Thứ Hai, 29 tháng 8, 2022

NHÀ HÁT OPERA HỒ TÂY: KHUẤT TẤT PHÁP LÝ CẦN LÀM RÕ!

Tuyển chọn thiết kế kiến trúc nhà hát tại Đầm Trị: Khuất tất pháp lý cần làm rõ!

Báo Người Đô thị
21:17 | Thứ ba, 23/08/2022 

Những tranh luận về nhà hát opera trên Đầm Trị đã làm lộ ra hai vấn đề pháp lý quan trọng cần xem xét lại: Một là, nhà hát được tuyển chọn thiết kế kiến trúc trước khi nó hiện diện trên các bản vẽ quy hoạch; Hai là, việc bổ sung thêm một nhà hát cùng quy mô và chức năng ở Hồ Tây hoặc chuyển dời vị trí nhà hát Thăng Long từ Tây Hồ Tây về Đầm Trị, có biểu hiện đã phá vỡ các bản quy hoạch hiện có...

Thời gian qua, dư luận mạng xã hội và báo chí bàn luận sôi nổi về sự cần thiết phải xây dựng một nhà hát opera ở Đầm Trị thuộc bán đảo Quảng An (Hồ Tây, Hà Nội), đã được một số người có danh tiếng ủng hộ bất thường. Tâm điểm của dư luận chính là phương án kiến trúc nhà hát của kiến trúc sư người Ý Renzo Piano.

Phương án kiến trúc nhà hát opera ở Đầm Trị của đơn vị Renzo Piano Building Workshop. Ảnh: RPBW


Đây là một phương án kiến trúc hiện đại, mới lạ, của một công ty thiết kế hàng đầu thế giới, nên không tránh khỏi những ý kiến khác nhau, khen hoặc chê, giữa giới chuyên môn và không chuyên môn. Hướng quan tâm của dư luận về kiến trúc nhà hát có thể khiến cho đa số độc giả nghĩ rằng phương án kiến trúc đó đã được một kiến trúc sư hàng đầu thiết kế là một vinh dự và dường như "ván đã đóng thuyền" về vị trí của nhà hát.

Thế nhưng việc tuyển chọn phương án kiến trúc nói trên đã thực sự đúng thời điểm, sự hình thành nó đã đúng quy định của pháp luật hay chưa? Bây giờ, khi bản quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực Quảng An còn chưa phê duyệt thì những bàn luận về phương án kiến trúc nhà hát liệu có phải "cầm đèn chạy trước ô tô" và mang tính định hướng dư luận?

Khu vực Đầm Trị - nơi quy hoạch đề xuất xây nhà hát opera. Ảnh: Phạm Tuấn Anh


Sau khi tìm hiểu kỹ quy trình tuyển chọn thiết kế vào thời điểm 2017-2019, là thời điểm có chủ trương của Thành ủy Hà Nội tới lúc UBND thành phố Hà Nội phê duyệt phương án thiết kế sau tuyển chọn bằng văn bản số 243 TB-UBND ngày 6.3.2019 và Thành ủy Hà Nội ra văn bản số 1948 TB-TU ngày 17.5.2019 thống nhất ý tưởng kiến trúc của đơn vị thiết kế Renzo Piano Building Workshop, chúng tôi cho rằng quy trình tuyển chọn này có một số vấn đề chưa phù hợp, khuất tất, cần xem xét lại.

Vào thời điểm 2017-2019 thì văn bản pháp lý hướng dẫn thi tuyển thiết kế và tuyển chọn phương án kiến trúc là Thông tư số 13/2016/TT-BXD ngày 29.6.2016 và Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18.6.2015 (là các văn bản hướng dẫn Luật Xây dựng năm 2014).

Khoản 1, Điều 15, Nghị định 59 quy định “Thi tuyển, tuyển chọn thiết kế kiến trúc công trình xây dựng” như sau:

Công trình công cộng quy mô lớn, có yêu cầu kiến trúc đặc thù phải tổ chức thi tuyển hoặc tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc gồm:

  1. Công trình công cộng cấp I, cấp đặc biệt;

(…)

Theo điều khoản trên thì công trình nhà hát opera ở Đầm Trị bắt buộc phải thi tuyển hoặc tuyển chọn thiết kế kiến trúc công trình. Thực tế người ta đã tổ chức tuyển chọn thiết kế là tuân thủ Nghị định 59.

Tại Khoản 1, Điều 6, Thông tư số 13 quy định “Yêu cầu đối với việc tổ chức thi tuyển, tuyển chọn” có nêu:

Việc tổ chức thi tuyển, tuyển chọn phải tuân thủ quy định pháp luật hiện hành, có nhiệm vụ thiết kế phù hợp với quy hoạch xây dựng, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

(…)

Tại Khoản 1 và Khoản 3, Điều 8, Thông tư số 13 quy định “Tổ chức thi tuyển, tuyển chọn” như sau:

1. Công tác chuẩn bị trước khi tổ chức thi tuyển, tuyển chọn:

a) Hoàn tất thủ tục và thu thập các số liệu, tài liệu pháp lý, thông tin về kiến trúc, quy hoạch liên quan khu đất xây dựng công trình.

3. Nhiệm vụ thiết kế phải nêu rõ địa điểm xây dựng, bản đồ hiện trạng, chỉ tiêu quy hoạch, các thông tin về điều kiện khu đất; mục đích, tính chất, quy mô công trình, yêu cầu về diện tích không gian sử dụng trong công trình; sơ bộ về giải pháp kỹ thuật; đóng góp về không gian, kiến trúc của công trình đó đối với cộng đồng, cảnh quan khu vực và yêu cầu liên quan khác.

Tuy nhiên, đến thời điểm năm 2019, khi việc tuyển chọn thiết kế nhà hát opera đã diễn ra, thì công trình này chưa hề được nhắc tới dưới dạng thuyết minh hay bản vẽ tại Quyết định phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị Khu vực Hồ Tây và Phụ cận (A6), bao gồm khu vực bán đảo Quảng An. Trong bản vẽ quy hoạch A6 này, khu vực Đầm Trị là đất công viên, cây xanh, không phải đất công trình công cộng, càng không nêu cụ thể là có nhà hát nào cả.

Nhà hát ở Đầm Trị mới chỉ được thể hiện tại bản vẽ Quy hoạch phân khu A6 1/2.000 điều chỉnh, theo Quyết định số 2078/QĐ-UBND ngày 10.5.2021 của UBND thành phố Hà Nội, tức là nó xuất hiện sau hai năm đã diễn ra việc tuyển chọn phương án kiến trúc. Hiện tại, bản quy hoạch chi tiết 1/500 cụ thể hóa thiết kế quy hoạch 1/2.000 nói trên tại khu vực Quảng An vẫn chưa được phê duyệt.

Có nghĩa là khi thực hiện tuyển chọn thiết kế thì công trình nhà hát oprea chưa hề được nhắc tới trong bất cứ bản vẽ quy hoạch nào. Nói cách khác, khi tuyển chọn thiết kế, người ta đã giả định khu đất của nhà hát. Điều đó đã không tuân thủ quy định tại các Điều 6 và Điều 8 nói trên của Thông tư 13.

Khi đã thực hiện sai quy trình luật định thì phương án kiến trúc nhà hát của KTS. Renzo Piano chỉ có thể mang tính minh họa để đưa vào làm mẫu thiết kế trong bản vẽ quy hoạch. Nó không hợp pháp, không có giá trị pháp lý, nên đương nhiên không thể có chuyện phương án kiến trúc nhà hát này sẽ được triển khai xây dựng trên thực tế.

Một quy trình đúng luật đối với nhà hát opera phải là tuần tự các thủ tục: Sau khi quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực Quảng An được phê duyệt thì phương án thiết kế nhà hát mới diễn ra và bắt buộc phải thông qua thi tuyển kiến trúc theo Luật Kiến trúc hiện hành (có giá trị thực thi từ tháng 7.2020).

Một số chuyên gia tên tuổi khi lên tiếng đồng thuận với các đề xuất quy hoạch bán đảo Quảng An, họ khen nhiều và trích dẫn cũng nhiều văn bản pháp luật để khẳng định quy hoạch này đúng pháp luật. Thế nhưng khi họ phân tích, người ta chỉ thấy họ nói đến pháp lý của một công trình nhà hát còn đang là ý tưởng tranh cãi mà không thấy họ đề cập đến Khu phức hợp khách sạn, căn hộ dịch vụ và trung tâm thương mại Tây Hồ View ở cạnh đó, liệu có xây dựng đúng quy định pháp luật quy hoạch?. Ảnh: Phạm Tuấn Anh


Một khuất tất pháp lý khác cũng cần phải làm rõ: Lý do nào để có hai nhà hát ở khu vực Hồ Tây hoặc sẽ chuyển dời vị trí từ Tây Hồ Tây về Đầm Trị?

Quy hoạch Hà Nội của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2011 đã nhắc đến khu vực phía Tây Hồ Tây sẽ cho phép xây dựng các công trình văn hóa như nhà hát và bảo tàng. Thực tế vào năm 2010 đã có cuộc thi tuyển phương án kiến trúc nhà hát Thăng Long tại Tây Hồ Tây và KTS. Renzo Piano trúng tuyển bởi một phương án kiến trúc hoàn toàn khác với phương án kiến trúc ở Đầm Trị mà truyền thông đưa tin rầm rộ gần đây. 

Cho đến nay dư luận vẫn chưa rõ vì lý do gì mà người ta lại bổ sung thêm một nhà hát opera (với chức năng và quy mô gần giống nhà hát Thăng Long) ở bán đảo Quảng An? Chúng ta có thể hiểu rằng nếu nhà hát opera ở Đầm Trị được phê duyệt vị trí trên bản quy hoạch 1/500 thì người ta có thể sẽ hủy dự án nhà hát Thăng Long, đồng nghĩa với việc chuyển vị trí nhà hát Thăng Long về Đầm Trị. Bởi vì không thể xây hai nhà hát có cùng quy mô và chức năng quá gần nhau như vậy.

Khi chính quyền không công khai, minh bạch để làm rõ các khuất tất pháp lý với cộng đồng thì có thể thấy việc tồn tại cùng lúc hai dự án nhà hát hoặc sẽ "chuyển dời" vị trí nhà hát Thăng Long về Quảng An đã có những biểu hiện không bình thường, không đúng với Quy hoạch chung Hà Nội mà Thủ tướng đã phê duyệt vào năm 2011. Nó cũng phá vỡ quy hoạch khu Tây Hồ Tây và Quy hoạch phân khu A6 1/2.000 Khu vực Hồ Tây và phụ cận (bản điều chỉnh năm 2017) mà không có lý do cụ thể nào được đưa ra để “danh chính ngôn thuận” cho hai cái nhà hát ấy.

Thông tin về hai dự án nhà hát ở khu vực Hồ Tây (Tây Hồ Tây và Đầm Trị) đến giờ vẫn chưa có giải thích thuyết phục từ các cơ quan liên quan. Đồ họa: Người Đô Thị


Như vậy, từ những tranh luận về việc bố trí nhà hát tại Đầm Trị và việc tuyển chọn kiến trúc nhà hát, đã nổi lên hai vấn đề pháp lý cần được xem xét làm rõ:

Một là, cái nhà hát đang được nhiều người “khen nức nở dưới bóng mặt trời” đó, đã được tuyển chọn thiết kế kiến trúc trước khi nó hiện diện trên các bản vẽ quy hoạch 1/2.000 và 1/500.

Thứ hai, là việc bổ sung thêm một nhà hát cùng quy mô và chức năng hoặc chuyển đổi vị trí nhà hát Thăng Long từ Tây Hồ Tây về Đầm Trị - Quảng An, là có biểu hiện phá vỡ 3 bản quy hoạch hiện có: Quy hoạch chung Hà Nội, quy hoạch khu vực Tây Hồ Tây và Quy hoạch Khu vực Hồ Tây và vùng phụ cận, mà chính quyền chưa minh bạch lý do để người dân thực thi quyền giám sát.

Phương án kiến trúc nhà hát opera ở khu vực Tây Hồ Tây từng được chính quyền Hà Nội duyệt, cũng do đơn vị Renzo Piano Building Workshop thực hiện. Ảnh: RPBW


Người ta có thể khác nhau về quan điểm khi tranh luận chuyên môn kiến trúc, quy hoạch liên quan đến công trình nhà hát opera trên Đầm Trị nhưng với các quy định của pháp luật thì không ai có thể nhân danh chuyên môn, học vị, chức vụ để cho mình được quyền hiểu khác, được tùy tiện làm khác quy định.

Các cơ quan liên quan cần sớm lên tiếng giải thích, đối thoại về các khuất tất pháp lý nói trên để người dân Quảng An nói riêng và dư luận cả nước nói chung thấy được sự chính danh của quản lý, sự hợp pháp và khoa học của quy trình duyệt xây nhà hát trên Đầm Trị.

KTS. Dương Quốc Chính


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét