Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2012

Chu Hảo: VÔ MINH VÀ VÔ CẢM

Vô minh và vô cảm
Chu Hảo

Ngày nay ít ai còn nghi ngờ rằng những thành tựu tuyệt vời của khoa học và công nghệ đã không làm cho Trái đất-ngôi nhà chung của chúng ta tươi đẹp hơn, Xã hội loài người trở nên nhân bản hơn, và Con người có cuộc sống hạnh phúc hơn... ít ra là so với kỳ vọng của nhân loại từ sau thời Phục hưng (TK 14) và nhất là sau thời kỳ Khai sáng (TK 18). Văn minh vật chất rõ ràng ngày càng cao, nhưng văn minh tinh thần có vẻ như đang xuống thấp, nhất là nhìn từ góc độ văn hóa-đạo đức xã hội. Tri thức tràn trề mà vẫn Vô minh, lòng trắc ẩn không còn đủ để ngăn ngừa sự Vô cảm. Ở phương Đông cũng thế mà phương Tây cũng thế; nước giầu và nước nghèo đều thế cả; xứ mình cũng không phải là ngoại lệ...

Hơn 2500 năm trước Đức Phật đã chứng ngộ và tuyên giảng Tứ diệu đế (Bốn sự thật cao minh) là : KHỔ (mọi nỗi khổ đau đều có nguyên nhân), TẬP (nguyên nhân gây nên khổ đau là tham, sân, si), DIỆT (có thể loại trừ được các mầm độc gây nên khổ đau ấy) bằng ĐẠO (tu hành tâm linh tích cực). Nếu mọi người trên thế gian này đều làm được đúng điều Phật dạy thì cõi Niết bàn ngay trên trần gian này đã có từ lâu. Tiếc thay số người tin vào điều Phật dạy không nhiều, những người thực sự làm theo Phật chắc chắn là ít hơn, số tu hành tâm linh đến mức chứng ngộ còn hiếm hoi hơn nữa. Chắc đó cũng là quy luật của sự phát triển. Bởi lẽ, nếu cõi Niết bàn chỉ có toàn những điều Chân Thiện Mỹ thì nó không thể tồn tại trên trần thế, vì ở chốn nhân gian có giả mới có Chân, có ác mới có Thiện, có xấu có Đẹp (Mỹ). Nhân loại chỉ mong cái tốt Đẹp nhiều hơn cái xấu xa , cái Thiện thắng cái ác, và cái Chân thực lấn át cái giả dối. Ngoài Đạo Phật, các tôn giáo khác đều có lý do tồn tại chính đáng khi tôn sùng các giá trị Chân-Thiện-Mỹ và răn đe Tham-Sân-Si để Hành tinh xanh này tươi đẹp hơn, Xã hội loài người nhân bản hơn và Con người có cuộc sống hạnh phúc hơn…

Tham (tham lam, vụ lợi, ích kỷ, …) và Sân (nóng giận, đố kỵ, ghen tỵ…) xem ra có vẻ dễ được khắc chế hơn là Si (dốt nát, mê muội, cuồng tín…). ThamSân làm sói mòn lòng trắc ẩn và gia tăng sự vô cảm. Chúng dễ được khắc chế hơn vì không ai không nhận ra sự Tham và sự Sân của mình, chỉ còn khó là ở chỗ có muốn và có đủ năng lực kiềm chế chúng không? Nói cho cùng thì ThamSân cũng là do Si mà ra, càng Si thì càng dễ ThamSân. Nhưng Si thì nhiều khi không thể tự nhận biết, bởi nó chính là sự Vô minh; tự khai minh (để rũ bỏ Vô minh) cũng khó như là tự nâng mình lên khỏi mặt đất. Cái vô minh của một cá nhân hay một tập thể có quyền lực có thể tạo ra cái Si cộng đồng thông qua tác động tâm lý đám đông hoặc dùng quyền lực áp đặt. Niềm tin u mê vào tính siêu việt của tộc người Germain của dân tộc Đức để biện minh cho việc tàn sát dân tộc khác trong thời kỳ Hitler cầm quyền là một minh chứng điển hình cho cái Si cộng đồng đã đẫn đến tội ác diệt chủng. Trước đó lịch sử loài người cũng đã từng chứng kiến một niềm tin u mê vào tính ưu việt của một giai tầng xã hội là động lực của cuộc cách mạng bạo lực để kỳ thị và loại trừ các giai tầng khác, đặc biệt là trí thức. Cái Si cộng đồng này đã sụp đổ ở nguyên quán là Liên bang Xô viết cũ, nhưng tàn dư của nó vẫn còn đó, ở đôi nơi…

Sự cố chấp, thực lòng hay dối trá cũng vậy thôi, vào một ý thức hệ lỗi thời nào đó cũng là một biểu hiện của sự Vô minh. Không tin vào Dân, không dựa vào Dân ; không đặt quyền lơị của dân tộc lên trên mọi giáo điều chủ thuyết, mọi lợi ich nhóm ... đều là Si, là Vô minh cả. Vô minh trực tiếp dẫn đến Vô cảm. Cái Vô cảm đáng sợ nhất mà chúng ta đang hàng ngày chứng kiến là sự Vô cảm của rất nhiều bộ phận trong hệ thống quyền lực trước sự bất công thê thảm mà biết bao người dân thường đang phải gánh chịu; trước sự tàn phá thậm tệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên; trước sự xuống cấp một cách nguy hại của văn hoá - giáo dục - đạo đức xã hội ...

Những biểu hiện Vô minhVô cảm như thế chỉ có thể bị hạn chế, bị đẩy lui trong một thể chế dân chủ, với một nền giáo dục nhân văn . Thể chế dân chủ đảm bảo những quyền tự do cơ bản của con người, trong đó quyền tự do bầy tỏ chính kiến của mình để làm phong phú, đa dạng và đổi mới tư duy của toàn xã hội để gạt bỏ mọi giáo điều ý thức hệ, có lẽ là quan trọng nhất. Tự do có thể là khát vọng bẩm sinh của con người, nhưng Dân chủ thì phải được giác ngộ, được rèn luyện gian truân trong thực tiễn cuộc sống mới dần dần có được. Nền giáo dục đào tạo ra những con người có tri thức hữu dụng và lòng trắc ẩn để tránh xa Vô minhVô cảm phải được xây dựng theo một triết lý hết sức nhân bản. Chẳng hạn như đề xuất của triết gia hiện đại người Pháp - Edgar Morin về sứ mạng và mục tiêu của giáo dục:

1) Hình thành những khối óc được rèn luyện tốt; đào tạo những con người có đủ năng lực tổ chức và liên kết các trí thức để mưu cầu hạnh phúc cho bản thân mình và cho toàn xã hội chứ không phải nhồi nhét kiến thức theo kiểu chất vào kho.

2) Giáo dục về hoàn cảnh con người, làm cho mọi người có ý thức sâu sắc thế nào là một con người. Dạy cho thế hệ trẻ cách sống, chuẩn bị cho họ biết cách đối mặt với những khó khăn và những vấn đề chung của cả loài người.

3) Thực tập tư cách công dân của đất nước và của toàn thế giới; có năng lực đối thoại, khoan dung trong thế giới phức hợp và đa dạng.

Để có một thể chế dân chủ hơn, một nền giáo dục lành mạnh hơn, xã hội không chỉ trông chờ vào vào sự thực thi nghĩa vụ của các cơ quan và tổ chức lãnh đạo quyền lực, mà còn hy vọng vào sự dấn thân của tầng lớp trí thức tinh hoa của dân tộc – những người không chỉ có trình độ học vấn – chuyên môn cao, mà trước hết phải có ý thức trách nhiệm xã hội, dám công khai bày tỏ và bảo vệ chính kiến của mình.

Ngày xưa Nguyễn Trường Tộ (1828-1871) là một trí thức dấn thân theo kiểu của ông : trong cuộc đời ngắn ngủi của mình ông đã gửi lên Vua Tự Đức 30 bản tấu trình đề xuất kế hoạch canh tân đất nước và khoảng 60 bản điều trần về đủ mọi thứ khác. Nhưng Vua không nghe thì đành chịu! Cùng thời với ông, Fukuzawa Yukichi (1835-1901) đã nổi lên như một ngôi sao sáng trong giới trí thức Nhật Bản thời ấy. Ông không chỉ tấu trình cho Nhật hoàng mà tìm mọi cách truyền bá tư tưởng canh tân cho đồng nghiệp, học trò và toàn xã hội. Có thể nói ông là rường cột tinh thần cho phong trào Minh trị duy tân. Sự phát triển theo các con đường khác nhau, và kết quả cũng khác nhau, của Việt Nam và Nhật Bản có lẽ đã bắt đầu từ đó. Nửa thế kỷ sau, có một lớp chí sỹ của phong trào Duy Tân và Đông kinh nghĩa thục, đứng đầu là cụ Phan Châu Trinh, đã dũng cảm đi theo con đường của Fukuzawa, chủ trương làm cách mạng văn hóa và giáo dục. Nhưng đã thất bại vì chính quyền thuộc địa đàn áp dã man.
Ngày nay chính quyền luôn luôn được khẳng định là của nhân dân, vì vậy điều kiện tấu trình, điều trần cũng như triển khai thực hiện những đóng góp cụ thể, đã thuận lợi hơn nhiều, tầng lớp trí thức tinh hoa của dân tộc chẳng lẽ chỉ có trăn trở và kiến nghị thôi sao? Đấy là nỗi băn khoăn của rất nhiều người Việt Nam tâm huyết, ở trong nước cũng như ở nước ngoài, đang dấn thân vì sự phát triển của Đất nước, vì tương lai của Dân tộc.

Nguồn: Diễn đàn.

14 nhận xét :

  1. chia se voi giaô su chu hao /gop y ,kien nghi di doi voi giao duc la mot cach trang bi nhan thuc cho quan chung /chi khi nao cong nhan ,nong dan hieu nhung dieu tri thuc phan bien thi moi co phong trao ,co suc manh thay doi xa hoi /

    Trả lờiXóa
  2. Lời lẽ thẳng thắng không bác bỏ được nhưng không biết ai đó có nghe không. Có một bài về trí thức ở đây, mời chư vị tham khảo.
    http://gocsan.blogspot.com/2012/01/who-are-intellectuals-tri-thuc-la-ai.html

    Trả lờiXóa
  3. qua tuyet voi, mong nuoc nam ta co nhieu nha tri thuc nhu ong Chu Hao . Nhan dip nam moi nham thin kinh chuc giao su va gia dinh co nhieu suc khoe va niem vui moi.

    Trả lờiXóa
  4. Thưa Gs,
    Phải có một sự kiện, nhân vật dẫn đầu như một luồng sức mạnh thổi tung cái trì trệ, cản trở sự tiến tới của dân tộc
    Khát khao xã hội dân sự không thể tự nhiên mà có (nếu có chắc cũng dài lâu hoặc...)
    Là một bộ phận trong guồng máy thì cứ xoay theo guồng máy mà thôi.
    Kính chúc GS mạnh khỏe, tôi rất khâm phục sự từ tốn, điềm đạm ở Ông.
    Những ngày cận Tết ngồi đọc và nghiền nghẫm bài viết trên, cảm thấy vui vui trong lòng...

    TH

    Trả lờiXóa
  5. Ông đã nói đúng tâm tư của chúng tôi, những người đã từng làm công chức rồi chán ngán về nền hành chính sâu mọt, gian dối - Chúng tôi cảm thấy bất lực đành chịu kiếp hèn mọn kiếm cơm ăn vậy - Càng đọc bài của ông càng thấy nhục

    Trả lờiXóa
  6. Tôi cảm phục GS Chu Hảo đã nói hộ những điều trớ trêu lâu nay chúng tôi ấm ức đành chịu kiếp sống hèn kiếm miếng cơm - Nhục thật

    Trả lờiXóa
  7. Dấu hỏi cuối cùng của GS làm chúng ta cùng suy nghĩ, mong sẽ có người đánh thức được sức mạnh bên trong của dân tộc mình, sớm có nhà tư tưởng lớn hành động dẫn dắt dân tộc mình đi lên.

    Trả lờiXóa
  8. Từ ngày qua Mỹ định cư, có nhiều điều kiện lên mạng internet hơn, một trong những điều làm tôi đau lòng nhất đó là càng thấy rõ hơn sự "ly tán" trong lòng dân tộc Việt. Trí thức và đại chúng chưa hiểu được nhau (như ý của bác Bùi Công Tự trong nhận xét đầu tiên) thì tôi nghĩ sự chia cách đó vẫn còn dễ lấp đầy. Trí thức trong và ngoài ly tán nhau mới là điều nan giải, và là cái nan giải đau đớn. Tôi cảm thấy tôi may mắn được sống lâu trong nước kể từ sau 1975, mặc bao điều đã trải nếm, như vậy tôi mới nhạy cảm hiểu được nỗi thao thức khôn nguôi của "người trong cuộc". Có được sống lại cuộc đời mình thì tôi cũng nguyện được sống lại y như thế! Năm 2011 vừa qua tôi đã bắt đầu thấy ánh sáng hy vọng lóe lên cuối đường hầm. Mong thay!

    Vâng, giống như bác TH trên đây, tôi rất khâm phục sự từ tốn, điềm đạm của GS Chu Hải. Tôi biết ơn những gì GS đã nỗ lực làm. "Tự khai minh (để rũ bỏ Vô minh) cũng khó như tự nâng mình lên khỏi mặt đất". Vâng, GS Chu Hải nói rất đúng! Điều ấy khó lắm, nhưng là thử thách mà mỗi người Việt mình - dù ở trong hay ở ngoài - phải gắng tự vượt qua, để thắp lên tương lai cho dân tộc!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Với bác Ha Le:
      Như vậy dù ta chưa đồng ý với nhau vê việc phán xét "độc tài" dạo nào nhưng ta vẫn có cùng suy nghĩ về GS Chu Hảo đó chứ ?
      Mong rằng "đồng sàng nhưng không dị mộng"
      Chúc Bác một Tết Nguyên đán vui khỏe, cày nhiều job để tích lũy hưởng tuổi "trè mà sống lâu"

      TH

      Xóa
  9. Một bài viết quá hay, cám ơn GS Chu Hảo- tác giả bài viết và cũng cám ơn Blog NXD đã đăng tải bài viết tuyệt vời này để cho chúng em cháu có cơ hội đọc và suy ngẫm. Nhân dịp năm mới, xin kính chúc quý vị Bình an, Thịnh vượng.

    Trả lờiXóa
  10. Gs.Chu Hảo: "Nửa thế kỷ sau, có một lớp chí sỹ của phong trào Duy Tân và Đông kinh nghĩa thục, đứng đầu là cụ Phan Châu Trinh, đã dũng cảm đi theo con đường của Fukuzawa, chủ trương làm cách mạng văn hóa và giáo dục. Nhưng đã thất bại vì chính quyền thuộc địa đàn áp dã man".
    Chỗ này giáo sư nhầm hay là trút hết tội vào chính quyền thuộc địa vì một lý do gì đó? Thực tế gần 80 năm đô hộ nước ta, thực dân Pháp chỉ đàn áp dã man các cuộc bạo động vũ trang (nhằm lật đổ chính quyền) chứ không đàn áp các cuộc đấu tranh ôn hòa, hợp pháp. Họ có thể tìm cách hạn chế (theo pháp luật) chứ không đàn áp, càng không có chuyện "đàn áp dã man". Bản thân cụ Phan Châu Trinh vì có liên quan đến vụ dân biến Trung Kỳ (1908) nên ông bị bắt giam. Lúc đầu triều đình Huế định khép tội chết nhưng sau giảm án, bắt đày Côn Đảo. Nhờ Hội Nhân quyền Pháp can thiệp, cụ được đưa về an trí ở Mỹ Tho (1910). Sau đó, chính cụ xin sang Pháp và được chính quyền Pháp chấp nhận (1911). Trong 14 năm sống ở Pháp, cụ được chính quyền Pháp trợ cấp, con trai Phan Châu Dật được đi học. Các hoạt động yêu nước của cụ ở Pháp rất mạnh mẽ nhưng chính quyền chỉ theo dõi chứ không cản trở. Năm 1914 cụ bị bắt và giam vào nhà ngục Sante (9 tháng), ấy là do trong thời gian Thế chiến I cụ bị nghi là làm gián điệp cho Đức (kẻ thù của Pháp lúc đó) và cũng do cụ không gia nhập quân đội đi đánh Đức. Năm 1925 cụ về nước, đi diễn thuyết đả phá kịch liệt chế độ quân chủ triều Nguyễn, nhưng chưa được bao lâu thì cụ bị bệnh mất.
    (còn tiếp)

    Trả lờiXóa
  11. Không nên chán ngán, hoang mang! Những gì không thuộc về đời sống, những gì không thuộc về con người thì tự nó sẽ khủng hỏang, tự nó sẽ mất đi vì thiếu sức sống!
    Thời đại ngày nay con người đã nhận thức được mình, biết mình ở đâu. Ngày xưa con người cũng nhận thức được mình, cũng biết mình ở đâu, nhưng không dám nói, thậm chí là không dám nghĩ tới (trong một nhận xét ở một bài khác, bác Đào Tiến Thi cũng có nói đại khái như vậy, không tin thì hỏi lại bác Đào Tiến Thi xem, hì hì...)

    Trả lờiXóa
  12. (Tiếp theo)
    Năm 1926 cụ Phan Châu Trinh bị bệnh qua đời. Ngoài cụ Phan Châu Trinh và sau cụ Phan Châu Trinh, còn hàng loạt trí thức không đi theo con đường bạo động, chỉ chủ trương đấu tranh ôn hòa, công khai hợp pháp, như Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Thanh, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, và rất nhiều các nhà văn, nhà báo thời kỳ 1930 – 1945 (thế hệ “Tiền chiến”),… Những nhà trí thức này cũng có khi bị bắt, thường là do dính líu đến các cuộc bạo động, còn nhìn chung họ vẫn được phát biểu chính kiến, đả kích bọn vua quan phong kiến (chuyện thường), có khi còn đả kích cả chế độ bảo hộ, đả kích cả những nhân vật chóp bu trong giới cầm quyền này. Ai đã từng ngồi trên ghế nhà trường THPT những năm sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ trước đều biết bài báo Ông thống sứ với trận mưa hôm họ, Ngô Tất Tố đả kích Thống sứ Bắc Kỳ Tholance, bài thơ Bầu cử của Tú Mỡ, đả kích trò bầu cử vào Viện dân biểu Bắc Kỳ,…
    Ngay đến cụ Phan Bội Châu, lãnh tụ cách mạng 100%, có dính líu đến nhiều cuộc bạo động (cuộc ném tạc đạn vào khách sạn Hà Nội, vụ ám sát tuần phủ Thái Bình năm 1913, các cuộc đánh úp ở Phú Thọ, Lạng Sơn năm 1915,…) mà tòa Đề hình của Pháp cũng chỉ kết án khổ sai chung thân và sau Varen lại ký lệnh tha bổng.
    Nói thêm vài điều như vậy để GS.Chu Hảo và độc giả tham khảo, để thấy không phải cái gì cũng đổ tội cho thực dân Pháp.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trong một bài bác Đào Tiến Thi có nhắc đến giáo sư Trần Đức Thảo, ông đâu có bị thực dân Pháp nó đè đâu, hì hì...

      Xóa