Thứ Ba, 1 tháng 8, 2023

NHÂN NGÀY GIỖ HÀ TÂY LẦN THỨ 15 - ĐỌC LẠI ÁNG VĂN BẤT HỦ


Thưa chư vị, 
 
Ngày 1-8 hàng năm là ngày giỗ tỉnh Hà Tây. Nhớ ngày này năm ấy đúng ngày 1-7 al, tháng Ngâu, có nhật thực, lại có cơn mưa kì lạ. Trên con đường số 6 đoạn phân danh giới Hà Nội - Hà Tây vào giờ Tý họ hạ gục tấm biển phân chia ranh giới. Và thế là một vùng văn hóa xứ Đoài đã thành thiên cổ. Để tưởng nhớ Hà Tây, xin chép lại bài ai điếu này để chúng ta cùng nhớ về Hà Tây yêu thương...
 
ĐIẾU HÀ TÂY TỈNH

Hỡi ơi !
.
Thế cục xoay vần càn khôn dời đổi, bước thịnh suy hồ dễ mấy ai hay.
Mở cửa bốn phương Nam Bắc Tây Đông, luồng gió mới thổi qua miền quê lụa.
 
Đã từng trải bao phen sóng gió, tưởng vĩnh hằng trụ thế với thời gian.
Ai ngờ đâu bèo dạt mây tan, một quyết định tiễn về miền ký ức.

Nhớ tỉnh xưa !

Sừng sững Ba Vì trấn biên cương phía Bắc, thánh Tản Viên uy ngự chốn linh thiêng.
Một rẻo Tây Nam, mây nước miên man, Hương Tích động mở một trời Phật pháp.

Dòng Đà giang độc lưu lên phương Bắc, sông Tích hiền tuôn chảy xuống miền nam.
Dòng Đáy trong kết bạn với Nhuệ giang, ôm ấp trọn cả bình nguyên trù phú.

Suối Yên mơ ngọt ngào quyến rũ, nụ cười ai ngây ngất nón ba tầm.
Tiếng ai ca vắt vẻo giữa rừng xuân, trái mơ vàng mọng căng muôn điều ước.

Chùa Tây Phương giữa một miền non nước, bao năm rồi La Hán vẫn lặng im.
Đất Bối Khê cung kính vị thành hiền, nhận liền anh chùa Trăm Gian linh ứng.

Trúc Lâm môn bàn tay ai xây dựng, Vũ Khắc Trường ngồi đó với thời gian.
Vũ Khắc Minh kế tục hóa kim cương, chùa Đậu lành trở thành miền cổ tích.

Đền Đông Quan thênh thang và cô tịch, khói hương say phơ phất bóng cửu trùng.
Tiếng đàn bay giữa Đại Lộ mênh mông, nhịp phách tiên nâng hồn người lên cõi.

Dòng Nhị Hà xôn xao sóng dội, phù sa hồng kết thành bãi Tự Nhiên.
Có ai người dội gáo nước thiêng, thăng hoa hết tình yêu và số phận.

Thấy đâu đây túp lều tranh yên ấm, trái tim vàng Chử Đồng Tử - Tiên Dung.
Sáo diều ai tha thiết giữa từng không, hay khúc hát quần tiên ngày khánh hội

Đất Đường Lâm bàn tay ai đắp đổi, đá ong xây ngôi vị của hai vua.
Dòng sữa nào nuôi dưỡng tự ngàn xưa , phủ Thường Tín sinh sáu ba tiến sĩ,

Núi sông hùng vĩ, đất anh linh vạn thuở vẫn anh linh
Thiên địa tịnh minh, đời khang thái muôn năm còn khang thái.

Lụa Hàng Vân bàn tay ai kết sợi, áng tơ mềm vấn vít đất Hà Đông
Gạo tám thơm dâng ngan ngát hương nồng, ai là người ươm gieo miền Chợ Cháy.

Vành nón xinh nghiêng nụ cười con gái, ai là người cặm cụi giữa làng Chuông.
Bàn tay ai đơm kết sợi chỉ hồng, thu muôn sắc về khung thêu Quất Động.

Cả vũ trụ bao la thơ mộng, tranh sơn mài Duyên Thái gói vào trong.
Muôn thần linh Nam - Bắc - Tây - Đông, thợ Sơn Đồng gọi về từ gỗ đá.

Ai hữu duyên xin về miền Trạch Xá, tà áo dài bay hương sắc Việt Nam.
Đất Phú Vinh chau chuốt mỗi sợi nan, kết mây tre thành diệu huyền vĩnh cửu.

Mộc Chàng Sơn đem phụng long hoa điểu, châu tuần về tô điểm cõi linh thiêng.
Tiếng thoi ai rắc ngọc đất quê hiền, khách tha hồ nhặt gom từ Phùng Xá.

Con ốc nào mang trời mây biển cả, thổi hồn vào đồ khảm làng Chuyên.
Bàn tay nào nơi Thượng Hiệp bình yên, điểm linh nhãn cho muôn loài muông thú.

Giang sơn quyến rũ!
Nhân vật tài hoa!

Muôn năm rồi theo bước ông cha, vì Thủ đô đem thân làm cửa ngõ.
Tấm lòng son trời cao còn soi tỏ, gậy Trường Sơn in dấu đất quê hương.

Chiến tranh ư, trai tráng khắp làng thôn nắm tay nhau hát bài ca Vệ quốc.
Bỏ lại sau mái tranh nghèo xơ xác, nguyện đem về cho Tổ quốc quang vinh.

Hồn bay theo cánh gió đại ngàn, sá chi thân vùi sâu ba thước đất.
Tấm bia lạnh nơi nấm mồ đóng chặt, lại mở ra cả chân lý tự do.

Hòa bình ư, lại hát khúc đưa đò, lái thuyền đời vào giữa dòng đổi mới.
Đất cha ông đã bao đời đắp đổi, nay hiến dâng cho sự nghiệp sang trang.

Dù chẳng còn đâu nữa lũy tre làng, dù sáo diều không còn nơi ca hát.
Dù thôn hương không còn đường gạch lát, dù chơi vơi giữa thế giới thương trường.

Chỉ một tấm lòng chan chứa yêu thương
Luôn đấy ắp dù vơi đầy sức sống.

Than ôi !

Núi vẫn cao, trời xanh kia vẫn rộng, mà địa đồ rơi mất chữ Hà Tây!
Đông còn đây, Đoài vẫn còn đây, mà ngơ ngác giữa phố phường Hà Nội.

Cô gái quê dịu hiền nơi bến đợi đã sang sông xao xuyến một chuyến đò.
Niềm vui kia chẳng khỏa hết âu lo, phận làm dâu mấy người hay họa phúc.

Chốn quan trường bị một phen chen chúc, còn công đường hay ké ghế ngồi chơi.
Chốn dân thôn nghe ngóng khắp mọi nơi, còn ruộng đất hay hóa thành vô sản.

Đã chao đảo mấy phen hợp tán, liệu còn không khi biến ngõ thành nhà.
Hạnh phúc chăng khi thuyền mới ghé qua, phận làm hai đã bá truyền đại chúng. 

Ai bảo rằng cứ nhà cao cửa rộng, hạnh phúc hơn trong một mái tranh nghèo.
Ai bảo rằng kể cả chẳng gieo neo, khi chứng kiến người giầu kia cũng khóc.

Nhưng thôi thôi !Chân đã bước có nề chi khó nhọc, ai bảo rằng phận dưới chẳng có công.
Hồi môn kia cả mảnh đất danh hương, ai dám nói Thủ đô không nhờ cậy.

Sông Hồng dữ, có hiền hòa sông Đáy, Ba Vì thiêng nâng đỡ núi Nùng linh.
Chùa Một Cột như một đóa sen, được hái về từ Phật đài Hương Tích

Dáng ai đi trong ngàn năm thanh lịch,, tà áo nào không phải lụa Hà Đông.
Nhà ai cao ngất ngưởng giữa không trung, móng nào xây trên đất miền Hòa Lạc.

Khách viễn du không chồn chân ngơ ngác giữa bốn bề mái ngói xô nghiêng.
Tới Thủ đô có thủy bộ đôi bên, dắt hồn người vào bao miền hương sắc

“Đáo giang tùy khúc”, luôn nhớ câu “Hữu xạ tự nhiên hương”.
“Nhất phẩm thiên lươnh”, từng ghi dạ “Phúc đức tòng tại mẫu”.

Đem thân về cùng Thủ đô yêu dấu, cũng tự hào hộ đối môn đăng
Bỏ lại sau một quá khứ mênh mông, tránh sao khỏi chút niềm day dứt.

Hà Tây ơi !
Đưa Người về một miền kí ức, Quốc Hương còn “Bóng chiếc thoi đưa”
Hay đời thường sớm nắng chiều mưa, chỉ “sông Tích, sông Đà giăng lụa”

Nguyễn Khắc Hiếu như còn ngồi đâu đó, gom Tản Đà sông núi thành tên.
Ức Trai xưa vẫn sừng sững uy nghiêm, cõi tâm thượng như sao Khuê buổi sớm.

Cánh hạc trắng bay vào miền quên lãng, có ai người thổi đến một áng mây.
Chẳng thấy ai nâng chén rượu đưa cay, chỉ sương lạnh ướt đầm trên lối cỏ.

Tiễn Người đi thắp hương lòng cháy đỏ, cho tình đời bát ngát một trời thương.
Cho lời ca tràn khắp nẻo văn chương, dưng tượng đài trong trập trùng bể nhớ.

Dù ở đâu giữa đất trời muôn thuở.
Xin Người về chứng giám Hà Tây ơi !
.
Thượng hưởng !

Tháng Chín Mậu Tý
 

Phạm Việt Long
 
.
Nhà giáo Phạm Việt Long, tác giả áng văn Điếu Hà Tây tỉnh. Ông quê gốc Hà Nội, 
nhưng dạy học ở Thường Tín, Hà Tây và mến cảnh mến người ở lại luôn. 
 

40 nhận xét :

  1. Mới đó mà đã ba năm, Hà Tây ơi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin thắp một nén hương tưởng nhớ Hà Tây "cửa ngõ thủ đô". Mới đó mà đã giỗ lần thứ 10, hay là học tập tiểu vương quốc Thanh Hóa nên chăng bỏ 100 tỷ làm giỗ thật lớn nhỉ?

      Xóa
    2. Bài Điếu Hà Tây quả là tuyệt tác và bất hủ. Cám ơn bác Phạm Việt Long và Chú Tễu NXD

      Xóa
    3. Tôi thấy Thủ đô to là tự hào lắm. Đề nghị mở rộng Thủ đô đến Kỳ Anh Hà Tĩnh để tôi được là người dân Thủ Đô.

      Xóa
    4. Sát nhập Hà Tây vào Hà nội là âm mưu của TTg NT Dũng để dựng nên nhiều dự án đất đai, địa ốc thời đó ăn tiền vô kể và để lại bao di chứng cho đất nước, chính nguyên TTg VV Kiệt vì phản đối lại dự án này mà nghe nói chết một cách bí hiểm?

      Xóa
  2. Quê tôi cũng Hà Tây đấy! Mỗi lần về quê bây giờ vẫn thấy nao nao nuối tiếc cái tên của một địa danh đã đi vào lịch sử. Vậy mà bọn trẻ trong làng có vẻ tự hào lắm: "Mình đã là người Hà Nội"!

    Trả lờiXóa
  3. Tài quá ! Anh PHẠM VIỆT LONG , Tài quá ! Bài Điếu của Anh mới ai oán làm sao ? Đọc bài ai điếu này tôi mới thấy được hết vẻ đẹp và niềm tự hào về mảnh đát thiêng ĐỊA LINH NHÂN KIỆT ! Mong Tổ tiên Thân Linh ủng hộ để XỨ DOÀI sớm đwocj phục sinh !

    Trả lờiXóa
  4. Dân ta thì chuộng ...hàng TÂY, mà chính phủ khuyến khích...hàng NỘI. Cho nên HÀ TÂY phải gom thành NỘI tất

    Trả lờiXóa
  5. Sap nhap HT vao HN la mot cuoc kinh doanh bat dong san lon nhat trong lich su dan toc. Sau khi doi thanh HN dat HT se tang gia gap nhieu lan do tam ly " thich lam nguoi Thu do" . Cac nha kinh doanh BDS da mua truoc khi sap nhap gan het tinh HT cu nen thoi gian toi ho se tien hanh quy hoach, thuc hien " cac du an da duoc phe duyet" de kiem loi. Dam bay nam nua khi da ban het dat du an, truoc tinh hinh quan ly do thi yeu kem va nhieu bat cap thi co kha nang lai TACH tinh, luc do HT lai tro ve la HaTay que em ! Ngay do cac bac lai co dip ky niem ngay PHUC SINH HT cho ma xem.

    Trả lờiXóa
  6. Cảm ơn bác Phạm việt Long (tác giả) và Nguyễn Xuân Diện (cho đăng bài điếu). Quê tôi là Hà Tây - làng nón Chuông đây. Tiếc vô cùng một địa danh cổ giàu văn hóa bị xóa sổ.

    Nếu Chính phủ muốn phát triển thì cứ việc đầu tư vào Hà Tây, xây nhà xây biệt thự bất kể - can cớ gì lại xóa bỏ một địa danh văn hóa lâu đời, đẹp đẽ và tiêu biểu của đồng bằng sông Hồng.

    Trả lờiXóa
  7. Văn hóa xứ Đoài là một phần văn hóa Việt! Xóa Hà Tây cũng là xóa một phần văn hóa VN. Không chỉ người xứ Đoài luyến tiếc mà nhiều người dân VN cũng rất xót xa! Nói là cần giữ gìn bản sắc dân tộc, nhưng việc làm lại không phải vậy. Ở VN mình dạo này lắm chuyện lạ và buồn!

    Trả lờiXóa
  8. Trong qui hoach HN mới có một trục đường Đông Tây gây tranh cãi bấy lâu...Nếu QH mói được duyệt vẫn còn cái Trục đó xin đề nghị đặt tên là: Hà Tây Đại Lộ, để tưởng nhớ tên đất địa linh nhân kiệt, để những tấm lòng yêu Hà Tây bớt ai oán hơn:
    Núi vẫn cao, trời xanh kia vẫn rộng, mà địa đồ rơi mất chữ Hà Tây!
    Đông còn đây, Đoài vẫn còn đây, mà ngơ ngác giữa phố phường Hà Nội.
    ........
    Dân Đoài

    Trả lờiXóa
  9. Hu hu, thương quá Hà Tây ơi, tôi cũng là ngươì bị mất quê đây.

    Trả lờiXóa
  10. Cảm một tấm lòng với quê hương, với Hà tây, ai oán buồn nẫu ruột.
    Hay dở thịnh suy chưa biết, chỉ xót xa là tê buốt hôm nay.
    võ quang luân.

    Trả lờiXóa
  11. T.S Nguyễn Thạch Cươnglúc 09:23 1 tháng 8, 2011

    Bài thơ quá Hay, buồn và cay đắng quá, cám ơn tác giả Phạm Việt Long. qua Nguyễn Xuân Diện blog tôi mới biết được bài thơ bất hủ này. Tôi cũng chính gốc người Hà Tây đây, tả Thanh Oai quê hương Ngô Thì Nhậm, nhà bên dòng Nhuệ giang khi xưa đẹp lắm, chiều chiều tắm sông bắt trai hến, nay ô nhiễm đen đặc, loài đỉa cũng phải chết. Thật buồn quá.

    Trả lờiXóa
  12. Thương nhớ Hà Tây -Mong có ngày tái lập -Địa danh cha ông hàng ngàn năm không dễ gì mà mất đi được.

    Trả lờiXóa
  13. Bài văn rất hay. Tôi muốn hỏi tất cả mọi người việc tách - nhập địa danh hành chính này lợi hại như thế nào? suy nghĩ của tôi thì chỉ có hại mà thôi chứ chẳng có bất cứ lợi ích gì cho đất nước và người dân mà trước hết là gây ra xáo trộn, bát nháo trong xã hội mà thôi. có lợi chăng là lợi cho bọn "lợi ích nhóm", bọn mua quan, bán chức.

    Trả lờiXóa
  14. Em sinh ra và lớn lên tại Hà Tây, Ông, Bà, Cha, Mẹ họ nội, họ ngoại đều Hà Tây. Vì vậy với Em Bài Điếu trên lại càng hay. Ai tự cho mình cái quyền sát nhập Hà Tây với Hà Nội ấy nhỉ? Họ có hỏi ý kiến các Bác không chứ họ chưa hỏi ý kiến em.

    Trả lờiXóa
  15. Hay quá !
    Bác Việt Long ơi !

    Trả lờiXóa
  16. Bài điếu thật là hay.
    Người ta đang khát khao trở thành người Hà Nội mà chẳng được, thế mà người Hà Tây được số đỏ lại không muốn trở thành người Hà Nội, khi đã bất đắc dĩ là người Hà Nội rồi thì lại đau, buồn. Lạ quá đi mất, chỉ có thời buổi này mới có chuyện này!

    Trả lờiXóa
  17. Các bác Hà Tây ơi chẳng phải buồn làm gì sau khi giải quyết xong vụ bất động sản người ta sẽ lại trả Hà Tây về cho các bác thôi,quê em ở Mê Linh cũng gần cảnh ngộ cắt tới cắt lui mấy lần, dân ở quê cũng phấn khởi lắm vì được làm người Hà nội, đất lại đắt nhưng cảnh anh em đánh chửi nhau, nghiện hút, trộm cướp, giết người được lên báo Nhà nước thường xuyên, có lẽ "vinh dự" nhất mấy khoản đấy.

    Trả lờiXóa
  18. Hãy "trả lại tên cho em"

    Trả lờiXóa
  19. Bác Diện cho em coppy về Blog riêng nhé. Cảm ơn Bác!

    Trả lờiXóa
  20. Cám ơn Phạm Việt Long
    Cám ơn Nguyễn Xuân Diện

    Ôi Tứ Trấn Đông Nam Đoài Bắc
    Phù trì cho Hà Nội - Thăng Long
    Mấy ngàn năm làm bại vong quân giặc
    Nay mất Đoài, Hà Nội hóa Cẩu Nhi

    Trả lờiXóa
  21. Chẳng nhớ ý thơ nay của ai nữa ,nhưng mà thấy nhói đau;
    Vẫn sông Tích
    Sông Đà
    giăng lụa mênh mông
    Vẫn còn đó
    Đông
    Đoài
    Ba Vì
    mây trắng
    Mà...
    địa đồ
    rơi
    mất
    chữ HÀ TÂY !!!???

    Trả lờiXóa
  22. TS. Võ Quang Diệmlúc 16:14 1 tháng 8, 2011

    Tôi đã đọc nhiều lần rồi, tham gia bình phẩm nhiều lần, ai cung khen hay.Hôm nay đọc lại, quả là một áng văn bất hủ. Viết ở thể điếu, giọng văn buồn buồn, sâu lắng.Nội dung đầy đủ, súc tích,từ ngữ mượt mà, chắt lọc, trong sáng càng đọc càng cuốn hút và tự hào với Hà Tây quê ta.
    Chúc mừng Phạm Việt Long đã có bài điếu sống mãi trong lòng người đọc.

    Trả lờiXóa
  23. HÀ TÂY -XỨ ĐOÀI-TÊN GỌI HÀ TÂY THỰC CHẤT CŨNG LÀ TÊN MỚI CỦA THẾ KỶ20, NÓI CHÍNH XÁC RA HÀ TÂY, CÓ SỐ PHẬN LONG ĐONG,
    NHỚ KHI XƯA TÊN MIỀN SƠN NAM THƯỢNG, SAU NÀY CÓ XỨ SƠN TÂY, VÀ HÀ ĐÔNG, LÚC GỘP VỀ THÌ LẤY TÊN HÀ TÂY, RỒI CUỘC GỘP LẦN NỮA CÓ TÊN HÀ -SƠN- BÌNH, RỒI LẠI CHIA LY THÀNH HÀ TÂY - HÒA BÌNH, RỒI SAU CUỘC BỂ DÂU, LẠI THÀNH HÀ NỘI, DẪU TÊN GỌI MỖI THỜI MỘT KHÁC, SONG VẪN LÀ MIỀN ĐẤT THÂN THƯƠNG CỦA TỔ QUỐC, TRONG CUỘC BIẾN ĐỔI CÀN KHÔN VỀ KINH TÊA, THÌ HOÀI NIỆM LÚC NÀO MÀ CHĂNNGR CÓ, NGƯỜI TA CÓ XU HƯỚNG NHỚ CỔ, CÓ GÌ ĐÂU, MIỄN SAO, NON SÔNG NÀY, LÃNH HẢI NÀY MÃI MÃI TRƯỜNG TỒN, KHÔNG BỊ BIẾN ĐỔI THEO BỂ DAU

    Trả lờiXóa
  24. Tôi ở trong Sài Gòn, năm 2001 tôi đi học ở Hà Nội. Trong thời gian này, tôi đi thăm thú nhiều nơi trên đất Bắc. Nhưng với tôi, hình ảnh về đất Bắc còn đọng lại trong ký ức đến giờ là đi trên chặng đường từ Thủ đô về thăm Chùa Hương ( đi qua quận Thanh Xuân thì phải), những làng quê, cánh đồng nên thơ đẹp lạ lùng, rất Việt Nam. Thế mà giờ ai oán như thế sao? Thật buồn...

    Trả lờiXóa
  25. tôi cũng người Hà Tây, buồn.

    Trả lờiXóa
  26. Hà tây - Hà nội thì cũng là người Việt nam cả . Hà nội mở rộng nên nông thôn Hà tây có cơ hội được đầu tư nhiều hơn .3 năm qua đã có nhiều đổi mới trên quê lụa . Một Hà nội to , rộng mới xứng với thủ đô của một nước VN , nhìn ra xung quanh thủ đô của các nước phát triển cũng đều rất rộng lớn , điều này là nên làm lắm chứ và đáng ra phải làm từ lâu rồi , Một Hà nội 10 năm nữa sẽ lớn mạnh hơn nhiều , nếu chỉ bé nhỏ như xưa liệu có thể phát triển được không ? Chùa trăm gian vẫn đó , chùa Hương thêm đông khách hơn có cái gì mất đi đâu , phải chăng chỉ mất đi những xóm nghèo không điện , những trường học dột nát , những con đường lầy lội thôi ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xứ Đoài bây giờ thành Hà Lội mới , Quang Dũng có bài thơ Đôi mắt người Sơn Tây. Bây giờ làm sao có cần đổi lại Đôi mắt người Hà Lội mới không nhỉ...Hà Đông là Hà Đông , Sơn Tây là Sơn Tây, Hà nội là Hà nội Mỗi nơi có nét đẹp riêng giờ làm giỗ rồi...cám ơn anh Phạm Việt Long...

      Xóa
  27. Vèo cái mà đã giỗ hết (đoạn tang) Hà Tây quê luạ rồi. Nhưng cái tang trong tâm tất cả những ai yêu Hà Tây thì không bao giờ đoạn nổi....

    Trả lờiXóa
  28. Cảm ơn bác Diện và tác giả bài thơ rất nhiều!
    Cháu đi đâu ai hỏi cháu cũng nói cháu quê Hà Tây chưa bao giờ nói quê Hà Nội, trong túi có 2 cái CMTND nhưng chỉ dùng cái cũ do Hà Tây cấp, còn cái mới bỏ đó đề phong mất vậy! huhuhu, hãy trả lai quê hương Hà Tây cho tôi!

    Trả lờiXóa
  29. Bài điếu hay quá, thâm thuý quá!

    Trả lờiXóa
  30. Trần Đức Lương và các kễnh trong bộ chính trị mua rất nhiều Đất ở Ba Vì thì sao mà Hà Tây không sát nhập về Hà Nội được cơ chứ?
    giờ lãi gấp hàng trăm lần rồi. Sướng thật, tham nhũng quyền lực=> tham nhũng cơ chế chính sách luật pháp=> tham nhũng của cải tiền bạc, đất đai, tham nhũng tư tưởng, tham nhũng văn hóa, tham nhũng cả chân lý.... Kính lạy cái đảng tham nhũng "quang vinh muôn năm" !

    Trả lờiXóa
  31. vừa có cái giỗ HÀ TÂY to lắm đấy

    Trả lờiXóa
  32. Hai tội đồ "giết chết Hà Tây" là Nông mất nết và 3X. Sao chúng không đền tội

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. quan nhất thời dân vạn đại .
      có một ngày tìm lại nước non xưa

      Xóa
  33. Có 2 thế lực muốn sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội là quan chức Hà Nội và dân Hà Tây. Quan chức Hà Nội thì rõ rồi, chẳng phải vì Hà Nội mà vì đất đai của Hà Tây là một miếng lợi lộc lớn. Còn dân Hà Tây, đúng ra là một bộ phận dân Hà Tây cũng vì cái danh là dân thủ đô, rồi một vài cái lợi nữa nên ủng hộ việc sáp nhập này. Ngược lại cũng có 2 thế lực khác phản đối việc sáp nhật này là dân Hà Nội và quan chức Hà Tây. Quan chức Hà Tây thì họ phản đối cũng chẳng vì tỉnh Hà Tây mà lo sợ cho cái thân phận của họ chỉ có thể là cấp phó. Nói chung việc sáp nhập này đều là do các quan chức lợi lộc, chứ dân thì chỉ có một số được hưởng lợi thôi. Cảm ơn bài điếu quá hay. Tôi quê Ba Vì nên càng thấm thía

    Trả lờiXóa
  34. Cả Nông mất nết và 3X đều là những tội đồ, rồi lịch sử sẽ phán xét

    Trả lờiXóa