Thứ Hai, 10 tháng 3, 2014

PHẢI XÁC ĐỊNH LẠI TÊN GỌI CÁC CUỘC CHIẾN VỚI TRUNG QUỐC


Phải xác định lại tên gọi các cuộc chiến với Trung Quốc
Mặc Lâm - RFA 2014-03-09
Cuộc tọa đàm có tên "Bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử của các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, hải đảo và chủ quyền quốc gia thời hiện đại" diễn ra với sự tham dự đông đảo của giới sử học, các nhân sĩ, trí thức và hiếm hoi lắm người ta thấy có sự có mặt của hai tờ báo chính thống Nhân Dân và Lao động tham dự trong một chủ đề vốn vẫn còn được xem là nhạy cảm khi có yếu tố Trung Quốc.


Buổi tọa đàm kéo dài chỉ trong một buổi sáng và với thời gian ít ỏi ấy cử tọa không hy vọng nghe hết các bài tham luận của tất cả các diễn giả, tuy nhiên vẫn có những bài nói chuyện được xem là hiếm thấy trong giới sử học trước vấn đề gay cấn với câu hỏi: tại sao phải đặt tên lại cho đúng bản chất của các cuộc chiến tranh với Trung Quốc trên biên giới, hải đảo.

Một trong những diễn giả là Giáo Sư Vũ Dương Ninh, ông  chia sẻ việc mà ông gọi là tế nhị khi nói tới vẩn đề đặt tên cho cuộc chiến, ông nói:

-Có một cái sự tế nhị vô hình nào đó luôn ngăn cản việc này. Chúng tôi cho là đơn giản, lịch sử là lịch sử ta cứ đưa vào, nhưng không đơn giản như vậy. Cuối cùng thì thôi ta phải đưa vào nhưng có lẻ mức độ thôi. Mức độ là thế nào? Lúc đầu viết 3 trang 4 trang sau coi đi coi lại mãi cuối cùng được 12 dòng! Khi trả lời nhà báo tôi nói đây là sự cố gắng rất lớn nhưng có lẻ họ không thể hiểu được cố gắng ấy như thế nào. 

Với bài phát biểu đi vào trọng tâm vấn đề cả nước quan tâm nhất hiện nay về tên gọi “cuộc chiến bảo vệ biên giới” trong sách giáo khoa có phù hợp với lịch sử hay không. GS Vũ Dương Ninh nhấn mạnh tới tính chất trung thực của lịch sử ông nói:

-Cho đến bây giờ cái được gọi là tế nhị đó cũng chưa kết thúc đâu. Đất nước chưa hình dung được là tất cả các vị đều cho là phải đưa vào sách giáo khoa nhưng đưa như thế nào lại là vần đề đấy chứ không phải dễ dàng đâu. 

Tôi có ba đề nghị một là tên gọi như hiện nay gọi là “cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới”. Đây là cách gọi rất là tế nhị. Cuộc chiến tranh chống mỹ xâm lược, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. “Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới” người ta không nói chống ai cả người ta chỉ nói cuộc chiến bảo vệ biên giới. Tất nhiên biên giới ở đây gồm cả đất liền hải đảo và chúng ta có ba cuộc chiến tranh, một là Tây Nam hai là phía Bắc và ba là hải đảo ta chỉ gọi ngắn là cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới. Nhưng cái điều quan trọng là nội dung. Tại sao lại bảo vệ biên giới, ai là kẻ xâm lược và ai xâm lược ai? Mức độ xâm lược là gì? GS.

Chứ nếu nói bảo vệ thì bảo vệ ai, ai làm gì mình mà phải bảo vệ? Thành ra tôi đề nghị là “khẳng định bản chất là cuộc chiến tranh xâm lược” và nhân dân Việt Nam đã đấu tranh chống xâm lược để đuổi kẻ thù ra khỏi bờ cõi.

Bên cạnh hai tờ báo Nhân Dân và Lao Động, cuộc tọa đàm ngày hôm nay sẽ được thu hình và công bố trên các trang mạng xã hội cũng như tại địa chỉ nổi tiếng Basam.com, nơi luôn ưu tiên đưa tin tức có liên quan đến vần đề Trung Quốc.

Nhà báo tự do Nguyễn Hữu Vinh, người từng điều hành trang tin Ba Sàm có mặt tại buổi tọa đàm cho biết nhận xét:

-Tôi thấy rất là tốt. Tôi chỉ e là báo chí sẽ rất dè sẻn đưa tin thôi. Về phía ban tổ chức là Hội Sử học tôi thấy rất tốt nhất là GS Phan Huy Lê cuối cùng kết luận rất quý về lịch sử liên quan đến Trung Quốc vào năm 79 rồi Gạc Ma, Hoàng Sa phải được đối xử như là các cuộc chiến tranh khác như là chống Mỹ (trước 75) hay cuộc chiến tranh chống Pháp thì phải có sự đối xử bình đẳng. Tôi thấy là tất cả các ý kiến của các người tham gia trong đó có Viện trướng Viện lịch sử Đảng cũng rất tốt, rồi anh hùng Lê Mã Lương nguyên là Giám đốc Viện bảo tàng quân sự cũng có ý kiến rất tốt. 

Chỉ có hai vấn đề lo thôi, ngay trước mắt là báo chí. Tôi hỏi một cô nhà báo rằng báo của cô có đưa tin không thì cô ấy gọi về (hình như tòa soạn) nói chuyện với lãnh đạo hay sao đó, rồi cô ấy trả lời là “không”.

Không biết báo chí sẽ được đưa đến đâu. Báo chí tham dự ít lắm, chính thức thì anh Dương Trung Quốc có nói là báo Nhân Dân nhưng theo tôi biết thì có thêm một tờ báo nữa nhưng không biết báo chí đưa tin được bao nhiêu. Thứ hai nữa ý kiến của các nhà sử học hay Viện xã hội…nhưng mà tới đây được thực hiện, triển khai như thế nào về vấn đề bảo tồn, bảo tàng hay đưa vào sách giáo khoa thì tôi chưa hiểu tiến trình sẽ làm như thế nào.

Ông Nguyễn Khắc Mai Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Minh Triết cũng có mặt tại buổi tọa đàm cho chúng tôi biết nhận định của ông:

-Vấn đề hiện nay thì như thế này: phải phân biệt hai loại hoạt động, một cái gọi là nhà hoạt động chính trị nó thỏa mãn những tình cảm những lợi ích trước mắt rất cần. Những vấn đề biển đảo, biên giới….đặc biệt là vấn đề đối sách với Trung Quốc thì phải nghiên cứu đến nơi đến chốn, chu đáo, bài bản và hệ thống chứ còn làm hời hợt một vài cuộc như thế thì nó chưa được. Nhưng là vì các học giả họ đang nói nên tôi cũng không muốn nói cái ý này. Đúng ra phải làm một cái đề án nghiên cứu và khẳng định một vần đề lớn của tình hình hiện nay.

Chúng tôi sẽ bàn cách nào đó thưa gửi lại với chỗ anh Lê, anh Trung Quốc để mình có thể huy động cái Hội sử học làm một cách nghiêm túc hơn còn cuộc tọa đàm này chỉ là đối phó trước mắ. Chả lẻ giới sử học lại không làm gì cho nên họ chọn đề tài là bảo tồn và phát huy giá trị bảo vệ biên giới, hải đảo chủ quyền đất nước. Nó tách ra thành bảo tồn những giá trị thì nó hơi hẹp chưa thật xứng tầm với cái mà tôi hy vọng hoạt động của giới sử học đàng hoàng, nghiêm túc, tài trí và độc lập.

Đại biểu quốc hội, Sử gia Dương Trung Quốc trách nhiệm tổ chức buổi tọa đàm chia sẻ:

-Việc này chúng tôi cũng từng có ý kiến trước Quốc hội và đề nghị của hội Sử học rồi và khi gặp Thủ tướng chúng tôi cũng đã nêu lên giờ dây chúng tôi cũng chỉ muốn nêu ra cái ý kiến nghề nghiệp của mình việc bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử của những cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, đất liền, hải đảo và nhìn lại những vấn đề hiện nay liên quan đến những cái đó như thế nào. Trên cớ sở đó có một kiến nghị với nhà nước để có một chính sách lâu dài chứ tôi không nói trước mắt. Vừa bảo đảm được môi trường hòa bình nhưng đồng thời không thể quên được những vấn đề của lịch sử nhất là trong giáo dục lịch sử nó rất cần thiết. Khi mà 35 năm sau vẫn còn có những nhân chứng, những di tích lịch sử thì việc bảo tồn rất là quan trọng.

Từ việc bảo tồn những giá trị chân thực của lịch sử đến việc phải đáp ứng với những gì với yêu cầu công tác ngoại giao hiện nay thì lại là vần đề khác. Thái độ ý kiến ngày hôm nay của các đối tượng nói chung đều rất đa dạng và nhất trí với nhau đó là lịch sử phải bảo tồn và phát huy còn phát huy như thế nào thì đó chính là sự khôn ngoan của nhà nước mà đây chính là truyển thống của người Việt Nam. Người Việt không chỉ có đánh ngoại xâm mà có rất nhiều lần giữ được sự hòa hiếu nhưng vẫn bảo đảm được chủ quyền và sự phát triển của dân tộc. Đây là bài học rất lớn không phải chỉ ở quá khứ mà chính là hôm nay.

Ông Dương Trung Quốc cũng cho biết việc kế tiếp của Hội Khoa học Lịch sử sau buổi tọa đàm này:

-Từ cuộc hội thảo này chúng tôi sẽ thành một văn bản để gửi tới những cơ quan trách nhiệm thì chắc chúng tôi cần phải có thời gian nữa.

Tuy nhiên đối với nhà báo Nguyễn Hữu Vinh thì lại có nỗi lo khác, ông chia sẻ:

-Thấy rất lo là khi ông Dương Trung Quốc cuối cùng nói mấy câu thì nói là mọi người thông cảm, chúng tôi tổ chức tọa đàm này chẳng có đồng ngân sách nào. Đúng là thế thật, thường thì các cuộc hội thảo hay tọa đàm thì ai đến dự cũng được một phong bì trong đó có hai trăm ngàn…cái hội thảo này thì mọi người chỉ được uống nước với ăn quả cam thôi, đấy là cái đáng lo nhất.

Mọi người đều nói là Trung Quốc họ làm rất là bài bản va họ tổ chức rất ghê. Vừa rồi hôm 30-31 tháng 12 Thủ tướng có đồng ý thành lập cái trung tâm dữ liệu thế nhưng rồi liệu có thực hiện được không? Liệu có ý kiến nào đàng sau rồi ở đâu đó yêu cầu phải ngừng này khác cái đó là điều tôi rất lo.

Buổi tọa đàm tuy đã chấm dứt nhưng vẫn đọng lại ưu tư của những người tham dự. Mặc dù vấn đề đã được đặt ra nhưng làm cho vấn đề ấy trở thành hiện thực thì không biết còn bao gian truân nữa.

Nguồn: RFA Việt ngữ.
 

4 nhận xét :

  1. Tóm lại là đừng để quên cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 mà thực chất là cuộc chiến tranh nhân dân chống lại cuộc xâm lược của bọn bành trướng Trung quốc.
    Tránh né gì thì tránh né chứ quân xâm lược trung quốc đã gây chiến trên 6 tỉnh biên giới là điều trẻ con VN cũng biết, và phải đưa vào sách giao khoa. Không hẳn là nuôi dạy lòng hận thù giữa hai nước nhưng sự thật lịch sử thì không được xóa bỏ

    Trả lờiXóa
  2. Các ông cứ úp mở cái đéo gì. Thế nào là nhạy cảm, thế nào là "-Cho đến bây giờ cái được gọi là tế nhị đó cũng chưa kết thúc đâu. Đất nước chưa hình dung được là tất cả các vị đều cho là phải đưa vào sách giáo khoa nhưng đưa như thế nào lại là vần đề đấy chứ không phải dễ dàng đâu.". Nước mình, dân tộc mình. Lịch sử nó như thế, có phải phịa ra đâu mà phải úp mở. Sao vấn đề với Pháp với Mỹ các ông hùng hồn thế. Nào là "chống Mỹ xâm lược" nào là "nguỵ quân, nguỵ quyền". Vậy các ông sợ đéo gì ai?
    Các ông cứ bảo "thế lực thù địch" với cả "bị xúi giục, kích động". Vậy nhưng hành xử lúc nào cũng "tế nhị" với "nhạy cảm" thì dân người ta có quyền nghi ngờ về sự độc lập tự chủ của chính phủ các ông. Hành động dũng cảm lên. Dám gọi là quân Mỹ xâm lược hà cớ gì không dám gọi là bọn Bành trướng bá quyền Trung Quốc? Các ông cứ trung thực như vậy thì thằng nào dám xuyên tạc với bội nhọ các ông. Qua đó cho thấy bản chất thực của chính phủ các ông là gì rồi. Thối như cứt chả cả buồn nghe các ông Hội với cả Thảo!

    Trả lờiXóa
  3. Tôi chỉ là một người dân bình thường, thiết nghĩ đã là lịch sử thì cần phải trung thực, trung thực từ nội dung cho đến tên gọi phải chính xác. Năm 1979 Trung Quốc đem quân đánh chiếm 6 tỉnh biên giới phía bắc đó không gọi là xâm lược thì gọi là gì ? Lịch sử cần trung thực không cần tế nhị.

    Trả lờiXóa
  4. Cuộc chiến tranh Việt-Trung (1979-1988), có rất nhiều tên gọi, nào là: cuộc chiến tranh biên giới, cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt, cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc,vv... Thực chất, đó là cuộc chiến tranh của nhân dân Việt Nam chống quân Trung quốc xâm lược. Dân Việt Nam, từ trẻ chí già, ai cũng gọi như thế, chỉ có nhóm lợi ích là không dám mà thôi.
    (Từ điển: xâm lược là sự xâm chiếm lãnh thổ, cướp đoạt chủ quyền của nước khác bằng vũ lực, hoặc bằng thủ đoạnh chính trị, kinh tế...).
    Vũ Xuân Tửu

    Trả lờiXóa