Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

CÙNG TRỞ LẠI HỒ GƯƠM ĐỌC CÂU ĐỐI XƯA

CÂU ĐỐI, HOÀNH PHI VÀ ĐỀ TỰ BẰNG CHỮ HÁN Ở ĐỀN NGỌC SƠN
Tuấn Nghi - Tảo Trang

Đền Ngọc Sơn, một di tích nổi tiếng ngay tại trung tâm thủ đô Hà Nội, có một giá trị đặc biệt do nằm trong Hồ Gươm, một danh thắng đồng thời là di tích lịch sử.

Hồ xưa rất rộng, là một khúc sông Nhị còn lưu lại trên đất liền, sau khi sông đổi dòng, và có những con đê đắp lên để ngăn chặn lụt lội, bảo vệ cuộc sống cùng tài sản con người ở ven sông.

Theo sách La Thành cổ tích vịnh của Trần Bá Lãm (1757 - 1815), hồ từng là nơi tập thủy quân dưới triều Trần, nên có tên là Đầm Thủy Quân. Lại theo sách Hoàng Việt địa dư chí của Phan Huy Chú (1782 - 1840), Lê Thái Tổ một hôm dạo chơi trên hồ, có con rùa lớn nổi lên, vua cầm gươm chỉ, rùa liền đớp lấy gươm lặn xuống nước, nên có tên là Hồ Hoàn Kiếm (Hồ trả lại thanh gươm vua được thần trao cho để đánh đuổi quân Minh xâm lược), gọi tắt là Kiếm Hồ (Hồ Gươm).

Sang thời Lê Trung Hưng, sau khi Chúa Trịnh lập phủ chúa ở phía Nam Tháp Báo Thiên (khu vực phố Nhà Chung hiện nay), một con đường đã được đắp từ Cửa Nam thành tới lầu Ngũ Long (khoảng Viện Bảo tàng lịch sử hiện nay), chia hồ thành 2 phần: nửa bên trái là Tả Vọng, nửa bên phải là Hữu Vọng (“Vọng” ở đây có nghĩa là nhìn về phủ chúa). Hồ Hữu Vọng về sau bị lấp dần, dấu vết còn lại là phố Vọng Đức (tên một thôn của thế kỷ XIX, do 2 thôn Hữu Vọng và Đức Bác hợp nhất mà thành). Còn Hồ Tả Vọng tức phần Hồ Gươm còn lại đến ngày nay.

Phía tây bắc Hồ Tả Vọng có một gò đất tên là Tượng Nhĩ Sơn (núi tai voi). Lý Thái Tổ sau khi định đô ở Thăng Long (1010) đổi tên gò là Ngọc Tượng Sơn (núi Voi Ngọc), và tới đời Trần, gọi tắt là Ngọc Sơn (núi Ngọc). Lúc này trên gò đảo đã có một ngôi chùa nhỏ, nhưng lâu ngày thành xiêu vẹo. Đến đời Lê Vĩnh Hựu (1735 - 1739), chúa Trịnh Giang dựng lên cung Khánh Thụy ở đây và đắp hai quả núi phía đông, đối diện với Ngọc Sơn, gọi là Ngọc Bội và Đào Tai để kỷ niệm chiến thắng năm 1751 của Trịnh Doanh bắt được Nguyễn Danh Phương, một lãnh tụ nông dân khởi nghĩa.

Cuối đời Lê, cung Khánh Thụy bị Lê Chiêu Thống đốt trụi. Một nhà từ thiện người làng Nhị Khê tên là Tín Trai nhân nền cung cũ, lập ra một ngôi chùa gọi là Ngọc Sơn tự (chùa Ngọc Sơn). Chùa lúc này có cả tam quan và gác chuông.

Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), con ông Tín Trai đem chùa nhường cho Hội Hướng Thiện để trùng tu, dỡ bỏ gác chuông, xây lại các gian đền chính và các dãy phòng hai bên, quy mô to lớn. Chùa đã thành đền, mới đầu thờ thần Văn Xương, sau thành đền “Tam thánh”, thờ 3 vị: Văn Xương, Quan Vũ và Lã Động Tân. Một thời gian sau thờ thêm Trần Hưng Đạo. Năm Tự Đức 18 (1865), Nguyễn Văn Siêu đứng ra tổ chức quyên góp để tu tạo di tích Ngọc Sơn, xây đình Trấn Ba, cầu Thê Húc, Tháp bút, Đài nghiên… Từ đó đến nay, đền cơ bản vẫn giữ bộ mặt tu tạo thời Nguyễn Văn Siêu, tất nhiên là có bị hư hỏng, mất mát đi một số chi tiết.

Dù sao đền Ngọc Sơn vẫn có một giá trị đặc biệt ở chỗ còn giữ lại rất nhiều câu đối, hoành phi và đề tự bằng chữ Hán được viết khá đẹp, thuộc đủ kiểu chân, thảo, triện, lệ - tuy phần nhiều là chân phương - làm tăng vẻ cổ kính của di tích. Không chỉ thế, chúng còn có ý nghĩa lớn, giúp cho khách tham quan có một tầm nhìn và cảm nghĩ thấu đáo hơn khi vãng cảnh. Có thể nói hầu hết những thắng tích quanh Hồ Gươm, những bộ phận kiến trúc và cả hệ thống thờ tự ở đền Ngọc Sơn đều được nhắc tới qua các tư liệu văn tự này.


Thật hiếm thấy một nơi nào ở giữa trung tâm đô thành phồn náo lại có một di tích danh thắng với bộ mặt khác lạ như ở đây: kết hợp được cảnh đẹp thiên nhiên với nghệ thuật kiến trúc tao nhã của con người, đồng thời thể hiện những truyền thống tốt đẹp nhất của dân tộc: tinh thần thượng võ chống ngoại xâm, tính hiếu học, lòng mến mộ văn chương và đạo lý. Thiên nhiên và con người, văn và võ đã được kết hợp hài hòa trong thắng tích đền Ngọc Sơn - Hồ Gươm… Và tất cả cái hay cái đẹp đó đã được thể hiện qua những tư liệu văn tự nằm trên tường, trên cột, trên gỗ, trên đá nơi đền “Núi Ngọc”, mà lần này chúng tôi cố gắng chuyển từ tiếng Hán sang tiếng Việt, có chú thích các điển khó, để bạn đọc tham khảo.

Để tiện theo dõi, các câu đối, hoành phi, đề tự đều được đánh số thứ tự theo vị trí của chúng trên thực địa (xem bản sơ đồ ở cuối bài viết), bắt đầu từ cổng đền đi dần vào trong.

Trong quá trình sưu tập tư liệu, chúng tôi được đồng chí Nguyễn Doãn Tuân, cán bộ nghiên cứu Viện Hán Nôm cho mượn bản chụp bài minh trên Đài nghiên để dịch. Nhân đây xin có lời cảm ơn.

1. Lâm thủy đăng sơn nhất lộ tiệm nhập giai cảnh;
2. Tầm nguyên phỏng cổ thử trung vô hạn phong quang.
 
Ngắm nước, trèo non, một lối lần vào cảnh đẹp;
Tìm nguồn, thăm cội, trong dây biết mấy phong quang.

3. Ngọc ư tư;
Sơn ngưỡng chỉ.
 
Ngọc ở đây (a);
Ngửa trông núi (b)

(a) Luận ngữ, Tử Hãn: “Hữu mỹ ngọc ư tư = Có ngọc đẹp ở đây”; “ngọc”, chỉ vật quí giá, đây muốn nói về tài đức con người.
(b) Kinh Thi, Tiểu nhã, Xa hạt: “Cao sơn ngưỡng chỉ = Ngửa trông núi cao”, tỏ ý mến mộ người có đạo đức.
Cả 2 vế ba chữ trên vừa nhắc tới di tích “Ngọc Sơn”, vừa gợi cho người vãng cảnh suy ngẫm về đạo trọng nhân tài, từ đó cố gắng trau dồi phẩm chất đạo đức.

5. Phúc (a);

6. Lộc (b).

(a) Phúc: hạnh phúc, niềm vui do âm đức tổ tiên để lại và do sự làm việc tốt của chính mình.
(b) Lộc: quyền lợi được hưởng thụ.

7. Lập nhân tiêu biểu khai nhân kính;
8. Độ thế tân lương giác thế quan.

Vì người dựng cột nêu, dẫn đường văn minh khai hóa;
Cứu đời có cầu bến, mở cửa giác ngộ từ bi.

9. Khánh Thụy nhất phong cao, Ngọc Bội trúc kình truyền thắng tích;
10. Điếu đài song miếu trĩ, linh kim diệu đẩu hộ thần quang.
Một cung Khánh Thụy (a) vươn cao, núi Ngọc Bội (b) ghi chiến công, dấu danh thắng truyền lại;
Hai miếu Điếu đài (c) đối lập, gươm vàng thiêng chiếu sao đẩu, ánh thần diệu chở che.
(a) Cung Khánh Thụy: cung do chúa Trịnh Giang dựng lên trên gò đất cao tức Ngọc Sơn ở phía Tây bắc hồ vào năm Lê Vĩnh Hựu (1735 - 1739).
(b) Ngọc Bội: tên một quả núi nhỏ, do Trịnh Giang cho đắp ở bờ hồ phía Đông để ghi chiến công đàn áp cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Danh Phương (Quận Hẻo). Chữ “trúc kình” trong nguyên văn câu 9 (vế đối thứ nhất) có thể hiểu là “dựng quán kình” cũng tức là “kình nghệ kinh quán = quán kình nghê”, chỉ những gò đống chốn xác giặc, ghi chiến công (xem câu thơ Ngô Ngọc Du được ghi trong Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội của Doãn Kế Thiện, Nxb. Văn hóa, H. 1959, tr.164).
(c) Điếu đài: từ thời Lý Trần, ở phía Tả vọng của hồ Hoàn Kiếm có một gò đảo, trên có ngôi chùa nhỏ, lâu ngày bị đổ nát. Đời Lê thường dùng nơi này (tức chỗ đền Ngọc Sơn hiện nay) làm nơi câu cá, gọi là Điếu đài. Ngoài ra, theo các cụ xưa kể lại, hai quả núi Đào Tai và Ngọc Bội đồng thời cũng là hai nơi có thể đứng để câu cá, dành cho vua chúa, cũng gọi là Điếu đài. “Hai miếu Điếu đài đối lập” rất có thể là chỉ hai nơi câu cá sau cùng này (theo Hà Nội sơn xuyên phong vực, Thăng Long cổ tích khảo và Văn Xương miếu bi của Nguyễn Văn Siêu).

11. Tả thanh thiên.
Viết lên nền trời xanh (a).
(a) Đây là những chữ đề ở Tháp bút. Trong bài Bút tháp chí, Nguyễn Văn Siêu viết: “Trên đỉnh núi Độc Tôn có Tháp bút năm tầng. Tháp nhờ núi mà cao thêm, núi nhờ tháp mà truyền mãi. Vào khoảng năm Vĩnh Hựu nhà Lê, tên nghịch Phương lén chiếm núi Độc Tôn ở huyện Phổ Yên xứ Thái Nguyên. Vương sư đi đánh dẹp, đóng quân ở núi Ngọc Bội, liên tiếp công phá giặc. Ngày thắng lợi trở về, nhân gò đất cao, đắp núi để ghi công, đặt tên là Độc Tôn. Sau cuộc chính biến, núi bị gai góc phủ đầy, không còn ai biết đến nữa. Trong Hồ Hoàn Kiếm có miếu Văn Xương. Vào dịp trùng tu chùa, ngó sang bờ Đông, thấy có núi, bèn phát dọn cây cỏ, xây đá dựng Tháp bút, bên trên đối diện với Đài nghiên. Bấy giờ có người tới hỏi thăm vì đâu lại đặt tên núi là Độc Tôn. ấy, núi là biểu tượng của chiến công, tháp là biểu tượng của văn hóa. Cả hai cái đó dựa vào nhau mà tồn tại, lưu truyền. Nhưng sở dĩ trở thành bất hủ, là bởi trong bản thân chúng sẵn chứa đựng cái bất hủ. (Xem Phương Đình văn loại A.190/1-2).

12. Thái Sơn thạch cảm đương.
Dám sánh ngang đá núi Thái (a)
(a) Núi Thái: núi ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, được coi là rất cao, rất tôn quí, bên trên có nhiều ngọc, và là nơi ở của thần tiên.

13. Sơn thần miếu.
Miếu thờ thần núi.

14. Cố điện hồ sơn lưu vượng khí;
15. Tân từ hương hỏa tiếp dư linh.
Hồ núi kinh thành xưa còn lưu khí thịnh;
Khói hương ngôi đền mới tiếp nối dấu thiêng.

16. Nhân gian văn tự vô quyền toàn bằng âm đức;
17. Thiên thượng Chủ tư hữu nhãn đơn khán tâm điền.
Cõi đời chữ nghĩa không quyền, toàn dựa vào âm đức (a);
Thượng giới Chủ tư (b) có mắt, chỉ nhìn xét cõi lòng.
(a) Âm đức: phúc đức từ cõi âm, do tổ tiên để lại.
(b) Chủ tư: Chánh giám khảo của kỳ thi, đây chỉ Văn Xương, vị thần chính được thờ ở di tích Ngọc Sơn. Theo Từ Hải, Văn Xương hay Văn Xương Đế Quân là vị thần trông coi công việc ở phủ Văn Xương, một nơi theo dõi danh sách bổng lộc ở thế gian.
Quan niệm xưa coi việc thi đỗ, ngoài tài học, còn phải dựa vào âm đức của tổ tiên và phẩm chất của chính mình. Thần Văn Xương, Chánh giám khảo trên trời và chủ bổng lộc cõi trần chỉ cho đỗ những người ngoài tài học, còn có đức độ. Nếu không có đức độ thì không đỗ, hoặc dù có đỗ, bổng lộc cũng không bền.

18. Long môn;
19. Hồ Bảng.

Cửa rồng (a);
Bảng Hổ (b).

(a). Cửa rồng: nguyên văn là “Long môn”, cũng gọi là “Vũ môn”, tên một trái núi ở giữa sông Hoàng Hà (chặng Sơn Tây, Trung Quốc), xưa vua Vũ đào kẽm khai sông ở nơi này, nước chảy xiết. Tương truyền con cá nào vượt qua được vũ môn sẽ hóa rồng.
(b). Bảng hổ: tức “Long hổ bảng = bảng rổng hổ”, nơi ghi tên những người thi đỗ.

20. Đậu quế Vương hòe quốc gia trinh cán;
21. Đường khoa Tống bảng sĩ tử thê giai.
Quế hòe họ Đậu, họ Vương (a), cột trụ của nhà nước;
Thi cử đời Đường, đời Tống, thang bậc của học trò.
(a) Quế hòe họ Đậu họ Vương: Đậu Vũ quân sinh năm người con đều đỗ đạt cao, nên có câu thơ: Linh xuân nhất chu lão; Đan quế ngũ chi phương = Linh xuân một gốc già; Đan quế năm cành thơm”. Vương Hựu đời Tống trồng ba cây hòe ở sân, nói con cháu sẽ có người làm Tam công, tức giữ những chức vụ cao nơi triều đình.

22. Hổ bảng Long môn thiện nhân duyên pháp;
23. Nghiễn đài Bút tháp đại khối văn chương.
Bảng hổ, cửa rồng, lối đi (a) người thiện;
Đài nghiên, Tháp bút, văn nghiệp (b) đất trời.
(a) Lối đi cũng có thể hiểu là “nhân duyên”, đỗ đạt là kết quả của cuộc sống lương thiện.
(b) Văn nghiệp cũng có thể hiểu là “vẻ sáng đẹp”.

24. Nghiễn đài.
Đài nghiên

25. Cổ hữu huyệt địa tiến nghiễn chú Đạo đức kinh, chước đại phương nghiễn trứ Hán xuân thu: thạch tư nghiễn giã, phỉ tượng hà tượng, bất phương bất viên, diệu tồn chư dụng, bất cao bất hạ, vị hồ quyết trung, phủ Hoàn Kiếm thủy, ngưỡng Thạch bút phong, ứng Thượng Thai nhi thổ vân vật, hàm nguyên khí nhi ma hư không (Đinh Sửu trùng tu. Phương Đình Tử minh).
Xưa có việc xoi đất làm cái nghiên chú thích sách Đạo đức kinh (a), đẽo nghiên đá viết sử nhà Hán (b): Cái nghiên đá này, nếu không là biểu tượng thì sao thành hình tượng, chẳng vuông chẳng tròn, diệu náu công dụng, chẳng cao chẳng thấp, vị trí trung bình, cúi xuống nước Hồ Gươm, ngẩng lên ngọn Tháp Bút, đáp Thượng Thai (c) mà nhả sắc mây lành, ngậm nguyên khí (d) mà mài vòm trời rộng (e) (Trùng tu năm 1877. Phương Đình làm bài minh).
(a) Đạo đức kinh: tác phẩm của Lão Tử.
(b) Sử nhà Hán: nguyên văn là “Hán xuân thu”, chữ “xuân thu” dùng ở đây như một danh từ chung, có nghĩa là “sử ký” (giống với các trường hợp Ngô Việt xuân thu, Thập lục quốc xuân thu… ), không còn nghĩa ban đầu của nó là tên cuốn sử nước Lỗ nữa.
(c) Thượng Thai: chỉ 2 ngôi sao ở phía Tây chòm sao Tam thai, gần chòm sao Văn Xương. Sao Văn Xương cai quản về văn minh và bổng lộc; sao Thượng Thai cai quản về tuổi thọ.
(d) Nguyên khí: khí tạo nên những biến đổi về mặt sinh lý trong một đời người từ khi sinh ra cho đến lúc chết (liên quan đến tuổi thọ).
(e) Bài minh này còn được chép trong Phương Đình văn loại (ở Tục tập, tờ 53) dưới tiêu đề “Nghiễn đài minh”, lời văn và trật tự câu có khác một số chỗ so với bài ghi ở Đài nghiên, chép luôn ra đây để bạn đọc cùng tham khảo: “Cổ hữu chước đại thạch nghiễn trứ Hán xuân thu, huyệt địa vi nghiễn chú Lão Tử kinh: Thạch tư nghiễn giả, phỉ tượng hà hình, bất phương bất viên, diệu tàng kỳ dụng, bất cao bất hạ, vị hồ quyết trung, phủ Hoàn Kiếm thủy, ngưỡng Thạch bút phong, ứng Thượng Thai nhi thổ vân vật, hàm nguyên khí nhi ma thương khung”. Chúng tôi có tham khảo bản chữ Hán này khi dịch bài minh trên, cốt sao cho dễ hiểu.

26. Bát đảo mặc ngân hồ thủy mãn;
27. Kình thiên bút thế thạch phong cao.
Dấu mực vẩy lên đảo, nước hồ đầy tràn;
Thế bút vươn lưng trời, núi đá cao ngất.

28. Thiện;
29. Ác.
 
30. Ngọc Sơn từ.
Đền Ngọc Sơn.

31. Ảnh động long xà.
Bóng lay động rồng rắn (a).
(a) Rồng rắn: 1. Như hình con rồng con rắn; 2. Người tài trí hơn đời.
32. Luận sự thường tồn trung hậu tâm, vật đại phân hắc bạch;
33. Vi văn bất tác khinh bạc ngữ , đồ tự sính thư hoàng.
Luận việc thường giữ lòng trung hậu, chớ rạch ròi đen trắng;
Làm văn không dùng lời khinh bạc, chỉ tự chuốc chê bai (a).
(a) Chê bai: dịch thoát chữ “thư hoàng”, còn gọi là “đá mào gà”, sắc đỏ nâu. Thời cổ viết chữ lên giấy vàng, nên thường dùng thư hoàng bôi lên các chữ viết sai để viết lại cho đúng. Nghĩa rộng: sửa chữa, chê bai.

34. Sơn cao;
35. Thủy thanh.
Núi cao;
Nước trong.

36. Tử khí quang hồi thiên chỉ xích;
37. Hồng trần vọng cách thủy đông nam.
Khí tốt rọi về, trời gang tấc; (a)
Bụi hồng cách nẻo, nước đông nam (b).

(a) Trời gang tấc: ý nói Hồ Gươm ở gần phủ chúa Trịnh. Nước đông nam: nước ở phía đông, phía nam, chỉ vị trí Hồ Gươm: phía đông có sông Hồng, phía nam có hồ Hữu Vọng (hồ này nay đã bị lấp, chỉ còn lại dất vết ở cái tên phố Vọng Đức).

38. Dạ nguyệt hoặc qua tiên thị hạc;
39. Hào lương tín lạc tử phi ngư.
Đêm trăng, hoặc bay qua, hạc ấy là tiên (a);
Cầu hào, bao thỏa thích, anh không phải cá (b).
(a) Sách Liệt tiên truyện chép: con của Chu Linh Vương học đạo ở Tung Sơn, sau hơn 30 năm, cưỡi hạc trắng bay lên ngọn núi Hầu Thị Sơn, được vài ngày, không biết đi đâu. Bài phú Hậu Xích Bích của Tô Đông Pha kể lại: đêm trăng rằm cùng bạn chơi sông Xích Bích lần thứ hai. Đang ở thuyền, có một con chim hạc lớn bay qua. Lát sau ngủ, mơ thấy một Đạo sĩ “áo lông phấp phới” (y phục các vị tiên) tới chào. Tô Đông Pha hỏi: “Lúc nãy hạc bay qua thuyền, có phải ông không?” Đạo sĩ ngoảnh mặt cười. Nhà thơ bừng tỉnh giấc.
(b) Sách Trang Tử, thiên Thu thủy chép: Trang Tử cùng Huệ Tử đang chơi trên cầu hào. Trang Tử nói: “Con cá kia lội tung tăng, ý chừng thỏa thích lắm!”. Huệ Tử nói: “Anh không phải cá, làm sao anh biết được cái vui của cá?”. Trang Tử đáp: “Thế anh không phải tôi, làm sao anh biết tôi không biết được cái vui của cá?”.

40. Thê húc kiều.
Cầu đậu ánh ban mai.

41. Đắc nguyệt lâu.
Lầu được ánh trăng (a).
(a) Thơ Lý Bạch: “Khuy nhật úy hàm sơn, thúc tửu hỉ đắc nguyệt = Ngó mặt trời e ngậm núi, giục rượu uống mừng được trăng”.

42. Bất yếm hồ thượng nguyệt;
43. Uyển tại thủy trung ương.
Không chán ngắm trăng trên hồ;
Cứ như ở giữa làn nước (a).
(a) Kinh thi, Tần phong, Khiểm hà: “Tố du tòng chi, uyển tại thủy trung ương = Đi xuôi theo dòng, cứ như ở giữa làn nước”. Vế đối thứ nhất không rõ xuất từ điển nào.

44. Linh Hồ Nhược Thủy tùy duyên độ;
45. Trần cảnh Tiên châu hữu lộ thông.
Linh Hồ, Nhược Thủy (a) tùy duyên tới;
Tiên cảnh, trần gian có lối thông.
(a) Linh Hồ, Nhược Thủy: những nơi tiên ở, theo truyền thuyết.

46. Kiều dẫn trường hồng thê đảo ngạn;
47. Lâu đương minh nguyệt tọa hồ tâm.
Cầu dẫn dải cầu vồng đậu vào bờ đảo;
Gác in vầng trăng sáng nằm dưới lòng hồ.

48. Long mã Hà đồ;
49. Thần quy Lạc thư.
Long mã mang bức vẽ ở sông Hoàng Hà (a);
Rùa thần cõng bản viết ở sông Lạc Thủy (b).
(a) Theo lời giảng giải ở thiên Cố mệnh sách Thượng thư thì khi Phục Hy làm vua thiên hạ, có con vật đầu rồng mình ngựa (long mã) từ sông Hoàng Hà đi lên, trên lưng có một bức vẽ, Phục Hy đã dựa vào đây mà vạch thành tám quẻ (bát quái). Bức vẽ được gọi là “Hà đồ = bức vẽ ở sông Hoàng Hà”.
(b) Tương truyền sau khi vua Vũ trị thủy thành công, ở sông Lạc Thủy có con rùa thần nổi lên, trên lưng có hoa văn, vua Vũ đã theo đó sắp xếp thành chín khoảnh (cửu trù) vẽ chữ số từ 1 đến 9 gọi là “Lạc thư = bản viết ở sông Lạc Thủy”.
Hà đồ và Lạc thư là những phát minh quan trọng về dãy số tự nhiên (1, 2, 3…), đồng thời áp dụng nó vào việc tính toán (8 vạch, 64 quẻ…), mở rộng ra, có thể giải thích nhiều hiện tượng trước mắt và suy đoán những việc sẽ xảy tới trong cõi vũ trụ, nhân gian (tự nhiên, xã hội, con người). Kinh Dịch, Hệ từ hạ có câu: “Hà xuất đồ, Lạc xuất thư, thánh nhân tắc chi = sông Hoàng Hà xuất hiện bức vẽ, sông Lạc Thủy xuất hiện bản viết, thánh nhân lấy đó làm phép tắc (để cai trị nước, đem lại hạnh phúc cho con người).

50. Thố ô tùy quá vãng;
51. Sơn thủy tự cao thanh.
Nhật (a) nguyệt (b) theo nhau qua lại;
Nước non vốn sẵn thanh cao.
(a) Nhật: nguyên văn là “ô = con quạ = mặt trời”. Theo truyền thuyết, trên mặt trời có con quạ vàng (kim ô) ba chân.
(b) Nguyệt: nguyên văn là “thố = con thỏ = mặt trăng”. Theo truyền thuyết, trên mặt trăng có con thỏ ngọc (ngọc thố).

52. Thiên căn nguyệt quật nhân lai vãng;
53. Thủy sắc sơn quang tương tống nghênh.
Chòm sao (a), vầng nguyệt (b) thường qua lại;
ánh nước, màu non rộn đón đưa.
(a) Nguyên văn là “thiên căn”, tên một chòm sao, một trong “nhị thập bát tú = 28 vì sao”. Từ hải Trung văn đại từ điển đều gọi “Thiên căn” là chòm sao “Đê”.
(b) Nguyên văn là “Nguyệt quật = hang trong trăng”, chỉ mặt trăng nói chung.

54. Lục thanh y cựu sắc;
55. Hoàng bạch bái tân niên.
Nước non (a) vẫn sắc xưa;
Già trẻ (b) mừng năm mới.
(a) Nguyên văn là “lục thanh = lục thủy thanh sơn = nước biếc non xanh”.
(b) Nguyên văn là “hoàng bạch = hoàng đồng bạch tẩu = trẻ thơ như chim non miệng vàng và cụ già tóc bạc”.

56. Nhất trần vô nhiễm sắc;
57. Tứ tự giai thường xuân.
Mảy bụi không chút bợn;
Bốn mùa thảy đều xuân.

58. Bình hồ trương nhật nguyệt;
59. Cố điện tiểu càn khôn.
Hồ phẳng ngày tháng dài;
Cõi xưa trời đất nhỏ.

60. Kính tự đình.
Đình kính trọng chữ viết (a).
(a) Nơi đốt những mẩu giấy có chữ Hán mà ngày trước được xem là chữ của thánh hiền, không thể đối xử như vật rác rưởi.

61. Văn quang xung Đẩu bắc;
62. Đình ảnh lạc hồ trung.
Ánh chữ xông Bắc đẩu;
Bóng đình ngả mặt hồ.

63. Hỏa trạch liên khai kim cổ mộng;
64. Kim môn chung hưởng thảo hoa hàn.
Nơi nhà lửa (a) hoa sen nở, xua tan cơn mê muội từ xưa tới nay;
Chốn nhà vàng (b) tiếng chuông vang, làm giá lạnh cả hoa lẫn cỏ.
(a) Phẩm Thí dụ ở Kinh Pháp hoa chép: “Tam giới không yên ổn, giống như ngôi nhà lửa (hỏa trạch), khổ ải chất đầy, thật đáng lo sợ, trong đó thường xuyên có sinh, lão, bệnh, tử, ưu hoạn, các loại lửa đó cứ thiêu đốt mãi không lúc nào thôi”.
(b) Kim môn: tên một cung điện nhà Hán, tên là “Kim mã môn”, cũng gọi là “Kim môn”.

65. Cô sơn mộc ấm tam thiên giới;
66. Chước thủy ba trừng cửu thập xuân.
Non côi cây rợp ba nghìn cõi (a);
Vốc nước sóng yên chín chục xuân (b).
(a) Ba nghìn cõi: tức “tam thiên giới” hay “tam thiên thế giới”, chữ nhà Phật, chỉ vũ trụ vô cùng rộng lớn.
(b) Chín chục xuân: chín chục ngày của mùa xuân.

67. Cao đê vận tống hoành giang điểu;
68. Hồng tử tần khai cách ngạn hoa.
Ngang nước thấp cao chim bay lượn;
Cách bờ hồng tía hoa nở đầy.

69. Miếu mạo sơn dung tương ẩn ước;
70. Thiên quang vân ảnh cộng bồi hồi.
Dáng miếu, hình non cùng thấp thoáng;
Bóng mây, ánh nắng quyện bồi hồi.

71. Kiếm hữu dư linh quang nhược thủy;
72. Văn tòng đại khối thọ như sơn.
Gươm rớt khí thiêng (a) ngời tựa nước;
Văn hòa trời đất thọ tày non.
(a) Nhắc tích gươm thiêng của Lê Lợi trả lại cho rùa thần ở dưới hồ.

73. Cảm huệ linh phương.
ứng cảm, ban cho cách chữa linh nghiệm (a).
(a) Có ý ca ngợi Lã Tổ (Lã Động Tân), một vị thần cũng được thờ ở đền Ngọc Sơn, được coi như có tài chữa bệnh.

74. Đạo hữu chủ trương Đẩu bắc văn minh chi tượng;
75. Nhân đồng chiêm ngưỡng Giao nam lễ nhạc chi đô.
Đạo có chủ trương, hình tượng sáng đẹp sao Bắc đẩu;
Người cùng chiêm ngưỡng, kinh đô lễ nhạc cõi Nam bang.

76. Khuê quang xạ Đẩu;
77. Văn đức tham thiên.
Ảnh sao Khuê (a) rọi chiếu sao Bắc đẩu (b);
Văn hóa đức giáo ngang với Trời.
(a) Sao Khuê: chủ về văn học
(b) Bắc đẩu: tượng trưng cho quyền lực tối cao, vì mọi sao khác đều chầu về Bắc đẩu.

78. Hồi thiên độ thế.
Xoay chuyển tình thế (a), cứu vớt đời (b).
(a) Nguyên văn là “Hồi thiên = xoay chuyển Trời”, ý nói xoay chuyển một tình thế cực kỳ khó khăn. Đường thư, Trương Huyền Tố truyện chép: “Huyền Tố giữ chức Cấp sự trung, Đường Thái Tông muốn khởi công xây dựng cung Lạc Dương, Huyền Tố lấy lý do tiết kiệm tiền của nới sức cho dân, làm tờ sớ dâng lên can ngăn vua, rốt cục Đường Thái Tông đã đình chỉ việc xây cất. Ngụy Trưng thấy thế tấm tắc khen rằng: “Trương Công luận sự, hữu hồi thiên chi lực = ông Trương bàn luận công việc, có sức mạnh chuyển xoay tình thế cực kỳ khó khăn”. Chữ “hồi thiên” ở đây không hề có nghĩa là “về trời”.
(b) Nguyên văn là “Độ thế = 1. Thoát khỏi cõi trần, thành tiên. 2. Cứu vớt đời (tiếng nhà Phật), đưa người đời qua bể khổ để sang cõi Niết Bàn Cực Lạc. Đây theo nghĩa thứ 2, đi liền với chữ “Hồi thiên”.

79. Sơn danh bất tại cao thủy linh bất tại thâm tự hữu chủ giả;
80. Thiên trụ lại dĩ tôn địa duy lại dĩ lập duy thử hạo nhiên.
Núi nổi tiếng không vì cao, nước linh thiêng không vì sâu (a), chính vì vốn có chủ;
Cột trời (b) nhờ đó mà cao vững, dải đất (c) nhờ đó mà bền chắc, toàn nhờ khí hạo nhiên (d).
(a) Cổ văn có câu: “Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh; thủy bất tại thâm, hữu long tắc linh = núi không cần cao, có tiên ắt nổi tiếng; nước không cần sâu, có rồng ắt linh thiêng”.
(b) Theo sách Thần dị kinh, núi Côn Luân có cột cao chọc trời, gọi là cột trời (cột chống trời).
(c) Nguyên văn là “địa duy”. “Duy” là 4 giềng lớn, 4 dây chính ở 4 mép lưới. Người xưa quan niệm trời hình tròn, đất hình vuông, nên gọi là “địa duy” (đất hình lưới vuông). Dịch là “dải đất” cho dễ hiểu.
(d) Khí hạo nhiên: chữ trong sách Mạnh tử. “Hạo nhiên” là rất rộng lớn. Khí hạo nhiên là khí tốt lành rộng lớn, bao trùm cả vũ trụ và con người. Đó là sức sống của muôn vật. Riêng ở con người, đó là ý chí hướng về điều thiện.

81. Mặc tướng quần sinh;
82. Phồn hi vĩnh tích.
Ngầm giúp chúng sinh;
Mãi ban nhiều phúc.

83. Vị bỉnh đồ thư khai thái vận;
84. Đức lưu hãn mặc xán thiên chương.
Ngôi nắm giữ sách vở bản đồ, mở ra vận đẹp;
Đức thấm nhuần văn thơ từ phú, rạng rỡ nền trời (a).
(a) Nguyên văn là “thiên chương = thiên văn = vẻ sáng đẹp của nền trời”, chỉ những vật thể sáng đẹp trên trời như mặt trời, mặt trăng, sao.
Câu đối này ca ngợi thần Văn Xương thờ ở đền Ngọc Sơn. Văn Xương còn gọi là Tử Đồng Đế Quân.

85. Nhất tâm bạch quán vạn quang đán;
86. Tứ hải lương hồi cửu mộng thiên.
Một lòng trong trắng, xuyên suốt muôn buổi sớm sáng ngời;
Bốn biển yên lành, bừng tỉnh chín khoảng trời mộng mị (a).
(a) Vế trên khích lệ mỗi người giữ tấm lòng trong sạch, vế dưới cầu người trong bốn bể được yên lành, loại trừ mọi thứ mê muội. “Chín khoảng trời” (cửu thiên) gồm: trời ở giữa, 4 phương và 4 góc, tức toàn bộ thế giới.

87. Cửu thiên khai hóa.
Khai hóa khắp nơi (a)
(a) Khắp nơi: dịch thoát chữ “cửu thiên”.

88. Nhật lãng tinh huy bút nghiễn văn quang lưu thắng tích;
89. Loan phi hạc giáng hồ sơn địa tú uất linh thanh.
Sao tổ, trời quang, nghiên bút văn hay lưu thắng tích;
Loan bay, hạc giáng, núi hồ cảnh đẹp đượm linh thiêng.

90. Vạn cổ cương thường.
Phép tắc muôn đời.
91. Duy thánh bất tri duy thần bất trắc;
92. Tại thiên thành tượng tại địa thành hình.
Khó đoán được thần (a), khó hay được thánh;
Ở trời nên tượng (b), ở đất nên hình.
(a) Kinh dịch, Hệ từ thượng 1: “Âm dương bất trắc chi vị thần = điều không đoán được ở âm dương gọi là thần”.
(b) Tượng: vật không có hình dáng nhất định, như gió, nắng, không khí…

93. Trung,
 
94. Nghĩa.
 
95. Tiên tắc danh long tắc linh tự hữu chủ giả;
96. Trụ dĩ tôn duy dĩ lập duy thử hạo nhiên.
Tiên thì lừng, rồng thì thiêng, đều do tự có chủ;
Cột được trọng, giềng được lập, toàn nhờ khí hạo nhiên (a).
(a) Câu đối này lặp ý câu đối số 79 - 80.

97. Vạn kim bảo kiếm tàng thu thủy;
98. Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ.
Nghìn vàng gươm báu náu dưới nước thu (a);
Một tấm lòng thanh giữ trong bình ngọc (b).
(a) Ý nhắc tới truyền thuyết gươm báu của Lê Lợi trả lại cho rùa thần hẳn còn ẩn náu dưới hồ.
(b) Một tấm lòng thanh: nguyên văn là “băng tâm = bất nhiệt trung = không háo hức làm quan, không mơ màng danh lợi”. Bình ngọc: nguyên văn là “ngọc hồ = cao khiết = thanh cao”. Thơ Vương Xương Linh có câu: “Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ”; thơ Bào Chiếu có câu: “Thanh như ngọc hồ băng”, đều nói về tấm lòng thanh cao không màng danh lợi (theo Từ nguyên).
 
99. Đại trung dĩ hành hồ đại dũng;
100. Chí nghĩa nãi bản ư chí nhân.
Đại trung để làm việc đại dũng;
Chí nghĩa là gốc ở chí nhân (a).
(a) Trung và dũng, nghĩa và nhân là bốn đức lớn đi liền với nhau để tạo thành nền đạo đức hoàn chỉnh.

101. Hạo khí lăng tiêu.
Hạo khí ngất trời.

102. Xuân thu đại nghĩa;
103. Nhật nguyệt tinh trung.
Nghĩa lớn sách Xuân thu (a);
Lòng trung thuần nhất sáng như mặt trời mặt trăng (b).
(a) Sách Xuân thu: còn gọi là Kinh Xuân thu, tên cuốn sử nước Lỗ do Khổng Tử biên tập, trong đó đánh giá các sự kiện và hành vi lịch sử một cách đúng mực gọi là “bao” (khen) và “biếm” (chê), phân biệt rõ “chính” và “tà”. Đấy là ý nghĩa lớn của sách Xuân thu mà Quan Vũ rất tâm đắc.
(b) Câu này và câu trên đều có ý ca ngợi Quan Vũ, tướng giỏi thời Tam quốc, được gọi là Quan Đế, Võ Đế, thờ ở đền Ngọc Sơn.

104. Vũ lược luyện hùng binh Lục Thủy (a) nghìn thu ghi sử Việt;
105. Văn tài mưu thượng tướng Bạch Đằng một trận thắng quân Nguyên (b)
(a) Lục Thủy: tên Hồ Hoàn Kiếm thời cổ, nơi sắc nước bốn mùa đều xanh (xem Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội, sđd. tr.74). Tương truyền đây cũng là chỗ Trần Hưng Đạo dùng để luyện tập thủy quân.
(b) Câu đối này nhắc đến sự nghiệp chống quân Nguyên bảo vệ đất nước của Trần Hưng Đạo, cũng được thờ ở đền Ngọc Sơn.

106. Vị quốc vị nhân dân văn vũ thánh thần lưu hiển hiệu;
107. Tại thượng tại tả hữu thông minh chính trực tán huyền cơ.
Vì đất nước, vì nhân dân, văn võ thánh thần lưu truyền tên hiển hách.
Ở bên trên, ở tả hữu, thẳng ngay sáng suốt giúp đỡ máy huyền vi (a).
(a) Máy huyền vi: qui luật huyền diệu của vũ trụ.

108. Ngọc truyền thố hiện vân vô tụ;
109. Kiếm thủy giao đằng bút hữu ba.
Ngự Xích thố (a) xuất hiện am Ngọc Tuyền (b), mây không hốc núi (c).
Đàn giao long nhảy rỡn hồ Hoàn Kiếm, bút nổi sóng cồn (d).
(a) Xích thố: tên con ngựa của Quan Vũ thời Tam quốc.
(b) Am Ngọc Tuyền: nơi Quan Vũ hiển thánh sau khi thất trận và bị Ngô Tôn Quyền giết.
(c) Bài phú Bạch vân chiếu xuân hải của Khương Công Phụ có câu: “Vân vô tâm dĩ xuất tụ = mây thanh thản bay ra khỏi hốc núi”.
(d) Bút nổi sóng cồn: phải chăng chỉ việc Quan Vũ giáng bút trong các buổi “phụ thơ tiên” ở đền Ngọc Sơn dưới thời phong kiến?

110. Thiên thượng nhân gian đồng trắc giáng;
111. Thánh văn thần vũ hợp thanh linh.
Thiên đình, cõi thế cùng lên xuống (a);
Văn thánh võ thần gộp tiếng thiêng.
(a) Lên xuống: nguyên văn là “trắc giáng”. Đây là chữ ở Kinh thi, Đại nhã: “Văn Vương trắc giáng, tại Đế tả hữu = Văn Vương lên xuống, ở bên phải bên trái Thượng Đế”. Trong câu đối, ý nói các vị thần khi lên trời, khi xuống trần cứu giúp người đời.

112. Thiên cổ vĩ nhân.
Vĩ nhân của muôn đời.

113. Ngọc quang chiếu dạ sơn tâm cổ;
114. Kiếm khí hoành thu thủy sắc thương.
Ánh ngọc đêm soi lòng núi cổ (a)
Hơi gươm thu tỏa sắc hồ xanh (b).
(a) Nhắc tới tên đền “Ngọc Sơn = núi ngọc”.
(b) Nhắc tới tên “Kiếm Thủy = Hồ Gươm”.

115. Nguyệt nhuận;
116. Nhật hoa.
Mặt trăng đằm thắm;
Mặt trời chói chang.

117. Thiên hà ngôn tai hiển đạo phi quan ngã bốc;
118. Thần nhất giả giã âm chất chỉ tại Trung kinh.
Trời có nói chi đâu (a), hiển đạo (b) nào do ta bói;
Thần trước sau nhất quán (c), âm chất (d) chỉ ở Trung kinh (e).
(a) Luận ngữ: “Thiên hà ngôn tai = Trời có nói chi đâu”, nói về quy luật tự nhiên, tự nó vận hành mà không cần ai điều khiển cả, ví như trời có tuyên bố gì đâu mà bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông cứ tuần tự đi rồi lại đến, không sai lẫn chút nào. ở câu đối này, muốn nhấn mạnh cái ý là Trời và Thần (ngày nay ta hiểu như quy luật khách quan) tuy không nói năng, tuyên bố gì cả, nhưng vẫn luôn luôn theo dõi từng hành vi thiện hoặc ác của con người để ban thưởng hoặc trừng phạt một cách thích đáng.
(b) Hiển đạo: chữ ở Kinh thư, Thái thệ hạ, có nghĩa là con đường hiển nhiên.
(c) Tả truyện, Trang Công năm thứ 32: “Thần thông minh chính trực nhi nhất giả giã = Thần sáng suốt ngay thẳng mà chuyên nhất không thiên vị”.
(d) Âm chất: công đức chỉ mình mình biết, nhưng vẫn tác động đến cuộc sống của chính mình, kể cả con cháu mình.
(e) Trung kinh: tên sách, được viết sau Hiếu kinh và nói về lòng trung chính, thành thực, vì người, vì nước./.

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm số 1 năm 1991.



4 nhận xét :

  1. Người Đà Lạtlúc 11:12 16 tháng 9, 2011

    Một tài liệu quý cần lưu lại cho con cháu.Xin cảm ơn TS

    Trả lờiXóa
  2. Bạn Cẩm Tú trước có sưu tầm được câu đối khá hay:

    Đối thử thanh thiên, Ngọc Sơn giai xuất bút
    Tiêu dao mặc khách, Hoàn Kiếm điểm quỳnh tương.

    Nghĩa:
    Đối diện trời xanh, nơi Ngọc Sơn (sĩ tử ) cùng vung bút
    Tiêu dao khách nhàn, hồ Hoàn Kiếm rót từng giọt rượu mời.

    Độc đáo ở đây là nói đủ các mặt danh sĩ Hà Thành - Bắc Hà: Ba Giai, Tú Xuất, Đoàn Thị Điểm, Trạng Quỳnh.

    Gần đây, nhân Hồ Gươm chứng kiến 11 cuộc biểu tình liên tiếp của nhân sỹ và SV, dân gian tương truyền câu đối sau:

    Kim Quy hàn nhiệt khả kiếm khí
    Bách tính thị uy trừu căn nguyên

    Nghĩa:
    Rùa Vàng có đau ốm nhiều khi do bệnh của Thanh Kiếm !
    Bạch đinh (dân chúng)biểu tình chắc phải có nguyên nhân nảy sinh ?
    .......
    Đồ Nghệ

    Trả lờiXóa
  3. Do TS So xuat nen cuoi bai khong thay co so do chang ?

    Trả lờiXóa
  4. Qua Ho HOAN KIEM nho BAI PHU HO GUOM cua TU MO co cau ;
    HO GUOM con do '
    Than Kiem chim dau !...

    Trả lờiXóa