Thứ Năm, 16 tháng 5, 2019

Chu Mộng Long: KHÔNG THỂ ĐỔI MỚI BẰNG CÁI ĐẦU ĐÃ CŨ NÁT


KHÔNG THỂ ĐỔI MỚI BẰNG CÁI ĐẦU ĐÃ CŨ NÁT

Chu Mộng Long


A.Einstein nói: "Không thể sửa sai bằng bàn tay của kẻ đã làm sai". Tôi nói thêm: "Không thể đổi mới bằng cái đầu đã cũ nát".

Điều nói trên đúng cho mọi lĩnh vực. Riêng bài này tôi chỉ nói trong lĩnh vực giáo dục. Có thể động chạm đến nhiều thầy cô, nhiều đồng nghiệp, nhưng đành lòng vậy. Bởi nếu các vị thực tâm, hãy vì tương lai con em chúng ta chứ đừng bắt con em vì chúng ta!


Tôi xem danh sách những nhà cải cách giáo dục lần này toàn những người đã từng làm cải cách trước đó. Và tôi đã thốt lên: lại hỏng! Ở đây không chỉ bàn tay của họ đã từng làm sai mà đầu óc của họ cũng đã cũ nát. Mà một cái đầu cũ nát trên cao sẽ làm hỏng bao nhiêu cái đầu dưới thấp - những giáo viên ở các cấp học.

Chính một số giáo sư, tiến sĩ nhân tiếp diễn một vụ cô giáo bắt học sinh quỳ đã lên tiếng biện luận hành động bạo lực và hạ nhục đó là chính đáng. Nhiều giáo viên đã nhiệt liệt hưởng ứng. Lý do đơn giản, không sử dụng bạo lực và hạ nhục, học sinh không thể nên người.

Bài trước tôi nói, lẽ nào đối với tội phạm thì các ông các bà đòi đối xử "nhân văn", "nhân quyền", chống bạo lực và hạ nhục, còn trẻ em thì bị đối xử như tội phạm nguy hiểm và biến nhà trường thành nhà tù trung cổ?

Tôi khẳng định chắc chắn, ngay cả khi nhà tù đối xử với tội phạm bằng bạo lực hay hạ nhục chưa chắc đã có thể cải hóa tội nhân thành người lương thiện. Bằng chứng, nhiều tội nhân sau mỗi lần ra tù, tội ác của chúng càng gia tăng.

Đối với trẻ em, bạo lực hay hạ nhục chỉ có thể dẫn đến hai hậu quả:

Một là, chúng nuôi máu bạo lực và lòng hận thù để khi lớn lên trở thành kẻ bạo lực và hạ nhục người khác. Một số thầy cô khoe, rằng ngày xưa mình đi học cũng từng bị đánh đòn và bị hạ nhục, cho nên đòi hỏi bây giờ hãy cho phép mình được đánh đòn và hạ nhục trẻ em. Hóa ra trẻ em thành nạn nhân của sự trả thù? Đó là cái vòng lẩn quẩn.

Hai là, những đứa trẻ bị bạo lực và bị hạ nhục sẽ khuất phục như con thú đã được thuần dưỡng để rồi thành thói quen nô lệ quyền lực, chỉ biết cúi đầu khom lưng trước quyền lực. Tôi tin loại thầy cô hay sử dụng bạo lực và hạ nhục trẻ em chỉ có thể là hàng "thượng đội hạ đạp", họ chuyên bạo hành trẻ em để vì thành tích và làm vừa lòng cấp trên.

Bạo lực, hạ nhục kẻ khác, cũng như thói quen quỳ gối khom lưng, không thể gọi là "nên người" đâu mà tự hào khoe rằng "nhờ đó mà mình nên người", các thầy cô ạ!

Cả hai hậu quả đều làm cho con người hoặc quay về thời hoang dã, hoặc lặp lại tấn tuồng của ngàn năm trung cổ.

Tôi lo hậu quả thứ hai hơn. Cả ngàn năm trung cổ, ông vua Việt Nam miệng hô độc lập tự chủ nhưng vẫn cúi đầu cầu phong và hàng năm vẫn uốn gối khom lưng dâng lễ vật cống nạp cho thiên triều để giữ lễ. Rồi trong nội trị thì con quỳ trước cha mẹ, dân quỳ trước quan và quan quỳ trước vua. Một xã hội người người xem quỳ là kiểu mẫu, là vẻ đẹp thì còn lâu mới có khả năng tự chủ và sáng tạo.

Hóa ra nghị quyết đối mới căn bản và toàn diện giáo dục theo hướng "phát triển năng lực" là đểu giả và bịp bợm hay sao? Dạy cho trẻ em chịu nhục bằng cách bắt nó quỳ trước kẻ khác thì phát triển năng lực gì, nếu không nói đó chỉ có thể là năng lực cầu xin một cách hèn hạ? Đang cải cách mà đã thò ra cái đuôi cáo sớm vậy sao?

Phát triển năng lực là phát triển cá tính và sáng tạo như một trong những cái lõi của kỹ năng thế kỷ 21 để cạnh tranh toàn cầu. Nhưng một lần nữa tôi khẳng định chắc chắn rằng, các giáo sư tiến sĩ tham gia cải cách nếu không bịp bợm để vay nợ nước ngoài, rút kiệt ngân sách và thuế của dân, thì cũng là những kẻ không hiểu biết gì về giáo dục để cải cách cho đúng với xu thế phát triển của thế giới.

Dạy trẻ em biết nhục và bắt nó chịu nhục là hai việc khác nhau. Bắt một đứa trẻ chịu nhục hoặc chỉ có thể nuôi dưỡng trong nó lòng căm thù hoặc biến nó thành kẻ dày mặt ra mà quên mất nỗi nhục, thậm chí biến nhục thành vinh. Tâm lý con người là một cái gì rất mong manh, quá cái này sẽ thành cái kia. Điều tôi nói là kết quả của hàng trăm thực nghiệm khoa học trên thế giới chứ không phải đoán mò.

Bốn ngàn năm dân tộc ta sống quỳ (trừ một vài kẻ sĩ chấp nhận mất đầu để đứng thẳng) chưa đủ nhục hay sao mà bắt con cháu chúng ta tiếp tục sống quỳ? Đừng đẩy con cháu chúng ta vào thế ép phải bật ra câu nói hỗn: "Đám giặc già đầu óc đã cũ nát sao không chết nhanh đi cho con cháu cất đầu lên vì tương lai của con cháu?"

Chu Mộng Long

2 nhận xét :

  1. Thẳng thắn và hay!

    Trả lờiXóa
  2. Học sinh quỳ gối chỉ là một hình phạt như bao hình phạt khác ở học đường như đứng quay mặt vào tường, chép phạt, thụt dầu, trực nhật... Xin đừng "nâng quan điểm" quá như vậy. Trong thơ ca, nhạc hoạ...nhiều nước cũng có, Nobita ở Nhật cũng bị quỳ mà. Muốn giáo dục tốt cần giảm bớt áp lực cho cả thầy và trò.
    1/ Lớp học thì giảm bớt sĩ số ( hiện nay là 45 hs/ 1 lớp) còn khoảng 20 hs/ 1 lớp.
    2/ Không đánh giá giáo viên theo thành tích học tập của học sinh.
    3/ Giảm bớt thời gian học văn hoá của học sinh.
    4/ Bắt buộc giáo viên phải đánh giá học sinh chính xác, trung thực và công bằng.
    5/ Sắp xếp lớp học cho học sinh theo trình độ nhận thức, không cứng nhắc theo độ tuổi, hoặc lí do khác. Nếu 1 em học sinh 17 tuổi nhưng khả năng học chỉ ở lớp 5 thì cứ cho em học lớp 5.
    Quá nhiều học sinh học không đúng khả năng trình độ của cấp học/ lớp học làm tăng áp lực khó khăn cho giáo viên và bản thân em cũng như gia đình, lãng phí rất nhiều thời gian công sức, tiền của gia đình và xã hội, làm tăng stress, bạo lực, dối trá, bất công trong nhà trường và toàn xã hội.

    Trả lờiXóa