Lẽ ra mình không phải nghĩ
Quốc Toản
Khi một ai đó đứng trước những suy tư, trăn trở, lo lắng băn khoăn một điều gì. Ngoài ý chí của bản thân, người ta vẫn mong có một sự chở che, nâng đỡ từ cõi tâm linh. Ví như, mong cho con cháu học hành, thi cử đỗ đạt, các ông bố bà mẹ thường đi lễ chùa. Ở nhà thì thắp nén hương khấn vái tổ tiên. Làm nhà, cưới xin, một chuyến đi xa vv...nén hương thơm với lời khẩn cầu các cụ tiên tổ và thần linh phù hộ độ trì... sẽ làm cho chúng ta yên tâm hơn, lòng thảnh thơi và tự tin vững bước...
Với tôi lúc này không có suy nghĩ đó.
Lẽ ra tôi không phải nghĩ.
Lẽ ra tôi không phải bận tâm vì những gì đã xảy ra trong thời gian qua.
Lẽ ra tôi “mũ ni che tai” chắc sẽ bình an, đỡ ngại, đỡ sợ. Người ta vẫn bảo “Đã có nhà nước lo” thì mình lo làm gì.
Vậy mà tôi lại nghĩ đến một CON NGƯỜI – Giá như ông còn sống, chắc chắn ông sẽ lên tiếng. Tiếng nói mạnh mẽ và truyền lửa của ông, sẽ làm ấm lòng những người yêu Tổ quốc. Ông là Sáu Dân – Võ Văn Kiệt. Một nhân cách lớn. Một người tận hiến cuộc đời mình vì dân, vì nước.
Biết bao bài viết ca ngợi ông. Tôi xin lược thuật những tình cảm dành cho ông Sáu Dân của các tác giả Hoàng Lại Giang, Nguyễn Trung, Việt Phương, Nguyên Ngọc, Vũ Quốc Tuấn... từng là thư ký, trợ lý của Thủ tướng Võ Văn Kiệt để chúng ta hiểu sâu sắc hơn về “Dấu ấn Võ Văn Kiệt”.
Thời điểm này hàng trăm người xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn biển Đông. Nhiều người trong số họ bị chính quyền “mời làm việc” chỉ vì yêu nước khi “chưa được phép”. Quốc hội đang họp. Suy thoái, lạm phát gia tăng vv... và còn nhiều chuyện làm ta không thể yên lòng...
Vì vậy,chúng ta càng nhớ đến ông, nghĩ về ông để có thêm sức mạnh và niềm tin.
Sinh thời ông Sáu Dân từng nói:
“Một đất nước mà luật pháp còn lỏng lẻo, còn quá nhiều bất cập, thì những quyền uy tối thượng vẫn được coi là chân lý. Đấy là bi kịch của xã hội ta”. "Xưa nay người ta vẫn nói về sức tàn huỷ ghê gớm, hầu như tất yếu của quyền lực. Ông Võ Văn Kiệt – Ông Sáu Dân là một trong số ít người đã không để mình rơi vào sự đánh mất tai hại khi được đặt vào những đỉnh cao quyền lực. Ở Ông có một sức đề kháng cực mạnh chống lại sự tàn huỷ ấy"
Chuyện về một người tù làm ông Sáu Dân trăn trở: “Vụ án mỗi lần nhắc tới, anh (Võ Văn Kiệt) vẫn còn mang dư vị buồn. Đó là vụ án Vũ Ngọc Hải - Bộ trưởng Bộ điện lực. Trước đó anh có trực tiếp hỏi chánh án Phạm Hưng về trường hợp Vũ Ngọc Hải.
Phạm Hưng trả lời: trường hợp anh Hải chắc là không có vấn đề gì…. Buổi sáng phiên toà diễn ra rất êm thấm. Anh nghĩ Phạm Hưng thật thà. Nhưng buổi chiều ngược lại…. Vũ Ngọc Hải nhận ba năm tù giam.
Võ Văn Kiệt hiểu rất rõ tất cả. Nhưng ông im lặng và chịu đựng cho đến khi đường dây hoàn thành….Lặng lẽ ông nhờ anh em chuẩn bị mọi thứ như huy hiệu, sâm banh, ly … để vào thẳng trại giam gắn huy hiệu ngành điện đầu tiên cho Vũ Ngọc Hải.
Hơn 10 giờ đêm hôm 10 tháng 5 năm 2001 ấy, anh trầm ngâm với cốc nước trà nóng trên tay, tôi nghĩ anh đang có điều gì muốn chia sẻ. Nhưng rồi anh không nói được.
Tôi hiểu anh đang nghĩ về những đồng đội chung một chiến hào những năm ác liệt của cuộc chiến tranh vệ quốc. Tôi hiểu anh đang nghĩ về những chiến hữu chung vai gánh vác sứ mệnh lịch sử trong hoà bình xây dựng. Họ gặp họa. Còn anh với tư cách một nguyên thủ quốc gia, một Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng lại bất lực.
Chưa bao giờ tôi thấy nét buồn, nỗi ưu tư trên gương mặt anh như cái đêm ấy… ở Cần Thơ.
Từ đấy, anh im lặng – anh im lặng cho đến ngày anh rời khỏi thế giới mà anh hằng ưu tư này về nơi vĩnh hằng”
Với Nhân sĩ trí thức, Ông Võ Văn Kiệt là người luôn tôn trọng và lắng nghe:
“Điều nổi bật trong Ông Võ Văn Kiệt là Ông thực sự tôn trọng trí thức, không chỉ trong suy nghĩ, trên lời nói mà trong thực tế đã mạnh dạn sử dụng, phát huy tài năng, trí tuệ của trí thức trong các tổ chức tư vấn độc lập cho lãnh đạo để đưa trí thức vào cuộc, gắn bó trực tiếp với lãnh đạo và cuộc sống.”
Về quyền tự do dân chủ, ông Sáu Dân nhiều lần nhấn mạnh: "Bài học lớn nhất, thấm thía nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Ông là phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thực hiện tự do, dân chủ. Đó là cội nguồn của mọi thành công; là con đường thu phục nhân tâm về một mối cho công cuộc chấn hưng đất nước"
Ông Sáu Dân nói về lòng yêu nước: “Theo Ông, mỗi người có cách hành động và thể hiện lòng yêu nước khác nhau, tùy theo hoàn cảnh và chỗ đứng của mỗi người trong xã hội. Ông cho rằng Tổ quốc không phải của riêng người cộng sản, cũng không phải của riêng tôn phái nào, mà là cội nguồn cảm thông và gắn bó chặt chẽ đại đoàn kết dân tộc.
Không thể và không nên đòi hỏi toàn xã hội đều có hành động yêu nước giống nhau. Mỗi người, trong mỗi hoàn cảnh, nếu khơi dậy đúng đắn mạch nguồn dân tộc sẽ có những hành động yêu nước khác nhau; mọi người hợp lực cùng đảm đương trách nhiệm với tương lai tươi sáng của đất nước.”
Ông Võ văn Kiệt nặng lòng và suy tư nhiều về Đảng. “Không biết bao nhiêu lần ông mời các lính cũ của mình, lúc trong Nam, lúc ngoài Bắc, chỉ để nêu một câu hỏi: Phải đổi mới Đảng như thế nào?
Trong tâm khảm Võ Văn Kiệt, trước sau chỉ một ý nguyện: Đảng phải là đảng của dân tộc – Là Đảng Việt Nam! Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói lên từ trái tim mình trước quốc dân đồng bào và thế giới. Nói lên như thế là nói lên tất cả!
Trong các phát biểu chính thức trong Đảng, các bài viết, nhiều lần ông khẳng định: Đi vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ đất nước trong hoà bình, Đảng phải đổi mới chính mình một cách triệt để: Làm tốt vai trò lãnh đạo, nhất là phải thực hiện tốt hơn nữa phương châm: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng.
Với tư duy như vậy, ông đấu tranh không mệt mỏi chống lại bệnh “đảng hóa”, bệnh “cơ cấu” và tư tưởng “nhiệm kỳ”. Ông luôn luôn nhấn mạnh sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước cần người tài đức chứ không cần “cơ cấu” theo lối sắp đặt; đất nước là trường tồn và không có “nhiệm kỳ”, muốn cách mạng thực sự là sự nghiệp của quần chúng thì Đảng phải thực sự làm được nhiệm vụ lãnh đạo, chứ không phải là “đảng hóa”…
Ông coi thực hiện dân chủ trong Đảng là việc đầu tiên phải làm và cũng là điều bức xúc nhất, từ đó sẽ có thể thực hiện được dân chủ trong cả hệ thống chính trị và Việt Nam sẽ có một sức vươn lên mới…
Vài ngày trước khi qua đời, họp mặt với lính cũ, câu chuyện của ông vẫn chỉ xoay quanh câu hỏi: Đổi mới Đảng như thế nào? Ông giục giã: Nói đi, cần gặp ai tôi cũng sẵn sàng. Đi đâu tôi cũng đi! Không thể bỏ cuộc được!
Trong bản thảo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có chỗ Người dặn: Kháng chiến thành công xong việc phải làm trước tiên là phải lo chỉnh đốn lại Đảng. 39 năm rồi... Có lẽ Võ Văn Kiệt là người nặng lòng nhất với lời trối trăn này của Chủ tịch Hồ Chí Minh...”
Mỗi lần những người yêu nước xuống đường biểu tình chống Trung Quốc. Có khẩu hiệu được giơ cao: “Hoàng Sa - Trường Sa - Việt Nam”. Nhiều người cầm tờ giấy ghi tên các liệt sĩ trong trân hải chiến ở Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa năm 1988. Lại thấy tiếng nói ấm lòng từ Thủ tướng Võ văn Kiệt:
“Thấu hiểu nỗi đau của dân tộc mình là nạn nhân của các cuộc chiến tranh xâm lược khốc liệt kéo dài nhiều thế hệ, chịu đựng không biết bao nhiêu sự can thiệp chia cắt từ bên ngoài, Võ Văn Kiệt là người của đoàn kết, của hòa hợp và hòa giải dân tộc. Ở nước ta, có gia đình họ tộc nào không bị chiến tranh chia lìa, ly tán? Có gia đình nào không có người ngã xuống, cho cả phía bên này và phía bên kia?
Không phải chỉ ở Viêt Nam, tìm kiếm trong các quốc gia trên thế giới, cũng khó mà thấy được một con người, một nhân cách, một chính khách có được tiếng nói mà người nghe hôm qua còn cầm súng đứng bên kia chiến tuyến hôm nay cũng phải mở lòng lắng nghe? Con người đó, chính khách đó không ai khác là Võ Văn Kiệt, với một suy tư mộc mạc: Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả…
Đơn giản, ông hiểu nỗi đau của dân tộc bằng nỗi đau của gia đình mình, của chính bản thân mình.
Làm thế nào để Tổ quốc yêu dấu của chúng ta có được nhân tâm thu về một mối? Tổ quốc Việt Nam ta sẽ phát triển ra sao, sẽ có vị thế nào và sẽ đi về đâu trong thế giới này nếu Tổ quốc là của nhân tâm thu về một mối như thế?”
Ông Võ Văn Kiệt. Nụ cười. Nỗi suy tư trăn trở. Dấu ấn Võ Văn Kiệt luôn hiện hữu trong mỗi chúng ta. Nhất là thời điểm nhiều biến động như hôm nay. Làm sao có thể kể hết tấm lòng của ông đối với nhân dân. “Tiếng nói của Ông, như ta vẫn nhớ, sâu sắc, quyết liệt, mà trầm tĩnh, thấu lý, thấu tình. Không chỉ tiếng nói, mà cả cách nói - cái cách để đưa được tiếng nói ấy đến những nơi cần thiết, vừa triệt để, vừa khéo léo, đến nơi quyền lực cao nhất, đến với nhân dân, với trái tim từng con người.
Khi cần thì tiếng nói ấy cực kỳ mạnh mẽ, mạo hiểm cũng không nề, nhưng có lúc thật nhẹ, thật nhẫn, thật vừa phải, cho từng người nghe, và hợp với tình thế từng nơi, từng lúc. Biết đi tới đến cùng khi nhất thiết phải đi tới, mà cũng biết dừng lại, để chờ... Chờ cho sự vật chín muồi hơn, dẫu sự chờ đợi có thể rất lâu, nhiều khi đau đớn. Sự chờ đợi rất uyên thâm thường chỉ gặp thấy ở những bậc hiền triết…
Mãi cho đến gần đây, một số cách nhìn, cách nghĩ, cách xử trí của Ông với những vấn đề tinh tế của lịch sử và của xã hội vẫn bị một số người công kích. Nhưng như vậy nghĩa là Ông và những tư tưởng mạnh mẽ của ông vẫn sống.
Sức chiến đấu của những tư tưởng ấy không hề giảm, trái lại vẫn tham gia sống động vào vận động tư tưởng của xã hội, tiếp tục vạch đường cho xã hội đi tới – dù ngay thuở sinh thời Ông vẫn biết cuộc đi tới ấy không hề dễ dàng.” (Nguyên Ngọc)
Nói lên điều này chẳng có gì dính dáng đến tôn sùng cá nhân, mà là thừa nhận tính công bằng của sự thật mà đất nước ta đang rất cần để cổ vũ cho mọi tiến bộ và tuyên chiến không khoan nhượng với mọi tha hóa.
Không phải ngẫu nhiên trên thế giới nhiều bạn bè, chính khách, học giả và báo chí tôn vinh ông là một kiến trúc sư của đổi mới ở Việt Nam, là người trong hàng ngũ đi tiên phong tìm đường đưa Việt Nam ra khỏi đói nghèo để phát triển.
Dân tộc Việt Nam sẽ mãi mãi ghi nhớ công lao người con ưu tú Võ Văn Kiệt.
Tôi tin, ông Sáu Dân vẫn đang đồng hành cùng dân tộc.
Ông Võ Văn Kiệt sống mãi trong trái tim những người Việt Nam yêu nước.
Lẽ ra mình không phải nghĩ.
Vậy mà tôi đã nghĩ và nhớ đến ông - Dấu ấn Võ văn Kiệt!
Xin hầu chuyện những người xuống đường vì tình yêu Tổ quốc nhân dịp mọi người nghỉ ngơi theo như thông báo:
Để mọi người (trong đó có các lực lượng an ninh) cùng được nghỉ ngơi, thư giãn, Chủ nhật tuần này (31.07.2011), các nhân sĩ trí thức không tham gia biểu tình (trừ trường hợp Trung Quốc tiếp tục gây hấn).
Nhưng, anh chị em xa nhau một tuần chắc có nhiều nhung nhớ, nên cũng mong gặp mặt nhau trong ngày cuối tuần:
Thời gian: 16h00 - 18h00, ngày Chủ nhật (31.07.2011)
Địa điểm: Cafe 36b Điện Biên Phủ, Hà Nội.
0h5. ngày 31-7-2011
Q.T
HAY. RAT NHIEU DIEU DANG SUY NGHI VA LAM THEO.
Trả lờiXóa"...mỗi người có cách hành động và thể hiện lòng yêu nước khác nhau, tùy theo hoàn cảnh và chỗ đứng của mỗi người trong xã hội. Ông cho rằng Tổ quốc không phải của riêng người cộng sản, cũng không phải của riêng tôn phái nào, mà là cội nguồn cảm thông và gắn bó chặt chẽ đại đoàn kết dân tộc.
Trả lờiXóaKhông thể và không nên đòi hỏi toàn xã hội đều có hành động yêu nước giống nhau. Mỗi người, trong mỗi hoàn cảnh, nếu khơi dậy đúng đắn mạch nguồn dân tộc sẽ có những hành động yêu nước khác nhau; mọi người hợp lực cùng đảm đương trách nhiệm với tương lai tươi sáng của đất nước.”
Tôi vô cùng tâm huyết với ý kiến này của bác Sáu Dân kính mến!
Ước gì còn có Bác đồng hành cùng nhân sĩ trí thức và đồng bào yêu nước toàn quốc trong suốt thời gian dầu sôi lửa bỏng vừa qua nhỉ?
Và cũng như tác giả Quốc Toản, tôi cũng tin rằng ông Sáu Dân vẫn đang đồng hành cùng dân tộc.
Cám ơn tác giả Quốc Toản rất nhiều!
Võ Văn Kiệt, với một suy tư mộc mạc: Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả…
Trả lờiXóaTôi thật khâm phục Ông vô cùng. Việt nam bây giờ cần lắm thay những người như Ông.
Cám ơn bác Quốc Toản! Đọc những bài như thế này thấy ấm lòng vô cùng.
Trả lờiXóaXin cùng các bác tưởng niệm cụ Võ Văn Kiệt. Tấm lòng, tài trí và sự tận tụy của cụ đã đem đến một mùa đơm hoa kết trái toàn cho dân tộc hôm nay! Người dân Việt Nam sẽ không quên cụ.
chú các bác khỏe mạnh.
Trả lờiXóa