Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2022

Nguyễn Thành Phong: MỘT CÂU CHUYỆN RẤT BUỒN TỪ VĂN NGHỆ TRẺ

Lương Ngọc An - Phó Tổng biên tập Báo Văn Nghệ, Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam là Người đang bị Nhà thơ Dạ Thảo Phương tố cáo hiếp dâm mình 23 năm trước.

Nhà thơ Nguyễn Thành Phong lên tiếng:
MỘT CÂU CHUYỆN RẤT BUỒN TỪ VĂN NGHỆ TRẺ

Tôi thấy rất bất ngờ và trào lên một cảm giác chua xót, giận dữ khi tiếp cận câu chuyện xảy ra giữa Dạ Thảo Phương và Lương Ngọc An ở Văn nghệ Trẻ cách đây hơn 20 năm. 

Đây là vụ việc diễn ra sau khi chúng tôi đã rời đi. Chúng tôi ở đây là ba người: Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quang Lập và tôi giai đoạn ban đầu, sau đó là một vài người khác nữa, rất có tên tuổi và tư cách, cùng xúm tay vào nhiệt huyết làm ra tờ Văn nghệ Trẻ. Tờ Văn nghệ Trẻ số đầu tiên ra mắt vào đầu tháng 9/1995.... Chúng tôi rời đi vào khoảng thời gian nửa đầu năm 1999, tâm trạng không vui vẻ gì, sau gần 4 năm cống hiến cho tờ báo. Còn câu chuyện đang đề cập ở đây diễn ra vào cuối năm 1999 và năm 2000.

Sau khi rời Văn nghệ Trẻ, tôi liền khoác ngay ba lô lên đường đi làm phóng viên, đi khắp các nơi, rồi về nhà ngồi viết bài, viết sách, không mấy chú ý đến những chuyện đang xảy ra ở báo Văn nghệ, dù tôi vẫn còn là người của báo cho đến khi chuyển hẳn sang cơ quan khác vào tháng 8/2002.

Tôi nhớ vào thời gian sau khi Văn nghệ Trẻ đã bắt đầu có tăm tiếng thì Dạ Thảo Phương và Lương Ngọc An xuất hiện ở đây. Tôi không chú ý họ xuất hiện từ đâu, từ ai. Họ xuất hiện để làm việc thì tôi và các anh làm Văn nghệ Trẻ để cho họ làm việc. Ban đầu là giao cho làm các công việc hành chính, tiếp cộng tác viên, đi đặt bài, đi nhận bài, rồi tiếp theo là công tác tòa soạn, giao dần cho biên tập tin bài.

Trong mắt tôi, Dạ Thảo Phương là một cô bé mơ mộng, nhí nhảnh, làm việc say mê. Có lúc chậm việc, tôi còn quát cho, cô bé dân dấn nước mắt, báo hại, có khi tôi phải xuống giọng dỗ dành... Còn Lương Ngọc An thì tận tụy, chả có gì đáng chê trách, ngoại trừ sau này xảy ra chuyện Văn nghệ Trẻ in truyện ngắn "Đi" của Nguyễn Bình Phương và tôi bay mất chức. Tôi sẽ viết về vụ việc này vào một dịp khác.

Vì thế, sau đó có nghe loáng thoáng chuyện anh chị này quan hệ tình cảm với nhau, xô xát với nhau ngay tại tòa soạn, thì tôi chả chú tâm. Tuổi trẻ mà, chấp làm gì. Rồi đến lúc Dạ Thảo Phương buồn bã chuyển đi, không hề trở lại...

Bây giờ là biết câu chuyện này. Tôi cũng nghĩ thoáng như nhiều người, tuổi trẻ yêu đương, tự nguyện dâng hiến rồi ghen tuông, xô xát, là chuyện bình thường. Nhưng tôi cũng như nhiều người, căm ghét chuyện bạo lực, cưỡng ép, lợi dụng... Không biết sự thật vụ việc này đến đâu, nhưng đây là câu chuyện rất đáng phải căm ghét. Hơn nữa, nó đã đẩy một cô gái mơ mộng, nhí nhảnh, say mê với công việc và sáng tác, vào một đoạn đời khốn khổ, đau đớn (như những gì cô ấy đã viết). Tôi không thể tin được là chuyện như thế này lại đã xảy ra ở chỗ chúng tôi từng làm việc.

Tôi đã từng nghe chuyện có những người bị xâm hại tình dục, họ im lặng đến tận trước khi chết, rồi cũng phải nói ra để thanh thản nhắm mắt. Có những người im lặng rất lâu, luôn luôn lo sợ bí mật sẽ bị lộ ra với ai đó. Rồi đến một thời điểm nào đấy, họ thấy mình đã đủ sức đương đầu thì nói ra để đối mặt, để không còn phải lo sợ nữa... Còn nhiều lý do khác nữa mà ta không thể biết hết khiến nhiều người khác im lặng hoặc nói ra mà chúng ta cần chia sẻ hay thấu hiểu.

Một vụ việc, nhìn từ góc độ nào cũng chua xót, phải mất thời gian rất lâu sau đó, mới được nói ra. Và nói ra là tốt hơn thay vì giấu kín nó đi.

Tôi nghĩ, những người có trách nhiệm đã không làm đúng nhiều điều gì đó để khiến một vụ việc như thế phải âm thầm giấu kín đến 23 năm lại xuất hiện trở lại, kéo theo rất nhiều hệ lụy.

Là một người đã từng chịu trách nhiệm về tờ Văn nghệ Trẻ một thời gian, nhiều người đã gọi hỏi tôi về câu chuyện này. Tôi chưa có đủ thông tin để trả lời. Nhưng tôi thấy mình có nghĩa vụ phải nói gì đó.

Về pháp luật hình sự, đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm vụ việc này. Nhưng về khía cạnh nhân phẩm, tư cách và lương tâm của những người liên quan thì không bao giờ có quy định về thời hiệu xem xét cả. 

Phải có một cách thức nào đó để đối mặt với câu chuyện này, để đưa ra những phán xét và xử lý. Phải làm sao đó để lương tâm và nhân phẩm không bị đánh tháo!
——

Ảnh: Lương Ngọc An (hiện là Phó TBT báo Văn Nghệ)

2 nhận xét :

  1. Nhà thơ Nguyễn Thành Phong rất đúng khi cho "Phải có một cách thức nào đó để đối mặt với câu chuyện này, để đưa ra những phán xét và xử lý. Phải làm sao đó để lương tâm và nhân phẩm không bị đánh tháo!".
    Tôi tin tuyệt đối nhà thơ Dạ Thảo Phương trong câu chuyện quá bi thảm mà phải sau 23 năm chị mới đủ can đảm nói ra. "Bạch hóa" được bi kịch của chính mình, chứng tỏ chị là người tự trọng, bản lĩnh. Và đây cũng là cách duy nhất để chị vẫn được là Mình. Và vì thế tôi thấy anh Nguyễn Thành Phong đã tuyệt đối đúng khi cho rằng:
    “Và nói ra là tốt hơn thay vì giấu kín nó đi”.

    Trả lờiXóa
  2. Nhìn nhân tướng thằng này chó má lắm

    Trả lờiXóa