Chỉ phản đối suông thì không có hiệu quả
Bauxite Việt Nam
Như ta biết, vừa qua, Trung Quốc có thêm
một hành động leo thang có tính toán: cho in lên loại hộ chiếu mới phát
hành của họ hình bản đồ lưỡi bò liếm trọn biển Đông, vi phạm trắng trợn
chủ quyền biển đảo của nhiều quốc gia ASEAN và đã bị nhân dân trong khu
vực cũng như nhiều nước trên thế giới phản đối từ nhiều năm nay. Vụ
việc nói trên lộ ra khiến dư luận trong nước trở nên sôi sục. Thay mặt BVN,
GS Nguyễn Huệ Chi có cuộc trao đổi thân tình với Luật gia Lê Hiếu Đằng,
nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM, xung quanh câu
chuyện đang làm nhiều người hết sức quan tâm.
Nguyễn Huệ Chi: Thưa
anh Lê Hiếu Đằng, trong vài ngày qua dư luận rộ lên việc Trung Quốc cho
in hộ chiếu có hình lưỡi bò để người Trung Quốc cầm hộ chiếu đó đi qua
cửa khẩu của nhiều nước, theo ý anh việc này nói lên điều gì trong âm
mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc và liệu sẽ gây ra những hệ lụy
như thế nào đối với một số nước ASEAN có tranh chấp lãnh hải ở biển Đông
với Trung Quốc trong đó đứng hàng đầu là Việt Nam?
Lê Hiếu Đằng:
Chúng ta biết rằng việc này rộ lên sau Đại hội 18 của ĐCS TQ. Có thể
nói đây là một “món quà” mà Tập Cận Bình và ê-kíp của ông ta tặng các vị
lãnh đạo Đảng và Nhà nước VN, những người luôn luôn muốn giữ “4 tốt” và
“16 chữ vàng” mặc cho Bắc Kinh đã từ lâu dẫm đạp không thương tiếc
những điều giả dối này bằng những hành động lấn chiếm Biển Đông một cách
trắng trợn mà đỉnh điểm là việc cho in trên hộ chiếu hình lưỡi bò phi
pháp với âm mưu thâm độc là nếu VN và các nước đang tranh chấp không có
phản ứng gì thích đáng thì xem như mặc nhiên công nhận đường lưỡi bò của
chúng. Vì vậy tôi nghĩ rằng Đảng và Nhà nước VN qua sự việc này phải
thấy hết bản chất ngoan cố, lươn lẹo của bọn bành trướng Bắc Kinh. Tại
sao Tổng bí thư Lê Duẩn và nhiều người lãnh đạo trước đây qua nhiều thời
kỳ quan hệ với TQ đã thấy bản chất của chúng mà các vị lãnh đạo hiện
nay lại làm ngơ không thấy. Nhân dân có quyền nghi ngờ thái độ khó hiểu
này vì nó đi ngược lại lợi ích của đất nước, của dân tộc. Chúng ta chờ
xem Đảng và Nhà nước VN sẽ có những biện pháp gì mạnh mẽ và có hiệu quả
trước hành động khiêu khích trắng trợn này.
Nguyễn Huệ Chi: Trên báo Tuổi trẻ ngày
23-11 có đưa tin về tuyên bố ngày 22-11 của ông Lương Thanh Nghị phản
đối việc làm phi pháp này, nhưng theo nhiều người biết thì việc Trung
Quốc cho phát hành “hộ chiếu lưỡi bò” đã xảy ra từ ngày 15-5-2012, nghĩa
là trước đây đến những 6 tháng rồi, và trong cuộc họp báo định kỳ, cũng
phải phóng viên hãng thông tấn nước ngoài là Reuters chất vấn thì người
phát ngôn Bộ Ngoại giao nước ta mới chịu lên tiếng. Anh có nhận định gì
về phản ứng quá chậm muộn và bị động đó của phía Nhà nước Việt Nam?
Lê Hiếu Đằng: Bao
giờ cũng vậy, trước những hành động xâm lấn ngang ngược và phi pháp của
nhà cầm quyền TQ, phía VN luôn luôn chậm và bị động đối phó bằng những
lời phản đối suông mà người dân thường cười châm biếm là “biết rồi khổ
lắm nói mãi”. Mà cũng chỉ lời phản đối vô thưởng vô phạt của người phát
ngôn bộ ngoại giao. Tại sao VN không làm như một số nước là triệu tập
Đại sứ TQ để phản đối, buộc họ phải rút lại, hủy bỏ chủ trương phi pháp
này. Với lòng tự trọng dân tộc, tôi thấy xấu hổ trước sự nhu nhược, mềm
yếu đáng phê phán này.
Nguyễn Huệ Chi: cũng trên báo Tuổi trẻ có đưa ra hai
dẫn chứng về biện pháp đối phó với vụ việc động trời trên tại cửa khẩu
đường bộ quốc tế Lào Cai và Móng Cái, một nơi thì đóng dấu hủy vào 4 hộ
chiếu của Trung Quốc (rồi hình như bắt họ giơ hộ chiếu lên để chụp ảnh,
nhưng không hiểu sao những người giơ hộ chiếu lại có vẻ tươi cười chứ
không phản ứng gì cả? Chẳng lẽ họ coi việc làm của mình là trò vui hay
sao?), một nơi thì không đóng dấu hủy mà phát một tờ thông hành rời cho
du khách, trong khi chúng ta vẫn còn 3 cửa khẩu quốc tế đường
bộ VN-TQ là Chi Ma (Lạng Sơn), Hoành Mô (Quảng Ninh), Hữu Nghị (Lạng
Sơn), cửa khẩu quốc tế đường sắt Đồng Đăng, 17 cửa khẩu quốc tế đường bộ
với Lào và Cam-pu-chia, 7 cửa khẩu quốc tế đường hàng không: Nội Bài,
Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cát Bi, Phú Bài, Cam Ranh, Trà Nóc, và 16 cửa
khẩu quốc tế đường biển nữa mà chưa thấy có động tĩnh gì. Theo ý anh
việc báo đưa tin như trên có phải là một kiểu trấn an dư luận hay không?
Kiểu trấn an đó phản ánh điều gì?
Lê Hiếu Đằng: Theo
tôi, việc làm của nhà cầm quyền TQ là công khai thì tại sao nhà nước VN
lại không có một chủ trương công khai, minh bạch để chống lại, để vô
hiệu hóa âm mưu thâm độc này của TQ mà lại để mỗi nơi xử lý một kiểu.
Nhân dân VN có quyền đòi hỏi Nhà nước VN phải công bố rõ chủ trương công
khai và những biện pháp đáp trả mạnh mẽ, có hiệu quả trước vấn đề này,
thể hiện quyết tâm bảo vệ đến cùng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của
VN, chỉ phản đối suông như những lần trước là đâu cũng vào đấy, không
có hiệu quả.
Nguyễn Huệ Chi: Trước
tình hình quá nóng về những bước đi có tính toán trong toàn bộ hành vi
thâm độc xảo quyệt của Trung Quốc ngày một dấn tới đối với vấn đề biển
Đông, liệu trí thức nên làm gì để góp phần có ích nhất vào công cuộc bảo
vệ chủ quyền lãnh thổ lãnh hải, hay là lại cùng nhau lên tiếng trong
một Kiến nghị đề đạt lên cấp lãnh đạo tối cao như các lần trước? Anh có
tin vào hiệu quả của những Kiến nghị loại đó hay không, nhất là khi
chúng ta đều nghi ngờ tính chất bị động, yếu ớt, thậm chí nói như một số
trang mạng là “đang mất sức đề kháng” của Nhà nước chúng ta?
Lê Hiếu Đằng: Như tôi
nói ở trên, chỉ phản đối suông thì không có hiệu quả. Như vậy tại sao
Nhà nước VN không để các tầng lớp nhân dân, trong đó có trí thức và
thanh niên SVHS tổ chức mít tinh, biểu tình để phản đối hành động khiêu
khích, chà đạp luật pháp quốc tế của nhà cầm quyền TQ. Tuyên bố phản đối
là cần thiết nhưng cần có những hành động mạnh mẽ hơn nữa để chứng minh
cho nhà cầm quyền TQ biết rằng nhân dân VN quyết không sợ bất cứ thế
lực nào dù thế lực đó là ai, tàn ác đến đâu. Vì vậy, tôi đề nghị MTTQVN
và các đoàn thể quần chúng, nhất là đoàn TN và Hội liên hiệp TN, Hội
sinh viên đứng ra tổ chức biểu tình, mít tinh lên án hành động phi pháp
vừa qua của nhà cầm quyền TQ. Nếu họ từ bỏ nghĩa vụ này không làm thì
nhân dân dùng quyền của mình đã được ghi trong Hiến pháp: quyền biểu
tình. Tại sao không?
Nguyễn Huệ Chi: xin thay mặt BVN cám ơn anh Lê Hiếu Đằng.
BVN
Ảnh: Gặp mặt tại Hà Nội ngày 9-10-2011, từ phải sang: Hoàng Dũng, Lê Hiếu Đằng, Nguyễn Huệ Chi, Trần Quốc Thuận. Ảnh: HD
Dúng,đa tạ tác giả bài viết!
Trả lờiXóaQuyền biểu tình. Tại sao không?
Trả lờiXóa" Bao giờ cũng vậy, trước những hành động xâm lấn ngang ngược và phi pháp của nhà cầm quyền TQ, phía VN luôn luôn chậm và bị động đối phó bằng những lời phản đối suông mà người dân thường cười châm biếm là “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Mà cũng chỉ lời phản đối vô thưởng vô phạt của người phát ngôn bộ ngoại giao. Tại sao VN không làm như một số nước là triệu tập Đại sứ TQ để phản đối, buộc họ phải rút lại, hủy bỏ chủ trương phi pháp này. Với lòng tự trọng dân tộc, tôi thấy xấu hổ trước sự nhu nhược, mềm yếu đáng phê phán này.
... chỉ phản đối suông thì không có hiệu quả. Như vậy tại sao Nhà nước VN không để các tầng lớp nhân dân, trong đó có trí thức và thanh niên SVHS tổ chức mít tinh, biểu tình... Nếu họ từ bỏ nghĩa vụ này không làm thì nhân dân dùng quyền của mình đã được ghi trong Hiến pháp: quyền biểu tình. Tại sao không?"
Xin trân trọng cảm ơn Luật gia Lê Hiếu Đằng và GS.Nguyễn Huệ Chi đã nói lên những suy nghĩ của nhân dân Việt Nam.
Biết rằng biểu tình là cần thiết, nhưng... ai sẽ bảo vệ những người biểu tình khỏi các trận đàn áp bất nhân?
Trả lờiXóaBiết rằng chống tham nhũng là cần thiết, nhưng... ai sẽ cứu lấy những người dân dám đứng lên tố cáo tham nhũng?
Biết rằng phanh phui bác sĩ nhận phong bì là cần thiết, nhưng... ai sẽ bảo đảm an toàn cho người thân của họ đang phụ thuộc tính mạng vào bác sĩ?
Hơi lan man tí, mong mọi người đừng giận.