Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

Vụ cá chết: NGƯ DÂN TỰ LẶN BIỂN TRUY TÌM NGUỒN XẢ ĐỘC

Vụ cá chết hàng loạt: 
Ngư dân tự lặn biển truy tìm nguồn xả thải độc

Dân trí
Thứ Sáu, 22/04/2016 - 10:55

Trong nỗ lực truy tìm nơi phát tán độc tố khiến cá biển chết hàng loạt, một số ngư dân tại vùng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh) đã tự trang bị phương tiện, lặn tìm và phát hiện một đường ống xả thải phun ra thứ nước vàng đục, hôi thối.
 
>> Vụ cá chết hàng loạt tại biển miền Trung: Nghiêm cấm người dân ăn cá chết
>> Cá chết rải đầy bờ biển, dân nghi bị nhiễm chất độc

Theo thông tin PV Dân trí có được, một trong những người tham gia lặn xuống biển Vũng Áng truy tìm đường ống xả thải của KCN Formosa là anh Nguyễn Xuân Thành (36 tuổi, trú tại phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Sau nhiều thời gian truy tìm, anh Thành và các ngư dân đã tìm thấy một đường ống xả thải cắm sâu xuống lòng biển đang phun ra thứ nước vàng đục, có mùi hôi thối.

Vị trí được nhiều ngư dân Kỳ Anh khẳng định là chôn đường ống xả thải. 
Tại đây, đường ống đã được vùi lấp sâu dưới lòng đất.

Theo miêu tả của anh Thành thì đường ống có đường kính khoảng 1,1m được làm bằng sắt rất chắc chắn, phía cuối đường ống có nối với 3 ống nhỏ, mỗi đoạn đường ống nhỏ dài 2m, đường kính khoảng 40cm. Điểm cuối của ống nhỏ này được bịt bằng van cao su kiểu lưỡi gà (nước trong ống chỉ có thể chảy ra, nước ở ngoài không thể chui vào). Ống này kéo dài vào bờ biển, được vùi dưới cát và nối với khu công nghiệp.

“Vào thời điểm phát hiện, tôi thấy đường ống này phun nước rất mạnh. Nước phun từ đường ống ra có màu vàng đục, nhừa nhựa, có mùi hôi thối, ngửi cảm thấy rất ngạt thở”, anh Thành nói.

Anh H., thành viên của một công ty chuyên trục vớt tàu thuyền đóng tại xã Kỳ Lợi, người cũng đã lặn và xác nhận về đường ống xả thải nói trên, cung cấp thêm thông tin: “Đường ống xả này chạy dọc theo bờ tường rào của Formosa về phía xã Kỳ Lợi. Đến sát mép biển, đường ống chôn sâu dưới đất chạy thẳng ra biển. Vị trí cuối cùng của đường ống xả thải này nằm cách bờ biển khoảng 2km. Tôi đã xuống đó ít nhất 3 lần, và rất nghi ngờ đường ống này đã tuồn chất độc ra biển”- anh H. nói.

Anh H, người đã 3 lần lặn xuống khu vực ống xả thải nghi ngờ nguồn nước 
từ đường ống này là nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt.

Theo anh H, vị trí cuối cùng của đường ống xả thải này nằm cách bờ biển khoảng 2km.

Sau khi phát hiện ra đường ống trên, cả anh Thành, anh H. đều đã thông tin cho Đồn Biên phòng Đèo Ngang (thuộc Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh); đồng thời vẽ lại hồ sơ cùng vị trí của đường ống dưới lòng biển.

Trung tá Nguyễn Khắc Minh, Đồn phó Đồn Biên phòng Đèo Ngang cho biết đơn vị này đã nhận được thông tin về một đường ống xả thải khổng lồ được nối liền từ khu vực Formosa ra đáy biển, như anh Thành đã trình báo.

“Hiện chúng tôi đã trình báo vụ việc này cho cấp trên là Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh biết và đang chờ ý kiến chỉ đạo”, Trung tá Minh nói.

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Khánh Ly ngày 21/4, Vụ phó Vụ Nuôi trồng thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, ông cũng đã nhận được thông tin trình báo của người dân địa phương về đường ống xả thải nói trên, đồng thời cho biết, sắp tới sẽ trình báo thông tin có một đường ống xả thải nối liền từ Khu kinh tế Vũng Áng ra biển như ngư dân phản ánh cho Bộ NN-PTNT biết để xin ý kiến chỉ đạo; đồng thời sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng của Hà Tĩnh vào cuộc điều tra, tìm hiểu rõ về vụ việc.

Văn Dũng - Tiến Hiệp

6 nhận xét :

  1. Xin phép kể một câu chuyện:

    Năm 1983, nhà em ở thành phố Huntington Beach, một thành phố ven biển miền nam bang California. Một trong những hàng xóm là một bà cụ già, có lẽ khoảng 80 - 85 tuổi. Con trai của bà cụ mới dọn ra, để lại một số đồ nhờ bà cụ bỏ thùng rác hộ.

    Trong số đồ người con trai để lại, có một chai plastic đựng độ 1 lít chất lỏng. Trước khi quăng cái chai vào thùng rác, bà cụ đổ chất lỏng trong chai vào miệng cống thoát nước trước nhà. Không biết làm sao mà thành phố biết được, đến hỏi bà cụ. Bà cụ nhận là có làm việc đó.

    Chất lỏng đó là nhớt xe cũ. Theo luật thì những thứ như vậy không được đổ xuống ống thoát nước, nhưng phải mang đến những trung tâm xử lý.

    Kết quả: vì bà cụ đã già, vô tình vi phạm luật, thành phố không phạt vạ. Nhưng bà cụ phải trả tiền để làm sạch 1 lít dầu nhớt đã lẫn vào nước cống: 25 ngàn USD. Số tiền này tương đương 53 ngàn USD năm 2016, trên 1 tỷ tiền VN.

    Đó là chỉ có 1 lít dầu nhớt vô tình đổ vào ống cống. Các bác tính thử xem đổ một lượng chất độc ra biển đến nỗi cá không sống được thì tiền làm sạch phải bao nhiêu. Mà cố ý làm như vậy thì hình phạt (không phải chỉ có phạt tiền) phải như thế nào!

    Trả lờiXóa
  2. Không cẩn thận nhiễm độc thì nguy! Cá còn chết hàng loạt nữa là người?

    Trả lờiXóa
  3. Ôi, tiến sĩ Việt Nam ở đâu mà để ngư dân phải tự tìm nguyên nhân cá chết. Hay các vị tiến sĩ đang ngồi viết và học tập Nghị quyết.

    Trả lờiXóa
  4. Không biết có ai quay phim hay chụp hình đường ống dưới biển để làm bằng chứng chưa. Nếu không thì khi thanh tra xuống (không biết đến khi nào?) thì bọn chúng đã xoá mọi dấu vết.

    Trả lờiXóa
  5. Các bộ, các ban ngành, các cơ quan hữu quan của chính phủ thì còn bận nghiên cứu, họp bàn, hội thảo, thành lập các ban bệ, cử các lực lượng vào cuộc, ra các lệnh cấm, tìm các phương pháp để truy tìm, điều tra nguyên nhân biển chết... Còn ngư dân thì không thể đợi được nữa, bị triệt đường sống, họ phải tự trang bị phương tiện, rồi tự lặn biển truy tìm thủ phạm đã gây ra tội ác đầu độc biển, rồi từ đó vạch mặt kẻ đã gây ra tội ác đó.
    Và họ đã tìm ra.
    Nhưng không mau mắn nhanh lẹ như vụ "Cà phê Xin chào", mà bất công chỉ gieo lên đầu một gia đình, thì người đứng đầu Chính phủ đã ngay lập tức ra mệnh lệnh cứng rắn.
    Còn với tội ác đầu độc biển này, kẻ thù đã triệt đường sống của hàng triệu ngư dân, làm đình đốn cả ngành du lịch, ngành chế biến hải sản và cả nghề làm muối, cuộc sống của nhiều triệu người dân trở nên điêu đứng, thì mọi việc làm của những người có trách nhiệm lạ quá hời hợt và chậm chạp.
    Bộ NN&PTNT chỉ ban ra được một cái lệnh kiểu "nói kẻo nó bảo câm",
    là "nghiêm cấm người dân không được ăn cá chết". Liệu lệnh này có khả thi. Bộ nào cử người vào bếp hoặc đến từng mâm cơn của gia đình để giám định xem có thức ăn chế biến từ cá chết hay không. Mà không được ăn cá nhưng có được tắm biển không, có được làm muối không, sao không thấy nói. Mà tắm biển độc và ăn muối độc còn nguy hại hơn ăn cá chết nhiều chứ.
    Hay là còn đợi kẻ thủ ác giấu mặt kia khoá van xả độc lại, đợi cho sóng biển và hải lưu đánh loãng nồng độ chất độc rồi mới đo nồng độ độc ở đầu ống tội ác.
    Có âm mưu nào, toan tính nào, thoả thuận nào, lợi ích nào ở đây không.

    Trả lờiXóa
  6. Thương và tội nghiệp người dân biết bao! Tưởng tượng những người dân không dụng cụ lặn, không có quần áo mặt nạ bảo hộ, phải lặn xuống vùng biển ô nhiễm chất độc để dò tìm, hầu ngăn chận việc thải chất độc từ các nhà máy. Trong khi trách nhiệm kiểm soát việc xả/ giải quyết/ thanh lọc chất thải từ các nhà máy hoàn toàn là của nhà nước, thì không thấy nhà nước làm gì cả, nhà nước chỉ chạy quanh với những thủ tục hành chánh giữa họ với nhau, để mặc dân chết.
    Cũng dể hiểu, nhà nước, các quan chỉ ăn đồ sạch, đồ nhập. Để bảo vệ những bữa ăn tinh khiết cho bản thân và gia đình mình thì các quan phải làm lơ với những bữa ăn cá nhiễm độc, rau nhiễm độc của dân chứ. Tôi không phải nói mỉa đâu, đó là sự thật, không phải mình tôi thấy mà nó xảy ra trước mắt mọi người. Cứ nhìn vào thái độ vô cảm của chính phủ thì ai cũng thấy.

    Trả lờiXóa