Thứ Ba, 2 tháng 12, 2014

BÀI 4: MỘT BẢN GIA HUẤN 45 CHƯƠNG KHẮC TRÊN ĐÁ

HAI TẤM BIA VỀ NINH NGẠN 
VÀ CUỐN "VŨ VU THIỂN THUYẾT" CỦA ÔNG
Hoàng Lê
.
Trước nay, giới nghiên cứu còn rất dè dặt đối với Ninh Ngạn. Lược truyện các tác gia Việt Nam, (Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1971) cũng như Thư mục Hán Nôm (Thư viện Khoa học xã hội, 1969, in rônêô) không nhắc tới tác giả này. Gia phả giòng họ Ninh ở Ninh Bình có ghi nhận ông viết Vũ Vu thiển thuyết Phong vịnh tập. Nhưng cho tới nay, cả hai tác phẩm đó đều không còn văn bản.

Vào năm 1976, khi nghiên cứu biên dịch cuốn Thơ văn Ninh Tốn (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1984) chúng tôi đã chú ý đến nhân vật này, vì ông là thân sinh của Ninh Tốn. Khảo sát trên địa bàn huyện Tam Điệp, tỉnh Hà Nam Ninh ngày nay (trước kia là huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) chúng tôi phát hiện được nhiều bia nói về họ Ninh(1). Trong số các bia đó, có 2 tấm bia rất đáng lưu ý: một là bia Dã Hiên tiên sinh mộ biểu, một bia khác là Vũ Vu thiển thuyết. Các bia này chưa có trong số 21.000 thác bản hiện lưu trữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

1. Bia Dã Hiên tiên sinh mộ biểu tạo vào năm Cảnh Hưng thứ 42 (1781) để ở từ đường họ Ninh, xã Yên Mỹ, huyện Tam Điệp; khổ bia 1x1,60m, chạm lưỡng long chầu nguyệt ở trán bia; 2 mặt bia đều khắc chữ, có 26 dòng từ 1 đến 37 chữ. Người soạn văn bia là Tiến sĩ Vũ Huy Đĩnh.

Qua bia này, chúng ta được biết khá chi tiết về Ninh Ngạn, hiệu Dã Hiên, Hy Tăng Cư Sĩ: Ông sinh năm Ất Mùi, Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715), mất năm Tân Sửu, Cảnh Hưng thứ 42 (1781). Tổ 8 đời nguyên quán ở Ninh Xá, Vọng Doanh, đến khai hoang lập ấp ở Côi Trì, Yên Mô từ đời Lê Hồng Đức. Bốn đời trước chuyên nghề nông, sau đó mới có người học hành, thi đỗ, thông thạo nho, y, lý, số. Bố đỗ Hương cống, làm quan huyện ở Quảng Bình, được ấm thụ Đông các đại học sĩ do con trưởng đỗ Hoàng Giáp làm Thừa Chi.

Ông thông minh đĩnh ngộ, học hành và xử thế tốt, 24 tuổi vào trường Quốc học, đỗ Cử nhân năm 36 tuổi, thi Hội không đạt. Năm 45 tuổi được bổ làm Hiến phó tán chức do trước đó có công triệu tập hương dũng tiểu phỉ ở Bồ Xuyên giúp dân sống yên ổn. Sau nhiều lần thi Hội không đạt, ông về ẩn ở Vũ Vu, đem điều hiểu biết viết thành sách Vũ vu thiển thuyết Phong Vịnh tập. Ông tuy sống nơi thôn dã nhưng vẫn chú ý giáo dục học trò, đem điều nghĩa cổ vũ văn hội, đặt lệ nuôi các bậc kỳ lão, đề xuất việc khai hoang khẩn hóa, vạch rõ cương giới ruộng đồng, mở chợ để dân trao đổi nông sản và đoàn kết hương thôn. Dân trong vùng có điều gì mắc mớ đều đến hỏi ông, và răm rắp tuân theo lời răn bảo. Trong gia đình, khi người anh cả mất, ông nuôi dạy các em, thờ cha mẹ một niềm hiếu kính. Vợ chết, ông nuôi dạy con rất chu đáo cho đến khi thành người hữu ích cho xã hội. Ninh Tốn được tiến triều giữ chức Tri bình phiên thăng Hiến sứ Sơn Nam, ông có thư khuyên bảo con. Năm Canh Tý (1780) ông được thụ Hàn lâm viện Thị độc. Năm sau, biết mình sắp mất, ông làm câu đối tự viếng và gọi con cháu đến dặn dò. Thọ 67 tuổi.

2. Bia Vũ Vu thiển thuyết
 
Tạo năm Cảnh Hưng thứ 42 (1781). Bia hiện để tại từ đường họ Ninh ở Yên Mỹ, Tam Điệp, Hà Nam Ninh. Khổ bia 1,20m x 1,60m, hai mặt khắc chữ. Mỗi mặt gồm 31 dòng, mỗi dòng trung bình từ 6 đến 53 chữ. Tổng cộng 2889 chữ. Trán bia chạm rồng và mặt trời. Nội dung bia có 3 phần:

+ Phần 1: Lời dẫn, Lời đề của Ninh Tốn giới thiệu tác giả Ninh Ngạn và tác phẩm Vũ Vu thiển thuyết, trong đó, có những đoạn như sau:
“… Tốn tôi vâng lời di huấn, thẹn nỗi chưa làm theo được hết, bèn tự tay chép sách của Người vào đá rồi thuê thợ khắc, để chỉ bảo cho những ai trong đám con cháu mà muốn cầu đạo” (Tốn phụng thừa di huấn, quý vị tận hành. Nãi thử tả kỳ thư vu thạch nhiên công khắc chi, dĩ thị tử tôn chi cầu đạo giả).

“… Cha ta phong tư cao mại, coi khinh giầu sang, chí bền chẳng đổi. Ở ẩn học đạo, làm thần thảnh thơi, điềm tĩnh tu dưỡng hơn 20 năm. Về già bỗng siêu ngộ: Đạo chứa trong thân, xử sự ứng vật thảy đều ở trong. Họ hàng làng mạc đều chịu ơn người, xa đến châu quận, gương lớn đều noi. Người đem tâm đắc viết sách, đặt lời, nhan đề Thiển thuyết để dạy cháu con rằng: “Ta bình sinh đem hết sức học nêu ở những điều này. Nếu làm được như lời ta dạy, cũng có thể không phải hổ thẹn”. Lời dạy của Người còn đó, ngày nào dám quên. Kính xét tập đó của Người có 45 chương. Anh em chúng ta đều phải lấy điều dạy sáng suốt đó mà giữ cho thân ta được trọn vẹn và cho các con cháu nữa”. (Duy ngã đại nhân cao mại chi tư, trần thị di tâm thái, trầm tiềm hàm dưỡng dư nhị thập tải, vẫn niên siêu ngộ: đạo tích quyết cung. Xử xự ứng vật tất do hồ trung. Tông tộc hương đảng hàm hóa kỳ đức, viễn cập châu quận mạc bất phi thức. Thường dĩ sở đắc trước thư lập ngôn, mệnh danh Thiển thuyết, lưu huấn nhi tôn viết: “Ngã bình sinh lực học tại thị. Năng hành ngô ngôn, diệc khả vô quý”. Di giáo tại nhĩ, hà nhật cảm vong. Cần án thi tập tứ thập ngũ chương. Phàm ngã huynh đệ, công thủ minh huấn, chu toàn thử sinh dĩ cập tự dân).

+ Phần 2: Khắc toàn văn bộ sách Vũ Vu thiển thuyết gồm quyển thượng, 24 chương và quyển hạ, 21 chương. Tổng cộng là 45 chương.

Dưới đây, xin tóm tắt nội dung của các chương như sau:

Chương 1 và 2: Bàn về chữ Hiếu, cách đánh giá, thế nào là hiếu, là bất hiếu.
Chương 3: Quan hệ giữa nuôi và dạy con cái trong gia đình.
Chương 4 và 5: Bàn về chữ Trung, nội dung và biểu hiện của lòng trung.
Chương 6 và 7: Bàn về quan hệ vợ chồng.
Chương 8: Bàn về điều Nhân.
Chương 9: Bàn về chữ Tín.
Chương 10: Bàn về đạo làm người.
Chương 11: Biện luận về “dục chướng” và “lý chướng”. Quan hệ giữ “Lý” và “Đạo”.
Chương 12: Giải thích về “bệnh thể” và “bệnh tâm”. Ba loại bệnh tâm là “giầu”, “sang”, “thọ”.
Chương 13: Coi điều thiện làm thầy. Ai có điều thiện, dầu là kẻ dưới, đều nên coi là thầy mà học.
Chương 14: Những biểu hiện khác nhau của Lý, áp dụng trong các mối quan hệ xã hội khác nhau.
Chương 15: Người quân tử với điều nhân.
Chương 16: Cái lý trong Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.
Chương 17: Kinh và Quyền, hai mặt thống nhất giữa Kinh và Quyền.
Chương 18: Bàn về Đạo học của Tống Nho. Những hạn chế của nó.
Chương 19: Những hạn chế của danh thần đời Tống như Hàn Kỳ, Tư Mã Quang… là không biết nghe người dưới.
Chương 20: Quan hệ giữa Trí thông minh và Tâm cầu đạo.
Chương 21: Hành động theo quy luật tự nhiên.
Chương 22: Quan hệ giữa “Nghĩa” và “Lợi”.
Chương 23: Dùng khách quan để đối chiếu lại mình, sửa bệnh chủ quan.
Chương 24: Học không nệ cổ, không hùa theo tục.
Chương 25: Chuyên tâm làm điều thiện.
Chương 26: Những biểu hiện thiên hình vạn trạng của Lý, công hiệu của Lý.
Chương 27: Vấn đề “lập đức”.
Chương 28: Bàn về “liêm” và “trực”; “Bán liêm” và “Bán trực”.
Chương 29 và 30: Làm điều tốt không cốt ở tiếng khen, đánh giá người phải xét lời nói và việc làm.
Chương 31 và 32: Vấn đề tu dưỡng đạo đức, lập thân, lập danh.
Chương 33 và 34: Những điều cần tránh: Rượu chè cờ bạc, sắc dục, lười biếng, nói năng khinh suất.
Chương 35: Làm thiện gặp thiện, làm ác gặp ác.
Chương 36: Vấn đề thành kính trong tế lễ.
Chương 37 và 38: Bàn về xét mình, sửa mình, làm điều thiện, tránh điều ác.
Chương 39: Bàn về sống và chết.
Chương 40: Bàn về vinh và nhục.
Chương 41: Quan hệ giữa thân và đạo.
Chương 42: Bàn về “dụng tâm” và “vô tâm”, “cố kết” và “cảm hóa”.
Chương 43: Nhận xét về Thuấn, Cổ Tẩu và Tượng.
Chương 44: Quan hệ giữa giầu sang và nghèo hèn với Đạo.
Chương 45: Bàn về “khí”, về “âm dương” về “tri giác”. Những biểu hiện muôn vẻ của “khí”.

+ Phần 3: Lời bạt của tiến sĩ Chu Doãn Lệ, hiệu Hy Thích, người Dục Tú, Đông Ngàn (nay thuộc Đông Anh, ngoại thành Hà Nội) đỗ cùng khoa với Ninh Tốn. Trong lời bạt, Chu Doãn Lệ nói rõ lai lịch của Vũ Vu thiển thuyết, động cơ của Ninh Ngạn khi viết tác phẩm, và đánh giá rất cao bộ sách: “Người đời nay học mà biết nói đến nghĩa lý quả là rất hiếm. Thảng hoặc có đi nữa thì cũng thường là người thiển cận, bị hạn chế ở chỗ đứng thấp. Người cao xa thì bị đắm đuối vào chỗ viển vông, người khéo léo thì cố đi vào gọt rũa mài đẽo, chứ chưa hề có ai nói gần mà chỉ được xa, lời không phiền toái rườm rà mà lý rất rõ như ở Vũ Vu thiển thuyết.
 
Trên đây, chúng tôi đã giới thiệu tóm tắt Ninh Ngạn và cuốn Vũ Vu thiển thuyết của ông qua hai tấm bia được lưu giữ trên 200 năm nay(2). Điều đáng chú ý là cả bộ sách gồm 2 quyển, với 45 chương được khắc vào bia đá, có cả lời dẫn, lời đề và lời bạt. Đây thật là loại bia hiếm thấy ở Việt Nam. Nhờ tấm bia này mà ngày nay chúng ta mới có cơ sở chắc chắn để phục hồi lại cuốn sách tưởng chừng như đã mất và hiểu thêm về một tác giả sống giữa giai đoạn lịch sử đầy biến động cuối thế kỷ XVIII.

Chú thích:
(1) Bia Hoàng giáp công bản truyện, Hoàng giáp công từ bi ký nói về Ninh Địch là bác của Ninh Tốn; Bia Dã Hiên tiên sinh mộ biểu nói về bố của Ninh Tốn v.v. (2) Xem ảnh Vũ Vu thiển thuyết thượng Vũ Vu thiển thuyết hạ. Nhân đây xin cảm ơn ông Ninh Văn Cân đã bảo vệ 2 tấm bia này và tạo điều kiện cho chúng tôi khai thác, giới thiệu.

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, số 1 năm 1989.

5 nhận xét :

  1. đề nghị bác Diện đăng tòan bộ VŨ VU THIỂN THUYẾT để mọi người được biết tinh hoa của ông cha tiên tổ

    Trả lờiXóa
  2. Hay quá,
    Nếu được đọc toản bộ bản dịch này...
    TH

    Trả lờiXóa
  3. Chỉ đọc tóm tắt nội dung Vũ Vu thiển thuyết và lời bạt của Tiến sĩ Chu Doãn Lệ thôi là đã phải nghiêng mình trước Hy Tăng Cư Sĩ Ninh Ngạn rồi!

    Lạy Trời! Lạy anh linh tiên tổ! Những viên ngọc vô cùng quí giá như thế này trong kho tàng văn hóa tiền nhân, xin cho thế hệ chúng con xứng đáng được bừng sáng đôi mắt để nhận ra và làm sống động lại cái Đức Sáng của ngàn đời!

    Trả lờiXóa
  4. Mình cũng hy vọng được bác Diện đăng tòan bộ VŨ VU THIỂN THUYẾT để mọi người trong chúng ta được bừng sáng lên...

    Trả lờiXóa