Thứ Hai, 5 tháng 9, 2011

TRẦN ĐĂNG KHOA: TỐT VÀ TÀI ĐẾN NHƯ NGUYÊN NGỌC

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trần Đăng Khoa: Tốt và tài đến như Nguyên Ngọc! 

05/09/2011 10:03:15


"Một người chuyên viết về người tốt, việc tốt, tài đến như Nguyên Ngọc, tốt đến như Nguyên Ngọc, không hiểu sao, lại có những người rất tốt, cứ nghi ngờ và thậm chí khăng khăng khẳng định Nguyên Ngọc là một người không tốt hoặc rất ...không tốt" - Trần Đăng Khoa.

Cũng như Nguyễn Thi, Nguyên Ngọc vào chiến trường khi đã là một nhà văn nổi tiếng. Tác phẩm đầu tiên của ông là cuốn tiểu thuyết Đất nước đứng lên, viết về anh hùng Núp. Cuốn sách vừa ra đời đã có tiếng vang lớn. Và cũng từ đấy hình thành một lối viết của Nguyên Ngọc theo kiểu Nguyên Ngọc. Lối viết này quán xuyến suốt một đời cầm bút của ông và có ảnh hưởng tới nhiều nhà văn sau ông. Đó là viết về người thật việc thật và người tốt việc tốt. Nhân vật của Nguyên Ngọc đều bắt nguồn từ những nguyên mẫu có thật trong cuộc sống chiến đấu của nhân dân mà ông từng tham dự.
Sau tiểu thuyết Đất nước đứng lên, là tập truyện ngắn Rẻo cao. Đây mới thật sự là kiệt tác của Nguyên Ngọc. Tập sách rất mỏng, chỉ phong phanh chừng một trăm trang, gồm có sáu truyện ngắn, mà truyện nào cũng đặc sắc. Bây giờ đọc lại vẫn còn thấy rất hay, vẫn không cũ. Văn Nguyên Ngọc là thứ văn trong, sánh như mật ong, lại đượm ướp một làn hương rất đặc biệt. Đọc cứ bàng hoàng váng vất mãi. Nguyên Ngọc hơn người ở tài văn. Không có thực tài, không thể viết được thế.

Lần giở những trang sách của Nguyên Ngọc, không hiểu sao, tôi cứ nghĩ đến Tố Hữu và Phạm Tuyên. Cũng như thơ Tố Hữu, ca khúc Phạm Tuyên, Nguyên Ngọc viết văn bằng hồn mình và cái hồn ấy thuộc về cách mạng. Ông bám sát các vấn đề lớn của chính trị, phục vụ trực tiếp các nhiêm vụ chính trị mà tác phẩm vẫn vượt qua được sự minh hoạ, vẫn thành tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh. Không ít tác phẩm có giá trị lâu dài. Những vấn đề lớn mà Tố Hữu
quan tâm cũng là những vấn đề Nguyên Ngọc đề cập đến trong hầu hết các sáng tác của mình..

Có thể nói Nguyên Ngọc là một Tố Hữu trong văn xuôi, cũng như Phạm Tuyên là Tố Hữu trong âm nhạc. Cùng có tài, cùng dâng hiến trọn vện tài năng của mình cho đất nước, cho Đảng, vậy mà số phận của mỗi người khác nhau biết bao. Âu đó cũng là lẽ đời. Tố Hữu viết:


Lớp cha trước, lớp con sau


Đã thành đồng chí chung câu quân hành


Ta cũng gặp ý tưởng đó trong Rừng xà nu, một truyện ngắn rất hay của Nguyên Ngọc thời chống Mỹ. Bao lớp cha con nối nhau đánh giặc, bảo vệ cán bộ của Đảng. Nói như cụ Mết: “Cán bộ là Đảng. Đảng còn, núi nước này còn”. Mỹ Diệm treo cổ anh Xút lên cây vả đầu làng. Anh Xút chết, anh Quyết thay. Nối tiếp anh Quyết là Tnú. Cũng như Mai chết thì có Dít lớn dậy.


Đúng là Lớp cha trước, lớp con sau, mấy thế hệ nối tiếp nhau đánh giặc, bảo vệ buôn làng, bảo vệ Đảng. Nguyên Ngọc còn trung thành với ý tưởng này ngay cả trong từng đoạn văn tả cảnh rừng xà nu: “Trong rừng ít có loại cây nào sinh sôi nảy nở khoẻ như vậy. Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời”...


Truyện của Nguyên Ngọc hầu hết là thế. Ông ca tụng chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Ông rất gần với Tố Hữu và Phạm Tuyên. Và cũng như Tố Hữu và Phạm Tuyên, bút pháp ông nhất quán, trước sau như một, không thay đổi, không quay quắt. Trong khi đó, có không ít cây bút chuyển hướng, hoặc thay đổi cách tiếp cận hiện thực để thu hút sự chú ý của bạn đọc. Trước viết người tốt việc tốt thì sau viết người xấu việc xấu. Nguyên Ngọc không thế. Suốt đời dường như ông chỉ viết truyện người tốt việc tốt. Ngay cả khi dựng nhân vật tiểu thuyết, ông cũng tựa trên những con người có thật, những sự kiện có thật ở ngoài đời.


Còn nhớ năm 1969, Nguyên Ngọc cho ra cuốn Đất Quảng tập I. Cuốn sách được bạn đọc đón nhận rất nồng nhiệt. Nguyên Ngọc kể về cuộc chiến đấu của những người bám trụ ở vùng ven thành phố Đà Nẵng. Đó cũng là vùng đất hoạt động của ông. Nguyên Ngọc xuống đó không phải để làm một nhà văn đi thực tế mà ông là một người lính chiến, bám trụ thật sự. Đó là một địa bàn khốc liệt.


Để bảo vệ khu sân bay và thành phố Đà Nẵng, địch ủi trắng cả một vùng xung quanh. Chúng lùa dân vào ấp chiến lược. Chúng nã pháo vào vành đai trắng, chỉ một rảnh lá khô bất thường, chúng cũng cho trực thăng tới bắn. Người dân phải tìm mọi cách trụ lại. Họ rải lá khô cho địch bắn. Bắn mãi cũng chẳng thấy có gì. Họ cắm lá xanh rồi trồng cây xanh. Giặc bắn mãi, hoá quen, quen đến phát nản.


Cứ thế, bằng chính máu xương mình, dân lấn dần từng bước. Rồi họ đào hầm. Dựng lều bám trụ. Dân có trụ được thì cách mạng mới có đất mà trở về. Ngày nào cũng có người chết. Nhưng dân vẫn trụ vững.


Nguyên Ngọc nằm ở đây hai năm. Ông cùng dân chống càn, rồi chỉ huy dân đánh địch. Khi đồng chí Bí thư Đảng uỷ hy sinh, Nguyên Ngọc thay luôn làm Bí thư. Ông chiến đấu, bám trụ như một người lính kiên cường. Rồi ông ghi lại cuộc chiến đấu ấy. Đó là tiểu thuyết Đất Quảng tập I.


Trong số những người bám trụ ở vành đai này, Nguyên Ngọc rất quý Phan Văn Giả, Phó Bí thư đảng uỷ. Anh cùng nằm hầm bí mật với ông, cùng kề vai chiến đấu với ông. Khi Nguyên Ngọc phải rút về quân khu, chuyển sang vùng hoạt động khác, anh thay ông làm Bí thư. Đó là một người lính dũng cảm, mưu trí, chiến đấu rất kiên cường.


Anh là một trong những nhân vật chính của tiểu thuyết Đất Quảng. Khi vào tiểu thuyết, Nguyên Ngọc đổi tên anh là Thiệt. Bí thư Thiệt. Khi ở tập I tiểu thuyết Đất Quảng, Thiệt mới chỉ lấp ló xuất hiện. Anh sẽ là nhân vật trung tâm, là linh hồn của Đất Quảng tập II. Cuốn sách ấy Nguyên Ngọc đã viết xong. Ông cũng đã cho in một số chương trên báo Văn nghệ thời ấy.


Nhưng điều đau xót là sau đó, tổ chức Đảng tắm trong biển máu, tưởng không thể vực lên được. Địch nhổ hết cơ sở cách mạng. Bí thư Giả bị địch bắt và anh đã đầu hàng. Tất nhiên, anh là người còn lại cuối cùng. Anh chỉ khai những cơ sở đã bị xoá sổ, những con người đã bị địch giết. Bởi thế, việc đầu hàng, khai báo của Giả cũng không gây thiệt hại gì thêm cho cách mạng, nhưng đối với Nguyên Ngọc, thì đó lại là một tổn thất không gì bù được.


Tại sao một con người quả cảm mà ông yêu mến, tin tưởng như thế lại đầu hàng địch? Nguyên Ngọc đau xót lắm. Phản bội Cách mạng, phản bội Đảng là một tội lỗi không thể tha thứ được. Và như thế trong ông, bí thư Thiệt thực sự đã chết. Anh ta chẳng còn lý do gì để có thể tồn tại. Nguyên Ngọc đốt luôn cả cuốn sách đã viết xong. Bây giờ ông cũng không có ý định viết lại tập II nữa. Nhân vật của ông đã chết trong ông thì cuốn sách coi như cũng đã chết. Vì vậy mà Đất Quảng thành cuốn sách dang dở.


Nhưng Nguyên Ngọc vẫn đau đáu với đề tài chiến tranh Cách mạng ấy. Ông vẫn trung thành với lối viết đã có của mình. Nghĩa là vẫn viết người thật việc thật, người tốt việc tốt. Những tác phẩm gần đây nhất của ông, ông còn để nguyên cả đống tư liệu mà chả cần phải hư cấu hay dàn dựng thêm gì. Khi hiện thực tự nó đã đủ là một vẻ đẹp thì người viết không cần phải tô vẽ thêm nữa.


Đó là tập Đường mòn trên biển, kể về những người lính cảm tử của lữ đoàn 125 Hải quân, bí mật chuyên chở vũ khí vào Nam trong những năm chiến tranh, và tập Cát cháy, cũng lại viết về cuộc chiến đấu của những người bám trụ ở vùng Đất Quảng khốc liệt. Một đống tư liệu ngổn ngang bề bộn mà đọc lại rất hấp dẫn. Đấy là sức hấp dẫn của sự thật trần trụi, cũng là sự hấp dẫn của một tài năng. Phải nói đó là những tập sách hay của văn học ta hiện nay. Hai bút ký đặc sắc của ông vừa in trên báo Văn nghệ: ABôc ở Mường Hon và Lửa nguyên thuỷ cũng vẫn một bút pháp như vậy.


Bấy lâu nay, không ít người cứ dị ứng với loại truyện người tốt việc tốt. Thậm chí có người còn cực đoan cho đó không phải là văn chương thứ thiệt. Nguyên Ngọc là một trường hợp thú vị cho thấy sự thật lại không phải như vậy. Mới hay, văn chương thật bí hiểm. Nó đâu có như một số người vẫn nghĩ. Thực tình, cách viết của Nguyên Ngọc đâu có mới mẻ gì. Ông cũng chẳng phải là người cách tân hay cấp tiến gì gì. Ông vẫn viết như chúng ta đã từng viết trong những năm Sáu mươi của...thế kỷ trước.


Có đến hàng trăm nhà văn viết như ông. Nhưng rồi cũng có đến hàng trăm nhà văn sẽ bị thời gian đào thải. Có chăng chỉ còn lại một đôi người. Trong số rất ít người còn lại ấy, chắc chắn có Nguyên Ngọc. Nguyên Ngọc tồn tại được là nhờ tài văn. Mới hay tài văn và sự chân thành của tấm lòng người viết là vô hạn quan trọng. Vấn đề không phải viết về cái gì mà là viết như thế nào.


Điều đáng sợ nhất của văn chương ta là căn bệnh nhạt. Đó là căn bệnh trầm kha, nguy hiểm vì rất khó chữa. Nó không phải là cái xấu để người ta có thể dễ nhận biết và loại bỏ. Nó chỉ nhạt nhèo, không có sắc thái và cá tính. Nhưng nó lại được nhiều nhà quản lý, lãnh đạo ủng hộ vì nó luôn bảo đảm sự ổn định và an toàn. Nó yếu đuối, không có sinh khí, nhưng lại có sức mạnh trong việc làm băng hoại mọi sự sáng tạo.


Nguyên Ngọc luôn dị ứng với căn bệnh ấy. Ông bộc lộ thái độ của mình qua hàng loạt những bài viết và cả các bài trả lời phỏng vấn. Còn sáng tác, ông vẫn viết theo lối cũ. Văn Nguyên Ngọc là một dạng văn có ma lực. Giản dị, chắt lọc và trong veo. Đó cũng là dòng văn chủ đạo rất cần có trong đời sống của chúng ta hiện nay.


Tuy nhiên nếu cả nền văn học mà nhìn đâu cũng chỉ thấy một kiểu Nguyên Ngọc thì cũng thật đáng sợ. Vì nó lại có gì như là không bình thừơng. Trong khi đó chúng ta lại rất cần sự đa dạng phong phú trong các giọng điệu cũng như bút pháp và cách tiếp cận hiện thực. Bởi hiện thực vốn như thế. Nó bao giờ cũng phong phú, đa dạng và phức tạp. Hình như Nguyên Ngọc hiểu điều này thấm thía hơn bất cứ ai.


Bởi thế, mà ông yêu mến, ủng hộ Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Khắc Trường, Tạ Duy Anh... Đó là những tài văn hoàn toàn khác ông, thậm chí phong cách sáng tác ngược hẳn với ông. Chấp nhận và ủng hộ những tài năng hoàn toàn khác mình, tôi nghĩ đấy cũng là một cái tài của Nguyên Ngọc. Không phải ai cũng có được cái tài ấy.


Một người chuyên viết về người tốt, việc tốt, tài đến như Nguyên Ngọc, tốt đến như Nguyên Ngọc, không hiểu sao, lại có những người rất tốt, cứ nghi ngờ và thậm chí khăng khăng khẳng định Nguyên Ngọc là một người không tốt hoặc rất ...không tốt. Nghiệt ngã thay, có người còn nhìn ông như một kẻ nổi loạn… Đó là điều làm tôi rất đỗi kinh ngạc và có lúc tôi đã coi đó như là một nỗi bi kịch của cả cuộc đời ông... 


Trần Đăng Khoa (Báo Văn nghệ số 44 ra ngày 3/11/2007) 
Nguồn: Bee.net.vn

11 nhận xét :

  1. Thái Quốc Khánhlúc 15:16 5 tháng 9, 2011

    Người xưa từng nói : ĐỪNG LẤY BỤNG TIỂU NHÂN ĐỂ ĐO LÒNG QUÂN TỬ. Lời cảnh báo ấy đến nay vận vào trường hợp Nguyên Ngọc vẫn nguyên...giá trị !

    Trả lờiXóa
  2. Tôi đã đọc những bài của Trần Đăng Khoa viết về bác Nguyên Ngọc trên trannhuong.com. Vào đây đọc lại vẫn cứ hay. Bởi Trần Đăng Khoa viết quá chân thực về cây đại thụ "Rừng xà nu" - một nhân cách lớn của Dân tộc. Vì thế mà ngậm ngùi vô cùng, bức xúc vô cùng khi gần đây Nguyên Ngọc bị Đài PTTH Hà Nội xúc phạm trong việc ông đi biểu tình chống Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông! Phải chăng cái Đài này mù dở khi đứng trước núi Thái Sơn mà vô lễ đến thế! Những người xúc phạm ông cùng những nhân cách lớn khác... sao họ không biết xấu hổ?

    Trả lờiXóa
  3. NHẬN THỨC LẠIlúc 15:41 5 tháng 9, 2011

    tại vì họ RẤT TỐT thế nên việc nghi ngờ người TỐT là đương nhiên.
    mọi nguyên nhân đều bắt đầu từ chổ " RẤT " đó

    Trả lờiXóa
  4. "Tốt như Nguyên Ngọc, tài như Nguyên Ngọc và oan cho Nguyen Ngọc" - ( Trần Đăng Khoa).Thế mà Hữu-Thỉnh, với tư cách đồng nghiệp và Chủ tịch Hội nhà văn Vietnam không lên tiếng à ?

    Trả lờiXóa
  5. Tôi 52 tuổi , từ lâu đã rất yêu quí NV Nguyên Ngọc qua nhiều tác phẩm tuyệt vời mà tôi đã đọc. Hồi nhỏ tôi đã từng chép những đoạn văn hay trong các tác phẩm của ông vào một cuốn sổ tay nhỏ để dễ nhớ.
    Nhưng giờ thật sự sửng sốt về phong cách sống của ông. Thật đáng quí trọng.

    Trả lờiXóa
  6. Bác Trần Đăng Khoa ơi Có phải bác muốn em hiểu những người rất tốt ấy theo kiểu họ là những người tử tế, tử tế đến không chịu nổi? Các bác là chúa hay chơi chữ.

    Trả lờiXóa
  7. THÁNH NHÂN BẤT ĐẮC DĨ DỤNG QUYỀN, người xưa ra nhiếp chính dùng uy quyền là việc bất đắc dĩ, người thời nay có chức quyền trong tay là tha hồ đem ra xử dụng, nào đạp vào mặt, nào lăng mạ trí thức, ào bôi xấu kẻ yêu nước, Vì ngày nay đào tạo con người nhiếp chính theo kiểu khác, nên là điều khó nói.
    Ưng Sơn Hạ

    Trả lờiXóa
  8. Bác Ngọc tốt thật. Suy ra bọn ghét bác là bọn xấu. Rât logic, như toán học vậy>

    Trả lờiXóa
  9. Nguyen Ngoc co mot nhan ma tat ca lop hau sinh phai nguong mo va hoc tap . Chi co nhung ke de hen , ti tien moi dam xuc pham cu . That phan no , moi thu deu dao dien het ca roi

    Trả lờiXóa
  10. Sat That mean to kill Sino (Chinese) Invaderlúc 08:31 6 tháng 9, 2011

    Tôi không đồng ý với ý kiến sau của nhà văn Trần đăng Khoa:

    "CÓ THỂ NÓI NGYÊN NGỌC LÀ MỘT TỐ HỮU TRONG VĂN XUỐI."

    CON NGƯỜI NGUYÊN NGỌC, NHÂN CÁCH NGUYÊN NGỌC, TÁC PHẨM NGUYÊN NGỌC KHÔNG THỂ ĐƯA RA SO SÁNH VỚI TỐ HỮU:

    Hãy nghe một đoạn nhà Phê bình Lại Nguyên Ân nói:

    "Thơ Tố Hữu có những vết nhơ không thể tẩy xóa, như đoạn thơ "Yêu biết mấy nghe con tập nói / Tiếng đầu lòng con gọi "Sta-lin" ! Ý thơ ấy, ngay tầm gần, đã trái hẳn lẽ thường nhân loại: trẻ con tập nói thì gọi "mẹ" chứ đâu đã biết ai xa lạ? trẻ Việt làm sao tập nói được cái từ đa tiết xịt xoạt như thế kia? (Bài đăng tạp chí Văn nghệ 1953 là Tiếng đầu lòng nó gọi ‘Ông Lin' , bản in vào sách Việt Bắc 1955 sửa thành Tiếng đầu lòng con gọi ‘Stalin'). Lại nữa, người đàn bà Việt dân quê làm sao có thể "Thương cha thương mẹ thương chồng / Thương mình thương một, thương Ông (Stalin) thương mười" (!?!). Đây quả là một quái tượng trong thơ ca tiếng Việt và thơ ca thế giới, khi nhà thơ (thường được xem là kẻ chỉ biểu dương những gì nhân ái, lương thiện) lại ngợi ca "công đức" một Bạo chúa, một Hung thần, một Độc tài khét tiếng, một Đao phủ thủ vĩ đại, và để làm cái việc ngợi ca trái lẽ ấy, người làm thơ đã hoàn toàn xé bỏ những giới hạn thông thường của tình cảm nhân loại."

    Và còn nữa "Tôi cho rằng thơ Tố Hữu có thể có tình giai cấp, tình dân tộc, nhưng không có tình nhân loại."

    Ngay như nhà Phê Bình Hoài Thanh người bị giới Văn học Nghệ thuật quy cho là “thằng nịnh” Tố hữu "Khi Hoài Thanh mệt nặng, Từ Sơn có nói với Tố Hữu đến thăm. Tố Hữu đến, Hoài Thanh quay mặt vào tường không tiếp. Tố Hữu về rồi, ông mới quay ra. Ông nói với Từ Sơn: “Từ bài Chuyện thơ (Làm bí thư hoài có bí... thơ), coi như sự nghiệp của Tố Hữu đã kết thúc. Tôi cho ông nói thế là đúng. Qua bài Chuyện thơ, Tố Hữu ngang nhiên tuyên bố: “Ta là nhà thơ bí thư Đảng, nhà thơ lãnh tụ đây!”. Cụ Hồ làm thơ có bao giờ tuyên bố thế đâu! Thậm chí còn coi những “bạn tù”nghiện ngập, bẩn thỉu, ghẻ lở là tri âm tri kỷ nữa “Gẩy đàn trong ngục thấy tri âm” (Ghẻ) (Hồi ký Gs Nguyễn Đăng Mạnh).

    P/s Tử sơn (con trai nhà phê bình HT).

    Trả lờiXóa
  11. Ngọc càng mài càng sáng, lửa thử vàng mà.
    Sau cơn hoạn nạn, sau giông bão thì Cụ Nguyên Ngọc của chúng ta càng sáng ngời, càng óng ánh giữa đời thường.
    Đám con cháu mất dạy, cứt lộn lên đầu đã u mê mù dở dám bôi bẩn Cụ đâu có được, chúng cần sự dạy dỗ của cả xã hội, cả Thế giới để lớn lên. các bác khởi kiện chúng chính là cái tát vào mặt chúng sau khi đã nhắc nhở nhẹ nhàng bằng văn bản. Nếu chúng là kẻ có nhận thức thì đã nhận ra sai lầm và xin lỗi các Cụ, lẽ nào các Cụ vẫn quá chấp mà kiện ?
    Tiếc cho chũng đã không có phúc được hưởng cái tình của bậc Danh nhân dành cho, rươu thưởng không uống lại thích uống rượu phạt ?
    hãy tỉnh lại và hãy lớn lên các em báo chí trẻ ranh ơi.

    Trả lờiXóa