Chùm bài về Ngoại giao Việt - Trung:
Bài 2: Nguyễn Tông Quai: Sứ thần - thi sĩ
Bùi Duy Tân
Bùi Duy Tân
Trong lịch sử bang giao với các triều đại và sĩ dân phương Bắc, Nguyễn Tông Quai có hai cống hiến đặc sắc. Một là khai sáng dòng ca Nôm sứ trình cùng với tài thơ đi sứ, Nôm và Hán hay bậc nhất thời Lê Trung hưng. Hai là thể hiện tâm chí ái quốc và bản lĩnh văn hóa vô tốn bất dị(1) của sứ thần Đại Việt trên đất nước Đại Thanh.
Nguyễn Tông Quai(2) hiệu là Thư Hiên quê gốc ở làng Sâm, nay thuộc xã Hiệp Hòa, huyện Hưng Hà, Thái Bình. Lúc nhỏ, theo cha mẹ lên sống ở Thăng Long, từng là Giám sinh trường Giám và theo học Thám hoa Đình nguyên Vũ Thạnh. Đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Dần (1721) thời Lê Dụ Tông, Nguyễn Tông Quai được bổ dụng ngay vào những hoạt động bang giao. Năm 1734, ông đón sứ Thanh sang sắc phong. Năm 1742, là Phó sứ cùng Chánh sứ Nguyễn Kiều sang sứ Thanh, chuyến đi này kéo dài đến 3 năm. Năm 1747 ông lại được cử làm Chánh sứ sang Thanh. Sự nghiệp chính trị của Nguyễn Tông Quai tương đối dài và lắm gian truân. Trên 30 năm làm quan, trải 5 đời vua, 3 đời chúa, ông từng bị biếm trích, có lần bị cách tuột mọi chức vụ, giáng làm thứ dân. Đương thời, Nguyễn Tông Quai nổi tiếng là nhà khoa bảng có tiết tháo, tâm huyết, không a phụ bọn quyền gian. Nguyễn Án nhận xét: “Tính ông ngay thẳng mà ghét sự tà khúc, không chịu kiêng tránh gì cả” (Tang thương ngẫu lục). Hồ Sĩ Đống tôn vinh: “Tiên sinh giữ đạo chính, ghét kẻ tà, tuy bị kẻ hằn thù vu cáo mà bị tội, song lúc tiên sinh trở về vườn thì danh vọng lại càng trong” (Tựa Sứ hoa tùng vịnh). Học trò ông như Lê Quý Đôn, Đoàn Nguyễn Thục... đều là danh sĩ của quốc gia.
Sinh thời, Nguyễn Tông Quai viết tương đối nhiều. Ngoài thơ Nôm giáo huấn (Ngũ luân tự) và thơ vịnh sử (Vịnh sử thi quyển), thì hai tác phẩm đi sứ bằng Nôm: Sứ trình tân truyện và Hán: Sứ hoa tùng vịnh hiện còn, đều rất sáng giá.
SỨ TRÌNH TÂN TRUYỆN GIAI TÁC BÚT KÍ NÔM ĐI SỨ
Sứ trình tân truyện có nghĩa là: “truyện mới về lộ trình đi sứ”. Tác phẩm có tính chất ký sự này gồm 670 câu thơ Nôm lục bát, thuật lại cuộc hành đi sứ lần thứ nhất 1742-1745, ghi lại tâm tư, cảm xúc, ngâm vịnh về danh lam thắng tích, sơn kỳ thủy tú của sứ giả nhà thơ trên dặm dài từ Thăng Long đến Yên Kinh. Giữa mạch lục bát, xen vào 8 bài thơ Nôm Đường luật, được nhiều học giả xưa và nay coi là một chùm thơ đẹp. Bài Tiêu Tương xuân vãn (chiều xuân trên sông Tiêu Tương) chẳng hạn, sớm hơn thơ Bà Huyện Thanh Quan hàng trăm năm về trước, mà thơ đã rất trau chuốt, điển nhã:
“Chín mươi xuân sắc hãy còn dư,
Cây rợp ngăn sương bóng phất phơ.
Sóng rợn duyềnh xanh sông muộn gió,
Mây êm thức biếc núi cùng mưa.
Giăng văng mặt nước vài con én,
Đủng đỉnh bên sông mấy chiếc ngư.
Tài khách ghẹo thêm con mắt khách,
Chuông chiều văng vẳng khói thưa thưa”.
Sứ trình tân truyện mở đầu:
“Cảnh Hưng rồng dậy thứ ba,
Tháng thu ngày tám sứ Hoa khởi trình.
Tiễn đưa tiệc mở giang đình,
Nam nhi phơi phới nhẹ mình bước ra.
Ngang thuyền qua bến Nhĩ Hà
Tạm dừng vó ký đây là Điêu Diêu...”
Đoạn thơ ghi rõ: Cuối tháng chín(3) năm Nhâm Tuất (1742) niên hiệu Cảnh Hưng thứ ba đời Lê Hiển Tông (1740-1748), sau yến tiệc tiễn đưa ở đế đô Thăng Long, đã khởi trình ngang đò qua Nhị Hà (sông Hồng), rồi tạm nghỉ ở Điêu Diêu (Gia Lâm).
Đường đi từ Thăng Long đến biên giới tuy chẳng bao xa, vẫn phải đến cuối đông năm ấy, sứ bộ mới qua cửa Nam Quan, sang địa phận Đại Thanh:
“Dịch mai xảy thấy tin truyền,
Cuối đông mồng bảy sứ liền quá quan.
Tiếng người tiếng súng dậy ran,
Kẻ về Kinh quốc, kẻ sang Yên đài...”
Mùa xuân năm Quý Hợi (1743) tới trạm Vĩnh Thuần, gặp tết Nguyên tiêu tưng bừng đêm hội:
“Doành xanh hây hẩy gió đưa,
Giục hoa, xuân lại tưới mưa đói ngàn.
Vĩnh Thuần chợt mới hỏi hàn,
Nguyên tiêu thoắt đã bãi tràn ba châu.
Kìa ai thương nguyệt đêm thâu,
Tiếng ca dậy đất đèn lầu giãi sao...”
Mấy tháng đường dài, trải qua nhiều vùng miền, vừa đi vừa thăm thú, ngâm vịnh danh địa thắng tích, đại xuyên Hàng Châu, Quế Lâm, thành Cô Tô, đá Phi Lai, lầu Nhạc Dương, sông Xích Bích, Hoàng Hạc lâu:
“Ông tiên cưỡi hạc bao giờ,
Lầu còn chần chẫn đứng chờ bến sông.
Một thơ Thôi Hiệu ngoan nồng,
Làm cho gác bút mếch lòng thơ tiên...”
Dời Hoàng Hạc lâu, qua sông Giang Hán “đã dài muôn dặm, lại ngang ngàn tầm”, sang hè đoàn tới Giang Tây:
“Cửu Giang là cõi Giang Tây,
Sông chia chín ngách, non xây ngàn tầng.
Tỳ bà đình ấy đón trăng,
Đợi chàng họ Bạch(4)có chăng mới đàn...”
Đông qua, xuân đến, đầu năm Giáp Tý (1744), sứ bộ qua thành cổ Tề Tấn:
“Thành xưa dấu cũ khách chơi,
Nền nhà Tề, Tấn là nơi đi về.
Mảng vui cảnh vật sơn khê,
Gió xuân thổi lọt rèm the bao giờ...”
Thu đông năm ấy (1744) đoàn mới qua Hoàng Hà, rồi tới Yên Kinh:
“Tiếng thu xào xạc trên xanh,
Một đền ấy tỏ ba canh chưa nằm...
Tứ bề sương khói oi oi,
Tiếng ai thông đạt là nơi kinh kỳ...”
Đoàn được đón tiếp tử tế, tiệc yến linh đình giữa đế đô vàng son lộng lẫy:
“Thái Hòa vòi vọi ngôi Càn,
Chín lần chúa thánh, trăm quan tôi hiền.
Vẳng tai ba tiếng minh tiên,
Hương trời ngào ngạt, nhạc tiên rùng rình...”
Sứ giả vào chầu, bái yết thiên tử hoàng đế, được “tứ tọa, tứ trà”, thu nạp cống phẩm... Sang đầu năm Ất Sửu (1745)(5), đoàn mới hoàn thành sứ mệnh ra về: “Chỉ nam xe ruổi rình rình, ngựa qua đường cũ trỏ nghềnh Trương gia”. Đến đây, tác giả dừng bút và có lời kết, khép lại một thiên bút ký bang giao trong trẻo, trang nhã, đầy đặn một bản lĩnh văn hóa, một cảm hứng thi ca. Sứ trình tân truyện thế là chỉ thuật lại những điều tai nghe mắt thấy trên lộ trình đi sứ từ Thăng Long Đại Việt đến Yên Kinh Đại Thanh.
Sứ trình tân truyện là tập bút ký lục bát Nôm sớm nhất về đề tài đi sứ. Trước tác phẩm này, sử sách có ghi Đỗ Cận thế kỷ XV có Kim Lăng ký bằng Nôm, Hoàng Sĩ Khải thế kỷ XVI có Sứ Bắc quốc ngữ thi tập, song cả hai đều mất. Thể thơ lục bát cũng đã được dùng nhiều từ đầu thế kỷ XVI, trong đó có những bài hay như Ngọa Long cương vãn, Tư Dung vãn của Đào Duy Từ, nhưng chưa hề có lục bát Nôm viết về đề tài đi sứ. Nguyễn Tông Quai là nhà thơ đầu tiên dùng lục bát Nôm viết về đề tài đi sứ. Hơn nữa đề tài mới được thực hiện ở một thể loại cũng là mới(6): thể ký bằng thơ quốc âm, tuy rằng tên tác phẩm là tân truyện. Đây rõ ràng là tập bút ký bằng thơ Nôm, ghi lại những điều tai nghe, mắt thấy trên lộ trình muôn dặm từ Thăng Long đến Yên Kinh. Tuy nhiên, đề tài và thể loại mới mẻ này, chỉ được khẳng định khi Sứ trình tân truyện thực sự là một thể nghiệm thành công. Toàn bộ tác phẩm, như đã được nhiều học giả nhận xét, là một áng thơ rất đẹp, tứ thơ văn nhã, tài hoa, âm điệu hài hòa, réo rắt, hành văn lưu loát, trôi chảy, tiếp lời liền mạch. Những đoạn thơ thế này:
- “Non xanh nước biếc mây lồng,
Tam Thanh một động gồm cùng hòa ba.
Ngọc đông nên cảnh chiền già,
Hương lừng mùi quế bóng lòa màu đan.
Bồ lao om núi kêu ran,
Sơ sương một tiếng rã tan mọi niềm.
Kỳ Lừa cây rợp bóng êm,
Cửa the nhà gấm vây thêm tứ bề...”
- “Sụt sùi bóng ngả tịch dương,
Bên trời cái nhạn pha sương bay về,
Thớt thưa bến liễu hàng hòe,
Vàng đeo dẫy lá, bạc khoe đầy cành.
Tiếng thu xào xạc trên xanh,
Một đèn hãy tỏ ba canh chưa nằm...”
Câu thơ lục bát, so với lục bát ở diễn ca lịch sử, và vãn ca trước đó, đã nhuần nhị uyển chuyển, tươi mát biết bao! Lời thơ trau chuốt, trong sáng, đánh dấu bước phát triển mới về ngữ ngôn văn học, so với thơ Nôm Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm. Gần 700 câu thơ tiếng Việt, đẹp đẽ, đều tay, giàu hình ảnh, nhiều màu sắc như thế, đã chứng tỏ tiếng Việt văn học đang tự khẳng định khả năng giàu đẹp của nó.
Trong tập truyện ký, còn có 8 bài thơ Nôm Đường luật, bài nào cũng mới lạ, hay và đẹp lạ thường. Xin chỉ dẫn thêm một bài: Tuyết thiên nhàn vọng (Ngắm cảnh trời tuyết):
“Bát ngát giang sơn thuở ác tà,
Trên không phơi phới tuyết rây hoa.
Đầu non phấn điểm in màu bạc.
Mặt nước mai trang phẳng dợn là.
Cảnh vật phau phau trăng lẩn bóng,
Lâu đài lôm lốp ngọc giồi da.
Kìa ai dạm được chiều thanh ấy,
Dắng dõi Dương xuân Bạch tuyết ca.”
Không cổ kính như Nguyễn Trãi, bình dị như Nguyễn Bỉnh Khiêm; đẹp một cách điển nhã, trang trọng, tinh tế, phảng phất như có gì gần thơ Bà huyện Thanh Quan sau này.
Sứ trình tân truyện còn là một thành công của sự kết hợp phương thức tự sự và trữ tình trong thể thơ lục bát. Đây là một khả năng mà sau này, với truyện Nôm bác học: Hoa Tiên, Sơ kính tân trang, Truyện Kiều... sẽ có những thành tựu nghệ thuật sáng giá.
Ở đây, Nguyễn Tông Quai không chỉ ghi chép những điều tai nghe mắt thấy trên đường đi sứ bằng một lối thơ giàu khả năng tự sự, mà ông còn ký ngụ vào đó cả tâm tư cảm xúc của mình, làm cho cảnh vật và tính người chứa chở, sống động, quyện hòa vào nhau, thể hiện cá tính sáng tạo của một tài thơ trác việt. Chẳng hạn đoạn viết về sứ bộ bước sang đất khách, câu thơ chỉ còn là tâm trạng của sứ giả:
“Đã hay mến cảnh nhớ người,
Quân thân hai chữ một vai đã quằn.
Tôi người đâu ngại nhọc nhằn,
Song nghì cố quốc khôn ngăn được lòng”.
Tâm trạng ấy thành điểm nhấn cho bài thơ Nôm Đường luật tiếp ngay sau:
“Hai chữ quân thân gánh nặng quằn,
Song nghì cố quốc dạ khôn ngăn.
Dời chân ải Bắc đường muôn dặm,
Ngoảnh mặt trời Nam cửa chính lần...”
Phần cuối tác phẩm, cũng có những vần thơ tỏa rạng niềm vui của sứ giả khi hoàn thành trọng trách:
“Ơn trên muôn một lo đền,
Đã đành việc nước lại quên việc nhà,
Ai rằng muôn dặm thì xa,
Niềm đan một tấm xem là tấc gang”.
Niềm đan ái quốc, trung quân, thực chất của chí nam nhi ấy là sức mạnh, vượt qua mọi gian nan, cốt đem lại quan hệ hòa hiếu Bắc Nam:
“Mấy phen trải gió tắm mưa,
Cát cừu thay đổi kể vừa ba xuân.
Tôi người đã quản nhọc nhằn,
Miễn binh được rỗi, miễn dân được bình.
Hoàng hoa xong việc lữ đình,
Tay đeo hay chữ bình ninh về chầu...”
Sứ trình tân truyện mới được phát hiện cách nay vài thập kỷ. Nhưng chỉ với nó - một giai tác - Nguyễn Tông Quai xứng đáng có vị trí cao trong lịch sử văn học dân tộc.
SỨ HOA TÙNG VỊNH DANH THI VÔ TỐN BẤT DỊ TRUNG HOA
Trước khi tôi và Kiều Thu Hoạch phát hiện ra giai tác Sứ trình tân truyện, khoảng thập kỷ 70 thế kỷ trước, người đời, kể cả nhà thư mục học nổi tiếng Trần Văn Giáp chỉ biết ở mảng thơ đi sứ, Nguyễn Tông Quai chỉ có mỗi tập thơ chữ Hán là Sứ hoa tùng vịnh.
Khảo sát văn bản Sứ hoa tùng vịnh, một văn bản quá phức tạp với hơn 30 dị bản, thấy dưới cái tên Sứ hoa tùng vịnh chung với thơ Nguyễn Kiều, Nguyễn Tông Quai viết hơn 200 bài thơ trên sứ trình vạn dặm từ Thăng Long đến Yên Kinh, qua nhiều nẻo lượt đi về. Ngoài 6 bài Tựa, Bình ở đầu tiền, hậu tập, phần cuối của thi phẩm là ngót trăm bài thơ xướng họa tặng đáp với nhân sĩ Trung Quốc với sứ thần Triều Tiên. Kể ra, trong gần vạn bài thơ của hàng trăm nhà thơ sứ trình, không thiếu những tài hoa thượng thặng. Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, Phạm Đình Hổ thường đánh giá cao thơ đi sứ của Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Trung Ngạn, coi nó là “hào mại, phóng khoáng, có khí phách và cốt cách Đỗ Lăng, hay không kém gì đời Thịnh Đường” (Phan Huy Chú); “trình bày công việc vừa lịch duyệt, vừa vui tươi, có phần làm mạnh được quốc thể” (Lê Quý Đôn). Đến Lê Trung hưng, cũng có nhiều tập thơ đi sứ nổi tiếng của Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Huy Oánh, Hồ Sĩ Đống, Lê Quý Đôn. Nhưng không tập thơ nào có được vinh dự cao tột trong sự khẳng định tài hoa cho bằng Sứ hoa tùng vịnh. Dẫn những lời khen nhủ chưa từng có, về cái hay của tập thơ trong những lời tựa, bình của danh sĩ nước ngoài, sợ có người còn băn khoăn về phương diện “giao tế, thù tạc”? Thì đây, những nhận xét chắc phải khách quan, vô tư của chính danh sĩ nước ta. Nếu Phan Huy Chú coi tập thơ là “điêu luyện, mới mẻ đáng ưa” thì Nguyễn Án khẳng định “đến nay trải hơn năm mươi năm, người trong nước vẫn đều truyền tụng” Sứ hoa tùng vịnh. Ngô Thì Sĩ là một nhà thơ, một nhà sử học lớn, phải hạ bút: “Sứ hoa tùng vịnh lừng tiếng là thơ hay khắp cõi”. Hồ Sĩ Đống, sứ giả - nhà thơ nổi tiếng một thời, buồn vì không được thụ giáo tiên sinh (tức Nguyễn Tông Quai), khi được đọc thơ ông thì mừng, xem đó “cũng là mối nhân duyên gặp gỡ”. Khen lao như thế, thì những tài ba kiệt hiệt trong làng thơ đi sứ như Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Huy Oánh, Hồ Sĩ Đống, Lê Quý Đôn.... cũng không có được. Xin dẫn ra đây, dù chỉ trong muôn một, bài Thái Thạch hoài Thanh Liên (đến ghềnh Thái Thạch, nhớ Thanh Liên Lý Bạch):
Phiên âm:
“Bích thủy, thanh sơn, nhất diệp thuyền,
Càn khôn ký ngạo tứ phiêu nhiên.
Ẩm tàn giang quốc thiên ba nguyệt,
Ngâm động tinh hà ngũ dạ thiên,
Tẩu mã trần phao kim điện khách,
Kỵ kình lữ túy bích cung tiên.
Cao phong cảnh ngưỡng sơn đình cổ,
Nhật mộ giang vân tỏa thúy yên”.
Dịch thơ:
Con thuyền lơ lửng, nước non xanh,
Gửi giữa càn khôn một mảnh tình.
Uống cạn sông trăng ngàn lớp sóng,
Ngâm động tinh hà suốt năm canh.
Bụi mờ kinh khuyết buông cương ngựa,
Bạn với tiên cô sẵn cá kình.
Nhớ tới người xưa đình cổ đó,
Chiều về, mây phủ khói sông quanh.
Theo nguyên chú, tục truyền Lý Bạch đi thuyền, chơi trăng ở ghềnh Thái Thạch khúc sông Trường Giang, đất Giang Nam. Ông mặc áo cẩm bào, uống rượu ca vang lúc say, nhảy ôm mặt trăng ở dưới sông. Nay còn đền thờ và “Đình bắt trăng” ở trên núi. Lại có thuyết nói: lúc Lý Bạch đang say rượu ngắm trăng thì có tiên đến đón về trời, Lý bèn cưỡi trên lưng cá kình mà thăng thiên. Bài thơ gắn với một huyền thoại diệu kỳ, lại có hai câu được xem là thần cú:
“Ẩm tàn giang quốc thiên ba nguyệt,
Ngâm động tinh hà ngũ dạ thiên”.
Dịch thành Đường luật:
Uống cạn sông trăng ngàn lớp sóng,
Ngâm động tinh hà suốt năm canh.
Thơ Sứ hoa tùng vịnh thường thanh cao, diễm lệ, hài hòa, giữa thơ và họa, cân đối giữa tình và ý, rất điêu luyện về mặt dùng chữ đặt lời, về cách phối hợp các hình ảnh, nhịp điệu, âm thanh... Nguyễn Tông Quai qua tài làm thơ, xứng đáng có vị trí cao trong nẻo thơ đi sứ.
Điều đáng nói ở đây là: chính tài thơ trác việt, cùng với học vấn uyên bác và nhất là phẩm hạnh một sĩ quân tử phong lưu, nho nhã đã đem lại cho Nguyễn Tông Quai những cuộc tiếp xúc văn hóa rất kỳ thú giữa nhà thơ và nhân sĩ Trung Quốc, Triều Tiên trên đất nước Trung Hoa. Trong tập thơ của ông, không ít bài là những giai tác xướng họa tặng đáp lịch lãm thân tình, vượt ra ngoài khuôn sáo của từ chương giao tế, nếu viết thì bài này khó tránh khỏi dài dài. Chỉ xin trích dẫn ra đây một số lời nhận xét, bình luận.
Năm 1743, viết Tựa cho tập thơ, Trương Hán Chiêu, một nhân sĩ Trung Quốc thuật lại: “Mùa hạ năm Quý Hợi (1743) tôi qua nhà người bạn là Cao Uẩn Sơn được gặp sứ quân An Nam là Nguyễn Thư Hiên... Ở trong thuyền, cùng nhau đàm luận về thi ca. Sứ quân nhân hứng đưa ra một tập thơ Sứ hoa tùng vịnh nhờ tôi đề tựa, tôi nhận lời và viết...”. Trương Tiên sinh đánh giá khí chất của Thư Hiên: “Là người nho nhã, phong lưu, mũ cao, đai rộng, nghe ông ta nói lưu loát không cần phiên dịch, thân mật thấy đó là con người hòa nhã dễ gần. Thử hỏi về học vấn thì Bách gia Chư tử không chỗ nào không thông, ông là một học sĩ am tường thư tịch, sự tích, đặc biệt giỏi về thơ ca. Những lúc công vụ rảnh rỗi, ông thường thích thú ngâm nga, ngày làm không biết bao bài thơ...”. Trương Tiên sinh dành riêng cho chất thơ trong thi tập những nhận xét: “Thanh vận, cách luật trong thơ đều học ở Đường thi... Nguồn tình thơ nhàn nhã, âm vận thơ cao nhã, độc đáo... đề cập tới những di tích nhân vật ngàn xưa đều không cần tra hỏi, cảm hứng cứ theo ngọn bút tuôn ra, đủ thấy rõ sự học uyên thâm của sứ quân vậy”.
Âu Dương Vương, một nhân sĩ Trung Quốc hết lời khen Sứ hoa tùng vịnh: “Tả cảnh thì công phu diệu tuyệt như họa, tả tình thì chân thật, sâu kín... Thơ của Thư Hiên cao nhã, phóng khoáng như thơ Thái Bạch (Lý Bạch). Vương Văn Tường (nhân sĩ Trung Quốc) trong lời bình cho rằng: “Tài văn chương và đức hạnh đều siêu trác”.
Trong cả hai lần đi sứ, Nguyễn Tông Quai tiếp tục truyền thống hòa nghị Đại Việt - Triều Tiên từ Mạc Đĩnh Chi - Phùng Khắc Khoan, đã có những cuộc tao ngộ sứ giả - nhà thơ với sứ Triều Tiên: Lý Hiệu Lý, Mộ Tự Gia. Trong Sứ hoa tùng vịnh có đến 5 bài thơ xướng họa với sứ thần Triều Tiên. Xin trích dẫn đôi câu để thấy tinh thần đồng văn dị quốc thấm đậm vào các lời thơ:
Phiên âm:
“Quân tự tê Nam, ngã hải Đông,
Tương khan mạch mạch điểm tê thông.
Tuy kim ngôn ngữ chư phương dị,
Tòng cổ y quan lưỡng địa đồng...”
Dịch thơ:
“Ông ở núi Nam, tôi biển Đông,
Xa nhau địa mạch vẫn tương thông.
Nói năng hai nước tuy có khác,
Áo mũ đôi nơi một chữ đồng...”
Đặc biệt, với Lời tựa của Lý Bân Thốn, tài thơ của Nguyễn Tông Quai thực sự là siêu đẳng: “Từ mùa thu năm Quý Hợi (1743), tôi chơi ở Kim Lăng, ngụ tại nhà Cao Tử, được gặp gỡ với sứ quân, cùng nhau thù xướng, mới được xem Sứ hoa tùng vịnh - tiền tập. Những nơi danh thắng ông đã đi qua, đều ngâm nga xướng vịnh, vung tay một cái thơ đã đầy trang, ý tứ phóng khoáng, thơ làm lanh như thế mà không sai luật. Có bài đôn đốc lòng trung tín như Lạng Sơn ngẫu tác, Ngọ môn đãi tửu”. Có bài phát triển niềm tự hiểu như Chu thứ vệ thủy. Có bài bàn luận cổ sự mà nói lên tình cảm của mình, cảm xúc trước cảnh vật mà gửi gắm ý tứ vào thơ...”. Lời tựa còn viết tiếp: “Mùa thu năm Giáp Tý (1744) sứ quân trở về Kim Lăng, đưa Sứ hoa tùng vịnh - hậu tập, nhờ tôi viết bài tựa cho. Tôi đọc đến hết, thấy khí thế trong đó bàng bạc mênh mông như núi sập, đá tan, mưa gió sầm sập, sông suối vỡ bờ, nếu không dầy công tích khí sao có thể được như vậy?...”. Thơ của tiên sinh cách luật nghiêm chỉnh, âm điệu cao siêu, nắn nót từng câu, từng chữ, thảy đều theo đúng khuôn phép Thịnh Đường. Dẫu Trung Hoa có tiếng hay thơ cũng không hơn thế được”.
Trong lịch sử văn học bang giao, sau tập Vạn thọ thánh tiết nổi tiếng thi quy điển nhã của Phùng Khắc Khoan thế kỷ XVI, Sứ hoa tùng vịnh xứng đáng là danh tác tiếp theo, cũng chính là dựa vào tài thơ của sứ giả.
Như vậy là, với Sứ hoa tùng vịnh, Nguyễn Tông Quai không những thể hiện trọng trách sứ sự, lòng yêu nước thương nhà, cảm hứng nhân ái và niềm tự hào dân tộc... mà còn biểu dương thắng lợi nền văn hóa vô tốn bất dị của tri thức Đại Việt.
Cần phải thấy rằng trong hàng ngàn năm phong kiến, các đế chế và sĩ phu Trung Hoa thường coi ta là ngoại phiên, di địch, có cái nhìn rất kỳ thị dân tộc ta. Ông cha ta trong những dịp bang giao sứ sự, đã chứng minh một cách hùng hồn rằng Việt Nam có một nền văn hóa riêng - Nền văn hóa ấy tuy có tiếp thu văn hóa Hán Đường, như Triều Tiên, nhưng không kém gì văn hóa Hán Đường ngay ở trên đất Trung Hoa - Thơ ca cũng vậy. Do hạn chế, bế tỏa của một vùng văn hóa đồng văn, ông cha ta chưa có thể hình dung ra một nền văn hóa nào cao hơn và khác hơn văn hóa Trung Hoa. Lại do sự nghiệt ngã trong quan hệ bang giao, sứ thần ta không dễ gì biểu dương nền văn hóa văn học chân chính phong phú về cảm hứng yêu nước, tự hào dân tộc và nhân ái thương người, hình thành từ nền văn hóa văn học dân gian giầu bản sắc, tâm hồn dân tộc và từ sự tiếp biến văn hóa văn học nước ngoài. Nhưng điều chủ yếu là ông cha ta đã có ý thức về tính độc lập, về lòng tự hào đối với trình độ văn hóa của một đất nước có nền văn hiến lâu đời. Với sứ giả - nhà thơ - từ chương hoa quốc có ý nghĩa bang giao thiết dụng là như thế.
Nguyễn Tông Quai với tư cách một sứ thần không những đã hai lần hoàn thành trọng trách của một nho thần trung tâm ái quốc, mà còn để lại hai giai tác Sứ trình tân truyện và Sứ hoa tùng vịnh, tiêu biểu cho thơ văn bang giao thời Lê Trung hưng. Đường đi sứ là Đường thơ. Ông xứng đáng là danh nhân văn hóa của cố đô Thăng Long trước hết là với thành tựu sứ giả - nhà thơ ấy.
Chú thích:
(1) Có sách đọc là Khuê 奎?. Chúng tôi đọc là Quai 乖theo bia Tiến sĩ ở Văn miếu và một số tập sử truyện.
(2) Vô tốn bất dị: không kém không khác so với văn hóa Trung Hoa.
(3) Dựa vào sử sách và nguyên chú có thể biết sứ bộ lên đường vào ngày 28/9 năm Nhâm Tuất.
(4) Bạch Cư Dị nhận chức Tư mã Giang Tây.
(5) Lời thơ ghi lầm là năm Giáp Tí (Bước sang Giáp Tí đầu xuân). Nay dựa vào lời thơ: “Cát cừu thay đổi kể vừa ba xuân”, cái mốc thời gian trong tác phẩm và ghi chép của một số sử sách, sửa lại cho đúng. Sứ đoàn này đi sứ trải qua 3 mùa xuân: Quý Hợi (1743), Giáp Tí (1744) và Ất Sửu (1745).
(6) Sau này, với Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) ta lại có lục bát về về đề tài đi sứ, nhưng là lục bát chữ Hán, ở tác phẩm Phụng sứ Yên đài tổng ca./.
(Tạp chí Hán Nôm, Số 2 (81) 2007; Tr. 3-10).
Ảnh: Trang đầu cuốn Sứ Hoa tùng vịnh.
*Tác giả: Giáo sư Bùi Duy Tân (20.10.1932 - 31.10.2009), Giáo sư cổ văn, ĐH Tổng hợp HN.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét