KHÔNG NÊN TÙY TIỆN QUY KẾT ĐỊCH -TA
GSTS NGÔ ĐỨC THỌ
Qua thông tin tóm tắt của TS Nguyễn Xuân Diện, những người quan tâm đại thể có thể hiểu được nội dung chính cuộc gặp của lãnh đạo TP Hà Nội với một số nhân sĩ trí thức tham gia biểu tình chống Trung Quốc xâm lược Việt Nam. Cuộc gặp này có được nói sơ sài đâu đó (An ninh Thủ Đô), còn các hãng nước ngoài hầu như đều có đưa tin. BBC coi cuộc gặp thể hiện thiện chí của chính quyền muốn đối thoại để lắng nghe ý kiến của người biểu tình. Việc này, phải nói đó là một điểm hơi sang sáng, đáng hoan nghênh. Giải quyết những vấn đề có ý kiến bất đồng trong nhân dân rất cần có một cách tiếp cận thực sự cầu thị đại khái như thế, nhưng…có lẽ là cần chân chất, thật tâm nhiều hơn nữa!
Ở chỗ này, không ra ngoài đề, nhưng tôi muốn mở rộng ra một chút: Giá như sớm hơn, từ cuộc thứ 3-4, hoặc 5-6 chẳng hạn, không ai khác, đích thân Chủ tịch UBNDTP dẫn theo vài người hỗ tòng, mở toang cổng chính, tươi cười đi bộ ra đứng xúm lại trò chuyện với mọi người. Có thể chính ông Chủ tịch cũng có quen biết vài người nào đó, ngay cả khi ông không quen ai, những người biểu tình thấy ông ra, từ xa họ đã vỗ tay hoan hô vang lừng. Ông đầy phấn chấn tiến đến thật chân tình bắt tay chào hỏi. Rồi, nếu mọi người đứng dưới sân thì ông đứng cao lên vài bậc thềm, cất tiếng trò chuyện chung với mọi người.
Một vị Chủ tịch Thành phố có dư lịch lãm để nói rất ngắn gọn, thể hiện sự đánh giá sáng suốt về những bức xúc đã khiến cho nhiều nhân sĩ trí thức thanh niên yêu nước phải cầm băng cờ, khẩu hiệu xuống đường. Người đi biểu tình không có mục đích nào khác ngoài việc muốn thể hiện một tiếng nói yêu nước để lãnh đạo các cấp quan tâm đến vấn đề chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc trước các hành động gây hấn của nhà cầm quyền Trung Quốc. Hiểu biết lòng dân như thế, nếu ông có đề xuất chỉnh sửa hợp lý nào đó thì những người biểu tình cũng sẵn sàng lắng nghe. Làm được như vậy, không những ông Chủ tịch sẽ để lại tiếng thơm mà những người thể hiện tinh thần yêu nước cũng không cảm thấy bị xúc phạm. Không cố tình so sánh để làm phật ý hai ông, nhưng rõ ràng Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh tỏ ra thấu tỏ lòng dân hơn khi ông ấy tuyên bố “không có chủ trương đàn áp các cuộc biểu tình yêu nước!”
Khi tướng Nhanh nói như vậy đang có vấn đề nổi cộm về hành động thô bạo của tay đại uý đạp mặt người biểu tình, nhưng phần đông người biểu tình thấy ông hiểu họ. Ai cũng hiểu câu nói của ông không có hàm ý cho người dân được tự do đi biểu tình, nhưng sáng tỏ trước công luận được một câu như vậy, nếu tôi là quan chức trong đảng thì tôi phải đánh giá tuyên bố của tướng Nhanh không những là có “tính đảng” cao vì không làm suy giảm sự tin cậy của nhân dân với Đảng, mà cũng rất được lòng dân. Chính vì lẽ đó, một vài hãng tin nước ngoài và trang mạng trong nước rất đề cao ứng xử của tướng Nguyễn Đức Nhanh.
Ở trên tôi có nói “Giá như”. Vâng, tướng Nhanh có đủ thông tin của ngành công an tình báo, không chỉ là mật vụ đặc tình, mà là cả “những người theo dõi công khai” đặt ngay tại chân cầu thang nhà tập thể của người đi biểu tình, như Phạm Xuân Nguyên. Có trong tay nguồn tin “sâu sát” đồ sộ như vậy, nếu có ai có âm mưu liên hệ gì với phản động nước ngoài, tất tướng Nhanh biết rõ đến chân tơ kẽ tóc. Nhưng không có, không hề có bất cứ yếu tố nào là “phản động” trong nước hoặc tố chức “thế lực thù địch” nước ngoài nào cả, cho nên tướng Nhanh mới mới tuyên bố như trên. Hẳn là tướng Nguyễn Đức Nhanh phải tin chắc nhận định của mình thì ông mới nói như vậy. Tướng Nguyễn Đức Nhanh phụ trách ngành CA của TP Thủ đô chứ không phải một ông cảnh sát khu vực cấp phường, cấp xã nào. Kết luận một hoạt động xã hội nói chung cũng như riêng về các cuộc biểu tình có hay không có yếu tố chống Đảng, chống chính quyền là một vấn đề rất hệ trong thuộc sứ mệnh cao cả của ông. Nếu ông nói sai sự thực, có địch mà không báo, thì Đảng sẽ nghiêm trị ông. Nhưng ông đã vượt qua, bỏ ngoài tai những suy diễn của kẻ này người nọ gán ghép vu vơ, kiểu suy diễn địch, ta mà chúng ta quá quen từ những vết thuơng cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức (1), để có câu tuyên bố đúng lương tâm, đúng sự thật như chúng ta đã biết (và cũng đã dẫn ra rất rõ ở bức ảnh in kèm bài này).
Cũng xin nói thêm một chút: giá như ông Nhanh nghĩ ngợi sao đó, đi đến chỗ không có địch mà bảo là có địch, thậm chí thêu dệt ra những “âm mưu”, “mạng lưới” nọ kia, thì không chỉ là gán ghép lâm thời cho các cuộc biểu tình, mà sẽ còn xoay chuyển hết trọng tâm của các ngành nội chính vào việc thanh trừng nội bộ, thanh trừng nhân dân, đấu tố quy chụp, đối phó trấn áp quân địch v.v… thì đất nước ta đang thanh bình là thế, bỗng dưng sẽ chao đảo tán loạn, không giống hẳn thì cũng na ná như bên Tàu hồi “Đại cách mạng văn hóa vô sản” với bè lũ bốn tên!
Không phải “giá như”, mà thực sự đã có người nói cái ý hiểm độc ấy trong một cuộc họp có người lãnh đạo cao nhất của Đảng, có ông dự họp khái quát tình hình tư tưởng hiện nay có tình trạng “da báo” (2). Đáng tiếc rằng người “phát biểu” (tâu) như vậy lại không phải là đại diện của ngành công an hay quân đội, mà là một ông “văn…gừng”!
Nếu tướng Nhanh cũng theo cách suy diễn ấy thì vai trò của ông sẽ trở nên đặc biệt quan trọng, rồi sau này dẹp tan đựoc “phản loạn” công lao của ông cao vút, đặc quyền, đặc lợi không biết để đâu cho hết! Không phải là tôi suy diễn hư cấu ra, thực tiễn của ta đã vấp không ít vụ như thế (Cải cách ruộng đất, Chỉnh đốn tổ chức, Nhân văn giai phẩm, vụ xét lại chống Đảng 1968 v.v…hầu như bắt ép phải tìm cho ra yếu tố “địch”. Tôi không quen biết hoặc có “tình trước, ý sau” gì với tướng Nhanh cả, nhưng có thể nghĩ rằng, nếu vụ này ngành của tướng Nhanh “bơm” lên chút cho vừa “đô” của những kẻ hiếu sự (như tay mách qué Nguyễn Việt nào đó), rồi báo lên cấp trên nữa, rồi huy động cả bộ máy chính trị vào việc thanh trừng không chỉ ở Hà Nội mà trên toàn quốc thì…hỡi ôi, không biết non sông đất Việt này còn chịu đựng được đến mức nào?
Nhưng tướng Nguyễn Đức Nhanh không làm như vậy! (Chỉ những kẻ gian xảo máu Hồng vệ binh mới mong như vậy). Ông tuân thủ nghiệp vụ, nói đúng thực, không suy diễn để mưu lợi riêng!
Bên CA đã nhận định như thế, đối với ai khác thì có thể không được biết, nhưng với ông Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị và ông Chủ tịch thành phố Nguyễn Thế Thảo thì có thể tin chắc là tướng Nhanh đã báo cáo hàng tuần.
Vậy thì, cái điều tôi giả định mở toang cửa nói trên, đáng lẽ ông Nguyễn Thế Thảo phải làm lâu rồi, nhất là sau khi tướng Nguyễn Đức Nhanh, người phụ trách cơ quan chức năng nghiệp vụ đã đánh giá thế rồi, tức là ông Chủ tịch Thành phố có cơ sở để cởi mở hơn với dân (vì không có địch). Nhưng như đã thấy, ông đã chọn một cách phản ứng khác có tính toán hơn. Thay vì đi bộ ra trò chuyện với người biểu tình, ông đã cho gọi thư ký thảo ngay văn bản yêu cầu chấm dứt biểu tình. Không nói “cấm” mà nói yêu cầu “chấm dứt” (một biên pháp tu từ) để kịp thời ngăn chặn cuộc biểu tình ngày 21-8.
Nội dung bản dự thảo gợn lên điều gì đó khiến ông cảm thấy có phần băn khoăn, e ngại, cho nên ông không muốn ký tên. Ông chỉ thị, hoặc đồng ý cho Văn phòng Ủy ban đóng dấu treo, đăng ở trang thông tin mạng của Ủy ban Thành phố. Ai tham mưu cho ông cách làm này sẽ bàn sau, nhưng nói ngay với cách đóng dấu treo không có chữ ký ấy: Treo thăm dò thế đã, nếu nội dung có gì quá đáng, bị cấp trên hỏi đến, thì ông lập tức đỗ lỗi cho Văn phòng chưa được lệnh của ông, như cách ông Đào Duy Quát đổ lỗi cho “cậu đánh máy” dạo nào. Còn đối với những nơi cần thi hành cấm biểu tình thì tất nhiên ông đã có những công văn chỉ thị hợp thức.
.
.
Hơi lạ. Ngôn từ của bản Thông báo phải thuộc loại ngôn từ chức năng “mệnh lệnh”, nhưng người hoặc bộ phận tham mưu giúp việc đã chuẩn bị cho ông một mở đầu có màu sắc như một “chuyên luận sử học” (!), có “phân kỳ” “phân đoạn “ hẳn hoi! Thông báo chia các cuộc BT làm hai giai đoạn là : “những ngày đầu” và “những ngày gần đây”, (Chứ không phải ba giai đoạn “ Phòng ngự, Cầm cự, Tổng phản công!). Đầu là đầu tháng 6-2011 rõ rồi, còn “những ngày gần đây” là bắt đầu từ ngày nào đến này nào, không rõ, sử mà không có ngày?
Cái này là cả “đọi máu” chứ không phải viết khơi khơi như thế được! Bởi vì “những ngày đầu” được coi là tự phát, “xuất phát từ tinh thần yêu nước và tâm lý bức xúc của quần chúng nhân dân”. Còn “những ngày gần đây” là một giai đoạn khác, bị coi là có “các thế lực chống đối nhà nước Việt Nam trong và ngoài nước: đã và đang kêu gọi, kích động, hướng dẫn quần chúng biểu tình, tuần hành gây mất an ninh trật tự ở Thủ đô”.
Đây là chuyện rất hệ trọng liên quan đến đối sách của Nhà nước đối với an ninh quốc gia, chứ không phải chuyện lời nói gió bay của ông Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo. Dù ông có từ chối câu nói đó thì văn bản còn kia (nếu ông cần thì cho khắc bia, cũng rẻ thôi!), và trong cuộc gặp một số nhân sĩ, trí thức ngày 27-8 vừa qua, ông cũng không phủ nhận.
Để suy xét việc này cần phải đặt ra 2 khả năng:
- Thứ nhất là: Phải chăng ngay tại Thủ đô Hà Nội dưới quyền cai quản của ông Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đã có “các thế lực chống đối nhà nước Việt Nam” (nhiều chứ không phài một vì có dùng chữ “các”)? Vấn đề như thế không thể không coi là hệ trọng, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, vì sao không hoặc chưa thấy thông báo chính thức nào của Bộ Chính trị hoặc Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội? Thay vào đó lại được đưa ra một cách tuỳ tiện trong một văn bản không ai chịu trtách nhiệm chính trị? Rồi sau một cuộc gặp thoải mái nhẹ nhàng, đã thấy kẻ địch biến đâu mất rất nhanh.
- Thứ hai là: Không có cái nguy cơ “ảo”, “các thế lực chống đối” như đã nêu trong Thông báo, mà chỉ có sự thật như Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh đã đánh giá và thông báo cho công luận trong và ngoài nước đều biết.
Mà cũng lạ, nếu quả thật có nhiều thế lực thù địch chống đối nhà nước như thế thì tại sao chỉ mới có một cuộc gặp rất lịch sự của lãnh đạo thành phố với vài vị nhân sĩ trí thức sáng 27 tháng 8 vừa qua mà ngay Chủ Nhật 28 tháng 8 khu vực quanh Hồ Gươm đã yên ắng ngay, không còn một cuộc biểu tình yêu nước chống Trung Quốc gây hấn xâm lược nào? Vậy thì các “thế lực chống đối” chạy rạt đâu cả, hay bị bắt, bị diệt hết rồi? Đó là chỉ nói đến ý kiến của hai vị có chức trách cao nhất về mặt chính quyền của TP Hà Nội – còn như những tiếng “đế” kiểu vu vạ đấu tố thêm ở báo Hà Nội Mới, An ninh Thủ Đô và Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội về vụ việc này thì không đáng phải nói đến.
Tôi là một người dân, không dám nói trí thức, trí ngủ gì cả, thực sự có suy nghĩ như trên, rất mong các lãnh đạo Đảng và Nhà nước thật tâm coi trọng vấn đề, không nên để những người có trách nhiệm quá tuỳ tiện trong những vấn đề quy kết địch, ta. Sai lầm của Stalin và Đảng Cộng sản Liên Xô những năm sau chiến tranh Thế giới Thứ hai cho rằng, Chủ nghĩa Xã hội càng thắng lợi thì các thế lực thù địch càng chống đối quyết liệt; những đấu tố trong cái gọi là Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản ở Trung Quốc cho ta những bài học sát sườn. Mà ngay cả ở nước ta nữa cũng đã có những kinh nghiêm xương máu: sai lầm quy chụp lung tung, đâu cũng có địch trong cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức và một số vụ khác nữa.
Nếu không cẩn thận, kiểu sai lầm ấy dễ có nguy cơ lặp lại với những mức độ khốc hại hơn nữa cho nhân dân và ngay cả với chính sự nghiệp cách mạng của Đảng. Người giữ trọng trách lớn rất nên thận trọng, chân thực, không cường điệu, bóp méo và có tinh thần trách nhiệm rất cao khi đánh giá quan hệ địch – ta.
Chú thích:
(1) Chỉnh đốn tổ chức: gần đây ít người nhắc đến, nó đi liền với cải cách ruộng đất.
(2) Da báo: là tình hình địch, ta xen kẽ như da con báo. Từ này trước đây báo chí thường dùng để chỉ thực trạng Miền Nam VN sau khi ký Hiệp định Paris 1972, đan xen loang lỗ các vùng kiểm soát của CQ MNVN và CQ MTDTGP. Có người quên hoặc không biết từ này, nên viết nhầm là “ra báo” túc xuất bản báo chí! Không phải thế!
Nguồn: Ba Sàm.
Cháu xúc động quá. Lời Giáo sư viết thật rõ ràng,dễ hiểu, đầy lý và tình. Cháu cảm ơn Giáo sư rất nhiều.
Trả lờiXóaKính phục! Bái phục!
Trả lờiXóaTrân trọng.
Tôi có một đề nghị như thế này: TT Philippines đang có chuyến sang thăm TQ trong đó có việc bàn với TQ cùng hợp tác thăm dò dầu khí tại Trường Sa. Việc này bị các phe đối lập tại Philippines phản đối. Đối với VN chúng ta việc thăm dò dầu khí không chỉ vi phạm chủ quyền về lãnh hải mà quan trọng là TT Philippines đang đánh đu trong quan hệ với TQ. Trước đây chính ông ấy là người mạnh miệng nhất trong khối Asean về hiểm họa TQ và yêu cầu Asean là một trong việc chống hiểm họa bá quyền của TQ. Vậy đề nghị các nhân sĩ trí thức nếu có thể hãy viết một lá thư ngõ gửi ông TT, Quốc hội và nhân dân Philippines để nói rõ bản chất gian xảo của nhà cầm quyền TQ và những kinh nghiệm xương máu của VN khi quan hệ với TQ.
Trả lờiXóaLà thương binh giải phóng miền Nam hạng A loại 2/4 xuất trình thẻ ngưỡng mộ tiếp tế cho đoàn biểu tình yêu nước bị bắt 21/8 chẳng những không được vào mà còn bị cấp dưới ông Nhanh xua duổi, bắt tạm giam, đánh đập cạo trọc đầu, tạm giam chờ khởi tố chống người thi hành công vụ .
Trả lờiXóaÔng Thảo , Ông Nhanh , Hoặc Ông Trong huyện trưởng công an Từ Liêm ai ứng xử có tầm có tâm với dân đây thưa giáo sư Thọ ?
Một số phần tử xấu đang lợi dụng diễn biến các cuộc biểu tình yêu nước của nhân dân để quy chụp, phá hoại đảng ta khi dùng những từ rất xa lạ như thâm độc, nọc độc, phản động, kích động, mất lập trường. Những từ này chỉ có ở thời kỳ Đại cách mạng văn hóa Trung quốc năm 66 - 76, thật là nguy hiểm.
Trả lờiXóaBài Bác Thọ viết khá tốt, chắc cũng suy nghĩ nhiều và sâu, Bác là người điềm đạm mà. theo tôi CQ cũng đã hiểu rồi và có cư xử như vậy cũng chấp nhận được, và cũng có hiệu quả. Chúng ta nên đi theo hướng góp ý theo kiểu Bác là phương án hay nhất,
Trả lờiXóaBài viết bình tĩnh quá (ung dung tự tại, phải rất hiểu việc mình làm là đúng mới có). Tĩnh tâm phát biểu đến mức có một tên khốn học cùng lớp chúng ta (thời 1963-1967, Văn khóa 8)viết lách nhăng cuội, lếu láo đến thế (VDT) mà bác Thọ cũng không thèm nhắc tới, đủ hiểu... Cao cường, thập ban võ nghệ tinh thông thật (dân Hán Nôm có khác). Nể.
Trả lờiXóaChuyện tuỳ tiện quy kết, chụp mũ địch, ta là căn bệnh từ CCRĐ đến nay vẫn chưa điều trị dứt. Nó thường diễn ra trong những bối cảnh "có vấn đề". Nhớ thời kỳ đ/c Phạm Thế Duyệt,Uy viên BCT- Tr Ban Dân Vân TW được BCT cử làm tổ trưởng Tổ CT đặc biệt về xem xét một số nơi ở Thái Bình nổi lên biểu tình, bắt giam cán bộ cơ sở...Khi về, BCT hỏi:"Theo đ/c có địch không?". Rất may,đ/c PTD trả lời:" Theo tôi chỉ có dân chứ không có đich". Vì vậy mà quan điểm xử lý của TW hoàn toàn khác. Nhưng hiện nay, một sỗ kẻ lợi dụng quy chụp như vậy để nguỵ biện cho hành vi vi phạm dân chủ, chuyên quyền, độc đoán, trả thù cá nhân...Đảng không cảnh giác thì chẳng biết có bắt được địch không nhưng nguy cơ mất dân là cái chắc!
Trả lờiXóaXin bổ túc
Trả lờiXóaTrong Nam ngoài "da báo","da beo"
Còn "xôi đậu" nũa đó nha !
TH
Đây là cách xử lý theo kiểu "dao động hình sin". Tuần này các bác ở đáy (bị bắt bớ, hay đạp vào mặt), tuần sau các bác sẽ lên đỉnh (được gặp gỡ động viên hoặc đánh giá là "mang tính chất yêu nước").
Trả lờiXóaTôi thật trân trọng bài viếi của GSTS Ngô đức Thọ,ông viết thật lý tình "thấu dáo",như thể NHẮC mọi người(hơn thế nữa những người làm quan)nhìn nhận "sự vật hiện tượng" sao cho đúng bản chất và từ đó RA các quyết sách ĐÚNG ĐẮN hợp lòng dân.
Trả lờiXóaChiến tranh đã xa rồi(dĩ nhiên không thể quên bài học đau thương đó...)chúng ta nên HÒA HỢP,không phân biệt quá BÊN NÀY BÊN kia,mà bên nào cũng mất mát ĐAU THƯƠNG...Không nên cứ bị ÁM THỊ-NGI NGỜ lúc nào cũng có GIẶC bên cạnh mọi công việc xã hội(cảnh giác thái qúa,coi thường nhân dân).Tôi thấy QUY CHỤP ông NGUYÊN NGỌC;NG QUANG A;NGUYỄN XUÂN NGUYÊN;NGÔ ĐỨC THỌ;HUỆ CHI;NGUYỄN TRỌNG VĨNH..v.v đi BT hay KIẾN NGHỊ là do sự kích động của "thế lực thù địch" là HOANG ĐƯỜNG-ẤU TRĨ-BÔI NHỌ theo kiểu dùng UY QUYỀN mà ÁP ĐẶT.Nếu đúng như vậy thì hãy CÔNG KHAI cho dân biết Thế lực nào xúi dục? ai nhận 100.000đ/lần biểu tình?nếu không có không nên suy diễn NÓI KHÔNG LÀM CÓ...Nay nhân dân đã QÚA HIỂU "trò này" rồi!!!Cám ơn GSTS NGÔ ĐỨC THO.
Các bác cứ nóng!
Trả lờiXóaKhông có địch thì chắc rồi, vì nếu có thì đã bị xử lý ngay tắp lự, mọi người biểu tình đều an toàn cả!
Nhưng chắc phải "rút lưỡi" mấy cha viết bậy,gây loạn đến nơi, nguy hiểm quá!
Bài viết như liều thuốc chữa đúng bệnh !
Trả lờiXóaTôi rất tán đồng :giải quyết việc gì cũng phải THẬT với dân.(chỉ KIÊN QUYẾT KHÔN KHÉO VỚI KẺ THÙ )
Nhưng khốn nỗi ,chính sách ban hành sáng như ban ngày, mà cấp dưới thi hành vừa tối tăm vừa ỷ quyền , tăc trách .
Tỷ như ông Nhanh đã nói :"không đàn áp ngươif biểu tình yêu nước " ,vậy mà người dân biểu tình vẫn bị đạp mặt,bị đấm đá...
Vậy muốn THẬT với dân ,cần chú ý tới cấp dưới ít nhất giải quyết hai vấn đề :
- NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ
- XỬ PHẠT NGHIÊM
Giả sử có địch lợi dụng thì đấy không phải do người biểu tình gây nên. Người biểu tình chống Trung Quốc không liên quan gì đến bọn người chống cộng cực đoan luôn hò hét nọ kia ở hải ngoại. Mà người đi biểu tình cũng làm sao cấm họ hò hét được. Người đi biểu tình chống xâm lược không phải chịu trách nhiệm về các thế lực thù địch (nếu có) đó. Thuốc chữa bệnh luôn có tác dụng phụ, lỗi đâu ở người dùng thuốc mà cấm người bệnh uống thuốc? Còn nếu tác dụng phụ lớn hơn cả tác dụng chữa bệnh thì bác sỹ khuyến cáo tạm ngưng. Tức là ông chủ tịch thành phố nói chuyện với người biểu tình là xong, cần gì phải bắt bớ, quy chụp, thóa mạ, bôi xấu, làm nên một chiến dịch khủng khiếp như vậy?
Trả lờiXóaCám ơn GS Ngô Đức Thọ về bài viết rất có giá trị giúp vạch mặt những âm mưu hãm hại người yêu nước.
Trả lờiXóaRõ ràng là những người quy chụp này có ý đồ xấu. bước 1 họ quy chụp cho những “tội danh” không có, để dọn đường cho bước 2 là đàn áp. Nhưng rõ ràng đây là bọn xấu, bọn vu khống.
Khi chưa có bằng chứng thì tuyệt đối không được gán những tội danh không có.
Tướng Nhanh đã gọi rất chính xác rồi. Không đàn áp người yêu nước. Đề nghị ngành công an làm rõ để toàn dân biết, và để trả lại tiếng thơm cho những người yêu nước.
Cần phải đập lại ngay những âm mưu chụp mũ hiểm độc này. Rõ ràng có kẻ muốn chia rẽ người yêu nước với Đảng và Nhà nước.
Phải chửi mẹ thằng bán mũ!
Họ cố kết luận trong dân có nhiều địch để họ có việc làm và họ sẽ có nhiều công vì bắt,diệt được nhiều "địch".
Trả lờiXóaMột bài phân tích nhỏ, nhưng nói lên được khá nhiều vấn đề ,trong đó có sự bất nhất giữa các lãnh đạo các ngành liên quan. Chính trị là món "cháo lưỡi", sợ quá, ko biết nghe vào đâu được. Phải có những bài viết như thế này mới sáng tỏ nhiều điều.
Trả lờiXóaCám ơn Giáo sư, cảm ơn TS đã đưa bài này lên.