Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2011

THƯ NGỎ GỬI TÂN CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN SINH HÙNG


THƯ NGỎ
Kính gửi: Ông Nguyễn Sinh Hùng, Tân Chủ tịch Quốc hội 
nước CHXHCN Việt Nam
Thưa ông,

Là một công dân luôn theo dõi tình hình tranh chấp trên biển Đông, tôi đã nức lòng khi nghe Tân Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang trả lời báo chí vào chiều ngày 25/7/2011: “Vấn đề chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Bất cứ nước nào dù to hay bé cũng đều có nhận thức như vậy. Giữ vững độc lập chủ quyền, trong đó có chủ quyền biển đảo, trước hết phải dựa vào cơ sở quan trọng là luật pháp (luật quốc nội và luật quốc tế)…

Nước lớn có vị thế khác. Nước nhỏ như chúng ta có vị thế khác, phải dựa vào sức mạnh tập thể, cộng đồng, dựa vào luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền của mình. Điều đó là dứt khoát, đương nhiên. Từ đó chúng ta luật hóa bằng luật quốc nội để xác lập, thực hiện việc chiếm hữu về ba mặt: pháp lý, lịch sử và về thực tế (khai thác và sử dụng vùng thuộc chủ quyền của mình)”.

Tôi càng vững tâm hơn khi nghe Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu nhậm chức trước Quốc hội vào ngày 3/8/2011: “Triển khai thực hiện kiên định và đồng bộ các giải pháp để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch”.

Nhưng niềm vui đó bị vụt tắt khi được biết rằng trong báo cáo trong báo cáo của Chính phủ về vấn đề biển Đông tại Quốc hội vào chiều 4/8/2011 là một phiên họp kín và nội dung của nó như thế nào người dân không hề biết vì không có một thông tin nào liên quan đến cuộc họp này được các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước đăng tải.

Kính thưa ông Chủ tịch Quốc hội,

Xin phép được nêu lên một thắc mắc rất bình thường là có gì bí mật trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông mà nhà nước và quốc hội không thể thông báo cho nhân dân. Phải chăng đã “có Đảng và nhà nước lo” nên người dân như chúng tôi không cần phải bận tâm?

Là người quan tâm nghiên cứu đến chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa, tôi biết rằng về pháp lý việc phát hiện, chiếm hữu, quản lý liên tục và khai thác có hiệu quả các vùng đất mới phải thuộc về nhà nước, và uyền đàm phán, ký kết các hiệp ước với nước ngoài là trách nhiệm của chính phủ và chỉ có hiệu lực khi đã được quốc hội – là cơ quan quyền lực cao nhất – phê chuẩn. Chẳng lẽ, nếu một mai ngoại bang đe dọa chủ quyền của Việt Nam và tình thế bắt buộc chúng ta phải chiến đấu bảo vệ tổ quốc thì chỉ có 200 ủy viên Trung ương Đảng và 500 đại biểu Quốc hội cầm súng ra trận thôi sao?

Thưa ông, bốn chữ “bí mật quốc gia” ở Việt Nam chúng ta đã có bài học kinh nghiệm xương máu.

Cho đến nay, phía Trung Quốc thường rêu rao, rằng “Thứ trưởng ngoại giao Ung Văn Khiêm của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa khi tiếp ông Li Zhimin, Tham tán đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đã nói rằng “theo những dữ kiện của Việt Nam, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là môt bộ phận lịch sử của lãnh thổ Trung Quốc”. Ông Lê Lộc, quyền Vụ trưởng Á châu Sự vụ thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, cũng có mặt lúc đó, đã nói thêm rằng “xét về mặt lịch sử thì các quần đảo này đã hoàn toàn thuộc về Trung Quốc từ thời nhà Ðường”(1) , và quan trong hơn hết là bức công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào tháng 9/1958 gửi Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã luôn bị phía nhà nước Trung Quốc trựng dụng như một chứng cứ trong việc xác nhận chủ quyền của họ trên biển Đông(2).

Hơn nữa, mới đây, khi được hỏi “Được báo cáo rằng có cái gọi là “biểu tình chống Trung Quốc” ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam vào ngày 9 tháng 12 năm 2007. Ông có ý kiến gì?”,Tần Cương, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cũng đã nhắc lại hai sự kiện nầy, tuyên bố như sau:

“Các đảo ở biển Nam Trung Hoa và lĩnh vực phụ cận là thuộc chủ quyền của Trung Quốc không thể tranh cãi, đó là lập trường nhất quán của chính phủ Trung Quốc.Chúng tôi thừa biết rằng chính quyền Việt Nam có những khẳng định [chủ quyền] khác nhau vào những thời kỳ lịch sử khác nhau của nó”(3)

Điều cần đáng quan tâm hơn là kể từ sau sự kiện ngày 2/3/2011, khi tàu tuần tra Trung Quốc hoạt động trong khu vực Bãi Cỏ Rong (mà Philippines đang chiếm đóng trái phép của Việt Nam), tiếp cận một tàu khảo sát địa chấn của Philippines và ra lệnh cho con tàu này rời khỏi khu vực đã dẫn đến nguy cơ xung đột bằng vũ lực Trung-Phi cho đến ngày hôm nay và nhiều lần Philippines tuyên bố chủ quyền của họ tại khu vực này kể cả việc các quan chức cao cấp của Philippines tổ chức đi thị sát nơi đây thì tôi cũng chưa nghe một lời phản đối  sự xâm phạm chủ quyền hay kháng nghị  nào từ Bộ Ngoại giao nước ta. Tôi nghĩ rằng, sự im lặng của Việt Nam trong thời gian qua trước việc Philippines lên tiếng và có hành động thực thi chủ quyền của họ ở khu vực bãi Cỏ Rong là một sai lầm nghiệm trọng, vô tình hay chủ ý thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc lẫn Philippines đối với Bãi Cỏ Rong.

Thưa ông Chủ tịch Quốc hội,

Tôi xin nhắc lại rằng, khi đã có một Đặng Tiểu Bình tuyên bố biển Đông là “chủ quyền thuộc ngã” và khi Trung Quốc tuyên bố biển Đông là khu vực “lợi ích cốt lõi” của họ, thì khó dùng tinh thần hiếu hòa của người Việt để ngăn chặn tham vọng của phương Bắc. Lịch sử Việt Nam có nhiều bài để học. Vấn đề là học như thế nào và hành ra sao để ngăn chặn được nguy cơ không chỉ riêng cho dân tộc mà còn là nguy cơ đối với đảng cầm quyền và những người lãnh đạo đất nước.

Xin gửi đến ông lời chào trân trọng.

Viết tại Tp.HCM ngay sau kỳ họp thứ nhât của Quốc hội Khóa 13 bế mạc.
Đinh Kim Phúc

Chú thích:
(1) Bản tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 17-11-2000.
(2) Li Jinmin, Nguồn gốc và sự tranh cãi đang diễn ra về vấn đề Biển Đông, Beijing Review ngày 1/8/2011.
(3) Trang Web Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ngày 11-12-2007.

15 nhận xét :

  1. Thấy họp kín là biết rồi...chán. Mà bây giờ cũng ko còm men nhiều, viết nặng đô chút lại ko được đăng...chán lần thứ 2

    Trả lờiXóa
  2. Hoan hô bác Đinh Kim Phúc!

    Trả lờiXóa
  3. Đoàn BNG Việt nam do ông Hồ Xuân Sơn dẫn đầu vừa kết thúc 3 tuần "công tác" bên Trung quốc (chuyến đi lần 2) mới về. Khác với lần trước công bố công khai dù vẫn còn úp mở, lần này thông tin này không được đưa lên phương tiện thông tin đại chúng tí nào.

    Trả lờiXóa
  4. Cảm ơn tác giả Đinh Kim Phúc đã nói hộp lòng dân.
    Cần công khai minh bạch. Chứ "kín" mãi làm cho dân chúng nghi ngờ.Làm sao yên tâm được.
    Biển đảo của chúng ta đang bị gậm nhấm. Ta thì nhẫn nhịn mãi. Mất là cái chắc.

    Trả lờiXóa
  5. TRỜI !!!
    TRUNG QUỐC VỪA ĐI ĂN CƯỚP VỪA LA LÀNG .
    CÒN QH VIỆT NAM THÌ"ĐÓNG CỬA" NÓI THẦM !
    SAO KHÔNG CHO NHÂN DÂN ĐƯỢC BIẾT ?
    TÂN CHỦ TỊCH QH NSH CHỈ TRẢ LỜI CHUNG CHUNG CHỨ KHÔNG CÓ GÌ CỤ THỂ KHI PV BÁO NLĐ HỎI VỀ BIỂN ĐÔNG ?
    BIỂN ĐÔNG LÀ VẤN ĐỀ MÀ NGƯỜI DÂN ĐANG NÓNG LÒNG QUAN TÂM VÀ MUỐN BIẾT THẬT RÕ THÁI ĐỘ CỦA QH NHƯ THẾ NÀO ?
    QUÁ THẤT VỌNG QH ƠI ?
    CÁM ƠN ÔNG ĐINH KIM PHÚC !
    CÁM ƠN ANH DIỆN !

    Trả lờiXóa
  6. Vấn đề biển đông mà QH phải họp kín không thông tin cho dân biết,như vậy ta cũng phần nào hiểu được sự bất lợi của VN và ở thế thượng phong xẽ là TQ.
    Cứ đà này những vùng biển,đảo đó trước sau cũng thuộc về TQ.Nhân dân VN chỉ là nhưng người ngoài cuộc,khi biết thì việc đã rồi.
    Thôi cứ để"Đảng và nhà nước lo"

    Trả lờiXóa
  7. Phát biểu của đại biểu Dương Trung Quốc về vấn đề này tại QH:
    Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc:

    "Quốc hội chưa đặt vấn đề Biển Đông đúng tầm mức"

    SGTT.VN - Phát biểu trong phiên họp Quốc hội sáng nay (6.8), đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, kỳ họp Quốc hội lần này chưa đặt vấn đề Biển Đông đúng tầm mức của nó và Quốc hội cần thể hiện chính kiến bằng việc ra Nghị quyết để thể hiện lập trường của Quốc hội.

    Link: http://sgtt.vn/Thoi-su/148987/Quoc-hoi-chua-dat-van-de-Bien-Dong-dung-tam-muc.html

    Trả lờiXóa
  8. Dạo này mấy ảnh an ninh A83 chăm sóc TS Diện ghê quá,loay hoay mãi mới vô nhà anh được.Chúc cuộc tuần hành biểu thị lòng yêu nước ngày mai thành công trên cả mong đợi

    Trả lờiXóa
  9. Nước Việt Nam còn hay mất, thịnh hay suy? Là người con đất Việt lúc này là lúc phải cất lên tiếng nói của mình, phải tỏ rõ thái độ bằng hành động.

    Trả lờiXóa
  10. "Sang đây tôi vẫn làm việc như cũ sẽ bị nhầm vai. Tôi nghĩ, 14 ngày qua tôi đã làm khá tốt”- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định. Lay ong 3 lay :)

    Trả lờiXóa
  11. Trước nay, tôi lúc nào cũng quan tâm đến vấn đề biển Đông. Nhưng qua một loạt sự kiện gần đây liên quan đến phản ứng của phía Chính phủ, từ thái độ đối với nguời biểu tình phản đối Trung Quốc đến việc trả lời [không có hoặc không ra gì] các kiến nghị/nguyện vọng của giới trí thức, tôi nhận thấy bản thân mình [tự nhiên] trở nên ít quan tâm hơn. Thôi thì để cho "Đảng và Nhà nước lo" vậy.
    Các ý kiến, các phân tích, các đề xuất của giới nhân sĩ và của các giáo sư trứ danh, không những rất thiết tha mà còn chặt chẽ và có khoa học trong phân tích, mà "họ" còn không coi ra gì, thì một người bé xíu như tôi đây có lên tiếng cũng sẽ chẳng có tác dụng gì. Nếu có thì đó chỉ là góp thêm một tiếng nói để làm khuấy động dư luận quốc tế; nhưng việc đó là không cần thiết với "họ", vì theo "họ" thì truyền thông bên ngoài chỉ là phản động, là luôn muốn chống lại sự tồn tại của "họ". Nhưng không biết là "họ" có nhận thức được rằng những việc "họ" làm "coi không có được" hay không. Buồn!
    Chúc bác Diện và mọi người luôn vượt qua những chán nản như tôi đang có, để làm được cho đất nước những điều bình dị mà thiêng liêng.

    Trả lờiXóa
  12. Cám ơn tấm lòng của Bác Phúc. Đây cũng là tiếng nói, điều quan tâm của các thảo dân như tôi.
    Tôi mơ rằng mấy Bác đại biểu quốc hội còn khỏe mạnh cùng nhau đến thăm các chiến sĩ ở Trường Sa.
    Nếu các Bác đi thông báo để các thảo dân gửi quà đất liền.
    trân trọng.

    Trả lờiXóa
  13. Các bác không đi nhanh thì sắp tơi muốn ra Truong sa phai xin VISA cua TQ!! Không hiểu Ông NSH va các ĐBQH khác nghĩ gì lúc này??

    Trả lờiXóa
  14. Thư của anh Phúc rất hay. Nhưng tôi không nhất trí về cái quan niệm cho nước ta là "nước nhỏ", tự ty quá, không khá lên được!("(Nước nhỏ) như chúng ta có vị thế khác").
    Một đất nước có dân số thứ 13 thế giới thì phải làm được nhiều thứ chứ; các cường quốc top 20 thì chỉ trừ mấy anh "đầu to", còn lại quy mô dân số, đất đai làm sao hơn mình!
    Chỉ tủi phận mình cứ là "nước nghèo" mãi (như lời TT thừa nhận); chiến tranh qua lâu rôi, sao lại ra nông nỗi này hở TRỜI!!!

    Trả lờiXóa
  15. SGTT đưa lại tin của TTXVN với tiêu đề: "Sẽ lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi hiến pháp"

    http://sgtt.vn/Goc-nhin/151090/Se-lay-y-kien-nhan-dan-ve-sua-doi-hien-phap.html

    Theo tôi thì không phải chỉ là lấy ý kiến nhân dân theo kiểu đăng báo, tổ chức một số cuộc họp, cử người nhận ý kiến tổng hợp mà phải tổ chức trưng cầu dân ý (như một cuộc bầu cử) một số điều của dự thảo và cuối cùng khi Quốc Hội thông qua toàn văn phải đưa ra toàn dân bỏ phiếu để thông qua chính thức.

    Trả lờiXóa