Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

NHẬT KÝ BIỂU TÌNH: TRỞ LẠI ĐỜI THƯỜNG



Nhật ký biểu tình kỳ 4: 
TRỞ LẠI ĐỜI THƯỜNG
Đào Tiến Thi

Đây sẽ là bài cuối cùng trong chùm bài Nhật ký biểu tình của tôi[1] trên blog Nguyễn Xuân Diện, kể về những sự kiện sôi động cũng như những chuyện lặt vặt và tâm trạng buồn vui lẫn lộn của tôi trong tháng 7 vừa qua mà nguyên khởi chỉ vì những hành động gây hấn hung bạo và đê tiện của giới cầm quyền hiếu chiến ở Trung Quốc hiện nay.
Ở xứ mình bây giờ, tôi thấy không phải là các sự kiện lớn của dân tộc (kể cả sự kiện bi hoặc hùng) chi phối đời sống mỗi cá nhân (như thời kháng chiến trước đây), mà chính là cái đời sống thường nhật cơm áo gạo tiền, bệnh tật, sự an toàn, con cái học hành,… mới là đáng quan tâm. Số người biểu tình chống Trung Quốc gây hấn, số nhân sỹ đưa đơn kiến nghị, kể cả số người tham gia ký vào những việc có liên quan đến quốc gia hưng vong là quá ít ỏi so với số dân 86 triệu người. Số người không tham gia gì nhưng thường xuyên cập nhật tình hình, thở cùng một nhịp với những người trên có thể gấp vài chục lần nhưng vẫn là một con số quá ít ỏi, may ra chỉ vài phần trăm mà thôi. Nói thể để thấy rằng những người tham gia vào việc “dở hơi” kia khi sống giữa cộng đồng của mình sẽ không dễ gì được mọi người nhìn bằng con mắt bình thường.  
Tôi cũng chỉ là một người tham gia những việc trên ở mức rất hạn chế (7 cuộc biểu tình chỉ đi có 2, khi đi cũng rất hiền lành, chẳng hô hét mạnh, chẳng đi lên hàng đầu để nhiều ống kính ghi lại, thế mà trở về đời thường cũng gặp đủ thứ chuyện phiền.
Ngay sau khi tham gia cuộc biểu tình đầu tiên ngày 3-7, tôi “khai báo” với trưởng ban, người sếp trực tiếp của mình, cô ấy đã dặn tôi nên giữ “bí mật” chuyện này, ai biết có hỏi thì cũng chỉ nên xác nhận là “có”, không bàn gì thêm để tránh mọi sự bình luận. Tôi làm đúng như thế. Nhưng thực ra điều trưởng ban của tôi lo lắng là thừa. Nhiều người biết nhưng chỉ đôi người hỏi tôi thôi, và chỉ hỏi đúng một câu rồi tự họ chuyển nhanh sang chuyện khác, có muốn “thanh minh” gì thêm cũng không được.
Cho đến cuộc biểu tình ngày 17-7, sau khi tôi bị bắt và sau khi tôi công bố “Nhật ký biểu tình” bài 1 ngày 24-7, bài 2 ngày 26-7 trên blog Nguyễn Xuân Diện, nghĩa là tôi đã “công khai hóa” hoàn toàn, thì sự e dè đối với tôi trở nên rõ rệt. Có một anh bạn trước kia gặp tôi bao giờ cũng đứng lại trao đổi dăm bảy phút về tình hình đất nước, chia sẻ nhau những tâm sự, bây giờ gặp tôi bỗng bảo lâu nay không quan tâm nữa. Tôi hỏi vì sao, anh bảo “để không phải bức xúc, có hại cho sức khỏe”. Tôi không chắc anh không còn quan tâm mà chỉ vì ngại trao đổi với một người đang “có vấn đề”.
Lại có cô bạn mà tôi đang có một công việc liên quan, vừa triển khai cách đó mấy hôm, khi thấy cô đang đi cùng chiều, tôi có ý đi chậm lại để hỏi thăm tình hình việc đó đến đâu, thì cô chỉ chào tôi lấy lệ rồi đi vượt lên rất nhanh. Tôi mới hiểu “À ra thế”.
Chiều hôm 25-7, khi tôi còn cách độ 10m để vào phòng làm việc với an ninh thì gặp một cô bạn, một cô bạn vốn rất hồn nhiên vui tính, cô hỏi: “Hôm qua anh có đi…”,  bỗng cô thấy mình nhỡ miệng, vội ngừng lại, sợ hãi đảo mắt nhìn xung quanh một lượt rồi nói nhỏ: “Anh có đi… đi Bờ Hồ không?”. Tôi không nhịn được cười, bảo: “Thì em cứ nói to: “Anh có đi biểu tình không. Nói to lên và gọi đúng tên của nó: đi biểu tình. Sợ cái gì!”.
Ở phòng làm việc với an ninh ra, tôi thấy thoải mái, nhẹ nhõm hẳn, nhưng tôi cảm thấy không khí quanh tôi nặng nề hơn. Nhớ đến cô bạn lúc nãy, tôi vội đến phòng cô, định thông báo cho cô biết, rằng an ninh đã thừa nhận với tôi “ký kiến nghị không sai, biểu tình không có tội” để cô yên tâm. Cô không có ở phòng. Nhưng lạ là các bạn khác cũng không ai “đưa đẩy” với tôi câu nào cả. Tôi chắc cả phòng này đã biết tôi vừa bị an ninh “làm việc”. Nó trái hẳn mọi lần, khi tôi đến, bạn nào cũng vui vẻ, thi nhau hỏi chuyện, trêu chọc tôi nữa.
(Xin nói thêm là tất cả các bạn tôi nhắc đến ở trên đều là những người mà tôi rất quý mến và họ cũng quý mến tôi. Tuy nhiên trong bối này, đến cả một số bạn thân của tôi ở ngoài cơ quan, vẫn thường xuyên liên hệ điện thoại, thế mà từ khi tôi bị bắt, tôi thấy họ cũng e dè kể từ cái tin nhắn. Chắc họ nghĩ điện thoại của tôi đã bị kiểm soát. Vậy thì những người gần gũi tôi họ e dè có gì lạ đâu)
Tôi quay về phòng mình, trưởng ban của tôi mặt vẫn còn tái. Chắc là trong thời gian tôi làm việc với an ninh, cô căng thẳng lắm. Tội nghiệp cho trưởng ban của tôi. Tôi đã bao lần mục kích cô ấy mắt đỏ hoe khi xem những tin ngư dân mình bị Trung Quốc bắt bớ, đánh đập và khi xem những hình ảnh về người biểu tình chống Trung Quốc bị lực lượng an ninh chìm bắt như bắt con vật. Tuy nhiên, mỗi khi thấy tôi định đi biểu tình hay sau khi đi biểu tình, cô đều nói “Thôi anh ạ”. Một câu “Thôi anh ạ” nhưng trong đó chứa biết bao thứ rất con người. Cô là sếp của tôi nhưng tôi thấy thương cô như thương người em gái. Thấy tôi được trở về nhưng chưa biết là lành hay dữ, cô không dám hỏi ngay, vì trong phòng còn nhiều người, sợ tôi nói buột tất cả mọi điều. Cô phải “chặn” tôi trước: “Anh chờ em nhé. Đang bận quá”. Vừa lúc ấy, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết bước vào. Ông cất tiếng hỏi thân mật thay cho câu chào: “Có gì vui không các bạn?”. Tôi nói ngay: “Có chuyện vui thầy ạ. Em vừa làm việc với an ninh xong, về chuyện ký kiến nghị và đi biểu tình ấy mà”. Giáo sư nói: “Sáng nay cô Bình nhà mình (PGS. Hoàng Hòa Bình) cũng có một anh an ninh đến vì chuyện cô ấy ký kiến nghị. Không có vấn đề gì cả. Hai chị em họ lại còn nói chuyện rất vui vẻ nữa. Còn Thi thế nào?”. Tôi nói: “Cũng rất vui thầy ạ. Họ rất là có văn hóa…”. Như sợ tôi kể tiếp, trưởng ban của tôi vội quay sang Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết hỏi chuyện làm sách và cố gắng kéo câu chuyện đó cho đến hết giờ.
Hai hôm sau, tôi bị bí thư chi bộ gọi làm việc. Tôi đề nghị làm việc tại cơ quan nhưng ông ấy kéo tôi ra phố, đến hẳn một nơi lý tưởng cho cuộc “làm việc” tay đôi: một “cafe room” yên tĩnh, vắng vẻ, có máy lạnh. Vẻ mặt ông ấy nghiêm nghị, lạnh lùng suốt từ lúc cùng nhau khởi hành cho đến lúc ngồi vào bàn, dù tôi cố gắng tạo không khí vui vẻ đến đâu cũng không lay chuyển được. Ông ấy tra xét tôi từ chân tơ kẽ tóc về việc tôi ký kiến nghị và đi biểu tình (tra xét như lấy khẩu cung chứ không phải nghe tâm tư, động cơ hành động). Nó khác hẳn các anh an ninh hôm làm việc với tôi, họ không hề làm việc đó. Họ chỉ hỏi tôi đúng một câu: “Có phải chú ký vào kiến nghị đó không”, hỏi để loại trừ ai đó mượn danh, thế thôi. Tất cả thời gian chỉ là trò chuyện, mà chủ yếu là họ lắng nghe tôi nói. Tuy nhiên những tra xét đó cũng chưa là gì, và tôi vẫn hết sức cố gắng trả lời ông ta. Nhưng cho đến khi ông ấy xúc phạm tôi, thì tôi buộc phải đứng lên từ chối cuộc làm việc. Đến đây tôi phải xin lỗi tất cả độc giả của blog Nguyễn Xuân Diện, tôi xin không kể lại chi tiết những điều đó, sợ sau này khi ông ấy hiểu ra vấn đề, ông ấy, và cả tôi nữa, sẽ không khỏi bẽ bàng. Đồng nghiệp với nhau trong một cơ quan mà, ông ấy lại hơn hẳn tuổi tôi nữa. Về sau tôi thấy tôi đứng lên sớm là may cho ông ấy. Để ông ấy nói nhiều câu sai, tôi không chịu nổi mà đưa lên công luận thì còn ra gì. Nhớ có lần báo chí đưa tin cái ông bí thư chi bộ nào đó bảo Hoàng Sa là bãi chim ỉa, chuyện trở thành bia miệng không bao giờ gột được.
Hai hôm tiếp thì giám đốc gọi. Giám đốc của tôi, như tôi đã kể trong bài trước, là một người nho nhã, giàu lòng nhân, cho nên tuy không có nhiều thông tin về tình hình hiện nay của đất nước, anh cũng không áp đặt tôi một điều gì. Anh cũng không coi chuyện an ninh gọi nghĩa là tôi có sai phạm. Anh chỉ khuyên ngắn gọn: “Em làm gì thì cũng nên cẩn thận. Và có lẽ theo anh không nên viết blog, dính vào chuyện quan điểm phiền lắm”. Tôi bảo: “Em cũng không có mấy thời gian để viết blog đâu. Vừa rồi Trung Quốc nó ngạo mạn, láo xược quá độ, buộc phải đi biểu tình, mà đi biểu tình thì nhiều cảm xúc quá, em kể lại, thế thôi”. Tôi bật ngay hai bài Nhật ký biểu tình cho anh xem. Đến đoạn kể bị bắt về Mỹ Đình, anh dừng lại bảo: “Khổ thân, thôi yếu thì ở nhà”.
Tối đó về tôi phải tiếp công an khu vực. Bác công an này thỉnh thoảng đi “thăm nắm tình hình” vẫn tạt vào nhà tôi chơi. Vốn là người chất phác, hiền lành, cho nên bác bắt đầu câu như câu hỏi thăm thân mật, chứ không phải làm việc:
- Hôm rồi đi biểu tình à?
- Vâng, sao anh biết?
- Trên họ đưa danh sách về.
- Ở đây có ai nữa đi không anh?
- Không, một mình ông thôi. Thế nhưng từ nay cứ chủ nhật là mình phải ra chỗ ấy (46 Hoàng Diệu).
- À, hay là hôm rồi anh chỉ điểm cho họ bắt em đấy?
Anh cười: “Không. Sau hôm ông bị bắt họ mới đưa tên về mà”.
Anh lại hỏi: “Cơ quan đi có có đông không?”. Tôi bảo: “Cơ quan em có nhiều bộ phận, nhiều địa điểm, không biết hết nhau, nhưng em đoán chỉ có mình em đi thôi”. Tôi chờ đợi để anh hỏi, nhưng ngồi chán, anh cũng chả hỏi gì thêm, chỉ bảo:
- Thôi, từ nay đừng đi nữa.
Lúc này, máu tôi bốc lên. Tôi bảo sao anh lại khuyên em thế, anh có biết bà con ngư dân ta bây giờ khốn khổ như thế nào trên Biển Đông mỗi khi ra khơi làm ăn không. Tôi kể một lô sự kiện chính từ 2009 đến nay, nhất là mấy tháng gần đây. Càng kể tôi càng xúc động, cho đến lúc cổ nghẹn lại, nước mắt trào ra… Anh ngồi yên, cũng có chiều xúc động lắm. Anh không nói gì thêm và chuyển sang chuyện khác.
Trước khi ra về, anh lấy số di động của tôi, bảo: “Nếu hôm nào đi biểu tình thì báo cho tôi nhé”. Tôi bật cười: “Để bác đón lõng tóm em à? Em chả dại”. Anh cũng chả nói gì thêm.
Và sáng nay, khi tôi đang viết những dòng này thì bác công an khu vực ấy lại đến cùng với ông bí thư chi bộ hưu trí, nơi vợ tôi sinh hoạt. Anh nhường tất cả lời cho ông bí thư. Ông bí thư thao thao một chặp về đường lối, chủ trương để cuối cùng bảo từ nay tôi không được đi biểu tình nữa. Tôi bảo bác cho em xem cái nghị quyết hay chỉ thị về việc ấy thì ông bảo không có văn bản đâu, vấn đề này nó tế nhị, chỉ truyền đạt miệng thôi. Tôi bảo không thể thế được, Đảng mình làm gì cũng có nghị quyết, thể hiện sự lãnh đạo tập thể. Cái việc cấm ấy là sai hiến pháp, chắc do cá nhân nào đó nghĩ ra thôi, đâu phải chủ trương của Đảng. Vừa hôm nọ hai cán bộ an ninh trên Bộ Công an làm việc với em không nói thế. Em sợ lệnh “miệng” kiểu này đến lúc sai họ chối phắt thì ai chịu trách nhiệm. Ông ấy cứ nhất quyết đây là chủ trương từ bên trên một cách rất tự tin. Cuối cùng tôi bảo: “Thôi, cứ tạm cứ cho là thế, nhưng bác ạ, mỗi người, ngoài mệnh lệnh của khối óc còn có mệnh lệnh của trái tim. Làm sao đành lòng mặc kệ ngư dân mình để Trung Quốc muốn cướp bóc thế nào cũng được. Tình yêu thương giống nòi để ở đâu”. Tôi lại lôi một lô chuyện bắt bớ ngư dân mình của Trung Quốc (chuyện này với tôi nói cả ngày chả hết), nhưng xem ra ông bí thư chả động lòng chút nào, lúc nào cũng chỉ chực cắt ngang lời tôi để giải thích chủ trương. Ông ta vẫn nhất nhất là không được đi biểu tình nữa, nếu không sẽ là người chống lại chủ trương của Đảng.
Tôi bảo: “Bác chả nắm được tình hình, chán quá”. Ông chặn ngay tôi lại:
- Tôi nguyên là lính hải quân đây. Tôi lạ gì Biển Đông. Tôi còn nắm chắc luật biển quốc tế nữa.
Tôi bảo: “Bác nắm chắc luật biển thì rõ Trung Quốc nó vi phạm thế nào rồi”.
Ông bảo:
- Chỉ có Vịnh Bắc Bộ là mình với Trung Quốc phân chia xong, các vùng khác vấn đề nó phức tạp lắm. Hai bên tranh chấp, thế giới chưa công nhận cho bên nào.
Tôi kinh quá, nhưng cố bình tĩnh bảo:
- Bác ơi, bác lầm rồi. Tất cả các vụ bắt bớ ngư dân của mình mấy năm vừa rồi đều xảy ra trên vùng biển của mình, ngư trường quen thuộc mấy trăm năm nay của ông cha  mình. Hai vụ cắt cáp tàu thăm dò dầu khí vừa rồi cũng nằm hoàn toàn trong vùng biển của mình. Theo quy định của UNCLOS năm 1982, Việt Nam đã xác định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Vụ tàu Bình Minh 02 bị tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp thăm dò cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý, nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Vụ cắt cáp tàu Viking 2 ngày 9-6, em không nhớ là cách bờ mình bao nhiêu hải lý, nhưng vẫn nhớ phát ngôn viên Phương Nga đã khẳng định là nằm trên thềm lục địa trong giới hạn 200 hải lý, hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Bà Nga còn nhấn mạnh việc này không thể chấp nhận được. Bác giải thích thế vừa sai luật biển quốc tế, vừa trái hẳn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam mới đây, nguy hiểm quá bác ơi.
Ông ta không sờn lòng chút nào:
- Hai trăm hải lý ấy mới là theo luật biển, là mình đệ trình lên Liên Hợp Quốc năm 2010. Trung Quốc nó cũng đệ trình, cho nên tạo ra những vùng biển chồng lấn. Muốn chắc chắn là của mình hay không, phải chờ đến 2020 LHQ mới “phê duyệt”!.
- Ối chết. Đấy chính là gian lận của Trung Quốc đấy. Nó cố tình tạo ra vùng không có tranh chấp thành vùng có tranh chấp. Bộ Ngoại giao mình cùng rất nhiều học giả đã vạch mặt điều này. Hai vụ cắt cáp vừa rồi hoàn toàn không ở vùng biển có tranh chấp, chồng lấn chồng liếc gì hết. Thế nên nhà nước mình mới lên án mạnh mẽ như thế. Bác xem lại đi, không lại đi tuyên truyền sai đường lối là chết đấy.
Bác công an khu vực có vẻ hoang mang, không tin về luật biển của bí thư chi bộ, vội đứng lên với lý do trưa rồi, xin phép kết thúc, để gia đình còn dùng cơm. Bác công an cũng chỉ kết lại chung chung, chủ trương trên như thế như thế, chúng tôi mong như thế như thế, không có ý chí quyết tâm cấm tôi biểu tình như bí thư chi bộ.
Chao ôi, những ngày tới sẽ còn gì nữa đây. Nhưng ít nhất là mỗi thứ bảy tôi sẽ phải tiếp một lần người nhà nước đến “thăm”.
30-7-2011



[1] Bài 1: Đi giữa đồng bào; bài 2: Sống trong đồng chí; bài 3: Làm việc với an ninh

Chùm ảnh kèm theo bài viết:

Đào Tiến Thi trong cuộc biểu tình ngày 3 tháng 7 năm 2011

Đào Tiến Thi "lên xe bus"


 Trong sân đồn Mỹ Đình



65 nhận xét :

  1. Đọc mà thấy buồn cho Nước nhà.

    Trả lờiXóa
  2. "Ở xứ mình bây giờ, tôi thấy không phải là các sự kiện lớn của dân tộc (kể cả sự kiện bi hoặc hùng) chi phối đời sống mỗi cá nhân (như thời kháng chiến trước đây), mà chính là cái đời sống thường nhật cơm áo gạo tiền, bệnh tật, sự an toàn, con cái học hành,… "

    Bác Thi nói đúng lắm. Tôi mới rời quê hương chưa lâu, tôi cũng nhận xét về "xứ mình" như bác. Mà thật buồn vì qua đến Mỹ, cái "xứ người" có cộng đồng Việt Nam đông nhất, cũng thấy y như vậy bác ạ: cũng chỉ một số ít người thực sự thấy vận mệnh của dân tộc chi phối đời mình - mà trong số ít này, những người vẫn còn để mình bị cuốn theo đà lăn quán tính của những hận thù, chia rẽ cũ xưa không phải là ít! Nghĩ mà buồn phải không bác?

    Nhưng thực kỳ lạ: hồn thiêng sông núi nào đó, anh linh tiên tổ nào đó, hay cái tinh hoa cốt túy nào đó của nền văn hóa lâu đời Việt tộc ra như vẫn sống! Bằng cớ rõ ràng là lòng yêu nước bột phát hồn nhiên của một nhúm nhỏ "dở hơi" có đủ già trẻ lớn bé, trí thức-bình dân... trong hai tháng qua ở trong nước.

    Ở Berlin, Đức, tháng 6 vừa rồi cũng bộc phát một cuộc biểu tình phản đối Trung quốc với qui mô chưa từng có ở hải ngoại, nghe đâu gần 2 ngàn người tham gia. Nhưng theo tôi, cái chưa từng có khích lệ nhất không phải ở số người, mà ở sự kiện không còn cãi cọ chia rẽ chuyện cờ quạt đỏ hay vàng gì gì nữa. Nhiều người dân ở hải ngoại sẵn lòng đứng dưới ngọn cờ đỏ sao vàng của những bạn trẻ di sinh đề xướng cuộc biểu tình, để bày tỏ rằng lòng yêu quốc gia đặt lên trên mọi kỳ thị phe phái.

    Đối với tôi, đó thực là "phép lạ", phép lạ có tên Việt Nam! Chúng ta cầu mong lòng yêu nước nồng nàn này có khả năng đánh thức cả dân tộc dậy, phải không bác Thi ơi?

    Trả lờiXóa
  3. Đúng là mới bảnh mắt ra đã cười. Chết cười với mấy bác bí thơ. Mười năm đầu thế kỷ XXI trôi qua đến 210 ngày nay rồi mà hai bác bí thơ ở Thủ đô vẫn hồn nhiên như anh nông dân Việt Bắc vác tre trong truyện ngắn "Đôi mắt" của Nam Cao thì tệ thật. Ai cũng như con đà điểu, chả trách được vì sao dân mình khổ, nước mình hèn.

    Trả lờiXóa
  4. 8 LẦN BIỂU TÌNH LIÊN TIẾP TẠI HÀ NỘI như ý trời ; không hôm nào trời mưa , trời đẹp. chiều Hôm nay 31.7 là tuần thứ 9 các nhà trí thức Hà nội , CA, người dân đi CAFE thì trời Hà nội lại mưa mát quá, trời đầy mây!đồng bào ạ! trời đất thuận hòa với lòng người quá Tổ quốc Việt Nam ơi.
    Tôi nghĩ những người Công an Hà nội có Văn hóa đích thực, không phải trung úy, trung tá hay trung tướng hãy ứng xử có văn hóa như những nhà trí thức đáng kính tại Hà nooijthif hãy đến CAFE cùng đồng bào ta nhé! Đồng bào ạ CAND nào cũng phải thuộc lòng trong tim (bắt buộc).Bác Hồ dạy CAND "Đối với nhân dân phải kính trọng , lễ phép". Chúng ta xem chiều nay CA Hà nội có xứng đáng là con người mà Bác Hồ đã căn dặn không?

    Trả lờiXóa
  5. Thật buồn. Cơ quan anh Thi toàn là những trí thức cả đấy.

    Trả lờiXóa
  6. 2000 năm ông cha ta trụ với giặc Tàu mải miết.
    Dân mình chỉ mới "võ mồm" ở Bờ Hồ vài bữa thôi mà có ai đó đã sợ. Tôi vừa đi xem bãi cọc Bach Đằng ở Quảng Yên về. Xúc cảm lắm khi đứng giữa vùng trời nước mà nghĩ về Trần Hưng Đạo và các chiến sĩ của ông khi dàn trận chờ giặc ở vùng cửa sông mênh mông như vậy, với một kẻ địch to lớn và hung hãn như vậy.
    Cảm phục vô cùng.
    Cám ơn anh Đào Tiến Thi đã có những cảm nghĩ giống như tôi. Không ai ngăn được tôi nếu như Tổ Quốc tôi còn bị đe dọa bởi những kẻ gian manh.

    Trả lờiXóa
  7. Để làm một người yêu nước cho ra hồn, sao mà vất vả thế, anh Thi ơi.
    Tại sao? Tại sao? Tại sao?
    Nhớ câu thơ Lưu Quang Vũ:
    Nếu tôi không đốt lửa
    Nếu anh không đốt lửa
    Nếu chúng ta không đốt lửa
    Thì làm sao
    bóng tối có thể thay bằng ánh sáng...
    Chúc anh bình an.

    Trả lờiXóa
  8. Các Bác ạ, tiếp xúc với nhiều đảng viên CS, tôi nhận thấy rằng:càng là đảng viên (thậm chí là có quyền chức) họ càng có nhận thức về Chính trị, văn hóa và kinh tế kỳ quặc, kỳ quặc với ngay cả chính những gì mà Đảng cộng sản Việt Nam vẫn nói. Họ càng tỏ ra thích ngồi xổm trên Pháp luật. Cái ông gì nói "bãi hoang chim ỉa" là một ví dụ, hay tôi vẫn thường nghe họ nói "thà cứ để TQ làm cái này, cái kia thì hơn...". Botay.com với họ thôi.

    Trả lờiXóa
  9. Bác Diện, bác Thi và bà con ơi, lúc này hơn 7h sáng CN 31/7/11, Giời mưa to quá, cả giông bão sấm chớp nữa! Mấy ngày trước bà con thống nhất với nhau CN này nghỉ ngơi, cà phê ca nhạc nên bây giờ ông Giời thoải mái giông bão. Thì ra Ông giời cũng muốn giông bão lắm. Hôm trước Giời mát mẻ ủng hộ bà con 'tụ tập'; hôm nay bà con cà phê nhường để ông Giời nổi Giông bão. Chẵng nhẽ Giời cũng biểu tình ư?
    Cầu Giời cho ngư dân ko bị bọn Khựa đàn áp, các chiến sĩ Biển Đông vững vàng; Cầu Giời cho sét đánh mấy con sâu 'cẩu thả' ở TA, Cầu Giời TS CHHV được trả tự do ngay (trắng án) và được Đảng và Nhà Nước mời làm tư vấn cùng các nhân sĩ trí thức đoàn kết xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc!
    Sáng CN tuần sau liệu ông Giời có mưa nữa ko?

    Trả lờiXóa
  10. Thật là đáng buồn cho suy nghĩ của hai đồng chí bí thư chi bộ ở cơ quan bác và ở khu phố bác. Loại người ấu trĩ như thế giống như nói chuyện với cái đầu gối. Chúc Bác nhiều sức khỏe và nghị lực, chặng đường phía trước chắc sẽ còn lắm gian nan, chúng tôi luôn ủng hộ các bác.

    Trả lờiXóa
  11. Cảm ơn Bác Thi. Bài viết chân thành, mộc mạc...dọc mà cay trong mắt. Buồn quá. Nhiều điều không lý giải được. Ôi ! Việt Nam có khi nào như thế này không ? và tại sao lại như thế?

    Trả lờiXóa
  12. Rất đáng tiếc những cựu lính hải quân lại không biết gì về luật biển

    Trả lờiXóa
  13. Cơ quan an ninh cố "sàng sảy" để tìm cho ra 1 con "ngáo ộp" "Việt Tân" trong số những người đi tụ tập tự phát. Hahaha....

    Trả lờiXóa
  14. Buồn, lòng yêu nước cũng bị cấm đoán và chi phối. Tôi nhớ một nhà văn Liên xô cũ có viết: Chế độ Xô viết là một người nghĩ cho tất cả, vì câu nói đó, ông bị đi đày ở Xiberi, ở ta sao cũng giông y hệt như vậy.

    Trả lờiXóa
  15. một chiếc đũa bị bẻ gãy...

    Trả lờiXóa
  16. Buồn ! Đọc bài của TIẾN THI mà ứa nước mắt , sao chúng ta phải sống trong nhiều tầng kìm kẹp quá !m

    Trả lờiXóa
  17. Tôi rất cảm phục anh Đào Tiến Thi. Anh đúng là một trí thức chân chín. dũng cảm, dấn thân. Ta bày tỏ lòng yêu nước của ta, có gì phải sợ? Mỗi người có thể bày tỏ lòng yêu nước của mình bằng nhiều cách. Cách của anh và các bạn của anh là một cách trực diện khiến bành trướng TQ phải sợ. Tôi rất buồn cho các đồng chí bí thư chi bộ của anh ở cơ quan và ở nơi cư trú:Không hiểu biết những kiến thức sơ đẳng, không biết tâm tư của đồng chí mình, không có biện pháp làm việc thế thì làm sao vận động, thuyết phục đươc? Tôi ủng hộ anh và mong anh giác ngộ lại mấy ông bí thư chi bộ ấy về đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước!

    Trả lờiXóa
  18. Cảnh sát giao thông làm luật
    http://nld.com.vn/20110726010058494p0c1019/csgt-lam-luat-tao-ton-tren-quoc-lo-51.htm

    Trả lờiXóa
  19. Người tấn công CSGT là trung úy cảnh sát cơ động
    http://phapluattp.vn/2011073011432839p0c1015/nguoi-tan-cong-csgt-la-trung-uy-canh-sat-co-dong.htm

    Trả lờiXóa
  20. Bài bạn viết thật hay
    nhẹ nhàng vẽ ra cái không gian ngột ngạt, sự hèn yếu và tự sợ hãi, sự ngu xuẩn một cách vớ vẩn của việc ăn theo...
    và điều đó hình như cũng tại bạn mình thèm biết bạn ở đau tên ông bạn ở phường bạn quá

    Trả lờiXóa
  21. Một người Hà Nộilúc 08:27 31 tháng 7, 2011

    Thật là quái đản, một ông bí thư chi bộ có nghĩa là thuộc vào tầng lớp " Lãnh đạo " mà có nhận thức như vậy thì việc mất nước nếu xảy ra có cũng không có gì lạ cả.
    Sống giữa thế kỷ 21 mà Họ còn làm những việc khuất tất theo kiểu " lệnh miệng " của ai đó . Họ có biết dân trí và sự tiến bộ xã hội khác xa cách đây vài chục năm dưới thời bao cấp?

    Trả lờiXóa
  22. Nghe ma moi met voi may con vet may. Noi ma chang suy nghi cho thau dao gi het. Toan la lenh mieng. Ma lenh mieng thi khong co gia tri gi nhe!

    Trả lờiXóa
  23. Người Không Xa Lạlúc 08:39 31 tháng 7, 2011

    Tôi bỗng nhớ câu chuyện: Khi V.I.Lê.nin còn sống, trong bữa cơm chiều, Crup-scai-a vui vẻ nói chuyện: Hôm qua em nhận được thư của cháu Na-ta-sa ở Si-bia-ri, nhưng thấy anh bận nên bây giờ mới nói. Na-ta-sa bảo, thưa bác Lê-nin kinh yêu, bây giờ mỗi tối, cháu đã rửa chân và đi guốc rồi mới lên giường đi ngủ chứ không như hồi trước nữa đâu...V.I.Lê-nin đang vui bỗng nghiêm sắc mặt nói: Sao mình không cho biết ngay từ tối qua để sáng nay tôi báo cáo trong cuộc họp Bộ Chính tri! Đấy không phải là chuyện nhỏ! Một cháu bé ở tận Si-bia-ri, nhờ có cách mạng mà nay đã biết giữ vệ sinh như thế thì đó là một sự chuyển biến lớn, lớn lắm chứ...Bộ chính trị phải biết, Bộ Chính trị phải biết!!!
    Crup-scai-a dịu dàng nói: Em xin lỗi...
    Đào Tiến Thi thân quý (xin hãy cho được thể hiện tình cảm như thế, dù chúng ta chưa một lần gặp nhau), bài viết của em cho biết những chuyện "đời thường" nhưng chẳng thường tí nào đâu. Chúng ta cùng nhau nghĩ, nghĩ nhiếu thêm về những chuyện "đời thường", nuôi dưỡng tình yêu nhân dân, Tổ quốc Việt Nam để sống khỏe, sống có ích, làm những việc có ích, giúp những người chưa có thông tin biết rõ tình hình (như em đã và đang làm). Bài viết của em còn làm tôi nhớ đến lời dạy của Bác Hồ: Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu.
    Để cho nhân dân không có đủ thông tin là có tội.
    Chúc em tự tin, vững bước, vươt lên mọi khó khăn, thử thách...
    Cảm ơn em nhiều.

    Trả lờiXóa
  24. chao ơi ! câu chuyện của anh Thi nghe không có gì là lạ,vì mọi sự vẫn mãi thế,nhưng sao mà thất vọng quá!

    Trả lờiXóa
  25. không biết nói gì hơn chỉ biết chúc bác "chân cứng đá mềm"

    Trả lờiXóa
  26. TS. Nguyễn Thạch Cươnglúc 09:14 31 tháng 7, 2011

    Chẳng sao cả đâu, cứ đi biểu tình bình thường nếu thấy cần phải đi vì yêu nước thương đồng loại, vì nỗi bất bằng. HIẾN PHÁP KHÔNG CẤM. Ông bí thư chi bộ nơi bạn và một số bạn thân của bạn có vẻ "né tránh" bạn theo tôi là những con người dưới mức bình thường, tôi coi là không đáng để ý(tôi không có ý định xúc phạm một số người chưa hiểu biết), họ đúng là dở hơi, MŨ NI CHE TAI, chả bù cho tôi đang là BÍ THƯ CHI BỘ đây, tôi đã đi biểu tình nhiều lần và còn khuyến khích đảng viên trong chi bộ nếu có thời gian thì nên đi biểu tình, và trong sinh hoạt chi bộ thì thoải mái bình luận tất cả các vấn đề của đất nước, các nhân vật...Vừa rồi có đọc bài "Sốc, bẽ bàng, đau đớn,..sau biểu tình" của bạn trẻ nào đó, tôi hoàn toàn không đồng ý. Nếu đã xác định yêu nước thì không cần quan tâm đến ứng xử của một vài người bàng quan mà mình phải mất thời gian về nhà suy nghĩ ...thì thật là PHÍ THỜI GIAN. Hãy nhìn hình ảnh GS.Nguyễn Minh Thuyết mà học tập. Chúng ta hãy đứng thẳng lưng.

    Trả lờiXóa
  27. Xin chia sẻ với người viết.
    Phải công nhận, số đông chưa đứng về phía người biểu tình. Số người tham gia biểu tình nói lên điều đó và những gì người viết ghi lại cũng cho thấy, nhiều người sợ, thờ ơ...
    Biểu tình là hình thức sinh hoạt dân chủ của nền văn minh hiện đại, hoàn toàn xa lạ với chế độ này cho nên không có gì là phải thất vọng với những gì đã xảy ra. Chân lý không phải không thuộc về những người biểu tình. Biểu thị lòng yêu nước, phản đối nước ngoài có hành động xâm phạm lãnh thổ của Tổ quốc là hoàn toàn đúng. Đó là hành động yêu nước. Hãy tin là chúng ta đã hoàn toàn đúng. Rồi đây, nếu TQ tiếp tục gây hấn, số người biểu tình, số người ủng hộ BT chắc chắn sẽ đông hơn, nhiều hơn.

    Trả lờiXóa
  28. Đúng là dân trí nước mình còn thấp quá nên còn khổ, đất nước chưa phát triển được. Sống trong sợ hãi quen rồi.

    Trả lờiXóa
  29. Bài viết phản ảnh một sự thật đáng buồn về một phần còn lại trong xã hội (chiếm số lượng không nhỏ). Họ không hoặc ít vào internet, blog bờ leo lại càng không, không quan tâm hoặc sợ quan tâm đến chính trị, hoặc có quan tâm thì cũng chỉ là đọc xong để đấy, sợ nói ra ảnh hưởng đến "nồi cơm", sợ thủ trưởng, sợ bí thư, sợ công an... Một nỗi sợ phổ biến trong Xã hội VN từ rất nhiều năm nay.

    Trả lờiXóa
  30. Bai viet hay. Na na giong chuyen ngan cua Nam cao thi phai.

    Trả lờiXóa
  31. Đọc bài viết rất chân thật của anh Đào Tiến Thi, liên hệ thấy các hiện tượng anh kể ra thật là bi hài cho nhiều người,nhiều gia đình. Do lòng yêu nước bị ngờ vực, bị một số người nói công khai rằng - họ(người yêu nước)- bị đảng Việt tân xúi bẩy...rồi bị an ninh,công an khu vực, tổ dân phố để ý "thăm hỏi" nên đại đa số bạn bè người dân đều tỏ thái độ thờ ơ lạnh lùng với hành động yêu nước của họ. Cũng không đáng trách họ quá nhiều vì thực tế cuộc sống hàng ngày hiện nay đủ 2 bửa ăn và trang trải học hành bệnh tật cũng đã quá sức rồi còn đâu mà nghĩ đến hưởng ừng biểu tình yêu nước chưa nói vì liên lụy đến nó là bao nhiêu phiền toái có thể đổ lên đầu họ ! Ngay ông bộ trưởng tài chính gần đây cũng nói trên diễn đàn vợ ông ấy sau khi đi chợ về củng kêu ca lắm (xin lỗi tôi không nhớ nguyên văn được)mà ai ai cũng biết rằng ngoài lương bộ trưởng ông ấy còn lương khá cao làm việc ở 1 cơ quan khác về quản lí tài chính mà một thời báo chí đã đề cập đến.
    Liên quan đến lời khuyên và lời giải thích của vị bí thư chi bộ phường bảo ràng cấm biểu tình là chỉ đạo cấp trên(cấp nào?)nhưng tế nhị nên không ai được biết tôi lại nhớ đến số phận phim "Hà nội trong mắt ai" và "Chuyện tử tế" (từ thập niên 80) của đạo diễn nhân dân Trần văn Thủy. Sau gần 30 năm tình cờ gặp lại nhau ở bể bơi anh ta kể lại số phận lận đận của 2 tác phẩm này. Lần đầu đưa ra chiếu cho một số cán bộ nào đó xem, sau buổi chiếu nhiều tiếng xì xào khen chê ngờ vực lan truyền ra ngoài rồi sau đó bị cấm (nhưng không hề có văn bản và cấp nào kí)... Rồi đến một ngày sau đó Thủ tướng Phạm Văn Đồng yêu cầu được xem, cục điện ảnh mang chiếu có anh Thủy cùng đi, xem xong Thủ tướng đánh giá cao phim này và cho phép chiếu rộng rải cho nhiều người xem nên sau đó 2 phim được chiếu ở nhiều rạp và được người xem rất khen ngợi.
    Nay nghe nói có chỉ đạo cấm biểu tình yêu nước, vậy lệnh cấm có không và văn bản chính thức do ai kí, ngày nào cần công bố rộng rải và giải thích cặn kẻ để mọi người biết và chấp hành thực hiện. Tôi thấy cơ quan tuyên giáo trung ương cần công bố công khai cho mọi người dân biết để cùng đồng lòng thực hiện (hay có ý kiến phản hồi).

    Trả lờiXóa
  32. Người Sài Gòn :

    Thật ngưỡng mộ tinh thần thái độ của Chú. Chính quyền đầy rẫy những kẻ thiếu hiểu biết và giáo điều. Mong Chú vẫn giữ được nhiệt huyết để giới trẻ học hỏi được tinh thần và tình yêu đất nước từ Chú. Không phải từ sách vở giáo khoa đang làm mai một các thế hệ trẻ hiện nay.

    Trả lờiXóa
  33. Cảm ơn TS Cương. Đúng là như vậy. Nếu chỉ vì những lời chế trách hay thái độ của bạn bè mà ta đã muốn buông tay thì e là hơi yếu:).

    Cứ lương tâm, trái tim mà làm. Chứ ai cũng nghĩ như những người đồng nghiệp của bác Thi thì làm gì có trận Gạc Ma 1988, làm gì có Hoàng Sa 1974:(. Những anh hùng ấy, khi cùng nhau giữ cờ, đảo, có chắc họ cũng nghĩ đến việc được vinh danh?:(

    Trả lờiXóa
  34. Nếu câu chuyện trên là có thực, tôi đề nghị phải khẩn trương điều tra lai lịch của lão bí thư chi bộ này. Rất có thể hắn là gián điệp của TQ chui vào hàng ngũ của Đảng để chống phá ta từ bên trong. Giọng của lão về Biển Đông theo đúng đường lối của . . . Tàu.

    Trả lờiXóa
  35. Thưa TS Nguyễn Xuân Diện, bạn Thi, dõi theo người BT hai tháng trời qua tôi rất cảm phục những người trực tiếp đi BT cũng như tiếng nói, khí thế chung của đồng bào VN ta chống quân Tàu gây hấn. Qua chuỗi 3 bài nhật kí BT của bạn tôi càng thấu hiểu thêm về tinh thần yêu nước của bạn Thi, của mọi người. Xin cảm ơn những người BT, đã nhân danh cho tinh thần, khí phách Việt Nam.
    Tôi xin có một đề nghị, việc công an bắt người, ngoài việc "phá đám" BT, còn lại chủ yếu là muốn "lập hồ sơ" công khai(chứ họ biết rất rõ từng người tham gia BT cũng như các Bloger yêu nước).
    Hay chăng chúng ta tự lập "DANH SÁCH NHỮNG NGƯỜI BIỂU TÌNH CHỐNG TRUNG QUỐC GÂY HẤN", rồi gữi lên công an Hà Nội. Mặt khác cho đăng lên trang mạng của TS Nguyễn Xuân Diện để CA đỡ mất công bắt bớ, dùng xe chở về đồn tốn kém đến tiền dóng thuế của nhân dân, cũng như những khoản "tiền phụ cấp chống biểu tình" nảy sinh. Thế kỉ của CNTT rồi, chúng ta nên "hiện đại hóa" dần việc chống Tàu của nhân dân VN.
    Có danh sách ấy, với đầy đủ họ tên, tuổi, nghề nghiệp, số điện thoại, Email,địa chỉ...dể những người ở xa HN, SG không trực tiếp đi biểu tình đựoc cũng có thể ghi tên mình lên đó.
    Xin cám ơn.

    Trả lờiXóa
  36. Anh Đào Tiến Thi thân mến!
    Đọc bài viết của anh em thấy anh gặp thật nhiều rắc rối vì cái " lòng yêu nước dở hơi" theo quan điểm của một số ai đó. Nhưng cái " dở hơi" đó trong trái tim anh khiến bạn bè anh không dám tâm sự với anh, khiến mọi người dè chừng anh, khiến lãnh đạo vất vả "khai sáng" anh... thật là mệt mỏi cho anh. Nhưng anh ơi! Việt Nam mình cũng có nhiều người có cái " dở hơi" giống anh lắm. Thế nên những người có cái "dở hơi" sẽ là bạn của anh, sẽ là lắng tâm sự của anh. Cuối cùng chúc anh và gia đình mạnh khỏe và hạnh phúc!

    Trả lờiXóa
  37. Tôi đã xem đầy đủ "Nhật kí biểu tình" từ kì 1 đến kì 4 của anh Đào Tiến Thi. Thật khâm phục anh - một trí thức thực sự, kiên định và rất có bản lĩnh, rất có trách nhiệm với đất nước và tin tưởng vào những việc mình đã làm.
    Tôi biết anh đã cảm nhận và trải nghiệm rõ rệt đến thế nào sự cô đơn của mình giữa những người quá nhút nhát - nhút nhát một cách vô lí xung quanh - nhưng anh cũng rất hiểu, thông cảm với họ và can đảm chấp nhận tất cả.
    Chúc anh vẫn tiếp tục mạnh mẽ, nhiệt huyết. Chúc mọi sự tốt đẹp sẽ đến với anh. Mong anh hiểu rằng vẫn có nhiều người chia sẻ cùng anh để anh cảm thấy mình không cô đơn.

    Trả lờiXóa
  38. Tôi không thấy buồn về hai vị bí thơ nhiều,tôi chỉ rất buồn về thái độ của những người có học(tôi chưa dám gọi họ là trí thức)đối với vận mệnh Tổ Quốc !
    Chao ơi,đến bao giờ họ mới trở thành nguyên khí quốc gia ?

    Trả lờiXóa
  39. Ngài GS TSKH Bộ trưởng GD Phạm Vũ Luận cho rằng 1000 điểm 0 và 98% điểm dưới trung bình môn lich sử trong kỳ thi ĐH vùa xong là bình thường,nghĩa là dân ta không biết sử ta là chuyện bình thường!

    Trả lờiXóa
  40. Chào ĐÀO TIẾN THI xin chia sẻ cùng Anh!. Đừng buồn và đừng nản chí nhé!. Những BÍ THƯ CHI BỘ mà Anh kể, Tôi từng được gặp và biết về những người như họ từ hàng vài chục năm rồi; chỉ có điều tôi cũng chẳng muốn nói ra- Người ta sẽ gán ngay tội BẤT MÃN. Thể hiện lòng yêu nước sáng như ban ngày như Anh mà còn bị làm khó bởi những ngài BÍ THƯ CHI BỘ "giỏi" thế kia cơ mà.
    Chúng ta đang được sống trong những ngày CỰC KỲ ĐẶC BIỆT của Tổ Quốc, mong Anh đừng sờn lòng nhé!.

    Trả lờiXóa
  41. Thôi, cãi lý với ông bí thư đó làm gì. Có mà cả ngày. Trình độ họ thế, suy nghĩ họ thế. Biết làm thế nào được!Họ nghĩ thế thật đấy. Rất nhiều ông bí thư như thế, ở cơ quan thì ít thôi, ở các cụm dân cư nhiều vô kể. Tuy nhiên, việc mình, mình cứ làm theo lương tâm, miễn là không vi phạm pháp luật.

    Trả lờiXóa
  42. Người yêu nước!lúc 11:43 31 tháng 7, 2011

    Chuyện chú Thi cũng là chuyện của bao cô chú, các bạn đi biểu tình yêu nước phản đối Trung Quốc xâm lược...bị làm phiền, dò xét,sách nhiễu...Có một cô bé mới học lớp 9 mà mấy lần đi biểu tình có đeo cả khăn quàng đỏ của học sinh THCS mà bị bên an ninh họ theo dõi về tận nhà...cho người điều tra lý lịch cô bé...chắc họ sợ em ấy là "phản động". Một điều đáng khâm phục ở một cô bé nhỏ tuổi yêu nước dù bị chính quyền, nhà trường gây khó khăn, gia đình không hiểu và ngăn cấm, nhưng em ấy vẫn bảo là không sợ, nếu biểu tình chống TQ nữa thì vẫn đi. Thật tuyệt vời!

    Trả lờiXóa
  43. Thưa bác, Khách ẩn danh 07:04 Ngày 31 tháng 7

    bài thơ hay nhưng chắc bác nhầm tác giả: không phải của LQV đâu mà của nhà thơ Nadim Hikmet đấy. Mời Bác xem đây ạ. Đa tạ
    http://gocsan.blogspot.com/2011/07/if-i-do-not-burn-neu-toi-khong-chay-len.html

    Trả lờiXóa
  44. Hình như ông bí thư chỗ anh Thi mới tham gia viết bài này, bị VietnamNet lên án"
    http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-07-27-trung-quoc-nguy-bien-duong-luoi-bo
    Bạn tin không? Tôi thấy ông ấy nói với anh Thi giống bài này lắm!

    Trả lờiXóa
  45. Chuyện bác bí thư chi bộ đến nói về "chỉ thị của cấp trên" cho bác Thi cũng là chuyện bình thường thôi. Vì ở ta cái gì cũng có thể qui về chi bộ, Đảng bộ các cấp phải có trách nhiệm. Ở tổ dân phố tôi: có người sinh con thứ ba, chi bộ cũng có trách nhiệm; công tác giải phóng mặt bằng một số hộ dân chưa xong, chi bộ cũng có trách nhiệm ... Trăm thứ bà rằn ở tổ dân phố, chẳng liên quan gì đến tổ chức Đảng nhưng trên cứ qui là chi bộ chưa phát huy tinh thần lãnh đạo, tiên phong của Đảng .... nên "liên đới". Mai kia nếu có nhiều khách du lịch Tàu đến ở trên địa bàn có khi chi bộ cũng "bị" ?

    Trả lờiXóa
  46. Mặc cho những chuyện đe dọa như vậy, đặc biệt đã là trí thức thì có suy nghĩ độc lập và tiếp tục kiên trì làm những việc thấy cần phải làm theo nhận thức của mình.

    Thái độ của các nhân sỹ tham gia biểu tình vừa qua tuy còn ít nhưng đã có tác dụng thức tỉnh đồng bào.

    Tôi vẫn tin tưởng.

    Chúc bác Đào Tiến Thi chân cứng đá mềm.

    Trả lờiXóa
  47. Câu chuyên của bác Thi cũng la của không it người tham gia biểu tình 8 chủ nhật vừa qua. Nó cũng minh họa cho "sự sợ hãi" mà GS Ngô Bảo Châu đã đề cập tới. Nó cũng giải thích cho hiện tượng rất nhiều người chỉ sau khi về hưu mới "dám" lên tiếng về những bất công, sai trái...từ to đến nhỏ đang diễn ra hàng ngày trên đất nước ta!
    Cảm ơn bạn Thi đã nói thay hoàn cảnh của nhiều người tham gia biểu tình; trong đó có tôi.
    Bạn ẩn danh 7:04 trích dẫn mấy câu thơ của Lưu Quang Vũ quá hay.

    Trả lờiXóa
  48. Giám Đốc của cơ quan bạn THI là người hiểu biết.

    Ông Bí Thơ chi bộ của cở quan bạn THI + với ông ông Bí thơ chi bộ hưu trí đã không hiểu biết lại thích làm cán bộ, thích tỏ ra OAI. Hai Ông này chắc không bao giờ biết sử dụng Internet mà duy nhất chỉ đọc báo tờ, vì vậy cập nhật thông tin chỉ có hạn.
    Ông Bí thơ chi bộ của cơ quan bạn THI mời bạn THI ra caffe room để nói chuyện là vì ông ta biết là ngồi nói chuyện tại cơ quan chẳng may bạn THI không kiềm chế được mà bóc mẽ cái dốt của ông ấy ra thì ông ta sẽ mất mặt với anh em.

    Lực lượng Công an: cũng có người hiểu biết tường tận vấn đề biển Đông. có người cũng chỉ lơ mơ rồi họ được nhận nhiệm vụ làm việc trong các buổi biểu tình của nhân dân. Từ chỗ không hiểu biết + với biến chất nên mới có sự cư xử không đẹp với những người tham gia biểu tình yêu nước. Nhưng trong khi đó thì cũng có một số anh em CA họ hiểu biết nên họ sử xự đẹp trong mọi hoàn cảnh khi họ làm nhiệm vụ.

    Trả lờiXóa
  49. CSGT đã trắng trợn làm luật lại còn đeo kính đen nữa chứ!

    http://nld.com.vn/20110726010058494p0c1019/csgt-lam-luat-tao-ton-tren-quoc-lo-51.htm

    Chủ tịch nước ơi, đất nước này nhiều sâu quá! Một bầy sâu! Làm thế nào bây giờ?

    Trả lờiXóa
  50. Hậu quả tai hại của việc bưng bít thông tin.
    Dân mà ngu (xin lỗi khi phải dùng từ ấy) thì dễ trị, nhưng cũng dễ mất nước. Chỉ suy nghĩ trên nền thông tin đơn chiều, sống trong tình trạng bao cấp về tư duy thì cả hệ thống sẽ trở nên "bảo hoàng hơn vua", đến đó thì vua có muốn đổi mới cũng khó...
    May thay, sức sống của tinh thần yêu nước của dân tộc Việt đã và đang cứu dân tọc chúng ta...
    Cảm ơn Đào Tiến Thi.

    Trả lờiXóa
  51. HH đang luyện chưởng. Chúc các Bác và anh chị em thưởng thức một chiều cà-phê tuyệt vời: vui như BT.

    Trả lờiXóa
  52. Đọc bài của anh Tiến thấy làm người dân ở xứ ta khổ quá!! Làm điều đúng lương tâm và pháp luật cũng có thể bị "người đời" xa lánh. Hi vọng có 1 ngày nào đó, có lẽ những vai "Trưởng phòng" và "Bí thư chi Bộ" (ở 2 nơi) sẽ lại thành phim ... (em không hề có ý trách họ, mà mong xã hội tiến bộ lên để những người ta không phải đóng vai đó nữa)

    Trả lờiXóa
  53. Post ít hình thưởng thức cà-phê cho những người ở xa thưởng lãm với Bác Diện ạ!

    Trả lờiXóa
  54. (Họ) vẫn đang sống như cách đây nửa thế kỷ.Buồn quá...ngột ngạt quá...

    Trả lờiXóa
  55. Dân ta phải thuộc sử ta
    Nếu mà không biết thì tra "Gu Gồ"
    Chắc bác BT không biết ông gu gồ là ông nào rồi

    Trả lờiXóa
  56. Khi ông bí thư nói thế, anh công an phải còng tay ông ta ngay vì chắc chắn ông ta là phản động, sặc mùi Tàu khựa. Phải bắt giam ngay, xét xử công khai ngay! Lạ thật, ngay một câu phê phán từ phía đồng chí công an cũng không thấy. Hay anh Thi chưa kể hết?

    Trả lờiXóa
  57. Dân ta phải biết sử ta
    Cho tương gốc tích nước nhà Việt nam

    Lời Bác Hồ đã dạy, mà ông Bộ trưởng Bộ GDĐT lại nói kết quả thi đại học nhiều điểm 0 là chuyện bình thường. Bình thường sao được khi các cô tú, cậu tú không biết gì về lịch sử Việt nam lại có thể nói vanh vách nhà Thanh có mười ba đời, nào là Khang hi, Càn long, Ung chính ...vv.

    Thật không hiểu nổi

    Trả lờiXóa
  58. Công an với "bí thư bí thẹo" mà đến nhà tôi kiểu đó tôi đuổi cổ luôn.

    Trả lờiXóa
  59. Bác BT ấy mà lên cỗ máy thời gian, đi ngược lại 40 năm trước thì chắc phải lên chức cao lắm rồi (vì sự ngu dốt và ấu trĩ - giống như mấy ông cán bộ trong truyện ngắn "Đôi mắt" của Nam Cao). Tiếc là ông BT ấy lại sống ở cái thời đại này, thời đại của Google. Chả ai giấu được thông tin gì nữa.

    Trả lờiXóa
  60. Tôi đã đọc hết 4 phần trong "Nhật ký biểu tình". Rất cảm ơn anh Thi đã cho biết những suy nghĩ rất thật lòng của anh. Trong cuộc sống đầy rẫy những hiện tượng đua tranh, chạy chức chạy quyền, lối sống tha hóa, bàng quan, vụ lợi đang diễn ra khá phổ biến ở các cơ quan, công sở, thì riêng anh, cũng như một số nhân sĩ, trí thức, bạn trẻ đã nghĩ đến trách nhiệm, bổn phận của một công dân đối với sự toàn vẹn của Tổ quốc, đến số phận của những ngư dân lam lũ nơi vùng biển xa mà cùng lên tiếng góp tiếng nói của mình để bảo vệ công lý, lẽ phải. Hành động đó, lẽ ra phải được chính quyền khuyến khích, bảo vệ, nhưng đau đớn thay, các anh lại gặp phải những người cố gây phiền hà, thậm chí còn xúc phạm các anh. Phải chăng vì trình độ, nhận thức của họ chỉ như vậy, hay vì miếng cơm, manh áo mà phải làm theo lệnh. Tôi tin rằng, một lúc nào đó, họ sẽ phải hối hận với lương tâm, phải xấu hổ với con cháu họ. Chúc anh Thi luôn mạnh khỏe, vững niềm tin vào chính nghĩa.

    Trả lờiXóa
  61. Bạn Thi ơi,
    Bài cuối của bạn hay quá, giàu thông tin, lối viết tả thực thuyết phục lắm.
    Mong bạn tiếp tục ghi chép lại những gì đến với bạn trong "những ngày tối".

    Trả lờiXóa
  62. Nguyễn Vĩnh Tuyênlúc 01:03 1 tháng 8, 2011

    Đến hôm nay xuống HN cháu mới vào lại được blog NXD và đọc được những bài nhật ký của bác. Thấy thương và cảm phục bác vô cùng...
    Xem ra bên an ninh còn dễ chịu hơn rất rất nhiều so với mấy ông bí thư bác nhỉ?
    Cháu Tuyên

    Trả lờiXóa
  63. NHỮNG ÂM THANH BỊ PHÔ TRONG MỘT DÀN NHẠC
    Sáng CN 24/7 tôi có mặt ở hồ Gươm hơi muộn khoảng 9h20, tôi đứng bên bờ hồ đối diện vườn hoa Lý Thái Tổ chờ nhập vào đoàn biểu tình. Cũng lúc đó có khoảng 20 vận động viên đua xe đạp trong đồng phục màu vàng tập trung trước tượng đài vua Lý Thái Tổ để chụp ảnh lưu niệm. Chúng ta đều biết trong các cuộc biểu tình có 1 bác cao tuổi mặc áo màu vàng đi xe đạp đua thường tham gia trong đoàn, nên tôi nảy ra ý định mời các vận động viên này cùng tham gia. Tôi bước sang đường thì các vận động viên cũng kết thúc việc chụp ảnh và tiếp tục cuộc hành trình của họ. Tôi hướng về 1 anh lớn tuổi chắc là phụ trách của đội và nói - Đội hình đẹp thế này mà tham gia vào đoàn biểu tình thì oách nhất đấy. Mọi người có hình dung ra tôi đã nhận được câu trả lời thế nào không? - Ôi giời, đấy là việc của người ta. Quá choáng, nên tôi đáp lại - Thế đất nước này là của người ta à? Còn anh ta dấn pedan phóng vù đi. TDTT- rèn luyện thân thể cho khỏe không dùng vào việc bảo vệ Tổ quốc ư?
    Đành rằng mỗi người tùy theo cảm súc, khả năng , hoàn cảnh của mình mà có những bày tỏ khác nhau về vận mệnh đất nước nhưng sự bày tỏ như anh vận động viên mà tôi vừa kể trên thì ... nó giống như những âm thanh bị phô trong một dàn nhạc về lòng yêu nước.

    Trả lờiXóa
  64. Vậy là chi phí nuôi an ninh theo dõi người biểu tình là rất nhiều.
    lại đè đầu dân ra thu thuế !

    Trả lờiXóa
  65. Nhất trí với bạn Biển đen,để mọi người ở mọi nơi trên mọi miền đất nước đều có thể tham gia biểu tình.

    Trả lờiXóa