Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

SÁCH ĐỌC GIỮA TRƯA: "CÓ 500 NĂM NHƯ THẾ"

Đọc lại “Có 500 năm như thế” 

Vũ Thị Phương Anh

“Có 500 năm như thế” là cuốn sách của Hồ Trung Tú mà tôi có lần đã viết một blog entry để giới thiệu, cách đây ít lâu (và có hứa sẽ trở lại viết thêm về nó sau khi đọc kỹ hơn). Như tiểu tựa của cuốn sách đã nêu rõ, cuốn sách này nhằm xem xét “bản sắc Quảng Nam từ góc nhìn phân kỳ lịch sử”.

Đối với một người có quê gốc ở miền Bắc – cha Nam Định, mẹ quê gốc ở Bắc Ninh nhưng sống ở Hà Nội – và nơi chôn nhau cắt rốn ở tận … Sóc Trăng như tôi, Quảng Nam nói riêng, và “khúc ruột miền Trung” nói chung, là một nơi xa lạ. Có nhớ có thương gì, thì nếu không phải là làng quê miền Bắc “có cây đa cao vút từng xanh, có sông sâu lơ lững vờn quanh” cũng phải là vùng đồng bằng sông Cửu Long mênh mông sông nước, cây xanh trái ngọt, ruộng đồng trù phú, và những điệu lý ngọt ngào, rất đỗi thân thương.

Dù gốc Bắc – và nói tiếng Bắc, còn giữ nhiều nét văn hóa Bắc (do truyền thống gia đình quá mạnh, có lẽ thế), nhưng vì sinh ra ở tận Sóc Trăng, lại học trường Gia Long hồi bé, nên trong thâm tâm tôi tự nhận – và tự hào – rằng mình là người “đàng trong”, và vẫn cảm phục các vua chúa triều Nguyễn (trong đó tất nhiên là có vua Gia Long) đã mở cõi vào phía Nam để những người dân Bắc như gia đình tôi có cơ hội vào làm ăn sinh sống.

Thực ra thì tôi cũng có một thoáng kỷ niệm đẹp ấu thơ với miền Trung, vì gia đình tôi cũng có thời gian sống ở Phan Thiết trước khi vào Sài Gòn lúc tôi 5 tuổi. Ký ức của tôi về Phan Thiết rất mơ hồ vì lúc ấy tôi còn quá nhỏ, chỉ nhớ loáng thoáng những đồi cát mà bọn tôi thường chạy lên rồi tuột xuống để chơi. Một không gian rất rộng, rất khoảng khoát, với những cơn gió lồng lộng. 

Tôi cũng nhớ màu hồng tim tím lẫn trắng của loài “hoa đồng hồ” mọc khắp nơi trên vùng đất cát này. Sau này tôi mới biết tên thực của nó là “bông dừa”, nhưng hồi ấy bọn tôi đều gọi là hoa đồng hồ. Tôi nghĩ cái tên này xuất phát từ trò chơi của trẻ con thời ấy: Loài hoa này có một cái nhụy dài rất mảnh, trên đầu có điểm một hạt nằng nặng dinh dính; khi rút cọng nhụy này ra để giữa lòng bàn tay rồi thổi thì đầu cọng nhụy sẽ dính lại một chỗ còn cái cọng dài mảnh mai sẽ xoay như kim giây đồng hồ vậy.

Nhưng miền Trung đối với tôi chỉ là một vùng đất lạ, với rất nhiều nắng, rất nhiều gió, rất nhiều biển, với những dân chài đen nhẻm, với cách sống khá xa lạ với dân gốc đồng bằng với lũy tre làng là gia đình tôi. Và khác biệt lớn nhất, xa lạ nhất, là giọng nói và cả từ ngữ nữa. Những mô (đâu), tê (kia), răng (sao), rứa (thế), ni (này), chi (gì) vv là những từ tôi đã phải học và dùng đúng từ bé để có thể giao tiếp với bọn trẻ con ở Phan Thiết, vì nếu nói khác thì chúng nó không cho chơi với. Tôi vẫn nhớ khi nào lỡ buột miệng nói “Làm sao?” thì ngay lập tức sẽ bị trả lời: “Sao, hỏi sao trên trời!”

Vâng, miền Trung trong ký ức của tôi chỉ có như thế thôi – xa lạ. Trong khi đó, miền Nam đối với tôi sao mà thân thuộc thế, dù tôi cũng có biết nhiều về nó đâu, trừ đất Sài Gòn nơi tôi sống. Nhưng có một câu hỏi mà tôi vẫn tự hỏi mình từ rất lâu rồi, đó là sự khác biệt rất lớn giữa hai miền Bắc Nam – khác cả về giọng nói, lẫn cách sinh hoạt, và nhất là tính cách, là do đâu mà ra?

Tất nhiên là do khác hoàn cảnh, và do sự chia cắt về chính trị (đàng trong, đàng ngoài) trong một thời gian dài. Nhưng chắc chắn cũng là do sự pha trộn của các dân tộc sinh sống trên vùng đất “đàng trong” này bên cạnh những người Việt vốn gốc gác từ cái nôi miền Bắc đã thực hiện cuộc Nam tiến. Những dân tộc mà tôi tin là có ảnh hưởng đến văn hóa đàng trong chính là người Hoa (người Minh Hương) và người Khmer.

Và tất nhiên, những nguồn ảnh hưởng đó không bao gồm người Chàm! Người Chàm, hay người Chăm, người Chiêm, theo như tôi hiểu, chỉ là một nhóm thiểu số còn sót lại từ vương quốc Chiêm Thành trước đây, giờ đã bị xóa tên trên bản đồ thế giới. Bi hận lắm, nhưng nó đã là quá khứ rồi, mà tất nhiên là không ai có thể làm lại quá khứ được. Điều duy nhất mà những người Việt như tôi có thể làm được bây giờ, là tôn kính những di tích lịch sử còn sót lại, và tôn trọng bản sắc văn hóa của người Chăm như một trong nhiều dân tộc thiểu số ở VN, vậy thôi.

Vâng, tôi vẫn luôn nghĩ như thế. Cho đến khi tôi đọc “500 năm như thế” của Hồ Trung Tú.

Một cuốn sách nho nhỏ, xinh xinh, chỉ hơn 250 trang khổ nhỏ, trông như một cuốn tiểu thuyết tình yêu của tuổi dậy thì. Nhưng chưa có cuốn sách nào khiến tôi phải đọc lâu như thế.

Đọc lâu, không phải vì nó khó hiểu. Tác giả của cuốn sách thực ra chỉ có một thông điệp rất rõ ràng, dễ hiểu, đã được nêu rõ ngay từ cái tựa và lời dẫn nhập của cuốn sách: trong suốt 500 năm dài, người Chàm – chủ nhân cũ của vùng đất này – đã cùng sinh sống, lập gia đình, sinh con đẻ cái, và pha trộn huyết thống trong dòng máu Việt hiện nay của chúng ta. Một thông điệp bất ngờ, đáng kinh ngạc, nhưng không phải là không có lý.


Đề tặng sách mùng 2 Tết Tân Mão
Không phải là không có lý, nhưng cũng không dễ dàng được chấp nhận ngay, vì nó quá mới mẻ. Và toàn bộ cuốn sách – không dài – của Hồ Trung Tú được viết ra chỉ là để chứng minh luận điểm này của ông. Với rất rất rất nhiều chi tiết về lịch sử, về địa lý, về văn hóa, về gia phả – tất cả dưới “góc nhìn phân kỳ lịch sử”. Những chi tiết mà đối với tôi là hoàn toàn xa lạ, vì, như đã nói ở trên, cho đến trước khi đọc cuốn sách này, tôi chẳng quan tâm gì đến khúc ruột miền Trung của đất nước gì cả.

Đọc lâu là vì như thế. Tôi phải đọc đi đọc lại để có thể xâu nối lại các chi tiết mà tác giả đã nêu ra để hiểu xem ý nghĩa của chúng là gì, và liệu chúng có thực sự cho phép tác giả đưa ra lời khẳng định táo bạo nêu trên hay không. Hoàn toàn không có nghề lịch sử, văn hóa, hay khảo cổ gì cả, tôi không thể phán đoán những thông tin và lập luận của tác giả có gì sai sót không, nhưng với tư cách một người Việt xem xét nguồn gốc của mình, tôi tin là tác giả đã viết có lý – và tất nhiên, không phải là chỉ suy đoán, mà cũng có những cứ liệu. Còn việc cứ liệu như thế là nhiều hay ít, và chất lượng của chúng, xin để cho các nhà chuyên môn bàn cãi.


Cuối cùng, thì điều lớn nhất, và quan trọng nhất mà Hồ Trung Tú đã làm được với cuốn sách của mình, đó là làm cho các độc giả người Việt (hoặc đúng hơn, nghĩ mình chỉ là người Việt) băn khoăn, đứng ngồi không yên, về cái kết luận như bom nổ của mình, mà theo lời của Inra Sara, một học giả người Chăm đúng nghĩa, là “chúng ta là Chăm, đang nói tiếng Việt bằng giọng Chàm”. Ít nhất, điều đó đã làm cho chúng ta – trong đó có tôi, một người miền Nam gốc Bắc – quan tâm hơn đến cái “đoạn” lịch sử bị đứt khúc của chúng ta, thời kỳ đàng trong, đàng ngoài, và những điều đã xảy ra âm thầm trong nửa thiên niên kỷ kỳ bí đó.

Một cuốn sách nho nhỏ, nhưng rất nặng, và không thể đọc nhanh, đối với tôi. Tôi vẫn còn đang đọc nó, 500 năm bị lãng quên của nguồn cội VN.  

Nguồn: Anh Vũ-Blog

2 nhận xét :

  1. Viết về sách này ngoài bài của Vũ Thị Phương Anh mình còn rất thích bài của BBC, báo Quảng Nam, và bác Trịnh Tú:
    http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/02/110218_hotrungtu.shtml

    http://baoquangnam.com.vn/van-hoa-van-nghe/van-hoa/30843-buc-tranh-qua-khu-qua-goc-nhin-phan-ky.html

    http://laodong.com.vn/Tin-Tuc/250-trang-cho-500-nam/51327

    Trả lờiXóa
  2. Rất cám ơn bác Diện đã giới thiệu bài viết về cuốn sách quí này. Rất cám ơn bác ẩn danh 15:38 còn chỉ thêm cho biết ba bài đáng đọc khác nữa. Tôi đọc mà thích quá.

    Không riêng dân Việt ta, hầu hết các dân tộc sống ở vùng Đông và Đông Nam Á đều chịu cùng cảnh ngộ là bị một lỗ hổng lớn lao nơi ký ức. Những thế kỷ, thậm chí thiên kỷ đầy xáo động vì chiến tranh liên miên; điều kiện khí hậu ẩm thấp khiến những di vật cổ chóng hư hại; rồi đến cuộc đại bại tan hoang khi va chạm với nền văn minh phương Tây vừa chớm mạnh lên nhờ cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, đem đến phương Đông cả "ánh sáng văn minh" lẫn thói thực dân tàn bạo man dã của nó... tất cả đã làm cho những dân tộc khốn khổ vùng Viễn Đông - trong đó có tộc Việt - bị đứt phăng mối dây liên lạc thiêng liêng với cội nguồn tiền tổ của mình!

    Khoa tâm lý hiện đại đã khám phá ra rằng thời thơ ấu của mỗi cá nhân là yếu tố cực kỳ quan trọng cho việc hình thành và trưởng thành nhân cách. Sức sống tinh thần của một dân tộc cũng vậy. Chúng ta không thể đạt tới sự nhất quán nào đó, sự hòa giải, đoàn kết và đồng tâm nhất trí nào đó, sự "trưởng thành" nào đó, bao lâu cái lỗ hổng ký ức xa xưa chưa được soi sáng, chưa được lấp đầy.

    Khi chế độ thực dân cũ chấm dứt, thực đau xót là dân tộc ta lại phải lâm vào cuộc huynh đệ tương tan kéo dài mấy chục năm nữa. Rồi bây giờ, sau 36 năm thông nhất đất nước, ta đã làm được gì trong việc khai quật lại ký ức cội nguồn, trong việc đi tìm lại hồn thiêng tiên tổ?

    Vô cùng biết ơn những học giả đã dấn thân - có khi cả đời - vào công cuộc tìm lại cội nguồn đầy gian nan và đòi hỏi nhiều hy sinh này. Đây là sứ mạng của mỗi dân tộc và đồng thời là sứ mạng của toàn nhân loại. Mỗi một loài sinh vật gặp nguy cơ tuyệt chủng gây hậu quả tai hại đến toàn bộ nền sinh thái địa cầu thế nào thì mỗi một nền văn hóa bị "tuyệt chủng" cũng gây tổn hại lớn lao cho sự trưởng thành tinh thần của loài người
    thế ấy.

    Tôi lại lo lắng nhớ đến Bảo tàng Bình Định với những cổ vật vô giá giờ đang trong tình tạng lâm nguy. Tôi chỉ là kẻ vô danh tiểu tốt, học hành không đến chốn đến nơi, cũng xin mạo muội góp thêm lời kêu cứu khẩn thiết đến cộng đồng. Tha thiết mong các cơ quan truyền thông trong nước và ngoài nước lên tiếng báo động và vận động mọi con dân Việt Nam cứu lấy những di vật của tổ tiên, những manh mối cực kỳ quí báu để lần tìm lại thời thơ ấu không chỉ của riêng dân tộc nào, mà của toàn nhân loại!

    Bác Diện ơi, các độc giả của blog này ơi, chuyện trước mắt là Bảo tàng Bình Định, xin hãy tìm mọi cách cứu lấy Bảo tàng! Đau lòng lắm thay!!!

    Trả lờiXóa