Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2011

TÔ VĂN TRƯỜNG: AI ĐANG LÀM NỔI SÓNG Ở BIỂN ĐÔNG?

AI ĐANG LÀM NỔI SÓNG Ở BIỂN ĐÔNG?
Tô Văn Trường

Bão gió ở Thái Bình Dương là nhiều nhất, dữ dội nhất so với các đại dương khác. Từ  xưa, các cuộc chiến tranh, xung đột vũ trang ở Thái Bình Dương cũng nhiều và ác liệt nhất. Biển Đông, một phần của Thái Bình Dương cũng chẳng mấy khi “sóng yên, biển lặng” và nay thì sóng gió biển Đông có vẻ tăng về cường độ và tần suất bởi những tranh chấp về chủ quyền, mà điển hình là tranh chấp do Trung Quốc chủ ý phát động.

Trong những ngày vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước tràn ngập các bình luận về việc Trung Quốc đưa 3 tầu chiến dưới danh nghĩa tàu hải giám  xâm nhập vào vùng  đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ngang ngược hơn cả là 3 tàu hải giám này ngang nhiên cắt cáp thăm dò địa chấn của  chiếc tàu Bình Minh 02 thuộc tập đoàn dầu khí lớn nhất VN, hoành hành suốt hơn 3 tiếng đồng hồ trên lãnh thổ của một nước láng giềng có chủ quyền, quan hệ hữu hảo!  

Việt Nam và Trung Quốc đều tham gia ký công ước quốc tế về luật biển (UNCLOS) có nghĩa là đều hiểu và công nhận chủ quyền về biển được dựa trên đường cơ sở (nối các điểm giáp ranh với biển của 1 lãnh thổ quốc gia) tiến ra biển với các khái niệm về chủ quyền như nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế. Một câu hỏi được đặt ra vì sao Trung Quốc lại hành xử bất chấp luật pháp quốc tế và giải pháp nào cho Việt Nam trước mắt cũng như lâu dài về bài toán biển Đông để Thái Bình Dương thực sự là thái bình?

Quan hệ của nước ta với Trung Quốc ở biển Đông.

Quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc xâm chiếm hoàn toàn năm 1974 từ tay chế độ Sài gòn. Binh lính và sĩ quan của chế độ Sài gòn thời ấy đã đánh trả rất dũng cảm, nhưng thua, không giữ được quần đảo. Hiện nay, có ý kiến Nhà nước ta nên truy tặng danh hiệu liệt sĩ cho những binh lính và sĩ quan ấy. Đứng về lịch sử và pháp lý, cần tiếp tục nghiên cứu, luận cứ chứng minh một cách thuyết phục cộng đồng quốc tế về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa.

Quần đảo Trường Sa có 5 quốc gia hiện đang chiếm một phần của quần đảo và đòi chủ quyền về phần ấy, có nước đòi chủ quyền toàn quần đảo. 5 nước ấy là Việt Nam, Phi Luật Tân, Malaysia, Đài Loan, và Trung quốc. Đảo lớn nhất, thuận lợi nhất cho việc khai thác vùng biển quanh quần đảo, hiện thuộc về Đài Loan. Việt Nam ta có hơn một chục đảo và bãi san hô. Trung Quốc trình bày rộng rãi và liên tục trên thế giới luận điểm lịch sử và pháp lý biện minh rằng chủ quyền toàn quần đảo Trường Sa là của Trung Quốc. Một số trí thức Việt Nam ở nước ngoài cho biết rằng thế giới nghe nhiều luận điểm của Trung Quốc, ít được nghe luận điểm và lý lẽ của Việt Nam, cả về lịch sử và về pháp lý

Ngoài ra, còn có việc phân chia và tôn trọng ranh giới phần của Viêt Nam và phần của Trung Quốc ở vùng vịnh Hạ Long. Luôn luôn nhiều tranh chấp, nhiều việc làm ngang ngược của Trung Quốc lấn sang phần của nước ta.

Nhìn lại lịch sử quan hệ giữa 2 nước Việt Nam-Trung Quốc, người dân  nhận thấy những lời nói và việc làm của phía Trung Quốc là rất mâu thuẫn. Cấp cao của Trung Quốc luôn có cử chỉ và thái độ lịch thiệp, nhã nhặn, rất hữu nghị với cấp cao của  các nước liên quan, đặc biệt đối với Việt Nam luôn nhắc đến như thuộc lòng phương châm " 16 chữ ” và “tinh thần 4 tốt” rất ngọt ngào để ru ngủ nhằm buộc chặt Việt Nam trong “vòng kim cô” của Trung Quốc.  Việt Nam đang biến thành một thị trường tiêu thụ khổng lồ các sản phẩm “thượng vàng, hạ cám”, kể cả hàng kém chất lượng, hàng giả của Trung Quốc. Còn cấp thấp của Trung Quốc thì hành xử nhiều khi quá khích, thô thiển, manh động bất chấp hậu quả, chẳng đếm xỉa gì đến tình cảm láng giềng hữu nghị.  Tất nhiên, người ta đều hiểu rằng nếu không được cấp trên bật đèn xanh thì cấp dưới của Trung Quốc cũng không dám làm như  thế! Cần phải hiểu đấy chính là dã tâm của họ, có sự dung túng cho những phát biểu trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung Quốc với nội dung bịa đặt, xuyên tạc, thiếu thiện chí, mang tư tưởng sô vanh nước lớn nhằm vào các nước liên quan, nhất là Việt Nam. Có phát biểu thậm chí láo xược, xúc phạm đến danh dự dân tộc Việt Nam, xúc phạm đến tình hữu nghị giữa 2 nước và gây thù hằn dân tộc. Những hành động mang tính chất khiêu khích, gây hấn của Trung Quốc ở biển Đông không dễ làm dư luận thế giới hiểu lầm tình hình thực tế, nhưng lại làm thế giới hiểu rõ hơn ý đồ chiến lược và các mục tiêu bành trướng của Bắc Kinh.

Chúng ta không bao giờ quên sự giúp đỡ to lớn của nhân dân Trung Quốc đối với nhân dân Việt Nam trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Chúng tôi  thuộc thế hệ U 60-U70 vẫn khắc sâu trong tâm khảm tấm áp phích thời chống Mỹ  đăng trên Nhân Dân Nhật Báo với lời cảnh cáo đanh thép :”Mỹ xâm phạm Việt Nam là xâm phạm Trung Quốc”!  
Nhưng chúng ta cũng không quên và có quyền tự hào rằng sau hơn 1000 năm bị các triều đại phong kiến Trung Hoa đô hộ, dân tộc ta vẫn giữ được tiếng nói, vẫn tồn tại và vươn lên mạnh mẽ để đủ sức lần lượt đánh đuổi các đạo quân hùng mạnh đến từ phương Bắc. Cũng không ai có thể quên rằng xương máu của hàng triệu người dân Việt Nam đổ xuống không chỉ cho nền tự do, độc lập của Việt Nam mà còn góp phần cho cách mạng Trung Quốc, cho một Trung Quốc được như ngày nay!  Chúng ta tin rằng tư tưởng bành trướng, tham vọng lãnh thổ chỉ có ở một bộ phận nhỏ trong cộng đồng hơn 1,3 tỷ người Trung Quốc. Bởi vì chính dân tộc Trung Hoa, đại bộ phận các thế hệ người Trung Quốc đã từng là nạn nhân của tham vọng bành trướng của các thế lực nước ngoài mà trước hết là nạn nhân thường xuyên của chủ nghĩa Đại Hán.

Nhận định về âm mưu, thủ đoạn, hành động của Trung Quốc


Đòi hỏi của Trung Quốc về đường chữ U và biến nó thành một đòi hỏi chính thức bằng cách nộp yêu sách  đến Liên hợp quốc là mối đe dọa cho hoà bình khu vực và hòa bình thế giới. Đây là đòi hỏi không dựa trên luật pháp quốc tế  cho nên dự luận thế giới rất lo ngại về đòi hỏi phi lý này.


Không chỉ đòi hỏi một cách chính thức,  Trung Quốc đang dùng vũ lực một cách giới hạn nhằm ngăn chặn các nước như Việt Nam và  Phi Luật Tân thăm dò địa chất và đánh  bắt thủy sản ở vùng đặc quyền kinh tế theo Luật Biển nhưng có chồng lấn với đường chữ U. Trung Quốc cũng ngang ngược chưa định rõ đường chữ U theo tọa độ nhất định mà chỉ nói về nó một cách mơ hồ.


Theo binh pháp Tôn Tử, khi quân ta bằng quân địch thì chỉ nên "hòa hoãn" và "nghi binh", khi quân ta gấp đôi quân địch thì nên "bao vây" và "cô lập" đối phương, khi quân ta gấp mười lần quân địch thì mới "tấn công" chiếm thành đối phương. Thế trận ở "biển Đông", có lẽ, người Trung Quốc đang chuyển từ trạng thái "hòa hoãn" và "nghi binh" sang "bao vây" và "cô lập" đối với Việt Nam. Hành động khiêu khích ngày càng gia tăng có hệ thống và chiến lược như việc cắt dây cáp thăm dò dầu khí của Petro Việt Nam cách bờ biển Phú Yên 120 hải lý có thể xem là một thế trận bao vây đầy thử thách với khả năng đáp trả về ngoại giao và quân sự của Việt Nam. Cần có nghiên cứu sâu ở cấp chiến lược an ninh quốc gia để có nhận định thật chính xác tình hình của thế trận hiện nay.


Thương lượng: Trung Quốc muốn thương lượng song phương giữa Trung Quốc với từng nước có liên quan. Né tránh giải quyết đa phương, chỉ tìm cách giải quyết song phương để “bẻ từng cái đũa, dễ hơn bẻ cả bó đũa”. Đồng thời Trung Quốc liên tục hành động ngang ngược, xâm phạm chủ quyền nước khác, gây thiệt hại cho tàu bè và công dân của nước khác. Nước ta và nhiều nước khác ở Đông Nam Á muốn thương lương đa phương, quốc tế hóa vấn  đề và giải quyết vấn đề. Đa phương đến đâu, với những ai, quốc tế hóa trong chừng mực và phạm vi nào, đó là những điểm phức tạp, cần cân nhắc thận trọng và nhiều khôn khéo.


Gây sự: Trung Quốc luôn tìm cách gây sự theo kiểu leo thang, thăm dò thái độ  của các cường quốc khác, nhất là Mỹ, nếu thấy ổn thì leo thang tiếp.

Vũ lực: Trung Quốc đã từng dùng vũ lực để thực hiện ý đồ của mình, và sẵn sàng dùng vũ lực như thế, mạnh hơn, rộng hơn, với nhận định rằng họ có thể làm chớp nhoáng, đạt mục đích, tạo "chuyện đã rồi", trước khi bất cứ nước nào, kể cả Mỹ, có thể phản ứng gì. Chuẩn  bị ứng phó với hành động vũ lực này là rất cần thiết và rất không dễ dàng.

Việt Nam cần phải làm gì? Làm như thế nào? Khi nào?

Đối sách của chúng ta cần ghi nhớ lời Hồ Chủ Tịch đã dạy: ”Dĩ bất biến, ứng vạn biến” trên tinh thần chủ động, sẵn sàng cho mọi tình huống. Các bài học lịch sử  đã cho thấy dù chúng ta có nín nhịn, có ngoan ngoãn phục tùng cũng chẳng thể được yên mà càng mất thể diện quốc gia, và lòng dân phân tán. Đã đến lúc phải mạnh mẽ và kiên quyết hơn trên mặt trận pháp lý, ngoại giao.  Về pháp lý, chuẩn bị tích cực và đầy đủ hơn chứng cứ về chủ quyền biển đảo. Về ngoại giao Việt Nam cần kiên quyết cảnh cáo hành vi xâm phạm chủ quyền quốc gia của Trung Quốc. Nên mang vấn đề này ra các diễn đàn khu vực và Liên hợp quốc.  Báo chí cần được đưa tin rộng rãi hơn về âm mưu và hành động  dã tâm của Trung Quốc, phản ánh dư luận xã hội, tạo nên sức mạnh bảo vệ chủ quyền của đất nước.
 
Cần cảnh báo cho Trung Quốc hiểu thế giới hiện tại không đơn giản chỉ có mỗi Trung Quốc là cường quốc. Họ chưa đạt mức độ 10 lần hơn đối phương để chủ nghĩa "phiêu lưu" có thể trỗi dậy mà làm một cuộc tấn công bất ngờ nhằm độc chiếm biển Đông. Ngược lại, nếu phải chiến đấu trong thế 1 chọi 10 thì nhân dân Việt Nam cũng cần hiểu rõ và biết trước tình hình để có sự chuẩn bị tốt nhất.
 

Cần nhận định rõ ý đồ của Trung Quốc là xác lập chủ quyền "Biển Đông" là của Trung Quốc - biển "Nam Trung Hoa" hay "vùng nước lịch sử", các quốc gia khác không được tranh chấp và Trung Quốc dứt khoát không thương lượng về chủ quyền này  nhưng Trung Quốc lại nói sẵn sàng "thương lượng" để cùng nhau khai thác!!!

Việt Nam cần quyết liệt chuyển thông điệp cho Trung Quốc hiểu rõ chính sách ngoại giao của Việt Nam là "chung sống hòa bình" và tầm vóc của một cường quốc còn nằm ở khả năng phát triển một cách nhân bản, vị nhân sinh, chứ không phải ở khả năng mở rộng xâm chiếm lãnh thổ của quốc gia khác. Một cuộc tấn công quân sự vào lúc này là "phiêu lưu" và có thể gây chia rẽ bên trong và tàn phá các quyền lợi của đất nước Trung Quốc , thậm chí sự phiêu lưu hay manh động này có thể làm Trung Quốc vỡ ra nhiều mảnh nếu các cường quốc khác tận dụng cơ hội để "tọa sơn quan hổ đấu" hay "mượn gió bẻ măng" không có lợi cho một nước Trung Quốc đang khao khát phát triển.

Việt Nam và các nước có quyền lợi cần dấy lên một phong trào quốc tế vì hòa bình ở biển Đông Nam Á,  chống đường chữ U phi lý của Trung Quốc giống như phong trào đòi Mỹ rút khỏi Việt Nam và chấm dứt chiến tranh xâm lược trước đây.  Cần có các liên minh, liên kết với các quốc gia gần xa để tạo thế trận "hợp tung" hay "liên hoành" và tích cực tạo dựng nội lực quốc gia thực sự cả về kinh tế, chính trị và quân sự để chứng tỏ với Trung Quốc rằng đất nước Việt Nam này có đủ ý chí và năng lực chiến đấu bảo vệ tổ quốc.

Cũng cần truyền thông và tăng cường giải thích với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, khối ASEAN rằng nếu chia rẽ sẽ dễ bị "bát nạt" và bẻ gãy dễ dàng.  Cuộc cờ ai thắng lợi chưa hẳn do đông quân hay đông dân mà còn tùy thuộc vào khả năng huy động các "tinh binh" hay đội quân tinh nhuệ và thiện chiến nhất vào đúng lúc và đúng các vị trí chiến lược.

Cần rà soát lại, xây dựng tài lực, nội lực đủ mạnh. Cần tỏ ra nỗ lực hơn nữa trong việc xây dựng hải quân nhằm chống lại các hành động đe dọa của Trung Quốc.  Những hành động mang tính biểu tượng lớn có thể là đóng cửa, chuyển đầu tư  bô xít sang xây dựng hải quân, có chiến lược cùng Nga hay Mỹ hợp tác kỹ thuật thay vì mua tầu thì đóng tầu quân sự ở tại Việt Nam. Củng  cố khối đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng lực lượng, phát huy sức mạnh của chính mình để bảo vệ tổ quốc. Hòa giải, hòa hợp dân tộc để các nhân sĩ trí thức người Việt ở các nước và nhất là những người am hiểu luật pháp quốc tế trải lòng giúp đỡ Việt Nam. Nhiều người nhớ lại những hình ảnh sôi sục của những ngày cuối năm 2007, đầu năm 2008 khi hàng trăm, hàng ngàn sinh viên, học sinh, văn nghệ sĩ biểu tình chống Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa - Trường Sa tại Hà Nội và Sài Gòn. Người dân cần được biểu lộ thái độ đối với Bắc Kinh, đó chính là sức mạnh, chỗ dựa vững chắc cho những người có trách nhiệm điều hành quản lý đất nước.  Trên cộng đồng mạng  đã có nhiều lời kêu gọi tẩy chay dùng hàng kém phẩm chất, hàng hoá độc hại (thực phẩm, các loại thuốc thực vật...), các công trình sử dụng máy móc lạc hậu của Trung Quốc để thể hiện lòng yêu nước của người Việt Nam.

Về tên của biển Đông do nước ta đặt, lấy nước ta làm chuẩn, để gọi biển phía đông nước ta là biển Đông. Trung Quốc gọi biển ấy là biền Nam Trung Hoa. Một số trí thức cho rằng ta đặt  tên biển Đông không đúng, và vì thế không đạt được sự đồng tình rộng rãi, nên đề nghị gọi là biển Đông Nam Á, vừa gạt Trung Quốc ra ngoài, vừa tranh thủ được ASEAN. 

Giống như về mọi chuyện khác, điều quyết định là phát huy nội lực của dân tộc ta,điều rất quan trọng là từ phát huy nội lực mà tranh thủ ngoại lực, và biến ngoại lực thành nội lực của dân tộc ta, đất nước ta. Có người nêu phương châm quan hệ với Trung Quốc là : “Không gây sự, nhưng không nhu nhược”. Cần nắm vững hai điều mà Trung Quốc rất ngại : một là phấn đấu đạt những bước thực chất về dân chủ ở nước ta (tác động rất nhanh đến Trung quốc), hai là đoàn kết với các nước trong khu vực có cùng mối quan tâm, mở rộng  quan hệ đích đáng với Mỹ và các cường quốc khác.

Những chuyện về biển Đông chỉ là một phần của quan hệ giữa nước ta với Trung Quốc. Còn nhiều phần, nhiều mặt, nhiều chuyện khác : 1500 kilômét biên giới trên bộ, Lào và Campuchia, toàn bộ phía Tây của nước ta trải từ Bắc vào Nam (chứ không chỉ bô-xít Tây Nguyên), lãnh thổ nội địa của nước ta, từ miền núi, trung du, đồng bằng đến ven biển, những vấn đề trong quan hệ giữa nước ta với Trung Quốc về chính tri, kinh tế, văn hóa, xã hội, con người, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, quan điểm và vai trò của nước ta trong ASEAN, ở Châu Á, trên thế giới (có thể đụng chạm đến quan điểm và vai trò của Trung Quốc).  

Vấn đề chủ quyền biển Đông,  thâm ý của Trung Quốc sẵn sàng bác bỏ tất cả , theo luận thuyết của Lão Tử  “cứ im lặng mà làm”!  Thâm như Tàu, quả là danh bất hư truyền. Các thế hệ lãnh đạo của Trung Quốc thời hiện đại đã phát triển chủ nghĩa bành trướng, chủ nghĩa đại Hán dưới các dạng tinh vi hơn, thủ đoạn hơn những vị tiền bối.

Trong quan hệ đối ngoại của nước ta, cay đắng nhất, khó nhất và công phạt nhất khi phải sống bên cạnh người láng giềng khổng lồ và xấu chơi Trung Quốc. Cần đoàn kết và phát huy sức mạnh toàn dân tộc, rất vững vàng, tỉnh táo, uyển chuyển, linh hoạt. Người dân Việt Nam luôn nhớ lời Hồ Chủ Tịch: “Dân ta có một truyền thống nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.

Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là điều thiêng liêng của mỗi dân tộc. Người Việt Nam chỉ muốn biển lặng, sóng êm trên biển Đông để cùng chung hưởng hòa bình và dựng xây tổ quốc yêu dấu.  Ngày 12/1/2010, trong buổi tiếp Giáo sư Joseph Nye (Mỹ), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu: “Mọi hành vi bắt nạt nước khác đã lỗi thời. Bất kỳ quốc gia nào muốn đứng trên bắt nạt dân tộc khác thì thời đại này cũng khó thực hiện được và không có lợi cho bất kỳ ai”.

Quốc hội khóa 13 đang chuẩn bị  phiên họp đầu tiên để thảo luận, bầu những chức danh chủ chốt quản lý lãnh đạo đất nước. Người dân mong các vị công bộc của dân hiểu rằng không ai dại, mạo hiểm tấn công vào một thành trì vững chắc, không quốc gia nào dám tấn công vào một quốc gia dân tộc đoàn kết và chiến đấu vì chính nghĩa, một quốc gia có những người dân sẵn sàng "quyết tử cho tổ quốc quyết sinh". Ngược lại, nếu một quốc gia không biết xây dựng và huy động nguồn lực đoàn kết toàn dân tộc, không thể khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần xả thân bảo vệ tổ quốc, các công dân đều bị chia rẽ và thờ ơ với cái chung hay vô cảm với các nỗi đau chung của đất nước dân tộc, các nguy cơ mất nước như "trẻ không kính già, trò không trọng thầy, binh kiêu tướng thoái, tham nhũng tràn lan và sĩ phu ngoảnh mặt - Lê Quý Đôn" xuất hiện ngày càng nhiều thì kẻ thù chỉ cần đến trước ngõ và không mất nhiều mũi tên hòn đạn để thôn tính quốc gia đó. Bài học lịch sử nước Đại Việt của nhà Lý xưa, tuy không mạnh nhưng Vua tôi, tướng sĩ đồng lòng nên chiến thắng giặc xâm lăng Đại Tống. Nước Đại Ngu của cha con Hồ Quí Ly tuy binh đông, tướng giỏi (Hồ Nguyên Trừng) nhưng vì "họ Hồ gây chính sự phiền hà" nên lòng dân ly tán phải thua bọn cuồng Minh xâm lược.

Chúng ta thật lòng mong muốn có một nước Trung Quốc láng giềng giầu có, lớn mạnh nhưng thân thiện cùng hợp tác phát triển. Chúng ta mong muốn Thái Bình Dương trong đó có biển Đông thực sự “thái bình” nhưng đồng thời, không thể không suy nghĩ  và cảnh giác về những ý kiến cảnh báo đang xuất hiện trên thế giới về một nguy cơ Trung Quốc nhất là khi Trung Quốc đang làm nổi sóng ở biển Đông!  Có thể nói Mặt trận bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải quốc gia của nước ta ở Biển Đông bắt đầu từ Hà Nội.

*Bài viết do TS Tô Văn Trường gửi trực tiếp cho NXD-Blog.
Xin chân thành cảm ơn tác giả!


13 nhận xét :

  1. Tôi đã đọc nhiều bài viết về biển Đông trên các báo cả lề phải lẫn lề trái rất thích vì lòng dân quy tụ về 1 mối đó là ý chí quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Bài viết "Ai đang làm nổi sóng ở biển Đông" rất đáng đọc, suy ngẫm không phải chỉ đối với người dân mà cả cho các vị lãnh đạo.

    Trả lờiXóa
  2. Trích Cáo Bình Ngô:
    ..."Vừa rồi:
    Nhân họ Hồ chính sự phiền hà;
    Để trong nước lòng dân oán hận;
    Quân cuồng Minh đã thừa cơ gây loạn;
    Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh;
    Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn;
    Vùi con đỏ dưới hầm tai vạ;
    Dối Trời, lừa Dân đủ muôn ngàn kế"...
    (He he! Bác Tô Văn Trường chuyển nghề rồi!)

    Trả lờiXóa
  3. Vừa rồi đọc ý kiến của trung tướng Đồng Sĩ Nguyên trên báo Lao Động về lấy nước chửa lửa làm tôi buồn quá !
    Các tướng lãnh lão thành khác kể cả Thiếu Tướng NTV đã chỉ rõ âm mưu của TQ và hành động báo quyền kéo dài hết năm này sang năm khác. Thế mà lão tướng DSN lại có ý kiến sao chủ bại và ngây thơ về ông bạn TQ quá ! Tôi ngạc nhiên không hiểu vì sau bác, một tướng lãnh nhiều năm chinh chiến và hiểu TQ lại nghĩ vậy !!!! Không biết dân tộc này sẽ về đâu !

    Trả lờiXóa
  4. Do đâu mà có ngày hôm nay ?Trả lời đc câu hỏi này và đi đến gốc dễ vấn đề,tôi tin là TQ sẽ không ngang ngược với đàn em như vậy nữa.
    Than ôi.........

    Trả lờiXóa
  5. Truyền kiếp cho lũ con trời!
    Vô đây bay sẽ thành giòi nước Nam

    Trả lờiXóa
  6. Đề nghị tiến sĩ đăng bài này trên báo Nhân dân

    Trả lờiXóa
  7. "Tối hôm qua, Bộ Giáo dục – Đào tạo truyền lệnh “miệng” đến tất cả hiệu trưởng các trường Đại học – Cao đẳng là cố gắng “yêu cầu” sinh viên các trường đại học đi biểu tình 1 cách ôn hòa, không manh động, tránh bị “thế lực xấu” lợi dụng"
    nguồn: Còm trên trang Basam

    Trả lờiXóa
  8. Ở hiên trà của Ts Diện, qua theo dõi các bài đăng thì thấy rõ ràng hiện lên một điều rằng: vấn đề gì liên quan đến quốc gia, dân tộc thì được các độc giả quan tâm nhiều nhất, các vấn đề khác thì ít quan tâm hơn (thể hiện qua số lượt đọc nhiều nhất và com. nhiều nhất). Điều đó chứng tỏ rằng, giới trí thức Việt Nam, người dân Việt Nam yêu nước nồng nàn, luôn quan tâm đến quốc gia vận mệnh dân tộc, luôn muốn phấn đấu cho một xã hội Việt Nam tiến bộ, dân chủ, cường thịnh.
    Tuy nhiên, để đất nước hùng cường, xã hội phát triển hưng thịnh thì nhân dân chỉ đóng góp một phần theo đà phát triển của nền sản xuất xã hội theo đúng quy luật của nó, phần còn lại có sự đóng góp rất lơn của những "người chỉ đường (lãnh đạo)" các cấp và đặc biệt là cấp trung ương. Mỗi quyết định, mỗi chính sách họ đưa ra đều ảnh hưởng rất lớn đến đất nước, dân tộc. Trong những giờ khắc đối ngoại rất nhạy cảm với Trung Quốc hiện nay, hi vọng các vị lãnh đạo đặt trọng trách cao nhất của mình đối với vận mệnh đất nước, với dân tộc.
    Quyết định đúng đắn, mềm dẻo, khôn khéo của các vị sẽ được nhân dân toàn quốc hưởng ứng nồng nhiệt. Chúng tôi luôn dõi theo và ủng hộ các vị vì dân vì nước.
    ĐB.

    Trả lờiXóa
  9. Nhờ bác Diện dịch giùm đồng bào tin Trung Quốc vạch kế hoạch đánh Việt Nam tại thước phim này xem họ nói gì. Cảm ơn bác!
    http://www.youtube.com/watch?v=Ine4TUBZ3yo&feature=player_embedded

    Nguyễn Ích Quốc.

    Trả lờiXóa
  10. Kính chào anh NXD,

    Là một người thường xuyên truy cập blog của anh, xét rằng Blog hiện có rất nhiều bạn đọc thăm viếng và có ảnh hưởng trong giới độc giả tôi xin mạo muội gởi anh một ý kiến nhỏ
    - Hiện nay chủ đề lớn nhất của dân mình là lòng yêu nước và uất hận với hành vi xâm lấn hãi phận VN của nhà đương cục Bắc kinh, do vậy mặc dù có nhiều chủ đề khác xen kẻ anh có thể xem xét cho "dáng" chủ đề chính liên quan đến TQ xâm lăng biển đảo VN lên đầu trang Blog như để luôn hâm nóng tình thần ái quốc của dân Việt và sự cảnh giác trước mọi thủ đoạn chiến tranh xâm lược của bọn bành trướngtrung quốc. Xin chân thành cám ơn anh.
    Thân kính,
    Thành Tâm

    Trả lờiXóa
  11. Hoàng sa - Tường sa - Gò Đống Đa : là của người Việt Nam.( Nghe đâu ở gò đống đa bị phát hiện có nhiều xương cốt người tàu cổ,sợ trung cộng lấy cớ này nhận gò đống đa thuộc trung của)

    Trả lờiXóa
  12. Đọc bài viết và phân tích thấy rất hay và đúng, Cảm ơn TS Tô Văn Trường

    Trả lờiXóa
  13. TQ luôn chỉ là một ông hàng xóm xã giao,ở cạnh nhà nên ra cửa gặp thì phải chào thôi.Không bao giờ là bạn bè anh em chí cốt được.
    Nếu tin nó,nó xẽ cho mình mọc sừng dài hơn cả sừng hươu,muốn về nhà nhưng không vào được cửa,vì sưng mọc quá dài mà cửa về thì hẹp.

    Trả lờiXóa