Thứ Ba, 1 tháng 3, 2022

Ngàn năm còn mãi - số 2: NGÀY XUÂN THEO THỊ MẦU LÊN CHÙA



Ngàn Năm Còn Mãi SỐ 2:
NGÀY XUÂN THEO THỊ MẦU LÊN CHÙA 
Diễn giả: TS. Nguyễn Xuân Diện

Chèo là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian đặc sắc của Việt Nam. Hình thành và phát triển ở phía bắc Việt Nam mà trọng tâm là châu thổ Bắc Bộ. Nghệ thuật Chèo gắn liền với sinh hoạt văn hóa tinh thần nông thôn. Chèo sân đình trải qua quá trình sàng lọc, chắt chiu của nghệ nhân dân gian tứ chiếng Đông – Nam – Đoài – Bắc đã trở thành một bộ môn nghệ thuật đặc sắc, thuần Việt.

Quan Âm Thị Kính là một vở chèo đặc biệt, được đông đảo nhân dân say mê và không ngừng được các thế hệ nghệ nhân chỉnh lý, bồi đắp. QATK bắt nguồn từ một tích truyện, lưu truyền trong dân gian, và sau đó được văn bản hóa bằng một truyện Nôm khuyết và được khắc ván bán rộng rãi trong nhân dân.

Nhân dịp đầu xuân, khi khắp các làng mở hội xuân, TS. Nguyễn Xuân Diện hầu chuyện quý vị về "Chèo cổ Quan Âm Thị Kính":
 
Trích đoạn Thị Mầu lên chùa là một trích đoạn đặc sắc. Ở đó hát, múa, diễn được kết hợp nhuần nhuyễn. Vai diễn Thị Mầu là một trong những vai mẫu của Chèo cổ, mà bất cứ nữ sinh Khoa Kịch hát dân tộc (trước gọi Khoa Chèo) nào cũng phải học.

Xem qua, chúng ta chỉ thấy một Thị Mầu khao khát yêu đương, khao khát tình yêu và nhục cảm. Ta thấy Thị Mầu mặc yếm đào rực lửa tình, nàng khoác chiếc áo màu hồng xác pháo rạo rực xuân thì. Những bước chân thoăn thoắt đi theo câu hát và tiếng nhạc rộn ràng. Và đôi mắt nàng, lung la lúng liếng. Chiếc quạt của Thị Mầu là một đạo cụ diệu kỳ như cánh bướm xuân, như chiếc chìa vôi (khi nàng hát câu Cau non tiễn chũm lòng đào rồi chỉ vào ngực nàng - khuôn ngực mà Ca dao nói: Hỡi cô có cái chũm cau, Anh búng một cái có đau anh đền!)...

Thị Mầu đã tấn công Tiểu Kính Tâm - người con gái giả trai nương nhờ cửa Phật - qua ba giai đoạn:

Giai đoạn 1: Thấp thoáng từ đằng xa. Thị Mầu chỉ thấy Kính Tâm từ xa. Vòng múa của cô còn xa cách Kính Tâm, vòng múa rộng, bước khoan thai, câu hát cũng khoan thai. Thị Mầu vẫn còn giữ "lịch sự" với Kính Tâm.

Giai đoạn 2: Xa không được, Thị Mầu sáp lại. Kính Tâm vẫn cứ "vô tâm" với mình, làm cho Thị Mầu tức lắm. Nàng hát câu:

Thầy Tiểu ơi
Thầy như táo rụng sân đình
Em như gái dở đi rình của chua

Rồi nhặt một quả táo rụng (hay hòn sỏi nhỏ ở sân chùa) ném về phía Tiểu Kính Tâm. Theo phản xạ, Kính Tâm đưa mắt lại. Bốn mắt gặp nhau. Thị Mầu choáng trong phút giây gặp gỡ đó. Vòng múa của cô gần lại với Kính Tâm, bước chuyển của đôi chân đã gấp hơn, cô không còn đi bằng bàn chân mà đã đi bằng nửa bàn chân, câu hát cũng thôi khoan thai. Thị Mầu đã đánh rơi sự "lịch sự" với Kính Tâm.

Giai đoạn 3: Thị Mầu áp sát Tiểu Kính Tâm, thấy cái cổ trắng ngà của Tiểu Kính Tâm. Nàng lấy chiếc quạt, quạt lấy cái hơi của Tiểu Kính Tâm về phía mình. Ôi trời! Gái bén hơi giai như thài lài gặp cứt chó là đây có phải?! [Trích phân tích của cố NSND. Năm Ngũ trong băng Tư liệu - Nguyễn Xuân Diện sở hữu 1 bản sao].

Vòng múa thít chặt lại với Tiểu Kính Tâm, đôi chân gấp gáp, cô không còn đi bằng nửa bàn chân, nữa mà đã đi bằng những đầu ngón chân thon. Câu hát cũng gấp gáp! Thị Mầu đã đê mê trong hoan lạc ảo tưởng. Thị Mầu đã cuồng si, điên loạn. ....

Cảm tạ cha ông đã làm ra chèo Quan Âm Thị Kính, để muôn sau Thị Mầu còn lẳng lơ mãi với nhân gian!
 

1 nhận xét :

  1. Tiến sĩ phân tích thấu đáo làm người đọc thấu hiểu và thích thú vô cùng với trích đoạn chèo Thị Màu lên chùa nói riêng và nghệ thuật chèo VN nói chung.
    Vì thế xem trích đoạn chèo thấy tuyệt vời hơn. Cám ơn Tiến sĩ nhiều

    Trả lờiXóa