Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

NHỮNG ỨNG VIÊN ĐỘC LẬP ĐẦU TIÊN BỊ LOẠI

Áp phích tuyên truyền cho cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp 
diễn ra vào ngày 22/5/2016 sắp tới tại Hà Nội.

Những cử ứng viên độc lập đầu tiên bị loại

Kính Hòa, phóng viên RFA
RFA 2016-04-05 


Có nhiều ứng cử viên độc lập ra tranh cử vào quốc hội khóa 14. Một số người đã bị loại khỏi danh sách bầu cử sau những hội nghị hiệp thương. Sau đây là một số ý kiến được Kính Hòa ghi nhận từ những ứng cử viên độc lập, cho biết diễn biến của những hội nghị hiệp thương, mong muốn phục vụ đất nước của họ trong tương lai. 

Hội nghị hiệp thương là gì?

Theo qui định thì muốn được vào danh sách ứng cử viên cuối cùng thì các ứng cử viên phải trải qua 3 cuộc họp gọi là hiệp thương để lấy ý kiến người dân là họ có được ra ứng cử hay không.

Đại đa số các ứng viên độc lập đã ra các vòng hiệp thương đó đều bị loại.

Anh Nguyễn Quang Bách, hiện là sinh viên của học viện báo chí và tuyên truyền cho rằng các vòng hiệp thương ấy không hề bị chính quyền can thiệp:

Ba vòng hiệp thương ấy tùy thuộc vào sự tính nhiệm của người dân địa phương nơi người ta ứng cử đại biểu Quốc hội. Người ta không được sự tín nhiệm, không được vào danh sách ứng cử là chuyện bình thường thôi, không có chính quyền gì cả. Mặc dù ông có năng lực đi chăng nữa nhưng người dân người ta không cảm nhận năng lực của ông thì họ sẽ không tín nhiệm thôi.”

Khi được hỏi có phải là nhiều ứng viên độc lập không được cư dân địa phương biết đến hay không, cô Nguyễn Trang Nhung, thạc sĩ công nghệ thông tin, một ứng viên độc lập tại Thành phố HCM trả lời:

“Vâng, một phần là như thế, một phần khác là vì nếu có nỗ lực giới thiệu về mình trong cộng đồng dân cư, thì việc làm đó cũng bị ngăn chận. Ngay như bản thân tôi khi đi giới thiệu về tôi, được một vài hộ dân, dừng lại một hộ một lúc thì ông Trần Văn Minh là chủ tịch ủy ban Mặt trận tổ quốc phường bảy đến nhà đó, ông ấy được ai đó báo tin, có thể là bởi một hộ dân mà tôi đã đi qua để giới thiệu về mình, cũng có thể là an ninh ở đó, và tôi cho rằng họ theo dõi tôi trong những ngày gần hội nghị.”

Tổ chức Mặt trận tổ quốc mà cô Nguyễn Trang Nhung đề cập cũng là tổ chức đứng ra sắp xếp các cuộc hiệp thương đối với ông Lê Khánh Luận, giảng viên môn toán tại Đại học kinh tế Thành phố HCM, và cũng là một ứng cử viên độc lập, ông nói về buổi hiệp thương được tổ chức nơi ông cư trú:

Cư dân đến sinh hoạt sẽ do chính họ mời, tức là Ủy ban mặt trận tổ quốc phường. Tôi hỏi là chọn tới đâu thì họ nói là chọn ra một số cán bộ đảng viên gì đó. Thực sự làm cho cư dân hơi ngột ngạt, vì họ đang có cái háo hức muốn dự họp và ủng hộ tôi. Nhưng thực sự trong buổi tập trung sinh hoạt đó, người ta chận ai không có giấy mời thì không được vào. Bà con cư dân trong chung cư rất tích cực xuống chờ đợi nhưng không được vào. Trong buổi sinh hoạt tôi thấy đa số là người lạ.”

Mặt trận tổ quốc về danh nghĩa là một tổ chức tập hợp tất các đoàn thể và đảng chính trị, trong đó bao gồm cả đảng cộng sản, nhưng lại do đảng cộng sản lãnh đạo. Đứng đầu Mặt trận tổ quốc hiện nay là ông Nguyễn Thiện Nhân, một ủy viên bộ chính trị của đảng.
Tôi vẫn tin có một sự tử tế nào đó từ phía ban tổ chức, nhưng khi hội nghị diễn ra thì không như tôi nghĩ. Có thể đó là một suy nghĩ ngây thơ chăng?
Cô Nguyễn Trang Nhung
Cô Nguyễn Trang Nhung chỉ được một phiếu tín nhiệm, còn ông Lê Khánh Luận được hai trên tổng số 57 phiếu.

Một ứng cử viên độc lập khác là ông Võ An Đôn tại Phú Yên cũng bị hội nghị nghiệp thương loại ra khỏi danh sách ứng cử. Ông Đôn là một luật sư được nhiều người biết đến vì tham gia tranh cãi cho những người dân nghèo bị mất đất, hay thân nhân những nạn nhân bị đánh chết trong đồn công an trong thời gian qua. Ông cho biết là hai buổi hiệp thương lấy ý kiến nơi cư trú và nơi làm việc của ông thực sự là những buổi đấu tố, ý nói giống như những phiên tòa thời cải cách ruộng đất mà người được đem ra xét xử không có quyền tranh cãi.

Cách đây 5 năm ông Đôn cũng từng ra tự ứng cử, ông giải thích nguyên nhân khiến cho ông tham gia tự ứng cử lần này:

Đợt trước tôi cũng tự ứng cử nhưng khi đó chưa có mạng facebook nên ít tai biết đến. Khi đó chính quyền địa phương, nhà nước không can thiệp nên tôi đạt số phiếu tối đa. Lần này tôi đã thông báo trên facebook nên dư luận rất quan tâm, cho nên người ta bằng mọi cách phải gạt tôi ra ngay từ đầu.

Việc này tôi đã đoán trước rồi, đoán là việc sắp xếp của bên địa phương rồi, nhưng mục đích của tôi là ứng cử không phải để vào làm đại biểu Quốc hội mà là để cho người dân biết sự khác nhau giữa qui định của luật pháp và thực tế là như thế nào, việc ứng cử có dân chủ hay không.”

Cô Nguyễn Trang Nhung cũng nói là cô cũng dự đoán được kết quả, nhưng vẫn tham gia tự ứng cử, và tham gia các vòng hiệp thương là vì vẫn còn có niềm tin:

“Tôi vẫn tin có một sự tử tế nào đó từ phía ban tổ chức, nhưng khi hội nghị diễn ra thì không như tôi nghĩ. Có thể đó là một suy nghĩ ngây thơ chăng? Hội nghị diễn ra không khác như đối với những ứng cử viên khác. Cũng có sự phản đối được sắp đặt, theo tôi là đã được sắp đặt từ phía cử tri. Rồi cũng có việc ngăn chận phát biểu, rồi chuyện kiểm phiếu cũng có cái gì đó bất ổn.”

Năm năm sắp tới

Năm nay, việc đông đảo người ra ứng cử vào Quốc hội khóa 14 không do đảng cộng sản giới thiệu bị chỉ trích trên truyền thông nhà nước Việt Nam. Có nhiều viên chức bảo là phải đề phòng phong trào tự ứng cử, có người còn lớn tiếng nói rằng có những tổ chức phản động đứng đằng sau các ứng cử viên độc lập.

Nhưng cũng có một số quan chức cao cấp nói rằng nhiều người ra ứng cử độc lập là tốt, và cơ hội của những người này cũng ngang bằng những người do đảng cộng sản giới thiệu.

Khi được hỏi là liệu năm năm tới đây có tham gia ứng cử nữa hay không, cô Nguyễn Trang Nhung trả lời rằng vẫn có nhiều cách khác nhau để tham gia vào công cuộc dân chủ hóa hiện nay của Việt Nam.

Ông Lê Khánh Luận thì nói rằng nếu lúc đó ông vẫn còn sức khỏe thì sẽ tiếp tục dấn thân thực hiện hoài bão của mình. Ông nói thêm về hội nghị hiệp thương:

Tôi rất lo lắng cho tình hình đất nước không có gì đổi mới, không có gì thật sự. Tôi nghĩ là họ chưa thật lòng. Rất là khó mà lôi những khó khăn của đất nước ra khỏi cái kiểu đen tối đó. Tôi nghĩ cái hiệp thương này không cần thiết. Đó là ý kiến của tôi. Nó giả dối, nó không cần thiết. Họ chưa thật sự, khi nào mà họ thật sự thì cái đó mới có ý nghĩa.”

Luật sư Võ An Đôn nói là ông sẽ không bao giờ ra ứng cử nữa, vì mục đích của ông đã đạt được là người dân thấy rằng chuyện bầu cử là không có dân chủ.

Cô Nguyễn Trang Nhung, người đã bật khóc sau kết quả thất bại ở hội nghị hiệp thương nói rằng cô hy vọng một thời gian không xa những giọt nước mắt sẽ là để ca ngợi một nền dân chủ mới được hình thành, như những đại biểu Quốc hội Miến Điện mới đây đã khóc trong buổi ra mắt chính phủ dân cử đầu tiên sau nửa thế kỷ dưới sự cai trị của chế độ độc tài.

6 nhận xét :

  1. Hiệp thương để chọn những kẻ "tầm cỡ" như Hoàng Hữu Phước chứ đâu phải chọn những người như Nguyễn Trang Nhung!

    Trả lờiXóa
  2. Tội nghiệp các ông bà tổ trưởng tổ dân phố, tự nhiên biến thành những kẻ đấu tố, đi vu oan giá họa cho người vô tội. Lợi nhà nước được, còn hại thì thân mình gánh. Mà không làm theo chủ trương của đảng liệu họ có được để yên? chắc chắn là không. Tôi thương Trang Nhung, LS Võ An Đôn, Mai Khôi, ... 10 thì cũng tội cho các vị tổ trưởng 1,2 phần. Vì cái nhục các vị mang theo sẽ đến đời con cháu. Còn những người tự ứng cử cũng như ánh sáng ban ngày, có dèm pha họ đến mấy thì lương tri tốt đẹp của họ cũng chiếu tỏa mọi nơi không thể dập tắt được. Ngược lại , nhà nước càng làm càng lộ bản mặt lấm lem độc tài đê tiện.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. mua danh ba vạn bán danh ba đồng, mỗi tháng đớp được của dân chưa nổi triệu mà làm trái lương tâm con người, làm tay sai cho lũ trẻ con ở UB và CA phường, để thỉnh thoảng nó bố thí cho mấy cuộc nhậu, đi du lịch, chia tiền phạt bậy... miếng ăn là miếng nhục nhưng cứ hùng hục gằm mặt ăn, QUÁ NHỤC CHO NHỮNG THẰNG TỔ TRƯỞNG DÂN PHỐ HIỆN NAY.
      (thân nhân l/s chống Tàu 1979)

      Xóa
  3. Quê tôi (Nghĩa Bình, Nghĩa Hưng, Nam Đinh) ông Tiến (điếc) khi đi thi tốt nghiệp bổ túc (lớp 10) từng ghi trong bài làm: hình thì nhìn thằng bên cạnh. vậy mà vẫn làm bí thư đảng ủy xã nhiều khóa và 2 khóa đại biểu quốc hội. Đất nước tôi nó đặc biệt thế.

    Trả lờiXóa
  4. Trò hề để cho dân "tự ứng cử" dần dần lộ diện.
    Một lần nữa lại phải nhắc lại: Đừng tin những gì CS nói...

    Trả lờiXóa
  5. Theo Phật học cuộc đời có vay có trả, có thể đời này chưa có nhưng đời sau sẽ bị. Các cụ đã dạy: Đời cha ăn mặn, đời con khát nước.

    Trả lờiXóa