Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2011

ÔNG LÊ HIẾU ĐẰNG TRẢ LỜI RFA VỀ KIẾN NGHỊ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

Kiến nghị bảo vệ và phát triển đất nước

Khánh An, phóng viên RFA  

2011-07-14

Hôm qua 13/7, 20 nhân sĩ, trí thức đã gửi một bản kiến nghị đến Quốc Hội và Bộ Chính trị về việc “bảo vệ và phát triển đất nước”, trong đó nêu bật lên nguy cơ lãnh thổ bị Trung Quốc uy hiếp, xâm phạm nghiêm trọng trong khi có quá nhiều khó khăn và mối nguy cơ đang xảy ra trong nước.
.

kami blog
Các nhân sĩ trí thức biểu tình ôn hòa phản đối TQ hôm 05/6/2011 

Kèm theo đó là những kiến nghị lớn, mang tính cách cải tổ, giải quyết toàn bộ những vấn đề căn bản để giải phóng năng lực của từng người dân Việt Nam.

Khánh An phỏng vấn ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cũng là một trong những người ký tên trong kiến nghị về nội dung của bản kiến nghị này.

Nhiều vấn đề 

Khánh An: Thưa ông Lê Hiếu Đằng, được biết ông là một trong những người ký tên trong Bản kiến nghị vừa được gửi đến Quốc Hội. Một số ý kiến của dư luận cho rằng so với bản kiến nghị của các nhân sĩ trí thức đã gửi đến Bộ Ngoại giao khoảng hơn một tuần trước thì đây là bản kiến nghị mang tính cách tổng hợp toàn bộ những vấn đề đang tồn tại của đất nước trong bối cảnh sự toàn vẹn lãnh thổ đang bị uy hiếp bởi nước láng giềng Trung Quốc. Là một người ký tên trong cả hai bản kiến nghị, ông có thể nói cụ thể hơn về sự khác biệt của hai bản kiến nghị không?

Ông Lê Hiếu Đằng: Hai cái đó hoàn toàn khác nhau ở chỗ kiến nghị gửi Bộ Ngoại giao chỉ là về vấn đề Trung Quốc thôi, còn kiến nghị mà chúng tôi vừa gửi cho Quốc Hội và Bộ Chính trị là một kiến nghị hết sức toàn diện, đặt rất nhiều những vấn đề cơ bản của đất nước. Do đó mà kiến nghị sau có giá trị là kiến nghị của nhân sĩ trí thức và nhân dân Việt Nam đề nghị Quốc Hội, với tư cách là cơ quan quyền lực cao nhất, và Bộ Chính Trị, với tư cách là cấp lãnh đạo, thì phải giải quyết những vấn đề cơ bản của đất nước như vậy thì đất nước mới có thể phát triển được. Nếu không giải quyết, nó sẽ trì trệ và thậm chí sẽ có những biến chứng rất nguy hiểm hết sức nguy hiểm.

Do đó như trong kiến nghị mà chúng tôi nói, vấn đề nóng bỏng hiện nay là vấn đề Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng vấn đề lớn hơn chính là tình hình kinh tế, xã hội như thế này nó tạo điều kiện cho Trung Quốc họ xâm lấn một cách toàn diện và mặt kinh tế, văn hóa, các vùng lãnh thổ trong nội địa của chúng ta, chứ không phải chỉ là vấn đề Biển Đông.

Thành ra, muốn giải quyết vấn đề một cách căn cơ thì phải giải quyết vấn đề dân chủ, phải thực hiện các quyền tự do cho người dân, phải giải quyết vấn đề giáo dục và giải quyết nhiều vấn đề nữa thì mới có thể giải phóng được năng lực của người Việt Nam, để mỗi người dân đóng góp cho việc xây dựng đất nước. Như vậy mới bảo vệ được đất nước, bảo vệ được chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ một cách căn bản hơn. Do đó, kiến nghị mà chúng tôi mới gửi nó toàn diện hơn, tập trung vào những vấn đề cơ bản của đất nước.

Sức mạnh lòng dân 

Khánh An: Như ông vừa mới nói, bản kiến nghị tập trung vào những vấn đề rất cơ bản của đất nước. Thực ra, những vấn đề này trước nay cũng đã được đề cập đến rất nhiều lần, tuy không mang tính cách tổng hợp như trong bản kiến nghị, nhưng cũng đã được nhắc đến bằng nhiều hình thức từ truyền thông, kiến nghị đến hội thảo, thậm chí trên bàn họp của Quốc Hội, nhưng cho đến nay khả năng giải quyết từng vấn đề xem ra không mấy hiệu quả. Như vậy theo ông, những kiến nghị đưa ra lần này có tính khả thi không?

 Hai nhạc sĩ chơi các bài hát yêu nước trong cuộc biểu tình 
chống Trung Quốc tại Hà Nội hôm 03/7/2011. 
.
Ông Lê Hiếu Đằng: Trước hết, chúng tôi gửi cho Quốc Hội bởi vì Quốc Hội sắp họp phiên họp đầu tiên. Dù sao về mặt hình thức, Quốc Hội vẫn là cơ quan quyền lực cao nhất. Khi gửi như vậy tức là chúng tôi đặt trách nhiệm của Quốc Hội trước những vấn đề lớn của đất nước như trong kiến nghị đã nêu, cũng như gửi cho Bộ Chính Trị. Thành ra, Đảng Cộng Sản Việt Nam phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về tình hình hiện nay. Đấy là chúng tôi muốn xác định trách nhiệm của hai cơ quan đó trước một số vấn đề. Và khi xác định trách nhiệm, chúng tôi mới đề xuất một số vấn đề giải quyết thì mới thoát ra khỏi tình hình hiện nay được. Như vậy mới tạo được sức mạnh toàn dân để chống lại bất cứ ý đồ xâm lược nào của nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, có những người lãnh đạo Trung Quốc hiện nay.

Còn khả năng thực hiện như thế nào thì tôi nghĩ với sức mạnh của người dân, người dân đồng tình với kiến nghị này thì có thể trước mặt chưa thực hiện được nhưng trong cả một quá trình đấu tranh vì lợi ích dân tộc, lợi ích đất nước thì chúng ta thực hiện được điều đó với sức mạnh của người dân, nhất là giới nhân sĩ trí thức, những người còn tâm huyết với đất nước hiện nay, kể cả những người Việt Nam ở nước ngoài. Trong kiến nghị cũng đã nói rõ, vấn đề đoàn kết dân tộc đặt ra trong tình hình hiện nay là hết sức cần thiết. Như vậy nó sẽ tạo một áp lực cho chính quyền, buộc chính quyền phải thay đổi.

Tôi nghĩ với xu thế hội nhập hiện nay, với sức mạnh của người dân và dòng chảy hiện nay như trong kiến nghị có nói là “tiến bộ, hòa bình và môi trường” thì những lý tưởng đó buộc các nhà lãnh đạo phải có suy luận và có thay đổi. Chúng tôi làm cũng với niềm tin như vậy nhưng rõ ràng, trước mắt vẫn còn rất nhiều khó khăn. Như tôi nói, vấn đề dân chủ cũng như tất cả mọi vấn đề không thể nào mình có ngay được, mà phải thông qua quá trình đấu tranh, thậm chí phải hy sinh, mất mát. Nhưng chúng tôi chấp nhận chuyện đó bởi vì lợi ích đất nước, lợi ích nhân dân.   

Khánh An: Vâng, lúc nãy ông có đề cập đến vai trò của Quốc Hội, rõ ràng về mặt hình thức, Quốc Hội là cơ quan quyền lực cao nhất đại diện cho tiếng nói của người dân, nhưng trên thực tế, hiệu quả cũng như khả năng giải quyết nhiều vấn đề của Quốc Hội còn khá hạn chế. Như vậy khi ký vào bản kiến nghị cho Quốc Hội, ông có nuôi một hy vọng gì không?

Ông Lê Hiếu Đằng: Tôi nghĩ trong Quốc Hội có những người vẫn còn tâm huyết chứ không cam chịu đóng vai trò tượng trưng, vai trò “cây kiểng”. Ví dụ như Quốc Hội khóa trước có những người như anh Nguyễn Minh Thuyết và một số anh chị khác, chị Ngoan ở Hà Nội. Vì vậy tôi tin rằng Quốc Hội khóa này cũng sẽ có những người tâm huyết, tuy không nhiều, nhưng chính tiếng nói của họ trước Quốc Hội có ảnh hưởng trong xã hội Việt Nam rất nhiều. Ví dụ như vấn đề đường sắt cao tốc trong Quốc Hội vừa rồi đã bác bỏ chủ trương của chính phủ. Chúng tôi nghĩ rằng kiến nghị này chúng tôi sẽ gửi cho tất cả các đại biểu quốc hội và mỗi đại biểu quốc hội phải có trách nhiệm suy nghĩ về những vấn đề đó và với tư cách là đại biểu của người dân thì phải đấu tranh như thế nào để những điều đó trở thành hiện thực. Tôi tin là trong đại biểu quốc hội có người còn tâm huyết và dám đấu tranh vì lợi ích của đất nước, lợi ích của nhân dân, chứ không phải vì lợi ích một tập đoàn hay cá nhân nào cả.

Khánh An: Cảm ơn ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đã dành thời gian cho Đài Á Châu Tự Do.
.
Bản kiến nghị vừa rồi được gửi đến cho Quốc Hội và Bộ Chính Trị với 20 chữ ký của các trí thức hàng đầu trong nhiều lĩnh vực như giáo sư Hoàng Tụy, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, giáo sư Chu Hảo, tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, TS. Nguyễn Xuân Diện, giáo sư Tương Lai, nhà sử học Nguyễn Đình Đầu…hiện nay đang được công bố rộng rãi trên các trang blog, mạng xã hội để lấy chữ ký của toàn dân, kể cả hải ngoại. Quý vị có thể gửi vào email vào địa chỉ kiennghi1007@gmail.com để ký tên vào kiến nghị trên. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và cập nhật các tin tức mới nhất về bản kiến nghị trong các chương trình phát thanh sau.

11 nhận xét :

  1. Kính gửi tác giả LHĐ, TS NXDiện, và ...
    Tác giả LHĐ (và những tác giả khác), TS NXDiện (và những chủ trang blog đầy nhiệt tình khác), đưa những ý kiến này lên NET đã quý, rất cảm ơn. Thiển nghĩ sẽ càng quý, nghìn triệu lần cảm ơn khi các QUÝ VỊ đưa những ý kiến này TRỰC TIẾP VỚI CÔNG CHÚNG, (ví dụ, tại địa chỉ X., vào sáng Chủ nhật 17-07-2011 sắp tới)
    Đỗ Thịnh, 69 tuổi, Hà Nội, dothinh1@yahoo.com, 0167.8462.640

    Trả lờiXóa
  2. Thêm một cách làm: Mỗi người kí tên trong Kiến nghị hãy mang kiến nghị này gởi đến từng Đại biểu Quốc hội mà chính mình đã bầu, làm như thế các ĐB sẽ chắc chắn biết đến Kiến nghị và họ phải có trách nhiệm nêu lên tại Quốc hội!

    Trả lờiXóa
  3. Các bác ơi! Cám ơn, biết ơn các cụ nhân sỹ đã làm ra và ký tên Bản kiến nghị-Lời hịch trên. Tôi xin ký tên vào bản kiến nghị và nhờ bác Diện ghi tên nhé!

    Trả lờiXóa
  4. Tôi để nghị góp một món tiền nhỏ in 500 bản kiến nghị này gửi đến VP Quốc Hội để đến tân tay đại biểu QH. Như vậy không thể nói là Kiến nghị không đến tay ĐBQH, vì không đến tay ĐBQH là trách nhiệm của VP QH. Khi đại biểu QH trở lại địa phương để gặp mặt cử tri, chúng tôi có quyền chất vấn để ĐBQH trả lời về Bản Kiến nghị.
    Bac XDiện xuy xét và tiến hành.

    Trả lờiXóa
  5. Trần Hồng Quânlúc 11:04 15 tháng 7, 2011

    Tôi đã ký tên vào kiến nghị, nhưng không có may mắn được xem nó khi còn là dự thảo. Nếu được xem, tôi sẽ góp ý: lẽ ra thay vì viết "TQ đang cố trở thành siêu cường" thì nên viết là "Bắc Kinh ngày càng thể hiện lộ liễu và hung tợn hơn bao giờ hết trong thực thi chính sách bành trướng, nhằm mục tiêu bá quyền toàn cầu.
    Vì trên thế giới có một số siêu cường, nhưng họ chưa bao giờ nguy hiểm cho thế giới như TQ. Tự thân cố gắng phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng...có thể trở thành siêu cường. Bành trướng là xâm lấn các quóc gia khác bằng nhiều phương diện, để có thể trở thành siêu cường nhờ cướp doạt tiềm lực của các quốc gia đó. Bá quyền là ngang ngược đơn phương đề ra luật chơi cho cả thế giới.

    Trả lờiXóa
  6. "Đại biểu Quốc hội mà chính mình đã bầu, ..."
    Nhớ được chết liền !!!

    Trả lờiXóa
  7. Tôi sẽ gửi,sẽ hành động

    Trả lờiXóa
  8. bac NGUYENVAN AN nam tay bac HIEUDANG thi hay biet may!

    Trả lờiXóa
  9. Hôm nay VietNamnet đưa tin về Bản kiến nghị. Tuy nhiên, riêng phần kiến nghị 5 điểm bị cắt đi những đoạn quan trọng. Cụ thể các đoạn sau bị cắt:
    "Nhân dịp này, Nhà nước ta cần chủ động giải thích trước toàn dân và dư luận thế giới bối cảnh ra đời, nội dung thực chất và giá trị pháp lý của công hàm mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Chu Ân Lai năm 1958 về Biển Đông, để bác bỏ dứt khoát mọi xuyên tạc từ phía Trung Quốc"
    "Muốn vậy, trước hết phải khắc phục tình trạng nền giáo dục và kinh tế của đất nước bị chi phối bởi ý thức hệ giáo điều. Cải cách chính trị, vì vậy, là tiền đề không thể thiếu cho những cải cách sâu rộng khác."
    "Trong thực hiện những quyền tự do dân chủ của nhân dân đã ghi trong Hiến pháp, cần đặc biệt thực hiện nghiêm túc quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, quyền được tự do bày tỏ thái độ chính trị thông qua các cuộc biểu tình ôn hòa, quyền lập hội, quyền đòi hỏi công khai minh bạch trong mọi lĩnh vực của cuộc sống đất nước."
    "Cuối cùng, chúng tôi thiết tha mong đồng bào sống trong nước và ở nước ngoài hưởng ứng và ký tên vào bản kiến nghị này. Bằng việc đó và bằng những hành động thiết thực, mọi người Việt Nam biểu thị ý chí sắt đá của dân tộc ta, quyết ngăn chặn, đẩy lùi mọi âm mưu và hành động xâm phạm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước ta, xóa bỏ bất công, nghèo nàn, lạc hậu trong nước mình, xây dựng và gìn giữ non sông đất nước xứng đáng với truyền thống vẻ vang của dân tộc, không hổ thẹn với các thế hệ mai sau và với các dân tộc khác trên thế giới.
    Giành thời cơ, đưa Tổ quốc chúng ta thoát khỏi hiểm họa, phát triển bền vững trong hòa bình là trách nhiệm thiêng liêng của mọi người Việt Nam ta."

    Trả lờiXóa
  10. Xin gửi tới Bác Lê Hiếu Đằng lòng biết ơn chân thành, sự kính trọng và ngưỡng mộ. Bác là tấm gương của một con người cao cả. Các thế hệ trẻ sẽ gắng học tập và làm theo Bác. Những người khác có thể nhìn Bác mà soi mình. KÍnh chúc Bác luôn dồi dào sức khỏe, bình an, minh mẫn để làm chỗ dựa tinh thần cho nhân dân yêu nước trong những ngày Tổ Quốc ta đã và đang có bão tố ở biển Đông, bão trong cả lòng người trước hiện tình của đất nước. KÍnh

    Trả lờiXóa
  11. Những nguy cơ mất nước :
    Trẻ không kính già
    Trò không trọng thầy
    Binhh kiêu tướng thoái
    Tham nhũng tràn lan
    Sĩ phu ngoảnh mặt
    Quan lại hống hách dọa nạt dân lành
    Dân đói khổ không biết cứu giúp
    Quan tham không trừng trị
    Phản loạn không dẹp được
    Giặc đến không dám đánh
    Pháp độ hỏng nát không biết sửa đổi
    Sủng ái kẻ vô đức
    Đưa lên ngôi cao kẻ bất tài
    Ban thưởng cho kẻ có tội
    Giang sơn xã tắc rối loạn
    Trong đục không minh bạch
    Rác vướng không dọn dẹp
    Nhơ bẩn không gột rửa
    Người trung thực không được tin dùng.

    Trả lờiXóa