Than ôi! Quá đỗi sững sờ
Hỡi ôi! Vô cùng thảm thiết.
Đất Sài thành ba trăm năm phước địa
Miền Sài đô mấy thế kỷ nhân văn
Bỗng đâu một trận tan tành
Xót thương, kinh hãi, đoạn đành, trái ngang.
Rằm tháng Bảy lập đàn giải oán
Tiết Vu Lan thiết lễ kỳ siêu
Không gì hơn niệm thương yêu
Nguyện cầu dịch bệnh trừ tiêu nhẹ nhàng.
1/ Thương những người:
Mình mang blouse trắng
Theo nghiệp y khoa
Bao ngày thêu giấc mộng Hoa Đà
Mấy năm giữ nếp nhà Tuệ Tĩnh.
Khi gặp cơn dịch bệnh
Nguyện ở mãi tuyến đầu
Bịt kín thân mình ngày nóng đêm thâu
Xa mẹ xa cha gia đình phó mặc
Giữ vững lời thề Hy-po-crat
Mở lòng học hạnh Mạnh Thường Quân
Cuối cùng nhiễm bệnh gian truân
Tuyền đài thác xuống mịt mùng vì đâu.
Than ôi!
Những ước mơ đỗ đầu thành đạt
Thành lương y cứu thế độ nhân
Chừ ôm mối hận muôn phần
Bên kia thế giới ai cần nữa đâu!
2/ Lại thương kẻ:
Tuyến đầu tình nguyện
Phường huyện dân quân
Trực chốt ngày đêm đối phó kẻ bất tuân
Gian nắng sớm chiều ngăn ngừa người truyền nhiễm.
Giúp bao người tẩn liệm
Đưa lắm kẻ hoả thiêu
Kẻ ghét người thương giữ phận hẩm hiu
Dưới búa trên đe một điều nhiệm vụ
Rồi đêm ho sù sụ
Đến sáng thở thều thào
Lò thiêu đồng đội đưa vào
Bữa về tro cốt nghẹn ngào vợ con.
Than ôi!
Phận dân quân ba đồng ba cọc
Nghĩa công thần chín hiểm mười nguy
Suối vàng chừ lặng lẽ đi
Thân mình còn thẹn nghĩ gì người ta.
3/Lại thương kẻ:
Thương gia giàu có
Biệt thự xênh xang
Bả công danh phú quý mơ màng
Niềm kiêu hãnh vinh quang mộng mị.
Tài khoản dư tiền tỷ
Bất động sản còn đầy
Con vi trùng không có mắt ai hay
Dịch covid chẳng biết ngày mình chịu.
Bình ô-xy chẳng thiếu
Vắc-xin Mỹ có thừa
Tiền tài mua được gì chưa
Chừ treo mạng sống mây đưa suối vàng.
Than ôi!
Sống dành dụm chẳng đem bố thí
Chết để cho người khác giữ xài
Chừ than khóc dưới tuyền đài
Biết ai thấu nỗi niềm này hay chăng!
4/ Lại thương kẻ:
Văn nhân nghệ sĩ
Tạp kỹ xướng ca
Ánh hào quang sân khấu lan xa
Người nổi tiếng nhà nhà ngưỡng mộ
Tài mệnh thường tương đố
Nghiệp dĩ lại đa mang
Giọng hát tiếng cười bỗng hết ngân vang
Khúc nhạc câu thơ bàng hoàng chợt tắt.
Khán giả chừ vắng ngắt
Lò hoả chỉ một mình
Tro tàn một nắm buồn tênh
Người đi vào cõi mông mênh ngậm ngùi.
Than ôi!
Phết son phấn mua vui cuộc mộng
Sau ánh đèn trống rỗng hình hài
Cuộc đời một thoáng thu phai
Hoá thân cát bụi còn ai nhớ mình.
5/ Lại thương kẻ:
Tiểu sinh ở phố
Gác trọ sinh viên
Mang gạo cơm cha mẹ trợ duyên
Đổi bằng cấp kiếm tiền lập nghiệp.
Công danh còn chưa kịp
Sự nghiệp mảnh tình không
Tiền học tiền phòng trả nợ chưa xong
Bữa đói bữa no chẳng đồng bỏ túi.
Rồi giấc mơ tàn lụi
Dính dịch bệnh nguy nan
Lò thiêu một giấc mơ màng
Mẹ cha chẳng biết, họ hàng ở đâu.
Than ôi!
Tưởng vùi mặt cắm đầu chí dốc
Cũng giảng đường đại học như ai
Người về nhắn với tương lai
Ba sinh hẹn một kiếp mai tương phùng.
6/ Lại thương kẻ:
Công nhân lao động
Cuộc sống thợ thuyền
Có cửa có nhà nghề nghiệp tinh chuyên
Đầy đủ vợ con bạc tiền dư dã.
Bỗng đâu trời nghiệt ngã
Lệnh phong toả cách ly
Cả vợ cả chồng họ đến đem đi
Con cái ngác ngơ chuyện gì sẽ tới?
Rồi tuần sau người gọi
Hai hủ cốt đem trao
Rưng rưng nghẹn ngấn lệ trào
Thực đây hay giấc chiêm bao hỡi trời.
Than ôi!
Người mất đã không lời trăn trối
Kẻ còn không kịp đội khăn tang
Không bình hoa chẳng bát nhang
Trần gian cho đến suối vàng lạnh tanh.
7/ Lại thương kẻ:
Thị thành kiếm sống
Giấc mộng xa quê
Buôn gánh bán bưng nhiều ít nào chê
Bốc xếp xe ôm chẳng nề cực nhọc.
Mấy tháng trời chóc ngóc
Chẳng có một đồng lương
Chở vợ con ngàn cây số hồi hương
Vượt chốt chặn quyết tìm đường tháo chạy
Mơ màng trên xe máy
Bị tai nạn giữa đường
Khi nào một nắng hai sương
Giờ thân gió bụi dặm trường thảm thê.
Than ôi!
Kiếp tha phương não nề cầu thực
Xa mẹ cha làng xóm bạn bè
Ai trêu giấc mộng đêm hè
Tử sinh gió lọt qua khe bẻ bàng.
8/ Lại thương kẻ:
Lang thang đường phố
Vé số mưu sinh
Ngày rong rêu khắp hè phố thị thành
Đêm thấp thỏm dưới gầm cầu xó chợ
Có tiền ăn bát phở
Hết gặm đỡ bánh mì
Ngày qua ngày thân phận kể ra chi
Đêm từng đêm hão huyền gì đổi vận.
Rồi phát ho từng trận
Nằm chết ở bên đường
Phận hèn chẳng có ai thương
Lò thiêu đốt sạch dọn đường người đi.
Than ôi!
Một phận người ai bì chó kiểng
Kẻ thành nhân nở ví thú cưng
Kiếp sau nếu có tương phùng
Nguyện như gốc bá cội tùng một phương.
9/ Lại thương kẻ:
Buôn hương bán phấn
Cam phận bèo mây
Sống mua vui cho cánh râu mày
Đêm chuốc rượu rày đây mai đó.
Tương lai còn bỏ ngõ
Hiện tại sắc hương phai
Bám phố bám phường sương ướt hai vai
Khách sạn vũ trường lầu xanh quán đỏ
Nằm im trong gác trọ
Người đến quấn ni lông
Chất thùng đông lạnh như không
Lò thiêu một ngọn lửa hồng ra tro.
Than ôi!
Kiếp tầm gửi qua đò bến vắng
Phận cát đằng tay trắng khóc than
Nhân gian trót đã hoang đàng
Làm ma dưới chốn suối vàng sướng không?
10/ Lại thương kẻ:
Cửa Không Thích tử
Một bát ba y
Nguyện cô thân vạn lý thiên di
Biết Tứ đại vô thường khó tránh.
Ngày tinh chuyên giới hạnh
Đêm thiền tập kệ kinh
Từ thiện cứu người, sống chết xem khinh
Vô ngã vị tha giữ lòng thanh tịnh.
Rồi chẳng may vướng bệnh
Trút hơi thở ra đi
Chẳng tang lễ, chẳng linh di
Đệ huynh Thầy tổ làm gì được đâu.
Than ôi!
Sống đã chẳng mong cầu danh lợi
Chết cũng không kịp đợi nén nhang
Tây phương tâm hướng nhẹ nhàng
Tiện đây xin lập đàn tràng kỳ siêu.
Chủng covid gì nhiều quái lạ
Chẳng từ ai tất cả giàu nghèo
Sang hèn gì cũng nhóc nheo
Trẻ già trai gái bọt bèo như nhau.
Luật nhân quả trước sau như một
Bởi tham sân cùng tột ở đời
Chung quy cũng tại con người
Duyên sanh duyên hợp khóc cười bể dâu
Rằm tháng Bảy ai cầu Phật Tổ
Nước từ bi phổ độ quần sanh
Nguyện cho tất cả hương linh
Nương nhờ pháp Phật cõi lành an vui.
Thuỳ Ngữ Thất, Vu Lan 2565.
Nhất Thanh Thích Nguyên Hiền
Nguồn: FB Vĩnh Minh Tự Viện.
Phó tổng thống Mỹ sắp qua , đảng vội cho ông Phạm Bình Minh làm chủ tịch hội đồng tư vấn đặc xá. Lần này có lẽ sẽ trả tự do cho các nhà đấu tranh vì nươdc.
Trả lờiXóatạo duyên tạo nghiệp tạo tình, tạo thêm Cô-Vít để rình hại nhau, câu xin tâm Phật nhiệm-màu,xóa tan nganh-tị Nhân-gian được nhờ
Trả lờiXóaSự kiêu ngạo đã để lỡ mất giai đoạn vàng giữa hai đợt dịch bùng phát. Dự báo yếu, kịch bản chống dịch Covid sai nên bây giờ cả tính mạng người dân lẫn kính tế bị thiệt hại nặng nề
Trả lờiXóaKhông kém văn tế Thập loại chúng sinh (của Nguyễn Du) và văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc (của Nguyễn Đình Chiểu)
Trả lờiXóa