LÀM RÕ ĐOẠN “THÔNG TIN NỘI BỘ” LIÊN QUAN ĐẾN TS NGUYỄN XUÂN DIỆN TRONG BÀI BÁO CỦA QUÝ HIÊN (BÁO THANH NIÊN)
Nguyên văn bài trên Báo Thanh Niên điện tử
xuất bản 31/03/2023 16:21 GMT+7:
“TS Nguyễn Xuân Diện 2 lần từ chối việc "cai quản" kho sách
"Khi Báo Thanh Niên đặt vấn đề, phải chăng nhờ sự tích cực lên tiếng của TS Nguyễn Xuân Diện, Phó phòng phụ trách Văn bản học (Viện Nghiên cứu Hán Nôm), trên mạng xã hội nên Viện Nghiên cứu Hán Nôm mới tích cực, nỗ lực trong việc tìm sách thất lạc cũng như tìm giải pháp bảo quản, lưu trữ tài liệu…, ông Cường cho rằng, việc tìm kiếm tài liệu và điều chỉnh cách quản lý đã có trong kế hoạch chung của viện từ trước.”
Tôi - Nguyễn Xuân Diện làm rõ sự thật và đặt trong ngoặc vuông [ ]
[Sai! Ông Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã làm gì?
1- Ém nhẹm đến cùng. Nếu không có cuộc kiểm kê (từ 5/5/2022-5/7/2022) thì vụ mất sách vĩnh viễn không ai biết, cho đến khi ông này kết thúc 2 nhiệm kỳ Viện trưởng.
2- Chỉ đạo làm bản fake để đặt lại trên giá. Chỉ đạo người giữ kho scan đưa bản scan của các cuốn sách cổ bị mất để in ra trên giấy Dó làm “phó bản”(tức phếch bản, fake) y như bản thật để đưa lên giá, hòng đánh lừa hậu thế. Rất may là bị phản đối kịch liệt nên không thực hiện được ý đồ này.
3. Dùng xảo thuật ngôn ngữ để giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của việc mất sách. Không dùng từ “mất”, mà dùng từ “thất lạc”, đang tìm kiếm. Sách mất nhưng có bản scan và bản photocopy, tức là Sách mất nhưng nội dung còn.
4. Chỉ đạo Hội đồng Khoa học dùng Luật thư viện để đánh giá giá trị của 25 cuốn sách đã mất, không viện dẫn Luật Di sản Văn hóa. Viện trưởng cho rằng sách Hán Nôm không phải là cổ vật, vì chưa được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận; kho Bảo quản không phải là bảo tàng.v.v…]
“Nhưng Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng ghi nhận những phát ngôn của TS Nguyễn Xuân Diện đã có tác dụng đẩy nhanh tiến độ công việc và thu hút được nhiều người cùng quan tâm đến kho sách Hán Nôm.
Theo ông Cường, trên mạng xã hội, trên báo chí và tại đơn vị, TS Nguyễn Xuân Diện thường xuyên có những phát ngôn, qua đó đã tạo dựng được hình ảnh là người nhiệt tâm gìn giữ kho sách Hán Nôm của dân tộc. Tập thể Viện Nghiên cứu Hán Nôm trân trọng tinh thần đó. Một số góp ý có tính xây dựng, viện đã tiếp thu.”
[“Một số góp ý có tính xây dựng, viện đã tiếp thu”, vậy có góp ý nào có tính phá hoại, không xây dựng, đề nghị ông Viện trưởng cho công luận biết.
Nên nhớ, ngày 15/7/2022, khi bộ phận Kiểm kê thông báo có 29 sách mất, và hàng nghìn cuốn sách hư nát ở các mức độ khác nhau, TS Nguyễn Xuân Diện đã đề nghị/yêu cầu:- Báo cáo lãnh đạo Viện Hàn lâm ngay. Báo công an ngay.- Điều tra báo cáo việc mất: Thời gian nào?- Làm rõ trách nhiệm của ai?- Kiểm kê cả kho sách gửi ở Viện Hàn lâm (437 cuốn).- Để thêm 21 ngày “tĩnh lự” để những người liên quan bình tĩnh nhớ lại, trót cầm sách đi thì lặng lẽ trả lên giá trong kho.
Đó có phải là góp ý “có tính xây dựng” không? Mà chỉ thấy ông Viện trưởng tiếp thu mục cuối cùng với thời gian “tĩnh lự” kéo dài 30 ngày. Khi hết 30 ngày “tĩnh lự”, tức là ngày 15/8/2022 cũng không báo cáo cho anh em biết có quyển nào được lén trả lại trên giá không].
“Gần đây, trong những lần họp quy hoạch tại đơn vị, có nhiều ý kiến đề nghị quy hoạch TS Diện để bổ nhiệm chức vụ Trưởng phòng Bảo quản (Viện Nghiên cứu Hán Nôm), tức là người "cai quản" kho sách. Nếu TS Diện ở vị trí này sẽ có nhiều lợi ích chung và riêng.
Một là TS Diện đạt được tâm nguyện gìn giữ kho sách cổ của tiền nhân như ông thường bày tỏ; hai là TS Diện sẽ phát huy được kinh nghiệm nhiều năm quản lý thư viện của mình, trước khi chuyển sang phòng nghiên cứu từ khoảng 10 năm trước; ba là phù hợp với nguyện vọng được phát triển cá nhân của TS Diện (TS Diện hiện là phó trưởng phòng phụ trách, trong một buổi họp cơ quan gần đây TS Diện cũng đã đề nghị được bổ nhiệm vị trí trưởng phòng).”
[Nói láo! Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện không “đề nghị được bổ nhiệm vị trí trưởng phòng”. Mà là do yêu cầu về “tái cấu trúc” dồn từ 5 phòng nghiên cứu thành 3 phòng; Phòng Văn bản học do Nguyễn Xuân Diện là Phó trưởng phòng phụ trách bị giải tán. TS Nguyễn Xuân Diện bị đưa sang phòng khác, đánh xuống Phó trưởng phòng (mất luôn cái “phụ trách”), khiến ban lãnh đạo có chút “băn khoăn”. Hai người dự kiến làm Trưởng phòng phòng mới đều là Tiến sĩ, đều là Nghiên cứu viên cao cấp, đều hưởng phụ cấp trưởng phòng (0,6); tuy nhiên NXD “hoàn thành tốt nhiệm vụ” năm 2022, còn vị kia chỉ “hoàn thành nhiệm vụ”, do thiếu điểm KPI, nên TS Nguyễn Xuân Diện đề nghị lấy phiếu tín nhiệm chức danh Trưởng phòng. Có vậy thôi!]
"Đã có ít nhất 2 lần TS Diện từ chối đề nghị này. Chúng tôi cho rằng đây là một điều rất đáng tiếc, vì đó là cơ hội để TS Diện thể hiện trách nhiệm đối với kho sách từ góc độ hành động thực tế chứ không chỉ từ phát ngôn", ông Cường cho biết”.
[Viện trưởng nói: “để TS Diện thể hiện trách nhiệm đối với kho sách từ góc độ hành động thực tế chứ không chỉ từ phát ngôn”. Nói vậy, là Phó Giáo sư Tiến sĩ, Viện trưởng, Bí thư Chi bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Tuấn Cường muốn nói rằng Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện yêu di sản chỉ bằng “chót lưỡi đầu môi” ư?].
Tôi chỉ thông tin sự thật, có mấy chục cán bộ cơ quan làm chứng. Tôi cũng có đầy đủ chứng cứ để minh chứng những điều tôi nói là sự thật.
Còn việc bình luận, xin dành cho 60.795 anh chị em follow FB này.
Chúng tôi không quan tâm đến cương vị và trách nhiệm của các ông. Chúng tôi chỉ muốn biết là các cuốn sách đã mất giờ ở đâu? Thu hồi lại thế nào để chúng tôi và thế hệ mai sau có cơ hội tiếp cận hoặc thọ hưởng được các giá trị văn hóa, tinh thần của nó. Nên nhớ, đây là tài sản của quốc gia, của nhân dân giao cho các vị quản lí chứ không phải là tài sản riêng của các vị. Cần loại đào thải các cương vị và nhân lực có thể làm xảy ra điều tương tự trong tương lai.
Trả lờiXóa