Thứ Tư, 5 tháng 7, 2017

NHỮNG CÔNG DÂN ĐẦU GỖ


Luân Lê

NHỮNG CÔNG DÂN ĐẦU GỖ

Theo thống kê thì đến năm 2017 sẽ có khoảng gần 400.000 (bốn trăm nghìn) cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp.

Và theo đề án này thì với 54.000 người thất nghiệp để xuất khẩu đi được ra nước ngoài tìm việc thì phải tốn 1.300 tỷ đồng. Chưa tính các chi phí phát sinh khác.

Điều này cho chúng ta thấy điều gì về thực trạng giáo dục của đất nước và nền kinh tế?

Thứ nhất, việc đào tạo đại học, cao đẳng và sau đại học đã trở nên dư thừa và không có tác dụng khi tốt nghiệp ra trường mà không thể có nơi để làm việc phù hợp. Nếu không có tiền chạy chọt hoặc quan hệ thì cái bằng họ cầm trên tay trở nên vô giá trị. Kỹ năng sống, làm việc và ngoại ngữ yếu kém trở thành một vấn đề trở ngại cho nhân lực này làm việc với các doanh nghiệp nước ngoài.

Thứ hai, nền kinh tế không đủ để đáp ứng cho sự dôi dư lao động, đặc biệt là đối với đối tượng được đào tạo đại học chính quy. Nền kinh tế hoặc là nếu tạo ra được việc làm thì lương quá thấp, hoặc họ đòi hỏi trình độ cao hơn ở lực lượng có tri thức mà những cử nhân, thạc sỹ này không đáp ứng nổi. Nền kinh tế cũng không đủ chỗ cho nhu cầu việc làm vì kinh tế tư nhân đang chiếm tỷ phần rất nhỏ trên thị trường toàn quốc.

Thứ ba, việc chính những cử nhân, thạc sỹ này cũng là nạn nhân nhưng chính họ cũng là những kẻ lười biếng, chỉ biết học vẹt, học lấy bằng và học cho xong nhưng không xác định nổi mục tiêu và đam mê thực sự của mình. Mất một đống tiền để học cốt cho xong rồi ra trường lại với tâm lý sẽ nhờ cạy quan hệ hoặc chạy chọt vào đâu đó để ổn định hoặc an thân. Họ ăn bám từ nhỏ tới lớn, ỷ lại vào cha mẹ, người thân hoặc đồng tiền có thể mua bán công việc cho họ, họ ỷ lại vào xã hội khi không tìm kiếm cơ hội và thậm chí không biết tự tạo cơ hội bằng cách đấu tranh cho xã hội tươi đẹp mà tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho mình hơn.

Và chúng ta có quá nhiều những đứa trẻ 30 tuổi. Suốt đời sống nhỏ mọn, ăn bám, lười biếng và chỉ còm cõi sống như một kẻ ở đợ trên chính quê hương mình. Khi không thể tìm được việc làm trong nước thì lại tiếp tục để ngân sách nhà nước gánh nợ bằng cách phải bỏ tiền ra để cho họ ra nước ngoài tìm kiếm việc làm.

Con người thấp kém, quốc gia trì trệ, đó là điều dễ hiểu. Đó là lý do tôi đã viết hai bài trong cuốn MỘT NGƯỜI QUỐC DÂN với tựa: Những công dân đầu gỗ và Những ông chủ lười biếng và an phận làm công ăn lương là vậy.

Đất nước chờ mong gì vào những đứa trẻ to xác và ước mơ nhỏ mọn chỉ cốt sống vật vờ và ăn bám trên quê hương và tổ quốc mình như thế?
 
 

7 nhận xét :

  1. Con hư tại mẹ . Cháu hư tại bà . Những thanh niên gọi là có học này là những cử nhân , thạc sĩ . Họ là con cái nhà ai ? Con cái nhà VN chứ nhà ai . Gia đình , XH tốn quá nhiều tiền của công sức nuôi cho các đứa con này ăn học . Nhưng học xong đến cử nhân, thạc sĩ chứ có ít đâu , nó lại tiếp tục ăn hại gia đình . Cha mẹ tiếp tục nai lưng ra làm để nuôi nó, để sắm sửa cho nó . Thật đáng buồn . NCQ vẫn cứ bao biện, chậm ban hành những luật để tư nhân làm kinh tế, vẫn khư khư ôm lấy quốc doanh , găm rất nhiều tiền của ND để nuôi những nhà máy chỉ sản xuất ra những thua lỗ, hay những kết quả tồi rồi lại lấy tiền NS bù lỗ cho nó ! Nếu cứ tiếp tục với con số hàng trăm ngàn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, rồi tăng lên mỗi năm thì hậu quả là trộm cắp, cướp của giết người, mua bán ma túy , đâm chém tăng lên !

    Trả lờiXóa
  2. mai kia rồi chạy xe grab bike cũng yêu cầu có bằng cử nhân! Ngược lại, viện trưởng viện nghiên cứu chỉ cần là lái xe trung thành!

    Trả lờiXóa
  3. Đảng lãnh đạo giáo dục, từ học sinh đến sinh viên được dạy bảo gì nghe nấy, cấm thắc mắc,phản biện, học mác lê nin là phải ca tụng, không thắc mắc lung tung, từ bé đến già ở trong khuôn đúc thế rồi thì nếu không là đầu gỗ mới lạ!

    Trả lờiXóa
  4. Tôi là dân nhà trường. Tôi cho rằng cứ nói thẳng toẹt ra thế này mà sửa. Chúng tôi họp hành rất nhiều, 'đổi mới", "cải cách" rất nhiều nhưng các bạn biết đấy: càng họp nhiều càng sản sinh nhiều "đầu gỗ". Tôi hay nói thẳng. Nhưng cán bộ và các cụ lại cho là "nói ngang". Mươi năm sau gặp lại, các cụ lại nhắc lại lời tôi và bảo "Té ra là cậu đúng". Bây giờ thì e hết thuốc chữa rồi. May mà tôi vẫn an toàn đến lúc hưu.

    Trả lờiXóa
  5. Bao lâu còn muốn giáo dục con người theo kiểu nhồi nhét vào đầu những khái niệm, những định nghĩa, những câu thần chú như con ngựa bị che hai mắt, chỉ cắm cúi đi theo cái roi quất của người xà ích thì bấy lâu con người chưa được sống cuộc đời của mình mà chỉ là kiếp sống của loài tầm gửi mà thôi! Các quan chức của ta khi tiếp xúc với chính giới nước ngoài thường mở miệng xin xỏ, nhờ cậy là cũng vì thế mà ra cả!

    Trả lờiXóa
  6. Ở chương trình giáo dục đại học thì mác lê nin, lịch sử đảng chiếm một khối lượng lớn. Chương trình đào tạo thì chỉ dạy những gì xưa cũ, cách dạy xưa cũ, cách học thụ động, không thúc đẩy sáng tạo. Các giáo sư thì chẳng được mấy ai nghiên cứu thêm mà chỉ dạy những gì đã có trước đó, giáo trình lạc hậu. Đó là chưa nói bằng tiến sĩ rởm khắp nơi mọi chốn...bó tay!

    Trả lờiXóa
  7. Chỉ có Vitamin B (loại liều cao B.52) mới chữa được căn bệnh xã hội này thôi !

    Trả lờiXóa