Thứ Năm, 23 tháng 6, 2011

DƯ LUẬN QUỐC TẾ KẾT LUẬN: TRUNG QUỐC VI PHẠM LUẬT QUỐC TẾ

Trung Quốc vi phạm luật quốc tế

Thứ Tư, 22/06/2011 22:36

 

Theo thượng nghị sĩ Mỹ James M. Inhofe, Trung Quốc cần phải nhận được một thông điệp rõ ràng rằng những hành vi quấy rối tiếp diễn của họ ở biển Đông sẽ không còn được dung thứ nữa


Cuộc hội thảo về an ninh biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ tổ chức tiếp tục diễn ra tại Washington hôm 21-6 với các phiên thảo luận đánh giá tính hiệu quả của các cơ chế an ninh trên biển hiện có tại biển Đông và đề xuất chính sách nhằm tăng cường an ninh khu vực. 

Bắc Kinh từ chối DOC

Đánh giá về các cơ chế hiện có để giải quyết tranh chấp, giáo sư Peter Dutton của Đại học Hải quân Mỹ cho rằng hiện có hai cơ chế là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Ông Dutton nói: “UNCLOS nói rõ rằng tuyên bố về quyền tài phán của một quốc gia đối với tài nguyên phải dựa trên yếu tố địa lý của đường bờ biển. Việc Trung Quốc tuyên bố quyền tài phán trong đường chữ U, hay đường 9 khúc, mà không đề cập dù là gián tiếp đến các đặc điểm địa lý từ bờ biển hay đường cơ sở là một vi phạm căn bản luật quốc tế”. Theo website Vietnamplus, ông Dutton nhấn mạnh thêm rằng đường chữ U là một trong hai nguồn chính gây căng thẳng trên biển Đông.

Liên quan đến DOC, trong cuộc thảo luận trước đó, Giám đốc Chính trị và An ninh của Ban Thư ký ASEAN, ông Termsak Chalermpalanupap, cho biết ASEAN đã 20 lần đưa ra dự thảo về hướng dẫn thực hiện DOC nhưng đều bị Trung Quốc từ chối và hiện ASEAN đang chuẩn bị dự thảo thứ 21.
Thượng nghị sĩ  James M. Inhofe chỉ trích những hành động quấy rối của Trung Quốc ở biển Đông trong một cuộc điều trần tại Hạ viện Mỹ. Ảnh: Getty Images

Tiến sĩ Dutton cho rằng không bao giờ thiếu những ý tưởng để giải quyết vấn đề, mà chỉ thiếu ý chí chính trị. Ông nói: “Các bên đều phải có nhượng bộ về chính trị, nếu không sẽ dẫn đến việc nước mạnh hơn sẽ làm những gì có thể làm và nước nhỏ làm điều phải làm”. Chung quan điểm này, tiến sĩ Stein Tonnesson thuộc Viện Hòa bình Oslo của Na Uy đề xuất một số điểm, trong đó ông cho rằng các quốc gia có thể nhượng bộ để giải quyết tranh chấp.

Ông Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, cho rằng cần thúc đẩy hợp tác về biển và quân sự dưới hình thức tuần tra chung, diễn tập chung với sự tham gia của Trung Quốc, ASEAN và các nước có liên quan; đồng thời các bên cần công khai, minh bạch, giảm mua sắm vũ khí và thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin.

Về cơ chế “khai thác chung,” hầu hết các học giả đều nhận định rằng cơ chế này đã không phát huy tác dụng, bởi các bên không thống nhất với nhau trong việc xác định đâu là khu vực tranh chấp, đâu là khu vực không tranh chấp.

Sự quấy rối “không thể chấp nhận”

Vấn đề biển Đông tiếp tục là vấn đề thu hút sự quan tâm của các chính khách Mỹ. Sau bài diễn văn của thượng nghị sĩ John McCain tại hội thảo nói trên, đến lượt thượng nghị sĩ James  M. Inhofe bày tỏ quan điểm của mình trong một bài viết đăng trên blog The Hill của Quốc hội Mỹ hôm 21-6. Mở đầu bài viết, ông James M. Inhofe khẳng định: “Trong 12 tháng qua, Trung Quốc đã tiến hành những hành vi quấy rối có tính toán ở biển Đông. Đây là động thái mới nhất từ Trung Quốc, nước trong vài năm qua đã tuyên bố phần lớn biển Đông là vùng đặc quyền kinh tế của mình. Điều này đe dọa tất cả những nước và vùng lãnh thổ khác đang có tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển này… Trung Quốc cần phải nhận được một thông điệp rõ ràng rằng những hành vi quấy rối tiếp diễn của họ sẽ không còn được dung thứ nữa…”. 

Trong bài viết, ông Inhofe đã liệt kê một loạt “hành động không thể chấp nhận được” của Trung Quốc đối với tàu thuyền Việt Nam và Philippines ở biển Đông trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 6 qua. Theo ông Inhofe, những hành động nói trên là lý do ông và thượng nghị sĩ Jim Webb trình lên thượng viện một nghị quyết (hôm 13-6) kêu gọi chính phủ Trung Quốc chấm dứt quấy rối tàu thuyền đi lại ở biển Đông. Ông Inhofe thúc giục thượng viện nhanh chóng thông qua nghị quyết nói trên để thể hiện “sự hậu thuẫn dành cho những đồng minh của chúng ta”, đồng thời bày tỏ “sự bất bình mạnh mẽ của chúng ta đối với những hành động của Trung Quốc”. Một động thái như thế, theo ông Inhofe, cũng sẽ chứng tỏ thượng viện ủng hộ sự tự do và một giải pháp hòa bình cho vấn đề biển Đông. 

Bắc Kinh đề nghị Mỹ tránh xa vấn đề biển Đông
Trung Quốc hôm 22-6 đã thúc giục Mỹ tránh xa vấn đề tranh chấp lãnh hải ở biển Đông hiện nay. Trả lời phỏng vấn các phóng viên, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải nói: “Mỹ không phải là nước có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông vì thế tốt hơn là nước này nên để vấn đề biển Đông cho các bên liên quan giải quyết”. Theo ông Thôi, sự can thiệp của Mỹ vào vấn đề này có thể khiến tình hình tồi tệ hơn.
Đài truyền hình Phoenix (Hồng Kông) cho biết những tuyên bố trên của ông Thôi Thiên Khải là nhằm trả lời các câu hỏi về thông điệp mà Trung Quốc sẽ mang tới vòng tham vấn đầu tiên giữa Washington và Bắc Kinh về tình hình khu vực châu Á – Thái Bình Dương và những vấn đề cùng quan tâm. Cuộc tham vấn sẽ bắt đầu vào ngày 25-6 ở Honolulu, bang Hawaii (Mỹ). Ông Thôi Thiên Khải cho biết: “Vấn đề biển Đông không nằm trong chương trình nghị sự của cuộc tham vấn. Tuy nhiên, nếu phía Mỹ nêu vấn đề này, Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục bày tỏ lập trường của mình – đó là chúng tôi không phải là phía tạo ra những tranh chấp”.

ASEAN cảm thấy bất an
Báo Philippine Daily Inquirer ngày 22-6 đã đăng bài bình luận về tranh chấp ở biển Đông với tiêu đề “Mối nguy trên biển”. Trong đó, tác giả cho rằng sự khẳng định chủ quyền mang tính gây hấn đáng ngạc nhiên của Trung Quốc (TQ) đối với biển Đông đã khiến các quốc gia trong khu vực bất an. Hành động đó đã đặt cường quốc mới nổi này vào thế xung đột với các nước đối tác của mình cũng như với quyền lợi của Mỹ, một cường quốc khác đã hình thành từ lâu.
Sự khẳng định chủ quyền mang tính gây hấn của Trung Quốc ở biển Đông khiến các nước ASEAN
bất an. Ảnh: REUTERS
TQ đã ngày càng khẳng định chủ quyền đối với khu vực này kể từ năm ngoái. Việc tranh chấp chủ quyền ở biển Đông giờ đây không chỉ gói gọn trong phạm vi các nước và vùng lãnh thổ có liên quan. Chẳng hạn, Singapore – quốc gia không khẳng định chủ quyền ở biển Đông – đã phá vỡ sự im lặng. Nước này đã yêu cầu Bắc Kinh làm rõ những đòi hỏi về tuyên bố chủ quyền của mình ở biển Đông.
Bên cạnh đó, báo The Nation của Thái Lan nhận định: ASEAN đang sống trong nguy hiểm ở biển Đông. Theo đó, môi trường ôn hòa trước đây ở biển Đông đã bị hủy hoại. Tờ báo nhận định: “Nếu như nhiệt độ tiếp tục gia tăng, sẽ có thể đạt đến điểm sôi. Có thể xảy ra xung đột vũ trang trong khu vực mà trước đây chưa bao giờ có”.
Trong khi đó, báo The Australian (Úc) quả quyết: Căng thẳng leo thang giữa TQ và các nước AESAN láng giềng về các quần đảo tranh chấp ở biển Đông là dấu hiệu mới nhất cho thấy đang mở ra một kỷ nguyên mới của tính bất ổn về chiến lược và sự đua tranh về địa chính trị ở châu Á.
Ngô Sinh
 
Hoàng Phương

6 nhận xét :

  1. Trung quốc đã mắc mưu Mỹ khi tưởng cơ hội ngon ăn đã tới nên gây hấn ở Biển Đông. Hàng chục năm trước TQ đổ cả đống tiền ra ve vãn các nước Đông Á trong đó có Việt Nam làm cho ai cũng tưởng đã đến thời bỏ Mỹ để chơi với TQ. Để lột mặt nạ của TQ và kéo các nước lại với mình, Mỹ rất ranh ma, Mỹ chẳng làm gì chỉ tỏ ý nhượng bộ TQ (y như thái độ lập lờ để Irắc tưởng bở đưa quân vào Kuwait sau đó Mỹ mới ra đòn hạ gục Saddam Hussein năm 1991) để TQ tưởng ngon ăn nên xốc tới. Thế là các nước châu Á vỡ mộng, Trung Quốc thì rơi mặt nạ hữu hảo. Cả 1 vành đai từ Nhật xuống đến Ấn Độ đã quay ngoắt lại với Mỹ khiến TQ cô lập. Tôi cho rằng nếu TQ đánh ở Biển Đông Mỹ sẽ nhảy vào để trói chặt TQ (y như Irac năm 1991). Chắc TQ cũng hiểu điều đó nên họ sẽ khôn ngoan không chọn chiến tranh mà sẽ xuống thang ngồi vào bàn đàm phán COC thôi. Nhất là sau khi các nước ASEAN đã có ý tưởng ASEAN ký COC trước sau đó mời Ấn Độ, Mỹ, Nhật, Úc v.v. cùng ký thì lúc đó TQ đâu có thể làm cao để đứng ngoài như bây giờ.

    Trả lờiXóa
  2. Nội tình không yên, giặc ngoài gây hấn. Chưa bao giờ đất nước thiếu thế và lực như bây giờ.

    Trả lờiXóa
  3. Đánh nhau thì đánh sợ gì!

    Trả lờiXóa
  4. Đó cũng chính là ý đồ của Trung Quốc muốn thể hiện vượt lên trên cả Hoa Kỳ

    Trả lờiXóa
  5. Lẽ ra từ sau 79 , VN không nên quay lại thân thiện với TQ làm gì, thì bây giờ có lẽ hay hơn cho hiện tình đất nước. Đất nước không đầy dẫy bọn người Hoa làm EPC. Lũng đoạn kinh tế.
    Đất nước vần có một Lê Duẩn mới để thống nhất ý chí chiến đấu.
    Patriot

    Trả lờiXóa
  6. TQ bị hung nô xâm lược lập nên nhà Nguyên-Mông,
    Ba lần đánh VN ta, Ba lần đại bại.
    TQ bị Đại Kim Xâm lược lập ra triều đại nhà THanh. sang đánh ta bị Quang Trung đánh cho tơ tả. Đánh cho biết nước Nam có chủ.

    Trả lờiXóa