Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

GS PHAN HUY LÊ: LÃNH THỔ TOÀN VẸN CỦA ĐẤT NƯỚC LÀ BẤT KHẢ XÂM PHẠM

GS Phan Huy Lê. Ảnh TTVN
Giáo sư Phan Huy Lê. Ảnh: TTX VN

"Lãnh thổ toàn vẹn của đất nước là bất khả xâm phạm"

06/07/2011 20:38:18

Bee.net.vn - “Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đang khẩn trương hoàn chỉnh bản thảo để xuất bản một công trình nghiên cứu về chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” - GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết.

Tính toán có chủ đích của Trung Quốc

GS nghĩ gì về hành động Trung Quốc cắt cáp của tàu thăm dò địa chấn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ngày 26/5 và 9/6?

Tàu Bình Minh 02 và Viking 02 tiến hành khảo sát địa chấn trong phạm vi thềm lục địa thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Rõ ràng việc cắt cáp hai tàu đó của Trung Quốc là hành động khiêu khích xâm phạm chủ quyền Việt Nam theo Công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc đã tham gia. Hơn thế nữa, hai vụ xảy ra chỉ cách nhau 14 ngày, chứng tỏ tính nghiêm trọng của sự vi phạm và sự tính toán có chủ đích của Trung Quốc.

Theo GS, tính nghiêm trọng của vụ việc và chủ đích của Trung Quốc biểu thị ở chỗ nào?

Sau vụ thứ nhất, Việt Nam đã tuyên bố phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành động vi phạm, kêu gọi hai bên cùng tôn trọng Luật Biển năm 1982, trở lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC năm 2002, thực thi những thỏa thuận của lãnh đạo hai nước trong gìn giữ mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Vụ thứ hai cho thấy Trung Quốc bất chấp tất cả và đang theo đuổi một mục tiêu chiến lược của mình. Đó là việc đơn phương và ngang ngược áp đặt rồi từng bước hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” hoàn toàn không có căn cứ lịch sử và cơ sở pháp lý. Đây là mối đe dọa không chỉ chủ quyền Việt Nam mà cả lợi ích của nhiều nước trong khu vực và các nước trên thế giới trong sử dụng con đường hàng hải quốc tế nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương qua vùng biển Đông Nam Á.

Nước lớn không có quyền áp đặt nước nhỏ

Trước tình hình đó, theo GS, Việt Nam nên ứng xử và đối phó thế nào?

Những hành động của Trung Quốc đang làm cho tình hình Biển Đông nóng dần lên. Dĩ nhiên Việt Nam phải theo dõi sát sao, xây dựng chiến lược ứng phó lâu dài, đồng thời cần chủ động đối phó kịp thời với từng việc cụ thể. Tôi muốn nêu lên mấy suy nghĩ và đề xuất sau đây:

1. Lập trường bất biến của chúng ta là coi việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, lãnh thổ toàn vẹn của đất nước là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Trên lĩnh vực này, mọi quốc gia – dân tộc đều bình đẳng, không có phân biệt nước lớn – nước nhỏ và càng không có quyền nước lớn áp đặt cho nước nhỏ.

Lịch sử Việt Nam còn ghi lại bao lời tuyên bố vang vọng mãi với non sông đất nước, thấm sâu trong tâm trí các thế hệ con người Việt Nam như lời thề non nước. Đó là lời thơ thần “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” thời chống Tống thế kỷ XI, lệnh của hoàng đế Lê Thánh Tông “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại vứt bỏ… Kẻ nào dám đem một thước, một tấc đất của vua Thái Tổ làm mồi cho giặc thì phải tội tru di” năm 1473, lời kêu gọi “Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ (đánh cho biết rằng nước Nam anh hùng và có chủ)” của Quang Trung Nguyễn Huệ trong chống Thanh thế kỷ XVIII, lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tuyên ngôn độc lập năm 1945 “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập”.

Lịch sử Việt Nam cũng chứng tỏ rằng Việt Nam tuy là nước nhỏ (so với nhiều nước xâm lược, nhỏ hơn nhiều lần về lãnh thổ, dân số, tiềm lực kinh tế, quân sự) nhưng vẫn có thể tạo nên sức mạnh để bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia. Đó là chiến lược giữ nước “dĩ đoạn chế trường (lấy ngắn chế dài)” theo Trần Quốc Tuấn, “dĩ nhược chế cường, dĩ quá địch chúng (lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều)”, “dĩ đại nghĩa nhi thắng hung tàn, dĩ chi nhân nhi địch cường bạo (lấy đại nghĩa mà thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo)” theo lời Nguyễn Trãi.

2. Hết sức coi trọng việc giữ gìn hòa bình, ổn định cho đất nước và khu vực, biết tự kiềm chế, kiên trì sử dụng các giải pháp ngoại giao, chính trị để giải quyết các vụ đụng độ, tranh chấp trên Biển Đông bằng công pháp quốc tế và bằng con đường đấu tranh ngoại giao, bằng đàm phán giữa các nước có quyền lợi liên quan. Cần triển khai mạnh mẽ, chủ động mặt trận đấu tranh ngoại giao, nhất là ngoại giao pháp lý, trên các diễn đàn và trong các tổ chức khu vực và quốc tế, làm cho dư luận thế giới thấy rõ lẽ phải và chính nghĩa của Việt Nam, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng ASEAN và các nước trên thế giới. Trong cuộc đấu tranh này, không phải sức mạnh quân sự mà là sức mạnh của lẽ phải, của chính nghĩa và của trí tuệ có sức thuyết phục cao nhất.

3. Bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia không chỉ là trách nhiệm của Đảng cầm quyền và Nhà nước Việt Nam mà còn là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng của nhân dân, của mọi người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài. Vì vậy cần thông tin kịp thời, công khai mọi diễn biến tình hình Biển Đông cho nhân dân biết để tạo nên sự đồng thuận và tham gia của toàn dân, của cả dân tộc Việt Nam.

4. Lịch sử hàng nghìn năm bảo vệ đất nước cho thấy sức mạnh tiềm tàng lớn lao nhất của dân tộc Việt Nam là sức mạnh của lòng yêu nước, sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân tộc. Mỗi khi Tổ quốc lâm nguy hay bị đe dọa, mọi người Việt Nam đều sẵn sàng gạt bỏ lợi ích riêng, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết để chung sức bảo vệ đất nước. Chúng ta không bao giờ được quên những tổng kết của tổ tiên như lời Trần Quốc Tuấn, muốn giữ nước phải lo “trên dưới một dạ, lòng dân không lìa”, “vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước chung sức”, “chúng chí thành thành (ý chí của dân chúng là bức thành giữ nước)”, lời Nguyễn Trãi “sức dân như nước”, “thuyền bị lật mới thấy dân như nước”…

Sức mạnh quốc phòng rất quan trọng, sự liên kết quốc tế rất cần thiết nhưng sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và đoàn kết dân tộc luôn luôn là nền tảng giữ vai trò định đoạt. Vì vậy, nâng cao hiểu biết của nhân dân về quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa trên Biển Đông và cơ sở lịch sử - pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là rất cần thiết và quan trọng. Rất tiếc, cho đến nay, những ấn phẩm nghiên cứu và phổ cập về những vấn đề này còn quá ít, chưa đáp ứng yêu cầu tìm hiểu của nhân dân.

Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đang khẩn trương hoàn chỉnh bản thảo để xuất bản một công trình nghiên cứu về chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng nằm trong mong muốn đóng góp một phần giải quyết nhu cầu này.
.
(Theo Tạp chí Xưa và Nay số 381, tháng 6/2011)

18 nhận xét :

  1. Bạn đọc Đà Nẵnglúc 20:40 7 tháng 7, 2011

    Chờ mãi cuối cùng cũng thấy GS Phan Huy Lê lên tiếng. Dù sao cũng xin cám ơn Chủ tịch hội Lịch sử Việt Nam GS Phan Huy Lê.

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn GS Phan Huy Lê. Bài trả lời của GS rõ ràng, ngắn gọn. chính xác, cương quyết, tràn đầy lòng tự hào và tình yêu Tổ Quốc. Kính chúc GS luôn mạnh khỏe, bình an, có nhiều công trình nghiên cứu, có nhiều thành tích trong đào tạo, giáo dục thế hệ sinh viên.Bà con Hà Tĩnh tự hào về GS.

    Trả lờiXóa
  3. "
    Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đang khẩn trương hoàn chỉnh bản thảo để xuất bản một công trình nghiên cứu về chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa"
    Đáng nhẽ việc này phải làm từ lâu rồi

    Trả lờiXóa
  4. Thú thật đã từ lâu tôi ko còn hứng thú nghe mấy vị quan chức kiểu này nói nữa, cái giọng điệu nó cũng na ná như bà Phương Nga mà thôi. Ở cương vị như ông thì tôi nghĩ ông có thể làm nhiều hơn nữa thay vì mấy bài phát biểu đã chuẩn bị sẳn kiểu này.Với cương vị Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam mà để bọn tàu cưỡi đầu cưỡi cổ lâu nay vậy mà đến giờ ông mới nói được vài câu kiểu vuốt đuôi như thế thì thật hèn nhát quá. Ở cương vị như ông mà giờ này ông lại cất lên câu nói "Rất tiếc, cho đến nay, những ấn phẩm nghiên cứu và phổ cập về những vấn đề này còn quá ít..." chứng tỏ ông cũng chẳng có năng lực chuyên môn gì. Nghĩ lại mặc dù chưa gặp như tôi cảm thấy kết cái gã đầu bạc PXNguyên kia, dám nói dám làm dám xông pha! Càng nghĩ thấy mình càng hèn...

    Trả lờiXóa
  5. Dù sao dần dần các nhân sỹ, trí thức, học giả đã bắt đầu lên tiếng.

    Chẳng bù cho các cuộc xuống đường vào những tháng cuối năm 2007, rất ít nhân sỹ trí thức biểu thị thái độ huặc xuống đường cùng các thanh niên sinh viên ở 2 đầu cầu Hà Nội - Sài Gòn.

    Cứ để cho thanh niên, nhân dân lao động gõ mõ, khua chiêng mãi thì tội nghiệp lắm mà sự lan tỏa, sức mạnh tuyên truyền sẽ không đủ mạnh, đủ lý lẽ, đủ học thuật, đủ sức thuyết phục cho chính quyền trong nước nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung.

    Qua những cuộc tuần hành, biểu tình chống lại sự bành trướng bá quyền của lãnh đạo Trung Quốc có sự hiện diện của một số nhân sỹ, trí thức mà theo em nghĩ đại diện cho số đông trí thức làm em thay đổi thái độ (so với năm 12/2007) với các bác không chỉ đơn thuần là những người có học vấn, trình độ mà cũng dám can đảm, dám "phanh áo đi trong gió bão" như những thanh niên nhiệt huyết đầy mình

    Trả lờiXóa
  6. Sự trông cậy của mọi người vào Hội Khoa học Lịch sử Viêt Nam đã được đáp ứng.Có người trách rằng Hội đã chậm,nhưng điều ấy không quan trọng bằng chức danh "KHOA HỌC" của Hội. Vì vậy ta có quyền đòi hỏi ở Hội ở "chức danh" này,nghĩa là các "bằng chứng đưa ra" không những phải có "luận cứ khoa học " mà còn được thẩm định theo "tiêu chuẩn quốc tế".Những tài liệu được xác minh ở nguồn nào,hiện giờ đang nằm ở đâu,thậm chí cần xác đinh niên đại của tài liệu theo các biện pháp khoa học mà quốc tế công nhận. Tôi nghĩ điều này rất tốn kém và 'năng lực tài chính" của các Hội khoa học có thể khó khăn đáp ứng các yêu cầu này. Vì vậy tôi đề nghị ta có thể huy động xã hội (ngoài yêu cầu nhà nước qua con đường Liên Hiệp các Hôi KHKT VN) để hổ trợ. Tôi nghĩ rằng bọn bành trướng rất gian manh nham hiểm và đòi hỏi tất cả chúng ta phải nỗ lực rất lớn mới đạt được kết quả. Vì sự trường tồn của dân tộc,tôi nghĩ rằng chẳng một ai từ chối bất kỳ yêu cầu nào của đất nước

    Trả lờiXóa
  7. Bác 20:40 ơi! Bác nói thế là trách oan GS Lê rồi đó,vì tạp chí Xưa&Nay số 381 phát hành từ giữa tháng 6 cơ.

    Trả lờiXóa
  8. Làm sách lớn thì hay đấy nhưng chỉ dành cho người đã biết chuyện đọc. Nên viết các cuons sách mỏng và tờ rơi dành cho mọi người dân, dạy cho HS từ lớp 1 trở lên. Có như thế mới đối kháng được chính sách tuyên truyền dối trá của nhà cầm quyền TQ.

    Trả lờiXóa
  9. GS Phan Huy Lê xứng đáng là GS hàng đầu về LS học còn lại, ông dám nói tiếng nói của ND, ông làm tấm gương sáng để khích lệ cho nhiều vị GS,TS hiện nay đang trùm chăn " yêu nước"

    Trả lờiXóa
  10. Cảm ơn bài phát biểu của GS Phan Huy Lê. Chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng và bất khả xâm phạm! Nhưng tại sao giặc bành trướng đã cướp đảo Hoàng Sa của VN đã 37 năm... Thời gian đó nhiều hơn 1 đời công chức! Thế mà Hội khoa học lịch sử VN "đang hoàn chỉnh bản thảo' để xuất bản 1 công trình nghiên cứu về chủ quyền VN đối với đảo Hoàng Sa, Trường Sa?!
    Muộn còn hơn không! Mong lắm những công trình về bảo vệ chủ quyền quốc gia được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả!

    Trả lờiXóa
  11. (Theo Tạp chí Xưa và Nay số 381, tháng 6/2011)
    ---------------------------------

    Nếu bài viết trên của Giáo sư Phan Huy Lê cách đây 10 năm thì tôi thực sự "ngả mũ cúi đầu lạy giáo sư" và cảm phục vô cùng.

    Trong số nhiều nhân sỹ, trí thức chỉ có một số ít người đã đi tiên phong từ rất sớm như Tiến sỹ Nguyễn Nhã...

    Và một người tuy không phải là chuyên gia, trí thức như anh Lê Chí Quang đã có bài viết "Hãy cảnh giác với Bắc Triều" cách đây cũng độ 10 năm.

    Cách đây 10 năm tôi đã có cảm giác lờ mờ về chuyện trước sau Trung Quốc sẽ lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam mà không biết chia sẻ với ai, nói ra thì lại sợ chống lại đường lối của Đảng, của chính quyền.

    Tôi mong rằng từ nay về sau trí thức thự sự là trí thức trước những vấn đề lớn của dân tộc chứ không chỉ thuần túy chuyên môn kiểu nhai câu nhá chữ, bàn luận-đánh giá quá khứ, viết vài cuốn sách sử học để làm tiến sĩ cho chính mình mà thôi.

    Quần chúng nhân dân lao động (trong đó có tôi) rất trông cậy vào các anh/các chú/các chị/các cô dẫn đường đi tiên phong. Vì chúng tôi chỉ có một tấm lòng yêu nước, cổ vũ, hô hào, cần thiết thì không ngại ra mặt trận nhưng về việc học thuật, ngoại giao đó là những nhiệm vụ và trọng trách các anh phải đảm nhận không thể "chùm trăn-trùm mền" hay ngại vì sỹ diện được đâu.

    Trả lờiXóa
  12. Bác 22:02 cũng thâm nhỉ!
    Dù sao GS Phan lên tiếng ngay trong lúc này cũng đáng mừng! Hơn khối vị thức giả chỉ "gặm nỗi căm hờn trong của sắt"!

    Trả lờiXóa
  13. Đến bây giờ Hội Khoa học Lịch sử Viêt Nam và Hội nhà văn VN vẫn đang "ngậm tăm", trong khi một số các Hội khác đã lên tiếng phản đối TQ gây hấn.
    Vậy hai hội này sinh ra để làm gì? quá thất vọng với các vị và cả Hội của các vị này.

    Trả lờiXóa
  14. Hoan hô ! cuối cùng thì "cóc cũng lên tiếng" khiến cơn mưa giải nhiệt đến nhanh hơn. Cũng phải thông cảm cho Hội sử học VN các bạn độc giả ạ vì lẽ các nhà khoa học LS cũng phải men theo " lề phải" và cầm đèn chạy "ngang " oto chứ, nếu không lại té xuống vực ...

    Trả lờiXóa
  15. Hoan hô các Lãnh đạo, Giáo sư Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã lên tiếng về sự xâm lấn của Trung Quốc dù là khá muộn màng do ở nước ta làm việc "phải chờ theo ý kiến chỉ đạo cấp trên" mới được phép ở tất cả các bộ, ban, ngành, cơ quan Nhà nước. Nhưng lòng yêu nước là không của riêng ai, tất cả chúng ta đều có quyền biểu thị lòng yêu nước chống giặc Trung Quốc xâm lấn bờ cõi Quốc Gia.

    Trả lờiXóa
  16. Việt Nam ơi, trong ngàn năm thuộc Bắc.
    Ông cha ta đã gìn giữ non sông
    Từng tấc đất quyết tâm không chịu mất
    Đã quật cường giữ trọn cho đời sau.

    Trả lờiXóa
  17. Chắc GS Phan Huy Lê được Công an mời làm việc về vụ Lê Văn Tám nhiều nên chưa có thời gian viết bài lên tiếng về chủ quyền biển đảo, nay đã xuất hiện rồi , hãy chờ đấy...

    Trả lờiXóa
  18. GS Nguyễn Đăng Hưnglúc 01:19 10 tháng 7, 2011

    GS Phan Huy Lê thân kính,

    Tôi rất vui vừa hay tin là GS vừa được Hàn Lâm Viện quốc gia Pháp bầu làm thành viên thông tấn!
    Đây là lần đầu tiên một nhà sử học VN, không phải là Việt kiều, nhận được vinh dự này.
    Xin thành thật chúng mừng GS Phan Huy Lê!
    Niềm vui của tôi càng gấp bội sau khi GS Phan Huy Lê bày tỏ lập trường tỏ rõ lập[ trường của mình trước những lúng túng khó hiểu của nhà cầm quyền đối những gây hấn liên tục và có hệ thống của TQ tại biển Đông Nam Á! Giáo sư viết trên blog Nguyễn Xuân Diện :

    http://xuandienhannom.blogspot.com/2011/07/gs-phan-huy-le-lanh-tho-toan-ven-cua-at.html

    "Bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia không chỉ là trách nhiệm của Đảng cầm quyền và Nhà nước Việt Nam mà còn là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng của nhân dân, của mọi người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài."
    Rất mong với vinh dự mới này GS Lê sẽ có tiếng nói mạnh hơn trong những ngày dầu sôi lửa bỏng hiện nay của nước Việt Nam.
    GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng
    Việt kiều tại Bỉ
    ___

    Trả lờiXóa