Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

Ý KIẾN CỦA ÔNG DƯƠNG DANH DY VỀ CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI 1979

Một số ý kiến bước đầu:
VỀ CUỘC CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI VIỆT - TRUNG NĂM 1979
Dương Danh Dy
- gửi trực tiếp cho NXD-Blog
Lời dẫn của Dương Danh Dy: Cuộc chiến tranh biên giới Việt Trung tháng 2 năm 1979 kết thúc đến nay đã hơn 30 năm, nhưng dư luận thế giới vẫn chưa thôi bàn tán, và trên báo, mạng chính thức hay không chính thức của Trung Quốc hầu như không ngày nào là không có bài viết đề cập tới cuộc chiến này. Chỉ có một điều lạ là, không rõ vì nguyên nhân gì, mà phía Việt Nam-đối tác bị hại trong cuộc chiến tranh này, lại hầu như  im hơi lặng tiếng.

Nhất định là các lực lượng vũ trang của nước ta đã có tổng kết( nhưng những tổng kết đó chưa được công khai hóa) …

Là một người có thể nói là ít nhiều dính dáng đến sự liện này, mấy chục năm qua lòng tôi lúc nào cũng đau đáu một điều: tại sao chúng ta lại không đưa cuộc chiến tranh này ra thảo luận, chí ít là trong phạm vi hẹp giữa những nhà nghiên cứu nhằm có những đánh giá đúng đắn và rút ra một số bài học có thể có ích cho việc xử lý quan hệ giữa ta và Trung Quốc hiện nay và trong tương lai. Việc làm này trở nên cấp bách vì lớp người trong cuộc đều đang già yếu và mất mát dần. Chính vì vậy mà hôm nay, tôi  mạo muội trình bầy bài viết: “ một số ý kiến bước đầu về cuộc chiến tranh biên giới Việt Trung năm 1979” do nhà đương cục Trung Quốc phát động.

Xin phép được nói trước, bài viết này không đi sâu về mặt quân sự, mà chỉ từ góc độ chính trị, ngoại giao…, trên nguyên tắc khách quan khoa học, tôn trọng sự thật lịch sử… cố gắng tìm ra  những nguyên nhân chủ yếu từ hai phía dẫn tới cuộc chiến tranh, và từ đó rút ra những bài học lớn có ý nghĩa thực tế cho những người có liên quan nhất là cho những cán bộ trẻ chưa có trải nghiệm thấy được một số điều cần biết trong ứng đối với Trung Quốc.

Người viết chịu trách nhiệm trước lịch sử về tính chân thực của một số tư liệu và dẫn chứng  nêu trong bài...

Dưới đây là một phần trong bài viết này:
I. Những diễn biến chính của cuộc chiến tranh

Rạng sáng  ngày 17 tháng 2 năm 1979, sau một thời gian tương đối ngắn tích cực chuẩn bị về mọi mặt, nhất là trong việc tạo dư luận trong nước và thế giới, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã điều động một số lượng lớn quân đội và vũ khí hiện đại nhất mà họ có lúc đó tấn công vào 6 tỉnh biên giới phía bắc nước ta.

Lực lượng địch tấn công. Phía Việt Nam nói: địch đã huy động một lực lượng lớn lấy lục quân là chính có không quân sẵn sàng tham chiến, số lượng 60 vạn(chưa kể dân công hỏa tuyến phục vụ) gồm 9 quân đoàn bộ binh, 5 sư đoàn độc lập địa phương, tổng số là 32 sư đoàn, và 41 trung đoàn pháo binh với gần 2000 khẩu pháo các loại, cùng 5 trung đoàn xe tăng, thiết giáp. Ngoài ra còn có mấy trăm máy bay  và một số tầu chiến thuộc hạm đội Nam hải sẵn sàng tham chiến khi cần thiết.

Lực lượng  Trung Quốc tấn công vào Việt Nam là 29/32 sư đoàn, với phạm vi tấn công trên toàn tuyến biên giới từ Quảng Ninh đến Phong Thổ dài trên 1000 km, tập trung vào 3 khu vực Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai với Lạng Sơn là trọng điểm. Khi bắt đầu rút quân, Trung Quốc đưa thêm sang  2 sư đoàn nữa, nâng tổng số quân tại Việt Nam lên 31 sư đoàn.
(nguồn : tư liệu nội bộ)

Nhận định về số lượng quân địch tham chiến của phía Việt Nam là tương đối chính xác.  Những nguồn tin sau khi cuộc chiến đã kết thúc khá lâu cho thấy điều này. “Hỗ liên võng” Trung Quốc ngày 15/2/2009 trong bài “Chấm dứt thời chính trị dẫn đầu: đánh trả tự vệ Việt Nam  năm 1979 và sự chuyển đổi mô hình của quân giải phóng” đã  cho biết “5 giờ sáng ngày 17/2/1979 chí ít đã có 30 sư đoàn quân đội Trung Quốc nhanh chóng vượt qua biên giới Trung Việt”. Mạng Soho.com Trung Quốc ngày 3/10/2009 trong bài “Kết quả chân thực của cuộc chiến tranh Trung Việt như thế nào?” cho biết trong cuộc chiến tranh gọi là “đánh trả tự vệ” đó, phía Trung Quốc đã sử dụng 9 quân đoàn gồm 29 sư đoàn bộ binh, 2 sư đoàn pháo binh, 2 sư đoàn pháo cao xạ cùng một số bộ đội thuộc binh chủng công binh, đường sắt, thông tin, tổng binh lực là 56 vạn quân. Phía Việt Nam có 6 sư đoàn bộ binh, 4 trung đoàn pháo binh, tổng binh lực vào khoảng 10 vạn.”

Thời gian tấn công. Cuộc tấn công của quân đội Trung Quốc vào lãnh thổ Việt nam bắt đầu từ ngày 17/2/1979 và kết thúc ngày 16/3/1979,  có thể chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn tấn công và giai đoạn rút lui.

Giai đoạn tấn công: thời gian 17 ngày(từ 17/2 đến 5/3/1979)
Ngày 17/2-19/2 quân đội Trung Quốc đột kích trên toàn tuyến biên giới dài trên 1000km chiếm một số vị trí tiền duyên của ta.
Ngày 20/2 chiếm thị xã Lào Cai, thị trấn Đồng Đăng
Ngày 21/2 chiếm thị xã Cao Bằng
Ngày 22/2 chiếm thị trấn Bảo Lộc
Ngày 23/2 chiếm thị xã Hà Giang
Ngày 24/2 chiếm thị trấn Cam Đường
Các ngày sau đó hai bên đánh nhau dữ dội tại vùng gần Lạng Sơn, Sapa
Ngày 5/3 chiếm thị trấn  Sapa và một phần thị xã Lạng Sơn.

Ngay trong ngày hôm đó, Trung Quốc tuyên bố  đã đạt mục đích, bắt đầu rút quân khỏi Việt Nam. Việt Nam tuyên bố tổng động viên toàn quốc. Một số sư đoàn chính qui Việt Nam điều từ Cămpuchia và Lào đã về tới sát mặt trận. Liên Xô bắt đầu tăng quân tới biên giới Trung Xô.

Giai đoạn rút lui (từ 6/3 đến 16/3/1979)

Kể từ lúc quân đội Trung Quốc rút lui, bộ đội Việt Nam không tấn công, truy kích địch.

Quân Trung Quốc bắt đầu rút khỏi một phần của thị xã Lạng Sơn từ 5/3, đến 12/3 rút hết khỏi Đồng Đăng
bắt đầu rút khỏi vùng  Lào Cai từ 7/3, đến 13/3/1979 rút hết
bắt đầu rút khỏi vùng Cao Bằng từ 7/3, dến 14/3/1979 rút hết
(Theo tin Trung Quốc thì hồi 22 giờ 20 phút ngày 15/3/1979 chiếc xe quân sự cuối cùng của quân đội Trung Quốc đã trở về lãnh thổ Trung Quốc. Ngày 16/3/1979 Trung Quốc tuyên bố hoàn thành việc rút quân, chiến tranh kết thúc)
Thương vong và tổn thất của hai bên.

Cuộc chiến tranh này thực sự chỉ diễn ra chưa đến hai mươi ngày(từ 17/2 đến 5/3/1979) bởi vì khi quân đội Trung Quốc bắt đầu rút quân, bộ đội ta không tấn công, truy kích địch.

Có nhiều sai khác về số thương vong của hai bên:

“Trải qua 30 ngày đêm chiến đấu quân dân Việt Nam đã làm thương vong 60.000 tên địch, trong đó 3 trung đoàn, 17 tiểu đoàn địch bị thiệt hại nặng, phá hủy 280 xe tăng, 270 xe thiết giáp, 199 khẩu pháo các loại”
(Nguồn: Tư liệu nội bộ)
“Từ 17/2/1979 đến 16/3/1979, tổng cộng giải phóng quân Quảng Tây, Vân Nam tham gia chiến đấu và dân công hỏa tuyến đã hy sinh 6.954 người, bị thương hơn 14.800 người, bắn chết 52.000 quân Việt Nam”
Nguồn : “Tổng kết công tác tác chiến đánh trả tự vệ Việt Nam” do Cục Hậu cần Quân Khu Côn Minh biên tập)
“Thương vong của hai bên là gần bằng nhau, phía Trung Quốc khoảng hơn 60.000 người, phía Việt Nam khoảng gần 80.000 người.”
Thống kê chính thức của Đài Loan cho thấy:
                                            Trung Quốc                          Việt Nam
             Chết                               26.000                               30.000
Bị thương                       37.000                               32.000
Bị bắt sống                          260                                 1.600
Xe tăng bị phá hỏng            282                                    185
Các loại xe  khác                 490                                    120
Pháo các loại                        670                                    200
Súng các loại                     3.100                                 4.100

Trong cuộc chiến tranh này quân đội Trung Quốc đã phá hoại hoàn toàn 4 thị xã, hơn 20 thị trấn, huyện lỵ, nhiều làng xóm, nhà máy, hầm mỏ, nông trường, cầu đường, nhà cửa.., của nhân dân ta tại những nới chúng đã đi qua. Đó là một tội ác “trời không dung đất không tha” một sự trả thù hèn hạ chưa từng có trên thế giới.(Người viết bài này tháng 6 năm 1979, từ Bắc Kinh về nước nghỉ phép đã được một đơn vị bố trí lên thăm thị xã Lạng Sơn, tận mắt thấy phần bên kia sông Kỳ Cùng của thị xã này chỉ là một đống gạch đổ nát, không còn một cây to, một ngôi nhà nào, đồng chí cán bộ tỉnh đưa đi thăm cho biết, trong khi rút quân lợi dụng việc bộ đội ta không truy kích, chúng đã đặt mìn phá từng thanh ray đường sắt, từng gốc cây cổ thụ, từng mái nhà còn sót lại….Dân chúng gọi chúng là bọn “B52 chân đất” để nói lên sự hủy diệt còn dã man hơn cuộc chiến tranh giải phóng vừa qua.)

Thái độ một số nước và khu vực đối với cuộc chiến 1979

Khiển trách Trung Quốc, ủng hộ Việt Nam, đòi Trung Quốc rút quân, ngừng bắn:  gồm Liên Xô, Cu Ba, Tiệp Khác, Bulgarie, Đông Đức, Hung, Ba Lan, Mông Cổ, Afganistan, Ethiopia,Mozambique, Albania, Algeria, Angola và chính phủ Cămpuchia mới thành lập.

Biểu thị lấy làm tiếc đối với Trung Quốc , đòi Trung Quốc rút quân: Lào và Ấn Độ

Phản đối hành động quân sự của Trung Quốc tại Việt nam và của Việt Nam tại Cămpuchia: Canada, Thụy Điển; đồng thời yêu cầu Trung Quốc rút quân: Newzealand

Yêu cầu Trung Quốc rút quân khỏi Việt Nam, Việt Nam rút quân khỏi Cămpuchia: Mỹ, Nhật Bản, năm nước Đông Nam Á, Áo, Rumanie, Nam Tư, Anh, Italia, Hà Lan, Na Uy, Phần Lan, Irac

Biểu thị đáng tiếc với Trung Quốc và Việt Nam, hy vọng Việt Nam và Cămpuchia đều có thể chi phối vận mệnh của mình:  Các nước khác trong khối Cộng đồng châu Âu

Kêu gọi đàm phán giải quyết vấn đề:  Ai Cập, Mali, Bỉ, Madagasca, Bangladesh và các nước Bắc Âu khác

Công khai tuyên bố không biểu thị thái độ:  Bồ Đào Nha

Ủng hộ Trung Quốc: Cămpuchia dân chủ, Bắc Triều Tiên, Myanma
                    (Nguồn : mạng “ So.so.wen.wen” ngày 3/10/2009)

Trong đó  có một số hiện tượng đáng chú ý sau:

- Ngày 18/2/1979 chính phủ Liên Xô ra tuyên bố: “.. bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào, đều không thể không quan tâm đến việc quân đội Trung Quốc xâm lược Việt Nam.”, “Liên Xô sẽ thực hiện nghĩa vụ phải gánh vác theo hiệp ước hợp tác hữu nghị Xô Việt”, yêu cầu Trung Quốc “đình chỉ ngay khi còn chưa muộn, rút quân ngay lập tức”

Ngày 22/2 Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô nhân dịp kỷ niệm 61 năm ngày thành lập quân đội Liên Xô cũng nói tới việc sẽ thực hiện nghĩa vụ của mình theo hiệp ước Xô Việt hữu nghị. Ngày 23/2 Brezơnhev khi phát biểu với cử tri đã phê phán  sự “bội tín ,bội nghĩa và tính chất xâm lược của chính sách nước lớn của Trung Quốc”, “ yêu cầu Trung Quốc lập tức chấm dứt hành vi xâm lược Việt Nam rút toàn bộ quân đội cho đến người lính cuối cùng ra khỏi Việt nam”.

Từ 17/2 đến 21/2 trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc tại Liên Xô đã xuất hiện 7 lần biểu tình thị uy của quần chúng mà phần lớn là sinh viên, học sinh với qui mô khác nhau…

- Ngày 18/2/1979 trong thư gửi Sadat, Tổng thống Mỹ Carter nhấn mạnh lập trường của Mỹ là: Chủ trương giữ được kiềm chế, Việt Nam  rút quân khỏi Cămpuchia, Trung Quốc rút quân khỏi Việt Nam. Ngoài ra Phó Tổng thống Mondale, Ngoại Trưởng Vance của Mỹ còn nói: Mỹ sẽ không trực tiếp cuốn vào các cuộc xung đột liên quan đến các quốc gia cộng sản, quan tâm đến khả năng mở rộng cuộc xung đột này, nhưng lợi ích của Mỹ chưa bị đe dọa trực tiếp…
- Nhật: tối ngày 17/2/1979 người đứng đầu chính phủ Nhật nói: hy vọng không phát triển thành xung đột lớn. Vì sự ổn định của châu Á và hòa bình thế giới càng không thể làm như vậy.

- Ấn Độ: ngày 20/2/1979 Ngoại trưởng Ấn độ lúc đó nói: “Về nguyên tắc chúng ta phản đối sử dụng vũ lực vượt qua biên giới qui định, can thiệp vào công việc nội bộ nước khác”. Ngày 22/2/1979 ông nói: “đặc biệt là các nước lớn đều phải kiềm chế, phải thực hiện sức ép với Trung Quốc buộc Trung Quốc phải rút quân khỏi Việt Nam. Ngày 27/2/1979  khi nói chuyện trên TV, Thủ tướng Ấn Độ  nói Ấn độ sẽ bảo Việt Nam nên rút quân khỏi Cămpuchia.
……..( Bản  ghi chép theo Đài tiếng nói Việt Nam và “Bản tin tham khảo TTXVN” của người viết)

II Những nguyên nhân và mục đích của nhà đương cục Trung Quốc khi phát động cuộc chiến  tranh này.

Đến nay cuộc chiến tranh đã kết thúc hơn ba mươi năm, trừ phía Việt Nam hầu như im lặng ra, dư luận thế giới và nhất là dư luận của Trung Quốc đã có không ít bài bình luận, thậm chí có nhiều cuốn sách mà các tác giả đã bỏ nhiều công sức tìm hiểu nguyên nhân và đánh giá tác động của cuộc chiến tranh này. Để tiện theo rõi, người viết xin xếp các đánh giá đó thành hai loại: những ý kiến ngay sau khi cuộc chiến vừa xảy ra và kết thúc chưa lâu, tạm gọi là những ý kiến bước đầu; và những ý kiến khoảng hai mươi, ba mươi năm sau đó, nghĩa là những ý kiến được đưa ra sau khi đã có thời gian tìm hiểu, suy ngẫm khá dài. Cuối cùng là những suy nghĩ tuy gọi là bước đầu nhưng cũng đã qua hơn ba mươi năm nung nấu của tác giả.

1 Một số ý kiến bước đầu của Trung Quốc

- Xã luận “Nhân Dân nhật báo” ngày 17/2/1979-ngày Trung Quốc phát động cuộc xâm lược viết: “Cuộc đánh trả tự vệ của bộ đội biên phòng ta  buộc phái tiến hành trong tình hình lực lượng vũ trang Việt Nam không ngừng xâm phạm biên giới nước ta. Là hành động chính nghĩa phải sử dụng để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ…Trong chiến đấu bộ đội biên phòng ta đã đả kích khí thế điên cuồng của bọn xâm lược Việt nam, đánh tan thần thoại vô địch của chúng… Quan hệ Trung Việt sở dĩ xấu nhanh chóng và phát triển tới xung đột biên giới nghiêm trọng như vậy hoàn toàn là kết quả của việc  nhà đương cục Việt Nam dưới sự ủng hộ của đế quốc xã hội chủ nghĩa Liên Xô thi hành chủ nghĩa bành trướng dân tộc và chính sách chống Trung Quốc, thù địch Trung Quốc…”
- “Ban lãnh đạo Việt Nam sau khi kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ đã coi việc thiết lập bá quyền của mình tại Đông Nam Á là quốc sách.

Trước tiên nhà đương cục Việt Nam đầu óc phát cuồng, tự cho mình là “cường quốc quân sự thứ ba trên thế giới” điên cuồng bành trướng lãnh thổ ra ngoài..xâm chiếm đảo của Cămpuchia, đưa quân đội vào Lào, chiếm 6 đảo trên quần đảo Nam Sa(Trường sa) của Trung Quốc … vứt bỏ lập trường trước đây đã công nhận Tây Sa(Hoàng Sa) và Nam Sa(Trường Sa) là của Trung Quốc, nói bừa là của Việt Nam. Còn ý đồ chia 2/3 vịnh Bắc Bộ là của mình. Biên giới trên bộ được qui hoach qua hiệp định Mãn Thanh-Pháp được hai chính phủ Trung Việt tôn trọng lâu nay không hề có xung đột, nhưng mấy năm gần đây Việt Nam đơn phương thay đổi tình trạng quản hạt thực tế biên giới đề xuất cái gọi là “khu vực tranh chấp” dịch chuyển hoặc phá hoại cột mốc.. gây chuyện ở biên giới cho đến nổ súng làm chết làm bị thương quân dân biên giới nước ta… rồi đào chiến hào, chôn mìn chăng dây thép gai, cắm chông v.v..Chỉ từ tháng 8 (sự kiện đổ máu tại Hữu Nghị Quan ) đến tháng 12 năm 1978 khi Việt Nam cử đại quân xâm lược Cămpuchia đã có hơn 2000 lượt/người Việt xâm nhập vũ trang  vào hơn 100 nơi thuộc tỉnh Quảng Tây, vô lý chiếm giữ lãnh thổ Trung Quốc

Việt Nam coi Trung Quốc là trở lực lớn nhất trong việc thi hành chủ nghĩa bá quyền khu vực của mình

Việt Nam tăng cường khiêu chiến vũ trang tại biên giới Trung Việt là để gia tăng áp bức nhân dân Việt Nam
……..

Vào năm 1978, Việt Nam gia nhập SEV, sau đó lại ký hiệp định thực chất là có tính chất quân sự Xô Việt, gan của Việt nam càng ngày càng lớn, còn Liên Xô đã lợi dụng được Hà Nội cho tham vọng bành trướng của mình.

Liên Xô cần lợi dụng Việt nam làm con tốt cho việc bành trướng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Liên Xô lợi dụng xung đột biên giới Trung Việt để đưa quân hạm vào cảng Đà Nẵng, Cam Ranh của Việt nam, từ đó trực tiếp uy hiếp các nước Đông Nam Á

Liên Xô cũng lợi dụng Việt Nam làm tướng tiên phong trong chống Trung Quốc, họ cần một “Cu Ba phương đông”…
                  ( Nguồn Tân Hoa Xã Bắc kinh ngày 18/2/1979)
-Ngày 16/3/1979, đúng ngày quân đội Trung Quốc rút khỏi Việt Nam, Đặng Tiểu Bình đã có bài nói về tình hình tác chiến tại biên giới Trung Việt tại một hội nghị quan trọng. Báo cáo này  gần đây mới được đưa lên mạng, trong đó Đặng đã nói những ý chính như sau về cuộc xâm lược này, xin trích dịch giới thiệu, có thể coi đây  như một tư liệu tham khảo có ý nghĩa.
         .… “Đồng chí Vương Thượng Vinh(Phó Tổng Tham Mưu trưởng kiêm Cục trưởng Cục Tác chiến quân giải phóng Trung Quốc) đã báo cáo, tôi không báo cáo mà nói mấy câu thôi.

…Lần phản kích tự vệ Việt Nam này quyết tâm tiến hành một cuộc tác chiến trừng phạt có giới hạn, gọi là giới hạn tức là độ sâu đả kích nông một chút, thời gian ngắn một chút, mục đích là dạy cho, dạy cho tên Cuba phương đông điên cuồng này để đạt được biên giới Trung Việt là đường biên giới tương đối ổn định. Đồng thời cũng là một sự ủng hộ Cămpuchia chống Việt Nam xâm lược. Tất nhiên xét từ ý nghĩa rộng lớn hơn thấy, đó là một hành động quan trọng của chúng ta mở rộng mặt trận thống nhất quốc tế phản đối bá quyền. Hôm nay trận đánh đó thực sự xong rồi, ngày 5 tuyên bố kết thúc chiến tranh, bộ đội bắt đầu rút về phía sau, đến hôm nay rút hết…Mọi người biết, TW đảng, Quân ủy TW hạ quyết tâm này không dễ, trải qua nhiều lần suy ngẫm, trải qua gần hai tháng suy ngẫm mới hạ được quyết tâm đó.  Trong đảng, trong nhân dân chúng ta có rất nhiều lo lắng về vấn đề này…liệu có ảnh hưởng tới xây dựng bốn hiện đại hóa không, liệu đánh tốt hay đánh không tốt… Bây giờ xem ra hạ quyết tâm đó là đúng. Khi hạ quyết tâm mối lo lớn nhất là sợ  xét lại Liên Xô có phản ứng mạnh mẽ .. Việt Nam  dựa vào hiệp ước Xô Việt mới dám làm như vậy.. cho rằng chúng ta không dám có sự trừng phạt qui mô tương đối lớn.

Khi thăm Mỹ tôi nói cho Việt nam bài học, nước Mỹ không tán thành.Chúng ta sử dụng hành động tương đối lớn sợ dẫn tới phản ứng lớn của Liên Xô, nước Mỹ một mặt phản đối chúng ta trừng phạt, nhưng mặt khác cũng thông báo cho chúng ta chút tình báo, nói quân đội Liên Xô về căn bản không động đậy, trên mấy ngàn cấy số biên giới( Trung Xô) chỉ có 54 sư đoàn không đầy đủ quân số. ¾ binh lực Liên Xô bố trí tại châu Âu, nên muốn tấn công Trung Quốc qui mô lớn  thì phải chuyển dời trọng điểm chiến lược, ít nhất phải điều 1 triệu quân từ châu Âu về, việc này không kịp vì thời gian hành động của chúng ta không dài.

…Trước khi chúng ta xuất quân mấy ngày bọn chúng(Việt Nam) còn đánh giá chúng ta chỉ có hành động phạm vi nhỏ hai sư đoàn …

Chúng ta nói trận này nhất định phải đánh, có 3 lý do lớn phải đánh:

Một là, mặt trận thống nhất chống bá quyền quốc tế đòi hỏi có sự chế tài cần thiết đối với Cu Ba phương đông để thúc đẩy mặt trận thống nhất chống bá quyền quốc tế. Bởi vì trên thế giới đều sợ Liên Xô và vì thế cũng sợ Cu Ba. Dưới con mắt chúng ta, Cu Ba phương đông đưa mười mấy sư đoàn tấn công Cămpuchia, gây chuyện ở biên giới nước ta, dùng đánh trả tự vệ lý do càng đầy đủ, nhưng hành động này không chỉ là hành động biên giới, nhỏ thì quan hệ tới tình hình Đông Dương, cục diện Đông Nam Á, nói rộng hơn một chút là quan hệ tới cục diện thế giới cho nên cần phải làm.

Hai là, chúng ta cần phải xây dựng bốn hiện đại hóa. Chúng ta cần môi trường tương đối ổn định, đáng tin, để cho xét lại Liên Xô, Việt Nam ngày ngày ở phía bắc phía nam đe dọa chúng ta làm cho tinh thần không yên liệu có được không?  Chúng ta thử lợi dụng cơ hội  xem sao. Việt Nam tự thổi phồng rất hung, tự coi là “cường quốc quân sự thứ ba trên thê giới”…lại coi chúng ta là kẻ thù số một… nếu chúng ta không đánh trả  thì bọn chúng càng hung hăng, thúc đẩy phương bắc cũng tới …đánh trận này đặc biệt là cảnh cáo Liên Xô một chút

Lý do thứ ba, là quân giải phóng nhân dân ba mươi năm nay không đánh trận, rốt cuộc quân đội chúng ta liệu có được hay không? Quả thật là chúng ta không có nhiều căn cứ để đánh giá…. Đây là cơ hội rất tốt,, bây giờ có thể nói quân giải phóng vẫn là quân giải phóng, danh dự được khôi phục một chút.trên thế giới cho rằng ba mươi năm chúng ta không đánh trận, không nhất định đánh được Việt Nam. Cán bộ cấp tiểu đoàn trở xuống của chúng ta chưa tham gia chiến tranh, cán bộ trung đoàn cũng chỉ có một bộ phận. Cho nên thu hoạch về mặt này là lớn nhất là một trong những hiệu quả lớn nhất.

Ngoài ra trong đánh trả tự vệ:

- Chúng ta đã nâng cao được uy tín quốc tế của Trung Quốc: chí ít là người Trung Quốc đã nói là làm, bắt đầu từ chiến tranh Triều Tiên là như vậy, nhưng rồi có một thời kỳ Trung Quốc động loạn tương đối dài, người ta không tin Trung Quốc, lần nay thì khôi phục danh dự, người Trung Quốc vẫn là đã nói thì làm, có vai trò quan trọng  trên mặt trận quốc tế chống bá quyền.

- Yên tâm làm bốn hiện đại hóa.

- Rèn luyện quân giải phóng nhân dân

- Trong tuyên bố ngày 5/3 chúng ta đã nói nếu sau này Việt Nam còn gây sự tại biên giới chúng ta bảo lưu quyền dạy cho bài học nữa, quyền  đánh trả tự vệ.

- Nhưng có một điều phải đặc biệt đề cập tới tức là giết gà đã phải dùng giao mổ trâu. Lần đánh này vũ khí, quân số đều gấp mấy lần Việt Nam Chiến đấu ở Cao Bằng chí ít là năm đánh một, sáu đánh một, chiến đấu ở Lạng Sơn, Lào Cai cũng đều gấp mấy lần, thậm chí sáu đánh một, bảy đánh một. Thương vong của chúng ta là 4 so với 1, thần thoại của chúng bị tiêu diệt

- Bây giờ còn nhiều công tác tư tưởng phải làm.. những nhân tố không ổn định rất nhiều, hiện tượng gây chuyện ngày một nhiều, nào là vấn đề thanh niên trí thức về làng, lợi dụng phát huy dân chủ để phá hoại ổn định, nào là Bức tường dân chủ (Tây Đơn)… Có người chạy vào đại sứ quán Việt Nam, phản đối đánh trả tự vệ, điều này không nghiên cứu có được không?

2 Một số ý kiến của một số học giả Trung Quốc sau khi cuộc chiến kết thúc một thời gian khá dài.

a. Cuốn “Diễn biến bốn mươi năm quan hệ Trung Việt” do Quách Minh chủ biên, Nhà xuất bản Nhân dân Quảng Tây năm 1992 cho rằng, nguyên nhân xẩy ra cuộc chiến tranh biên giới Trung Việt tháng 2 năm 1979 là vì các vấn đề sau:
      
+ Vấn đề xua đuổi, bức hại Hoa kiều.
Được bắt đầu từ khi miền nam Việt Nam vừa giải phóng nửa cuối năm 1975 và kết thúc bằng cuộc xua đuổi Hoa kiều qui mô lớn năm 1978, trong đó có mấy sự kiện đáng chú ý:
- Năm 1976, ngày 3/9 tờ “Tân Việt Hoa báo” bị buộc ngừng xuất bản
- Năm 1977 Việt Nam bắt đầu chiến dịch “làm sạch biên giới’ buộc Hoa kiều và người Hoa di cư ở vùng gần biên giới phải chuyển sâu vào trong nội địa, sau đó buộc họ phải trở về Trung Quốc. Đến cuối năm 1977 đã có hơn 40.000 Hoa kiều phải mang theo gia đình rời bỏ Việt Nam.
- Năm 1978 Việt Nam đại qui mô xua đuổi người Hoa và Hoa kiều bằng mọi thủ đoạn tại khắp các nơi trong nước Bắt đầu từ các tỉnh thành phố có nhiều Hoa kiều như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Ninh…, buộc Hoa kiều phải viết cam kết tự nguyện về nước.Miền  Bắc có gần 30 vạn Hoa Kiều, riêng Quảng Tây tiếp nhận hơn 10 vạn.

Cướp đoạt nhà máy nhà cửa, tài sản sản của Hoa Kiều rất dã man.

+ Vấn đề biên giới
Việt Nam không ngừng xâm nhập lãnh thổ Trung Quốc, đánh đập, giết chóc nhân dân vùng biên, chạm súng với lực lượng biên phòng Trung Quốc, đòi xét lại hiệp định Pháp Thanh về biên giới…

+ Vấn đề quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Việt Nam thay đổi lập trường công nhận hai quần đảo này thuộc chủ quyền của Trung Quốc trước đây, cho rằng hai quần đảo thuộc Việt Nam.
+ Việt Nam xâm lược Cămpuchia…
Cuốn sách này cho rằng mục đích, tính chất và ý nghĩa của “đánh trả tự vệ” đã:
- Về quân sự thể hiện rõ thành công to lớn của bộ đội Trung Quốc
Trung Quốc đã phá hủy toàn bộ hệ thống bố trí quân sự của Việt Nam tại toàn bộ vùng biên giới.
- Về chính trị thể hiện rõ Trung Quốc đã nói là làm
- Phá tan thần thoại “bách chiến bách thắng” của Việt Nam
        - Có cống hiến trọng đại cho việc bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á
b. Cuốn “Ghi chép thực ngoại giao” tác giả Trương Thụ Quân, Nhà xuất bản Kinh tế Trung Quốc xuất bản năm 1997 cho rằng, đó là vì:
- Tập đoàn Lê Duẩn Việt Nam ra sức thi hành kế hoạch “Liên Bang Đông Dương”
-nhà đương cục Việt Nam thực hiện khống chế toàn diện Lào
-nhà đương cục Việt Nam phát động xâm lược vũ trang Cămpuchia
-Việt Nam uy hiếp an ninh của các nước Đông Nam Á
-Việt Nam thi hành chính sách chống Hoa thù Hoa
c-Cuốn “Rung động giữa đỉnh núi và vực sâu”, tác giả Cung Lực, Nhà xuất bản Kinh Tế Trung Quốc năm 1998 viết:

Để bảo vệ biên cương, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân vùng biên giới, bảo vệ việc tiến hành thuận lợi công cuộc xây dựng hiện đại hóa xhcn của Trung Quốc, bộ độ biên phòng Trung Quốc buộc phải vùng dậy đánh trả.. Là hành động hoàn toàn chính nghĩa.

Ý nghĩa và ảnh hưởng của hành động chính nghĩa tự vệ đánh trả này là:

- bảo đảm công cuộc xây dựng hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc được tiến hành thuận lợi..(cần môi trường quốc tế hòa bình,ổn định nhưng cây muốn lặng gió chẳng đừng..)

- đánh vào khí thế hung hăng cản trở của nhà đương cục Việt Nam, bóc trần thần thoại bất khả chiến thắng của Việt Nam.Cuộc đánh trả tự vệ vừa trừng phạt tội quấy nhiễu xâm lược của Việt Nam lại cũng đánh tan thần thoại “cường quốc quân sự thứ ba thế giới” mà chúng tự khoe khoang.

- chi viện cho cuộc đấu tranh chống xâm lược Việt nam của nhân dân Cămpuchia, có lợi cho việc giữ gìn hòa bình ở Đông Nam Á và khu vực Châu Á-Thái Bình dương. Sự việc Việt Nam chống Hoa bài Hoa và vũ trang xâm phạm biên giới Trung Quốc đồng thời phát sinh với việc Việt Nam vũ trang xâm lược Cămpuchia.. vì vậy hành động chính nghĩa đánh trả tự vệ của Trung Quốc đã trực tiếp chi viện cho cuộc đấu tranh chống Việt cứu nước của nhân dân Cămpuchia.

- làm rối loạn  bố trí chiến lược toàn cầu của Liên Xô, khiến một khâu rất quan trọng trong bố trí chiến lược toàn cầu của Liên Xô ở Đông Nam Á bị phá vỡ, thúc đẩy cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa bá quyền và giữ gìn hòa bình thế giới..

Ngoài ra thắng lợi của cuộc đánh trả tự vệ Việt Nam đã làm tăng mạnh uy thế của đất nước cổ vũ quần chúng nhân dân tăng cường lòng tin đoàn kết xung quanh đảng và chính phủ, vượt qua mọi khó khăn trong công cuộc bốn hiện đại hóa. Cuộc tác chiến này còn trực tiếp rèn luyện bộ đội vũ tranh Trung Quốc thúc đấy xây dựng hiện đại hóa quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc
……….
3 Một số phân tích đánh giá của một số nước và khu vực

“Uy tín của ban lãnh đạo trung ương, đặc biệt là Đặng Tiểu Bình được nâng cao trong toàn quốc. Lòng tin của dân chúng với Đảng cộng sản Trung Quốc đã tăng lên, đây là điều kiện quan trọng để ổn định, đoàn kết trong nước, tập trung sức xây dựng 4 hiện đại hóa”( Tạp chí “Tranh Minh” Hồng Công số ra ngày 1/4/1979)

Trong cuốn “ Quyết sách của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh trừng phạt Việt Nam” của Bành Mộ Nhiên, một tác giả Đài Loan thuộc Viện Nghiên cứu Đông Á, Đại học Chính trị Quốc lập Đài Loan, có nói:

“…Việt Nam sau khi kết thúc chiến tranh năm 1975 như là con ngựa chiến lại được Liên Xô ủng hộ giúp đỡ nên đã trở thành kẻ tực cao tự đại không coi ai ra gì.”

“Trung Quốc luôn lo sợ Việt Nam thống nhất và mạnh lên…” nên “muốn làm theo chiến thuật kéo dài, chậm thống nhất Việt Nam..”

“hàng mấy chục năm trời chi viện lớn lao cho Việt Nam đến nay hoàn toàn bị tuột khỏi tay một láng giềng thân cận đó là một thất bại to lớn của chính sách ngoại giao của Trung Quốc”

“mục đích “phản kích” của Trung Quốc có thể gồm 3 tính chất, thứ nhất trừng phạt Việt Nam xâm lược Cămpuchia. Thứ hai trả đũa Việt Nam xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc và kỳ thị Hoa kiều.Thứ ba cho thế giới thấy, Trung Quốc sẵn sàn hành động ngăn chặn chủ nghĩa bá quyền Liên Xô và bá quyền khu vực của Việt Nam.”

“muốn cô lập Việt Nam về ngoại giao làm cho Việt Nam phải thay đổi chính sách thân Liên Xô”

“do nhân tố địa lý, việc Việt Nam xâm lược Cămpuchia và Trung Quốc “phản kích”  đều đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới các quốc gia Asean, họ mừng vì ý đồ bành trướng của Việt Nam đã bị ngăn chặn, nhưng lại e sợ Trung Quốc sẽ thay Mỹ khống chế Đông Nam Á(Thái Lan và Singapore không ưa Việt Nam, trong khi Malaixia, Indonesia ôn hòa với Việt Nam hơn và nghi ngờ Trung Quốc)

Một tạp chí của Mỹ cho rằng  những lý do khiến CHND Trung Hoa quyết định đi đến chiến tranh với CHXHCN Việt Nam là:
-giấc mộng đế quốc bá quyền của Hà Nội tại Đông Nam Á
-Việt Nam vi phạm biên giới Trung Quốc  và tiếp tục xâm nhập lãnh thổ TQ
-Việt Nam đối xử không tốt với Hoa kiều tại Việt Nam
-Việt Nam có quan hệ chặt chẽ với Liên Xô-nước đang mở rộng ảnh hưởng tại khu vực Đông Nam Á
-những cư xử không phải của Việt Nam đối với Trung Quốc từ năm 1975 đã làm tổn thương ý thức của Trung Quốc về vị trí tối cao của mình.
       (Nguồn The China Quarterly số mùa đông năm 2005)
Trong cuốn sách mới xuất bản: “Rút kinh nghiệm lịch sử: lịch trình phát triển của quân giải phóng nhân dân Trung Quốc” tác giả Edward C.ODowd và JohnF Corbett.JR đã căn cứ vào một số tư liệu do Trường Bộ binh quân khu Quảng châu và cuốn “70 năm quân giải phóng nhân dân Trung Quốc” tổng kêt kinh nghiệm của cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, cho rằng :
-chiến thuật cơ bản của bộ binh khi tấn công Việt Nam vô cùng đơn điệu.
- lực lượng pháo binh chưa phát huy được tác dụng hữu hiệu
- kỹ năng của các công trình dã chiến tương đối lạc hậu
- công tác trắc địa  có vấn đề
- hệ thống bảo đảm hậu cần kém hiệu quả

Qua đó còn thấy công tác huấn luyện là một trong những khâu yếu kém của quân đội, phải cải cách biên chế…
(Nguồn http://www.milchina.com ngày 29/4/2010 giới thiệu, với nhan đề: “Mỹ quốc nhân nhãn trung đích Trung Việt chiến tranh…”)

Tác giả Giang Tấn trong bài đăng trên Tuần san châu Á số 11-18/7/2010 dẫn lời Nghê Sáng Huy, tác giả cuốn “Mười năm chiến tranh Trung Việt” phát hành tháng 6/2010 cho biết : tư tưởng “tả khuynh” trong, ngoài đảng.. vẫn tiếp tục trượt theo quán tính. Đặc biệt là nhóm trong trung ương đảng do Hoa Quốc phong cầm đầu chủ trương vẫn tiếp tục duy trì lý luận và thực tiến Cách mạng văn hóa. Trong quân đội cũng có không ít cán bộ cao cấp tỏ ra  không thông với đường lối và chính sách của Đặng Tiểu Bình..Đặng Tiểu Bình nếu chỉ dựa vào chức vụ khi đó thì khó có thể xoay chuyển được tình thế, mà phải cần đến một phương thức để quét sạch những chướng ngại của thế lực cực tả đối với cải cách mở của…,Đặng Tiểu Bình tìm sự đột phá từ quân đội, thông qua chiến tranh để chuyển hướng đấu tranh trong nước, tăng cường đoàn kết nội bộ. Đặng Tiểu Bình cũng muốn sau chiến tranh tiến hành điều chỉnh nhân sự trong quân đội. Có thể nói Đặng Tiểu Bình đã sử dụng chiến tranh Trung Việt để củng cố  địa vị của mình..
(Nguồn “Tài liệu tham khảo đặc biệt” Thông Tấn xã Việt Nam ngày 22/7/2010)

Trên đây là một số phân tích, đánh giá có thể nói là khá phổ biến của phía Trung Quốc, thái độ của một số nước và khu vực cũng như một số nhận định của học giả nước ngoài. Để có thể bàn luận một cách tương đối chính xác về  các ý kiến đó, người viết thấy cần phải tìm hiểu sâu  hơn về những bất đồng Việt Nam, Trung Quốc .

Những bất đồng lớn giữa Việt Nam và Trung Quốc xảy ra từ bao giờ

Bất đồng lớn giữa Việt Nam và Trung Quốc không phải chỉ đến sau ngày Việt Nam thống nhất(năm 1975) mới có như những người cầm quyền Trung Quốc nói cũng như bộ máy tuyên truyền của họ ra sức xuyên tạc nhằm dễ đổ hết lỗi của cuộc xung đột đó cho phía ta, mà đã có từ khi Việt Nam kiên quyết không đi theo Trung Quốc chống Liên Xô khi bất đồng Trung Xô được công khai hóa đầu những năm 60 của thế kỷ trước, nó gay gắt thêm khi Việt Nam chủ động tiến hành đàm phán với Mỹ tại Paris nhằm giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai mà không có vai trò(hoặc  phớt lờ) Trung Quốc. Tuy nhiên do Đảng ta, đứng đầu là Bác Hồ đã có những ứng xử khéo léo, khôn ngoan nhưng cương quyết nên các bất đồng đó không biến thành xung đột(xem thêm: “Hồ Chí Minh  với Trung Quốc” và “Những điều ít biết về quan hệ Việt Trung thời chống Mỹ” của Dương Danh Dy”

Vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước, tình hình quốc tế có những biến chuyển mới: Mỹ ngày càng bị sa  lầy ở Việt Nam, Liên Xô đang ở thế đi lên, quan hệ Trung Xô căng thẳng(chiến tranh biên giới hai nước năm 1969, nguy cơ Liên Xô phát đông chiến tranh lớn với Trung Quốc..), quan hệ Trung Mỹ cũng chưa có tiến triển, Trung Quốc vẫn lợi dụng cuộc chiến tranh ở Việt Nam để giương ngọn cờ chống đế quốc. Tuy nhiên hai nước đã có một số động thái nhằm cải thiện tình hình( mà điển hình là sự kiện “ngoại giao bóng bàn). Ban lãnh đạo Trung Quốc đứng đầu là Mao Trạch Đông đã quyết định có bước đột phá trong quan hệ Trung Mỹ, vì cho rằng với  thực lực đã có và với bước đi tiến tới bình thường hóa quan hệ với Mỹ, họ có thể phá vỡ thế hai cực Mỹ Xô, đặc biệt là để đối phó và tranh giành ảnh hưởng với Liên Xô.

Chính vì thế, mà vào tháng 7 năm 1971 Trung Quốc đã vui lòng đón Kissinger, cố vấn an ninh của Tổng Thống Mỹ Nixon. bí mật đến thăm Bắc Kinh.

Chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc-đối thủ hàng đầu của Mỹ do một  phái viên cấp cao Mỹ  tiến hành đã  làm rung động thế giới một thời vì ai cũng thấy, đó là một cuộc viếng thăm có ý nghĩa lịch sử. Một số nước liên quan tỏ ra lo lắng, hoặc mừng vui. Biết trước hành động này của mình sẽ tác động lớn tới một vài đồng minh thân thiết nên ngay sau khi đón tiếp xong Kissinger, ban lãnh đạo Trung Quốc đã cử một mình Chu Ân Lai và một phiên dịch là Lương Phong bí mật tới thông báo tình hình với lãnh đạo Việt Nam.

Người viết bài này được một cán bộ cấp trên tin cậy nói cho biết  chuyện sau. Trong hội đàm Chu Ân Lai đã trình bầy cho phía ta biết vì sao Trung Quốc cần có bước đột phá quan hệ với Mỹ(phá thế bị Liên Xô kìm kẹp) và hứa bình thường hóa quan hệ Trung Mỹ nếu có, sẽ không ảnh hưởng tới cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, hứa sẽ viện trợ cho Việt Nam nhiều hơn trước. Tuy nhiên người đứng đầu đảng ta, và một sô người lãnh đạo chủ chốt của Đảng ta tỏ ra nghi ngờ “ thiện ý” trên và cho rằng Trung Quốc đã “phản bội”, “bán rẻ” “làm ăn với Mỹ trên lưng ta”

Ngưòi viết bài này cho rằng bất đồng Việt Trung gay gắt rồi dân dần trở thành xung đột đẫm máu đã qua các giai đoạn sau:

-Từ những năm 1972 đến tháng 5/1975 là thời gian Trung Quốc thi hành chính sách vừa lôi kéo vừa gây sức ép với ta, vừa lôi kéo tức là vẫn tiếp tục viện trợ cho cuộc chiến tranh chống Mỹ của nhân Việt Nam, thậm chí là nhiều hơn trước như đã hứa. Mạng Phượng Hoàng Hồng Công ngày 8/10/2010 trong bài viết “Trong những năm 70 để tranh thủ Việt Nam với Liên Xô rốt cuộc Trung Quốc đã phải chi bao nhiêu tỷ” đã nói cụ thể số viện trợ cho Việt Nam trong 3 năm 1971-1973 như sau:
1971年~1973年成为中国 向越南提供援助最多的三年,签订援助协定的总额近90亿元人民币,单就军事援助来说,近两年的援助物资即超过以往20年的总和。(Năm 1971-1973 trở thành 3 năm Trung Quốc viện trợ Việt Nam nhiều nhất, tổng mức  viện trợ ký kết là gần 9 tỷ NDT, chỉ riêng viện trợ quân sự, trong gần 3 năm viện trợ này đã vượt qua tổng số của 20 năm trước)

Còn gây sức ép tức là bắt đầu kiếm chuyện ở biên giới miền Bắc nước ta và xúi giục, khuyến khích bọn Polpot “gây chuyện” với ta trên đoạn đường mòn Hồ Chí Minh đi qua lãnh thổ Cămpuchia.

Có thể nói trước giai đoạn này, về cơ bản đường biên giới trên lục địa Việt Trung là đường biên giới hữu nghị, không có các vụ tranh chấp thường xuyên mặc dù những ý đồ, hành động xâm lấn biên giới của Trung Quốc đã có nhưng chưa để lộ rõ. Là một trong số người theo dõi trực tiếp tình hình tôi ghi nhận từ năm 1973 trở đi Trung Quốc  bắt đầu công khai gây chuyện với ta, như coi một số vùng xâm canh xâm cư trên lãnh thổ của ta là lãnh thổ của họ, xê dịch cột mốc biên giới, coi đoạn nối ray nằm sâu vào lãnh thổ Việt Nam 300 m(đây là sơ hở của ta khi nhờ họ khôi phục đường sắt năm 1954) trên đường sắt Hà Nội Hữu Nghị Quan là lãnh thổ của họ, ngang nhiên cho tầu liên vận đỗ tại đoạn này, gây tranh chấp với ta…

Theo thống kê chưa đầy đủ của phía Việt Nam thì chỉ riêng năm 1974 phía Trung Quốc đã gây ra 179 vụ và năm 1975 đã gây ra 294  vụ lấn chiếm đất đai của Việt Nam(nguồn “Sách Trắng” Bộ Ngoại giao Việt Nam 1979), còn tư liệu của Trung Quốc nói trong năm 1974 Việt Nam đã gây ra  121 vụ xung đột biên giới và năm 1975 là 439 vụ(“Nguyên nhân tranh chấp Trung Việt là ở đâu” Ban đối ngoại Ủy Ban Cách mạng, Khu tự trị Quảng Tây tháng 4/1979)

Đáng chú ý là sau khi được phục hồi công tác, Đặng Tiểu Bình đã có một số câu nói với một số nhà lãnh đạo đảng ta, như “ thuyết ba thế giới mà tôi trình bày tại đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chỉ là lời nói phát ra từ cổ họng”(ngụ ý thuyết đó là của Mao Trạch Đông chứ không phải của mình, cho thấy ông ta khác Mao Trạch Đông người mà ban lãnh đạo ta lúc đó  không có cảm tình) Hoặc khi đề cập tới va chạm về biên giới Đặng đã nói: biên giới ở xa, lãnh đạo hai nước chúng ta nên tìm hiểu, lắng nghe rồi hãy nêu ý kiến(  ngụ ý khuyên phía Việt Nam cần bình tĩnh thận trọng trong vấn đề biên giới trong khi họ đang cố tình gây sự) Khiến một số nhà lãnh đạo Việt Nam không thấy hết ý đồ sâu xa thâm hiểm  và bản chất của ông ta

Qua những lời kể của một số nhà lãnh đạo quân sự và chính trị có liên quan của ta, bắt đầu từ năm 1973, bọn Polpot đã tìm cách sát hại, cướp đoạt những nhóm cán bộ, bộ đội và những xe chở vũ khí vật tư đi lẻ hoặc mất cảnh giác trên đường mòn Hồ Chí Minh đi qua đất Cămpuchia và những hành động đó ngày một tăng và trắng trợn hơn.

Cần nhấn mạnh thêm, việc nhà cầm quyền Bắc Kinh, sau khi được phía Mỹ thỏa thuận ngầm, ngày 17/1/1974 đã bất ngờ tấn công chiếm nốt nửa phía tây quần đảo Hoàng Sa đang do lực lượng của chính quyền Sài Gòn chiếm giữ từ năm 1956 đã cho ban lãnh đạo và nhân dân ta thấy rõ dã tâm tranh cướp lãnh thổ  ta của ban lãnh đạo Bắc Kinh. Tuy vậy do lúc đó cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất còn đang tiếp diễn, nên chúng ta đã kiềm chế không phát biểu gì mà chỉ để Mặt trận Dân tộc Giải phóng Việt Nam nói một số câu ngầm cho thấy  quần đảo đó thuộc chủ quyền của Việt Nam.

-Từ tháng 5 năm 1975 đến tháng 2 năm 1979 là thời gian bất đồng giữa Trung Quốc và Việt Nam trở nên vô cùng gay gắt, Trung Quốc chuyển sang chính sách đe dọa(hay cái gậy) là chính đối với Việt Nam. Do Ban lãnh đạo Việt Nam không chịu khuất phục, ngả dần ròi ngả hẳn sang phía Liên Xô, nên cuối cùng xung đột giữa hai bên đã phát triển thành cuộc chiến tranh biên giới tháng 2 năm 1979 do nhà đương cục Trung Hoa phát động.

Chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 là một thắng lợi to lớn trong lịch sử đấu tranh giành độc lập và thống nhất của dân tộc ta. Đó là một thắng lợi vang dội khiến uy tín và vai trò của Việt Nam được xác lập trên thế giới và khu vực. Thế nhưng thắng lợi đó đã khiến ban lãnh đạo Bắc Kinh “không vui”, họ không ngờ sự nghiệp thống nhất đất nước của Việt Nam lại huy hoàng đến thế, và hơn nữa còn ấm ức trong lòng vì không ngờ Việt Nam đã nhanh tay thu hồi  phần quần đảo Trường Sa đang do chính quyền Sài Gòn chiếm giữ. Nó cho người Mỹ thấy “vai trò” của Trung Quốc đối với Việt Nam là có hạn, và lo ngại “sức mạnh” của Liên Xô đang lớn lên tại khu vực này…

Trong tình hình đó, Trung Quốc đã cố tình gây ra hầu hết những cuộc  va chạm, xung đột tại biên giới cũng như tạo ra những sự kiện mới để ép ta.        

Về tình hình biên giới. Theo thống kê của ta năm 1976 phía Trung Quốc đã gây ra 812 vụ, năm 1977 là 873 vụ và năm 1978 là 2.175 vụ (nguồn “Sách trắng”)Còn theo tin của Trung Quốc thì năm 1976 phía Việt Nam đã gây ra 986 vụ, năm 1977 là 752 vụ, năm 1978 là 1108 vụ(Nguồng “Nguyên nhân tranh chấp Trung Việt là ở đâu”). Trong đó có một số vụ đổ máu. Ở đây cần nói rõ, những số liệu mà Trung Quốc đổ cho phía ta gây ra đều là bịa đặt, vì tôi đã hỏi và được người có trách nhiệm trả lời rất rõ là không bao giờ chúng ta dại gì xâm phạm lãnh  thổ của họ. Có những vụ va chạm là do chúng ta bảo về phần lãnh thổ của mình mà trước đây  họ đã xâm canh, xâm cư hoặc cố tình lấn chiếm khi làm đường vận tải giúp ta.

Trước tình hình trên, từ đầu năm 1977, Việt Nam thi hành chính sách “làm trong sạch vùng biên giới”, như yêu cầu một số cư dân Trung Quốc sang đất Việt Nam lánh nạn từ hồi đầu “cách mạng văn hóa” mà chúng ta đã bao dung cho ở nhờ nay phải về nước.

Tháng 8 năm 1976, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đề nghị với phía Việt Nam  thiết lập 3 Tổng lãnh sự quán tại 3 thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hait Phòng, nhưng phía Việt Nam chỉ đồng ý thành lập 2 Tổng Lãnh sụ quán tại Hà Nội và Hải Phòng, từ chối không cho lập ở Đà Nẵng (lúc đó chúng ta đang có 3 Tổng lãnh sự quán tại Quảng Châu, Nam Ninh, Côn Minh tại Trung Quốc, chưa kể trước đó chúng ta còn có Tổng lãnh sự quán tại Thượng Hải, nhưng  đã rút ) và đề nghị Trung Quốc phải chờ thông báo của Việt Nam. Sau nhiều lần gặp gỡ thúc giục mãi đến tháng 11 năm 1977 phía Việt Nam mới đồng ý để phía Trung Quốc cử người tới thành phố Hồ Chí Minh, nhưng khi nào mở cửa phải đợi ý kiến của Việt Nam. Đầu tháng 4 năm 1978 cán bộ Trung Quốc chuẩn bị cho việc thành lập Tổng lãnh sự quán đến Hà Nội chuẩn bị trình thư ủy nhiệm, nhưng phía Việt Nam tìm mọi cớ để trì hoãn khiến họ phải chờ tới gần 3 tháng, Cuối cùng, ngày 16/9/1978 ,Trung Quốc quyết định đóng cửa 3 Tổng lãnh sự quán của Việt Nam tại Trung Quốc thì họ không đòi thiết lập Tổng lãnh sự quán tại thành phố Hồ Chí Minh nữa.

Vấn đề người Hoa , phía Trung Quốc cho rằng việc ngày 3 tháng 9 năm 1976 chúng ta buộc tờ báo “Tân Việt Hoa”-tờ báo duy nhất xuất bản bằng tiếng Trung có từ lâu đời tại miền Bắc, ngừng hoạt động nữa là tiếng súng đầu tiên báo hiệu việc nhà cầm quyền Việt Nam bắt đầu kỳ thị, bài xích Hoa kiều. Ngày 24 tháng 5 năm 1978, Ủy Ban công tác Hoa kiều của Quốc vụ viện Trung Quốc công bố bài nói với Tân Hoa xã về việc Việt Nam xua đuối người Hoa, ngày 26 chính phủ Trung Quốc quyết định cử tầu thủy đến cảng Việt Nam đón cái gọi là “nạn kiều” nhưng không thành vì chính phủ ta không cho tầu cập cảng.

Xin khẳng định: “kịch bản” Việt Nam xua đuổi bức hại người Hoa và Hoa kiều là do nhà cầm quyền Trung Quốc nặn ra, dùng nó dọa dẫm người Hoa rời khỏi Việt Nam rồi họ đứng ra tiếp nhận chỉ là bản sao gần như nguyên bản mà chính quyền Bắc Kinh đã dựng nên và “công diễn” tại Indonesia năm 1956( dựng nên chuyện Hoa kiều bị bức hại, bị xua đuổi, nhà nước Trung Quốc cho tầu đến đón “nạn kiều” rồi thành lập một số nông trường … tại vùng Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến chuyên tiếp nhận những người chót dại theo về.) (Rất ít người biết chuyện này, một sô nhà nghiên cứu nuớc ngoài gần đây khi gặp tôi cũng cho rằng Việt Nam xua đuổi nguời Hoa, tôi liền hỏi lại:bạn có biết chuyện nhà cầm quyền Indonexia bị Trung Quốc vu cáo là xua đuổi ngưòi Hoa ở đó năm 1956 không, anh bạn ngẩn ngưòi ra thừa nhận không biết.Tôi bảo hãy về đọc lại tư liệu cũ đi rồi hãy nói.Ba hôm sau anh bạn này gọi điện đến xin lỗi tôi và thừa nhận là đã mắc lừa luận điệu của Trung Quốc)

Trong vấn đề người Hoa, phía Việt Nam không chủ động buộc họ ra đi, nhưng khi dưới sự xúc xiểm, đe dọa, hứa hẹn của nhà cầm quyền Bắc  Kinh thì chúng ta sẵn sàng  tạo điều kiện thuận lợi cho  những người muốn  ra đi . Tuy vậy cần thấy trong vấn đề này có lúc Việt Nam đã quá cường điệu tính dân tộc, cảnh giác dân tộc quá mức khiến rất nhiều người Hoa đã từng gắn bó chặt chẽ và có công lao nhất định trong hai cuộc kháng chiến  và sự nghiệp xây dựng của Việt Nam cũng phải rời bỏ mảnh đất mà họ thấy thân thiết hơn là “đất mẹ Trung Quốc”(một số người Hoa nói với tôi ở Quảng Đông năm 1994) Ngoài ra một số sai lầm của một số địa phương và một số cán bộ của ta như dọa dẫm, sách nhiễu, bán bãi… đã khiến sau này nhà cầm quyền Trung Quốc giương được ngọn cờ vu cáo và khiến dư luận quốc tế nghiêng về luận điệu “Việt Nam xua đuổi bức hại người Hoa” do Trung Quốc tạo dựng.
Bản “Bị vong lục” của Lý Tiên Niệm, Phó Thủ tướng Trung Quốc trao cho Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng ngày 10 tháng 6 năm 1977.

Trên đường về nước sau khi thăm một số nước Đông Âu, Thủ tướng Phạm văn Đồng có ghé thăm Trung Quốc, được Hoa Quốc Phong, chủ tịch ĐCSTQ kiêm Thủ tướng chính phủ tiếp và có cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Tiên Niệm. Trong cuộc hội đàm đó Lý Tiên Niệm đã đưa cái gọi là bản Bị vong lục gồm 7 điểm, mà thực chất là bản lên án Việt Nam: có một số lời nói  làm tổn hại nghiêm trọng đến tình cảm của nhân dân Trung Quốc, tốn hại đến tình hữu nghi hai nước; Việt Nam không chỉ nói mà còn làm; điểm nối ray đã xẩy ra nhiều vấn đề, trên vấn đề Tây Sa(Hoàng Sa) và Nam Sa(Trường Sa), vấn đề phân chia vịnh Bắc Bộ,vấn đề Hoa kiều, vấn đề Việt Nam lợi dụng lịch sử để ngầm chống Trung Quốc.

Tiếp đó là các sự kiện sau:

Hội nghị TW 4 của ĐCSVN họp tháng 4/1978 xác định “Trung Quốc là kẻ thù nguy hiểm, trực tiếp nhất”

Việt Nam gia nhập Hội đồng tương trợ kinh tế và đặc biệt là sau đó đã ký Hiệp định đồng minh tương trợ với Liên Xô  tháng 8 năm 1978.

Trung Quốc xoá bỏ hợp đồng viện trợ(lấy cớ là để lấy tiền giúp đỡ “nạn kiều” từ Việt Nam về nuớc) rút chuyên gia tại Việt Nam

Tháng 11 năm 1978, khi thăm Thái Lan Đặng Tiểu Bình tuyên bố phải “dạy cho Việt Nam bài học”, gọi Việt Nam là “côn đồ”

Ngày 21 tháng 12 năm 1978, Trung Quốc hủy bỏ hiệp ước vận chuyển hành khách và hàng hóa liên vận, khiến nhiều cán bộ Việt Nam đi công tác và lưu học sinh tốt nghiệp tại Liên Xô, Đông Âu về nước bị dồn lại tại Bắc kinh một thời gian. Sau khi số hành khách này về nước hết bằng máy bay, ngày 15 tháng 11 năm 1979, Trung Quốc tuyên bố hủy bỏ hiệp định hàng không với Việt Nam. Đến lúc này, giữa hai nước ngoài 2 đại sứ quán và nhân viên đóng tại hai thủ đô của nhau ra hầu như không còn quan hệ gì nữa.
(Trên đây là một số sự kiện tiêu biểu diến ra trong thời kỳ chính phủ Trung Quốc áp dụng chính sách “cái gậy” với Việt Nam . Tôi cố gắng đưa nhiều sự kiện để giúp người đọc khách quan trong nhận định đánh giá, hơn nữa ngại rằng thời gian đã khá xa, sợ có người quên, người chưa đọc hết). 
                   Dương Danh Dy                                    

12 nhận xét :

  1. Tôi đã qua TQ, làm việc với Các nhà khoa học, doanh nhân TQ, ăn cơm Tàu, ngủ nữa ... chú Khách lo hết nhưng tôi vẫn coi thường và khinh họ. VN vẫn tài hơn TQ. Thế mà "ai đó" vẫn sợ Tàu thì ... tất cả đều hiểu chỉ vài người không hiểu!!!

    Trả lờiXóa
  2. Sự thật là, con tôi có bị điểm không môn lịch sử thì tôi cũng không trách mắng nó.

    Trả lờiXóa
  3. Không hiểu tại sao phía VN lại giữ im lặng mãi về câu chuyện lịch sử này

    Trả lờiXóa
  4. Trong bài viết trước, ông Trương Danh Dy có nói không nhắc lại lịch sử do tôn trọng, và vì "nghĩa lớn". Tuy nhiên chúng ta không thể không nhắc lại, ôn lại vì Đó chính là lịch sử !!
    Hôm nay ông đã có bài viết về sự kiện Chiến tranh biên giới 1979 với tư cách là nguời trong cuộc. Xin cảm ơn ông vì những tư liệu quý báu mà ông chia sẻ. Mong rằng những nhân chứng của Chiến tranh biên giới hãy tiếp tục chia sẽ về sự kiện này vì thời gian không còn nhiều, nhiều người có thể sẽ mất và mang theo những thông tin quý giá về lịch sử giữ nước của dân tộc ta.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đề nghị viết đúng tên tác giả Ông Dương Danh Dy.

      Xóa
  5. Đọc để hiểu thêm một giai đoạn lịch sử...
    Từ nhỏ cho đến bây giờ chưa bao giờ tôi thích người tàu vì họ đã thường xuyên xâm lược và cai trị nước tôi, có lẽ một phần nhờ vào sự giảng dạy của các giáo sư dạy sử địa(cách gọi các thầy cô dạy trung học ngày xưa)
    Cảm ơn nhà ngoại giao Dương Danh Dy.

    TH

    Trả lờiXóa
  6. Để hiểu thêm, mời các bạn đọc:

    (1) Wilfred G. Burchett, China, Cambodia, Vietnam Triangle, Vanguard Books, 1982.
    [ Tam giác Trung Quốc – Campuchia – Việt Nam, NXB TTLL, HN, 1986].

    (2)- Grant Evans – Kelvin Rowley. The Red Brotherhood at war (bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Tấn Cưu – Chân lý thuộc về ai?), NXBQĐND, 1986.

    Trả lờiXóa
  7. theo toi,neu co dieu gi con e ngai thi nha nuoc viet nam nen cho phep cac nha nghien cuu tu do tham khao cac tai lieu luu tru ,qua do co duoc cac nghien cuu cua cac ca nhan , co the xuat ban tren mang /

    Trả lờiXóa
  8. Xin gọi ông là nhà giáo. Nhà giáo nhân dân Dương Danh Dy.

    Trả lờiXóa
  9. Kẻ nào gây nên tội ác này?
    Cựu quân nhân F316

    Trả lờiXóa
  10. Kẻ gây chiến tranh phải bồi thường chiến tranh!

    Trả lờiXóa
  11. tại sao sự thật lịch sự cứ bị xuyên tác và che dấu mãi vậy !

    Trả lờiXóa