Thứ Ba, 2 tháng 12, 2014

BÀI 2: NHỮNG LỜI VÀNG TRÊN ĐÁ

Những lời vàng trên đá
Nguyễn Xuân Diện

Lâu nay chúng ta biết các dòng họ thường có quyển gia huấn, viết bằng chữ Hán Nôm, được lưu truyền trong gia đình, gia tộc. Nói đến gia huấn, người ta vẫn nghĩ đến một cuốn sách giấy dó, trên viết chữ Hán Nôm, ít người biết gia huấn còn được khắc trên đá.
 

Đó là những quyển sách đá ghi những lời vàng ngọc của tổ tiên truyền dạy lại, trải mấy trăm năm còn ngời nghĩa nhân, đạo lý. Bài này giới thiệu về những quyển gia huấn bằng đá đặc biệt, của một số dòng họ đặc biệt. Tất cả các văn bia này đều đang được các dòng họ trân trọng gìn giữ và đều có bản in rập đang được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.  

Tại miếu làng Tiên Điền của thi hào Nguyễn Du, xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh vẫn còn tấm văn bia Tích thiện gia huấn bi ký. Văn bia do Tiến sĩ Nguyễn Nghiễm soạn năm 1765, khi ông đang giữ chức Binh bộ thị lang. Văn bia ghi lại lời dạy của ông đối với con cháu trong gia tộc, khuyên giữ gìn gia phong, tu dưỡng đạo đức, dốc sức làm việc thiện để vun trồng cội phúc, làm gương cho hậu thế.

Có lẽ vì phúc ấm tổ tiên và lời vàng của tổ tiên đời trước được đám cháu con ghi nhớ mà gia đình họ Nguyễn Tiên Điền này đã có nhiều người được nắm giữ nhiều trọng trách của triều đình. Phạm Đình Hổ dành cả một bài để viết về sự “vinh hoa phú quý đến cực điểm “Nhà họ Nguyễn ở Tiên Điền” trong sách Vũ trung tuỳ bút

Khi Nguyễn Khản, con trai của Nguyễn Nghiễm thi đỗ Tiến sĩ, ngày ban yến ở nhà khánh tiết của bộ Lễ, chính cha mình bấy giờ là quan Tư đồ Nguyễn Nghiễm (một trong ba chức quan cao nhất trong triều) tự tay gài bông hoa vàng lên mũ cho con. Người đương thời truyền tụng như một câu chuyện đẹp và hiếm hoi ở đời. Ngày nay, vào thăm nhà Thái học Văn Miếu Hà Nội vẫn còn gặp lại những di vật của Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm. Đó là bút tích bức hoành phi “Cổ kim nhật nguyệt” do tự tay ông viết, là quả chuông Bích Ung do ông hưng công việc đúc chuông. Và sân bái đường vẫn còn hai cây đại cổ kính, mà ngày xưa do tự tay ông trồng trong một lần ghé thăm Văn Miếu. Và điều lớn lao nhất mà Nguyễn Nghiễm để lại cho lịch sử dân tộc là đã sinh ra thi hào Nguyễn Du - tác giả của kiệt tác Truyện Kiều bất hủ. 

Tại nhà thờ họ Nguyễn ở xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc có tấm bia Tân san gia huấn bi, trên khắc bài văn bia do Phạm Vĩ Khiêm soạn năm 1767, khắc rõ 10 điều gia huấn, khuyên con cháu: Giữ lòng ngay thẳng, chăm chỉ học hành, hiếu thuận nhân từ, ăn ở kính nhường, vợ chồng hoà thuận, cung kính đôn hậu, bạn bè tin cậy, hoà mục với láng giềng, phụng dưỡng cha mẹ, chăm chỉ nghề nghiệp. 

Nhà thờ họ Vũ, xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên có tấm bia Miễn tử tôn cần học thi, tạc năm 1660, khắc bài thơ Đường luật và đôi câu đối khuyên con cháu cần cù học hành để mang lại tên tuổi vẻ vang và lập thân. Bài thơ khuyên con cháu từ tấm bé phải biết điều đó và gắng học hành, giữ nghiệp tổ tiên cày bừa trên ruộng sách, sau này được hiển vinh nơi khoa giáp rồi ra giúp vua giúp nước. 

Nhà thờ họ Vũ, xã Mộ Trạch, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, có tấm bia Tu cấu đường châm do Tiến sĩ Vũ Đăng Long soạn năm 1675, khắc bài châm nói về việc tu dưỡng lòng trung tín, dốc sức học hành. 

Một võ quan cao cấp dưới triều Lê Cảnh Hưng là Nguyễn Sỹ Trung vào năm 1766 cũng tự tay soạn văn bia Từ huấn bảo minh khắc một bài văn vần 50 câu căn dặn con cháu phải giữ gìn đạo đức, cần kiệm, trung hiếu, không rượu chè bê tha, không làm điều phi nghĩa, để giữ lấy truyền thống của tổ tiên, đặt tại nhà thờ họ Nguyễn của mình ở xã Đặng Xá huyện Gia Lâm, Hà Nội. 

Đặc biệt nhất, phải kể đến bia Vũ Vu thiển thuyết khắc hẳn cả một cuốn sách của Ninh Ngạn, mà người chép sách vào đá rồi thuê thợ khắc là Ninh Tốn, con trai của Ninh Ngạn. Ninh Ngạn (1715 - 1781) là người có công khai hoang lập ấp ở xã Côi Trì, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Ông đi thi Hội không đỗ, bèn đem sở học viết thành bộ sách Vũ Vu thiển thuyết, chú tâm dạy học, đem điều nghĩa cổ vũ Văn hội, đặt lệ nuôi các bậc kỳ lão, đề xuất việc khẩn hoang, vạch ra cương giới ruộng đồng, mở chợ xây cầu gây dựng phúc ấm cho hương thôn. Ninh Ngạn là một tấm gương về hiếu đễ. Khi anh trai mất, ông đứng ra nuôi dạy các em nên người, thờ cha mẹ một lòng hiếu kính. Vợ mất sớm, ông nuôi dạy con chu toàn. 

Tác phẩm Vũ Vu thiển thuyết của Ninh Ngạn được con trai là Ninh Tốn dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 42 (1781), tức là ngay sau khi cha mất, hiện đặt tại nhà thờ họ Ninh ở xã Yên Mỹ, huyện Tam Điệp tỉnh Ninh Bình. Văn bia gồm 2 phần. Phần 1 là lời dẫn ghi lại sự nghiệp của Ninh Ngạn và tác phẩm của ông. 

Bài văn có đoạn: “Tốn tôi vâng lời di huấn của cha, thẹn nỗi chưa làm theo được hết, bèn tự tay chép sách của Người vào đá rồi thuê thợ khắc để chỉ bảo cho đám con cháu muốn dốc lòng cầu đạo”.. 

Phần 2 khắc toàn văn bộ sách gồm 2 quyển thượng, hạ, gồm 45 chương sách. Trong đó có các chương 1 và 2 bàn về chữ hiếu, cách đánh giá về hiếu và bất hiếu; chương 3 bàn về quan hệ giữa nuôi và dạy con cái trong gia đình; chương 6 và 7 bàn về quan hệ vợ chồng; chương 8 và 9 bàn về Nhân và Tín; chương 10 bàn về đạo làm người; chương 12 bàn về ba loại “tâm bệnh” là giầu, sang và thọ; chương 13 bàn về việc phải coi điều thiện làm thầy, thấy ai có điều thiện, dù là kẻ dưới đều nên coi là thầy mà học; chương 29 và 30 bàn về việc làm điều tốt không cốt ở tiếng khen, đánh giá người phải xét ở lời nói và việc làm; chương 31 và 32 bàn về việc lập đức, lập thân và lập danh; chương 33 và 34 chuyên bàn về những điều cần tránh như rượu chè, cờ bạc, sắc dục, lười biếng, nói năng khinh xuất; chương 39 và 40 bàn về sống - chết, vinh - nhục ở đời.. 

Những thăng trầm của lịch sử đã trôi theo tháng năm. Đã sang thế kỷ 21, một thiên niên kỷ mới với bao thay đổi về quan niệm sống và hành xử, tác động không nhỏ tới mỗi gia đình và dòng họ, song những lời vàng trên đá mà người xưa trao lại vẫn rạng ngời đạo lý Việt Nam. Cùng với 51 quyển sách gia huấn hiện đang tàng trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm và rất nhiều bản gia huấn đang được các gia đình, gia tộc gìn giữ sẽ góp phần vào việc tìm hiểu nhiều mặt về giáo dục trong gia đình truyền thống ở Việt Nam thời trước. 

Ngày nay, tiếp thu chắt lọc những nét đẹp nhân văn của những đạo lý mà tổ tiên đã dạy, xây nền đạo đức mới trên nền nhân đức của cha ông mãi mãi là một việc đáng suy ngẫm và cần thiết của gia đình và xã hội Việt Nam hôm nay và mãi về sau. 

Tư liệu tham khảo: Tạp chí Hán Nôm, Văn khắc Hán Nôm Việt Nam (1993).

8 nhận xét :

  1. Mấy chục năm nay do không được "thai giáo" nên sinh ra nhiều thế hệ "mất gốc"(Dương Trung Quốc), can tâm thần phục nước lạ. Cám ơn lâm khang có lời nhắc nhở.

    Trả lờiXóa
  2. Xin loi TS Nguyen Xuan Dien truoc ,Dai bieu Quoc Hoi ,co bang TS Luat ma khong biet lam phat la gi ? Chi so gia tieu dung la gi? Bay gio ma noi chuyen Gia Huan Ca ,hoac la Gia Huan chung ma hieu duoc thi chac la TS that nghiep mat.
    Doi voi nhung nguoi khac thi nhung ngien cuu va bai viet cua TS qua la gia tri de hoc cai dao Tu Nhan..

    Trả lờiXóa
  3. Ngày xưa, Ông Cha khắc vào đá. Ngày hôm nay, Lâm Khang khắc vào net.

    Trả lờiXóa
  4. Ngày xưa nhiều việc được khắc lên bia đá,nhưng tính bền vững cũng không cao,vì bia đá nhiều khi vẫn bị bóc và xoá được.
    Nay nhiều chuyện bây giờ muốn được lưu truyền lâu hơn,tôi nghĩ họ xẽ khắc lên bia MIỆNG.
    "Trăm năm bia đá cũng mòn.
    Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ."

    Trả lờiXóa
  5. Cuộc đời của nhân vật sống thời Lê Cảnh Hưng có tên là Ninh Ngạn thật quá đẹp, quá tuyệt vời và quá đáng kính: gương mẫu từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội.

    Câu ngắn ngủi này tóm tắt những gì ông cống hiến cho cộng đồng: "... chú tâm dạy học, đem điều nghĩa cổ vũ Văn hội, đặt lệ nuôi các bậc kỳ lão, đề xuất việc khẩn hoang, vạch ra cương giới ruộng đồng, mở chợ xây cầu gây dựng phúc ấm cho hương thôn." Một người xưa, chẳng phải đỗ đạt hay làm quan lớn bé gì, nhưng lại xứng đáng là tấm gương quá sáng cho bất kỳ quan chức nào hay đại gia nào, trong bất cứ một quốc gia tự hào là văn minh nào ngày nay. Bất kỳ một tôn giáo nào hay một nền văn hóa nào mà sản sinh ra được một con người ưu tú như ông thì cũng là đáng mãn nguyện lắm rồi.

    "Vũ Vu thiển thuyết", tựa đề tác phẩm để đời của ông nghe có hơi hướng Kinh Thư của Nho gia? Nhưng dù là Nho gia hay gì gì đi nữa, chúng ta cũng thấy rõ là tổ tiên chúng ta đã từng xây đắp nên một nền văn hiến tuyệt vời và tổ chức được một xã hội đáng ngưỡng mộ.

    Trả lờiXóa
  6. Ninh Tốn con của Ninh Ngạn, có nơi chép là Ninh San, người đồng hương kính cẩn gọi là cụ Thượng Tốn. Cụ Ninh Tốn sinh năm 1743 quê xã Côi Trì , nay là xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình .
    Thời nhỏ, Ninh Tốn học rất giỏi, thông minh, 19 tuổi đỗ Hương Cống ( Cử nhân ). Năm 27 tuổi, mặc dù mới đỗ Hương Cống đã được Chúa Trịnh Sâm cho làm quan, giữ chức Phiên liêm thiên phó rồi thăng Thiêm Sai trị Phiên là chức vụ cao nhất, vào hàng khanh đại phu xưa . Đây là một điều hiếm có . Năm 35 tuổi làm quan , Ninh Tốn mới thi đỗ Hộ nguyên, rồi Tiến sĩ.
    Cuối thời Lê, Ninh Tốn giữ nhiều chức quan khác nhau . Khi vua Quang Trung kéo quân ra Bắc, Ninh Tốn được phong chức Hàn Lâm trực học sĩ, Binh Bộ Thượng Thư, tước Hầu ..
    Ninh Tốn là một người văn võ song toàn, thơ văn của ông đã góp phần xây dựng bức chân dung văn học VNN nửa cuối tk 18 . ( X . Lã Đăng Bật, Ninh Bình, Một Vùng Sơn Thủy Hữu Tình, Mục Danh Nhân Tiêu Biểu , tr 347 , NXB Trẻ , năm 2007 ) .

    Trả lờiXóa
  7. co le không it hôm tôi không ghé vao BLOG của Tễu và xem để biết để ngẫm ,tôi rất ưa những dạng bài này .mỗi người tốt .làm một việc tốt nhiều người tốt tất tiêu cực sẽ giảm .từ xa xưa cụ Chu văn an thế kỷ thứ 14 ,người bất phùng thời ông về ở ẩn (ẩn mà không ẩn vì các thế hệ học trò của ông có học trò là "Thủy thần" và như bài thơ"học trò của Chu văn An "của Thái Bá Tân vậy há phải Chu tiên sinh ẩn mà không ẩn" ?

    Trả lờiXóa
  8. Cảm ơn TS Nguyễn Xuân Diện. Loạt bài này rất quý, nó cho thấy ông cha ta càng đỗ đạt, bằng cấp cao, làm quan càng lớn càng có nhân cách cao quý, làm gương cho thiên hạ, và đặc biệt càng nghiêm cẩn trong việc răn dạy vợ con, cháu chắt rèn giũa Đức - Tài, sống nhân nghĩa, lương thiện, tu nhân tích đức, làm những việc ích nước lợi nhà... Nhìn vào đám quan chức ngày nay mà thấy ghê, bằng cấp cao ngất nghểu, chức tước, bổng lộc đầy mình mà đạo làm người hoàn toàn xa lạ với tiền nhân. Không những thế những gương xấu của họ (như Truyền, Mãn v.v...) còn hủy hoại cả truyền thống nhân nghĩa của dân tộc bao đời hun đúc lên...
    Xin mượn mấy bài của TS Diện đem về trang nhà.

    Trả lờiXóa