Chủ Nhật, 24 tháng 12, 2017

KHO TỪ VỰNG THẾ KỶ 17 TRONG "TRUYỆN ÔNG THÁNH INAXU"

 
 Truyện ông Thánh Inaxu, bản lưu tại Thư viện Quốc gia Pháp.

NGUỒN TƯ LIỆU TỪ VỰNG THẾ KỈ 17 - QUA KHẢO SÁT
TRUYỆN ÔNG THÁNH INAXU
Lã Minh Hằng*
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Linh mục J.Maiorica đã sử dụng chữ Nôm để truyền giáo. Từ năm 1632 đến năm 1656 ông đã viết đến 45 tác phẩm bằng chữ Nôm; hiện chỉ còn lại 15 tác phẩm với 4.200 trang, tổng cộng 1.200.000 chữ Nôm. Các tài liệu này là kho tư liệu vô giá về Ngôn ngữ học - là cứ liệu quan trọng để nghiên cứu chữ Nôm, nghiên cứu phương ngữ, từ vựng lịch sử và ngữ âm lịch sử tiếng Việt.
Ông thánh Inaxu là một trong hai ông tổ dòng Tên. Cùng với Truyện ông thánh Phanxicô Xavie, Truyện ông thánh Inaxu đã được giáo hữu Việt Nam biết đến rất nhiều. Truyện được viết bằng chữ Nôm, do cha Maiorica viết từ rất sớm. Trong bài tham luận này, chúng tôi sẽ khảo sát nguồn trữ lượng từ vựng cổ trong Truyện ông thánh Inaxu.

1. Đôi nét về văn bản
Truyện ông thánh Inaxu (TOTINX), của cha Maiorica, nguyên được viết bằng chữ Nôm. Bản gốc hiện còn lưu tại Bibliotheque Royale-Paris, cách xếp cũ đánh số Fourmont 377, cách xếp mới đánh số B16, dày 57 tờ, được viết năm 1634. Vì những lý do đặc biệt, chúng tôi chưa có điều kiện để được tiếp xúc với văn bản gốc ở Thư viện Quốc gia Pháp. Trong tham luận này, chúng tôi sử dụng tài liệu sao chụp từ văn bản gốc của Thư viện Quốc gia Pháp[1].
Bản gốc chữ Nôm gồm 57 tờ, tổng cộng 114 trang, trong đó có 1 trang bìa, còn lại 113 trang ghi nội dung chuyện. Mỗi trang gồm 9 dòng, mỗi dòng có 21 chữ Nôm. Chúng tôi đã phiên âm toàn bộ văn bản này ra tiếng Việt hiện đại. Toàn văn bản phiên âm Quốc ngữ hiện đại có 42 trang A4, gồm: 17.799 âm tiết (chữ), gồm: 85 đoạn văn bản.
2. Các số liệu tổng quan
2.1. Kết quả khảo sát từ trong văn bản
Một điều dễ nhận thấy khi khảo sát văn bản TOTINX, đó là: văn bản đã lưu giữ khá nhiều các đặc ngữ công giáo (chuyên dùng trong giáo hội), gồm thuật ngữ công giáo, các từ ghi tên người, tên đất gắn với lịch sử truyền giáo… Đáng kể hơn cả, TOTINX đã bổ khuyết cho chúng ta khá nhiều vốn từ vựng tiếng Việt cổ mà lâu nay, vì lí do này khác, các nhà nghiên cứu chưa có điều kiện giới thiệu. 
Qua sơ bộ khảo sát nhóm từ cổ trong văn bản TOTINX, chúng tôi đã thu thập được 174 từ cổ (trong đó, 1 âm tiết: 113 từ, 2 âm tiết: 61 từ). Thông tin này cho thấy mật độ dày đặc của các từ cổ trong văn bản: toàn văn bản có 85 đoạn và 42 trang, như vậy tính trung bình mỗi đoạn văn bản có 174/85 > 2 đơn vị từ cổ (mới); mỗi trang văn bản có 174/42 > 4 đơn vị từ cổ (mới) xuất hiện. Chúng tôi khảo sát tần suất sử dụng của các từ cổ trong văn bản TOTINX, cho thấy, số từ cổ chỉ xuất hiện 1 lần (gồm từ cổ 1 âm tiết và 2 âm tiết) chiếm đa số: với 75 từ. Một số từ cổ được lặp đi lặp lại nhiều lần trong văn bản như song le lặp lại đến 44 lần. Ngoài ra các từ như đã (nghĩa: đỡ) xuất hiện 29 lần, đoạn (nghĩa: “tức thì”) xuất hiện 29 lần, sinh thì (nghĩa: chết) xuất hiện 25 lần, trẩy (nghĩa: “đi xa”) xuất hiện 30 lần.
Chúng tôi đã thống kê lượt chữ (bằng cách: số lần x số từ. Ví dụ có 6 từ có tần suất sử dụng 4 lần = 24 lượt chữ). Kết quả toàn văn bản có 964 lượt chữ ghi từ cổ. Như vậy cứ 18,46 chữ thì có 1 chữ ghi từ cổ xuất hiện (17.799 chữ/964 lượt). Tuy nhiên, con số này chưa phản ánh được mức độ dày đặc của các ghữ ghi từ cổ trong tương quan với độ dài văn bản (do có từ cổ ghi bằng 2 âm tiết = 2 chữ Nôm). Vì vậy, để tính được chính xác số chữ ghi từ cổ trong văn bản, chúng tôi tiến hành thống kê tỉ mỉ hơn, ví dụ : 6 từ, tần suất 4 lần, trong đó 3 từ 1 âm tiết, 3 từ 2 âm tiết, kết quả 36 chữ ghi từ cổ. Theo công thức [3+(3x2)] x 4 =36.
Với cách làm này, toàn văn bản có 1.265 lượt chữ được dùng ghi từ cổ. Như vậy, cứ khoảng 14 chữ (Nôm) xuất hiện trong văn bản lại có 1 chữ dùng để ghi từ cổ (17.799 /1265 = 14,07 chữ).
2.2. Kết quả khảo sát qua so sánh với các bộ từ điển từ cổ hiện hành
Các kết quả khảo cứu từ nội dung văn bản nêu trên đã cho thấy TOTINX có mức độ sử dụng từ cổ khá dày đặc. Có rất nhiều từ cổ lại khá xa lạ với các bộ từ điển từ cổ hiện hành. Để chứng minh cho điều vừa nêu, chúng tôi tiến hành đối chiếu 174 từ cổ (của TOTINX) với những ghi nhận của 2 bộ từ điển từ cổ hiện hành[2]. Kết quả, có
78 từ cổ đều được TOTINX và Từ điển của Vương Lộc ghi nhận;
28 từ cổ đều được TOTINX và Từ điển của nhóm Nguyễn Ngọc San ghi nhận;
25 từ được cả TOTINX, Từ điển từ cổ của Vương Lộc và Từ điển từ Việt cổ của nhóm Nguyễn Ngọc San ghi nhận.
Có thể thấy: cả 2 bộ từ điển từ cổ hiện hành còn thiếu rất nhiều từ cổ (cụ thể ở đây là từ vựng thế kỉ 17, qua điều tra sơ bộ ở 1 văn bản của Maiorica-TOTINX). Xin nêu một vài minh hoạ cho các số liệu thống kê nêu trên:
a. Từ cổ chỉ thấy xuất hiện trong văn bản TOTINX, ví dụ các từ Lòi tói, Chùng (chữa chùng)… đều không được Vương Lộc và nhóm Nguyễn Ngọc San đưa vào bộ từ điển của mình. Xem chi tiết
       Chùng: là 1 từ không phổ biến, ngày nay đã hoàn toàn mất nghĩa. Các bộ từ điển của P.Của, của Genibrel, và của AJ.L.Taberd đều không ghi từ này. Duy chỉ có Tự vựng lịch sử chữ Nôm của Paul Schneider ghi “CHÙNG: chữa chùng. Soigner“, Soigner “chữa bệnh” [Từ điển Pháp-Việt]. Như vậy chữa chùng cũng được hiểu là chữa bệnh. Từ này được dùng trong TOTINX: Có bà kia tên là Bê-na-ri-na có một con gái phải tật nặng lắm, ở giữa cổ lở ra mà chữa chùng chẳng đã, chẳng biết thuốc gì nữa (tr.247-246).
b. Sự sai khác về nét nghĩa (qua đối chiếu với 2 bộ từ điển của Vương Lộc và Nguyễn Ngọc San), ví dụ minh họa: từ Săng (xăng)
Trong TOTINX, săng xuất hiện 2 lần, ở cả 2 lần đều được Maiorica dùng với nét nghĩa “hòm, quan tài” [A.de Rhodes], ví dụ: Đến ngày sau lại cất xác đi nơi khác trọng hơn, thì mở săng ra, thấy trong ấy những cái sao nhỏ sáng láng bay lên, xác người như ở trên trời vậy (tr.244); và Khi người ta thành Rôma có mắng tiếng ông thánh Inaxu đã qua đời, thì các dòng thầy cùng cả và thiên hạ đến đấy kính xác người, hôn chân tay cùng hôn cái săng người (tr.247).
Tuy nhiên, ở các từ điển, ngoài nét nghĩa này, săng còn chứa nét nghĩa khác là “gỗ, cây, ví dụ: săng cỏ (A.de Rhodes: cây và cỏ), Nhà săng (nhà cất bằng cây săng)”. Ngày nay, săng với nghĩa “gỗ” vẫn được dùng trong kết hợp: cây săng, nhà săng; ngược lại, săng với nghĩa “hòm, quan tài” trở thành nghĩa cổ, thường chỉ gặp trong những câu thành ngữ như: Hàng săng chết bó chiếu; hay Muốn ăn thì lăn vào bếp, muốn chết thì lết vào săng. Vương Lộc đã cấp cho săng 02 nghĩa: ① [Pakatan, Thà Vựng, Poong] gỗ; cây và ② quan tài. Thế nhưng, Nguyễn Ngọc San lại chỉ cấp cho săng 01 nghĩa “cây, gỗ”.
Qua đối chiếu với các bộ từ điển từ cổ hiện hành, đặc biệt là 2 bộ từ điển từ cổ (nêu trên), càng thấy rõ giá trị về phương diện Ngôn ngữ học mà TOTINX đem lại. Cùng với các văn bản Nôm khác của Maiorica, TOTINX sẽ là nguồn tư liệu bổ sung quý giá giúp cho việc biên soạn 1 bộ từ điển từ cổ trong tương lai.
Thay lời kết:
Khảo cứu từ vựng trong TOTINX cho thấy mức độ dày đặc của các từ cổ được sử dụng: mỗi đoạn văn bản có 174/85 > 2 đơn vị từ cổ (mới), mỗi trang văn bản có 174/42 > 4 đơn vị từ cổ (mới) xuất hiện. Nếu tính tần suất sử dụng của các từ cổ thì thấy, có một số từ có tần suất sử dụng khá lớn: song le lặp lại 44 lần, đã: 29 lần, đoạn: 29 lần, sinh thì: 25 lần, trẩy: 30 lần. Xét tần suất của các chữ Nôm dùng ghi từ cổ thì: cứ 14,07 chữ Nôm lại có 1 chữ dùng ghi từ cổ. Khảo cứu từ cổ trong tác phẩm qua so sánh với những ghi nhận của các bộ từ điển cổ cũng đã giúp cho ta có thể bổ chính khá nhiều cho những gì còn chưa được thu nạp đầy đủ trong các bộ từ điển cổ hiện hành.
Thời gian trôi đi, do nhiều nguyên nhân, khối tư liệu của J.Maiorica không còn được nguyên vẹn. Tuy nhiên, với trữ lượng 15 cuốn hiện còn, tổng cộng 4.200 trang văn bản cũng đủ cho chúng ta có được hình dung khá đầy đủ về diện mạo của từ vựng, ngữ âm và chữ Nôm thế kỉ 17. Đây thật sự là một kho báu mà các nhà truyền giáo đã trao lại cho chúng ta- những người nghiên cứu về tiếng Việt lịch sử./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
I. Sách tiếng Việt
[1] Đỗ Quang Chính, 1972, Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659, Tủ sách ra khơi, Sai Gòn.
[2] Nguyễn Quốc Dũng, 2009, Ngôn ngữ trong “Truyện các thánhcủa tác giả Maiorica – khía cạnh từ vựng và ngữ pháp, Khóa luận tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ, Trường Đại học Sư phạm Huế.
[3] Nguyễn Hưng, Lm, 2000, Sơ thảo thư mục Hán Nôm Công giáo Việt Nam, Lưu hành nội bộ.
[4] Thanh Lãng, 1961, Những chặng đường của chữ Quốc ngữ, Báo Đại học, số 1, trg 10-11
[5]. Vương Lộc, 1999, Một vài nhận xét bước đầu về ngôn ngữ trong Hồng Đức Quốc âm thi tập, Tạp chí Ngôn ngữ, số 4, tr. 3-10.  
              [6] Nguyễn Thị Tú Mai, 2012, Chữ Nôm và tiếng Việt thế kỉ XVII qua Thiên chúa Thánh giáo khải mông của Jeronimo Maiorica, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm, Hà Nội.
[7] Nguyễn Thế Nam, 2011, Vài nét về tình hình nghiên cứu Hán Nôm Công giáo, Thông báo Hán Nôm học (Bản thảo).
[8]  Nguyễn Văn Ngoạn, 2012, Khảo cứu văn bản Nôm Kinh những lễ mùa phục sinh của Maiorica, Luận văn Thạc sĩ, Học viện Khoa học xã hội.
[9] Nguyễn Ngọc San, 1993, Tìm hiểu về tiếng Việt lịch sử, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[10] George Schurhammer, Nền văn chương Công giáo về Phanxicô tại Việt Nam, (bản dịch Việt ngữ của Đỗ Văn Anh và Trương Bửu Lâm,2006), nguồn: www.dunglac.net
[11] Trần Khắc Toàn, 2005, Một vài nhận xét về chữ Nôm Công giáo in trong Nghiên cứu chữ Nôm, Kỷ yếu Hội nghị quốc tế về chữ Nôm, Hà Nội, 2006.
[12] Nguyễn Văn Trung, 2002, Góp ý với GS. Nguyễn Tài Cẩn về hai chữ sinh thì, Dịch thuật và lý luận dịch thuật, nguồn: www.dunglac.net.
II. Sách tra cứu (từ điển)
[13] P.de.Behaine, 1772, Dictionnarium Annamitico-Latinum.
[14] Huinh Tịnh Paulus Của, 1895, Đại Nam quốc âm tự vị, Sài gòn.
[15] J.F.M. Genibrel, 1898, Dictionnaire Annamite-Francais, Saigon in lại.
[16] Hardon, John A, 1985, Từ điển Công giáo phổ thông (bản dịch Việt ngữ), Tủ sách Toát yếu.
 [17] Vương Lộc, 2001, Từ điển từ cổ, Nxb Đà Nẵng-Trung tâm Từ điển bách khoa thư.
[18] Rhodes, A. de, 1651, Từ điển Annam - Lusitan - Latinh (bản dịch Việt ngữ của Thanh Lãng - Hoàng Xuân Việt - Đỗ Quang Chính), Viện Khoa học xã hội, TP Hồ Chí Minh,1991 in lại
[19] Nguyễn Ngọc San-Đinh Văn Thiện (đồng chủ biên), 2000, Từ điển từ Việt cổ, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
[20] Paul Schneider, 1991, Dictionnaire Historique des ideogrammes Vietnamiens (Tự vựng lịch sử chữ Nôm), R.I.A.S.E.M
[21] AJ.L.Taberd, 1838, Dictionarium Annamitico Latinum, Nxb văn học-Trung tâm nghiên cứu Quốc học in lại, 2004.
[22] Đặng Xuân Thành - Nhóm Chánh Hưng, 2008, Từ điển Công giáo phổ thông, Nxb Phương Đông.
[23] Nguyễn Đức Thông, 2011, Tự điển Công giáo 500 mục từ, Nxb Tôn giáo, Hà nội.
III. Tài liệu Hán Nôm
[24] Gieronimo Maiorica S.J, Kinh những lễ Mùa Phục sinh, quyển thứ ba, Lưu hành nội bộ, 2/2003.
[25] Gieronimo Maiorica S.J, Truyện ông thánh I-na-xu, Lưu hành nội bộ, 5/2003.



[1] Việc mô tả kĩ lưỡng về văn bản, các vấn đề về tác giả, người sao chép, chúng tôi sẽ giành cho một chuyên khảo riêng về tác phẩm này. Trong giới hạn bài tham luận, chỉ cho phép chúng tôi đi sâu khảo tả nội dung ghi chép trong văn bản (thể hiện qua ngôn ngữ văn tự ghi chép trong đó).
[2] Hai bộ từ điển là: Vương Lộc, Từ điển từ cố, Nxb Đà Nẵng- Trung tâm Từ điển học, 2001 và Nguyễn Ngọc San-Đinh Văn Thiện, Từ điển từ Việt cổ, Nxb Văn hoá thông tin, H.2010.

*PGS.TS Lã Minh Hằng
Viện Nghiên cứu Hán Nôm

20 nhận xét :

  1. Đúng là một kho báu về từ vựng Nôm, thế kỷ 17! Cám ơn PGS. TS. Lã Minh Hằng.

    Tuy không còn thuộc lòng 100% nhưng tôi vẫn nhớ những kinh (Công giáo) cũ mà ông bà cha mẹ tôi (gốc Quảng Trị) thường dạy chúng tôi đọc hồi nhỏ. Thành ra ngoài từ "chùng" trong "chữa chùng" thì tôi không biết, còn tất cả những từ vựng nêu trong bài tôi đều nhớ và đều hiểu cả. Thật là thú vị khi đọc bài báo cáo này. Một phần ký ức thơ ấu của tôi đang được đánh thức.

    Theo tôi:
    - chữ "đoạn", có lẽ nên bổ túc thêm nghĩa là "vừa xong" hoặc "vừa xong tức thì",
    - chữ "song le", có thể tương đương như chữ "tuy nhiên" mà ngày nay ta thường dùng,

    Riêng chữ "sinh thì" thì tôi nghĩ là trường hợp thú vị.
    Xưa có chữ "sinh thời", có nghĩa là "lúc sống", ý nói là thời gian (mà ai đó) còn sống. Trong kinh cổ Công giáo cũng có kiểu nói "thuở bình sinh", cũng có nghĩa như trên, tức là thuở còn sống.
    Thế tại sao "sinh thì" lại có nghĩa là chết? Mà theo tôi nhớ trong các bản kinh cổ, chính xác hơn thì phải hiểu là "giờ chết", "giờ lâm tử".
    Có lần tôi nghe một vị linh mục trong Ban Phiên dịch Kinh thánh cũng kể chuyện rằng cả ban đã khá bối rối về chữ này. Không lẽ người xưa có thể nhầm lẫn đến nỗi dùng từ chỉ sự sống, sự còn sống, để nói về sự chết, về giờ chết?

    Sau này khi ngẫm nghĩ lại thì tôi đoán như sau: rất có thể là đối với niềm tin Công giáo, chết không phải là... chết, mà là thời điểm khai sinh một cuộc sống mới, thời điểm của một cuộc "phục sinh". Mà đời sống mới sau cái chết này mới là đời sống đáng quý, đời sống vĩnh cửu, quan trọng và có ý nghĩa hơn gấp triệu triệu lần "trăm năm đời tạm dương thế" này. Phải chăng đó là lý do mà người Công giáo gọi giờ chết là "sinh thì"?

    Vì thích thú quá khi được đọc những bản Thông báo khoa học của Viện Hán Nôm năm nay, tôi mạo muội và bạo dạn chia sẻ mấy lời vụng về trên, có gì sai mong chư vị khách quý của hiên trà bác Tễu lượng thứ cho ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đây cũng là thắc mắc chung của nhiều người về ý nghiã của hai chữ Sinh Thì.
      Tôi thấy suy đóan của bác Không Sơn có phần hữu lý. Tôi đã đọc qua vài tác phẩm Nôm của Công Giáo, hai chữ Sinh Thì đã xuất hiện với tần số khá cao, dùng cho cả Đức Chúa Giê Su lẫn người thường. Để ủng hộ suy đóan của bác Không Sơn, tôi xin dẫn chứng: Đoạn thứ mười lăm là đoạn chót trong tác phẩm Tù Nhân Giám (tờ 66 cho đến hết quyển) với nội dung như sau: Đoạn thứ mười lăm dạy lẽ sự sống và vui thế gian là sự giả và bé mà thôi... Xin cám ơn Bác Tễu. Rất trân trọng ý kiến đóng góp của tất cả qúy vị...

      Xóa
  2. Những từ như săng ( quan tài ) , song le ( nhưng mà ) sinh thì ( qua đời ), đã đoạn ( xong rồi ) vẫn còn được dùng trong một số kinh sách CG như Sách Ngắm Mười Lăm Sự Thương Khó Đức Chúa Giêsu . Các linh mục thừa sai nước ngoài sau khi đã học hỏi, nghiên cứu ngôn ngữ người bản địa là người Việt lúc đó mới dám viết ra sách chữ Nôm cho giáo dân hiểu và đọc được các sách về giáo lí CG và các sách về đạo . Tôi chắc các ngài không dùng những từ lạ mà phải dùng chính xác những từ phổ thông đang phổ biến vào thời đó cho các bổn đạo ngừoi Việt dễ hiểu . Trong các kinh sách CG bằng chữ Nôm và tiếng Việt tk 17, 18 vẫn sử dụng nhưng từ nói về sự chết như lâm tử hay những từ tương đương với song le ( nhưng mà ), đã đoạn ( xong rồi ), chứng tỏ các vị thừa sai hiểu rất rõ tiếng Việt, không dùng sai các từ này .

    Trả lờiXóa
  3. Chùng: Người Huế miền quê vẫn còn dùng, có nghĩa là làm lén, làm vụng
    Săng: Người Huế miền quê vẫn còn dùng, có nghĩa là cái hòm hay gỗ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chân thành cảm ơn các ý kiến phản hồi. Xin cho tôi biết địa chị liên hệ (email. điện thoai, và đia chỉ gửi thư) để có thể học tập trao đổi thêm về vấn đề này.
      Địa chỉ của tôi:
      Lã Minh Hằng, Viện nghiên cứu Hán Nôm, 183 Đặng Tiến Đông Hà Nội,
      Email: lahang@gmail.com; điện thoại di động: 0982 354 426

      Xóa
  4. Thân gửi bạn Lã Minh Hằng! Về hai chữ SINH THÌ với nghĩa là CHẾT, tôi có giả thuyết như sau, khác hẳn các giả thuyết mà tôi đã đọc từ trước đến nay:
    - Hai chữ "sinh thì" được chú nghĩa là "chết" xuất hiện lần đầu tiên là trong từ điển A. de Rhode. Từ điển này lại tiếp thu từ điển trước đó của hai giáo sĩ đầu thế kỉ VXII (đã thất truyền).
    - Với nghĩa là "chết", hai chữ "sinh thì" chỉ xuất hiện trong các văn bản Thiên chúa giáo chứ không hề xuất hiện trong các văn bản tôn giáo khác.
    Ở đây, có vấn đề sai sót khi các cố đạo phương tây thời xa xưa làm từ điển. Sai sót của họ là khi tiếp xúc với cộng tác viên bản địa, họ nhầm "ngữ dụng" ra "ngữ nghĩa". Có thể hình dung vấn đề như sau:
    Hỏi: Sinh thì là gì?
    Trả lời: Lúc sống.Chỉ dùng để nói với người đã chết (Trả lời theo cách dùng = ngữ dụng).
    Các cụ cố đạo ta nghe tiếng Việt chỉ rõ đoạn sau: "dùng để nói với người đã chết" và tưởng đó là nghĩa nên chú luôn vào. Họ bị nhầm.
    Thế tại sao các thầy giảng người Việt thạo tiếng Việt vẫn dùng phổ biến?
    Có nhiều lí do:
    -Họ học và viết theo tinh thần tôn giáo: Cổ mẫu không được thay đổi. Tâm lí tôn giáo nào cũng thế.
    -Họ viết trao đổi với Tòa Thánh nên dùng nghĩa mà hai bên đều hiểu qua từ điển. (mà tốt nhất là qua Việt - Bồ - La của de Rhodes).
    -Họ dù có băn khoăn nhưng áp lực của từ điển lớn hơn. Tâm lí này đến nay vẫn còn ngay cả các nhà nghiên cứu. Cứ thấy từ điển cổ ghi là đưa làm dẫn chứng mà không suy xét điều kiện và trình độ các cụ Cố xưa. Các cách lí giải chữ TẠN, cách hiểu CUỘI là "tiếng vang", cách dẫn NƯỚC ĐÃ TẠN GỖ v,v, là tâm lí đó. Cụ Nguyễn Tài Cẩn còn ra gân cốt chứng minh "sinh thì" là "thăng thì" thì hết mực ngụy biện đến buồn cười.
    Khi chúng tôi đặt vấn đề nghiên cứu những trường hợp đặc dị trong từ điển liên quan đến tiếng Việt từ XIX trở về trước, đã phát hiện hàng loạt sai sót tương tự.
    Kết luận: Hiểu sinh thì là "chết" là do từ điển de Rhodes sai dẫn tới các văn bản của các thầy giảng sai, đồng thời, các từ điển sau này học theo cũng sai nốt. Nó không được coi là từ cổ đã chuyển nghĩa so với ngày nay. Nếu chúng ta hiên nay đi làm từ điển tiếng địa phương hoặc từ điển tiếng dân tộc chắc cũng nhiều sai sót như Tây xưa làm từ điển tiếng Việt. Coi mọi cái người ta làm là chân lí thì đó là tư duy nô lệ.

    Trả lờiXóa
  5. Trong tiếng khu tư, còn phổ biến từ "săng" để chỉ cỏ tranh (cỏ gianh), người ta phân biệt tranh rạ, tranh mía (lá mía), tranh nứa, tranh cọ, tranh săng... Còn chữ CHÙNG với nghĩa "bệnh" thì lạ lẫm đến nỗi chỉ đến ông người Pháp hiện đại Paul Schneider mới nói. Ông này chắc chắn đọc văn bản Truyện ông thanh INAXU mà hiểu nhầm thôi. Theo dõi ông chú giải Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi thì thấy ông này ngọng tiếng Việt phát kinh. (thế mà lắm người tin đấy). Là người Việt quan tâm nhiều đến từ cổ, tôi cho rằng từ CHỮA CHÙNG là một từ lấp láy cổ theo quán ngữ "ung hóa" như: "thẹn thùng", "ngượng ngùng", "lạnh lùng", "sượng sùng", "lạ lùng", "bão bùng", "bập bùng", "vẫy vùng" (vốn đã thịnh hành trong văn bản đương thì). "Chữa chùng" là chữa đi chữa lại, lâu rồi mà không khỏi (một trong những chứa năng diễn đạt của từ lấp láy). Như vậy, coi nó là một từ đơn mất nghĩa là dựa vào một ông Tây ngọng để quan sát tiếng Việt bạn Hằng thân mến ạ. Giả thuyết của tôi (từ lấp láy ung hóa) thuyết phục hơn. Không cần đi tìm lai nguyên (vốn không có) của nó

    Trả lờiXóa
  6. Trần Trọng Dươnglúc 09:46 30 tháng 12, 2013

    Bổ sung một số tư liệu về SĂNG để quý vị xem xét:
    http://trantrongduong.blogspot.com/2012_07_01_archive.html


    Về mặt từ nguyên, thì "săng" có lẽ là một từ gốc Nam Á, ( có loại cây gọi là Săng lẻ ở Tây Nguyên?). Tiếng Mường có các từ chỉ gỗ như "kơn, gỗ, săng"[xem Nguyễn Văn Tài 2006: 225].
    Từ điển "Chỉ Nam ngọc âm" thế kỷ XVI-XVII ghi: "MAO THỨ: tranh săng lợp qua" (26a), "LUÂN TÀI: thợ khéo chọn săng" (tr.34b), "MỘC TƯỢNG: tạc làm tượng săng" (44b), "ÁP MỘC: khéo tiện cây đầu nên săng"(63a).
    Từ điển của A de RHodes ghi: "săng: gỗ, cây. Gỗ: cùng một nghĩa. săng cỏ: cây và cỏ. Blanh săng: tranh dùng để lợp nhà, nhưng không phải là rơm lúa" [tb1994: 201].

    Sách "Lý hạng ca dao" thế kỷ XIX ghi: "đục đến chạm, chạm đến săng" (3b)

    Từ nghĩa này nên mới có, "săng" là trỏ cái hòm bằng GỖ để chôn người chết,
    kiểu như chữ "tầu sáu ván" của ta ngày nay.
    Từ điển của A de RHodes ghi: "Săng: hòm, săng dùng để chôn người chết. Cái săng, cái quan: cùng một nghĩa. Áo săng: tấm vải phủ hòm, săng" [tb1994: 201].
    Từ điển của Huình Tịnh Của cuối tkXIX ghi

    "săng: hòm chôn người ta. Muốn ăn thì lăn vào bếp, muốn chết thì lết vào săng: muốn cho có mà ăn thì phải chịu khó nhọc"[tr.900]. Từ đển Tự Đức thánh chế cũng ghi nhận "cái săng" (q.IV, tr 19b)
    "Việt Nam tự điển" của hội Khai trí Tiến Đức ghi cả hai nghĩa, trong đo có bổ sung một số ngữ liệu: "hàng săng chết bó chiếu" t.ng, "Bán hàng như bán hàng săng, ai mua thì bán chẳng rằng mời ai" cd. (1931: 485.)

    Từ thế kỷ XV về trước, có lẽ từ SĂNG là một từ có tổ hợp phụ âm đầu,
    đọc là *khlăng.
    Cứ liệu để đi đến nhận định này là hai dạng chữ Nôm dùng thanh phù "lăng棱" và thanh phù "khang 康".
    Lưu tích của nó hiện còn trong từ "khăng" (trò chơi của trẻ em, dùng các đoạn GỖ mà đánh). "Đánh khăng" là "đánh gỗ" vậy.
    Phương ngữ Bình trị Thiên có săng (gỗ) [Võ Xuân Trang 1997: 264]

    như vậy, câu "bật săng văng tiểu" nghĩa là "bật nắp quan tài và quật tiểu lên",
    Câu này liên quan đến "văn hóa quật mả":), trong các cuộc chiến tranh, đều có hiện tượng này, Ví dụ như vua Trần Nhân Tông sau chiến thắng quân Nguyên về thăm lăng mộ, thái miếu đã từng thốt rằng: "xã tắc hai phen chồn ngựa đá" (ngựa ở lăng mộ). cái này cần khảo thêm các tư liệu ở Đại việt sử ký toàn thư và các bộ sử khác.
    Hay việc nhà Nguyễn quật mả Quang Trung, Ngọc Hân,...
    những việc như thế rất nhiều.

    Trả lờiXóa
  7. Thành ngữ Nghệ An nói: "Đục đánh chạm, chạm đánh khăng". Như vậy trong tiếng Việt cổ KHĂNG, GĂNG, SĂNG giao thoa phụ âm đầu. Tuy nhiên, tiếng Nghệ đương đại cũng phân biệt mạch lạc:
    Khăng: Que (thường bằng cây găng là tốt nhất) dùng trong trò chơi đánh khăng.Ngoài ra nghĩa khăng khít, khăng khăng...thì dùng như phổ thông.
    Săng: có các nghĩa:1, quan tài, 2. cây cỏ tranh, 3, săng dầu (vốn trước dây người Nghệ không phát âm "xăng").
    Găng: Cây găng, một loại cây có gai cùng họ với ổi, săng lẻ. Hai chữ "săng lẻ" là từ dùng cả mường, cả bắc bộ. Người mường cổ gọi là cây "khăng khưa". Còn "găng" với nghĩa căng thẳng, gay go thì người Nghệ xưa có xu hướng phát âm "căng".
    Như vậy, giữa "găng" và "khăng" có quan hệ chặt hơn. "Săng" là cỏ tranh giàu yếu tố bản địa. "Săng" là quan tài nghi là nhập ngoại (nghi thôi), từ "sàng" hoặc gì đó tương tự của Hán chăng.

    Trả lờiXóa
  8. Trần Trọng Dươnglúc 15:34 30 tháng 12, 2013

    @ bác Nặc danh:

    Săng (quan tài) khó mà là gốc Hán lắm.
    Ở đây nên để ý đến sự đối lập cặp đôi về gốc từ vựng.
    Ví dụ: cặp Việt Hán như:

    chuối (Việt) - tiêu (Hán)
    mang (Việt)- tai (Hán)
    .....
    hòm săng (Việt)- quan tài (Hán).

    Kính!

    Trả lờiXóa
  9. Bác Nặc danh mến,

    Bác nói có lý phần nào về nguồn gốc của sinh thì, tuy nhiên theo giáo sĩ Gustave Hue trong Dictionnaire annamite-chinois-francais (1937) trang 838

    sinh thì temps de la vie (lúc sống)


    Nhớ rằng Gustave Hue dựa vào các nguồn tài liệu (ghi trong trang 4) Truyện Ông Thánh Aocutinh, tự điển của Génibrel (Dictionnaire annamite-francais, 1898), Taberd (1838) ...

    sinh thì mourir (chết, động từ) (Génibrel)
    ...
    sinh thì fato concedere (chịu cho số phần) (Taberd)
    ...

    Như vậy là giáo sĩ Gustave Hue (A) hàm ý là không chấp nhận cách hiểu sinh thì từ trước!

    Trở lại với thời VBL, giáo sĩ Alexandre de Rhodes ghi nhận ít nhất là 9 từ độc lập dùng để chỉ chết

    Chết
    Mất
    Toi
    Tử
    Xong chân xong tay
    Về quê
    Qua đời
    Sinh thì
    Tắt nghì, tắt hơi
    ...
    (không kể các động từ kép như chết lụn, chết lích, chết rũ ...)

    Phải chăng là cách dùng sinh thì mang tính chất (kiêng cữ) mỹ hoá (làm cho đẹp)(B)? Thay vì nói chết đi (bi quan) thì nói trại ra là lúc còn sống (lạc quan)? Tôi có đọc lại "Phép Giảng Tám Ngày" thì thấy các từ chết, sinh thì, tử ... được dùng theo thứ tự này - hay tần số dùng là 184/52256, 12/52256, 3/52256 ... Một nhận xét là sinh thì (động từ) dùng cho những người mà ta thờ cúng như ông bà, cha mẹ ...


    Vài hàng vắn tắt trao đổi

    Nguyễn Cung Thông

    (Home) +61395613678 (Mobile) 0422874335

    (A) giáo sĩ Gustave Hue rất tinh thông Hán ngữ, Việt ngữ và còn học tiếng Mường để phục vụ sứ mạng truyền giáo
    (B) tôi cũng có đọc một cuốn sách viết về trên ngàn chữ dùng trong tiếng Việt chỉ cho (động từ) chết ... Lâu quá tôi quên tên tác giả và tên sách!

    Xin lỗi các bạn tôi phải dùng Ẩn Danh mới vào phần trao đổi này

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào bác
      Em đã có thư riêng trả lời bác rồi ạ, Bác xem thư nhé
      Cảm ơn các bác đã rất quan tâm đến bài của em
      LMH

      Xóa
  10. Thêm vào một cách nhìn khác về nghĩa của "sinh thì" so với nghĩa lúc (còn) sống đã ghi nhận bên trên.

    Vấn đề phương ngữ mà cha Maiorica đã dùng (qua cách ký âm bằng chữ Nôm, theo ý chị LM Hằng) rất đáng chú ý, không những thế mà có thể phải nhìn rộng ra hơn đến những phương ngữ ở miền Nam Trung Hoa thời đó - thí dụ như Quảng Đông hay Ma Cao ... Cha Maiorica lại có thể bị ảnh hưởng của các tài liệu giảng kinh qua chữ Hán (như các cuốn Thiên Chủ Thực Lục và Thiên Chủ Thực Nghĩa của giáo sĩ tiền bối Matteo Ricci)... Thành ra, Alexandre de Rhodes có thể đã ghi nhận khá trung thực trong VBL qua ba mục ghi lại cách dùng (và nghĩa) của chữ sinh


    sinh, sống
    sinh đẻ
    sinh, lên ---> sinh thì

    Như vậy liên hệ giữa sinh và lên là như thế nào? (A)

    Chữ thăng 升 (thanh mẫu thư 書 vận mẫu chưng 蒸 bình thanh, khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết


    識蒸切 thức chưng thiết (TVGT, ĐV, QV)
    書蒸切,音陞 thư chưng thiết, âm thăng (TV, VH)
    舒丞切 thư chưng thiết (NT, TTTH)
    式呈切,音聲 thức trình thiết, âm thanh/thinh (TVi)
    尸羊切,音商 thi dương thiết, âm thương (TVi)
    方中切,音風 phương trung thiết, âm phong/phúng (TVi, CTT)
    審征切,音聲 thẩm chinh thiết, âm thanh/thinh (CTT)
    ...v.v...


    Giọng Bắc Kinh bây giờ là shēng so với giọng Quảng Đông sing1 và các giọng Mân Nam 客家话:[梅县腔] shin1 [海陆丰腔] shin1 [客英字典] shin1 [东莞腔] sin1 [客语拼音字汇] sin1 [宝安腔] sin1 [沙头角腔] sin1 [台湾四县腔] siin1 [陆丰腔] shin1 潮州话:sêng1 (seng).
    Dựa vào cách phiên thiết của TVi (Tự Vị/1615) và CTT (Chánh Tự Thông/1670), ta có thể thấy một dạng âm trung cổ của thăng là *sinh (bình thanh), cũng như một số giọng miền Nam Trung Hoa. Để ý thêm là các giọng khu vực Nam Định và Thái Bình vẫn lẫn lộn giữa s và th (VBL còn ghi sóc tlán là sói tlác, sóc chính là một dạng của thốc 秃, sặp là một dạng biến âm của tháp 榻)
    …v.v…

    Vài hàng vắn tắt/gợi ý

    Nguyễn Cung Thông

    (Home) +61395613678 (Mobile) 0422874335

    (A) xin bác Nặc Danh (hay bác nào có biết qua) cho biết thêm chi tiết về cách giải thích "sinh thì" và "thăng thì" của cụ Nguyễn Tài Cẩn được không ạ? (như bác Nặc danh đã nói ở trên 28/12/2013)

    Trả lờiXóa
  11. Để tránh lan man chủ đề, xin được tóm tắt các trao đổi về tổ hợp từ sinh thì/ST đại khái theo dòng thời gian


    1. Tần số dùng ST khá cao trong Truyên Ông Thánh Inaxu/1637 [27/12/2013 - Lã Minh Hằng/LMH]

    2. Tần số dùng của ST là 12/52256 so với chết (184/52256) và tử (3/52256) trong Phép Giảng Tám Ngày/1651 [30/12/2013 Nguyễn Cung Thông/NCT]

    3. ST có thể hiểu theo kiểu 'phục sinh', chết nhưng lại là sống một đời sống hoàn hảo hơn theo niềm tin Công Giáo [27/12/2013 Không Sơn]

    4. ST có thể do sự lẫn lộn giữa ngữ nghĩa và ngữ dụng, các giáo sĩ đã hiểu lầm [28/12/2013 Nặc Danh/ND](A)


    5. Các giáo sĩ khó dùng sai nghĩa khi viết ra sách giảng giáo lí bằng chữ Nôm và chữ Quốc Ngữ [28/12/2013 Nam Bộ/NB]

    6. ST có thể là một cách dùng kiêng (mỹ từ, một cách nói trại hay gián tiếp chỉ chết trong nhiều cách nói), VBL (1651) từng ghi nhận các từ mất, chết, tử, toi, sinh thì, xong chân xong tay, về quê, qua đời, tắt nghì/tắt hơi ... [30/12/2013 NCT]

    7. ST có thể liên hệ đến Thăng Thì, theo cụ Nguyễn Tài Cẩn [28/12/2013 theo lời thuật lại của ND](B)

    8. Sinh trong ST có thể là cách đọc trung cổ của thăng (*sing/sinh) , dựa theo phiên thiết và một số phương ngữ Nam TQ như Quảng Đông, Mân Nam [31/12/2013 NCT]

    9. Sinh Thì nghĩa là chết vì đọc theo âm Bắc Kinh shēng, giống như thăng [3/1/2014 NCT trích ra từ bài viết của Nguyễn Long Thao 30/3/2012](C)

    Vài hàng cùng chia sẻ, hi vọng các ý kiến khác để thêm phong phú ...

    Nguyễn Cung Thông

    (A) phạm trù nghĩa rộng của ST có thể thấy trong VBL khi Alexandre de Rhodes ghi ST : giờ lên, đã sinh thì : chết, dựa vào cách dùng của quần chúng (ab Ethnicis) hàm ý chết của người Ki-Tô là lên với Chúa ... Tuy nhiên, trong phần mục lục (bằng tiếng La Tinh, chỉ các trang liên hệ) thì VBL lại không thấy chỉ trang dùng ST mà lại chỉ các trang dùng từ chết, mất, toi, qua đời, về quê ... cho thấy chính Alexandre de Rhodes cũng không quen dùng ST! Tới thời giáo sĩ Béhaine (1772), ta cũng thấy hai định nghĩa của ST (a) fato concedere (số phần an bài/chịu theo số phận (b) mori (chết). Số phần an bài có thể là chết hay có thể còn sống nhưng cuộc đời không theo ý của mình muốn ... Giáo sĩ Taberd (1838) cũng chép lại hai nghĩa trên từ Béhaine, nhưng tới thời giáo sĩ Gustave Hue (1937) thì ông chỉ ghi ST là temps de la vie (lúc sống) so với chết, tử (mourir, mort). Các học giả Petrus Trương Vĩng Ký (1884) và Paulus Huỳnh Tịnh Của (1895) đều ghi ST là chết, cũng như P. G. Vallot (1898/Hà Nội) và Génibrel (1898/SaiGon).

    (B) Bác nào có chi tiết về liên hệ ST và Thăng Thì theo GS Nguyễn Tài Cẩn xin thông tin thêm (như lời thuật của ND)

    (C) Bài viết "Tại sao người Công Giáo hiểu Sinh Thì là chết mà không phải là sống?" (30/3/2012) tác giả Nguyễn Long Thao, đăng trên mạng Conggiao.info trang này http://conggiao.info/news/2147/6461/tai-sao-nguoi-cong-giao-hieu-sinh-thi-la-chet-ma-khong-phai-la-song.aspx

    Trả lờiXóa
  12. (thông tin thêm)

    Sinh thì 生時 đã từng hiện diện trong văn bản Hán cổ (bây giờ rất ít dùng trong tiếng Trung/Quốc) với các nghĩa là ngày-tháng-năm sinh hay lúc còn sống (như sinh tiền)(A). Có nhiều cách giải thích về "hiện tượng sinh thì" (nghĩa là chết) trong các tài liệu công giáo trong tiếng Việt như

    1. Dùng nhầm
    2. Phạm trù nghĩa rộng: cách dùng mỹ từ (uyển ngữ) - thời VBL (1651) như

    Chết
    Mất
    Toi
    Tử
    Xong chân xong tay
    Về quê
    Qua đời
    trút linh hồn
    Sinh thì
    Tắt nghì, tắt hơi
    ...
    (không kể các động từ kép như chết lụn, chết lích, chết rũ ...v.v...)

    3. Phạm trù nghĩa thay đổi theo thời gian (xem các trao đổi trước)
    4. Một cách hội nhập (phản ứng) của các giáo sĩ Công giáo tiên phong khi phải giải thích về sự chết (so sánh với khái niệm vãng sinh của Phật giáo đã có trước đó hàng ngàn năm chẳng hạn)
    5. Sinh là âm trung cổ của thăng - sau đây là hai cách nhìn (để đưa đến cùng một kết quả) của

    Nguyễn Cung Thông

    (A)Sinh thì có các nghĩa (theo văn bản Hán cổ)
    1.出生的年、月、日、时。 宋 秦观 《望海潮》词之四:“但恐生时注著,合有分于飞。” 许地山 《凶手》第一幕:“上面写的是大哥底生时本命。"
    2.活着的时候;生前。 元 武汉臣 《老生儿》第三折:“他今死了,也道的个生时了了,死后为神。”《廿载繁华梦》第三回:“大人生时,曾説过有三十来万带回京去。”
    1. xuất sinh đích niên、 nguyệt 、 nhật、 thì。 Tống Tần Quan 《 Vọng hải triều》từ chi tứ:“ đãn khủng sinh thì chú trứ, hợp hữu phân vu phi。” Hứa địa san 《 hung thủ》 đệ nhất mạc: “ thượng diện tả đích thị đại ca
    để sinh thì bổn mệnh。”   
    2. Hoạt trứ đích thì hậu; sinh tiền。 Nguyên Vũ Hán Thần 《 Lão sinh nhân》 đệ tam chiết:“ tha kim tử liễu , dã đạo đích cá sanh thì liễu liễu, tử hậu vi thần。”《 Nhập tái phồn hoa mộng》 đệ tam hồi:“ đại nhân sinh thì , tằng thuyết quá hữu tam thập lai vạn đái hồi kinh khứ。” 

    Trả lờiXóa
  13. 5.1 Nguyễn Tài Cẩn
    '... Vậy thì, cuối cùng, nên giải thích như thế nào về lai nguyên của cách nói sinh thì ? Đâu là cái lí do làm cho bên Công giáo, sau khi mượn cách nói thăng của bên Lương, đã đi đến kết quả là đổi nó thành sinh ? Trong tình hình nghiên cứu hiện nay, thiết nghĩ có lẽ cũng chưa có thể có một câu trả lời thực sự dứt khoát được. Điều chúng ta có thể nghĩ đến trước tiên là có lẽ xưa đã có một sự vô tình nhầm lẫn nào đấy rồi sau sự nhầm lẫn ấy cứ truyền rộng mãi ra. Bởi vì, như kinh nghiệm cho thấy, hiện tượng nhầm lẫn là một hiện tượng rất thường gặp trong ngôn ngữ. Ở Hán Việt, chữ ảo vốn là chữ huyễn (hoãn, hoạn) đọc nhầm mà thành, vì có tự dạng gần gần như chữ ấu ! Và nay thì ai cũng nhất trí rằng đó là ảo : ảo tưởng, ảo mộng, ảo giác, ảo ảnh v.v. Ở Chữ Nôm cũng vậy : chữ mắng với nghĩa là " nghe " bị đọc nhầm thành mảng và nay thì tượng mảng, mảng tin, mảng tiếng đuợc hoàn toàn thừa nhận. Ví dụ : " Mảng tin xiết nỗi kinh hoàng ", " Sảnh đường mảng tiếng đòi ngay lên hầu "...

    Có thể có 2 khả năng nhầm lẫn : nhầm ở khâu ghi chép và nhầm ở khâu đọc.

    a) Nếu là do chép nhầm thì chắc sự chép nhầm đã xẩy ra vào thời kỳ còn dùng văn bản Nôm. Nhưng khả năng này xác suất không cao : vì tự dạng của chữ thăng và chữ sinh khá khác nhau, khó xẩy ra chuyện nhầm lẫn.

    b) Khả năng do đọc nhầm thì phần nào có cơ sở hơn.

    1. Như giới Hán học cho biết, vào khoảng đời Đường, thăng và sinh là 2 chữ phát âm rất khác nhau : thăng thuộc thanh mẫu " thư " , vận bộ " chưng " ; sinh thuộc thanh mẫu " sinh ", vận bộ " canh ". Sang Hán Việt, sự khác nhau đó được bảo lưu cho đến tận ngày nay.

    2. Nhưng ở Trung Quốc thì khác. Theo Giáo sư Vương Lực cho biết, từ cuối Đường, đầu Tống thanh mẫu " thư " nhập một vào thanh mẫu " sinh " ; và đến thế kỉ 14 thì Trung nguyên âm vận cũng cho thấy 2 vận bộ " canh ", " chưng " đồng quy. Đây chính là lí do vì sao ở Bạch thoại ngày nay thăng đọc thành /sheng/ như sinh. Hiện tượng đồng âm hoá này, theo B. Karlgren, phổ biến rất rộng.

    3. Các giáo sĩ thế kỉ 16, 17 trước khi đến Việt Nam truyền giáo thường phải kinh qua Trung quốc một thời gian. Rất có thể do thói quen đọc thăng thành /sheng/ như sinh học được ở Trung quốc, khi mới vào Việt Nam họ cũng đọc như vậy và đưa cách đọc đó vào các buổi giảng đạo, các tài liệu giảng đạo.

    4. Mà giáo dân thì luôn luôn có tâm lí rất tôn trọng các đấng bề trên, rất tuân thủ theo kinh bổn : mãi đến ngày nay nhiều vùng giáo dân vẫn nói " Đức Chúa Lời " thay vì " Đức Chúa Trời " hay " Đức Chúa Giời ". Trong một tình hình như vậy dễ hiểu vì sao cách nói nhầm thăng thì thành sinh thì phát sinh mấy thế kỉ về trước vẫn còn bảo lưu được mãi cho đến tận từ điển Génibrel và Huỳnh Tịnh Của.

    6 Đến đây kể ra cũng đang còn một vấn đề nữa cần làm sáng tỏ : đó là vấn đề vì sao sinh thì, với kết cấu động + danh của một danh ngữ lại thường được dùng ở cương vị như một động từ ? Nhưng thiết nghĩ đó là một vấn đề hơi xa trọng tâm của bài này, vì vậy xin được để dành riêng cho một dịp khác.

    Nguyễn Tài Cẩn


    (*) bv là kí hiệu tạm dùng để thay chữ " b có đuôi " của A. de Rhodes...' (hết trích)

    Trả lờiXóa
  14. 5.2 Nguyễn Cung Thông


    5.2.1 Vấn đề phương ngữ mà cha Maiorica đã dùng (qua cách ký âm bằng chữ Nôm, theo ý chị LM Hằng) rất đáng chú ý, không những thế mà có thể phải nhìn rộng ra hơn đến những phương ngữ ở miền Nam Trung Hoa thời đó - thí dụ như Quảng Đông hay Ma Cao ... Cha Maiorica lại có thể bị ảnh hưởng của các tài liệu giảng kinh qua chữ Hán (như các cuốn Thiên Chủ Thực Lục và Thiên Chủ Thực Nghĩa của giáo sĩ tiền bối Matteo Ricci)... Thành ra, Alexandre de Rhodes có thể đã ghi nhận khá trung thực trong VBL qua ba mục ghi lại cách dùng (và nghĩa) của chữ sinh


    sinh, sống
    sinh đẻ
    sinh, lên ---> sinh thì


    Như vậy liên hệ giữa sinh và lên/thăng HV là như thế nào?

    Chữ thăng 升 (thanh mẫu thư 書 vận mẫu chưng 蒸 bình thanh, khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết


    識蒸切 thức chưng thiết (TVGT, ĐV, QV)
    書蒸切,音陞 thư chưng thiết, âm thăng (TV, VH)
    舒丞切 thư chưng thiết (NT, TTTH)
    式呈切,音聲 thức trình thiết, âm thanh/thinh (TVi)
    尸羊切,音商 thi dương thiết, âm thương (TVi)
    方中切,音風 phương trung thiết, âm phong/phúng (TVi, CTT)
    審征切,音聲 thẩm chinh thiết, âm thanh/thinh (CTT)
    ...v.v...


    Giọng Bắc Kinh bây giờ là shēng so với giọng Quảng Đông sing1 và các giọng Mân Nam 客家话:[梅县腔] shin1 [海陆丰腔] shin1 [客英字典] shin1 [东莞腔] sin1 [客语拼音字汇] sin1 [宝安腔] sin1 [沙头角腔] sin1 [台湾四县腔] siin1 [陆丰腔] shin1 潮州话:sêng1 (seng).
    Dựa vào cách phiên thiết của TVi (Tự Vị/1615) và CTT (Chánh Tự Thông/1670), ta có thể thấy một dạng âm trung cổ của thăng là *sinh (bình thanh), cũng như một số giọng miền Nam Trung Hoa. Để ý thêm là các giọng khu vực Nam Định và Thái Bình vẫn lẫn lộn giữa s và th (VBL còn ghi sóc tlán là sói tlác, sóc chính là một dạng của thốc 秃, sặp là một dạng biến âm của tháp 榻)
    …v.v…

    5.2.2 Chữ sang 瘡 (thanh mẫu sơ 初 vận mẫu dương 陽 bình thanh, khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết


    初良切 sơ lương thiết (QV, TV, VH, LT)
    楚羊切 sở dương thiết (NT, TTTH)
    楚莊反 sở trang phản (LKTG)
    初亮切 sơ lượng thiết (QV)
    磢霜切 sưởng/sang sương thiết (TV, LT)
    刅良切 sang lương thiết (LTCN)
    初莊切, 音窻 sơ trang thiết, âm song (TVi)- song 窗 đọc là chuāng (giọng BK bây giờ) cũng như sang 瘡 đọc là chuāng
    楚莊切, 音窗 sở trang thiết, âm song (CTT)
    ...v.v...

    Giọng BK bây giờ là chuāng (theo pinyin) so với giọng Quảng Đông cong1 và các giọng Mân Nam 客家话:[台湾四县腔] cong1 [客英字典] cong1 [陆丰腔] cong1 [梅县腔] cong1 [沙头角腔] cong1 [宝安腔] cong1 [海陆丰腔] cong1 [客语拼音字汇] cong1 [东莞腔] cong1

    Trong VBL (1651) ghi vị sang 味瘡 là loại thuốc độc regalzar, aconitum (khoáng sản có chất độc arsenic). Một điểm đáng chú ý là chỉ có VBL mới ghi một cách đọc khác của vị sang là vị thang - các tài liệu sau đó như Béhaine (1772), Taberd (1838) ... cho đến nay đều ghi cách đọc vị sang. Điều này cho thấy khả năng lẫn lộn giữa phụ âm đầu lưỡi xát s và phụ âm đầu lưỡi tắc th- vẫn còn hiện diện vào thời VBL dù rằng hiếm hoi.

    Tóm lại ta có cơ sở liên hệ sinh (trong sinh thì/VBL) và thăng (như thăng thiên/VBL).


    Vài hàng cùng chia sẻ

    Nguyễn Cung Thông

    (Home) +61395613678 (Mobile) 0422874335

    Trả lờiXóa
  15. Cụ Nguyễn Tài Cẩn có lẽ không biết rằng Đắc Lộ đã dịch sát 生時 là giờ lên, đúng nghĩa Hán đấy chứ (xin xem lại nghĩa của 生 trong Thuyết văn...) . Không có chuyện dùng sai, trại chữ, âm đọc từ 升 ra 生..
    Majorica dùng SINH THÌ lần đầu tiên, làm sao có chuyện do Đắc Lộ dùng sai sau đó mù quáng tin theo.
    Cần phải tìm ra bằng chứng từ người ngoài Công Giáo (Việt hay các dân ngụ cư) đã từng sử dụng đại khái "sinh thì" hay một âm nào đó tương tự.

    Trả lờiXóa
  16. Bác ND có phần chính xác, tuy nhiên tôi nghĩ có vài điểm cần phải chú ý về vấn đề này:

    1. "Kỹ nghệ" dùng chữ diễn tả sự (cái) chết


    Thời VBL (1651) ta đã thấy các cách dùng độc lập như chết, mất, toi, tử, xong chân xong tay, về quê, qua đời, sinh thì, tắt nghỉ/tắt hơi, trút linh hồn, chẳng còn, sang (bà sang ~ bà chết) ... Sau thời VBL lại còn cách dùng mông triều (mong triều) chỉ cái chết cho thấy quán tính rất lớn của Hán Việt (đặc biệt là giới "biết chữ", chữ quốc ngữ trong thời kỳ phôi thai).


    2. Trong tự điển VBL, sinh thì dùng hai lần - mục sinh (lên - trang 688) và mục rước (đức Chúa trời rước ~ sinh thì, trang 661). Các tác giả viết về sinh thì trước đây (Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Long Thao ...)đều không nhìn thấy mục rước (trang 661 và liên hệ sinh thì), để thấy rõ nghĩa của sinh thì hơn và đỡ phải đi lạc đề!


    Vài hàng cùng chia sẻ

    Nguyễn Cung Thông

    Trả lờiXóa
  17. Nếu tác giả Lã Minh Hằng muốn có thể liên lạc với nhóm "Các Giờ Kinh Phụng Vụ" của cha Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh là nhóm toàn những chuyên gia phụ trách phiên dịch và in ấn các sách về Phụng Vụ và Kinh Thánh của giáo hội Công Giáo Việt Nam. Đây là những người thật sự có nhiều kiến thức uyên thâm về ngôn ngữ "nhà đạo" cũng như lịch sử giáo hội CG Việt Nam mà ai cần nên tìm đến mà học hỏi. Riêng tôi, chỉ cần nhìn cuốn tự điển Bồ-La-Việt cả trăm năm tuổi của nhóm này ở địa chỉ Sài Gòn (58/1 Phạm Ngọc Thạch, Quận 3) là tôi thấy bị cuốn hút rồi !
    https://ktcgkpv.org/

    Trả lờiXóa