Thứ Hai, 15 tháng 2, 2016

HOA ĐÀO BIÊN VIỄN (Bài 2) - Phóng sự đặc sắc của Đào Tuấn


Hoa đào biên viễn
Bài 2: “Đồng chí với nhau, ai nghĩ sẽ đánh nhau“

Đào Tuấn

“Ai cũng chỉ nói chỉ tranh chấp biên giới. Ai cũng chỉ xác định là giữ đất thôi. Tin là đồng chí với nhau, chỉ gây sự, chỉ ghen ghét thế thôi. Chứ anh em đồng chí, ai nghĩ là sẽ đánh nhau”- 35 năm sau, nguyên Bí thư tỉnh Cao Bằng vẫn còn khắc khoải câu chuyện xảy ra năm 1979.


Trận tập kích bất ngờ

Ở Bát Xát, Lào Cai, khi pháo Trung Quốc bắt đầu bắn sang từ phía bên kia biên giới, ông Nguyễn Văn Tuyến, đại đội trưởng tự vệ Đoàn địa chất 305 (Đoàn 5) đang ở Bản Vược, ngay trong tầm súng trường lính Trung Quốc.

“Chúng tôi vẫn pha trà uống. Chiến sự vẫn liên miên từ trước đó, đêm nào cũng có tiếng súng, cho nên không ai ngờ Trung Quốc đánh lớn”- ông nói.

Chỉ trước khi cuộc tấn công diễn ra 48 tiếng, cả dân lẫn lính Trung Quốc vẫn “sang bên này xem chiếu bóng bình thường".

Ông Tuyến từng là lính trong chiến tranh với Mỹ, sau chiến tranh làm Phó Chủ tịch HĐND huyện Bát Xát, nhớ lại: "Khi pháo Trung Quốc chuyển làn, ông mới giật mình hô anh em vì cảm giác rằng bộ binh Trung Quốc sẽ sang. Mấy người hoảng hốt chạy ra đến đến ngã ba Bản Vược thì khắp nơi đã tràn ngập màu áo lính đang vận động từ phía trong ra điểm chốt của công an vũ trang. Chúng tôi tưởng bộ đội mình đã lên ngay thành thử súng cầm trong tay mà không bắn”. 

Từ trong hậu phương, lính Trung Quốc tiến đánh từ phía sau đồn công an vũ trang và chốt tự vệ địa phương. Hỏa lực từ bên kia biên giới bắn sang như mưa rào. Đơn vị ông Tuyến cơ động ra đến chốt Cây 2 thì bị một khẩu đại liên chặn lại. Bấy giờ, anh em vẫn có người giơ súng, giơ cờ vẫy ra hiệu vì vẫn tưởng bộ đội mình bắn nhầm.

Chỉ một lát sau đó, từ khu vực bản Xèo, lính công binh Trung Quốc lao cầu phao và sau đó xe tăng Trung Quốc tiến sang. “Họ đã chuẩn bị sẵn hết rồi. Cây cầu phao thả ra trôi theo dòng nước là áp khít sang bờ bên này”, lời ông Tuyến.

Tự vệ bản Xèo hy sinh vô số kể. “Chúng tôi chỉ được trang bị trung liên và súng K63. Không có vũ khí chống tăng”- ông Tuyến nói.

Ông Nguyễn Mạnh Tường, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Bát Xát thời điểm tháng 2.1979 đang là lính sư đoàn 316, một trong hai sư đoàn chủ lực duy nhất hiện diện ở biên giới phía Bắc.

Sáng đó, đang ở Than Uyên, đơn vị ông có lệnh báo động. Ai cũng tưởng chỉ báo động hành quân dã ngoại, thành thử “có người chỉ mang theo một quả đạn, có người trút lại tượng gạo, và có người, chỉ mang độc một bộ quần áo trên người”.

Đơn vị ông Trường hành quân lên đến Sapa thì những người lính mới biết chiến tranh đã xảy ra, và sau đó chạm địch ngay tại đèo Ô Quy Hồ. 218 đồng đội của ông đã hy sinh trong trận đánh đó.
Bát Xát là “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” với những địa danh anh hùng và đau thương: A Mú Sung, Y tý.

Những người lính biên phòng A Mú Sung trong ngày 17 tháng 2 năm ấy, đã đánh đến viên đạn cuối cùng và hy sinh oanh liệt.

Một góc pháo đài Đồng Đăng
Cú đánh trộm của "người anh em"

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Trần Hùng nhớ lại, trưa ngày 17, khi một người dân chạy đến đơn vị báo tin xe tăng Trung Quốc đã vào đến Nước Hai, Hòa An, thủ trưởng của ông còn lệnh cho lính "trói nó lại” vì cho rằng người này phao tin đồn nhảm.

Vì sao quân dân ta lại bị bất ngờ trước một cuộc tấn công toàn tuyến với quy mô 32 sư đoàn?

Nguyên Bí thư Cao Bằng, Vương Dương Tường, nhớ lại ở Cao Bằng hôm ấy, quân khu còn đưa các chỉ huy quân sự tỉnh về họp. Không ai biết Trung Quốc đánh mình. Ngay cả khi tiếng súng đã nổ vang từ hướng Hà Quảng, Thông Nông, trưởng ty Thủy lợi băn khoăn nói tiếng súng nhiều lắm, không biết súng ta hay súng địch. Một lãnh đạo Cao Bằng khi đó nói anh em cứ yên trí. Đó là súng mình.
.
 Nguyên Bí thư Cao Bằng, Vương Dương Tường,

Ông Tường thừa nhận: "Cơ bản nhất là bấy giờ không ai tin anh em đồng chí lại đánh nhau", ông Tường nói.

Cao Bằng bấy giờ vừa tách tỉnh. Đến 1 giờ đêm, pháo Trung Quốc bắn phá dồn dập. Sáng ngày 17.2, lính Trung Quốc đã đến chân đèo Minh Tâm. 2 tiếng sau, xe tăng chúng đã vào đến Cao Bình, rồi vào đến Nà Tàu. Pháo binh Trung Quốc dồn dập nã xuống Nà Tản.

Ngày 18.2, lính Trung Quốc đã vào đến Hòa An, Cao Bình. Đến ngày 19, khắp nơi đã bị đốt phá giết chóc.

“Ai cũng nghĩ là chỉ tranh chấp biên giới. Ai cũng chỉ xác định là giữ đất thôi. Tin là đồng chí với nhau, chỉ gây sự, chỉ ghen ghét thế thôi, ai nghĩ là sẽ đánh nhau” - ông Tường nói, và theo ông, 35 năm sau vẫn chưa hiểu nguyên nhân câu chuyện đã xảy ra.

Cho đến năm 1992, khi các cơ quan của Bát Xát, Lào Cai từ Mường Vi trở lại Bản Xèo thì “vẫn chỉ có cỏ may và đất đỏ”.

Chúng tôi trở lại Đồng Đăng, Lạng Sơn vào đúng ngày lễ Đền Mẫu, lễ lớn nhất Lạng Sơn, nằm ngay dưới chân pháo đài Đồng Đăng.

Từ 35 năm nay, mỗi dịp tháng hai, đại tá Triệu Quang Điện, Trưởng phòng cảnh sát truy nã Công an tỉnh Lạng Sơn vẫn đến đây thắp hương tưởng nhớ những người đồng đội của mình.

Ông Điện được phong Anh hùng lực lượng vũ trang sau cuộc chiến tranh biên giới 1979, và sau 35 năm, ông vẫn nhớ như in những cái tên Trần Văn Thái, Vi Văn Cao, những người đồng đội trong tổ tam tam và bữa cháo cơm nếp cuối cùng đêm 16.12.

Đào Tuấn
Nguồn: Một Thế Giới.

3 nhận xét :

  1. "Đồng chí với nhau, ai nghĩ sẽ đánh nahu", nhiều người vẫn tin tưủng như thế, nhưng nhìn lại lich sữ để xem Stalin và Mao Trạch Đông thanh toán các đồng chí của mình như thế nào, rồi trong vụ án " xét lại chống đảng" ngày đó. Những người tỉnh thức phải biết đâu là tuyên truyền và đâu là hiện thực trong tất cả mọi chuyện từ to đến nhỏ, và phải chịu khó tìm đọc thì mới biết đâu là thực hư- Trần Văn

    Trả lờiXóa
  2. Người Việt mình thường nói " Yêu nhau thi rào giậu cho kĩ " Cha con , anh chị em ruột còn có thể sát hại nhau, lôi nhau ra tòa . Còn đồng chí với nhau thì đừng nói là không đánh nhau, giết nhau khi đồng đô nặng hơn đồng chí . Đồng chí với nhau mà cứ hiếp nhau với những khẩu hiệu : 4 tốt, 16 chữ vàng rồi cầm bảng vàng đó mà nện nhau. Mà lại càng khốn nạn hơn khi đành anh liên tục bắt nạt đàn em và bắt đàn em im thin thít không được kêu .
    Các nước thường kí với nhau hiệp ước bất tương xâm, mà vẫn còn xé hiệp ước, đem quân xâm chiếm nhau . Đấy là có pháp lí rõ ràng còn cứ cái kiểu tình cảm thí dỗ nhau như 4 tốt với 16 vàng thì chỉ có đàn em là bị thiệt khi thằng anh quá tham lam. Cho nên VN CS với TQ CS muốn tôn trọng nhau thì kí hiệp ước bất tương xâm, tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ , chủ quyền độc lập của mỗi nước một cách bình đẳng. Khi có bất đồng thì giải quyết bằng thương thuyết hòa bình chứ đừng dậy cho nhau những bài học kiểu Đặng Tiểu Bình . Các vua chúa VN thời PK còn biết sòng phẳng với Trung Hoa hơn bây giờ . Xin phong vương rồi lễ vật biếu nhau hàng năm theo thỏa ước hai bên là xong, ngoài ra không có nay đòi cái này mai đòi cái kia. Vậy mà biên cương ngàn năm có bị xâm phạm rồi củng trở về như cũ . Rõ ràng mấy đàn anh TQ thời nay còn võ biền thô lỗ hơn các triều đại PK xưa ! TQ ngày nay xử lí bất đồng một cách hết sức man rợ, không có một chút văn mình nào cả , không xứng đáng với một đất nước vốn tự hào có 5 ngàn năm văn hiến . CSTQ chỉ thích võ lực !

    Trả lờiXóa
  3. Không bất ngờ sao được khi mà ngay cả tổng tư lệnh tạm quyền thay ông Giáp thời đó là Văn Tiến Dũng cũng bất ngờ bay sang Camphuchia trước khi bị TQ đánh (?).

    Trả lờiXóa