Bước chân vào chốn ngục tù
Ghi chép của Phương Bích
Nhất nhật tại tù,
Thiên thu tại ngoại
(Một ngày tù,
Nghìn thu ở ngoài)
22/8 - Ở đây ngày cũng như đêm, lúc nào cũng có mấy ngọn đèn sáng trưng ngoài hành lang, còn bên trong buồng giam thì không có ngọn đèn nào cả. Có lẽ vì trần hơi thấp nên họ sợ phạm nhân tự tử bằng điện chăng? Bây giờ tôi mới biết giường trong trại giam là một cái bệ xi măng, phía trong là một bể nước khoảng nửa khối để hở một ô vuông chỉ để đủ vục một gáo nước, kế đó là bệ xí – hết!
Tôi hỏi ở đây làm sao biết giờ giấc vì nằm mãi không thấy sáng. Cô bạn tù bảo thấy tù tự giác đi quét hành lang là mấy giờ, giao ca là mấy giờ, có tiếng xe máy là mấy giờ, có khói bếp hun vào buồng giam là mấy giờ v.v...
Bất cứ có tiếng động nào là cô bạn tù nhỏm phắt dậy, chổng mông, cố ghé mắt qua cánh cửa sắt để nhìn dọc hành lang rồi thông báo cho tôi nhất cử nhất động. Tôi khao khát mọi tin tức về đồng đội quá, cố gạn hỏi mấy cậu tù tự giác về những người vừa bị đưa vào đêm qua nhưng chẳng biết gì thêm. Tôi đánh liều thử gọi tên Tiến Nam thì có ai đó quát: trật tự!
Khi khói bếp xông vào cay xè thì họ gọi tôi ra ngoài. Ra đến khu vực thẩm vấn, tôi nhớn nhác đưa mắt tìm đồng đội nhưng họ bắt tôi phải vào ngay phòng chờ. Trong khi chưa có người vào làm việc với tôi, Minh Hằng và Tiến Nam chợt bước vào. Mấy chị em mừng tủi ôm ghì lấy nhau thổn thức. Lúc ấy tôi hoàn toàn không biết cả đêm qua chỉ có mỗi mình tôi và Dũng phải vào phòng giam, còn tất cả mọi người vẫn ở lại bên ngoài. Bởi vậy tất cả mọi người đều rất thương tôi. Hóa ra vì không biết tin về nhau, nên chúng tôi lại cứ quay ra lo lắng lẫn cho nhau mãi.
Họ không cho chúng tôi hàn huyên lâu. Minh Hằng và Tiến Nam buộc phải quay trở ra. Cuộc hội ngộ ngắn ngủi khiến tôi xúc động đến mức vừa tranh luận với điều tra viên vừa nước mắt tuôn như suối. Đã khóc thì kèm theo mũi dãi khiến tôi cứ xì xoẹt xỉ mũi làm bà lăn tay càu nhàu, ý bảo tôi không được khóc. Tôi cáu tiết gắt:
- Ai muốn khóc làm gì chứ? Chị không chịu được thì cứ đuổi tôi ra. Tôi oan ức thì tôi phải khóc.
Họ vẫn hỏi những điều cũ rích, vẫn giở cái trò ban đầu ghi biên bản lời khai, khi tôi không đồng ý thì lại lấy giấy trắng ra ghi biên bản làm việc. Rồi khi tôi không ký vì biên bản chỉ lập 1 bản, thì ngay lập tức họ đưa tôi trở lại phòng giam.
Trở về phòng giam, tôi linh cảm thấy việc có thể sẽ không được đoàn tụ với anh chị em trong một thời gian dài. Bởi vậy khi kể lại cho cô bạn tù nghe, tôi không thể nào cầm được nước mắt. Chưa bao giờ tôi khóc nhiều đến thế. Vừa nức nở, tôi vừa nghĩ đến ngày tự do, tôi sẽ viết những dòng đầu tiên: nước mắt Phương Bích đã rơi, nước mắt Minh Hằng đã rơi, nước mắt Tiến Nam và có thể của cả nhiều anh chị em khác đã rơi không phải vì cường quyền bạo lực, vì sự bất công mà vì tình thương yêu giữa chúng tôi càng lớn hơn trong chốn lao tù này.
Tôi quyết định sẽ tuyệt thực để phản đối. Mặc cho cô bạn tù khuyên hết lời, tôi vẫn nhất định không chịu ăn. Bữa ăn trong tù làm tôi một lần nữa lại rơi nước mắt. Chỉ vỏn vẹn một tô cơm với một tô rau muống luộc lẫn với nước rau. Tôi hỏi rau luộc hay canh? Cô bạn tù bảo rau luộc. Cô ấy bảo thỉnh thoảng cũng có cho được tý muối. Tôi chỉ mấy lọ muối vừng với ruốc để ở cạnh tường thì cô ấy bảo của bạn tù được tiếp tế thương tình sẻ cho. Tôi hỏi sao cô ấy không được tiếp tế thì cô ấy chỉ lắc đầu không nói.
Trong khi cô bạn tù ngồi ăn ngon lành, tôi cứ nằm nhìn cô ấy. Không biết có chế độ giam giữ nào lại tàn nhẫn như vậy không?. Có ông bà đại biểu quốc hội nào biết chuyện này không? Nói thực lòng, đến con chó con mèo còn được trộn vào bát cơm tý thức ăn mặn. Tôi vốn yêu quý tất cả các loài vật, chỉ cần thấy chúng khốn khổ là tôi đã thắt ruột thắt gan lại vì xót thương. Nếu họ phạm tội thì chỉ riêng việc bị giam giữ trong 4 bức tường đã là một sự trừng phạt lớn nhất đối với họ rồi, cần gì phải hành hạ cả về thể xác họ như thế.
*
Thế là đã qua nửa ngày thứ 2. Tôi nghĩ gia đình tôi đã đoán phần nào lý do đêm qua tôi không trở về. Như vậy hẳn ở nhà đã bố trí người chăm sóc bố tôi. Khi nghĩ vậy, tôi không còn lo lắng nữa. Giờ tôi chỉ còn nghĩ đến việc mình sẽ đối diện với việc này như thế nào. Tôi nghĩ chắc chắn mọi người ở bên ngoài đang rất lo cho chúng tôi, chắc chắn họ sẽ lên tiếng đòi lẽ phải cho chúng tôi. Nghĩ vậy, tôi yên lòng nằm xuống, uống thật nhiều nước mỗi khi thấy đói.
Đầu giờ chiều, họ gọi tôi đi lăn tay, bảo đây là quy định, nếu tôi không tự nguyện thì sẽ cưỡng chế. Tôi bảo họ cứ cưỡng chế vì sức tôi làm sao mà chống lại được, còn đương nhiên tôi chả đời nào tự nguyện lăn tay. Nhưng đúng là tôi vẫn ngờ ngệch lắm, tôi bảo ai vào giữ tay tôi đi này, tôi chả tự nguyện đâu, thế mà chả ai vào giữ tay tôi gọi là lấy lệ cả. Tôi đâu khỏe như Minh Hằng, tôi mà chống lại, có khi họ bẻ gãy tay tôi không chừng. Trong khi tôi đang lăn tay, Trịnh Hữu Long chạy vào ôm lấy tôi. Cứ mỗi sự quan tâm của đồng đội là khiến tôi lại chảy nước mắt. Bà lăn tay ơ lên một tiếng bảo:
- Sao Long lại vào đây, đi ra.
Mặc dù mặt bà ấy lúc nào trông cũng khó đăm đăm, nhưng lạ là bà ấy nói với Hữu Long rất nhẹ nhàng, gọi tên Long một cách thân thiện. Sau khi Hữu Long ra ngoài, tôi vừa khóc vừa bảo:
- Cô cháu tôi gặp nhau một tý thì mất gì của các chị, thiệt hại gì cho các chị mà phải ngăn cấm. Chị trông nó thế mà bảo nó là kẻ gây rối được à.
- Ừ, thằng bé này được lắm
Bà lăn tay công nhận. Bà ấy đi theo tôi ra tận toalet. Vừa rửa tay, tôi vừa xỉ mũi ầm ĩ.
Thậm chí cho đến tận lúc đó, tôi vẫn đinh ninh là tất cả 8 người chúng tôi đều bị đưa vào phòng giam như nhau. Sau này Minh Hằng bảo mọi người đều thương bà quá, vì chỉ một mình bà với Dũng bị đưa vào phòng giam. Lúc thấy bà bị lăn tay, thằng Long nó ra ngoài cứ gục đầu vào tường khóc, trông tội lắm.
Đến giờ cơm chiều, tôi vẫn nhất quyết không ăn. Cô bạn tù lấy hộp bánh bích quy ra dỗ dành tôi. Chao ôi, cái thứ đó trong tù đối với cô ấy nó quý như vàng, thế mà cô ấy sẵn sàng chìa nó ra cho tôi để dỗ tôi ăn. Tôi lại những muốn ứa nước mắt, sao những người phạm tội ở đây lại tốt đến thế, còn những người tưởng rằng lương thiện lại vô cảm, lạnh lùng đến thế? Khi ép tôi ăn mãi không được, cô ấy ngồi nhấm nháp cái bánh quy, cắn từng tý một và nhai bỏm bẻm như nhai trầu. Ngay cách cô ấy cất cái hộp bánh một cách nâng niu cũng đủ thấy nó quý giá với cô ấy như thế nào.
Đang nằm nghĩ ngợi miên man thì họ lại gọi tôi và Dũng ra. Vì họ bảo có đồ dùng gì thì đem theo nên tôi nghĩ họ sẽ thả chị em tôi. Nhưng khi ra đến bên ngoài, thấy công an đứng đông đặc, ý nghĩ đến với tôi rất nhanh, họ sẽ chuyển chúng tôi đi nơi khác! Một người đưa trả tôi dây giày khi tôi hỏi, nhưng khi Dũng cúi xuống định buộc giày cho tôi thì người khác lại không cho, bắt vứt đi. Tôi thoáng nghĩ, có thể họ sẽ chia cắt chúng tôi mỗi người một nơi, và như thế tôi sẽ không được gặp lại mọi người nữa. Lúc ấy tôi không hề nghĩ đến những gì sẽ chờ đợi tôi ở phía trước, chỉ cảm thấy họ đưa tôi đi mà bạn bè tôi không được biết, thế là tôi lao vào chỗ khu vực thẩm vấn, định gọi to tên các bạn tôi, báo cho họ biết là chúng tôi phải đi đây. Nhưng ngay tức khắc họ túm tôi lại, cứ như sợ tôi chạy trốn giữa một rừng công an như thế này. Hai người túm chặt hai bên tay tôi áp giải tôi ra ngoài, đẩy tôi lên chiếc xe chở tù mà tôi vẫn thỉnh thoảng nhìn thấy khi ở ngoài đời.
Trên xe có Dũng, tôi và 2 phạm nhân, một nữ một nam. Tôi im lặng nhìn họ bập chiếc còng số 8 vào tay tôi với cô phạm nhân trẻ, Dũng bị còng với nam phạm nhân. Nói thực lòng, cho đến giờ phút này, tôi thấy họ phải hao tâm tổn sức, huy động ngần ấy con người, phải dùng đến nhà tù và còng số 8 để đối phó với một con người như tôi thì quả là một sự lãng phí ghê gớm. Tôi hoàn toàn có thể kiêu hãnh mà tự nhận rằng lòng tôi trong sạch không một chút tỳ vết, trong sạch hơn bất cứ một kẻ nào trong số bọn họ. Sự phẫn nộ không bùng lên mà đang chìm xuống, âm ỉ cháy trong lòng tôi. Tôi nghĩ đến một ngày, khi họ thấy được họ nhầm lẫn như thế nào, thì tôi chỉ mong họ sẽ phải hối hận. Sẽ không có chỗ cho lòng căm thù, tôi chỉ muốn ít nhất con người ta phải biết hối hận khi làm những điều sai trái. Đấy là lúc tôi chưa biết họ còn đến khám xét nhà tôi, khám xét và thu giữ máy tính của tôi. Thật khó hiểu quá, với cái tội danh gây rối trật tự công cộng như họ gán cho tôi, mà nghiêm trọng tới mức phải ra lệnh khám xét nhà khẩn cấp, khám xét và thu giữ máy tính thì có hợp lý không? Sao họ không bắt vì cái tội danh nào khác cho nó bõ cái cách thức rầm rộ mà họ đã phô trương ra như thế này?
Ngay cả hai phạm nhân trên xe cũng cảm thấy bất thường khi thấy công an quá đông. Qua cánh cửa xe vẫn chưa khép hẳn, tôi thấy Bùi Hằng và Tiến Nam đang chen nhau phía sau chấn song cửa sổ nhìn ra, Minh Hằng giơ tay nói:
- Cứ bình tĩnh nhé, xem họ đưa đi đâu.
Tôi nhao người ra phía ngoài để nhìn họ cho rõ hơn, nhưng cô phạm nhân trẻ đẩy bật tôi lại, giọng rất dữ dằn:
- Ngồi yên không tôi đập chết bà bây giờ.
Biết là gặp phải đầu gấu, tôi ngồi xuống nhìn cô ta:
- Làm gì mà dữ thế?
Cô ta lườm tôi bằng con mắt hẹp như kẻ chỉ, tôi lại bảo:
- Khiếp, sao phải lườm ghê vậy?
- Lườm bà làm đ. gì cho đau mắt tôi.
Tôi không nói gì nữa. Khi ánh nắng xuyên qua nóc thùng xe rọi vào mặt cô gái, tôi ngồi dịch vào trong góc bảo:
- Ngồi lui vào đây cho đỡ nắng.
Cô ta không nói gì nhưng cũng dịch sát vào tôi. Trước khi xe chạy, tôi phát hiện ra họ cũng đã đưa Minh Hằng lên trên ca bin, cũng bị còng tay như chúng tôi. Vậy là một lần nữa chúng tôi lại được bên nhau, ít ra điều đó làm tôi yên tâm hơn.
Suốt dọc đường, tôi cố gắng yên lặng, chỉ thỉnh thoảng hỏi chuyện cô gái cho không khí đỡ căng thẳng. Cả Dũng cũng thế, cậu ấy cũng là người có cách nói rất nhẹ nhàng ôn tồn, dường như cậu ấy chẳng bao giờ biết cáu kỉnh như tôi. Sau này tôi mới biết là mình lầm, đằng sau cái thể chất có vẻ yếu ớt và sự nhẹ nhàng ôn tồn ấy là một chàng trai thực sự rất kiên cường, rất hiểu biết. Thế mà ban đầu tôi cứ ngỡ cậu ấy chết nhát, nên đã có lúc gay gắt với cậu ấy.
Thoạt đầu cô gái chỉ trả lời nhát gừng và trống không trước những câu hỏi của tôi, sau thấy tôi không có vẻ ác ý, lại tỏ ý tiếc khi biết cô ta từng trong đội tuyển bắn cung. Cứ mỗi lúc, đôi mắt của cô gái lại mở to hơn, bớt lỳ lợm hơn. Tôi hỏi cô ấy bao nhiêu tuổi, cô ta bảo: Hai bốn! Ôi chao, vậy thì còn chưa bằng nửa tuổi cô.
Tôi cảm thấy rõ sự thay đổi của cô gái, thậm chí phút cuối chặng đường, cô gái đã bắt đầu xưng cháu. Điều đó khiến tôi vui lên, ngẫm ra mỗi con người dẫu có hung tợn đến đâu – cô ấy kể đi tù từ khi mới 16 tuổi, chưa bao giờ biết sợ là gì - trước sự cảm thông và chia sẻ, người ta vẫn có thể trở nên hiền lành, nhân hậu. Lúc xuống xe, cô gái nắm lấy tay tôi đỡ tôi xuống, cái hành động ân cần của cô gái giang hồ ấy khiến tôi xúc động:
- Cảm ơn cháu.
Thế là tôi đã bước vào Hỏa Lò, cái địa danh tôi mới chỉ từng nghe thấy trong đời!
Ngay đến bố, đi hoạt động từ khi cách mạng còn chưa thành công, đối mặt với cái sống cái chết biết bao nhiêu lần, nhưng chưa khi nào bị bắt, chưa bao giờ nếm mùi tù tội. Bây giờ con gái bố - người đầu tiên trong gia đình, trong tất cả các anh chị em, cô, dì, chú, bác - đã thực sự bước chân vào Hỏa Lò!
Còn nữa...
Tem!
Trả lờiXóaCảm ơn chị Phương Bích đã cho thấy rõ hơn cuộc sống khắc nghiệt trong chốn lao tù, điều mà trước đó tôi chưa thể hình dung hết được, dù tôi có cơ hội một vài lần vào thăm cuộc sống của các phạm nhân trong một số trại giam. Tôi tự hỏi, cuộc sống và cách ứng xử trong trại giam như vậy liệu có thực sự cảm hóa được những người đang cải tạo?
Trả lờiXóaCâu cuối là câu hay nhất của bài này! Làm cách mạng ngày nay nguy hiểm hơn thời đại của bố Phương Bích nhiều lắm! Cái câu thơ "Dấn thân vô là phải chịu tù đầy" nó phản ánh sát thực cuộc sống của người cách mạng thời nay hơn là thời của bố Phương Bích! Tuy nhiên con hơn cha là nhà có phúc đó Phương Bích ạ. Hãy tự hào về bản thân mình và đừng buồn nhé!
Trả lờiXóaTôi nghĩ , lúc này cả gia đình chị Phượng Bích đang tự hào về chị .
Trả lờiXóaThương chị quá chị ơi,em chưa gặp,chị nhưng đọc những lời văn chị viết em đoán chị ngày thường rất nhân hậu,những gì chị vừa gặp chắc không bao giờ có trong tưởng tượng của chị từ trước tới giờ.Chốn lao tù,rồi những lời nhục mạ chửi bới bậy bạ,vậy mà một người đáng kính nể như chị phải chịu đựng.Buồn quá,vì làm người dân yêu nước phải chấp nhận như vậy sao?(dân Praha)
Trả lờiXóaRớt nước mắt!
Trả lờiXóaXin bác Diện cho đăng thư ngỏ của ông Lê Hiếu Đằng gởi 4 vị trong tứ trụ bên trang Ba Sàm để mọi người cùng biết.
Trả lờiXóaĐọc câu chuyện của Phương Bích mới thấm thía sao đâu câu nói của Franklin D. Roosevelt " The only thing we have to fear is fear itself" (Điều duy nhất mà ta phải sợ chính là sự sợ hãi"
Trả lờiXóaRồi lịch sử Vịet nam phải buộc ghi nhớ giai đọan này.Sẽ có người tốt kẻ xấu được nêu tên.Lịch sử rất công bằng.
Trả lờiXóaRất thực hơn bất cứ sự thưc nào trên đời...
Trả lờiXóaTrích "Trở về phòng giam, tôi linh cảm thấy việc có thể sẽ không được đoàn tụ với anh chị em trong một thời gian dài. Bởi vậy khi kể lại cho cô bạn tù nghe, tôi không thể nào cầm được nước mắt. Chưa bao giờ tôi khóc nhiều đến thế. Vừa nức nở, tôi vừa nghĩ đến ngày tự do, tôi sẽ viết những dòng đầu tiên: nước mắt Phương Bích đã rơi, nước mắt Minh Hằng đã rơi, nước mắt Tiến Nam và có thể của cả nhiều anh chị em khác đã rơi không phải vì cường quyền bạo lực, vì sự bất công mà vì tình thương yêu giữa chúng tôi càng lớn hơn trong chốn lao tù này."
Tôi cảm động hết sức cũng với tâm trạng của chị, lời văn tự thuật này hay và chân thật hơn bất cừ lời văn nào đã từng in sách giáo khoa về cảnh tù tội, càng đọc càng giận...
"Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại" ai đã từng trải qua mới thấy thấm thía...
Xin chia sẻ cùng chị Phương Bích
TB: Miền Nam đã lên tiếng rồi đó bác NXD ạ !
TH
Bác N.P Trọng ơi xin Bác bớt chút thời gian để đọc nhật ký của chị Phương Bích, cháu kêu bác là vì biết Bác là người nhân hậu hơn
Trả lờiXóaĐọc ghi chép của chị tôi tin đó là sự thật.Tôi muốn khóc vì chị và vì cho cả Dân Tộc này.
Trả lờiXóaChị đã được trải nghiệm. Đó là cái quí giá nhất mà chị có được từ lòng yêu nước.
Trả lờiXóaTên thật của chị Phương Bích là Phượng, Bích Phượng, (phượng biếc). Phượng, cái tên của một loài hoa đỏ rực, chói lọi trên những vòm lá mượt mà xanh thắm. Tên tiếng Anh của hoa phượng là "forest fire" (nghĩa tiếng Việt là: "lửa rừng").
Trả lờiXóaChị thật đúng như cái tên của mình, rực rỡ chói lọi nhưng cũng mượt mà xanh thắm. Cái đỏ của tình yêu đất nước nồng nàn, của lòng căm thù giặc, căm thù cái ác. Cái xanh của niềm tin, hi vọng, lòng nhân ái, tình yêu tha thiết với hòa bình và tự do...
Tôi kính phục và yêu quý chị!
Lạy Trời, lạy Phật, lạy Chúa, lạy Thánh, lạy tất cả....hãy tha cho người Việt chúng tôi, đừng bắt người Việt hành hạ người Việt nữa.
Trả lờiXóa... Khi tôi vui thì tôi hát, khi tôi đau thì tôi khóc....
Trả lờiXóaNước mắt đã chảy dài trên gò má, Xin cảm phục và kính trọng chị Phương Bích, Anh Hữu Long, Chị Minh Hằng và tất cả.
ngày xưa, có 1 vị vua, nhân tiết mùa Đông giá rét đã gọi quần thần lại mà nói rằng: "Trẫm ở trong cung, mùa Đông mặc thì có áo lông, nằm thì có chăn có nệm mà còn thấy rét buốt thế này huống chi những người vì giây khắc lỡ lầm mà chịu cảnh tù giam trong ngục, các khanh hãy cấp thêm áo, chăn và cho thêm thức ăn cho họ". Sách xưa còn nguyên màu mực, ấy vậy mà ở cái thời nay, khi mà người ta cứ ra rả cái giọng điệu rằng chẳng có nơi đâu nhân đạo bằng ta (trong mọi lĩnh vực)khiến bà con phải ngả mũ bái phục, ngẩng đầu ngưỡng mộ thì ...bữa cơm của 1 con người "chỉ vỏn vẹn 1 tô cơm và 1 tô rau muống lẫn nước...tôi hỏi canh hay luộc?người bạn tù bảo là luộc, cũng có khi họ cho vào được tí muối". Ô hô!
Trả lờiXóaCô Phương Bích quý mến,
Trả lờiXóaTôi đã đọc các bài viết của cô về ngục tù. Tôi cảm thấy quá đau đớn trong lòng, tê tái lắm cô ạ. Từ sâu thẳm trái tim mình, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn cô và các bác, các anh ,các chị, các em, đã bước ra, đã dũng cảm, lên đường đã dấn thân. Xin cô hãy bảo trọng.
Đả đảo bắt người yêu nước!
Trả lờiXóaĐả đảo bắt người yêu nước!
Đả đảo bắt người yêu nước!
Chúng ta lại có 1 Võ thị Thắng mới.
Trả lờiXóaTôi đã đọc hết từ phần 1 cho đến phần 4 những gì Phương Bích viết ra.
Trả lờiXóaTôi cứ ngẩn ngơ và tự hỏi,sao lại có chuyện như vậy với những người chỉ "phạm tội"cầm cờ Tổ quốc và hô khẩu hiệu đòi lại chủ quyền cho đất nước.
Không lẽ trong tất cả mọi việc,chính quyền cứ phải mang biện pháp bắt bớ,giam giữ ra để răn đe?
Sao không dùng một biện pháp ôn hoà khác,một biện pháp làm cho người dân không những sợ mà họ còn phải phục chính quyền,tôn trọng chính quyền,giữa người dân và chính quyền sẽ không có hố ngăn cách mà chỉ có sự đồng thuận.
Còn việc bắt bớ,giam giữ khi chưa có chứng cớ cụ thể,khi họ không phạm tội thì họ không những không phục,mà còn sinh ra căm ghét chính quyền,mất lòng tin hoàn toàn ở chính quyền.
Một tấm lòng cao đẹp
Trả lờiXóaNước trong leo lẻo cá nuốt cá, trời nắng chang chang người trói người !
Trả lờiXóaLớn tuổi hơn Phương Bích nhưng tôi kính trọng, ngượng mộ, cảm phục Phương Bích lắm lắm!!!
Trả lờiXóaCâu chuyện do chị ghi chép thật chân thực và xúc động,nó hay hơn "Sống như anh" của Trần Đình Vân tôi được đọc năm 1964. Bởi anh Vân ghi theo lời kể của Chị Quyên, nên không có được cảm giác chân thực của người trong cuộc như câu chuyện chị kể.Hồi đó, tôi cảm phục chi X và chị Y, sau này có chị TR Mỹ Hoa đã trở thành PCT nước.Hôm nay tôi cảm phục chị P Bích, chị Minh Hằng và các anh chị biểu tình bị CA băt.
Điều tôi bất bình, căm phẫn và đau xót là cái cách đối xử của CAND HN đối với người yêu nước, nó không khác gì cảnh sát Việt Nam cộng hoà ngày trước.
Câu chuyện chị kể phải xuất bản thành sách.Cuốn sách này sẽ đắt hơn tôm tươi, bởi tính chân thật về một xã hội, xưa nay được tuyên truyền là ưu việt, tốt đẹp mà bản thân ông cụ của chị, anh chị, bản thân chị và tôi đã hết lòng đấu tranh, xây dựng nên.
Chúc chị mạnh khoẻ, nhận được sự chia sẻ, đồng cảm của những người gần gũi, thương yêu nhất.
mot tinh yeu dat nuoc THANH THIEN bi cha dap!!!Toi hoan toan tin cau chuyen cua chi Bich Phuong la dung su that.
Trả lờiXóaCám ơn chị Phương Bích. Mong chị khỏe và hãy bảo trọng để vững bước trên con đường mà chị đã tình nguyện dấn thân. Không một ai và không một thế lực nào có thể khuất phục được lòng yêu nước của chị và của mọi người dân yêu nước. Chị là một tấm gương sáng cho tất cả chúng tôi noi theo.
Trả lờiXóaTôi là một giáo viên THPT, 52 tuổi, quê Quảng Nam có theo dõi 11 cuộc biểu tình của nhân sĩ, trí thức và những người yêu nước Hà Nội. Giờ đọc hồi ký: "Bước chân vào chốn ngục tù của chị Phương Bích tôi cảm thấổitân trọng những gì các anh chị trải qua. Thật hào khí, trí tuệ. Cho tôi xin được gởi lời biết ơn những viên đá lót đường.
Trả lờiXóaTôi đã phải khóc khi đọc những trang viết chân thật này của chị Bích Phượng. Chị đã nói hết, rất thật mọi suy nghĩ của chị - cả những ý nghĩ thoáng qua khiến chị hổ thẹn.
Trả lờiXóaTôi rất ngưỡng mộ chị. Chị không chỉ dũng cảm, chị còn rất nhân hậu, chung thuỷ với đồng đội, thương xót, cảm thông với cả những bạn tù...
Hành động của những người như chị, chị Bích Hằng, anh Dũng, binh nhì Tiến Nam, anh Chí Đức,... những con người bé nhỏ, mộc mạc, có tâm hồn yêu nước trong sáng, vô tư hệt như những nghĩa sĩ Cần Giuộc xưa - đã thức tỉnh những người đầu óc lười nghĩ, vô cảm, thờ ơ trước vận mệnh nước nhà.
Chúc chị và bố mẹ chị sức khoẻ và mọi điều tốt đẹp nhất.
Đã đọc hết 4 bài của Chị Phương Bích. Thật sự rất cảm phục Chị và các Anh Chị bị bắt vì tội yêu nước. Cầu mong mọi điều tốt đẹp dến với các Anh Chị. Rất mong được đọc tiếp những phần còn lại của những ngày trong tu của Chị.
Trả lờiXóaNgười Việt
nghe chị tả thế này mới thương những người phải ngồi tù
Trả lờiXóaTôi biết hồi ông Phạm Chuyên còn làm giám đốc công an Hà Nội, thỉnh thoảng ông lại xuống thăm Hỏa Lò và ông rất quan tâm đến chuyện ăn ở của những người bị giam giữ. Gìơ đọc bài này của Phương Bích thấy, công an Hà nội đã khác, ông Nhanh làm việc không giống ông Chuyên. Xã hội đang đi những bước lùi, buồn.
Trả lờiXóa