới chỉ được chiếu "chùa", chiếu "kèm" vào đầu các buổi chiếu phim truyện, để tuyên truyền, cổ động. Tại Liên hoan Phim quốc gia tổ chức tại Đà Nẵng tháng 3/1988, bộ phim đã được bình chọn nhận giải Bông sen Vàng duy nhất thể loại phim tài liệu. Ngoài ra tại đây, nó còn được bình chọn giải phim biên kịch hay nhất, đạo diễn hay nhất, quay phim hay nhất. Nhưng, có lẽ giải cao nhất, vinh dự nhất cho bộ phim này là giải phim tài liệu được nhiều khán giả xem nhất. Mới hay ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Văn Đồng "cứu" bộ phim “Hà Nội trong mắt ai”, "cứu" đạo diễn của nó hồi ấy thật là sáng suốt và kịp thời. Và cũng từ đó ông Thuỷ bắt đầu bớt dần được những giấc ngủ thắc thỏm, những cơn ác mộng hằng đêm. Ngay sau hôm được gặp Bác Phạm Văn Đồng, ông Thủy ra một hiệu sách ở Bờ Hồ mua một tấm ảnh chân dung cỡ lớn của Thủ tướng Phạm Văn Đồng cất giữ cẩn thận. Ngày Bác mất, ông lập một ban thờ riêng, treo ảnh Người lên thờ và để tang Bác trọn ba năm...

Nhưng chưa hết. Phải đến khi đồng chí Nguyễn Văn Linh lên làm Tổng Bí thư, bộ phim và ông Thủy mới thực sự được “cứu sống” hoàn toàn. Nhà Đạo diễn Trần Văn Thủy được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Cũng nên lưu ý một điều: nếu so với “Những việc cần làm ngay” hay những gì mà Đảng và Nhà nước ta thực hiện “cải tổ”, “đổi mới”, những sự kiện “bùng phát” ở Báo Văn nghệ, “đời” Tổng Biên tập Nguyên Ngọc, như hàng loạt bài viết về khoán 10, khoán 100, về cải cách ruộng đất, về “Cái đêm hôm ấy đêm gì?”..., hoặc xa hơn nữa là sự kiện văn chương tiểu thuyết “Cù lao Chàm” của Nguyễn Mạnh Tuấn hoặc hàng loạt vở diễn chấn động dư luận của Lưu Quang Vũ thì, về mốc thời gian, bộ phim “Hà Nội trong mắt ai” “đi trước thời đại”. Tiếp chuyện tôi, ông Thủy cho hay: Có lần ông nhận được một lời đề nghị ông viết đơn và làm hồ sơ để có thể được xét duyệt trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về bộ phim này. Ông khước từ lời đề nghị: “Tôi không bao giờ làm đơn vì việc này!”.

"Thưa các bác! Cháu nghĩ rằng nếu bộ phim này nó hay, được các bác tán thưởng, được ai đó chia sẻ, bảo vệ như Bác Phạm Văn Đồng thì cũng chẳng phải riêng tại cháu mà đấy là những vấn đề lịch sử do tiền nhân để lại. Mà nếu bộ phim này có làm ai đó bực mình, khó chịu, thậm chí phẫn nộ thì lỗi cũng không phải tại cháu. Cái hay, cái dở căn cứ vào lịch sử, cháu chỉ là người trình bày, sắp xếp những điều có thật đó, may ra có ích gì đấy cho hiện thực cuộc sống, xứng đáng với tiền nhân..." (trích bài nói chuyện của Đạo diễn Trần Văn Thuỷ tại cuộc gặp mặt với gần 1000 cụ cách mạng lão thành tại Câu lạc bộ Thăng Long, Hà, Nội năm 1983).

Hà Nội, 12.2006
* Văn bản đã được Trần Văn Thủy và Nguyễn Xuân Diện chỉnh sửa lại một số chữ ngày 11.1.2011.

 

36 nhận xét :

  1. Một niềm lẽ ra là cực giản dị, kỳ bình thường đối với nghệ thuật thì lại trở thành lớn lao đối với ông Thuỷ. Hãy trả lại sự sáng tạo tự do cho nghệ thuật để niềm vui lớn như của ông Thuỷ thành điều hiển nhiên.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. NSND Trần Văn Thủy vẫn chưa dứt cái nợ "đi trước" trong cái nhìn của một số lãnh đạo duyệt phim nước ta. Tôi đã từng được xem 4 tập phim về Nguyễn Văn Vĩnh của ông. Phim dài có lẽ phải đến 4 tiếng đồng hồ. Trung tâm Văn hóa Pháp chiếu từ 18 giờ 30 đến hơn 9 giờ tối mới xong. Chiếu liên tục không giải lao phút nào. Bây giờ bộ phim vẫn chưa thấy được quảng bá và trình chiếu. Buồn thật. Nhà báo Trần Ngọc Kha viết bài báo này rất hay và cảm động. Tôi biết anh cũng vừa làm xong bộ phim tài liệu về mẹ vợ anh sau khi bà mất. Phần tôi, cũng yêu điện ảnh tài liệu và cùng anh Trọng Kỳ - nguyên cán bộ quay phim Hãng phim Tài liệu cùng cơ quan NSND Trần Văn Thủy đã làm xong bộ phim về Thái sư Lê văn Thịnh (được suy tôn là Vị trạng nguyên đầu tiên của Việt Nam). Ông là người có công giành lại cương thổ phía Bắc từ tay nhà Tống xâm lược. Đến nay, vẫn chưa có cách nào để phim được chiếu trọn vẹn và quảng bá, phát hành rộng rãi ra công chúng. vài dòng đồng cảm xin cùng chia sẻ với những người yêu lịch sử văn hóa điện ảnh dân tộc

      Xóa
  2. Trả lời
    1. ["Thực ra, không có bất kỳ một văn bản nào do ai ký ra lệnh cấm lưu hành bộ phim này. Nhưng dường như chỉ sau một thời gian rất ngắn, chừng vài ba tháng thôi, từ sau khi nó được phát hành thì phải, không một ai dám công khai chiếu hoặc xem tiếp bộ phim. Và, một lẽ thường tình, đạo diễn bộ phim, ông Trần Văn Thủy, lập tức bị hầu hết mọi người, kể cả những đồng nghiệp thân cận nhất cô lập, ghẻ lạnh. Cố nghệ sĩ Phạm Hà có lần đã hỏi thẳng ông: "Ở! Cậu chưa bị bắt à? "..."] !
      GIÁ NHƯ LÃNH ĐẠO HỒI ẤY TIN NHÀ ĐẠO DIỄN MỘT CÁCH TỬ TẾ THÌ CHẮC RẰNG ĐẤT NƯỚC TA KHÔNG TỤT LÙI VỀ ĐẠO ĐỨC LỐI SỐNG NHƯ HIỆN NAY !
      ÔI! CHỈ MUỐN TỬ TẾ MÀ KHÓ VẬY SAO?

      Xóa
  3. Anh Diện lần sau những topic như thế này đưa link video clip bộ phim đó lên để minh họa nhé.

    Phần 1 : http://www.youtube.com/watch?v=RNGNGkkosxo
    Phần 2 : http://www.youtube.com/watch?v=R_v75jt3zKU
    Phần 3 : http://www.youtube.com/watch?v=aspGpvOVxUY
    Phần 4 : http://www.youtube.com/watch?v=r_dSEpWjOKM
    Phần 5 : http://www.youtube.com/watch?v=eAVsqyFHvAI

    Trả lờiXóa
  4. Làm người tốt khó lắm thay ,có bao nhiêu người nói THẬT đã bị chụp mũ oan ức đến lúc chết vẫn phải mang theo ,môi trường của VẸT mà thì làm sao các loài khác có thể sống cùng ,nếu muốn tồn tại chỉ có cách khâu miệng lại mà thôi.

    Trả lờiXóa
  5. Hay quá hay.Ngưỡng mộ NSND Trần Văn Thủy,cảm ơn Lâm Khang.Tôi đề nghị chúng ta chung tay làm tiếp HÀ NỘI TRONG MẮT AI _nhiều tập.Chú ý tập Hà Nội tổ chức Đại lễ Ngàn năm Thăng Long.Những Hình ảnh về Hà Nội từ những năm 80 đến nay.
    -----------------------------------------------
    Xin cảm ơn tác giả.

    Trả lờiXóa
  6. KTS Trần Thanh Vânlúc 11:31 24 tháng 10, 2011

    Tôi từng được xem bộ phim Hà Nội trong mắt ai- Người tử tế từ khi bộ phim còn bị cấm và cả khi đã được chiếu rộng rãi.
    Tôi cũng từng được Nghệ sĩ Trần Văn Thủy tiếp tại nhà riêng của ông trong ngõ hẻm phố Hoàng Hoa Thám Hà Nội và còn được ông đèo xe máy tiễn về tận nhà.
    Ở con người ông toát lên một cái gì đó mà tôi không phân tích bằng lời được.
    Khi bộ phim còn bị cấm, tôi có cảm giác vì người ta ghen tỵ với sự thành công của ông.
    Khi bộ phim được loan chiếu rộng rãi, tôi cũng có cảm giác người ta không hoan nghênh ông và không muốn tài năng của ông được tiếp tục tỏa sáng.
    Từ đó đến nay, gần 30 năm qua rồi, ông được công nhận là Nghệ sĩ nhân dân rồi và ông cũng có một số tác phẩm giá trị nữa, nhưng ông đã là một cụ già sắp lụ khụ và người ta không phủ nhận được ông, không ngăn cấm được ông, thì người ta để cho ông tự phát triển như một cây dại trên đảo hoang.
    Ở đất nước ta không có Mạnh Thường Quân, mà chỉ có những quan chức giỏi "tiêu tiền chùa" vào những bữa tiệc thịt chó giữa đình làng mà thôi.
    Đáng tiếc.

    Trả lờiXóa
  7. Nói thật, tôi ngạc nhiên về bài viết này, ngac nhiên về sự khó khăn khi làm phim rồi duyệt phim Hà nội trong măt ai mà TNK đã kể lại. Quái quỉ, các bác nói ra làm gì cho xấu hổ... Các nước khác người ta cười chê. Lạ lùng là sự thật của của bộ phim khi được ông PVĐ công nhận thì mọi người mới công nhận à... Thật tủi nhục và ê chề quá...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. vui vui vui ,... buon buon buon...

      Xóa
    2. 1. Cảm ơn đạo diễn Trần Văn Thủy, cảm ơn Trần Ngọc Kha và blog Tễu đã có bài viết để chúng tôi hiểu về sự gian nan vất vả của những con người nghệ sỹ chân chính vì nghệ thuật và vì dân sinh! Thật cảm động và thật chân tình!
      2. Chia sẻ với Nặc danh 12:44, tôi thấy thật nhục nhã và ê chề khi mà nhiều người có trọng trách lại chỉ biết chỉ đạo trên cơ sở mê muội vì quyền lực của mình hay vì bóng hình của của một ai đó mà quên mất bản chất tư duy độc lập của con người và quên hết những nguyên tắc làm người! Bác Phạm Văn Đồng chỉ là người cỏi trói cho những tư tưởng con người bị nô lệ mà thôi!

      Xóa
  8. Hình như Trần Văn Thủy còn một phim tài liệu nữa (không biết có được chiếu không?, ở đoạn kết có câu: Các Mác suốt đời đấu tranh cho chế độ công hữu nhưng khi chết lại được chôn ở một mảnh đất tư hữu...

    Trả lờiXóa
  9. Ngày xưa tôi được chứng kiến cảnh chen chúc ở rạp để xem " Hà Nội trong mắt ai" và "Chuyện tử tế" của bác Thủy. Hôm trước thấy có cả 2 phim trên youtube, ngồi xem lại vẫn thấy hay, còn hay hơn vì được xem lại cảnh HN ngày ấy.

    Trả lờiXóa
  10. Lê Tri Điền viết lại cho đúng
    "Một niềm vui lẽ ra là cực kỳ giản dị, bình thường đối với một thành quả nghệ thuật thì lại trở thành lớn lao đối với ông Thuỷ. Hãy, tôn trọng và trả lại sự sáng tạo tự do cho nghệ thuật để niềm vui lớn như của ông Thuỷ thành điều hiển nhiên, đơn giản.

    Trả lờiXóa
  11. Nhân đọc bài về câu chuyện cửa NSND Trần văn Thuỷ, tôi xin kể một chuyện nhỏ (mà không nhỏ) xảy ra ở địa phương tôi: Vào dịp này tháng trước chính quyền địa phương có kế hoạch thực hiện treo đèn Lồng trên các tuyến phố chính của TP Lào Cai nhân dịp kỷ niệm ngày tái lập tỉnh. Kế hoạch này không được Sở VHTT&DL tỉnh đồng ý. khi họp dân cũng không nhận được sự ủng hộ từ phía các hộ dân. Nhưng rồi đèn Lồng vẫn được treo trước ngày 1/10 như KH đã định. Trước đó Sở VHTT&DL tỉnh Lào Cai cũng đã có công văn yêu cầu TP Lào Cai ngừng ngay việc treo đèn lồng ở các tuyến phố chính. Nhưng các vị lãnh đạo địa phương tôi bảo cứ treo, vì là thực hiện theo nghị quyết cử đảng. Mà đã là NQ thì cán bộ ĐV không thể không theo. Đến nay đã qua một tháng,Đèn Lồng Phố tôi vẫn đang treo cao, Người dân bảo: "Thằng nào hô treo thì đến mà gỡ xuống! nhưng nhớ hoàn trả lại số tiền chúng tôi đóng góp mua đèn Lồng!" cho đến bây giờ vụ "đèn Lồng" vẫn là câu chuyện "đàm tiếu" và người Dân vẫn hỏi nhau: "Không biết TP to hay Sở VHTT&DL to nhỉ?" Cuối cùng cũng hoà cả làng! chỉ có người đân là khổ!

    Trả lờiXóa
  12. Các bác ơi, tôi hết lòng kính phục các bác, nhưng cũng buồn là các bác đã sinh không đúng thời rồi!

    Trả lờiXóa
  13. Tôi rất muốn tìm xem bộ phim "Phản bội" của Đạo diễn Trần văn Thủy,xin các cao huynh bày cho cách để tìm,xem. Xin đa tạ trước

    Trả lờiXóa
  14. Đúng như bài viết, thời đó mây đêm liền trong đơn vị tôi người ta chiếu bộ phim này. Lúc đó nghe xì xào là phim bị cấm ở ngoài. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh và tiếng đàn ghi ta của nghệ sĩ Văn Vượng và tâm đắc nhất là những lời về "trống kêu oan" trong phim. Mỗi lần nhìn thấy những đám đông người ở vườn hoa Nguyễn Văn Thưởng tôi lại liên tưởng với "trống kêu oan" trong bộ phim này.
    Mấy chục năm qua Hà Nội tuy có thể không còn như "làng" nữa nhưng nếu ai đó có may mắn xem lại phim này vẫn thấy nội dung của phim vẫn như nói về Hà Nội hôm nay.
    Đạo diễn Trần Văn Thủy trong tôi là một người khác người. Ông đã làm bộ phim này khi chung quanh ông hầu hết không dám làm. Bây giờ ông lại “ không bao giờ làm” cái việc mà người ta đang tìm mọi cách để được làm.
    Ông là một nhân cách lớn.

    Trả lờiXóa
  15. Trần Văn Thủy là một trong ít ỏi nghệ sĩ nhân dân đích thực, một nhân cách đáng trọng, vì anh luôn đau đáu số phận nhân dân.
    Năm 2009, tôi gợi ý anh làm phim về Yersin, nhân dịp anh được mời vào Khánh Hòa làm phim về 25 năm thành lập Khatoco. Sở dĩ tôi gợi ý, vì trước khi anh vào, tôi được Trần Xuân Hòa (báo Thanh niên)- cháu ruột anh tặng đĩa phim "Chuyện tử tế". Xem phim, tôi biết anh là người tử tế.
    Là cán bộ hướng dẫn phiên dịch du lịch địa phương từ đầu thập niên 80, có lần tôi bị ngành y tế "bắt cóc" đưa khách ngành y đi thăm mộ Yersin ở Suối Dầu (khi đó, địa điểm này ngoài danh sách thắng cảnh du lịch). Tôi phải đọc thuộc lòng thân thế, sự nghiệp Yersin để giới thiệu với khách, ngay tại mộ Yersin. Yersin không chỉ là nhà khoa học tài ba, mà còn là người rất tử tế, nói ông là vị thánh cũng không ngoa. Đưa tôi tờ lược thuật về Yersin, Tiến sĩ Đoàn Xuân Mựu, Viện trưởng Viện vacin quốc gia ở Nha Trang dặn "bí mật". Tôi ngạc nhiên. TS Mựu nói: lãnh đạo Tỉnh ủy (Phú Khánh) coi Yersin là "tên thực dân"! Để lộ tài liệu này (nội dung Yersin có công lớn với VN và thế giới), rắc rối lắm.
    Qua Bác sĩ Kiều Xuân Cư (Hội Ái mộ Yersin), tôi đề nghị Hội tiếp cận đạo diễn Thủy để đặt vấn đề. Hội mừng như bắt được vàng, tiếp cận ngay. Anh nhận lời, rất hào hứng, vì đã được đi thực tế một số điểm ghi dấu Yersin ở Khánh Hòa để tìm hiểu, thấy vô cùng tâm đắc.
    Rất tiếc, Hội Ái mộ Yersin vận động tài trợ làm phim quá yếu, chưa thể bấm máy. Anh Thủy khi ấy nói chỉ cần khoảng 300 triệu đồng là đủ, vì không phải dàn dựng gì nhiều. Nhưng kinh phí vận động được quá ít.
    Nếu có đủ kinh phí, chắc sẽ có phim về Yersin tuyệt hay. Mong phim sớm có nguồn tài trợ của các doanh nghiệp, cá nhân tử tế. Anh Thủy "bật mí", phim sẽ có phụ đề tiếng Anh, để có thể phát hành ở trong và ngoài nước.

    Trả lờiXóa
  16. cảm ơn Bác Diện vì phim này tôi coi lâu rồi,nhờ Bác đăng bài này mà những ai chưa từng xem sẽ biết đưa ra đánh giá về bộ phim này.Tôi rất quan tâm tới đạo diễn Trần Văn Thủy vì không biết hiện nay ông thế nào rồi,nhờ Bác Diện mà tôi đã biết được Bác Thủy vẫn còn bình an.

    Trả lờiXóa
  17. Có ai có phim "PHẢN BỘI" năm 79 ko ? Chắc phim này đến nay vẫn bị cấm rồi, search Link ko thấy ở đâu có cả

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi kiếm khắp nơi cũng không thấy. Phim "PHẢN BỘI" chắc đã bị bội phản rồi.

      Xóa
  18. Tôi không hiểu tại sao cho đến nay tính từ ngày chào đời váo các năm của thập niên 8x của thế kỉ trước đến nay đã trên dưới 30 năm nhưng 2 bộ phim nổi tiếng "Hà nội trong mắt ai" và "Chuyện tử tế" vẫn không thấy được chiếu trên các rạp chiếu bóng và trên màn hình nhỏ.Phải chăng nổi ám ảnh lấy chuyện xưa để nói đời nay vẫn làm cho ai đó sợ hải cho dù trong phim có nhiều hình ảnh và lời bình có giá trị giáo dục rất to lớn về tình người về lẻ sống... Tôi tin rằng nếu các phim đó được chiếu lại ở tất cả các tỉnh thành nhân dân sẽ rất thích thú vào rạp và ngành điện ảnh sẽ có dịp thu tiền không kém gì các loại hình nghệ thuật khác.
    Đọc "Chuyện nghề của Thủy" chúng ta sẽ gặp ở đây nhiều cảnh éo le đã đến vói ông cho dù tâm hồn ông trong sáng nồng nàn yêu nước chỉ muốn đóng góp những cáí gì đó dù nhỏ có lợi cho tổ quốc nhân dân ở trong nước cũng như ở nước ngoài...Thú thực từ ngày biết anh tôi rất kính trọng và yêu mến nghệ sỉ TVT.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đồng ý với bạn Quý Hoàng, "có vẻ có tật giật mình hay sao ấy", cũng như chuyện cấm "Trại súc vật" mà người ta viết từ những năm 1945 ở trời Tây xa xôi cũng vẫn có vấn đề với VN trong thế kỷ 21 mới lạ chứ!

      Xóa
  19. Không! Như dường như đã có một thời chúng ta tiệm cận đc rất gần với thế giới văn minh cả về chính trị, kinh tế và văn học nghệ thuật. Nhưng cũng như dường như có một thế lực tà quyền nào đó ngăn chặn điều này. Tôi không thể cắt nghĩa được.
    Tôi đang có trong tay cuốn " Người đàn bà quỳ".Đây là tuyển tập truyện ngắn đăng trên báo Nông thôn ngày nay, với trang nhất là truyện ngắn kinh điển" Cái đêm hôm ấy đêm gì" của nhà văn Phùng Gia Lộc, xuất bản năm 1989.
    Nó gần giống với Nhân văn giai phẩm nhưng không phải. Nhân văn giai phẩm là nhân bản được hình thành trong đau khổ và khủng bố. Nhưng ở đây có tự do, có nhân quyền, có tri thức, có đau đáu về quốc gia, có hiện thực sai lầm và có văn minh nhân loại. To lớn hơn là nó được lắng nghe, được thấu hiểu, được XUẤT BẢN rộng rãi.
    Tôi không biết ai(những ai) đã phũ phàng cấu đi những trồi non đó, ai(những ai) đã từng kéo mây đen che mất ánh rạng đông. Tiếc lắm!

    Trả lờiXóa
  20. Đọc bài của TNK về NSND Trần Văn Thuỷ tôi hiểu lực cản tiến bộ của VN là từ đâu . Nhưng điều đó cũng không có gì lạ dưới bầu trời XHCN vì đó cũng chính là sản phẩm của VHTT TƯ . Bở vậy Đảng cứ nói cởi trói. Cái sợi dây lòi tói trói trí sáng tạo của nhân dân cả nước xiết chặt quá, nhân dân nghẹt thở rồi được mở ra từng chút từng chút . Cứ trên xiết một thì dưới xiết 10 .

    Trả lờiXóa
  21. Ông vừa ra cuốn sách "Chuyện nghề của Thủy", tôi vừa đọc xong khi đêm. Linh tính tôi mách bảo rồi cuốn sách này của ông cũng sẽ bị cấm bằng một thứ luật ....Luật bất thành văn. Quyển sách là một cách để cho lớp trẻ chúng tôi nhìn thấu hết các sự thật. Vâng sự thật được nói ra mà sao lại bị cấm đoán? Tôi may mắn hơn nhiều bạn trẻ sinh sau năm 1975 là tôi có Ba(bố) là người từng trải trên khắp chiến trường khu 5, ông cũng giống Trần Văn Thủy là muốn nói lên sự thật. Chính vì thế mà ông đã không thể leo cao so với tài năng của ông. Khi đọc những dòng chữ trong "Chuyện nghề của Thủy" tôi lại thấy phảng phất đâu đây giọng kể của Ba tôi.

    Trả lờiXóa
  22. Tiếc quá,chưa được xem bộ phim này vì hồi đó đang xa quê...nay tìm ở đâu nhỉ ?Cám ơn bản tin quý giá,quý vị nào biết chỉ dùm nhé.không hiểu trên google đã có chưa ?

    Trả lờiXóa
  23. Giới Thiệu Trang Xem Phim Đam Mê Phim
    Sau hàng loạt các trang phim ra đời nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu xem phim của quý khán giả về chất lượng, và số lượng. Chúng tôi đã cho ra đời trang phim online với những đặc điểm nổi trội như sau:
    - Kho phim cực lớn, lên tới hàng nghìn phim online tổng hợp từ nhiều nguồn miễn phí và hàng nghìn phim HD độ nét cao, được cập nhật mới liên tục.
    - Nguồn phim online miễn phí đa dạng, được chọn lọc chất lượng, phim có độ nét cao, xem tốt trên cả máy tính lẫn cắm ra màn hình TV.
    - Sự phong phú về thể loại và các sever...có rất nhiều phim HD với độ nét cao.
    - Các link phim đều được chúng tôi kiểm tra thường xuyên, nên rất ít xảy ra lỗi.
    - Điều đặc biệt là tốc độ download phim cực nhanh.
    - Các bộ phim đều được chúng tôi sàng lọc về chất lượng và nội dung nên rất phong phú và đa dạng thích hợp cho mọi lứa tuổi.
    - Chắc chắn bạn sẽ hài lòng khi truy cập vào:
    Đam Mê Phim
    Nếu quý vị có gì không vừa ý xin phản hồi lại cho chúng tôi để chúng tôi hoàn thiện hơn nữa.


    Chúc các bạn có những giây phút xem phim thật vui vẻ và thoải mái...!

    Trả lờiXóa
  24. Hãy học Huy Đức khi anh phát hành Bên thắng cuộc : tung lên mạng thì cả thế giới đều được đọc. Nếu tác phẩm nào cũng làm đc như vậy , Ban TTVH chỉ có giải tán!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng thế, khi đã đưa lên mạng, thì cộng đồng mạng chính là những người sẽ bảo vệ tác giả nếu tác giả đó bị nhà cầm quyền dở chứng côn đồ.
      Đương nhiên là tác phẩm phải phản ánh trung thực và khách quan.

      Xóa
  25. Xin kính chào ông Trần Văn Thủy - người đã khẳng khái bênh vực sự tử tế trong một xã hội bị thống trị bởi cái ác và sự dối trá, những kẻ tham lam, ngu dốt và đê tiện lại đi dạy đạo làm người cho người lương thiện.

    Trả lờiXóa
  26. Nói thật thì bị cấm. Dối trá được lên diễn đàn ra rả suốt ngày. Còn vụ Bác Thủy lên TV truyền hình trực tiếp nói thẳng quá, sau đó cấm bác Thủy lên truyền hình luôn.

    Trả lờiXóa
  27. Đây là một trong những ví dụ để nhân dân phải đấu tranh mạnh nhằm trước mắt xây dựng cho được nền móng một xã hội pháp trị , tất cả , kể cả ĐCS , phải hoạt động theo pháp luật.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. đảng vẫn hoạt động theo pháp luật đấy chứ-dưng mà!-pháp luật lại do chính đảng cs đẻ ra.Thế mới oái oăm bố láo làm sao.

      Xóa
  28. "Bất quá, tôi đành mạnh dạn bấm chuông nhà ông. Rất may hôm nay cái điệp khúc kia của ông không lặp lại. Chỉ sau ít phút làm quen, ông đã hào hứng tiếp tôi một mạch đến quá trưa, không dứt...."
    Chữ "bất quá" dùng không chuẩn trong ngữ cảnh này. "Bất quá" == "cùng lắm là" ví dụ: Tiêm kim không đau, bất quá chỉ như kiến cắn.
    Trong câu trên không cần dùng chữ "bất quá" cũng không cần chữ nào thay thế. Nếu gượng ép có thể dùng chữ "Bí quá, tôi đành bấm chuông..." hay điển tích tàu như "sự bất quá tam, tôi đành bấm chuông..." nhưng trước đó phải nói rõ tác giả đã đến nhà ông 2 lần mà không gặp. (thực tế không phải vậy, chỉ là gọi điện...)
    Nhà văn, nhà thơ, nhà làm văn nghệ khi viết lách cần chăm chút cho rõ nghĩa, tránh viết bậy bạ sau này di hại đến thế hệ sau, tôi thấy tiếng Việt càng lúc càng mù mờ cũng là vì những sai sót như thế này.

    Trả lờiXóa