Thứ Năm, 2 tháng 6, 2011

CẦN RA NGHỊ ĐỊNH CHO PHÉP BIỂU TÌNH PHẢN ĐỐI TRUNG QUỐC

Trần Đình Thu
Luật gia, nhà nghiên cứu văn học

Biểu tình là một quyền cơ bản được Hiến pháp công nhận, tuy nhiên hiện chưa có các văn bản dưới Hiến pháp quy định, chẳng hạn như Luật biểu tình. Có lẽ do nhu cầu xã hội chưa đến lúc cần thiết phải có, nên chưa xây dựng luật này. Nhưng nay thì đã đến lúc cần, để toàn thể nhân dân Việt Nam thể hiện chính kiến trước hành động ngang ngược của nhà cầm quyền Trung Quốc. Dĩ nhiên không thể chờ đợi ban hành Luật biểu tình, nhưng cũng không thể vì chưa có Luật biểu tình mà làm ảnh hưởng đến quyền thể hiện chính kiến của nhân dân Việt Nam. Khoản 2 Điều 14 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 cho phép Chính phủ ban hành ngay một Nghị định về biểu tình thật ngắn gọn mà không cần phải chờ đợi Quốc hội họp để thông qua Luật biểu tình (Năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng làm như vậy trong tình hình cấp bách, Chủ tịch đã ký Sắc lệnh số 31 quy định ngắn gọn về việc biểu tình trong 2 dòng chữ mà thôi). Việc ra Nghị định này vừa phù hợp lòng dân, phù hợp với tình hình khách quan hiện tại, đồng thời sẽ quản lý được các cuộc biểu tình, tuần hành diễn ra trong khuôn khổ pháp luật. Nghị định không nhất thiết phải bao trùm toàn bộ vấn đề biểu tình mà có thể gói gọn trong phạm vi biểu tình vì những hành động ngang ngược của các thế lực nước ngoài xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam là đủ.

Nguồn: Trần Nhương.com.

Đọc thêm bài trên Blog MỚI của Nhà văn Phạm Viết Đào:
.

HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ QUYỀN BIỂU TÌNH CỦA CÔNG DÂN

Luật gia Phan Thanh Hải


Sau các cuộc biểu tình đã xảy ra tại Tp.HCM và Hà Nội, tôi nhận được rất nhiều câu hỏi từ bạn bè và những người có quan tâm về vấn đề biểu tình và những hành xử của công an đối với họ. Sau đây là tập hợp những câu hỏi mà tôi đã nhận được cũng như ý kiến tư vấn Pháp luật của cá nhân tôi sau khi đã tổng hợp và đối chiếu với các quy định Pháp luật hiện hành. Tôi mạnh dạn đưa ý kiến của mình lên đây mặc dù tự biết mình chưa thể là một chuyên gia giỏi vì thế không thể có những điều còn sai sót hoặc chưa chính xác. Tôi rất vui được các bạn góp ý thẳng thắn hoặc tranh luận về những vấn đề liên quan…

1. Biểu tình chống Trung Quốc có vi phạm pháp luật không ? Vì sao ?


 -Biểu tình chống Trung Quốc là không vi phạm pháp luật, vì biểu tình là một trong những quyền công dân được Hiến pháp ghi nhận tại điều 69 "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.”

2. Cụm từ “biểu tình theo quy định của Pháp luật” có ý nghĩa thế nào ?

-Điều này có nghĩa là bạn có quyền biểu tình nhưng cần phải tuân thủ các quy định Pháp luật về biểu tình.

3. Quy định pháp luật về biểu tình là những quy định nào ?

-Hiện nay Quốc hội và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa ban hành văn bản nào quy định cụ thể về biểu tình.

4. Vậy thì làm sao tôi biết được là tôi đi biểu tình có đúng Pháp luật hay không ? Tôi có thể hiểu theo cách “tôi có thể làm bất cứ điều gì mà Pháp luật không cấm” hay không ?

-Hiện nay có rất nhiều hành vi của công dân chưa được Pháp luật quy định cụ thể vì thế bạn có thể áp dụng nguyên tắc “những gì Pháp luật không cấm đều có thể được phép làm”, đây là một trong những nguyên tắc quan trọng của Pháp luật mà tất cả các nước văn minh đều áp dụng. Ngoài ra hành vi được phép làm của bạn cũng phải tuân thủ nguyên tắc “không được phép xâm hại đến quyền và lợi ích của các cá nhân, tổ chức khác”. 
Ví dụ như hành vi “câu cá” không được quy định trong bất cứ văn bản pháp luật nào nhưng bạn vẫn có thể làm một cách tự do, tuy nhiên bạn không thể câu cá tại nơi người khác đang nuôi. 
Hành vi “đi chơi dạo phố” cũng không có có nghị định nào quy định tuy nhiên bạn cũng không thể đi chơi dạo phố ở những nơi có bảng cấm hay dạo phố trên đường lưu thông của xe cộ…

5. Biểu tình và việc tụ tập đông người có sự khác nhau thế nào ?

-Việc biểu tình cũng là một tình trạng “tụ tập đông người” tuy nhiên “biểu tình” là sự thống nhất biểu đạt một ý chí tình cảm nào đó của đông người. Còn việc tụ tập đông người là một hiện tượng xã hội nói chung, ví dụ như có một vụ đánh nhau, cãi nhau cũng có thể gây sự chú ý và tụ tập đông người.

6. Như vậy thì Nghị định 38/2005/NĐ-CP có phải là nghị định quy định về biểu tình hay không ?

-Đây là nghị định của chính phủ có phạm vi điều chỉnh quy định tại điều 1 như sau :

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng; nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm trật tự công cộng.”

Rõ ràng phạm vi điều chỉnh của nghị định này không phải về việc biểu tình.

7. Vậy thì tại sao cơ quan công an lại dùng Nghị định 38/2005/NĐ-CP để áp dụng cho người tham gia biểu tình ?

Do thực tế chưa có quy định nào cụ thể về biểu tình do đó có một số quan điểm khác nhau như sau:

- Việc biểu tình phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, một số nước khác cũng có quy định này.

- Việc biểu tình không phải xin phép vì cơ quan nhà nước không có quy định này.

- Việc biểu tình cũng là hành vi “tụ tập đông người” vì thế phải áp dụng quy định trình tự thủ tục đã quy định tại nghị định 38/2005/NĐ-CP “Việc tập trung đông người ở nơi công cộng phải đăng ký trước với Ủy ban nhân dân có thẩm quyền

Theo cá nhân tôi thì cần phải căn cứ vào ý chí của cá nhân, nhóm hoặc đám đông và biểu hiện cụ thể của họ để phân biệt giữa việc “tụ tập đông người” thông thường và việc “biểu tình” để biểu đạt một tình cảm nguyện vọng, là một quyền hiến định của công dân. Tôi đã nói đến sự khác biệt của nó tại câu hỏi thứ 5 trên đây.

8. Công an có thể bắt, giữ hoặc giam tôi vì lý do biểu tình hay không ?

-Việc làm này nếu có là hoàn toàn trái Pháp luật. Việc bắt giữ người trái pháp luật là một hành vi phạm tội được quy định tại điều Điều 123 Bộ luật hình sự :

“1. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật
1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người thi hành công vụ;
d) Phạm tội nhiều lần;
đ) Đối với nhiều người.
3. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.”

9. Công an có thể mời tôi đến làm việc vì lý do đã tham gia biểu tình hay không ?

-Họ có thể mời bất cứ ai đến làm việc để điều tra, tuy nhiên chỉ vì lý do đã tham gia biểu tình thì chưa cụ thể lắm.

10. Tôi có thể từ chối không đến làm việc với công an hay không ? Nếu tôi không đến thì có bị cưỡng chế hay bắt giữ buộc phải đến hay không, bởi vì giấy mời rõ ràng là khác với giấy triệu tập ?

-Về nguyên tắc thì bạn có nghĩa vụ hỗ trợ cơ quan nhà nước trong việc điều tra tội phạm. Tuy nhiên Giấy mời là hoàn toàn khác với Giấy triệu tập. Theo quy định của Luật Tố tụng Hình sự thì có 3 loại người (và chỉ có 3 người này mà thôi) có thể bị áp dụng biện pháp dẫn giải nếu không có mặt theo giấy triệu tập là: bị can, bị cáo và người làm chứng. Ngoài ra không có quy định Pháp luật nào cho phép công an áp giải bạn đi nếu bạn không đến gặp công an theo Giấy mời.

Việc cưỡng chế hay bắt giữ bạn là hoàn toàn sai với quy định Pháp luật.

Tuy nhiên nếu bạn có nhiều công việc bận bịu hoặc bạn có tâm lý sợ hãi khi đến đồng công an thì có thực hiện theo những cách thức dung hòa như sau:

- Bạn có thể đề nghị cơ quan công an gửi cho bạn danh sách những câu hỏi cụ thể mà họ quan tâm để bạn thuận tiện trả lời khi có thời gian.

- Cơ quan công an có thể đến gặp bạn khi thuận tiện.

Làm việc với cơ quan công an theo giấy mời là sự trao đổi thông tin mà công an cần có sự giúp đỡ của bạn để xác minh một sự việc nào đó. Đây không phải là sự tra vấn, hỏi cung nhân chứng hay hỏi cung bị can, bị cáo vì thế bạn có thể mạnh dạn phản đối bất cứ thái độ đe dọa, cưỡng chế, ép buộc nào và bạn cũng có thể từ chối trả lời những câu hỏi nào không có tính chất thiện chí đối với bạn.

Mọi sự sự đe dọa, ép buộc, mớm cung, dụ cung, ép cung . . . đối với bạn đều là vi phạm những điều cấm của Pháp luật đối với công an.

11. Công an có thể xử phạt hành chính vì lý do đã tham gia biểu tình hay không ?

Việc xử phạt hành chính phải tuân thủ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và các nghị định cụ thể về vi phạm hành chính. Nếu công an muốn xử phạt thì họ phải lập biên bản ghi rõ là bạn đã vi phạm điều khoản nào của nghị định và phải ra quyết định xử phạt theo đúng trình tự thủ tục.
Theo tôi thì việc phân biệt hành vi “tụ tập đông người” đơn thuần và hành vi “biểu tình” cần được làm rõ trước khi xử lý vi phạm.

( Nguồn: http://anhbasg.multiply.com/journal/item/23 )
       


7 nhận xét :

  1. Một diên hồng sôi suc tinh thần việt nam. có cấm tôi cũng tham gia .

    Trả lờiXóa
  2. Bác Diện ơi, bên blog Bác Mai Thanh Hải đăng tin, ngày 1 tháng 6 năm 2011, CP Việt Nam quyết định xây dựng cung hữu nghị Việt - Trung.
    Thế này là thế nào Bác Diện, chẳng lẻ CP Việt Nam diễn kịch à.

    Trả lờiXóa
  3. Chúng ta hãy kêu gọi tẩy chay mua hàng Trung Quốc, không đi du lịch Trung Quốc (vì người Việt ta đã đóng góp rất lớn cho kinh tế Trung Quốc khi mua sắm trong các tua du lịch đó), đề nghị xem xét lại các dự án đầu tư của Trung Quốc (nhất là dự án bôxit) để phản đối hành động bá quyền của chúng.

    Trả lờiXóa
  4. Xin hỏi: giả sử chúng ta vận động tập hợp một nhóm đông người (một nhóm người nhỏ, dân một khu vực địa bàn, dân toàn địa phương, dân cả nước,người Việt ở nước ngoài,...) để biểu tình trước đại sứ quán Trung Quốc phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, đăng kí lên UBND khu vực có tòa đại sứ quán TQ thì thủ tục thế nào? (Đừng biểu là ghi danh sách các cá nhân tham gia biểu tình từ A đến Z nộp vào nhé- Hê hê) Ai sẽ là người đứng đầu nhóm biểu tình? (Hay là những người do chính quyền cử ra để cầm đầu?-Điều này thì chỉ đáp ứng một nhu cầu nhỏ và không hợp lí so với ý nghĩa việc đi biểu tình). Và nếu Nhà cầm quyền không cho phép thì phải làm sao? Chẳng lẽ lại giải tán ai về nhà nấy à!
    Tôi nhớ cách đây không lâu, nước ta có những vụ biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển Đông, Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam. Thế là vì can tội biểu tình chống Trung Quốc nên những người cầm đầu bị bắt sạch sành sanh (đến nay có lẽ có người đang bị giam), đám đông bị giải tán nhanh chóng. Tôi thật không hiểu nhà cầm quyền phục vụ lợi ích cho nhân dân đất nước hay phục vụ cho...Tàu nữa. Buồn!

    Trả lờiXóa
  5. À, vậy tôi xin hỏi, nếu tôi tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Tổ Quốc và bị công an bắt giam vì can tội "biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ" thì "con kiến" tôi biết kiện ai, hay là đi kiện "củ khoai"? Tôi sợ cái vụ ủng hộ quan điểm Nhà nước kiên quyết đấu tranh vì Trường Sa, Hoàng Sa thân yêu như lần trước lắm, rốt cuộc lại bị chính Nhà nước mình, lực lượng công an Nhà nước mình bắt bớ giam cầm. Nhục lắm và uất ức căm phẫn lắm!

    Trả lờiXóa
  6. Nước ta hay hỉ. Đi biểu tình thể hiện lòng yêu nước mà bị Nhà nước cấm cản hay sao mà phải xin nghị định cho phép. Chẳng lẽ Nhà nước cấm biểu tình thể hiện lòng yêu nước với ý nói là "cấm nhân dân yêu nước Việt Nam" hay sao? Vậy yêu nước nào-chẳng nhẽ Trung Cẩu!

    Các cuộc biểu tình của nhân dân thời Mỹ - ngụy thì tổ chức rầm rộ phản đối Mỹ xâm lược đến nay còn làm lễ kỉ niệm ôn lại lịch sử giờ đâu hết cả rồi. Sao hồi xưa làm hăng thế giờ lại cấm là sao? Khó hiểu và không ra cái thể thống gì nữa.

    Trả lờiXóa
  7. Lòng yêu nước không cần Nghị quyết!

    Trả lờiXóa