Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2011

PHÁT HIỆN THÊM MỘT TÀI LIỆU CỔ VIẾT VỀ HOÀNG SA - TRƯỜNG SA

 MỘT TÀI LIỆU HÁN NÔM VIẾT VỀ HOÀNG SA - TRƯỜNG SA
THUỘC CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM
Trịnh Khắc Mạnh

Hoàng Sa và Trường Sa là hai quần đảo nằm ở Biển Đông thuộc lãnh thổ Việt Nam. Hai quần đảo này từ rất lâu đã trở thành địa điểm của cư dân Việt Nam sinh sống và khai thác sản vật, thành đối tượng ghi chép và nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Căn cứ vào các tài liệu Hán Nôm và những ghi chép của người nước ngoài, các nhà khoa học đã chứng minh chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, đây là những căn cứ vững chắc về khoa học và pháp lý. Xin nêu một số công trình như: 
- Từ Đặng Minh Thu: Cuộc tranh chấp về các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - Các vấn đề pháp lý, Trường Đại học Luật, Kinh tế và Khoa học xã hội Paris (chưa rõ năm). 
- Đinh Phan Cư: Chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Học viện Quốc gia Hành chính, Luận văn tốt nghiệp, Sài Gòn, năm 1972. 
- Đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa (gồm các bài viết của Hoàng Xuân Hãn, Trịnh Tuấn Anh, Lãng Hồ, Nguyễn Nhã,... gồm 13 tác giả), Tập san Sử Địa, số 29/1975. 
- Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa: Lãnh thổ Việt Nam, Bộ Ngoại giao Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. KHXH, H. 1984. 
- Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: Bộ phận lãnh thổ Việt Nam, Nxb. Quân đội Nhân dân, H., 1988. 
- Lưu Văn Lợi: Cuộc tranh chấp Việt - Trung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nxb. Công an Nhân dân, H.1995.
- Nguyễn Nhã: Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Luận án Tiến sĩ Lịch sử, bảo vệ tại Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, năm 2002.
- Nguyễn Q. Thắng: Hoàng Sa Trường Sa lãnh thổ Việt Nam - Nhìn từ công ước quốc tế, Nxb. Tri thức, 2008.
- Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam (gồm các bài viết của Nguyễn Nhã, Nguyễn Đỉnh Đầu, Lê Minh Nghĩa, Từ Đặng Minh Thu, Vũ Quang Việt), Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2008.
Nhưng các công trình trên đều không nêu dẫn một tác phẩm Hán Nôm có ghi chép về Hoàng Sa, đó là bộ Đại Việt sử kí tục biên 大越史記續編 (còn có tên Hậu Lê thời sự kỷ lược 後黎時事紀略). Để bổ sung tư liệu quan trọng có giá trị khoa học về lịch sử, pháp lý và thực tế để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, chúng tôi xin trích giới thiệu đoạn văn ghi chép về Hoàng Sa - Trường Sa trongĐại Việt sử kí tục biên (Hậu Lê thời sự kỷ lược).
Đại Việt sử kí tục biên là bộ sử viết về lịch sử Việt Nam giai đoạn 1676 - 1789, và được chúa Trịnh Sâm sai biên soạn vào năm 1775, chính trong tác phẩm đã ghi rõ điều này: “Chúa sai làm quốc sử. Từ năm Vĩnh Trị thứ nhất (1676) về sau chưa có tục biên. Chúa sai Nguyễn Hoãn, Lê Quí Đôn, Vũ Miên kiêm chức Tổng tài và các Nho thần làm Toản tu như: Ngô Thì Sĩ, Phạm Nguyễn Du, Ninh Tốn, Nguyễn Sá đều dự làm quốc sử”(1). Điều này cũng được ghi trong mục Văn tịch chí bộ Lịch triều hiến chương loại chí(2) của Phan Huy Chú và bộ Việt sử thông giám cương mục(3) của Quốc sử quán triều Nguyễn.
Nhưng Đại Việt sử kí tục biên, trong quá trình lưu truyền văn bản đã bị thất lạc, lý do: vào năm 1838, vua Minh Mệnh ban đạo dụ cấm ban hành bộ sử Lê sử bản kỉ tục biên vì đã viết ca ngợi công lao họ Trịnh, đạo dụ viết: “Trong các sách An Nam lịch đại sử kí (Sử kí các đời của An Nam) có nhiều chỗ văn nghĩa sự tích giản lược. Đến giai đoạn từ đời Lê Trung hưng trở về sau, họ Trịnh nắm hết chính quyền, vua Lê chỉ ngồi bị vị, cho nên những chuyện chép trong Bản kỉ tục biên đều là việc tôn họ Trịnh dìm vua Lê. Thậm chí, những việc họ Trịnh bội nghịch với vua Lê cũng đều chép sai lạc để ngợi khen nhau. Tình trạng trái ngược như mũ giầy điên đảo, không lúc nào tệ bằng lúc ấy. Do đó có những người biên soạn sử sách thời bấy giờ đều là người riêng của họ Trịnh, điều mà sách chép không phải là lời nói theo công nghị. Đến nay tuy những ván khắc cũ [của sách Lê sử tục biên] đã bị tán lạc; nhưng những bản sách đã in, do sĩ dân tàng trữ, há lại không còn hay sao? Nếu còn để sách ấy lại, người nọ truyền riêng cho người kia xem thì nó sẽ làm hãm đắm lòng người, không thể không một phen thu sách ấy lại mà tiêu hủy đi, để tính kế tốt nhất cho phong tục thế đạo. Vậy truyền dụ các quan đầu các địa phương, thông sức cho quan lại sĩ dân trong hạt mình cai trị, nếu còn có nhà nào chứa chấp sách Lê sử bản kỉ tục biên, thì bất cứ sách in hay sách viết, đều nộp lên quan ngay, do quan đầu địa phương đệ nạp tại Bộ. Khi sách đã đến Bộ, Bộ sẽ tâu xin trên hủy đi”(4). Như vậy, Lê sử bản kỉ tục biên hay Bản kỉ tục biên chính là Đại Việt sử kí tục biên đã từng được khắc in, chỉ từ sau năm 1838 trở đi mới bị thất lạc, hiện trong các kho Hán Nôm chúng tôi chưa tìm thấy bản khắc in nào.
Theo điều tra của Ngô Thế Long và Nguyễn Kim Hưng, cùng sự đối chiếu trong kho sách Hán Nôm, Đại Việt sử kí tục biên hiện còn 9 bản đều dưới dạng viết tay và có các tên gọi khác nhau, như Đại Việt sử kí tục biên, Việt sử tục biên 越史續編, Lê hoàng triều kỷ 黎皇朝紀, Hậu Lê thời sự kỷ lược hiện đang lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Viện Sử học(5).
Sau đây chúng tôi xin công bố đoạn trích viết về Hoàng Sa vào năm Giáp Tuất niên hiệu Cảnh Hưng thứ 15 (1754) trong Đại Việt sử ký tục biên, bản HV.119 của Viện Sử học với tên sách là Hậu Lê thời sự kỷ lược(6).
Phần chữ Hán: 簿[.](7)��(8) - (Xem ảnh chụp bản gốc ở cuối bài viết).
Dịch nghĩa:Tám người thuộc đội Hoàng Sa xã An Vĩnh huyện Bình Sơn phủ Quảng Ngãi đi thuyền nhỏ vào bãi Hoàng Sa giữa hải đảo tìm lấy hóa vật, bị gió dạt vào cửa sông Thanh Lan huyện Văn Xương phủ Lô Châu (nước Thanh). Quan địa phương đó xét hỏi đúng sự thực rồi đưa trả về nguyên quán. Thế Tông Hiếu Vũ Hoàng đế ta(9) sai Cai bạ Thuận Hóa là Thức Lượng hầu(10) viết thư đáp lại nước Thanh. Ngoài biển xã An Vĩnh có nhiều đảo lớn gồm hơn 130 đảo, cách nhau hoặc một ngày đi thuyền, hoặc vài canh giờ. Trên đảo có chỗ có suối nước ngọt. Trong đảo có bãi cát vàng(11) (Hoàng Sa) dài ước hơn 30 dặm, bãi phẳng nước trong. Đảo có vô số tổ yến, ở bãi cát lại có ốc vằn, tục gọi là ốc tai voi, ốc xà cừ, ốc hương và hải trùng, hải sâm, đồi mồi, v.v... Đặt đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào đội ấy, cắt lượt nhau đi thuyền đến đảo mò tìm sản vật. Mỗi năm cứ tháng 3 ra đi, mang lương ăn 6 tháng, đi thuyền ra biển 3 ngày 3 đêm mới đến đảo. Ở đấy tha hồ tìm nhặt, được sản vật gì, bao nhiêu, đến kì tháng 8 thuyền về cửa Eo(12), đem đến Phú Xuân nộp. Trong khoảng ấy cũng có người mò được tiền bạc, chì, thiếc, nồi đồng, súng, khí giới, ngà voi, bát bằng đá, v.v..”(13)
Như vậy tư liệu Hán Nôm viết về Hoàng Sa - Trường Sa khẳng định chủ quyền lãnh thổ thuộc Việt Nam cần được bổ sung tác phẩm Đại Việt sử kí tục biên (Hậu Lê thời kỉ lược) một bộ tín sử Việt Nam (giai đoạn 1676-1789) viết nối tiếp Đại Việt Sử kí toàn thư ghi chép lịch sử Việt Nam từ họ Hồng Bàng đến năm 1675 đời vua Lê Gia Tông.

Chú thích:
(1) Đại Việt sử kí tục biên, Ngô Thế Long - Nguyễn Kim Hưng dịch và khảo chứng, Nguyễn Đổng Chi hiệu đính, Nxb. KHXH, H. 1991, tr.397.
(2) Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, bản dịch, tập III, Nxb. KHXH, H. 1992, tr.72-73.
(3) Việt sử thông giám cương mục, bản dịch, tập XIX, Nxb. Sử học, H. 1960, tr.46.
(4) Trần Văn Giáp: Tác phẩm được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, Nxb. KHXH, H. 2003, tr.148.
(5) Về văn bản Đại Việt sử kí tục biên, chi tiết xin xem Lời giới thiệu do Nguyễn Kim Hưng viết, in trong Đại Việt sử kí tục biên, Ngô Thế Long - Nguyễn Kim Hưng dịch và khảo chứng, Nguyễn Đổng Chi hiệu đính, Nxb. KHXH, H. 1991, tr.5-14.
(6) Xin chân thành cảm ơn TS. Nguyễn Hữu Tâm, Giám đốc Thư viện Viện Sử học đã tạo điều kiện và giúp đỡ chúng tôi.
(7) Chữ chưa khôi phục được.
(8) 後黎時事紀略, Viện Sử học, HV.119, Phần: Hiển Tông Vĩnh Hoàng đế (Q.3), Mục: Giáp Tuất Cảnh Hưng thứ 15 (1754), tờ 3a.
(9) Chỉ chúa Nguyễn Phúc Khoát. Sách do các học giả thời Nguyễn sao chép lại, nên viết nhà Lê là Hậu Lê và ghi tên hiệu chúa Nguyễn Phúc Khoát được các Hoàng đế nhà Nguyễn truy phong. Vấn đề văn bản tác phẩm chúng tôi sẽ nghiên cứu và giới thiệu vào dịp khác.
(10) Thức Lượng hầu: tước của Trần Đình Hỷ.
(11) Trong Thiên Nam tứ chí lộ đồ 天南四至hay Thiên hạ bản đồ 天下本圖có ghi chữ Bãi Cát Vàng.
(12) Cửa Eo: tức Cửa Thuận (Thuận An hải khẩu). Tên này được đổi từ năm Gia Long thứ 13 (1814).
(13) Bản dịch: Đại Việt sử kí tục biên, Ngô Thế Long - Nguyễn Kim Hưng dịch và khảo chứng, Nguyễn Đổng Chi hiệu đính, Nxb. KHXH, H. 1991, tr.243-244. Chúng tôi có sửa chữa đôi chỗ.

Tư liệu tham khảo
- Monique Chemillier - Gendreau: Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bản dịch, Nxb. Chính trị Quốc gia, H. 1998.
- http://www.google.com.vn / Hoàng Sa Trường Sa. Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa. Tủ sách Hoàng Sa Trường Sa../.
Nguồn: Tạp chí Hán Nôm; Số 4 (94) 2009; Tr.79-82
*Tác giả Trịnh Khắc Mạnh là PGS.TS, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm

6 nhận xét :

  1. Kính gửi PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh !
    Cảm ơn Bác đã công bố một công trình nghiên cứu về Biển đảo của Tổ Quốc. Bà con chúng tôi sẽ coi Bác là TRÍ THỨC. Mong sao Bác có nhiều nghiên cứu có giá trị . Hơn thế nữa mong Bác tổ chức tốt và động viên Cán bộ nghiên cứu ở Viện Hán Nôm nỗ lực dấn thân trong sự nghiệp trọng đại, khó khăn, gian khổ và lâu dài bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển đảo.Về công trình của Bác, về nghiên cứu lịch sử, về Hán Nôm... chúng tôi mù tịt nên không thể có ý kiến gì được.Tin và hy vọng các nghiên cứu của Bác và đồng nghiệpp là chính xác, trung thực... Chỉ xin gửi Bác đôi dòng tâm sự. Có thể nói nhân dân yêu nước chưa hài lòng với giới có học (mà trong ngôn ngữ chính thống hay ngôn ngữ hàng ngày tạm gọi là TRÍ THỨC). Vì nhân dân thấy chỉ có một số ít thật sự là TRÍ THỨC thôi. Bởi họ biết dấn thân cho đất nước, nhân dân, họ thức tỉnh và khai sáng cho dân ta ( dù ít dù nhiều cũng là đáng quí )...Nhân dân chia ra 3 loại: Một số là TRÍ THỨC dấn thân như đã nói .Một số lớn là "TRÍ NGỦ" vì họ trùm chăn sống yên thân, cầu an. Họ tuy chưa làm hại nhiều ( nhưng thật ra là có hại ) nhưng chẳng có ích mấy cho dân tộc.Họ chỉ có Danh và hưởng lợi vì danh mang lại mà thôi. DO vậy có người hơi cực đoan đã đặt biểu tượng cho giới trí thức với chữ HÈN. Một số được nhân dân gọi là "TRÍ TRÁ" vì họ a dua, đồng lõa với sai trái, cơ hội , thậm chí là làm bậy, nói bậy, viết bậy...để hưởng lợi, hưởng danh...Bác thử thống kê xem trong các phong trào yêu nước mấy năm gần đây, có bao nhiêu người là TS,PGS,GS xuất đầu lộ diện. Mà nếu như tôi nhớ không chính xác lắm thì hiện tại nước ta có khoảng 20ngàn TS, 9 ngàn GS,PGS( tôi không tính số tốt nghiệp đại học ). Bác đã đọc Hịch Khoa học công nghệ trên trang TS Diện này chưa? Đúng lắm, sâu sắc lắm, tha thiết lắm, nhân văn lắm mà cũng đau xót, chua cay lắm... cho giới trí thức nước nhà.Thôi tôi dừng ở đây vì có thể vì buồn, vì thành thật mà nói thêm điều gì đó xúc phạm tới các " trí thức". Kính chúc Bác khỏe vui, thành đạt. KÍNH

    Trả lờiXóa
  2. Tôi tin là trong thâm tâm của mọi người Việt chúng ta ai cũng tin tưởng và nhận thức được rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt nam. Điều đó là đúng đắn không có gì phải bàn cãi, và rất cần được thể hiện ra một cách mạnh mẽ trong giai đoạn hiện nay, khi chúng ta đang phải đấu tranh để bảo vệ những gì đang còn và dần từng bước đi đến đấu tranh để đòi lại những gì đã mất. Nhưng tôi vẫn còn lăn tăn một điều là chỉ có tin và hiểu thôi là không đủ. Nó vẫn mang tính cảm tính hơn là khoa học. Ngay cả việc nhà nước thường xuyên phải có những hành động, những phát ngôn, từ trực tiếp đến gián tiếp, để khẳng định với thế giới về vấn đề này (mà lẽ ra trước đây đã phải làm việc này, như trong mục dự báo thời tiết phải có nói về hai khu vực quần đảo HS&TS như đang làm hiện nay) thì điều đó cũng vẫn là chưa đủ. Cái mà tôi cho là rất quan trọng, nhưng ta rất yếu và rất thiếu, đó là những công trình nghiên cứu mang tính học thuật được công bố quốc tế. Điều này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc góp phần giải quyết các tranh chấp quốc tế trong thời đại của khoa học và công nghệ thông tin. Vì nó dựa trên cơ sở khoa học chứ không phải bằng niềm tin và những bằng chứng được khẳng định bằng "mồm" hay được trích dẫn từ các bài báo kiểu "xã luận" hay mang tính phổ biến, thông tin. Mặc dù một số công trình nghiên cứu được liệt kê trong bài của tác giả Trịnh Khắc Mạnh là rất đáng quý, nhưng theo cảm nhận của tôi có vẻ hơi ít ỏi và chưa đủ thuyết phục về mặt uy tín khoa học. Và điều đáng phải làm nữa là tìm cách nào đó đưa các công trình dù ít ỏi này ra công luận quốc tế. Việc làm “láu cá” của các nhà nghiên cứu Trung quốc vừa qua trong một bài báo đã được công bố quốc tế là một ví dụ cho thấy TQ luôn bằng mọi cách, kể cả chơi “bẩn”, chơi xấu, để cho thế giới thấy “cái lưỡi bò bẩn thỉu” của họ là hợp lệ, bình thường (dùng chiêu: nói mãi, ở đâu cũng nói, lúc nào cũng nói, rồi ai cũng phải tin). Dù công trình nghiên cứu đó chẳng có liên quan gì đến địa chính trị (hình như bài báo nghiên cứu về vấn đề quản lý rác thải), nhưng họ vẫn cứ đưa vào cái bản đồ TQ đã được update với đường 9 đoạn bất hợp pháp. Việc này sau đó đã được các nhà khoa học của ta phát giác, phản đối và yêu cầu ban biên tập tạp chí sửa đổi. Yêu cầu đó đã được thực hiện (có thể xem thêm thông tin này và lấy nguyên văn bài nghiên cứu này bằng file pdf để tham khảo ở trang blog của GS Nguyễn Văn Tuấn ở Úc: http://www.nguyenvantuan.net). Chúng ta không cần phải “làm ăn” theo kiểu gian lận, bẩn tính như họ, nhưng phải có nhiều hơn nữa các công bố nghiêm túc, mang tính học thuật về lịch sử chủ quyền hai quần đảo HS&TS, để có cơ sở khoa học, bên cạnh những cơ sở pháp lý khác, trong việc đấu tranh bảo về chủ quyền hiện nay, và quan trọng hơn nữa, là cho đấu tranh trong tương lai để lấy lại những gì đã mất. Ngay cả những công trình ít ỏi đã nêu và chưa nêu, dù đã cũ, vẫn cần được tái bản để in thành sách, cho phát hành rộng rãi trong xã hội. Nếu cho công bố quốc tế dưới hình thức nào đó được, hay phát hành ở nước ngoài, hoặc chuyển ra nước ngoài, lại càng tốt.lkk

    Trả lờiXóa
  3. Mừng quá, bằng chứng khoa học lịch sử ngày càng nhiều khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa thật sự do dân tộc Việt làm chủ từ bao đời nay. Đề nghị các nhà nghiên cứu xem xét kỹ thêm về sách sử Trung Quốc để đối chiếu và phản bác lí luận vô lí của chính quyền Trung Quốc đưa ra. Không lí gì lãnh thổ của Việt Nam ta bao đời nay lại phải đi đàm phán "chia chác" với bọn bá quyền Trung Quốc. TQ không có gì ở đây cả. Chấm hết. Thời đại ngày nay không thể đem sức số đông mà đè nhau theo kiểu cãi chầy cãi cối tranh cướp mà được. Luật pháp thế giới văn minh và dư luận quốc tế luôn bảo vệ chúng ta.

    Đồng Bào.

    Trả lờiXóa
  4. CÔNG KHAI
    Yêu cầu nhà nước Việt Nam tổ chức trưng bày công khai các tài liệu cổ để mọi người biết. Cần cho biết rõ kế hoạch công bố, nơi, số lượng tài liệu công bố, trưng bày, tiêu chuẩn được tham dự. Sau đó đề nghị đưa lên mạng (kèm các bản dịch).

    Quan trọng hơn, là để các nhà sử học quốc tế biết, xác nhận rằng Việt Nam hiện đang có các loại tài liệu đó, đưa các thông tin về chủ quyền của Việt Nam vào các công trình của họ..

    Trường hợp tài liệu cổ chỉ có 1 bản duy nhất phải chụp ảnh để trưng bày và cho biết nơi chịu trách nhiệm lưu trữ, cá nhân chịu trách nhiệm lưu trữ.

    Để đề phòng "Trần Ích Tắc" bán hoặc huỷ tài liệu cổ. Các cá nhân cần cẩn thận khi trao hiện vật cổ, tài liệu cổ liên quan chủ quyền. Nhà nước tổ chức bảo vệ chu đáo, không trưng bày quá nhiều thứ cùng một lúc, công khai hóa ở tầm quốc tế sớm để một số nhà sử học quốc tế tiếp cận trực tiếp với bản gốc, làm giảm thiểu nguy cơ khi tài liệu gốc bị phá huỷ.

    Trả lờiXóa
  5. Tôi nghĩ rằng các "tài liệu lịch sử" rất quan trọng.Ngoài việc bảo toàn chúng cần "công bố rộng rãi cho dân chúng và thế giới biết.Nhân đây tôi xin đề nghị "Hội Sử học Việt Nam" "Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam" lập một Ban để sưu tầm tập hợp,giám định và thẩm định,in thành sách,dịch ra nhiều thứ tiếng :Anh,Pháp Trung,... để thông tin cho các nơi,bằng cách nhờ các Việt Kiều,các bạn bè quốc tế,đưa lên các trang mạng,... bằng mọi cách có thể được để cho dân,cho bạn bè quốc tế biết,để lật tẩy các thủ đoạn bịp bợm của TQ.Đúng là TQ sợ ta biểu tình thì ít nhưng sợ nhất là các cuộc biểu tình sẽ "bóc mặt nạ giả nhân giảnghĩa,đểu cáng của họ". Nếu các tài liệu này được công bố rộng rãi sẽ góp phần bóc trần các thủ đoạn bịp bợm,gian manh thâm hiểm của các nhà cầm quyền Trung Quốc. Nếu cần kinh phí tôi nghĩ ta có thể "động viên sự đóng góp cũa xã hội"

    Trả lờiXóa
  6. Trong bài gần đây nhất, bài CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM Ở HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA TRONG CÁC THẾ KỶ XVII, XVIII, XIX: TƯ LIỆU VÀ SỰ THẬT LỊCH SỬ, Nguyễn Quang Ngọc đã có viết về quyển Đại Việt sử ký tục biên này:"Đại Việt sử ký tục biên (1676-1789) là bộ chính sử do Quốc sử viện thời Lê Trịnh biên soạn, trong đó đoạn ghi chép về Hoàng Sa, Trường Sa trên căn bản không khác ghi chép của Lê Quý Đôn. Ý nghĩa củaĐại Việt sử ký tục biên chính là nó đã biến ghi chép khoa học, khách quan của Lê Quý Đôn thành một nội dung của bộ Quốc sử, chuyển tinh thần cơ bản của bản chép tay của Lê Quý Đôn thành bản khắc in chính thức trên danh nghĩa quốc gia."
    Trước đó trong bài viết" Giá trị của các trang sử liệu viết về Hoàng Sa-Trường Sa trong sách Phủ Biên tạp lục" trong cuốn "20 năm Việt nam học theo định hướng liên ngành" NXB Thế giới năm 2008, Nguyễn Quang Ngọc đã viết: " Bộ sách được hoàn thành chỉ sau Phủ Biên tạp lục một thời gian ngắn là ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TỤC BIÊN ( (I676-I789)- bộ sử do Quốc sử viện thời Lê -Trịnh tổ chức biên soạn nối tiếp vào quyển XIX sách Đại Việt sử ký toàn thư. trong sách, đoạn ghi chépvề Hoàng Sa- trường sa trên căn bản không khác ghi chép của Lê Quý Đôn.Nói một cách khác, các nhà chép sử thời Lê Trịnh sau khi xác định ghi chép của Lê quý Đôn trong Phủ Biên tạp lục là hoàn toàn đúng sự thật, đã đưa gần như nguyên vẹn nội dung này vào chính sử của triều đại mình. ý nghĩa của ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TỤC BIÊN chính là nó đã biến ghi chép khoa học khách quan của Lê quý Đôn thành nội dung của bộ quốc sử"
    Phần ghi chú có viết: Tham khảo ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TỤC BIÊN ( (I676-I789), bản dịch, NXB KHXH, H I99I, tr 243-244. Theo những người dịch, khảo chứng và hiệu đính sách ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TỤC BIÊN thì có đến 9 bản cuốn sách này, trong đó đoạn ghi chép về Hoàng Sa- trường Sa lại nằm trong Hậu lê Thi sử ký lược do Nguyễn Đổng Chi sưu tầm tại gia đình Lê Trọng Hàm, lưu trữ tại Viện sử học, hà Nội, Kí hiệu HV II9." (tr 359)

    Trả lờiXóa