Hình ảnh người dân Hà Nội phản đối chặt cây xanh năm 2015.
Phản ứng về việc di dời 2.000 cây xanh ở Hà Nội
Diễm Thi,
RFA
2019-05-30
Dự án di dời gần 2.000 cây xanh ở Hà Nội để phục vụ việc mở rộng đường, lại một lần nữa bị cộng đồng phản đối.
Cộng đồng phản đối
Theo thông tin được báo chí trong nước đăng tải vào giữa tháng
5/2019, thì Hà Nội dự kiến di chuyển 1.900 cây xanh, 820 cột đèn chiếu
sáng và các công trình ngầm, nổi để phục vụ việc xén vỉa hè, dải phân
cách mở rộng 15 tuyến đường.
Sáng ngày 29/5/2019, nhiều cây xanh ở Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội đã
bắt đầu bị chặt. Quỹ Hỗ trợ và phát triển Cộng đồng Sống bền vững (Quỹ
Sống), nhiều tổ chức phi chính phủ và các cá nhân yêu môi trường, yêu Hà
Nội có thư gửi UBND thành phố Hà Nội và Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề
nghị khẩn cấp ngừng chặt, di dời gần 2.000 cây xanh ở Hà Nội.
Báo Người Đô Thị dẫn lời bà Phạm Thị Hương Giang, Chủ tịch Hội đồng
quản lý Quỹ Sống rằng “Đứng từ góc độ cộng đồng, chúng tôi hoàn toàn ủng
hộ nâng cấp, mở rộng các tuyến đường, chỉnh trang đô thị, hè phố của Sở
GTVT. Nhưng việc chặt và di dời cây xanh không phải là giải pháp đầu
tiên để lựa chọn…Tất cả mọi thứ khác đều có thể xây dựng được nhưng cây
xanh, môi trường và di sản là những tài nguyên mà mình rất khó có thể
phục hồi nguyên trạng”.
Tốc độ xây dựng tăng, mật độ cây xanh giảm đi và ô nhiễm tăng là chuyện mà người dân bình thường nào cũng thấy, không cần phải chuyên gia. - Anh Hùng, Hà Nội
Với cái nhìn của một người Hà Nội, anh Hùng nhận định việc những dự
án di dời, chặt cây cứ tiếp nối cho dù người dân phản đối. Anh bày tỏ:
“Chắc chắn là mình không bao giờ đồng ý chuyện chặt hay di dời cây
cả, nhưng khi muốn làm thì họ có đủ mọi lý do để các cán bộ từ trên
xuống dưới ăn chia lợi lộc với nhau. Tốc độ xây dựng tăng, mật độ cây
xanh giảm đi và ô nhiễm tăng là chuyện mà người dân bình thường nào cũng
thấy, không cần phải chuyên gia.”
Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn, thành viên nhóm Green Trees, một tổ chức xã
hội dân sự ở Việt Nam, phi lợi nhuận và độc lập với nhà nước, chuyên
hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, cho RFA biết:
“Bên nhóm mình đang có bàn bạc và có thể sớm có sự thống nhất và
nhận dự ủng hộ của đông đảo của người dân Hà Nội để cùng lên tiếng và có
thể đạt được kết quả bảo vệ cây xanh tối ưu nhất, bởi rất khó và mất
rất nhiều thời gian để có được một cây lớn như vậy. Việc di đời lần này
thì như những gì mình tìm hiểu được thì tỷ lệ sống của cây rất thấp.”
Ông Tuấn cũng nói thêm rằng trong việc phát triển đô thị của Hà Nội
thì nếu không có phương án nào khác việc phải di dời cây thì ông muốn
được tiếp cận thông tin để biết quá trình phê duyệt dự án như thế nào,
lựa chọn ra sao, và việc di dời cây qua chỗ khác có đạt mức sống sót tối
ưu hay không?
Mục tiêu phát triển đô thị
Đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội đưa ra đề xuất chặt cây để phục
vụ phát triển đô thị, mở rộng đường xá hay đơn giản chỉ là thay thế cây
mới.
Đầu năm 2015, theo đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên
đường Hà Nội giai đoạn 2014-2015, khoảng 6.700 cây xanh trên 190 tuyến
phố bị đưa vào diện chặt bỏ, thay cây mới. Dự án vấp phải sự phản đối
mạnh mẽ của dư luận. Đến ngày 20/3/2015, Chủ tịch Hà Nội lúc đó là ông
Nguyễn Thế Thảo yêu cầu dừng chặt hạ, thay thế cây xanh trên một số
tuyến phố và quản lý chặt chẽ cây xanh đô thị theo đúng quy định. Ông
Nguyễn Anh Tuấn cho biết:
“Trước đây với dự án chặt 6.700 cây xanh thì mức độ vô lý quá rõ ràng thành ra không chỉ Green Trees mà rất nhiều người dân Hà Nội đã lên tiếng và đã dành được thắng lợi là chính quyền Hà Nội phần nào thừa nhận họ đã sai và đã dừng dự án đấy. Tuy nhiên sau đó cũng có vài dự án khác thì bên Green Trees cũng đã tiến hành các bước chất vấn các bên liên quan và cả UBND Hà Nội thì họ cũng tiến hành đối thoại. Trong cuộc đối thoại họ chứng minh đó là phương án tối ưu và họ cam kết việc di dời cây sao đạt tỷ lệ sống sót cao cho cây và họ sẵn lòng mới nhóm mình giám sát.”
Người dân phản đối chặt cây xanh ở Hà Nội năm 2015.
Với dự án 2.000 cây xanh lần này, ông lo ngại kết quả cũng chỉ dừng lại ở mức tiếp cận được thông tin và có quyền giám sát, chứ khả năng cao là không ngăn chặn được.
Người dân phản đối chặt cây xanh ở Hà Nội năm 2015.
Với dự án 2.000 cây xanh lần này, ông lo ngại kết quả cũng chỉ dừng lại ở mức tiếp cận được thông tin và có quyền giám sát, chứ khả năng cao là không ngăn chặn được.
Đầu năm 2019, Sở GTVT Hà Nội cũng đã thực hiện kế hoạch xén vỉa hè mở
rộng nhiều tuyến đường Láng, Vành đai 3 đoạn qua các tuyến đường: Phạm
Hùng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm. Để thực hiện được
việc này, gần 500 cây xanh các loại đã bị di chuyển, chặt hạ.
Trong một lần trao đổi với RFA về mối liên hệ giữa việc chặt cây và
phát triển đô thị, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, chuyên nghiên cứu khảo cổ và
bảo tồn không gian văn hóa đô thị, nhận xét:
“Tôi nghĩ rằng ở đất nước nào cũng có việc là phải phát triển. Tuy
nhiên câu hỏi đặt ra là trong sự phát triển đó hy sinh cái gì. Có thể
phải hy sinh một số di sản nào đấy, một số cây xanh nào đấy, nhưng thực
sự đã tính toán hết chưa? Thực sự đã đặt lợi ích của cộng đồng, lợi ích
lâu dài của đô thị lên trên chưa?”
Giải pháp nào cho hợp lý
Câu chuyện nhà nước chủ trương chặt hạ cây xanh, người dân phản đối không chỉ xảy ra tại Hà Nội.
Ngày 23 tháng 3 năm 2016, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh ra thông
báo đốn hạ 300 cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng để triển khai các dự
án giao thông gồm tuyến tàu điện ngầm, cầu Thủ Thiêm 2, nhà ga Ba Son.
Trước đó, hàng loạt cây cổ thụ trên đường Lê Lợi cũng bị đốn hạ để xây
dựng ga tàu điện ngầm.
Nhiều bạn trẻ ở Sài Gòn đã tập trung tại khu vực đường Tôn Đức Thắng để phản đối việc chặt cây cổ thụ.
Ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ một thực tế hiện nay ở Hà Nội:
“Có một điều cũng khó cho những người bảo vệ cây xanh Hà Nội, và
nó cũng là một điều tích cực, đó là từ khi bắt đầu nhiệm kỳ thì Chủ tịch
Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng các cộng sự của ông trồng rất nhiều cây
mới ở Hà Nội và những cây đó đã đạt độ phủ xanh rất tốt.
Thành ra khi họ có trồng rất nhiều cây mới thì việc họ có di dời
(họ dùng từ di dời cho nó mềm mại) các cây để phục vụ cho việc mở rộng
và kiến tạo đường xá cho phù hợp hơn với các hoạt động của thành phố Hà
Nội thì cũng rất khó để đưa ra thông điệp ‘chúng tôi quyết ngăn chặn và
hoàn toàn phản đối’.”
Anh Hùng, một cư dân Hà Nội đưa ra một kết luận nghe có vẻ tiêu cực,
nhưng ẩn trong đó lại là mặt tích cực rằng anh ủng hộ việc chặt cây. Khi
chặt hết cây thì tất cả người dân phải lên tiếng vì nó ảnh hưởng trực
tiếp đến họ. Không thể cứ coi chuyện xã hội là chuyện bên ngoài cửa nhà
mình như hiện nay.
Tôi phải xin nói thẳng: lãnh đạo HN giỏi nhất là đào bới kiếm ăn ở vỉa hè và mấy cái cây xanh trên vỉa hè. chu trình bứng>>> trồng>>> bứng, di chuyển cây xanh, bất kỳ một cái gì cũng phải xin phép lãnh đạo TP.
Trả lờiXóaVỉa hè HN do vậy nát và bẩn hơn các thành phố khác như HCM, Đà nẵng. Lãnh đạo mà không biết xấu hổ thì thật hết lời luôn !!!
Não trạng của các quan chức HN vô cùng ngu xuẩn, tầm nhìn cực kỳ thiển cận. Ban đầu khi làm đường thì để giải phân cách và vỉa hè cực rộng, đến bây giờ lại tốn bao nhiêu tiền của (của dân) để "xén", để "di dời"! Thế mà truyền thông vẫn cứ "dửng dưng" đưa tin mà không hề có sự phê phán, vạch ra cái ngu xuẩn của bọn "quan chức" này.
Trả lờiXóaCác nhóm lợi ích của Hà nội còn quá mạnh. Ai dám động tới?!
Trả lờiXóa