Thứ Tư, 9 tháng 8, 2023

QUỐC LÃO ĐẶNG ĐÌNH TƯỚNG VÀ GIỎ THƯ KÊU OAN


QUỐC LÃO ĐẶNG ĐÌNH TƯỚNG
VÀ GIỎ THƯ KÊU OAN TREO NGAY ĐẦU ĐÒN KIỆU
 
Đặng Đình Tướng là người làng Lương Xá, huyện Chương Mỹ, Hà Tây cũ. Là cháu 5 đời của Thái úy, Nghĩa Quốc công Đặng Huấn, và là con của Yên Quận công Đặng Tiến Thự. 
 
Đặng Đình Tướng đỗ Tiến sĩ khoa Canh Tuất (1670) đời Lê Huyền Tông, trải thăng các chức vụ quan trọng, tột bậc của ngạch quan chức hồi bấy giờ. Đến khi tuổi đã cao, ông đựợc lên hàng Quốc lão và nghỉ hưu. 
 
Khi chúa Trịnh Giang mới lên ngôi chúa, Đặng Đình Tướng viết cả cuốn sách gồm 8 thiên "Thuật cổ quy huấn" để khuyên răn. 
 
Nghỉ hưu tại quê nhà ở Lương Xá (thị trấn Chúc Lý, huyện Chương Mỹ, HN), nhưng vào các ngày rằm và mùng Một hàng tháng, Quốc lão Đặng Đình Tướng vẫn được mời tới dự họp trong phủ Chúa để tham vấn các vấn đề chính sự. 

Mỗi lần ông ra Thăng Long, người dân đứng chờ sẵn rất đông ở suốt hai bên đường để lạy chào ông. Dân oan, quan oan thì chờ để được dâng đơn thư nhờ ông tâu lên triều đình. Vì đông người chờ ông suốt dọc đường nên kiệu của ông di chuyển rất chậm. Sau, ông cho treo hai giỏ tre ở đầu và cuối đòn kiệu, ai có oan ức gì thì viết đơn bỏ vào đó, khi kiệu vẫn đi như bình thường. Ra đến Thăng Long là đã chiều tối; ông dành cả đêm ngồi đọc các đơn rồi sắp xếp việc nào vào việc đó, sáng hôm sau tâu lên Chúa và đưa cho các bộ phận giải quyết. Nhiều vụ án oan nhờ thế mà được giải quyết, nhiều người vì thế mà được giải oan.
 
Năm 1735 Đặng Đình Tướng qua đời, thọ 87 tuổi. Ông được truy tặng là Đại Tư không, phong Phúc thần. (Tham khảo Wikipedia và các tài liệu khác).
 

Đền thờ Quốc lão Đặng Đình Tướng ở Lương Xá, Chương Mỹ, Hà Tây cũ có một nhà bia
ghi công tích, sự nghiệp của Ngài. Có một con nai bằng đá nằm chầu bên cạnh. 
 
Tôi chưa hiểu sự tích con nai bằng đá này. Tôi viết lên đây, để các bác họ Đặng Lương Xá, nếu biết thì xin cho anh chị em cùng biết. 
 
Tôi bị ám ảnh về những con nai do tử tù Nguyễn Văn Chưởng kết bằng những mảnh túi ni lông, gửi ra làm quà cho con gái, và đôi lần gửi cho cha là ông Nguyễn Trường Chinh vì bên trong có thư kêu oan. 
 


 

Tôi hỏi ông Nguyễn Trường Chinh, là làm sao anh biết con nai nào có thư của Chưởng gửi. Ông bảo: Tôi biết chứ. Hỏi sao anh biết. Ông bảo: Tôi gặp cháu ở trại giam, hỏi: Hôm nay bố có quà không? Chưởng bảo: Quà của bố là con màu trắng (có hôm thì bảo: Hôm nay bố không có quà, con chỉ gửi cho con con thôi). Tôi về mở ra, trong bụng con nai nhất định có bức thư của Chưởng.
 
Phải chăng con nai ở Đền Quốc lão là hiện thân của một dân oan hay quan oan nào đó được Ngài cứu mạng? 
 
Vì sao Chưởng không làm con ngựa, con voi, con đại bàng hay con gấu, con mèo, con chó, mà lại làm ra con nai?
 
Trời ơi...Thương biết mấy cho vừa...


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét