Thứ Năm, 7 tháng 1, 2016

Tin buồn: THƯƠNG TIẾC VĨNH BIỆT NHÀ BIÊN KHẢO THÁI DOÃN HIỂU


.
.
.
.


TIN BUỒN
 Chúng tôi vô cùng xúc động
và kính tiếc báo tin:

  Nhà văn, Nhà biên khảo

THÁI DOÃN HIỂU

Sinh năm 1943 tại Nghệ An, 
đã từ trần lúc 01h00 ngày 5/1/2016 (nhằm ngày 26/11 năm Ất Mùi), hưởng thọ 73 tuổi.
Lễ viếng: bắt đầu từ 13h00 Thứ ba ngày 5/1/2016 (ngày 26/11 năm Ất Mùi) tại tư gia số 414/10-12 Nguyễn Duy Trinh, P. Bình Trưng Đông, Quận 2, TP.HCM (hẻm đối diện cao ốc Thịnh Vượng và kế bên siêu thị Familymart).
Lễ truy điệu: 06h00 ngày Thứ sáu 8/1/2016 (29/11 năm Ất Mùi).
Lễ động quan: 07h00 ngày Thứ sáu 8/1/2016 (29/11 năm Ất Mùi). Linh cữu được di quan và an táng tại Nghĩa trang Phúc An Viên, Quận 9, TP. HCM.
* * *
Chúng tôi thành kính dâng lời cầu nguyện anh linh Nhà biên khảo Thái Doãn Hiểu thung dung về cõi Tịnh độ thanh thản vĩnh hằng trong muôn vàn thương nhớ của gia đình và thân hữu.
Và nghiêng mình chia buồn cùng Bà quả phụ Hoàng Liên cùng toàn thể tang quyến trước mất mát vô cùng lớn lao này!

___________

THƯƠNG TIẾC NHÀ BIÊN KHẢO THÁI DOÃN HIỂU

GS Nguyễn Đăng Hưng 


Lên FB bỗng đọc được một cáo phó làm tôi bàng hoàng, đó là tin từ Thái Doãn Hoàn Cầu, trưởng nam của nhà biên khảo:

Thái Doãn Hiểu, 1943-2016, RIP
Gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc kính báo...

Thôi rồi nhà biên khảo, người bạn vong niên chí cốt tọa lạc không xa nhà tôi đã ra đi vĩnh viễn!
Ông đã không qua được căn bệnh ngặt nghèo đã đeo đuổi ông từ 3 năm nay…

Mới hôm kia chị Hoàng Liên, hiền thê và cộng tác viên của ông có điện thoại cho tôi báo là ông bị tai biến khi nằm bệnh viện…

Biết ông rất yếu, tôi không vội đi thăm vì ngại làm ông mệt thêm.

Hôm nay ghé qua nhà ông, thắp hương cho người bạn thân thiết, chị Liên cho hay là chính ông đã bảo vợ điện thoại cho tôi để nghe giọng nói của tôi trong những phút cuối…

Tôi nghẹn ngào! Thật quí hóa và cảm động tình bạn ông đã dành cho tôi... Tôi ân hận đã không đến ngay nhìn ông lần cuối. Tôi đã quá lạc quan không nghĩ là ông có thể ra đi quá vội như vậy…

Cách đây đúng 5 năm, nhân ngày tôi đạt tuổi 70, ông có đến mừng sinh nhật cùng tôi và gia đình. Ông đã dành cho tôi những phát biểu thân tình và ưu ái… Sau đó, ông viết một bài về tôi đăng lên nhiều báo mà tôi đã đăng lại trên phây…

Năm nay tôi lại tổ chức sinh nhật ở lúc lên tuổi 75 và cứ nghĩ là ông sẽ có mặt và có lẽ ông sẽ phát biểu như lần trước. Nhưng không may, tuy ông kém hơn tôi hai tuổi, ông đã sớm từ giã cõi đời …

Ông với tôi là hai chân trời khác biệt, một bên là khoa học tự nhiên, một bên là văn học, thế mà chúng tôi đã trở thành những người bạn thâm giao, khắng khít một cách tự nhiên, thâm trầm, bền vững...

Chính tôi là người lần đầu tiên tìm đến ông. Bắt đầu những năm 90, thời điểm tôi trở lại Việt Nam sau giai đoạn chán chường ngao ngán từ bỏ Việt Nam, kéo dài 10 năm ròng rã. Sau đổi mới, tôi thay đổi ý kiến, quyết định thường xuyên qua lại Âu Châu – Việt Nam, giúp các đại học Việt Nam đào tạo giảng viên cao cấp về ngành chuyên môn của tôi… Cứ mãi ngụp lặn và mệt mỏi với những bài giảng công nghệ cơ học tính toán khô khan đơn điệu, tôi hay đi viếng các tiệm sách tìm đến các kệ sách văn học hay âm nhạc mua về đọc thư giãn… Tôi bắt gặp những cuốn sách biên khảo dầy cộm của một tác giả còn lạ với tôi: Thái Doãn Hiểu, một tác giả đến từ miền Bắc mà tôi chưa hề biết khi còn ở Sài Gòn trước những năm 60… Ông có những cuốn biên khảo văn học rất phong phú với văn phong đầy màu sắc, phóng khoáng hợp với khẩu vị của tôi… Ông cẩn thận ghi rõ địa chỉ, số điện thoại ở những trang cuối… Tôi bắt được liên lạc với ông và tìm đến nhà ông, một căn hộ khá chật hẹp trên một căn lầu ở đại lộ Trần Hưng Đạo, quận 1…

Từ đó mỗi lần về Sài Gòn là tôi gặp lại ông và qua ông, tôi được làm quen với giới văn học thành phố.

Ông đã viết về tôi:

“Thật kỳ diệu, một người ở Bỉ, một người ở Sài Gòn xa tít mù khơi duyên kỳ ngộ nào đã gắn kết chúng tôi lại với nhau? Chính văn chương là chiếc cầu nối đã đưa anh đến với tôi. Và, chúng tôi sau khi chạy đã đời khắp bốn phương trời, số phận mỉm cười ném hai người bạn đồng lứa tác tri âm tri kỷ ở cùng với nhau trên một con phố: đường Nguyễn Duy Trinh, Q.2, Tp Hồ Chí Minh”.

Vì ở gần, tôi ở đầu quận 9, ông ở cuối quận 2 cách nhau chỉ chừng 100 căn phố, chúng tôi thường hay gặp nhau hàn huyên liên miên đủ thứ chuyện trên đời: văn học, thời sự, nhân tình thế thái… Nghe tôi kể chuyện về những hoạt động giảng dạy cao học tại Việt Nam, về việc thành lập và điều động những trung tâm du học tại chỗ, những ách tắc, rào cản mà tôi đã phải vượt qua, ông rất quan tâm. Ông bảo anh nên viết ra thành sách đi, tôi đã đọc vài đoạn và cảm thấy rất thú vị. Ý tưởng viết cho đầy đủ, kể cho hết những bài bút ký đã khơi nguồn từ sự động viên tích cực của ông. Ông không ngừng khuyến khích tôi làm nhanh cho xong. Thấy tôi trở sang Bỉ ở hơi lâu bên ấy ông viết tin nhắn điện tử nhắc nhở đã đi đến đâu rồi. Ông bảo đây có thể là cuốn sách rất bổ ích cho nền giáo dục Việt Nam, cho tuổi trẻ Việt Nam, tôi nên tập trung đầu tư công sức cho tác phẩm để đời này . Ông hứa sẽ đọc kỹ và sẽ viết lời bạt cho cuốn sách… Mới đây hai tuần, trước khi qua đời nghe tôi báo tin sắp cho xuất bản một tập thơ, ông lại nhắc nhở không nên mất thì giờ cho tiểu tiết, chẳng thêm gì cho đời khoa học và giáo dục phong phú của tôi…

Nay sách đã gần như hình thành thì ông đã không còn trên cõi đời này nữa…

Quả là tôi lại lỡ hẹn với ông….

Ra đi, tác giả Thái Doãn Hiểu đã để lại một gia tài biên khảo đồ sộ gồm những 38 đầu sách, hằng mấy chục ngàn trang sách… 

Sẽ có người biên khảo về ông về sự nghiệp và những cống hiến của ông, một tác giả hiếm hoi của giai đoạn lịch sử hiện đại qua thăng trầm nghiệt ngã của lịch sử vẫn bám giữ được cốt cách của một sĩ phu Việt Nam truyền thống: tinh thần độc lập, sự tỉnh táo lấy sự thật làm cơ sở cho quan điểm văn hóa nghệ thuật của mình…


Cách đây 1 năm, khi tiếp tôi tại nhà, nhân dịp đầu Xuân Ất Mùi 2015, ông hân hoan trao tặng tôi một cuốn sách dầy gần 600 trang A4, phiên bản photo copy thủ công, chưa xuất bản ở đâu với thái độ rất trân trọng. Ông bảo đây cuốn thứ 39, tác phẩm định mệnh cuối cùng của đời ông…

Tuy ông giới thiệu nghiêm túc như thế nhưng ông bắt đầu cuốn sách bằng một trang rất hóm hỉnh khinh bạc. 

Thật vậy, tôi rất ngạc nhiên khi thấy ông ghi: “Đây là luận văn tiến sỹ triết học của Thái Doãn Hiểu”. Rồi ông thêm:

“Khoa triết học đại học Liège, với ban thẩm định gồm bốn người: các GSTS Phan Đăng Nhật, Nguyễn Đăng Hưng (Bỉ), Vũ Đình Huy và Thái Kim Lan (Đức)”

Mở ra xem nhanh, ta có thể thấy ngay đây là một cuốn sách có nội dung đặc biệt ấn tượng và quí hiếm: 

Hãy xem ông tự viết lời tựa cho cuốn sách:

“Sự Thật có khả năng đương đầu với mọi bất công. Máu không dìm chết được chân lý. Chân lý được chấp nhận không cần bạo lực. Mọi bạo lực không làm suy yếu được chân lý mà làm cho nó cất cánh bay xa hơn. Dối trá đi một chân, sự thật đi hai chân. Sức mạnh của chân lý là lẽ sống trường cửu. Sự thật là niềm yên tĩnh của trái tim. Chân lý cần được xem như tổ quốc mình”.

Chỉ những lời ấy thôi, ta đoán biết về tính nhạy cảm của đầu sách này. Ông ghi rõ hoàn cảnh đặc biệt của mình trong thời gian thực hiện cuốc sách:

“Tôi bị trọng bệnh, hỏng cả hai quả thận, đang biến chứng sang suy tim độ cuối, và đang chết chậm đây. Biết mình như ngọn đèn leo lắt trước gió, có thể từ giã nhân thế bất cứ lúc nào nên tôi tranh thủ cấp tập viết, viết như ngày mai mình không còn được sống, viết như con tằm nhả tơ trước lúc thác, viết như nhà toán học Galois trước đêm đấu súng, viết như sợ phải mang theo những bí mật của tâm hồn mình, viết giấu, viết lén lệnh cấm làm việc của vợ con và bác sĩ".
 
Dành giật 3/10 sức khỏe còn lại trên giường bệnh suốt hai năm ròng để hoàn thành cuốn sách. Bạn đọc, xin hãy xem nó là di ngôn cuối cùng của Thái Doãn Hiểu, đối với Trái Đất vô cùng yêu quý này! 

Mới đây thôi mà nay ông đã là người thiên cổ.
Một người tử tế đã vĩnh viễn ra đi…

Sài Gòn ngày 6/1/2016
N.Đ.H

 Tại tư gia GS Nguyễn Đăng Hưng. Từ trái sang: Thạc sĩ Chu Tuyết Lan, 
GS Nguyễn Đăng Hưng, GS Trần Văn Khê, Ông bà Thái Doãn Hiểu, Hoàng Liên.

 Từ phải sang: Nhà biên khảo Thái Doãn Hiểu, GS Trần Văn Khê, GS Nguyễn Đăng Hưng, 
TS Nguyễn Xuân Diện, tại tư gia GS Nguyễn Đăng Hưng.

Nhà biên khảo Thái Doãn Hiểu và các Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, Chu Hảo, 
Nhà văn Nguyên Ngọc và các bạn bè thân hữu.

 Từ trái sang: GS Nguyễn Đăng Hưng, Bà Nguyễn Thị Bình, Nhà biên khảo Thái Doãn Hiểu.

 Nhà biên khảo Thái Doãn Hiểu trong một dịp sinh nhật GS Nguyễn Đăng Hưng.

2 nhận xét :

  1. Thế là bác Thái doãn Hiếu đã đi rồi. Trần đời chẳng qua một trống canh thôi . Nhìn lại hơn 70 năm là mấy . Mong cho nhà văn , nhà biên khảo Thái Doãn Hiếu thảnh thơi nơi miền Cực Lạc . Hết lo lắng . Hết oán phiền . Gặp lại người cha khả kính .
    Thành Kinh Phân Ưu cùng Tang Quyến .

    Trả lờiXóa
  2. Thành kính chia buồn cùng gia đình anh Thái Doãn Hoàn Cầu. Mặc dù chưa bao giờ gặp mặt nhưng xin anh Hiểu cho phép tôi làm một người bạn, một người đồng hương, một người cùng họ hàng của anh, cho phép tôi thắp ngọn nến, gửi qua các nàng tiên, tiễn anh về nơi cực lạc. Xin Thượng Đế hãy ban phúc lành cho anh nơi Thiên Đàng giúp anh quên đi những trăn trở về những sự thật đau đớn đã làm cho anh càng ngày càng trọng bệnh rồi anh phải ra đi. Amen!

    Trả lờiXóa