Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2011

THƯ SÀI GÒN - Vũ Ngọc Tiến


Anh Trần Nhương thân kính!

Nhớ hôm mới vào, anh nhắn tin: “Ở trong đó có gì mới lạ thì viết cho mình nhé!” Tôi hiểu hai từ mới- lạ anh muốn nhắm đến phản ứng trong lòng giới trẻ và trí thức, văn nghệ sĩ Sài Gòn, sau sự cố tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 2 của ta bị kẻ thù cắt cáp ngay trong vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Thiết nghĩ, mới- lạ thì không bởi tin tức, bình luận về ngày 5/6/2011 đã tràn ngập trên mạng, song những suy ngẫm cá nhân của riêng tôi và bạn bè trong này thì có, nhất định phải có. Trước hết, đó là hệ quả tất yếu như lời Nguyễn Trãi từng viết hơn 500 năm qua: “Dân bi thán tất thành vũ”, nghĩa là dân thở dài tất sẽ thành bão. Người Sài Gòn ở thành phố mang tên Bác thở dài cảm thông và giận uất trước thảm cảnh các gia đình ngư dân đảo Lý Sơn- Quảng Ngãi bị tàu “nước lạ” ngông nghênh bắt bớ, tịch thu tàu và ngư cụ hay đòi tiền chuộc… đã nhiều năm liền. Giờ là lúc giọt nước tràn ly, bão nổi trong lòng, dù cuộc biểu tình tuần hành diễn ra khá ôn hòa, lịch thiệp. 

GS Tương Lai tham gia biểu tình tại SG
Tiết trời Sài Gòn mấy tuần nay trở lại quy luật giống như mùa hè năm 1975 tôi đã từng chứng kiến. Cơn mưa rào thường  ào đến nhanh rồi cũng tạnh mau vào khoảng 3- 4 giờ chiều, làm dịu bầu không khí chói chang nắng gắt trong ngày. Dẫu thế, bầu máu nóng sục sôi trong giới trẻ, trí thức, văn nghệ sĩ khi chủ quyền biển đảo của Tổ quốc bị xâm phạm cứ ngùn ngụt bốc cao, tương phản với tiết trời dịu mát sau mưa. Tôi cảm nhận được rất rõ điều ấy qua câu chuyện của họ tại các quán café đường phố ban ngày, cả trong các quán nhậu bình dân ban đêm. Hai năm xa cách, bạn bè trong chuyến Nam du lần này vẫn quây quần còn đông hơn trước, chuyện trò chân tình, nồng ấm và tôi lại có thêm những người bạn mới: Nhà nghiên cứu biển Đông nổi tiếng Đinh Kim Phúc, nhà văn Nguyễn Viện, học giả Phạm Nguyên Trường, nhà văn- nhà nghiên cứu Hiếu Tân, lại có cả nhà văn Kinh Dương Vương vừa từ Mỹ về thăm quê, rồi những bạn đọc ở Đồng Tháp, Cà Mau như anh Quang, anh Khánh cũng hồ hởi gọi điện nhắn về chơi…Ngạn ngữ có câu: “Thêm một người bạn là thêm một khoảng trời.” Với người viết, tôi cho đó là hạnh phúc.

Trưa hôm qua, đang ở phường 11- quận Gò Vấp thăm bà Hồng Châu, thắp nhang khấn trước bàn thờ nhà thơ- chiến sĩ Nam tiến Nguyễn Bính, hàn huyên với chị Hồng Cầu, tôi bỗng nhận được điện thoại của 2 nhà thơ Trần Hữu Dũng, Vũ Trọng Quang gọi về quán café trên đường Trần Quốc Thảo để chia vui với Bùi Chát vừa được thả về, sau mấy ngày câu lưu ở số 4 Phan Đăng Lưu. Cả hai con đường ấy đều mang tên hai chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc thời thuộc Pháp. Gặp lại Bùi Chát, tôi mừng thấy anh hồng hào, béo tốt hơn hai năm trước. Trên người không có vết muỗi cắn hay mắt thâm quầng vì mất ngủ. Môi đỏ như son. Nụ cười hiền và tươi như đóa hoa tường vi. Anh bảo tôi: “Em được thả, nhưng vẫn phải làm việc với an ninh ban sáng, cả chiều nay nữa nên không quay về sân nhà 81 nhậu lai rai với anh và mọi người được.” Chia tay bạn bè, trên đường về nhà tôi cứ miên man suy ngẫm. Cụ Hồ có câu nói bất hủ: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết- Thành công, thành công, đại thành công”. Lúc này hơn bao giờ hết, chúng ta cần đến sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hà cớ gì phải câu lưu những người như nhà thơ Bùi Chát hay các Bloger Người Buôn Gió, Mẹ Nấm? 
.
Hình ảnh từ Hà Nội. Ảnh: Mai Kỳ
Lại nhớ hôm 4/6 vừa qua, dẫu nghe phong phanh 5/6 mới có biểu tình trước cổng tòa Lãnh sự quán Trung Quốc ở Tp Hồ Chí Minh, nhưng tôi cùng Nguyễn Hòa (chủ Web VCV), Đinh Kim Phúc, Hiếu Tân rủ nhau dạo quanh hồ Con Rùa, qua các phố Phạm Ngọc Thach, Nguyễn Thị Minh Khai… thử xem binh tình ra sao. Cảnh vật thật yên tĩnh, đường phố vắng lặng, chỉ có cảnh sát thì khá đông, riêng ở cửa nhà Văn hóa thanh niên đã thấy 7 anh mặc cảnh phục và 5 anh mặc đồng phục vệ sĩ! Chúng tôi vào sân nhà hàng Nắng Mới ở 32 Phạm Ngọc Thạch gọi vài chai bia uống chơi, không tin sẽ có biểu tình vào ngày hôm sau, nhưng thật kỳ diệu nó vẫn xảy ra, đủ thấy lòng dân là tất cả. Hôm ấy Đinh Kim Phúc bảo tôi: “Em rất khoái hai khái niệm ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân cùng song hành trong cuộc đấu tranh giữ vững chủ quyền biển đảo. Nó là kinh nghiệm đúc kết của cha ông, lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy trí nhân thay cường bạo trong lịch sử chiến tranh giữ nước từ xưa tới nay.” Lời Phúc làm tôi liên tưởng đến cuộc hòa đàm Paris, ta thắng bởi ta có chính nghĩa, tất nhiên rồi, nhưng còn vì ta có bản lĩnh và sách lược đấu tranh ngoại giao đúng đắn. Cố Tổng bí thư Lê Duẩn từng tổng kết: “Trên mặt trận ngoại giao ở Paris, chúng ta cũng áp dụng đối sách 3 mũi giáp công như trên mặt trận quân sự ở chiến trường hai miền Nam- Bắc.” Ba mũi giáp công đó là đấu tranh ngoại giao của Nhà nước- đấu tranh của các tổ chức chính trị, đoàn thể quần chúng trong nước- biểu tình chống chiến tranh Việt Nam của nhân dân thế giới. Phong trào đấu tranh của HS- SV Sài Gòn thời đó với những tên tuổi khả kính như Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Quang Vịnh… chính là một trong 3 mũi giáp công làm nên thắng lợi của dân tộc. Vậy mà hôm nay có người nhân danh này nọ, dám lên giọng chỉ vẽ cho các ông Lê Hiếu Đằng, Hồ Cương Quyết, Huỳnh Tấn Mẫm… ở nhà Văn hóa thanh niên về cách đấu tranh ngoại giao với giặc Tàu thì thật khôi hài hết mức! Lại nữa, muốn thực hành bài học kinh nghiệm 3 mũi giáp công thời chống Mỹ vào cuộc đấu tranh giữ vững chủ quyền biển đảo hôm nay, Chính phủ phải đủ bản lĩnh tin dân mà công khai hóa toàn bộ sự thật. Qua lời của tướng Phùng Quang Thanh tại cuộc đối thoại an ninh châu Á ở Shangri La, người dân mới biết là hành động tàu Trung Quốc cắt cáp tàu khảo sát thềm lục địa của Việt Nam đã từng xảy ra một lần vào năm 2010. Người Sài Gòn đặt câu hỏi: Nếu từ lần ấy Nhà nước ta sớm công khai phản đối thì cuộc biểu tình của giới trẻ, trí thức, văn nghệ sĩ chắc chắn sẽ xảy ra và kẻ ấy muốn cắt cáp lần này cũng có thể đã phải chùn tay trước sức mạnh của chính nghĩa và lòng yêu nước chăng?... 

Anh Trần Nhương thân kính!

Thư đã dài. Những suy ngẫm của tôi và bạn bè trong này sau sự kiện ngày 5/6/2011 còn nhiều, không thể nói hết, vắn tắt đôi lời vậy thôi. Hẹn dịp khác.

SG 8/6/2011
Vũ Ngọc Tiến



Nguồn: Trần Nhương.com

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét