Thứ Năm, 1 tháng 9, 2011

SỨ THẦN TRUNG HOA VÀ NGÔI ĐÌNH LÀNG XỨ BẮC

Chùm bài về Ngoại giao Việt - Trung:
Bài 4: Sứ thần Trung Hoa và ngôi đình làng Xứ Bắc
Phạm Thùy Vinh


Đình Tây Đằng, Ba Vì, Hà Tây (cũ). Ảnh: Internet.
Sứ thần Trung Hoa và ngôi đình làng xứ Bắc

Phạm Thùy Vinh

Xã Quang Thịnh huyện Lạng Giang là xã tận cùng phía Bắc của tỉnh Bắc Giang giáp giới với huyện Hữu Lũng tỉnh Lạng Sơn. Đây là một xã miền núi có nhiều đồi rừng nhưng lại thuận lợi nằm giữa trục đường quốc lộ đi ngược lên xứ Lạng và xuôi về Hà Nội. Xã Quang Thịnh ngày nay được hợp thành bởi hai xã: Vĩ Liệt và Thịnh Liệt thuộc tổng Thịnh Liệt huyện Bảo Lộc phủ Lạng Giang xứ Kinh Bắc xưa. Các sứ thần Đại Việt khi đi sứ sang Trung Quốc và các đoàn sứ bộ Trung Hoa vào Việt Nam đều phải đi qua con đường chạy dài qua địa phận xã Quảng Thịnh. Rất có thể đây là một trong những dịch trạm cho các sứ thần Đại Việt và Trung Hoa trên chặng đường đi sứ.

Trong dịp đi sưu tầm tư liệu Hán Nôm tại huyện Lạng Giang vào cuối năm 1998 vừa qua, chúng tôi(1) được phân công đi về 9 xã phía Bắc của huyện, trong đó có xã Quang Thịnh. Cứ tưởng là vùng núi xa xôi sẽ chẳng còn tư liệu gì của ông cha để lại, nhưng thật bất ngờ ở đây di sản Hán Nôm còn tương đối phong phú, nhất là văn bia. Hầu hết các bia đá đều được bảo quản trong các di tích như đình, chùa. Trong các cụm di tích ở đây, đáng lưu ý nhất là các ngôi đình. Thật hiếm gặp ở các xã miền núi xa lại giữ được nhiều ngôi đình đến thế. Hiện xã còn 4 ngôi đình, trong đó đáng kể nhất là hai ngôi đình mang kiến trúc thời Lê ở hai thôn Tân Lạc và Thanh Lương. Cả hai ngôi đình này đều đã được dân trong thôn tu tạo lại nhưng vẫn giữ nguyên bộ khung của đình bằng gỗ lim gồm các cột đình, các vì kèo, các câu đầu, các rui mè v.v… Đình thôn Tân Lạc còn có tấm bia đá tạo năm Vĩnh Khánh 2 (1730) - đời nhà Lê ghi lại việc xây dựng đình vào thập niên đầu thế kỷ 18. Đình thôn Thanh Lương thì chỉ còn một số bia Hậu vào đầu thời Nguyễn. Bộ khung đình của thôn Thanh Lương còn khá chắc chắn, gỗ lim để lâu nên nước đen bóng mặc dù đã bị chuyển dịch nhiều lần.

Khi chúng tôi đến đình thôn Thanh Lương, các cụ cao tuổi trong làng có giới thiệu tóm tắt về lịch sử xây dựng định. Có một chi tiết mà các cụ cứ nhắc đi nhắc lại rất đỗi tự hào: Rằng đình làng chúng tôi được xây dựng từ thời Tống do ông Tống Trân khi đi sứ Tàu đã về làng hưng công xây dựng nên; Rằng tên ông ấy còn ghi lại trên cột đình. Lúc đó chúng tôi đã cười vì câu chuyện mang đầy sự tưởng tượng dân gian của các cụ. Làm gì có ngôi đình nào Việt Nam được xây dựng từ thời Tống? Làm gì có một ông Tống Trân của Việt Nam hiện hữu và đi sứ sang Tàu? Câu chuyện Tống Trân – Cúc Hoa chỉ là truyện dân gian mượn của Tàu, kiếm đâu ra một ông sứ thần Tống Trân của Việt Nam lại còn về xây đình cho thôn Thanh Lương nữa thì thật là quá sức tưởng tượng của chúng tôi. Với suy nghĩ như vậy nên quả thật cả hai anh em chúng tôi đều không chú ý đến tình tiết của câu chuyện mà các cụ đã kể. Chúng tôi chỉ lúi húi ghi chép các hoành phi câu đối và in rập văn bia.

Như đã nói ở trên, ngôi đình làng này còn mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Lê nhưng không còn văn bia của thời đó ghi lại việc xây đình như đình thôn Tân Lạc. Trên các câu đầu hoặc thượng lương của đình cũng không ghi. Tôi có đến đọc một số chữ Hán khắc trên các cây cột đình, đến cây cột mà các cụ chỉ là của ông Tống Trân thì chữ khắc ở trên cao, lại ở góc khuất, nên chỉ đọc được mấy chữ “Bắc quốc… cung tiến nhất chu”, chúng tôi đã tạm giải thích cho các cụ: Chắc là có người Trung Quốc nào đó hoặc ở chỗ khắc hoặc lấy vợ làng này đã công đức một cây cột đình khi làng xây đình, chỉ có vậy thôi. Bởi vì vào các thế kỷ 17, 18 cũng đã có một số người Trung Quốc sang Việt Nam lấy vợ. Họ đã bỏ tiền của ra giúp dân địa phương nơi họ sinh sống trang trải các khoản công dịch hoặc chuộc lại ruộng đất v.v.. Vì thế nên có người nào đó cung tiến một cây cột thì cũng chẳng có gì lạ. Nhưng cách giải thích đó không làm thỏa mãn các cụ, trong bữa cơm chia tay các cụ vẫn băn khoăn. Trên đường đi sang xã khác, chúng tôi đã cùng ông chủ tịch xã và các cụ trở lại ngôi đình thôn Quang Hiển để bắc thang trèo lên đọc và in chữ ở cây cột đó. Khi tôi in dập được những chức khắc trên cây cột xuống, quả thật tôi cũng không tin được vào mắt mình nữa. Đúng là có ông sứ thần Tống Trân, nhưng là sứ Trung Hoa chữ không phải sứ ta như các cụ đã truyền ngôn.

Nguyên văn của dòng chữ này như sau:


Phật Hoa phủ Tống Trân Bắc quốc sứ thần cung tiến nhất chu” nghĩa là: “Tống Trân người phủ Phật Hoa là sứ thần Bắc quốc cung tiến một cây”.

May thay lại có một cây cột đình của đất Việt ghi lại rõ ràng hơn về ông sứ thần này: ÔNg ta là người của phủ Phật Hoa, là sứ thần của Bắc quốc. Đến đây chúng tôi lại thắc mắc: sao lại ghi là “Bắc quốc” mà không ghi tên nước là Đại Minh hay Đại Thanh? Chữ và cách ghi trên cột là do chính vị sứ thần ghi hay do dân địa phương ghi? Chữ khắc khá đẹp theo lối viết chân. Vì sao vị sứ thần này lại công đức cho làng một cây cột đình? Có quan hệ gì thân thiết chăng?

Theo thiển nghĩ của chúng tôi, có lẽ khi dân làng Thanh Lương làm đình thì cũng là lúc vị sứ thần Tống Trân đi ngang qua đây, hoặc là lúc mới vào Đại Việt, hoặc là lúc trở về chính quốc, thấy không khí tưng bừng của làng khi bắt đầu xây dựng đình, nên đã dừng ngựa ghé xem. Hoặc giả đây chính là dịch trạm nơi ông dừng chân nghỉ ngơi rồi biết dân làng đang xây đình, mến cảnh mến người, nên ông đã bỏ tiền mua một cây cột lim để công đức vào đình. Dân làng trọng tình nghĩa của ông nên đã nhận và ghi tính danh quê quán của ông để đời sau chiêm vọng. Thời điềm xây dựng ngôi đình Thanh Lương theo suy luận của chúng tôi là không vượt quá thế kỷ 18 có lẽ chỉ từ đầu thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ này, và sứ thần Tống Trân của Trung Hoa vào Việt Nam cũng chính là ở giai đoạn đó. Xin được sự kiến giải thêm của các học giả và các nhà chuyên môn về trường hợp này, và vì thế lịch sử bang giao của hai quốc gia Việt Nam và Trung Quốc lại thêm những chi tiết thú vị chưa từng được biết đến.
Chú thích:
1. Tôi và anh Dương Thái Minh là cán bộ phòng Văn tịch Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Nguồn: Thông báo Hán Nôm học 1998 (tr497-501). 
Tác giả Phạm Thùy Vinh, là PGS. TS, hiện công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

4 nhận xét :

  1. Bác Diện ơi, cháu đọc trên Wikipedia, Tống Trân-Cúc Hoa là truyện thơ nôm, và còn có cả tiểu sử của Tống Trân nữa, vậy mà sao trong bài này nói là truyện tàu?

    Trả lờiXóa
  2. Chi tiết của câu chuyện Tống Trân-Cúc Hoa trên Wikipedia tiếng Việt:
    http://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BB%91ng_Tr%C3%A2n_C%C3%BAc_Hoa

    Trả lờiXóa
  3. "Bắc quốc sứ thần" nghĩa là quan đi sứ nước Bắc, chứ không phải là sứ thần của "Bắc quốc". Vì thế nên không gọi là "Đại Minh sứ thần" hay "Đại Thanh sứ thần". Tống Trân là người Việt, sứ thần Việt đi sứ Bắc quốc.

    Chuyên gia Viện Hán Nôm mà có quan niệm về văn hóa dân gian hơi nhầm lẫn. Chuyện Tống Trân Cúc Hoa là truyện Nôm chính cống. Cũng không phải chỉ là chuyện do các cụ "bịa", mà có phần là người thật việc thật. Chuyên gia có thể không "tưởng tượng" nổi, nhưng nhân dân thì không hề nhầm lẫn.

    Trả lờiXóa
  4. Phật Hoa là hoa sen. Phù Cừ cũng là tên riêng của hoa sen. "Phật Hoa phủ Tống Trân" rõ ràng là chỉ ông Tống Trân người huyện Phù Cừ, Hưng Yên.

    Trả lờiXóa