Việt - Mỹ sau 10-09: NGÓ SAU – NHÌN TRƯỚC
Hoàng Anh
Rất gần với ngày 11/9, thời điểm mà nước Mỹ sẽ không quên một sự kiện vào loại đau thương nhất kể từ cuộc nội chiến định hình quốc gia (sự kiện 11/9), Việt Nam và Mỹ đã gỡ bỏ những rào cản cuối cùng để đặt ra một cục diện hoàn toàn mới cho quan hệ giữa hai quốc gia từng là đối thủ. Ngày 10/09/2023, tại Hà Nội, ông J.Biden, đương kim Tổng thống Mỹ lắng nghe từng lời của ông Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu hệ thống quyền lực chính trị của Việt Nam tuyên bố rằng hai nước đã chính thức bước vào mối quan hệ ngoại giao ở cấp độ cao nhất, theo cách định nghĩa của Việt Nam: Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện.
Một số người sẽ lấy làm bất ngờ, bởi lẽ trước đó họ cho rằng “Đối Tác Chiến Lược” có vẻ sẽ là một bước đi có tính cẩn trọng. Tuy nhiên, chúng ta có thể đưa ra rất nhiều ý tưởng mới từ cuộc họp báo có tính biểu tượng rất cao này: Nguyên thủ của quốc gia mạnh nhất thế giới đứng bên cạnh người có quyền lực cao nhất – không phải là một nguyên thủ - ở một quốc gia về lý thuyết vẫn theo chủ thuyết cộng sản và từng coi Mỹ là kẻ thù số một, nay chỉ đứng cách nhau bởi một ranh giới có bề mặt chiều rộng khoảng 15cm. Có vẻ, với Việt Nam, họ sẽ cùng là những người để lại một trong những di sản quan trọng nhất kể từ khi hai nước nối lại quan hệ.
Hãy xem di sản đó có thể định hình như thế nào.
NGÓ SAU
48 năm trước, ông Graham Martin, lúc 4h58’ ngày 30/04/1975, là một trong những người Mỹ cuối cùng rời khỏi Sài Gòn. Bất chấp sự hối thúc từ Phòng Bầu Dục và Toà Bạch Ốc, ông vẫn không tin cuối cùng ông cũng phải chấp nhận thực tế rằng thời điểm cuộc nội chiến Việt Nam kết thúc cũng là thời điểm người Mỹ sẽ phải đứng ngoài nghị trình phát triển của đất nước mà ông từng rất mực yêu mến. Có điều, Graham Martin không hiểu ở thời điểm đó rằng tại sao người ta lại chọn cách từ chối những ý tưởng tốt đẹp mà ông luôn cố gắng duy trì. Nhiều người nói rằng trong kế hoạch của đại sứ Mỹ tại Sài Gòn năm đó, có một khoản tài chính rất lớn đã được chuẩn bị để tái thiết quốc gia Đông Nam Á này. Và cùng với những bước chân nặng trĩu của Martin lên chiếc trực thăng, chiếc Sea Knight. Khoản tiền này sau đó đã làm nên một Thailand với những bước phát triển về kinh tế đầy mạnh mẽ.
Có nhiều, rất nhiều thay đổi sau ngày 30/04/1975 và không nhiều trong số đó, về bản chất, chứng minh được nó là những giải pháp có thể giúp ích cho sự phát triển của Việt Nam, với tư cách là một quốc gia đã được thống nhất. Trung Quốc trở thành kẻ thù lớn nhất khi tiến hành cuộc chiến tranh biên giới 1979 và kéo Việt Nam sa lầy vào cuộc diệt chủng Campuchia, trước khi trở thành đối tác ngoại giao quan trọng nhất của Việt Nam kể từ 1991, khi hai nước bình thường hoá quan hệ.
Với nhiều người Việt Nam lúc đó, Trung Quốc chính là thế giới. Từ năm 1975 – 1994, Việt Nam bị Mỹ cấm vận toàn diện và kéo theo sự dè dặt của thế giới trong các mối quan hệ ngoại giao. Một nỗ lực được thực hiện trong khoảng 1977-1978 nhằm gỡ bỏ cấm vận và bình thường hoá quan hệ. Nhưng với yêu sách bồi thường chiến tranh mà Việt Nam đưa ra, Mỹ cảm thấy mình bị tổn thương và từ chối nó. Cho đến năm 1993, khi Mỹ mở cánh cửa cấm vận tài chính, chấp thuận việc các quốc gia bắt đầu cho Việt Nam vay tiền trả nợ, sự thay đổi mới trở nên có hy vọng. Mọi thứ khép lại lần đầu tiên sau nhiều năm cấm vận vào 1994 khi Bill Clinton, Tổng thống thứ 42 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tuyên bố bãi bỏ cấm vận với Việt Nam, bắt đầu mở lại các cơ quan ngoại giao giữa hai nước.
Nhưng trong suốt 29 năm đó, chúng ta không ít lần bỏ qua những cơ hội để tiến đến gần nhau hơn như có thể, bất chấp cho đến nay, mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc chưa bao giờ đạt đến sự cân bằng và tôn trọng nên có. Đây là khoảng thời gian mà một số người Mỹ điển hình đã vượt qua chính giới hạn của họ để bắc lại những nhịp cầu đã bị huỷ hoại, và dẫn dắt chuyến hành trình bình thường hoá bằng sự nhiệt thành thể hiện từ những phẩm giá cá nhân hơn là các động cơ chính trị. John Mc Cain, John Kerry, Hilary Clinton là những cái tên điển hình nhất trong số những người này. Theo một cách nào đó, với nỗ lực của mình, họ đã định hình con đường bình thường hoá với Việt Nam để biến nó thành một hành trình với nhiều niềm tin và sự chân thành.
Ở chiều ngược lại, yếu tố Trung Quốc có vẻ là động lực chính thúc đẩy Việt Nam đi đến quyết định nâng cấp tối đa mối quan hệ với Mỹ. Ngược lại với sự mỹ miều của những từ ngữ trong các văn bản giữa hai quốc gia là hàng xóm - kẻ thù truyền kiếp, sự hung hăng và trỗi dậy của tư duy Trung Quốc hiện đại càng ngày càng khiến Việt Nam bất an và cảm thấy bị đe doạ. Không phủ nhận rằng vẫn có sự tiếp biến chủ động và sự thực tâm mong muốn nối lại quan hệ với Mỹ trong gần 30 năm đó. Nhưng rồi chúng ta sẽ thấy trong ngắn và trung hạn, bóng ma của nỗi sợ hãi sâu thẳm đối với Trung Quốc và sự phụ thuộc về chính trị (là sự phụ thuộc không dễ gì gọi tên) đối với quốc gia đang thể hiện chủ nghĩa bá quyền của mình trên khắp thế giới này, sẽ tiếp tục là một lực cản không dễ loại bỏ, bất chấp việc mối quan hệ Việt Mỹ giờ đây đã ngang hàng với mối quan hệ Việt – Trung.
Tuy vậy, để hướng tới sự công bằng nhất có thể trong việc đánh giá những yếu tố góp phần quan trọng đưa tới sự kiện 10/09, dấu mốc mà có thể sẽ là quan trọng bậc nhất trong bang giao nói riêng, trong lộ trình phát triển của Việt Nam, nói chung - chúng ta vẫn nhìn thấy một cái tên mà đánh giá đối với ông sẽ còn kéo dài nhiều năm nữa: Nguyễn Phú Trọng. Ở thời điểm này, sau nhiều năm nỗ lực không ngừng nghỉ, có vẻ ông đã chứng minh mình là người duy nhất đưa mối quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ đạt được sự hoàn thiện đáng có về mặt hình thức.
NĂNG LỰC HẤP THỤ
Tuy nhiên, xin đừng vội đồng tình rằng cơ hội tốt nhất sẽ tự nó làm thay việc cho tất cả và dẫn cuộc hành trình đến mục đích thành công. Sau hàng chục năm, sự thay đổi của giới lãnh đạo thượng tầng, mà trên hết là thay đổi dẫn đến nỗ lực dẫn dắt của ông Nguyễn Phú Trọng, đương nhiên là thực tế mang đến cho chúng ta nhiều hy vọng. Nhưng có nhiều lý do để cho rằng đây cũng là thời điểm mà khi nhìn vào năng lực thể chế vận hàng, thách thức đang đặt ra cũng là lớn hơn bao giờ hết, đe doạ đến sự tồn vong của một quốc gia trên bàn cờ địa chính trị, chứ không phải đơn thuần chỉ đặt ra với những người đang nắm quyền: NĂNG LỰC HẤP THỤ.
Trong nội dung phát biểu của mình, ông Nguyễn Phú Trọng, phần ngoại văn bản, có nhấn mạnh, đại ý rằng đây là “thành công bước đầu”. Có lẽ đây không phải là một lời nhấn mạnh mang tính văn vẻ hay tô điểm. Chúng ta còn cần nhiều thời gian với độ trễ cần thiết và những góc nhìn kín đáo để giải thích lý do từ đâu, một người xưa nay có tiếng là bảo thủ và mang đầu óc kinh điển (classic) như ông, lại có thể thực hiện một cú tăng ga bẻ cua ngoạn mục khiến cho con tàu phát triển mang tên Việt Nam bẻ lái ra khỏi khá xa quỹ đạo của kẻ láng giềng phương Bắc. Nhưng câu nói ngoại biên này có lẽ phản ánh sự lo lắng của ông về những gì sẽ diễn ra. Những lực cản sẽ đến từ nhiều hướng, và tất cả trong số chúng không thể giải quyết trong một phạm vi thời gian ngắn – trung hạn (từ 5-15 năm).
Thứ nhất, đó là Trung Quốc. Ngay trước khi ông Biden và ông Trọng tổ chức họp báo, những xe container hoa quả từ Việt Nam bị ngăn cản di chuyển qua biên giới sang Trung Quốc. Có vẻ, với hướng đi mới này của Việt Nam, việc Tập Cận Bình cử trưởng ban đối ngoại và Bộ trưởng Công an sang ngay trước thềm chuyến thăm của tổng thống Mỹ là điều không hề xa lạ. Thông điệp của hai chuyến thăm này có vẻ sẽ không được công khai, nhưng nó cũng thực tế đã không làm gián đoạn kế hoạch mà Việt Nam đã chọn thực hiện.
Nước cờ cũ này đương nhiên không nói lên rằng Trung Quốc sẽ dễ dàng chấp nhận một Việt Nam xoay trục. Nhưng ảnh hưởng về kinh tế, chính trị mà Trung Quốc đã tạo nên trong nhiều năm với mức độ ngày càng chặt chẽ vẫn là những khả năng tiềm ẩn sự ngăn cản rất lớn đối với việc tạo ra những thay đổi cho Việt Nam sau khi đã vượt lên trong mối quan hệ song phương Việt Mỹ.
Ngược lại, người ta sẽ có nhiều đồn đoán về việc ông Biden bỏ không tham dự hội nghị thượng đỉnh Asean ở Jarkarta sau khi từ Ấn Độ rời đi mà cho máy bay tới thẳng Hà Nội. ASEAN thực chất đã trở nên quá nhỏ bé và dễ bị tác động bởi Trung Quốc với việc các quyết định, nghị trình của nhóm này càng ngày đã thể hiện nhiều hơn những gì Trung Quốc muốn áp đặt. Việt Nam là nước duy nhất có kinh nghiệm và có sự cảnh giác, tuy rằng không còn tuyệt đối, trong mối quan hệ với Trung Quốc. Do đó, sự rằng co giữa ảnh hưởng trong mối quan hệ với Trung Quốc với những gì mối quan hệ Việt - Mỹ vừa được nâng cấp xác lập sẽ là một thử thách vô cùng lớn trong việc Việt Nam liệu có thêm một lần nữa tự bỏ lỡ cơ hội của mình.
Thứ hai, là quan trọng nhất: Năng lực của thể chế. Những giới hạn chủ quan này, rõ ràng sẽ là yếu tố quyết định nhất, không chỉ đến việc tận dụng cơ hội từ mối quan hệ với Mỹ, mà còn quyết định việc Việt Nam sẽ ở đâu trên bàn cờ địa – chính trị thế giới.
Ngày 15/12/2022, giữa Việt Nam và nhóm các đối tác G7 (bao gồm Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Italia, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch) đã thống nhất và ký kết một chương trình chung có tên “Chương trình Quan hệ Đối tác về Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP)”. Theo chương trình này, để giúp và biến Việt Nam thành một quốc gia đi đầu và có các nguồn lực cần thiết để đạt mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính, thay thế các nhà máy điện than bằng các nguồn năng lượng tái tạo (theo https://vneconomy.vn/viet-nam-nhan-15-5-ty-usd-ho-tro...).
Số tiền tài trợ của các đối tác thông qua chương trình cho Việt Nam là 15 tỷ đô la. Chính xác là 15,5 tỷ đô la. Tuy nhiên, hiện tại khoản tài trợ này dường như sẽ không được đảm bảo mục đích sử dụng và không có cơ chế giám sát nào từ phía người dân. Điều này có nghĩa rằng sự cải thiện thể chế với hai yếu tố tiên quyết là pháp luật được tuân thủ bởi tất cả các thành phần trong xã hội và tiếng nói giám sát của xã hội dân sự được đặt đúng vị trí để bảo đảm rằng mọi chính sách đều được phản biện, đánh giá hiệu quả.
Trước ngày 10/09 không lâu, một kế hoạch phá huỷ 600ha rừng nguyên sinh trong tổng số 0,25% rừng nguyên sinh còn lại trong cả nước được một tờ báo công khai trước công luận. Những tiếng nói phản biện dường như không còn ý nghĩa khi chủ trương của dự án này, thậm chí đã được Quốc Hội thông qua, bất chấp những cam kết của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính, bao gồm việc bảo tồn và phát triển nhiều rừng hơn nữa.
Dòng thời gian rối loạn đó, lại được bồi thêm một cú shock khi Bộ văn hoá Việt Nam đề xuất một kế hoạch, tình cờ cũng tương đương 15 tỷ đô la, để “chấn hưng văn hoá”. Hai ví dụ này nói lên cùng một vấn đề: Trong bối cảnh nạn tham nhũng tràn lan khắp hệ thống quản trị quốc gia với chính sự cảnh báo từ ông Nguyễn Phú Trọng khi coi đó là “mối đe doạ tới sự tồn vong của chế độ” – nó vẫn diễn ra một cách hết sức tự nhiên và gần như không gặp phải bất kỳ sự phản biện nào.
Dĩ nhiên, đây hoàn toàn không phải là những dẫn chứng điển hình nhất. Chúng chỉ cho thấy rằng thách thức về mặt thể chế để dẫn tới khả năng hấp thụ, chuyển hoá cơ hội của Việt Nam sau ngày 10/09 là như thế nào. Hàng loạt vấn đề khác liên quan đến việc làm cho thể chế đủ tốt để tận dụng cơ hội này, hiện tại chưa có dấu hiệu được giải quyết hay đơn giản hơn là được nhìn nhận một cách nghiêm túc.
NHÌN TRƯỚC
Phía trước vẫn là một con đường mà những biến số không phải được quyết định ngay ở thời điểm hiện tại. Với nạn tham nhũng tràn lan, những nguồn lực hạn chế của quốc gia đang bị tiêu tốn và huỷ hoại để thoả mãn cơn đói khát cồn cào của một hệ thống vận hành theo thói quen quyền lực không bị kiểm soát, thay vì vận hành để bảo đảm các điều kiện phát triển cho từng cá thể, doanh nghiệp và các hoạt động kinh tế. Rõ ràng, bức tranh tham nhũng chính là sự thể hiện đầy đủ của năng lực thể chế và sự vô hại của pháp luật. Và chừng nào không có những thay đổi căn bản trong cách vận hành thể chế, thì e rằng sẽ không có một kỳ thủ nào đủ sức phát triển tiếp nước cờ cục diện mà chúng ta đã chờ đợi suốt từ thời điểm chiếc trực thăng ký hiệu Lady Ace 09 do Đại úy Jerry Berry điều khiển, đưa Đại sứ Graham Martin ra tàu USS Blue Ridge vào lúc 4g58 phút, ngày 30/04/1975.
11.9.2023
H.A
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét