Thứ Tư, 24 tháng 11, 2021

GS.TS Trần Quang Hải: ĐÀN BẦU CỦA VIỆT NAM HAY TRUNG QUỐC ?

GS.TS Trần Quang Hải
ĐÀN BẦU CỦA VIỆT NAM HAY TRUNG QUỐC?


Trần Quang Hải , CREM (Research Center of Ethnomusicology), FRANCE

Đàn bầu (từ này chỉ được phổ biến rộng rãi từ khi thành lập nhạc viện Hà nội năm 1956 – nay trở thành học viện âm nhạc quốc gia) hay đờn độc huyền hay độc huyền cầm (獨絃琴) hay đờn một dây (phổ biến ở miền Nam Việt Nam) thuộc nhạc cụ Việt Nam có từ lâu đời . Dân tộc Mường cũng có cây đàn một dây  Tàn Máng và dân tộc Chăm có đàn một dây Rabap Katoh.

Huyền thoại về cây đàn bầu

Có hai huyền thoại về đàn bầu :

  1. Cố nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát (1) có kể truyện Trương Viên rời gia đình theo tiếng gọi của đất nước đi đánh giặc . Vợ ở nhà phụng dưỡng mẹ chồng . Chờ lâu không thấy chồng trở về, hai mẹ con khăn gói lên đường tìm chồng . Dọc đường vợ bị hung thần móc mắt , trở thành đui mù . Một bà tiên cảm động trước sự hy sinh của con dâu (cắt thịt mình để cho mẹ chồng ăn ), mới tặng một cây đàn một dây có âm thanh như giọng người . Nhờ đó hai mẹ con đi tới thủ đô và tìm gặp người chồng .
  2. Một huyền thoại khác cũng được nhắc đến, đó là cuộc đời hát Xẩm của thái tử Trần Quốc Đĩnh. Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Nguyên kể lại trong bài viết của nhà nghiên cứu Hoàng Kiều thì Đàn Bầu chính là báu vật mà Bụt ban cho thái tử Trần Quốc Đĩnh làm kế sinh nhai, làm nhạc cụ định an tinh thần trong hoàn cảnh bơ vơ, gia biến

Tài liệu từ sách vở

Tìm hiểu trong thư tịch và hiện vật khảo cổ học cũng như lịch sử chữ viết có một số những sách sử quan trọng có đề cập đến Đàn Bầu. Theo An Nam chí lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Chỉ Nam Ngọc âm giải nghĩa, Đại Nam thực lục tiền biên, Tân Đường thư, Cựu Đường Thư… cây Đàn Bầu ra đời xuất phát điểm ở vùng đồng bằng Bắc Bộ sau đó được người Kinh Việt Nam mang sang Quảng Tây Trung Quốc.

Theo Hoàng Yến (4) , năm 1892 Đàn Bầu mới được những người hát xẩm phía Bắc đưa vào xứ Huế để ca khúc đệm đàn cho một số bộ phận vương quan tiến bộ yêu thích thanh âm trong trẻo, nỉ non đó. Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, Vua Thành Thái – một trong ba vị vua yêu nước thời Pháp thuộc, ông yêu tiếng đàn Bầu như hơi thở quê hương xứ An Nam, lúc đó Đàn Bầu mới được thay thế đàn tam trong ngũ tuyệt tranh-tỳ-nhị-nguyệt và bầu.

Đàn bầu có mặt trong dàn đờn tài tử nam bộ từ năm 1930 do những người miền Trung vào miền Nam khai khẩn đất hoang vào cuối thế kỷ 19. Đàn bầu được gọi là « đờn một dây » hay « đờn độc huyền »

Cố GS Trần Văn Khê (đã miêu tả đàn độc huyền – không dùng từ đàn bầu trong quyển luận án bảo vệ tại Paris năm 1958 (2), và trong quyển VIETNAM /traditions musicales ,do nhà sách Buchet/Chastel xuất bản tại Paris năm 1967 (3).

Tôi có viết bài miêu tả đàn độc huyền – không dùng từ đàn bầu trong quyển MUSIC OF THE WORLD (5) , do nhà xuất bản J.M.FUZEAU phát hành , Courlay, Pháp, vào năm 1994.

Gần đây nữ nhạc sĩ Quỳnh Hạnh (trong nhóm Hoa Sim được thành lập ở Saigon từ thập niên 60) bảo vệ luận án tiến sĩ về Đàn Bầu thành công tại trường đại học Sorbonne Paris 4 cách đây 7 năm. Ngoài phần miêu tả nhạc cụ và dân tộc nhạc học, còn có phần viết về việc sử dụng đàn bầu trong cách chữa bịnh tâm thần (musicothérapie) (6) ;

Về phía Việt Nam , Học viện âm nhạc quốc gia có 3 luận đề cao học và một luận đề tiến sĩ về đàn bầu  (7):

NSND Nguyễn Thị Thanh Tâm bảo vệ luận án cao học năm 1999 với đề tài « một số vấn đề về giảng dạy và biểu diễn đàn bầu ở nhạc viện Hà Nội » .

Nguyễn Thị Mai Thủy bảo vệ luận án cao học năm 2007 về « giảng dạy đàn bầu bậc trung học dài hạn tại trường cao đẳng nghệ thuật Hà Nội »

Sun Jin (Tôn Tiến), người Trung quốc, bảo về luận án cao học năm 2009 về « Đàn bầu với việc giảng dạy tại trường đại học Quảng Tây, Trung quốc »

Sun Jin (Tôn Tiến », người Trung Quốc, bảo vệ luận án tiến sĩ năm 2015 về « Nghệ thuật đàn Bầu trong giai đoạn mới tại Việt Nam. » (8)

Với sự kế thừa và phát triển đàn Bầu, Tôn Tiến muốn trên cơ sở của người trước đã làm và đề ra vài ý kiến mới, đó là những quan điểm “hoạt hóa”, “tiến hóa” và “tiêu chí hóa”. Trong đó, “hoạt hóa” có yêu cầu giữ gìn và đa dạng hóa các hoạt động nghệ thuật biểu diễn đàn Bầu. “Tiến hóa” có ý nghĩa đổi mới nội dung và hình thức để phát triển nghệ thuật đàn Bầu. “Tiêu chí hóa” mang nghĩa đại diện của khu vực, làm nổi bật vị trí của nghệ thuật đàn Bầu. Thêm một khía cạnh trong luận án là điều tra xã hội học về đàn bầu .

Những người đóng góp lớn cho sự phát triển đàn bầu

Theo Tôn Tiến, những nhân vật đại diện có đóng góp lớn cho sự phát triển đàn Bầu gồm có  (9):

NSND Vũ Tuấn Đức, Ông đã bổ sung phương pháp ký âm 5 dòng kẻ, thêm nhiều ký hiệu đặc biệt để cố gắng ghi lại những ngón nghề đặc thù của đàn Bầu.

Ông Phạm Phúc Minh, tác giả quyển « Cây đàn bầu : những âm thanh kỳ diệu », Hà nội, 1999, đã viết một cuốn sách căn bản đầy đủ về cây đàn bầu

NGND Xuân Khải, ông có một số tác phẩm nổi tiếng sáng tác cho đàn Bầu như “Buổi sáng sông Hương”, “Cung đàn đất nước”, “Hồi tưởng”…

NSƯT Mạnh Thắng, Năm 1957, ông Mạnh Thắng cùng cây đàn Bầu lần đầu tiên có mặt ở cuộc thi Quốc tế và đạt được huy chương vàng. Đến năm 1964, ông Mạnh Thắng đã bắt đầu mang đàn Bầu điện bước lên sân khấu chuyên nghiệp.

NSƯT Đức Nhuận, Ông là người đầu tiên sáng tạo ra và đưa các kỹ thuật cho đàn Bầu như: Kỹ thuật gẩy hai chiều, gẩy thực âm, tạo tiếng chuông,.

NS Hồ Khắc Chí, Trong 20 năm giảng dạy ông đã góp phần đào tạo nhiều học sinh, sinh viên ngành nhạc dân tộc. Ông sáng tác hoặc chuyển soạn hơn 35 bản nhạc không lời, được thu thanh tại đài phát thanh và truyền hình Việt Nam. Nhiều bản đàn trong số này hiện vẫn còn đang được sử dụng.

NSND Thanh Tâm, với hơn 40 năm giảng dạy, bà đã góp phần đào tạo nhiều học sinh, sinh viên ngành nhạc dân tộc hiện đang công tác tại các trường nghệ thuật, các đoàn ca múa nhạc trung ương và địa phương trong cả nước. Bà còn là người phụ nữ đầu tiên đem vinh quang về cho Việt Nam, cho ngành nhạc dân tộc nói chung và bộ môn đàn Bầu nói riêng bằng nhiều tấm Huy chương vàng của các cuộc thi, liên hoan quốc tế được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới. Bà đã xuấn bản 8 giáo trình đàn Bầu.

Ở Việt Nam ngoài NSND Thanh Tâm là phụ nữ, hiện nay có vài nữ nhạc sĩ trẻ tiếp tối như NSUT Hải Phượng, Hoàng Cầm, Phạm thị Huyền Trang, Quách Phương Dung, Lệ Chi. Về phía nam nhạc sĩ , có Hoàng Anh Tú, nhạc sĩ khiếm thị  Thanh Tùng, Phúng Chí Thanh, Hồ Hoài Anh.

Ở hải ngoại có một số nữ nhạc sĩ  đàn bầu như Võ Vân Ánh (Hoa Kỳ), Hồ Thụy Trang (Pháp), Quỳnh Hạnh (Pháp). Nam nhạc sĩ có Khắc Chí (Canada), Phạm Đức Thành (Canada), Đặng Kim Hiền (Úc châu)  là những người có công phổ biến đàn bầu trong cộng đồng việt nam hải ngoại và những người yêu nhạc khắp năm châu

Cố họa sĩ Mai Thứ là người Việt Nam đầu tiên trình diễn đàn bầu ở Pháp và hải ngoại vào năm 1958. Tôi giới thiệu đàn bầu khắp thế giới qua những buổi trình diễn và lễ hội nhạc truyền thống quốc tế từ năm 1966.

Nhạc sĩ Chí Tâm (Hoa Kỳ) có thực hiện chương trình truyền hình TIẾNG TƠ ĐỒNG về nhạc cổ truyền Việt Nam với sự góp mặt của nữ nghệ sĩ Ngọc Đan Thanh . Có hai chương trình về đàn bầu (2011, 24 phút) đặc biệt về đàn bầu trong cổ nhạc miền Nam. (10)

Ngoài ra tại TP HCM nhạc sĩ Huỳnh Khải cũng thực hiện 4 chương trình truyền hình về đàn bầu trong đờn ca tài tử nam bộ (CVTV 2007) (11)

Về phần cải tiến đàn bầu ngoài Mạnh Thắng và Đức Nhuận, còn có NSND Xuân Hoạch về đàn bầu cổ cho hát xẩm, Mai Đình Tới về cải tiến kỹ thuật đàn bầu trên toàn âm bảng đàn

ĐÀN BẦU là của Việt Nam hay của Trung Quốc ?

Nếu cho đàn bầu của Trung Quốc căn cứ vào tài liệu sách

Theo Tân Đường thư quyển 222, Liệt truyện 147: Nam Man hạ thì trong số các nhạc cụ do nước Phiếu (Phiếu, cổ Chu Ba dã, tự hào Đột La Chu, Đồ Bà quốc nhân viết Đồ Lí Chuyết. Tại Vĩnh Xương nam 2.000 lí, khứ kinh sư 14.000 lí. Đông lục Chân Lạp, tây tiếp Đông Thiên Trúc, tây nam Đọa Hòa La, nam chúc hải, bắc Nam Chiếu. Địa trường 3000 lí, quảng 5000 lí…]) dâng lên vua Đường (niên hiệu Trinh Nguyên (785-805) thời Đường Đức Tông) đã thấy xuất hiện độc huyền bào cầm (đàn bầu một dây).

Sách Nam Man hạ chép: « Dĩ bạch mộc vi chi, bất gia sức, tào hình trường như nhựt tự dạng, dụng trúc tác tào bính, xuyên dĩ không hồ, trương huyền vô chẩn, hửu thủ dĩ trúc, phiến bát huyền dĩ phát thanh, tả thủ nhấn trúc can nhi thành điệu. » Nghĩa là: « Lấy gỗ nhẹ mà làm, không trau chuốt chi, thùng đàn dài hình chữ nhật, đầu chót cắm cán tre, xâu nửa quả bầu khô, giăng dây không phiếm, tay phải lấy que trúc nảy lên tiếng, tay trái nấng cần tre mà thành điệu. »

Từ vài năm nay ở Trung Quốc đã có những festival nhạc dân tộc với những màn biểu diễn đàn bầu. Trên trang web China Daily USA đăng bài cùng hình ảnh của Xinhua với chú thích “Hàng trăm người dân tộc Kinh thiểu số cùng chơi đàn độc huyền cầm” trong một lễ hội truyền thống ở Trung Quốc. Bài viết nói rằng tộc người Kinh (Jing) này đã di cư từ VN sang Trung Quốc từ khoảng 500 năm trước, và hiện tộc người này có khoảng 22.000 người. Trung Quốc đã gửi nhạc công sang VN học đàn bầu, mời một số nhà nghiên cứu sưu tầm tài liệu để viết về đàn bầu và đưa lên mạng thông tin đàn bầu rất được người dân tộc Kinh (ở Trung Quốc) yêu thích (cô Tôn Tiến hoàn thành luận án cao học (2009) và tiến sĩ (2015) với đề tài đàn bầu ở Học viện âm nhạc quốc gia Hà Nội)

Nhạc sĩ Đức Trí, người đã nhiều năm theo học đàn bầu, ông giật mình: “Thông tin từ GS Hải làm tôi chợt nhớ, cách đây 10 năm, tôi tình cờ xem được trên kênh truyền hình CCTV của Trung Quốc một chương trình hòa tấu nhạc dân tộc và đã rất kinh ngạc khi thấy có cây đàn bầu trong dàn nhạc dân tộc Trung Quốc. Đây là điều chưa từng thấy trước đó”.

Nhạc sĩ Đỗ Lộc cho biết: “Năm 1967, Đoàn múa hát Quân giải phóng miền Nam VN sang Bắc Kinh biểu diễn. Tiết mục biểu diễn đàn bầu của nhạc sĩ Đức Nhuận thật sự xuất sắc vì đàn bầu là của VN mà Trung Quốc không có nên họ ngỏ lời xin học, VN đồng ý. Nghệ sĩ Điền Xương của Trung Quốc đi theo đoàn VN suốt thời gian đoàn lưu diễn để được thầy Đức Nhuận chỉ dẫn về đàn bầu…”.

Nghệ sĩ đàn bầu Nguyễn Tiến kể: “Cuối năm 2013, tôi đã từng nói chuyện và biểu diễn minh họa về lịch sử phát triển cây đàn bầu VN tại Học viện Quảng Tây (Trung Quốc), nơi cũng có một khoa giảng dạy đàn bầu. Cả hội trường vô cùng ngạc nhiên và khâm phục. Trưởng khoa đàn bầu (và là người chỉ huy dàn nhạc của học viện) là Thái Ương đã nói với tôi: Nghe anh nói chuyện cả buổi sáng nay tôi mới hiểu được hết cái hay và cái đẹp của cây đàn bầu VN. Học viện chúng tôi có khoa đàn bầu là vì có một số học viên là người dân tộc Kinh có nhu cầu nên chúng tôi dạy thôi. Hiện nay cũng có học sinh Trung Quốc đang học tại Học viện âm nhạc quốc gia VN về đàn bầu. Có cô gái Trung Quốc tên là Tôn Tiến cũng từng gặp tôi để học hỏi về đàn bầu”. (12)

Theo một số nghệ sĩ và nhà nghiên cứu âm nhạc, đàn bầu chỉ mới được Trung Quốc lưu tâm đến không đầy 20 năm sau này, vì trước đó không thấy dạy đàn bầu ở các nhạc viện Trung Quốc.

ĐÀN BẦU PHÁT TRIỂN Ở VIỆT NAM

Ngược lại Đàn bầu có mặt từ Bắc xuống Nam, được dạy tại 3 nhạc viện quốc gia Hà Nội, Huế, TP HCM với hàng trăm nhạc sinh .

Đàn bầu được cải tiến từ hình thù cây đàn, kỹ thuật thủ pháp tay trái , tay mặt, điện hóa để phát to âm thanh, sáng tạo nhiều cách gảy để có thể đàn các bài dân ca, tân nhạc, nhạc ngoại quốc, và nhạc đương đại(13)

*Về hình dáng cây đàn

Đàn thân tre thường dùng cho người hát xẩm

Đàn hộp gỗ là loại đàn cải tiến, có tính năng ưu việt hơn, thường do các nghệ sĩ chuyên nghiệp sử dụng. Đàn hộp gỗ có nhiều hình dáng, kích thước khác nhau, thường làm bằng loại gỗ nhẹ, xốp như gỗ ngô đồng… Loại đàn bằng gỗ vông được dùng phổ biến nhất.

*Que gảy đàn: thường được vót bằng tre, giang, thân dừa, gỗ mềm… Người ta hay làm bông hoặc tưa đầu nhọn một chút để làm mềm âm thanh khi gảy. Ngày xưa hay dùng que dài khoảng 10 cm, ngày nay với nhiều kỹ thuật diễn tấu nhanh nên người ta hay dùng que ngắn chừng 4-4,5 cm.

*Đàn bầu có âm vực rộng tới 3 quãng tám.

*Các tư thế diễn tấu thông thường nhất là đàn bầu đặt trên một cái bàn nhỏ (thường là hộp đàn có lắp 4 chân rời, trên mặt giá có 2 chỗ chặn để khi kéo đẩy cần đàn, đàn không bị di chuyển theo. Khi ngồi khoanh chân trên chiếu để đàn thì đầu gối chân mặt phải tì vào cạnh mặt đàn nhằm giữ cho cây đàn khỏi bị xê dịch. Ngày nay, các nghệ sĩ thường dùng tư thế đứng hoặc ngồi trên ghế để diễn tấu. Khi dó, đàn được đặt trên giá gỗ có các chốt định vị có độ cao tương ứng với vị trí ngồi của nghệ sĩ.

*Kỹ thuật bàn tay trái gồm ngón rung, ngón vỗ, ngón vuốt, ngón luyến, ngón tạo tiếng chuông

*Kỹ thuật bàn tay phải : với que gẩy ngắn 4cm, nghệ sĩ ưu tú Đức Nhuận đã phát minh ra lối kỹ thuật vê (teremono) trên 1 dây và đánh sử dụng bồi âm trên bồi âm.

Trong lịch sử nhạc cụ Việt Nam chưa có nhạc khí dân tộc nào của nước ta được thay đổi, cải biến nhiều như đàn bầu[cần dẫn nguồn].

*Cần đàn thay vì bằng tre thì nay bằng sừng để cho mềm dễ uốn hơn.

*Bầu đàn trước đây làm bằng vỏ bầu khô hoặc ống tre, gáo dừa, nay dùng sừng hoặc thông dụng nhất là tiện bằng gỗ để có thể bắt vít được.

*Que đàn từ chỗ dài khoảng 10 cm, nay thu ngắn ngắn khoảng 4 cm. Từ chỗ được vót bằng tre, giang; nay có thêm các chất liệu gỗ, dừa, sừng hoặc nhựa.

Theo nhạc sĩ Bùi Lẫm: vào thập kỷ 60, nghệ sĩ Mạnh Thắng là người sáng chế ra lối que gẩy ngắn, ông cũng là người đã cải tiến đưa phần khuếch đại âm thanh vào đàn bầu, và ông cũng là người đầu tiên đưa đàn bầu đi trình diễn quốc tế, mang giải thưởng cao quý cho Việt Nam. Sau đó, cũng với que gẩy ngắn này, nghệ sĩ ưu tú Đức Nhuận đã phát minh ra lối kỹ thuật vê (teremono) trên 1 dây và đánh sử dụng bồi âm trên bồi âm.

*Thân đàn  các phụ kiện Loại đàn cũ cần có thân to, mặt mỏng để tăng độ âm vang. Khóa đàn bằng gỗ. Loại đàn hiệ đại sử dụng công nghệ khuếch đại âm thanh điên tử có kích thước nhỏ hơn, khóa đàn bằng kim loại. Điểm cái tiến táo bạo nhất mà không một nhạc khí nào dám làm là loại đàn bầu dùng công nghệ điện tử có thể tách đôi, gập lại, xếp gọn khi di chuyển. Khi trình tấu, người chơi đàn có thể lắp ráp lại nhanh chóng.

*Hộp chứa đàn Ngoài chức năng để cất giữ, bảo vẹn đàn khi di chuyển đàn, hộp này vừa có hể dùng làm giá đỡ đàn với hai chốt chặn ở hai đầu, tiện lợi cho việc căng dây hoặc chùng dây khi chơi các bản nhạc có âm chủ khác nhau.

*Điện tử hóa : Các loại đàn bầu hiện đại được điện tử hóa bằng cách lắp các mobil cảm ứng điện từ nối với máy tăng âm và loa để khuếch đại âm thanh, được sử dụng phổ biến trong các dàn nhạc dân tộc Việt Nam chuyên nghiệp. Tuy nhiên, nhiều khán thính giả nước ngoài sành nhạc vẫn thích nghe trình tấu trên đàn « mộc » (không có bộ khuếch âm điện tử). Họ cho rằng âm thanh mộc nghe trong trẻo và « thật » hơn âm thanh được khuếch đại bằng kỹ thuật điện tử.

*Các bài bản cho Đàn bầu dựa trên các bài dân ca quan họ, lý, hát ru, dân ca cải biên, chèo, tuồng, múa rối nước, ca huế, đờn ca tài tử nam bộ . Ngoài ra còn đệm cho ngâm thơ, hoặc độc tấu , song tấu , tứ tấu , ngũ tuyệt, dàn nhạc giao hưởng dân tộc. Các nhạc sĩ Việt Nam đã sáng tác những bản cho đàn bầu như « Vì miền Nam » (Huy Thục), « Niềm Tin Tất Thắng » (Khắc Chí), « Hồi tưởng » (Xuân Thi), « Đối thoại » (Đỗ Hồng Quân), « Dòng kênh trong » (Hoàng Đạm), « Buổi sáng sông Hương », « Cung đàn đất nước » (Xuân Khải), « Gửi Thu Bồn », « Quê mẹ » (Khắc Chí), « Gửi Huế mến yêu » (Đình Long), « Gửi đến Ngự Bình » (Quốc Lộc), « Thoáng quê » ( Thanh Tâm), « Câu hát mẹ ru » (Phú Quang) v.v…

Những nhạc cụ một dây ở các quốc gia khác :

Trung Quốc có ĐỘC HUYỀN CẦM (獨弦) , Nhật Bản có ICHIGENKIN ()(nhứt huyền cầm). Ấn độ có GOPI YANTRA, Cao Miên có SADIOU. Tất cả những cây đàn một dây đó không có cây nào sử dụng bồi âm như ĐÀN BẦU của Việt Nam.

Nhìn chung , cây đàn bầu là nhạc cụ “đặc hữu” của Việt Nam từ rất xa xưa. Trong Đại Nam thực lục tiền biên (bộ sử của nhà Nguyễn) ghi cây đàn bầu đã được sáng tạo từ năm 1770, trải qua gần 250 năm , đặc biệt là từ năm 1956 (ngày thành lập Học Viện âm nhạc quốc gia Hà nội), đàn bầu được phát triển nhanh chóng với những khóa dạy đàn bầu ở học viện, những nghệ nhân trình diễn trong và ngoài nước, cải tiến đàn bầu từ hình dáng tới kỹ thuật, sáng tác bài bản mới, tạo một chỗ đứng cao cấp cho nhạc cụ này (được coi là « hoàng tử » nhạc cụ Việt Nam).

. Cây đàn bầu cũng từng được các nghệ sĩ mù ở Hà Nội dùng phụ đệm hát xẩm ở các chợ trời từ cuối thế kỷ thứ 19. Do đó đàn này còn được gọi là “đàn xẩm”. Đàn bầu được đưa vào dàn nhạc cung đình Huế từ cuối thế kỷ 19 và xuất hiện trong dàn nhạc tài tử Nam bộ từ năm 1930…

Việc Trung Quốc muốn « chiếm đoạt » nhạc cụ đàn bầu là của họ là việc họ thường làm với những truyền thống khác như « hát đồng song thanh Mông cổ khoomi » mà họ đã trình UNESCO cho là di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2009, làm cho xứ Mông cổ phản đối kịch liệt vì theo truyền thống Mông cổ , kỹ thuật này chỉ phát nguồn từ vùng Tây Bắc của xứ Mông cổ (Folk Republic of Mongolia) chứ không thể có ở Nội Mông như Trung Quốc tuyên bố. Năm 2010 xứ Mông cổ trình hồ sơ hát đồng song thanh khoomii cho UNESCO và được nhìn nhận là của xứ Mông cổ. Một chuyện khác là bản ARIRANG của Hàn Quốc đã bị Trung quốc dự định trình UNESCO để được tuyên dương là di sản văn hóa phi vật thể của Trung quốc vì họ có người Triều Tiên là sắc tộc sống ở Trung quốc . Nhưng ban nghiên cứu xứ Hàn Quốc đã phản ứng kịp thời và tổ chức hội thảo tại Seoul và tôi được mời tham dự hồ sơ này vào năm 2012. Và bản ARIRANG được UNESCO nhìn nhận là của Hàn Quốc vào năm 2014. Đối với việc muốn lấy đàn bầu là nhạc cụ của Trung quốc với lý do là Trung Quốc có một bộ lạc người Kinh sống ở xứ họ . Nhưng việc chuẩn bị để tước lấy đàn bầu đã được nghĩ đến từ lâu. Họ mới gởi nhạc công sang Viêt Nam học đàn bầu, mời một số nhà nghiên cứu sưu tầm tài liệu để viết về đàn bầu và đưa lên wikipedia để tuyên bố là đàn bầu là nhạc cụ Trung quốc chứ không phải vietnam . (12)
Nếu các ban nghiên cứu của Việt Nam không phản ứng (viện âm nhạc, và những nhà nghiên cứu việt nam không có phản ứng thì không sớm thì muộn nhạc cụ đàn bầu sẽ thuộc quyền « sở hữu » của Trung Quốc đứng về mặt pháp lý.

GS Trần Quang Hải
CREM (Centre de Recherche en Ethnomusicologie)
Université de Paris X – Nanterre, France

HÌNH ẢNH MỘT VÀI NGHỆ NHÂN ĐÓNG GÓP CHO SỰ PHÁT TRIỂN ĐÀN BẦU

mai-thu_1968

Họa sĩ MAI THỨ , PHÁP, 1958

thanh-tam-1_xpjq

NSND THANH TÂM, VIETNAM

Vanessa VÂN ÁNH , HOA KỲvan-anh-dan-bauxuan-hoach-va-dan-bau-co

NSND XUÂN HOẠCH , VIETNAM

pham-duc-thanh-dan-bau

PHẠM ĐỨC THÀNH , CANADA

khac-chi-hoang-bich-dan-bau

Khắc Chí và Hoàng Bích, CANADA

hai-phuong

NSUT HẢI PHƯỢNG, VIỆT NAM

Sách tham khảo

  • NGUYỄN XUÂN KHOÁT : « Le Đàn bầu » in Bulletin of the International Folk Music (IFMC) , vol.12, trang 31-33, London, 1960
  • TRẦN VĂN KHÊ : “ Le đàn độc huyền” in La Musique traditionnelle vietnamienne , Presses Universitaires de France (nhà xuất bản), Annales Du Musée Guimet, trang 133-139, Paris, 1962
  • TRẦN VĂN KHÊ : « Le đàn độc huyền » in Vietnam , les -traditions musicales, Buchet/Chastel (nhà xuất bản), trang 80-83, Paris, 1967
  • HOÀNG YẾN : « La Musique à Huế : Đàn Nguyệt et Đàn Tranh », in BAVH (Bulletin des Amis du Vieux Huế), trang 233-381,Huế, juillet-septembre 1919
  • TRAN QUANG HAI : The ĐÀN ĐỘC HUYỀN – monochord (from the book MUSIC OF THE WORLD, published by J.M.FUZEAU, Courlay, France, p.298-299, 1994
  • TR Ư ƠNG THI QU ỲNH H ẠNH : “Le đ àn bâu, monocorde vietnamie), Étude organologique et ethnomusicologique” (Đàn bầu : nghiên cứu nhạc cụ và dân tộc nhạc học). Thèse de doctorat en Ethnomusicologie, soutenue le 25 novembre 2009 à l’Université de Paris IV-Sorbonne (Maison de la Recherche), Directeur de thèse: François Picard, 1 volume (299 pages), 1 DVD, 1 CD
  • (9) SUN JIN : “Nghệ thuật đàn Bầu trong giai đoạn mới tại Việt Nam”, luận án tiến sĩ âm nhạc, bảo vệ tháng 8, 2015, Học Viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, 183 trang, Hà Nội, 2015 ( sách tham khảo tiếng Việt và Trung khá nhiều , tr.156-163)

http://www.vnam.edu.vn/NewsDetail.aspx?lang=&ItemID=891

  1. CHÍ TÂM : Chương trình TV Tiếng Tơ Đồng với Chí Tâm, “Nét độc đáo của đàn độc huyền” , Hoa Kỳ , 2011 https://www.youtube.com/watch?v=O9jt_pUOWbg
  2. HUỲNH KHẢI : Chương trình TV : Đàn Bầu tài tử 1: Tiếng độc huyền, TP HCM, 2007

https://www.youtube.com/watch?v=eeyXMaM71Os

  1. HÀ ĐÌNH NGUYÊN : Cần sớm khẳng định ‘chủ quyền’ với đàn bầu, báo Thanh Niên, 13.08.2016

http://thanhnien.vn/van-hoa/can-som-khang-dinh-chu-quyen-voi-dan-bau-733339.html

https://bachyencasiblog.wordpress.com/2016/08/07/tran-quang-hai-dan-bau-cua-viet-nam-hay-trung-quoc/

  • WIKIPEDIA : ĐÀN BẦU

https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%C3%A0n_b%E1%BA%A7u

NHỮNG VIDEO CLIPS trên YOUTUBE về đàn bầu

Có rất nhiều videos về đàn bầu do những nghệ nhân tên tuổi của Việt Nam như NSND Thanh Tâm, NSND Xuân Hoạch, NSUT Hoàng Anh Tú, NSUT Hải Phượng, Trà My, Hoàng Cầm, Khắc Chí, Đức Thành, Vanessa Vân Ánh, vv…. Cũng như các nhạc phẩm dân ca, tân nhạc , nhạc cổ điển tây phương , nhạc đương đại với đàn bầu cổ và cải biên .

Muốn xem gõ vào địa chỉ sau đây :

https://www.youtube.com/results?search_query=%C4%91%C3%A0n+b%E1%BA%A7u+vi%E1%BB%87t+nam

Nguồn:
https://tranquanghai1944.com/2016/10/22/tran-quang-hai-dan-bau-cua-viet-nam-hay-trung-quoc-2/?fbclid=IwAR3896EM2xGW5UoHtytKIiRIFGe6o6aGVcVkXol4qW_35enK9XK2pTXqxuE

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét