Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2017

DỰ THẢO KẾT LUẬN CỦA THANH TRA HÀ NỘI VỀ ĐẤT ĐỒNG TÂM

Thanh tra Hà Nội: 
Khu sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng

VNE
Thứ sáu, 7/7/2017 | 10:01 GMT+7 
Dự thảo kết luận thanh tra công bố sáng nay cho biết "không có đất nông nghiệp ở đồng Sênh", "toàn bộ sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng".

7 ngày biến cố ở Đồng Tâm

Sau hơn 2 tháng ra quyết định thanh tra, sáng 7/7, đoàn công tác của Thanh tra Hà Nội về UBND huyện Mỹ Đức công bố dự thảo kết luận thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất từ trước đến nay với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức).

Khoảng 200 người tham dự buổi làm việc, trong đó có ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đại diện chính quyền địa phương và khoảng 10 người dân thôn Hoành (xã Đồng Tâm). Phó chánh tránh thanh tra Hà Nội Nguyễn An Huy đọc bản dự thảo kết luận.
.

Đại diện lãnh đạo xã và người dân Đồng Tâm tại cuộc làm việc. Ảnh: Võ Hải

"Không có 59 ha đất nông nghiệp xứ đồng Sênh"

Phản hồi về 3 kiến nghị của ông Lê Đình Kình (đại diện cho người dân có khiếu kiện ở xã Đồng Tâm), dự thảo kết luận thanh tra cho rằng "không có diện tích 59 ha đất nông nghiệp xứ đồng Sênh như công dân nêu, diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm chỉ có 64,11 ha, là đất quốc phòng".


Việc để 14 hộ dân xã Đồng Tâm sử dụng đất khu Miếu Môn, theo cơ quan chức năng, là sai phạm. Do đó, Thanh tra kiến nghị UBND thành phố có văn bản đề nghị Bộ Quốc phòng làm rõ trách nhiệm với đơn vị, cá nhân trực tiếp quản lý sân bay Miếu Môn để xảy ra sai sót trong thời gian qua.

Chính quyền huyện Mỹ Đức, xã Đồng Tâm cũng được yêu cầu kiểm điểm về những thiếu sót liên quan, có biện pháp cương quyết buộc những công dân đang chiếm giữ trái phép đất quốc phòng di chuyển tài sản, hoa màu, trả mặt bằng cho doanh nghiệp quân đội để xây dựng các công trình quốc phòng.

Thanh tra cũng đề nghị Công an thành phố phối hợp với Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức và cá nhân trong việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng xây dựng sân bay Miếu Môn.
.

Phó chánh thanh tra TP Hà Nội Nguyễn An Huy trình bày dự thảo kết luận. Ảnh: Bá Đô.

Diện tích đất co giãn "do ảnh hưởng của thi công"

Theo Phó chánh thanh tra Hà Nội Nguyễn An Huy, kiểm tra mốc giới sân bay cuối tháng 6 vừa qua, đoàn làm việc nhận thấy từ năm 1981 tới nay, toàn bộ đất sân bay Miếu Môn còn nguyên mốc giới bê tông cốt thép. Khu vực này là đất quốc phòng, "diện tích khu đất là 236,9 ha, tăng 28,9 ha so với diện tích được Thủ tướng giao cho Bộ Quốc phòng năm 1980".

Dự thảo kết luận giải thích, "phần đất tăng thêm chính là diện tích 31,9 ha bị ảnh hưởng của thi công, thuộc địa giới hành chính huyện Chương Mỹ, không sản xuất nông nghiệp được". Đất này nằm trong quy hoạch giai đoạn hai xây dựng sân bay Miếu Môn. Các đơn vị quốc phòng chưa báo cáo Bộ Quốc phòng để báo cáo Thủ tướng quyết định diện tích 31,9 ha này là thiếu sót.

Quá trình quản lý, các đơn vị quốc phòng đã ký hợp đồng giao khoán hàng năm với UBND xã Đồng Tâm để xã giao cho các đội sử dụng vào mục đích nông nghiệp. Từ năm 2012 không giao khoán nữa, nhưng các hộ dân vẫn sản xuất nông nghiệp, ăn ở trên khu vực này từ trước năm 1980 đến nay. Việc để các hộ lấn chiếm, cho tặng, chuyển nhượng, xây dựng công trình trái phép ở đất sân bay Miếu Môn là "buông lỏng quản lý đất quốc phòng".

Về quá trình quản lý dân cư và trật tự xây dựng, từ năm 2003 đến năm 2010, UBND xã Đồng Tâm đã xác nhận hồ sơ thừa kế, cho, tặng, chuyển nhượng của các hộ dân đang sử dụng đất quốc phòng là trái thẩm quyền, và vi phạm pháp luật về quản lý đất đai.

Năm 2014, UBND thành phố có Quyết định giao hơn 236 ha đất nêu trên cho Quân chủng Phòng không Không quân tiếp tục sử dụng làm vị trí đóng quân của Lữ đoàn 28.

Năm 2016, theo chỉ đạo của thành phố, UBND huyện Mỹ Đức thông báo thu hồi đất, thành lập hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư với các hộ dân đang ăn ở trên đất sân bay.

Tuy nhiên, dự thảo "các phương án bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng" chưa làm rõ nguồn gốc đất, thời điểm sử dụng, thời điểm phát sinh công trình xây dựng, việc ăn ở thực tế của từng hộ. Do đó, UBND huyện Mỹ Đức và các ngành liên quan đã thống nhất thu hồi dự thảo đã lập trước đây.

Việc đầu năm 2017, một số công dân tổ chức đo đạc, phân lô, đưa máy móc vào xây công trình trên phần diện tích mà doanh nghiệp quân đội đang xây dựng trong sân bay Miếu Môn được cho là "hành vi chiếm đất quốc phòng, coi thường pháp luật".

47 nội dung công dân tố cáo đã được giải quyết

Dự thảo kết luận thanh tra nhận định, đơn khiếu nại của một số công dân xã Đồng Tâm đã được giải quyết theo quy định.

Cụ thể, trước năm 2013, không có đơn khiếu nại nào liên quan đến đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm. Từ tháng 12/2013 đến trước năm 2017, một số công dân tố cáo 47 nội dung cán bộ xã Đồng Tâm có sai phạm trong quản lý đất đai - không liên quan đến đất sân bay Miếu Môn - đã được giải quyết.

19 cá nhân có sai phạm đã bị kỷ luật về Đảng với 8 người bị khai trừ. 14 cán bộ đã bị khởi tố.

Dự thảo kết luận thanh tra cũng khẳng định không có việc huyện Mỹ Đức bán gần 7 ha đất thu lời bất chính, hay sử dụng ngân sách để bồi thường cho 14 hộ dân lấn đất quân đội như đơn tố cáo của công dân nêu.



Quyết định thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất khu sân bay Miếu Môn (nằm trên địa giới xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức) được công bố hôm 20/4 - 5 ngày sau biến cố tại thôn hoành, xã Đồng Tâm.  


Ngày 15/4, khi 4 người bị bắt để phục vụ điều tra vụ án Gây rối trật tự công cộng liên quan đến giải tỏa đất ở xã Đồng Tâm. Lực lượng thi hành công vụ gặp phải sự phản ứng dẫn đến 38 cảnh sát cơ động, cán bộ bị người dân giữ tại nhà văn hóa thôn. Một số ôtô công vụ bị hư hại.



7 ngày sau, toàn bộ người bị giữ được thả khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung về đối thoại và cam kết làm rõ nguồn gốc đất khu sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng hay đất nông nghiệp - mấu chốt cuộc đấu tranh đòi quyền lợi của dân Đồng Tâm; điều tra đúng sai việc bắt 4 người nêu trên.

Nhóm phóng viên

9 nhận xét :

  1. "Oan này còn một kêu trời nhưng xa.
    Một ngày lạ thói sai nha
    làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền"

    Trả lờiXóa
  2. Dân Đồng Tâm nghe rõ chưa ? Có khôn thì chuồn đi chỗ khác kiếm tí đất cắm dùi . Đất hẹp người đông , bộ đội lại làm kinh tế, Dân phải nhường !

    Trả lờiXóa
  3. Cụ Kình bảo: Có mang chém đầu tôi ngay thì tôi vẫn khẳng định, 59 ha đất ở đồng Sênh không phải là đất quốc phòng. Bây giờ họ bảo: "Không có 59 ha đất nông nghiệp xứ đồng Sênh". Phen này thì họ sẽ chém đầu cụ rồi.

    Trả lờiXóa
  4. Khi nghe cụ Kình nói một lòng một dạ tin tưởng vào chính quyền nhất định bảo vệ được dân, nhất định không thể cướp không 59 ha đất nông nghiệp ở đồng Sênh, tay Gió Hiếu nào đó bảo: Nếu tin thế, cứ kệ dân Đồng Tâm, đã có chính quyền lo cho rồi. Khi đó thấy tay Gió Hiếu thật là thất đức. Nhưng nay rất có thể dân Đồng Tâm mất trắng 59 ha đất nông nghiệp, thấy không phải tay Gió Hiếu thất đức, mà là nói thật.

    Trả lờiXóa
  5. Giấy không gói được lửa. Cụ Kình cứ công bố tất cả tài liệu liên quan đến đồng Sênh lên trên mạng, cả xã hội sẽ là một tòa án, mỗi người dân sẽ là một luật sư của cụ và bà con Đồng Tâm.

    Trả lờiXóa
  6. Thu hồi đất nông nghiệp của dân để làm sân bay. Đồng ý. Nhưng nếu không làm sân bay thì phải trả lại đất cho dân sản xuất chứ sao quân đội lại chiếm đất ấy để làm kinh tế? Đất đai là tư liệu sản xuất. Quân đội không có quyền cướp tư liệu sản xuất của người lao động để làm kinh tế thu lợi cho mình. Hơn nữa, gần đây trước nguy cơ tham nhũng tràn lan, có quan điểm cho rằng quân đội sẽ không làm kinh tế nữa, lập tức bị phản pháo bởi một quan điểm khác rằng quân đội vẫn tiếp tục làm kinh tế, từ chính các quan chức Bộ Quốc phòng. Cuộc chiến quyền lợi còn cam go, lâu dài, nhưng khả năng tác chiến yếu kém của quân đội đã thấy nhãn tiền. Nếu trả đất đồng Sênh cho dân thì quân đội sẽ phải trả lại hàng vạn ha đất đang chiếm giữ để làm kinh tế. Ngân sách nhà nước chưa thấy một xu, nhưng của cải của quan chức quân đội thì nhiều như núi.

    Trả lờiXóa
  7. Tóm lại là dân Đồng Tâm buộc phải lao vào một cuộc chiến giữ đất mới.
    Chỉ có điều,lần này súng đạn và hồng vệ binh sẽ nhiều hơn,ác liệt hơn.

    Trả lờiXóa
  8. Trung với nước muôn đời vẫn đúng / Hiếu với dân vạn thuở chẳng sai / Trung với sếp có khi là tai hại / Sêp tham nhũng mà trung với sếp thì nguy !...

    Trả lờiXóa
  9. "Triều Đình quan lại bênh quan / Làm cho thiên hạ chết oan khối người !..."

    Trả lờiXóa