Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2023

CHUYẾN THĂM BẤT NGỜ CỦA THỦ TƯỚNG TỚI VIỆN HÁN NÔM


Chuyến thăm bất ngờ của Thủ tướng
tới Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Nguyễn Xuân Diện

Trong số các Thủ tướng từ năm 1945 đến nay có hai ông là những người rất trân quý di sản cha ông và phong cách toát lên văn cách. Đó là ông Phạm Văn Đồng và ông Võ Văn Kiệt. Chuyện Thủ tướng Phạm Văn Đồng sẽ kể trong một dịp khác.

Ông Võ Văn Kiệt rất quý trọng văn nghệ sĩ trí thức. Ông luôn gần gũi và lắng nghe tâm tư của họ và chuyển hoá thành những quyết định rất tốt đẹp cho đất nước. 
 
Riêng với di sản Hán Nôm và với Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Thủ tướng Võ Văn Kiệt để lại một dấu son, âm thầm mà hiệu quả.
 
Năm 1992, vào cuối giờ chiều một ngày cuối thu, rất bất ngờ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt lặng lẽ đến thăm Viện Nghiên cứu Hán Nôm tại 183 Đặng Tiến Đông, phía sau gò Đống Đa. Khi ông đến, không có xe hú còi, không có vệ sĩ, các hàng quán xung quanh vẫn hoạt động. Và không có bức ảnh nào ghi lại việc ông đến. 

Đón tiếp ông, chỉ có lãnh đạo Viện và một số ít cô bác. Trong buổi gặp gỡ ông nói rằng, gần đây trên cương vị Thủ tướng, ông đi thăm các nước trong khu vực tận mắt thấy các nước họ giữ gìn và bảo tồn di sản rất bài bản, rất đáng học tập và áp dụng. Ông muốn Viện Nghiên cứu Hán Nôm lập và triển khai một dự án lớn để sưu tầm và bảo quản thật tốt di sản Hán Nôm của cha ông để lại đang tản mát trong dân gian mà ở địa phương còn rất ít người đọc và khai thác hiệu quả. 

Theo gợi ý và chỉ đạo đó, một dự án sưu tầm lớn đã được ông phê chuẩn và tiến hành rộng rãi toàn miền Bắc và đến tận Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam. 

Kết quả là “đến năm 2010, Viện đã hoàn thành việc sưu tầm văn khắc Hán Nôm ở khoảng 2.400 xã thuộc các địa phương: tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Bắc Giang, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Yên Bái, tỉnh Phú Thọ, tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Hải Dương, tỉnh Thái Bình, thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Nam, tỉnh Nam Định, tỉnh Ninh Bình, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thừa Thiên - Huế, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam”. 

“Mua và photocopy sách Hán Nôm, mua sách Hán Nôm dân tộc thiểu số được hơn 10.000 cuốn, in rập văn khắc Hán Nôm (bia, chuông) được khoảng 15.000 đơn vị với hơn 36.000 mặt thác bản, sao chép câu đối khoảng 50.000 đôi, sao chép hoành phi khoảng 30.000 bức, phiếu điều tra tư liệu Hán Nôm tại các địa phương khoảng 24.000 xã”. (Theo bài Viện Nghiên cứu Hán Nôm trong những năm đầu của thế kỷ XXI, của PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm đăng trên Tạp chí Hán Nôm, Số 4 (101) 2010, tr. 3-12).

Tôi về Viện từ tháng 6/1993. Đến năm 1996 chính thức được tham gia đoàn sưu tầm tư liệu. Tôi được đi điền dã sưu tầm ở các tỉnh Nam Định (Vụ Bản, Thanh Liêm, Bình Lục, Nghĩa Hưng), tỉnh Thanh Hoá (Hoằng Hoá, Đông Sơn, Như Thanh, Quảng Xương, tp Thanh Hoá), Hưng Yên (Ân Thi), Thừa Thiên Huế (Hương Trà, Phú Lộc, Quảng Điền), Bắc Giang (Việt Yên).

Trong những ngày mất mát xót xa này, tưởng nhớ đến Thủ tướng Võ Văn Kiệt, càng tri ân công đức lớn lao của ông đối với di sản văn hoá của đất nước.

Và mong Thủ tướng đương nhiệm Phạm Minh Chính sớm nắm bắt vụ việc mất mát và hư hại cổ thư ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, chỉ đạo các bộ ngành hữu quan như Bộ Công an, Bộ Văn hoá, Hội đồng Di sản Văn hoá quốc gia, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sớm có kết quả điều tra, xử lý đúng người đúng tội theo pháp luật, chấn chỉnh công tác ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, loại khỏi đội ngũ những kẻ vô trách nhiệm với tiền nhân để đảm bảo an toàn cho kho di sản quý báu - hiện thân văn hiến của dân tộc.

Mong lắm thay!
31.3.2023 bổ sung 6.4.2023
Nguyễn Xuân Diện

Ảnh: Trụ sở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ảnh của Tiền Phong.

1 nhận xét :

  1. Rát ủng hộ tác giả bài viết này. Rất mong lãnh đạo các cấp cùng quan tâm !

    Trả lờiXóa