Nữ sĩ DẠ THẢO PHƯƠNG lên tiếng:
Nhiệm kỳ nhất thời, bia đời vạn đại
THƯ NGỎ CHẤT VẤN
GIÁM ĐỐC SỞ VĂN HOÁ VÀ THỂ THAO HÀ NỘI
(Về việc cấm treo chân dung 31 văn nghệ sĩ trí thức trong triển lãm tranh gò đồng của tác giả Phạm Xuân Trường).
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập- Tự do- Hạnh phúc
Độc lập- Tự do- Hạnh phúc
Kính gửi ông Giám đốc Sở Văn hoá và Thể Thao Hà Nội,
tôi là Dạ Thảo Phương, một công dân Việt Nam, một người quan tâm đến văn hoá nghệ thuật và cũng là một người sáng tác.
Tôi viết thư này, thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân của mình (được quy định trong Luật số 10/2022/QH15 ngày 10/11/2022 của Quốc hội), bày tỏ chính kiến cá nhân trước một sự kiện văn hoá nghệ thuật thuộc thẩm quyền của Sở Văn hoá và Thể Thao Hà Nội.
Thưa ông, mới đây, tác giả Phạm Xuân Trường có công bố việc 30/ 184 tác phẩm chân dung trí thức, văn nghệ sĩ bị Sở Văn hoá và Thể Thao Hà Nội cấm treo trong triển lãm của mình (danh sách trong 6 trang văn bản có dấu giáp lai kèm theo giấy phép số 563/GP- SVHTT cấp ngày 01/ 11/23).
Hành động này của cơ quản quản lý văn hoá của Thủ đô đang dấy lên một làn sóng phản ứng mạnh mẽ trong giới văn nghệ sĩ cũng như công chúng văn hoá nghệ thuật.
Tại đây, tôi muốn bày tỏ công khai sự phản đối của cá nhân mình trước quyết định này của Sở Văn hoá và Thể Thao Hà Nội.
Trước hết, nghệ sĩ Phạm Xuân Trường- cũng như mọi công dân khác- có quyền tự do sáng tạo và giới thiệu tác phẩm của mình tới công chúng, miễn các tác phẩm này không vi phạm pháp luật, không kích động bạo lực, không chống lại con người.
Việc cấm công bố trong triển lãm những tác phẩm lương thiện của nghệ sĩ Phạm Xuân Trường đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền tự do sáng tạo của những người thực hành nghệ thuật, trong đó có bản thân tôi.
Đồng thời, hành động trên của Sở Văn hoá và Thể Thao Hà Nội đã ngăn trở quyền được tiếp cận nghệ thuật của công chúng, mà tôi cũng là một cá nhân dự phần.
Đây là những quyền cơ bản, phổ quát, được UNESCO cũng như luật pháp Việt Nam công nhận.
30 bức chân dung bị cấm trưng bày này có hình thức nghệ thuật nhất quán với 154 bức không bị cấm, chỉ khác về nhân vật. Vì vậy, hành động cấm đoán này không nhằm đến hình thức nghệ thuật của tác phẩm mà nhằm đến 31 cá nhân những trí thức, văn nghệ sĩ được thể hiện trong tác phẩm (Theo thứ tự trong bản danh sách nêu trên):
- Học giả- nhà thơ- nhà văn- nhà báo Phan Khôi
- Nhà thơ Hoàng Cầm
- Giáo sư- dịch giả- nhà nghiên cứu văn học La Khắc Hoà
- Nhà văn Tạ Duy Anh
- Nhà văn Hoàng Quốc Hải
- Nhà văn Hoàng Minh Tường
- Triết gia Trần Đức Thảo
- Nhà thơ Nguyễn Duy
- Nhà thơ Lê Đạt
- Nhà thơ Phùng Cung
- Nhà thơ Đỗ Hoàng
- Nhà văn Phạm Lưu Vũ
- Dịch giả- nhà thơ Thái Bá Tân
- Tiến sĩ- nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Xuân Diện
- Nhà văn Thái Kế Toại
- Nhà thơ- nhà văn Trần Dần
- Nhà thơ- nhà văn Phùng Quán
- Nhà văn- nhà báo- nhà biên kịch Nguyễn Quang Lập
- Nhà văn- nhà báo Trần Huy Quang
- Nhà văn Vũ Thư Hiên
- Nhà thơ Phạm Viết Đào
- Nhà văn- nhà văn hoá Nguyên Ngọc
- Nhà thơ Ý Nhi
- Nhà thơ- dịch giả Dương Tường
- Nhà thơ Bùi Chí Vinh
- Nhà thơ- nhà báo- dịch giả Hoàng Hưng
- Nhà văn Đặng Văn Sinh
- Nhà văn Trương Tửu
- Nhà văn- nhà lý luận phê bình- dịch giả Phạm Xuân Nguyên
- Nhà văn Xuân Khánh
- Nhà văn Bùi Ngọc Tấn
- Nhà văn- nhà giáo- nhà nghiên cứu giáo dục Phạm Toàn
Hành động của Sở Văn hoá và Thể Thao Hà Nội đã xúc phạm công khai, nghiêm trọng đến di sản tri thức của cả dân tộc. Vì, nhiều người trong số những cá nhân này là những trí thức, văn nghệ sĩ có đóng góp to lớn, quan trọng trong nhiều thời kỳ khác nhau của lịch sử văn hoá nghệ thuật Việt Nam.
Không ít người trong số các vị này được chính Nhà nước hoặc các tổ chức của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tôn vinh bằng những giải thưởng lớn như Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội, v.v… Không ít người có tác phẩm được giảng dạy trong trường phổ thông, trường đại học. Có người đã mất được lấy tên đặt cho đường phố. Những người đang sống vẫn tiếp tục lao động, cống hiến, không vi phạm pháp luật. Điều này chứng tỏ lệnh cấm của Sở Văn hoá và Thể Thao Hà Nội vừa sai trái về mặt pháp luật, vừa thiếu hiểu biết về mặt văn hoá, thậm chí nó còn tuỳ tiện đến mức khó hiểu vì thiếu nhất quán về mặt chính trị với không ít chính các quyết định cấp cao trước đó của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tạp chí Tuyên giáo của ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 1. 12. 2021 đã tuyên bố: “Từ quan niệm “tài năng văn học, nghệ thuật là vốn quý của dân tộc” thể hiện trong Nghị quyết 23-NQ/TW (2008) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, toàn bộ hệ thống chính trị và cơ quan chuyên trách ở Việt Nam luôn trân trọng, khẳng định, bảo vệ đóng góp của các nghệ sĩ với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước”.
Hành động trên của Sở Văn hoá và Thể Thao Hà Nội đã đi ngược lại với phát ngôn này.
Là một công dân thuộc thế hệ sau, cá nhân tôi mang ơn sâu sắc những đóng góp cho xã hội của nhiều trí thức, văn nghệ sĩ là nhân vật trong những bức chân dung các ông cấm triển lãm. Có những người tôi chỉ được đọc qua trang sách từ khi ngồi ghế trường phổ thông hoặc giảng đường đại học. Không ít người tôi có may mắn từng được gặp, được giao tiếp trong quá trình làm việc, tôi biết ơn những biểu hiện tài năng, tri thức, nhân cách và tinh thần phụng sự đất nước của họ.
Tôi tin rằng, bất cứ người Việt Nam nào có tình yêu tri thức, có quan tâm tha thiết tới văn hoá nghệ thuật, có hiểu biết về pháp luật, có ý thức về lòng biết ơn và về sự tự trọng trong tư tưởng đều đau xót, phẫn nộ trước những hành động cấm đoán tuỳ tiện, thiếu hiểu biết như quyết định vừa rồi của Sở Văn hoá và Thể Thao Hà Nội.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều- chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam- đã viết: “Nỗi buồn và sự thất vọng thuộc về nhân dân khi họ nghĩ đến quyết định của các cơ quan chức năng Hà Nội đối với triển lãm này”.
Kính thưa ông Giám đốc Sở Văn hoá và Thể Thao Hà Nội,
với các quyền công dân được quy định trong pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôi đề nghị ông, ngay lập tức, một cách công khai và chính thức, thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan quản lý văn hoá đã có quyết định sai pháp luật, phản văn hoá, trái lòng dân này. Ông hãy có văn bản công khai, chính thức giải thích về quyết định trên của Sở, xin lỗi nghệ sĩ Phạm Xuân Trường, xin lỗi những trí thức, văn nghệ sĩ liên quan, xin lỗi công chúng, đồng thời có hành động thiết thực, kịp thời chuộc lại quyết định sai lầm này. Tôi tin rằng, một thái độ hợp lẽ, có trách nhiệm và có văn hoá như vậy sẽ được ghi nhận, hoan nghênh, tôn trọng.
Nhiệm kỳ nhất thời, bia đời vạn đại, thưa ông.
Kính chúc ông mạnh khoẻ, tinh tấn, có những quyết định sáng suốt trong nhiệm kỳ của mình với tư cách là người đứng đầu cơ quan quản lý văn hoá của thủ đô Hà Nội.
Nicosia, 5.12.2023
Kính thư,
Dạ Thảo Phương
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét